Pages

Monday, June 30, 2014

Biên Hòa Memories #156 / Đưa Em Vào Hạ / Thành An

Thương những người giết giặc ngày đêm...!

Những Trò Chơi Mùa Hạ Gọi Ký Ức Tuổi Thơ

Hè về, ai từng lớn trên lưng trâu, dậy thì với đồng lúa... sẽ không quên tuổi thơ tắm dưới cơn mưa rào, ăn kem mút 2 hào ngọt lịm.

Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, mùa gặt còn được gọi là mùa vui bởi đó cũng là thời điểm nghỉ hè. Kỳ nghỉ kéo dài 3 tháng từ tháng 6 đến hết tháng 8, để đầu tháng 9 tựu trường. Tạm gác lại sách vở với tiếng trống trường, trẻ em tha hồ chân trần chạy nhảy khắp đường làng, ngõ xóm đầy rơm rạ thơm nồng.

Những đứa trẻ lớn lên trên lưng trâu thường thuộc nằm lòng câu thơ của Giang Nam "Ai bảo chăn trâu là khổ?/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao" (Quê hương).

Quê hương nào cũng có một dòng sông của tuổi thơ. Chiều chiều thả trâu trên bến nước, lũ trẻ cởi trần thích thú nhảy ùm từ bờ đê, lan can cầu xuống sông, ngụp lặn đến đỏ ngầu mắt, mặt trời tắt hẳn nắng mới chịu trở về nhà.

Mùa hạ với những cơn mưa rào cũng là mùa tắm mưa của lũ trẻ. Quần áo ướt đẫm, đứa nào đứa nấy cười giòn tan trong cơn mưa chiều. Nước mưa trong lành, mát lạnh làm con đường đất ở quê trở nên nhão nhoẹt. Trẻ con tha hồ "trượt patin", rồi chạy ra mảnh ruộng săm sắp nước đi tìm bắt cá rô đồng. 


Mảnh ruộng còn trơ gốc rạ, mặt ruộng khô cong trở thành sân bóng cho lũ trẻ so tài.

Cây rơm bên góc vườn là nơi chơi trốn tìm lý tưởng của những cậu bé tuổi 9-10.

Nghỉ hè nhưng nhiều cậu học trò chăm chỉ vẫn không quên sách vở để chuẩn bị cho một mùa tựu trường mới.

Que kem mút 2 hào là món quà xa xỉ đối với trẻ. Kem 3 hào có thêm một hạt nho đỏ chót, ngọt lịm ở cuối que.

Kẹo kéo ngọt lịm, quấn quanh que tre hấp dẫn chẳng kém gì kem mút. Trẻ con ngày xưa rất chăm chỉ đi nhặt ve chai, để dành lông gà, lông vịt để đổi lấy kẹo.

Tháng 6 là mùa thả diều. Tuổi thơ nghèo khó không có tiền sắm những chiếc diều sặc sỡ, lũ trẻ dùng vở học sinh đã viết hết, bìa bao xi măng và khung tre để làm diều giấy. Cánh diều dán bằng cơm nguội, có gắn những thanh sáo gặp gió chiều thổi vi vu vẫn bay rất cao, rất xa.

Lúa chín rộ cũng là mùa châu chấu, muồm muỗm béo ngậy sinh sôi. Với vợt tự chế, lũ trẻ đi vợt châu chấu và biến chúng thành món "tôm bay" hấp dẫn trong ngày hè.

" Nhái bầu" (bên trái) cháu nội Hiền GC tắm ao phía sau vườn nhà
Ảnh:  bảy Hiền

Phương Hòa

Những Câu Nói Bất Hủ Vui Vui


1. Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản

2. Học đi đôi với hành, hành đi đôi với tỏi
3. Học…học nữa…học mãi………đuổi….nghỉ !
4. Không mày đố thầy dạy ai.
5. Nói tiếng anh như gió, gặp từ khó….ta bắn sang tiếng Việt.
6. Không phải người đàn bà nào cũng đẹp và không phải người đẹp nào cũng là đàn bà !
7. Xăng có thể cạn, lốp có thể mòn, nhưng số máy, số khung sẽ không bao giờ thay đổi.
8. Bạn có thể là anh hùng, nếu bạn tên là Hùng và có 1 đứa em.
9. Bạn có thể là bác sỹ, nếu bạn tên Sỹ và bạn có 1 đứa cháu.
10. Khi có một con mèo đen đi qua trước mặt bạn thì điều đó có nghĩa là nó đang đi đâu đó.
11. Yêu nhau không phải là ta nhìn nhau mà là cùng nhau nhìn về….chiếc xe dựng gốc cây kẻo kẻ gian chôm mất.
12. Khi bạn ở bên một người mà thời gian trôi qua thật nhanh còn khi xa người đó thì thời gian trôi qua thật chậm, thì đó là lúc bạn phải đem đồng hồ đi sửa.
13. Bầu ơi thương lấy bí cùng…mai sau có lúc nấu chung một nồi.
14. Tài sản lớn nhất của mỗi người là tình bạn, đặc biệt là với những bạn có tài sản..
15. Tôi có thể cưỡng lại tất cả mọi thứ …trừ sự cám dỗ.
16. Sống là phải cho đi ! Hãy cho đi tất cả để rồi nhận ra rằng : đòi lại là rất khó.


Sưu tầm 

Nói Dối, Lối Sống Cộng Sản - Vi Anh


Kinh hoàng những con số về nói dối của học sinh, sinh viên Việt Nam trong thời CS. Học sinh cấp I, 22%, cấp II, 50%, cấp III, 64%, và sinh viên 80% nói dối cha mẹ! "Tỷ lệ này tăng phi mã, càng học lên cao càng thạo nói dối", nói dối ngay trong giai đoạn còn "tuổi ngọc, mới rời nôi 'nhân chi sơ' chưa được mấy năm mà các em đánh mất 'tính bản thiện'!". Và trong "nỗi ngạc nhiên đến xót xa ấy", Ô. Nguyễn quang Thân viết trong bài "Ai dạy trẻ nói dối" báo động về "kết quả sững sờ" được Đài Á châu Tự do dùng để điểm blog cho biết, "mọi người vẫn muốn tự vấn" dù câu trả lời "đã có sẵn", đó là: cái thói giới trẻ nói dối này từ đâu ra.”


Mới nghe những con số nói dối kinh hồn của học sinh, sinh viên VN, người viết bài này không dám tin lổ tai mình, nên phải sưu khảo. Đọc kỹ lại bài, xem kỹ lại nguồn tin, tìm hiểu kỹ tài liệu, thì thấy những con số kinh hoàng này nói có sách mắch có chứng. Đó là kết quả sưu khảo của Trung tâm Xã hội học VN, của Đảng Nhà Nước VNCS, chớ không phải của những người dân Việt ăn ngay, nói thẳng, nói thật về tình hình, thời sự VNCS nên bị CSVN chụp mũ là ‘lực lượng thù địch” trong Nghị Quyết 36 của CS Hà nội.


Không lẽ CS Hà nội lại đi nói xấu CS Hà nội nên có đủ lý lẽ để tin những con số kinh hoàng này là có thật. Và con số thực tế có thể còn tồi tệ hơn nữa là đằng khác vì thói quen của CS là ‘bao che’ nhưng cái xấu CS. CS sợ phạm huý nên dùng chữ ‘tiêu cực’ dịch từ chữ negative của Mỹ. Và từ đó người Việt thấy tội nghiệp cho hoc sinh, sinh viên Việt Nam sanh ra, lớn lên trong thời CS, bị chế độ CS ‘cải tạo, giáo dục, đào bồi’, thuần hoá theo “văn hoá” (chữ dùng của CS) hay lối sống (chữ thường dùng của người Việt) nói dối.

Theo xã hội học, gia đình là tế bào của xã hội. Cha mẹ là những người ruột thịt trong nhà, ngoài xã hội suốt đời của một người. Trường học nói chung là môi trường xã hội hoá đầu đời của một con người. Xã hội là nơi con người sống với người khác. Ba môi trường này có tương quan cơ hữu với nhau. Chế độ chánh trị chi phối và bao trùm cả ba môi trường này. Học sinh, sinh viên dối cha, dối mẹ tỷ lệ kinh hồn như trên trong thời CS không thể không nói không do chế độ chánh trị - người dân VN nằm trong chế độ độc tài toàn diện của CS ngoài Bắc hơn nửa thế kỷ, trong Nam hơn một phần ba thế kỷ, tính ra hai ba thề hệ xã hội học.

Chớ thời trước CS, thời chánh quyền của người Việt Quốc Gia, học sinh, sinh viên đâu có tệ lậu như vậy. Ngay thời Pháp Thuộc tám mươi mấy năm, học sinh sinh viên Việt Nam, chính những người CS thời Việt Minh cũng ca ngợi “Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau”, và Bộ Thuộc Địa Pháp cũng thừa nhận con đường đi Pháp là con đường chống Pháp.

Còn thời VN Cộng Hoà, chính sách giáo dục Việt Nam Cộng Hoà coi môn Đức Dục là môn học không thể thiếu được đối với học sinh, được đưa vào các lớp tiểu học là nền giáo dục căn bản nhứt của con người. Lớp nào cũng treo câu cách ngôn ‘Tiên Học Lễ Hậu Học Văn’, mà thành thật là nồng cốt của lễ, của đạo người ta ở đời. Nên học sinh, sinh viên không dối trá kinh hồn như thời CS, với tỷ lệ phản đạo đức quá cao như vậy.

Học sinh, sinh viên thới CS sở dĩ dối trá kinh khủng như vậy vì không dối thì không sống nổi trong chế độ CS. Lớp trẻ này bị tiêm nhiễm lối sống nói dối để sống với CS, trong thời CS ngay trong gia đình với cha mẹ bị ‘văn hoá nói dối” của CS truyền sang, áp đặt.

CS cai trị bằng tuyên truyền dối gạt và khủng bố để củng cố tuyên truyền. Ngây thơ nói thật là chống lại đảng; chống lại đảng là tiêu tùng. Phụ huynh học sinh phải buôn “chui”, bán lậu, hối mại quyền thế, tham ô để sống, gia đình cơm no, áo ấm khi đồng lương tháng nhà nước trả ăn sáng không đủ. Cô giáo, tiểu học phải giảng bài nói dối theo sách của Đảng, phải bắt học sinh học thêm, phải làm dối cho điểm thêm để kiếm thêm tiền thì nói dối đó là ‘phụ đạo’. Giám khảo chấm bài thi phải cho điểm dối để học sinh đậu nhiều, tỷ lệ cao đạt ‘tiêu chuẩn trên’ qui định.

Con cái thấy phụ huynh mình, thầy cô mình nói đối để sống còn, nhập tâm thành bài học đầu đời khi vào trường “triễn khai” tật xấu ấy để “tồn tại’. Và khi ra đời “triễn khai” hơn nữa để sống cho phù họp với văn hoá nói dối của CS để khỏi bi trù dập vì nói và làm khác Đảng.

Ở bầu thì tròn ở ống thì dài, đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Lối sống hay văn hoá CS thống trị là nói dối và khủng bố thì người dân bị trị phải tuỳ theo để sống, nếu không sẽ chết, chết vì đói nghèo, chết sinh mạng chánh trị với CS.

Vì CS bản chất, bản tánh là nói dối, luôn dùng chiến thuật kêu gọi phê bình, tự phê, góp ý, kiến nghị là để dụ dân chúng nói thật, dụ dân chúng trăm hoa đua nở, không phải để Đảng Nhà Nước sửa chữa, mà để triệt tiêu mầm móng chống Đảng.

Mới đây báo Pháp có phân tích cái kiểu CS dụ nói thật để bắt người này, của Chủ Tịch Đảng Nhà Nước TC là Tập cận Bình như sau. Nhật báo Le Figaro cho biết Ô. Bình kêu gọi toàn đảng toàn dân theo gương Mao Chủ Tịch tự phê bình và tố giác hành vi sai trái.Theo Tờ Nhân dân nhật báo (tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc), Đảng Nhà Nước đã chuẩn bị trước các buổi xưng tội từ tháng bảy vừa qua để đưa lên truyền hình phát toàn TQ.

Nhưng ở TC một tỷ mấy người ai cũng biết Mao Trạch Đông đã dùng hình thức phê bình và tự phê này làm một công cụ đáng sợ nhằm thanh trừng trong nội bộ Đảng Cộng sản và loại bỏ những thành phần đối lập với ông.

Và Tập cận Bình không khác Mao Trạch Đông dùng ngón nghề này để thanh trừng nội bộ như diệt Bạc hy Lai, bí thư Trùng Khánh, uỷ viên Bộ Chánh Trị, cũng hoàng tử đỏ như Ông.

Trong Đảng với nhau mà CS còn làm dối, nói dối để giết nhau, khủng bố nhau như vậy, thì người dân đâu có dại gì nói thiệt, để chết hay sao. Thế cho nên người dân bị CS ‘cải tạo’ phải sống theo ‘văn hoá’ nói dối của CS./. 

Vi Anh

Sunday, June 29, 2014

Perrocquet - Con két

Perroquet ...
A voir de plus près!!!
Très joli !... et c’est un oiseau rare !
 Ceci n'est pas un perroquet. Ce n'est pas non plus un ara rouge, pour être plus précis.
(Con Vẹt ...  
Hãy cố gắng nhìn gần và thật kỹ hơn !  
Rất đẹp!  ... Vì là một loài chim hiếm !  
Thật ra đây không phải là một con vẹt. Chính xác hơn đây cũng không là con vẹt có đuôi dài màu đỏ.)


Regardez de plus près... Non, vous ne rêvez pas, il s'agit bien d'une femme couverte de peinture par l'artiste d'origine italienne Johannes Stötter, qui a remporté le titre de Champion du monde de peinture corporelle en 2012. Il faut BIEN regarder !
Surprenant, quand on sait que ce n'est pas un perroquet, on ne voit plus le perroquet, ou difficilement !

(Khi xem kỹ hơn ... Không, bạn không nằm mơ đâu, thực ra đây là hình của một phụ nữ được bao phủ bởi một lớp sơn bởi nghệ sĩ người Ý Johannes Stötter, người đã giành danh hiệu vô địch thế giới body painting 2012. NÊN xem!  
Đáng ngạc nhiên hơn khi bạn xem thấy ra đây không phải là một con vẹt, chừng đó bạn không còn có thể nhìn thấy con vẹt, hoặc khó khăn mà nhận ra được con vẹt nữa ! )

Thanh Ly sưu tầm 

Chuối Lát Nướng, Quà Quê Thơm Thảo


Thấp thoáng đây đó nơi góc phố Sài Thành nhộn nhịp, những gánh hàng rong nho nhỏ luôn đầy ắp chuối lát nướng – món quà quê thơm ngon, hấp dẫn mọi lứa tuổi.
Với khí hậu nhiệt đới, cây trái ở nước ta phát triển tốt tươi, đặc biệt là cây chuối. Từ những buồng chuối chín cây thơm ngào ngạt, qua bao thế hệ người ta đã sáng tạo chế biến ra rất nhiều món ăn ngon. Trong vô vàn quà vặt được sáng tạo từ chuối, phải nhắc đến chuối lát nướng – món quà dân dã nhưng thể hiện đặc sắc nhất hương vị ngọt ngào của loại trái cây này.

Chuối lát nướng thường được chế biến từ loại chuối vừa chín tới để có độ dẻo và dính. Những người thợ làm bánh sẽ xắt chuối thật khéo làm sao cho vừa đủ mỏng để khi nướng lên bánh có độ giòn, ăn không thấy ngán, mà lại không bị rách khi kết thành những miếng lớn. Vốn thơm và ngọt sẵn nên chuối lát không cần phải thêm bất cứ một loại gia vị nào. Sau khi cắt mỏng, những miếng chuối tươi này sẽ được đem phơi ngoài nắng cho khô, thời gian phơi bao lâu còn tùy thuộc vào thời tiết của từng ngày. Chuối sau khi phơi khô sẽ xếp chồng lên nhau thành miếng bánh lớn rồi đem cất vào nơi khô ráo, khi nào ăn mới lấy ra nướng cho dậy mùi thơm. Gọi là nướng nhưng chỉ cần lật qua, trở lại vài lần trên bếp than hồng là có thể dùng được. Do miếng chuối khá mỏng, nên phải trở đều và nhanh tay để bánh ngả màu vàng nâu tự nhiên trông rất quyến rũ.

Không chỉ trẻ con mới mê chuối lát nướng mà ngay cả những cụ lớn tuổi cũng thích được ngồi trên chiếc ghế nhỏ con, vừa đàm đạo cùng “chiến hữu”, vừa đợi những mẻ bánh nóng hổi mà cô bán hàng đang thoăn thoắt trở tay trên bếp than hồng. Phải ngồi kề bên mới cảm nhận hết mùi thơm từ lát chuối nóng hổi mới ra lò cùng thú vui “vừa thổi vừa ăn”. Chuối lát sau khi nướng vừa dẻo vừa giòn, cắn vào nghe vị ngọt thanh tan dần nơi đầu lưỡi. Bởi thế món này được nhiều người thích, không riêng gì học trò mà nhân viên công sở cũng tranh thủ lúc đi ăn trưa, tạt qua gánh hàng rong mua dăm ba miếng mang về cả phòng cùng thưởng thức.


Chuối lát nướng có thể giữ lâu nên nhiều người mua chuối lát nướng sẵn đem về nhà; cất trong hũ sành hoặc hũ nhựa, để dành mỗi sáng đem ra nhâm nhi với tách trà hay ngày cuối tuần ngồi nhà vừa xem phim vừa ăn cho vui miệng. Thỉnh thoảng, có khách đến chơi nhà, pha bình trà ngon, mời dùng miếng chuối lát nướng thơm phức, giản dị mà không kém phần thân mật. 

Bảy Hiền sưu tầm
Theo Món ngon Việt Nam

Cũng Kiếp Người

Cám ơn anh lính thủy

Xứ Ta Tự Do Nhất Quả Đất !


Ai nói chi nói, tôi thấy về tự do, Việt Nam ta nhất quả đất. 

Nhiều lề đường tại trung tâm thành phố "tự do" biến thành hàng quán - Ảnh: Công Nguyên

Hàng xóm tôi có người qua đời. Suốt tuần, ban ngày trống chuông, dứt chuông thì một đoàn mấy chục các bà, các cô cùng nhau tụng niệm Nam mô A di đà Phật vang lừng cả xóm. Mà chỉ duy nhất câu đó tụng liên tục chừng 3 tiếng mới thôi.

Cũng hàng xóm tôi xây nhà. Gạch, cát, xi măng đổ đầy lối đi chung.  Lối vô xóm vốn rậm rạp cây cảnh, hoa nở bốn mùa, giờ cây lụi, hoa tàn.
Ở Đức, bạn tôi kể, trồng cây trong vườn nhà mình nhưng nếu cây đã cao hơn 3 m mà muốn chặt thì phải qua một đống thủ tục: làm luận chứng trình bày vì sao cần chặt; luận chứng thứ hai trình bày sẽ trồng lại ít nhất số cây bằng số cây xin chặt, mà phải chờ đến khi cây mới được trồng nảy lộc, có chứng cứ đàng hoàng mới được chặt cây cũ. Nếu không trồng lại trong vườn nhà mình thì phải tính chuyện thuê đất ở đâu để trồng cây mới. Thủ tục không do ở cấp phường, xã mà phải lên tận cấp tỉnh, cấp thành.

Ở ta cần quái gì nhiêu khê vậy. Cổ thụ bên đường nhưng cản mất quán cháo lòng vỉa hè của ta, a lê chặt béng. Đóng vài cái đinh mấy chục phân vô thân, đổ hóa chất vô gốc, đơn giản nhẹ nhàng mà cổ thụ nào cũng chết thẳng cẳng. Không thì tận dụng treo vài cái bảng quảng cáo toòng teng đại loại ở đây có cháo lòng tươi cũng đạt hiệu quả kinh doanh lắm. Muốn sinh động treo vài lồng chim. Người đi ở dưới chim ị trên đầu, chẳng sao, một chút thiên nhiên giữa thành thị, càng thêm thơ mộng.

Dưới gốc cổ thụ, cứ thả vài con gà bới đất cho bớt nhung nhớ hương đồng gió nội. Quán nhậu quán ăn rửa chén ngay đó càng hay.
Nấu than tổ ong để trong nhà khói chịu sao nổi. Các mợ nên bưng ra lề đường, tha hồ quạt hùng hục cho khói buồn vương lên cây, thoải mái nướng, hầm, đun nấu. Trẻ con mắc tè thì trật quần ngay đấy, mẹ một tay đảo nồi thịt một tay kéo quần cho con càng nhanh. Các cậu thì hào sảng cởi trần mặc xà lỏn vác ghế nhựa ngồi bên cạnh nhồm nhoàm, càng tươi ngon, càng nóng sốt. Thỉnh thoảng vài con chó lãng du ghé lại ị một bãi. Ôi thật là bức tranh gia đình đẹp đẽ, hòa bình thay, người và vật chung sống giữa thiên nhiên!

Nấu xong kiếm cái cống thoát nước gần đấy mà đổ rác. Nhà ai gần kênh rạch thì sáng tinh mơ dậy tập thể dục tiện thể xách bịch rác quăng vèo xuống sông. Rồi về nhà, ta nhớ vừa bịt mũi vừa hát "Chảy đi sông ơi" nhé!
Sáng sáng ta tung tăng mặc đồ bộ chạy vung vẩy cho khỏe người. Không nên chạy trong công viên. Ta hãy cứ lề đường mà chạy. Tiện lợi vô cùng: mua mớ rau, con cá, miếng thịt. Lượm vài cái áo hàng sale. Chỗ này giỏ xách, bên kia giày, đồ cũ, đồ xưa, đồng xu, đồ thờ, điện thoại, sửa khóa, sách dạy làm người...  Lề đường thành phố ta cái gì cũng có, chỉ trừ lối đi!

Chẳng sao, cổ nhân đã dạy: Trong lòng đường thực chất không có đường. Người ta chạy xe mãi trên lề cũng thành đường thôi!
Sáng đã vậy. Tối ta cũng cần cắm cái tăm vào miệng, giắt áo vô quần đùi rồi xoa bụng đi dạo. Bộ môn thể thao mạo hiểm này giúp ta phản xạ lanh lẹ: dưới chân ta có chuột chết; ngang mặt ta có bãi đờm anh đẹp trai phóng SH qua nhổ lại, có bịch nước mía từ trên trời rơi xuống, có vỏ hộp xôi ngang hông lao tới. Cần chi lên Phong Nha hay Sơn Đoòng leo núi khám phá hang động tốn tiền? Ngay thành phố này, ngày ngày ta đã có vô vàn cơ hội miễn phí để luyện trí não sáng suốt, cơ bắp dẻo dai đó thôi?

Đi xe đò ở ta cũng hay. Thích thì ngồi ghế. Không thích ghế thì chui dưới hầm. Ấm. Không bụi bặm. Tài xế thích thì chạy, buồn buồn thì kiếm anh cảnh sát hất lên nắp capô chơi. Dọc đường thích thì ghé vô trạm dừng, không thích thì đứng ngay bên đường, vừa xả nước cứu thân vừa chun mũi hưởng hương đồng gió nội. Thích thì đèn đỏ dừng lại, không thích cứ phóng thẳng. Nếu xui gặp thằng container đang lao qua ngã tư thì trước khi chầu giời nên nhớ chẳng qua tự do của nó lớn hơn của ta thế thôi.

Nếu phải ra tòa ở Bình Thuận, ta hoàn toàn tự do: thích đứng thì đứng, thích nằm thì nằm. Tòa còn cho ta mượn cái giường xếp nằm rất êm. Khi chủ tọa kết tội, ta thích nghe thì nghe, không thích nghe thì ngủ. Ngủ là biện pháp cải tạo rất hiệu quả, rất tiết kiệm. Chưa có kết luận nào tuyên bố người ta phạm tội trong khi ngủ cả.
Tự do không chỉ dành cho người. Tự do còn dành cho muôn loài. Ta ngồi thưởng thức đĩa cơm tấm đêm Tân Định, dưới chân ta chuột cống cũng phè phỡn tiệc tùng. Ta ra chợ mua trái thơm gọt sẵn vàng ươm nhớ nhường đường xe rác nước rỉ ròng ròng. Trên đó vài trăm chú gián ngây thơ đang đi dạo.

Tự do không chỉ trong đời sống. Tự do còn tuyệt đỉnh trên truyền thông. Ta đọc bài người phụ nữ nọ đẻ ra con đỉa đường kính 5 phân, chưa hết khâm phục thì nhảy ngay ra bài bố chồng dính chặt nàng dâu, lại có cả ảnh và chứng thực của hàng xóm. Ta đang còn xuýt xoa, bỗng đâu sét đánh ngang tai, một cái tít trịnh trọng thông báo người đẹp kia một ngày mần ăn đến 30 cú với tài xế taxi, bổn báo hãnh diện khoe rằng bổn báo có nạn nhân, có cả clip..
Và đặc biệt chúng ta tự do và sáng tạo trong thực phẩm. Có hạt dưa nhuộm màu công nghiệp, có bún tẩy trắng bằng Tinopal, có rau muống xanh nhờ tưới bằng nhớt, nước rửa chén và hóa chất. Có gà bơm nước. Có dưa hấu chích ngọt. Có cá ướp urê. Có rượu pha cồn chuyên dùng đánh vecni..

Kể sao xiết những kỷ lục tự do của đất nước chúng ta?
Nói đến đây, tôi lại vô cùng bái phục slogan của ngành du lịch. Thật thâm sâu, ảo diệu! Đây - chúng tôi điểm đến của thiên niên kỷ mới. Đến và xếp hàng mua vé lẹ lên, chứ những loài như vầy, giờ còn hiếm lắm!

Hoàng Xuân

Tháng Sáu Thiêng Liêng - Trầm Vân

 Cảm tác của anh TV, qua bài thơ của chị Sương Lam : 
" Con Nên Hiểu " đăng ngày 18/6/14

Friday, June 27, 2014

Russian Car Ad On Ice

Mời quý bạn xem màn quảng cáo xe trên sân trượt tuyết. Rất hay!
This is an amazing car ad on ice. You'll like it.

Sống Đầy


Giữa lúc dòng đời anh trôi qua như một dòng nước lững lờ, một hôm có người bạn tên Vy cho anh xem một trang mạng thú vị. Trang mạng ấy có một chiếc đồng hồ điện tử được lập trình để đếm thời gian còn lại của đời người. Chỉ cần điền một vài thông tin cá nhân vào, nó sẽ ước tính người ấy còn bao nhiêu ngày tháng để sống. 

Nhưng, trò chơi ấy đã thay đổi thái độ sống của anh khi anh nhìn chiếc đồng hồ đếm thời gian đời anh đang giảm xuống. Một giây hai giây ba giây… mười giây… năm mươi giây,… thoáng một cái đã hết một phút hai phút ba phút, rồi một giờ hai giờ ba giờ… Mới đó mà anh đã mất hơn mười ngàn giây trong quỹ thời gian sống trên đời của anh. Có những người trên đời này chỉ mong sống thêm vài phút để nói một lời cảm ơn, để ngỏ một lời xin lỗi, để trao một nụ cười cuối cùng mà không được. Anh giật mình, hốt hoảng. Vậy là anh đã sống được nhiều thời gian lắm rồi và thời gian đang trôi qua vùn vụt, vùn vụt. Càng lớn tuổi thì ngày tháng càng tăng tốc. Mình phải sống khác đi thôi, anh tự nhủ. Từ ngày ấy, anh quyết định sống thật đầy thời gian của mình. Sống đầy có cái lợi là làm cho người ta đẹp lên và bình an hơn.Chỉ là một trò chơi vô thưởng vô phạt? Có thể!
Ngày của anh hôm nay thật khác xưa.

Buổi sáng thức dậy, anh cảm ơn Trời Cao đã gìn giữ anh qua một đêm an lành và đang ban tặng thêm một ngày mới để anh tiếp tục yêu và được yêu.
Anh đánh răng, những chiếc răng thưa thớt dần và thỉnh thoảng vẫn tấy đau. Anh chép chép miệng thưởng thức vị mát của kem đánh răng, cầu nguyện cho những người không còn gì để đánh.
Mặc chiếc áo thun màu vàng, anh thầm cảm ơn cô bạn học ngày xưa hôm bữa gặp được đợt bán quần áo rẻ đã mua tặng để anh đi làm. Anh cầu mong cô ấy có một ngày an vui.

Anh làm nghề thợ hồ, một trong những nghề vất vả nhất. Ngày xưa anh hay so sánh mình với kẻ khác để rồi tự ti mặc cảm, chán nản. Hôm nay, mỗi lần khuân vác từng viên gạch, xách từng xô cát trộn xi-măng, anh cảm ơn Trời Cao vì anh đang có công ăn việc làm. Công việc khuân vác không còn là gánh nặng mà là cơ hội tập thể dục cho khỏe thân thể! Vừa khỏe vừa có tiền! Ngày xưa anh chỉ thấy những gạch đá gồ ghề nặng nhọc. Bây giờ anh tự hào khoe với bạn bè rằng anh đang góp tay xây dựng những mái ấm. Anh cầu nguyện cho những ai thất nghiệp, muốn làm mà chẳng có việc làm.
Một ngày cuối thu, có người bạn mời anh đi ra thủ đô dự đám cưới của người thân. Người bạn đài thọ vé máy bay cho anh. Lần đầu tiên đi máy bay, cảm giác hay hay lạ lạ. Lúc lơ lửng qua những đám mây muôn hình muôn vẻ biến hóa, anh dâng lời tạ ơn Trời Cao đã thương ban cho anh một cơ hội bay lên. Anh nhớ đến những ai không có phương tiện đi lại, chẳng hạn cô Sáu trong làng suốt ngày phải đi bộ và hầu như chưa bao giờ đặt chân đến chốn phố thị phồn hoa tráng lệ.

Thế rồi kinh tế lâm vào giai đoạn khủng hoảng, anh bị thất nghiệp. Gia đình phải thắt lưng buộc bụng. Vì mưu sinh anh đi xin việc ở các nơi. Nhiều ngày tháng trôi qua mà vẫn chưa tìm được. Nhưng anh không bực dọc nản chí vì anh tự nhủ đây là một cơ hội để anh nghỉ ngơi, chăm sóc những lãnh vực khác của cuộc sống mà lúc có việc anh không đủ thời gian để ngó ngàng.

Mỗi lần trời trở lạnh, chứng phong thấp lại hành hạ anh. Các khớp xương cứ thi nhau mà mỏi mà đau. Thay vì than thân trách phận như ngày xưa, bây giờ anh không những bình tâm đón nhận giới hạn con người mình  mà còn cảm tạ Trời Cao cho anh biết đau để anh được lớn lên hơn trong sự nhạy cảm đối với nỗi đau của tha nhân.
Nơi anh làm việc, người ta chưa có ý thức lắm về việc giữ gìn vệ sinh công cộng. Nhiều lần khi đi vệ sinh thấy có người bỏ giấy ra ngoài giỏ đựng rác, anh cúi xuống lượm cho vào giỏ, cảm thấy mình đã chiến thắng được sự bực dọc cũng như thái độ dửng dưng mặc kệ coi như không thấy gì.

Lần nọ anh đi xe máy, có người lái xe cẩu thả quẹt vào xe anh. Người đó không biết lỗi còn lớn tiếng chửi thề. Nếu chuyện ấy xảy ra trước đây thì có lẽ anh đã không tha cho hắn. Nhưng hôm nay anh chỉ nhìn nhẹ, không để những lời nói gió thoảng mây bay làm bận tâm, tiếp tục con đường của mình. Anh cầu nguyện cho hắn bình tĩnh lại kẻo sẽ gây tai nạn mà khổ.
Thỉnh thoảng trên đường đi làm về, anh gặp những người hành khất vãng lai. Nếu có chút gì thì anh tặng họ, vừa tặng vừa cảm ơn vì trong thâm tâm anh họ đang làm phước cho anh có một cơ hội để trở nên vị tha hơn. Nếu không có vật chất, anh trao một nụ cười thân thiện và xin lỗi. Rồi anh thầm cầu nguyện cho họ đủ no ấm.

Vào ngày cuối tuần, anh dành thời gian chăm sóc đời sống tâm linh của mình. Hôm nào đi nhà thờ thấy ghế trống nhiều anh cầu nguyện cho những người không thể đi Lễ, hi vọng họ thuận buồm xuôi gió trong mọi sự. Anh cũng nhớ cầu nguyện cho những người không muốn đi Lễ sẽ tìm lại được ý nghĩa tốt lành của Thánh Lễ. Những ai thiếu sốt sắng, anh mong họ được bình tâm tin tưởng vào tình yêu không bao giờ thay đổi của Chúa. Anh cảm tạ Chúa vì có Người luôn bên anh để giữ gìn hơi ấm tâm hồn anh. Anh trân trọng những giây phút được ngồi thinh lặng cầu nguyện vì nhờ đó anh sống được những giá trị tốt đẹp để tinh thần an vui, chẳng hạn như tha thứ, bao dung, nhẫn nại, cảm thông, hi sinh, lạc quan, dũng cảm,…
Sau Thánh Lễ, anh có thói quen ghé vào công viên ngồi đọc sách. Anh thầm cảm ơn tác giả đã viết sách. Ngắm người qua lại trên đường, anh cầu mong cho họ luôn tìm thấy bình an hạnh phúc trong cuộc sống.
Nhìn từ bên ngoài vào bằng cặp mắt bình thường sẽ thấy cuộc sống của anh cũng như mọi người. Nhìn từ trong ra qua đôi mắt của anh, đất trời ngập chìm trong ân sủng, tất cả mọi trường hợp là những cơ hội để sống tròn đầy.

Sưu tầm

Chú Thoòng Vượt Biên - Hùng Cường

Mời quý bạn cười thư giãn với một màn hài hước do cố nghệ sĩ Hùng Cường biên diễn

Người Việt Gốc Mỹ - Nguyễn Thế Thăng


Tác giả Nguyễn Thế Thăng tốt nghiệp khóa K2DH/DH/CTCT, định cư tại Mỹ 1992, diện HO 13, hiện là cư dân tiểu bang Oregon.
Công việc: Sỹ quan điều hành tổ thông dịch viên của Lực Lựơng Phòng Vệ thuộc Vệ Binh Quốc Gia, Oregon, cấp bậc Thiếu Tá.
(Oregon Army National Guard/State Defense Force/Interpreters Team/X.O) (ORANG/SDF/Interp. Team/XO).
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện về một người bạn cựu chiến binh Mỹ tự xưng là “người Việt gốc Mỹ”.

Tôi biết Mike khoảng hai năm sau ngày đặt chân lên đất Hoa Kỳ. Dù hành trang sẵn có chút ít tiếng Anh từ trước 1975, tôi vẫn phải vất vả hội nhập vào xã hội mới bằng những bước chân chập chững, e dè trong độ tuổi "bất hoặc".

Thật may mắn, tôi tình cờ được gặp và quen biết Mike. Anh đã cho tôi một cái nhìn khá bao quát nước Mỹ từ phong tục tập quán đến văn hóa xã hội lẫn chính trị. Mike đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cả vật chất tinh thần để tôi có được một nghị lực, niềm tự tin, sự phấn khởi tràn trề khi bắt đầu nửa cuộc đời còn lại nơi tha phương, đất khách. 

Trong buổi họp mặt cựu Chiến Binh nhân dịp Memorial Day của State Guards Association of U.S (SGAUS), bàn của tụi tôi rất ồn ào với đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất, vui nhất là những chuyện tiếu lâm xoay quanh đời sống thường nhật của người Mỹ, đặc biệt lớp tuổi về hưu phải đương đầu với nhà dưỡng lão, bệnh tật, nhất là bệnh lãng trí Alzheimer....

Hôm ấy, tôi kể chuyện một đôi vợ chồng già, Bác Sĩ nói với người vợ: tôi thấy sức khỏe ông nhà ngày càng khá hơn khi ông tìm được niềm vui nơi Thượng Đế, tin tưởng nhiều hơn vào Chúa Quan Phòng, đến nỗi, ông nghĩ Chúa đang theo giúp đỡ ông trong mọi việc, trong từng bước chân đi. Ông nói với tôi, đêm qua, khi ông vừa mở cửa nhà vệ sinh để đi tiểu thì Chúa bật đèn lên cho ông liền....
Bà vợ la lên, ngắt lời Bác Sĩ: 
- Ôi lạy Chúa tôi, ổng lại đái vào tủ lạnh của tôi rồi!!! 

Cả bọn cười bò lê bò càng. Cười lớn nhất là một chàng cao lớn, tóc vàng tên là Mike. 
Anh vỗ vai tôi: 
- Ê, bạn người gốc nước nào?
- Việt Nam. 
Mike bật đứng dậy, bàn tay như hộ pháp chụp lên đầu tôi, nói thật lớn, nguyên văn bằng tiếng Việt đặc sệt giọng miền nam: 
- Đ.M. nãy giờ sao hổng nói? 
- Ủa, anh biết tiếng Việt hả?
Mike vênh mặt lên, tay phải vỗ bồm bộp vào cái ngực đang ưỡn, vẫn dùng tiếng Việt: 
- Hai lần công tác Việt Nam, đem về Mỹ một cô giáo dạy tiếng Việt tại gia từ 1972, học và nói tiếng Việt từ hồi đó đến giờ, bộ ngu lắm sao mà không biết, biết rành quá đi chứ!! 
Không ngờ trong bàn lại có một số cựu chiến binh Việt Nam khác, đua nhau xổ ra những câu tiếng Việt họ còn nhớ lõm bõm: 
-Chòi đắt ui (trời đất ơi) 
- chào cắc Ong, mành giỏi? (chào các Ông, mạnh giỏi) 
- Con gái Viết Nàmde.p lám (con gái VN đẹp lắm)
- Ngùi Viết Nàmtót lám, đi đi mao, đin - kí đàu (người VN tốt lắm, đi đi mau, điên cái đầu!)....
Riêng Mike nói tiếng Việt rất lưu loát, không hề sai một âm nào (giống như ca sĩ Delena hát tiếng Việt vậy), kể cả cách dùng chữ rất trí thức, đôi khi dí dỏm, có lúc thật tiếu lâm. 

Tôi đã gặp một nhân viên Bộ Ngoại Giao rành tiếng Việt đến nỗi khi tôi đùa hỏi "Anh người gì mà nói tiếng Việt ngon lành vậy" Anh trả lời tỉnh bơ "Tôi người Bắc !". 
Tôi cũng đã gặp một số người Mỹ chính gốc, thuộc giáo phái Mormon, họ thảo luận Kinh Thánh, đi truyền đạo Tin Lành bằng tiếng Việt thật trôi chảy, nhưng đó là nghề của họ. 

Còn Mike, anh nói tiếng Việt bằng cả tấm lòng: tên Mỹ của tôi là Micheal, tên Việt của tôi là Mai, theo giọng Việt Nam có nghĩa là hên, là may mắn, còn giọng Việt Bắc (?) hay Việt Trung (?) có nghĩa là hoa mai, một loài hoa rực rỡ mùa xuân!
Vợ tôi vẫn thích kêu tôi là Mai Cồ, hay Anh Cồ, hoặc Cồ ơi chỉ vì tôi bự con! Con rể của nước Đại Cồ Việt mà! Một ông thày bói VN nói số tôi phải cưới vợ họ Trần vì cả đời tôi không thích mặc áo..vv và vv ... tôi há hốc miệng ngồi nghe một chàng mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng 100% Anglo-Saxon đang chơi chữ bằng chính ngôn ngữ của tôi !!! 
Một đêm hội ngộ tuyệt vời, vui như chưa từng thấy từ ngày sống kiếp lưu vong. 

Một tuần sau, Mike điện thoại mời tôi đến nhà.
Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: gia đình Mike gồm vợ chồng và 2 con hoàn toàn sinh hoạt theo truyền thống Việt Nam và tự nhận là người VN. Mike nói: đúng ra tôi là người Việt gốc Mỹ! Người bản xứ khi nghe tôi giới thiệu là người VN, nói tiếng VN thì họ vui lắm, vài người lúc đầu cứ tưởng nước VN ở đâu đó bên Đông Âu nên mới tóc vàng, mắt xanh!
Người gốc VN lại tưởng tôi là Mỹ lai, càng vui hơn, gần gũi hơn vì có 50% máu Việt Nam trong người mà, ai cũng vui. Mike dùng chữ "vui cả làng"!
Cả gia đình dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính.
Sống trên đất Mỹ, Mike tâm sự, nói tiếng Anh là việc đương nhiên, thế mà nhiều gia đình VN từ vợ chồng con cái đều ra vẻ hãnh diện với mớ tiếng Mỹ đôi khi trật giọng, sai văn phạm....hoặc nói đệm, câu nào cũng chêm thêm chữ Mỹ vào, trong khi cố tình lơ lớ tiếng mẹ đẻ của mình, dễ mất gốc quá, tủi hổ ông bà tổ tiên quá, uổng phí quá. 

“Tạ ơn trời đất (Mike không dùng chữ Chúa) tôi có được một bà vợ tuyệt vời. Liên lo lắng chăm sóc tôi kỹ lắm từ mọi sinh hoạt đến từng miếng ăn hàng ngày. Tôi đã quen và rất thích thức ăn Việt Nam. Rất hợp lý nếu ta không biết kiêng cữ, cứ ăn tầm bậy là đưa đủ thứ bệnh tật vào thân thể mình thôi. Anh ăn cái gì anh sẽ như thứ ấy (1).
Ăn nhiều rau, đậu, trái cây tươi, da thịt anh sẽ tươi. Anh ăn mỡ, cơ thể anh sẽ phải đeo mỡ(2). 
Tốt nhứt nên ăn chay. Gia đình tôi ăn chay mỗi tuần một lần, nhiều nhất là các loại rau. Đồ chay Liên làm ngon lắm. Món nào cũng ngon, cũng tốt cho sức khỏe vì Liên chỉ dùng dầu olive thay cho mỡ động vật, không mặn lắm, không ngọt quá như đồ ăn Mỹ, nhất là hoàn toàn không dùng bột ngọt. Đặc biệt nước mắm ăn riết rồi mê luôn nhưng điều cần thiết nước mắm mua ở chợ về phải đem nấu cho sôi lên rồi đổ lại vô chai xài vì trong nước mắm có thể có nhiều siêu vi trùng, nhất là siêu vi bệnh gan, các loại mắm cũng vậy.

Chế độ ăn uống như thế làm sao bị phát phì như ba phần tư dân Mỹ hiện nay. Đến như con nít trên 6 tuổi thì phân nửa đã vượt quá trọng lượng được coi là mập rồi. Còn về thẩm mỹ, Anh thấy không, thông thường da người Mỹ trắng lại quá trắng, trắng nhễ nhại (?!)trắng như Bạch Tuyết nên trông có vẻ yếu đuối, bệnh tật, vì vậy họ phải đi phơi nắng ngoài biển hay vô các phòng nhuộm da trong các tanning clubs để cho da họ có màu đồng nâu hay màu bánh mật, nhìn rất khỏe mạnh, thể thao hơn, mốt thời thượng mà! Bà xã tôi được Trời Đất thương cho cái màu tự nhiên đó từ bé nên Ông Bà Ngoại sắp nhỏ mới đặt cho cái tên Mai Liên, anh đọc lái lại coi?!”

Nghe đến đây chính tôi đã phải kêu lên: chu choa mệ tổ ơi, mần răng mà cái chi mô anh cũng biết hết rứa chừ hết biết luôn.
Mike hiện nguyên hình một "chú Sam" há hốc miệng "Wh...what? What d'you say?" 
Ngay sau khi dành thắng lợi đem được Mai Liên về Mỹ, Mike giải ngũ. Liên đi làm 2 nghề khác nhau cho phép Mike trở lại Đại Học lấy xong bằng Kỹ Sư Điện Tử. 
Mike rất vui mỗi lần nhắc lại giai đoạn này:
tôi sướng như Ông Trời con, ngày ngày đi học, còn Liên cực lắm, hy sinh vừa đi làm vừa lo cho tôi còn hơn Ba Má tôi ngày xưa, dĩ nhiên tôi yên tâm học xong rất nhanh. 

Bên Mỹ này anh muốn học là phải được, muốn học gì cũng được, muốn lấy bằng gì cũng có, chỉ cần anh có ý thích và có ý chí. Anh có thể học toàn thời gian, bán thời gian, học hàm thụ hay học ngay cả trên online. Không có tiền thì Chánh Phủ hoặc một cơ sở, một công ty hay một tổ chức nào đó ứng tiền cho mượn nếu đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên khi nộp đơn xin việc làm, người chủ chỉ căn cứ một phần trên bằng cấp, còn phần lớn dựa trên kinh nghiệm việc làm đã qua và sự giới thiệu, phê bình của các chủ cũ. 
Tôi là cựu chiến binh, gần lấy xong bằng Kỹ Sư thì hãng Điện Tử Intel đã nhận trước rồi. 

Năm đầu tiên tôi đi làm Liên chỉ còn làm một nghề, đến năm thứ hai Liên nghỉ việc hoàn toàn để đi học ngành Y tá. Đó là lý do chúng tôi chậm có con và chỉ có hai đứa. 

Bên Mỹ này nghe nhà nào có 3,4 con là thiên hạ lắc đầu, le lưỡi liền. Có bầu, sanh con thật dễ dàng nhưng khó nhất, đau đầu nhất là vấn đề giáo dục, không dạy dỗ con được thì lại đổ thừa "cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh", chưa chắc vậy đâu!
Có rất nhiều gia đình nuôi con đến 18 tuổi là bắt nó phải tự lập, nghĩa là đẩy nó ra ngoài xã hội, xét cho cùng điều này cũng có phần tốt.
Vì vậy, cũng rất công bằng khi bố mẹ già yếu, đến phiên chúng nó sẽ đẩy bố mẹ vô nhà hưu dưỡng thôi!
- Mai Lan ơi, ra chào chú đi con, Mike gọi.
Một cô gái Mỹ đẹp như tài tử điện ảnh Hollywood tươi cười bước ra, hai tay khoanh trước ngực, đầu cúi xuống, nói bằng tiếng Việt rất chuẩn:
- Cháu tên Mai Lan, cháu chào chú.
Tôi đứng dậy, Mai Lan bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay:
- Chú tên là Long, Chú rất hân hạnh được biết cháu, được quen biết gia đình cháu, một gia đình tuyệt vời, cháu là một cô gái tuyệt vời. Cháu có về VN lần nào chưa? 
- Dạ, cám ơn lời khen của Chú. Cháu đã về VN hai lần. Năm rồi cháu đi VN miễn phí.
- Sao vậy?
- Cháu có hai người bạn, hai chị em, bố mẹ họ là người Việt, hai bạn cháu không rành tiếng Việt nên bao cháu đi chung về VN để làm thông ngôn. Vui quá chừng. Bà con chòm xóm dưới quê cứ nhìn cháu chằm chằm: sao kỳ quá hè, Mỹ nói tiếng Việt còn Việt đặc thì bù trất, kỳ hén !
Lại nữa, Mỹ thì tên Việt còn Việt lại lấy tên Mỹ, ngộ ghê!!
Cháu dịch lại cho hai đứa bạn nghe, tụi nó mắc cỡ quá, về đến Mỹ bắt đầu học tiếng Việt ngay.
Ba má tụi nó kèm riết, cháu cũng dạy thêm, bây giờ nói được hơi nhiều rồi. Hè năm nay tụi cháu lại về VN nhưng lần này cháu phải trả tiền vé máy bay vì bạn cháu không cần thông ngôn nữa, thông ngôn thất nghiệp rồi!!
Ông bà ngoại cùng gia đình mấy Cậu, mấy Dì thương cháu lắm. Cũng có thể sẽ có anh Liêm đi cùng.
- Liêm là ai? 
- Anh Hai cháu. Ảnh tên là Uy Liêm.
- Có phải đó là phiên âm tiếng Việt của chữ William không?
- Dạ đúng
- Thế anh cháu thích tên nào?
- Cả nhà cháu thích tên Uy Liêm hơn vì đa số tên riêng của Mỹ không có ý nghĩa gì hết, thường được bắt chước từ trong Kinh Thánh. Còn tên VN có lồng nghĩa trong đó, có khi mang cả ước vọng của cha mẹ đặt ở người con.
- Vậy Uy Liêm nghĩa là sao? Tôi giả vờ hỏi.
- Uy là uy phong, uy nghi, uy quyền, uy lực... còn Liêm là liêm chính, liêm sỉ, thanh liêm. 
Người có quyền uy thì phải liêm chính. Người ta khi có chút quyền chức thường hay sanh tật xấu, rồi tham nhũng, rồi phách lối.
Ba má cháu muốn anh Hai khi nào có địa vị lớn thì phải sống thanh liêm.
- Anh hai cháu đã có địa vị lớn chưa?
- Dạ ảnh chỉ mới là Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến đang chiến đấu ở Iraq. Còn 4 tháng nữa ảnh sẽ xong nghĩa vụ, khi trở lại Mỹ, được nghỉ phép, anh Hai sẽ theo tụi cháu về thăm Ngoại.
- Anh Hai có biết tiếng Việt không?
- Hết sẩy Chú ơi, dù dở nhứt nhà nhưng cũng gần ngang tầm với Ba cháu ... 

Mike ngồi nghe tôi khảo hạch cô con gái, miệng cứ tủm tỉm cười.
Tôi thật sự cảm động, nếu không nói là choáng váng, cứ ngây người ra. Giả sử có ai đó kể tôi nghe về một gia đình như thế này, về một cô gái Mỹ thế này, về một Đại Úy Đại Đội Trưởng TQLC Mỹ như vậy... chắc chắn tôi không thể tin vì tôi đã phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh trái ngược.
Có lần, vừa bước vô nhà một người bạn VN, ngay tại phòng khách treo một tấm bảng bằng carton với chữ: "No Vietnamese!" tôi ngập ngừng, hơi tái mặt, rồi lẳng lặng, chẳng nói chẳng rằng bước ra ngoài. Chủ nhà chạy theo đon đả.

Tôi nuốt nước miếng cho dằn cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng rồi chậm rãi: có phải ông không muốn tiếp khách người VN hay ông không cho phép ai ngồi trong phòng đó nói tiếng Việt?
Anh ta phân bua: tôi chỉ muốn bà Xã và các cháu luyện tiếng Anh cho thật nhuyễn để mau thành dân Mỹ thôi !?!?
Vậy nếu ông vào một nhà hàng, một công viên, lên máy bay, xe lửa, xe buýt hay vô nhà một người Mỹ nào đó, ông thấy hàng chữ này, ông hiểu nó thế nào?!?!

Cách đây vài chục năm, khi tình trạng kỳ thị chủng tộc còn tồn tại trên đất nước Mỹ, người ta thường thấy trên xe buýt hay công viên có đeo bảng: No dogs and negroes (cấm chó và người da đen). Đến thập niên 60 mới chấm dứt. Bây giờ ông treo "No Vietnamese" trong phòng khách nghĩa là làm sao?!?!
Ông ta gỡ bảng xuống liền.
Ông bà này nghe nói qua Mỹ có mấy năm đã về VN xum xue, bà con bên nhà ngạc nhiên thấy ông và gia đình lột xác nhanh quá, sức mạnh một đại cường quốc có khác. 
Bên này cả hai ông bà đi làm vệ sinh, quét dọn trường học, về VN khoe làm trong ngành giáo dục nên rất ít nói tiếng Việt.
Riêng dân Mỹ hay người VN tại Mỹ chỉ nghe âm Mít đặc, không cần nhìn, đều biết ngay ông chánh gốc là "dân địa phương" Alaska vì, mười câu hết chín, ông đều nhắc đến tên một thành phố lớn của Tiểu Bang này: Du nô (3).
Nhưng thôi, đây là đất nước tự do mà! Tự do dân chủ với lưỡng đảng đàng hoàng. 

Mike thường nói đùa với tôi "coi dzậy chứ hổng phải dzậy mà còn quá cha dzậy nữa" khi đề cập đến hệ thống lưỡng đảng của Hoa Kỳ hiện nay.
Cứ nhìn vô gia đình Thống Đốc Tiểu Bang California: Ông chồng Schwarzenegger thuộc đảng Cộng Hòa trong khi bà vợ lại theo Dân Chủ. Khi làm việc, hai đảng kiểm soát lẫn nhau như vợ theo dõi chồng, như chồng để ý coi chừng bà vợ.
Nhưng khi có những sự kiện trọng đại liên quan đến an ninh đất nước, đến sự tồn vong của quốc gia, đến sự sống còn của dân tộc Hoa Kỳ thì hai đảng chỉ là một như sau vụ 9/11 mấy năm trước đây. Hình như có một thứ siêu chính quyền đâu đó quyết định tất cả, tương tự ảnh hưởng nội ngoại trên hai vợ chồng giữ cho hạnh phúc lứa đôi bền vững, từ đó nuôi dạy con cái thành công, kinh tế gia đình thịnh vượng, cho nước Mỹ chỉ mới hơn 200 năm lập quốc đã tiến lên bá chủ hoàn cầu. Nước Mỹ đang đứng nhất trên toàn thế giới về mọi phương diện nhưng rất tiếc, nhất luôn về vô luân thường, vô đạo lý và nhất luôn về cả lãnh vực tội phạm!

Đấy, Mike hướng dẫn cho tôi nhiều, rất nhiều điều, nhiều chuyện.
Chúng tôi ngày càng thân hơn khi biết tôi ngày xưa cũng có một thời gian đi dạy học. Vợ chồng Mike và cháu Lan lại thích tìm hiểu sâu xa tiếng Việt hơn qua những từ ngữ Hán Nôm mà tôi đã được Ông Ngoại, một Cử Nhân Hán Văn, khoa thi cuối cùng, dạy dỗ. 

Nhờ vợ chồng Mike, tôi thực sự hội nhập vào xã hội Mỹ lúc nào không hay. Từ sự nhiệt tình giới thiệu của Mike, tôi được một chân Technician trong hãng Merix ở Forest Grove. Một năm sau, Mike khuyến khích và hướng dẫn vợ chồng tôi mua một cơ sở kinh doanh riêng ngay trung tâm thành phố Tigard đến nay đã tròn 12 năm. 

Thời gian cứ lặng lẽ trôi nhanh như những áng mây ngoài khung trời rộng. Thênh thang như giấc mơ Hoa Kỳ của gia đình tôi liên tiếp nở hoa.
Cho đến một ngày... Tin như sét đánh ngang tai. Hai vợ chồng Mike vừa qua đời trong một tai nạn xe! Cháu Lan gọi báo cho tôi bằng tiếng được tiếng mất, tức tưởi, nghẹn ngào. 
Một anh Mễ nhập cư bất hợp pháp say rượu lái xe vào đường cấm ngược chiều. Xe Toyota Camry của vợ chồng Mike nằm bẹp dí dưới gầm chiếc xe tải F350 chở đầy đồ nghề làm vườn cắt cỏ.
Toán cấp cứu phải cưa xe mới đem được hai người ra nhưng cả hai đều đã tắt thở vì sức va chạm quá mạnh và vì vết thương quá nặng....
Lại thêm một nhức nhối của người Mỹ trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp... lại thêm một vết đen tệ nạn say rượu, say xì ke lái xe DUII (4) ngày càng nhiều....

Tang lễ thật đơn giản gồm đa số người quen gia đình, bạn bè làm chung Intel với Mike và đồng nghiệp trong bệnh viện của Mai Liên.
Cháu Uy Liêm được thông báo từ Iraq về để vừa kịp nhìn cha mẹ lần cuối trước khi đóng nắp quan tài.

Trời Oregon chiều nay mưa buồn day dứt. Nghĩa trang Finley Sunset Hills với những dốc thoai thoải quay về hướng Tây, về hướng Thái Bình Dương mà tận cùng bên kia bờ có một vùng đất mang tên VN, quê hương yêu dấu của Mike và Mai Liên suốt cả đời người. Gió buốt miên man như xoáy sâu vào tận xương tủy. Như chưa bao giờ. 
Vài tia sáng yếu ớt long lanh trên những ngọn cỏ đầm đìa. Mắt tôi nhạt nhòa trong cái lạnh tái tê. Cũng xong một kiếp trong vô lượng luân hồi. Một chút gì đó có lẽ hai người đang hài lòng là vẫn còn được đi chung với nhau, vẫn còn được tay trong tay, cùng qua một thế giới khác, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.
Ít nhất về vật chất bây giờ xác hai người vẫn còn được nằm bên nhau, hai ngôi mộ song song, cùng nhìn về quê hương VN tít mù xa thẳm cuối chân trời.
Riêng tôi lòng trĩu nặng mối ân tình chưa thanh thỏa.
Trong suốt cuộc đời còn lại, dù còn sống trên đất Mỹ này, hay giang hồ đó đây, hình ảnh tươi vui khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực, gương mặt dễ thương, cử chỉ ân cần, lời nói nhã nhặn nhiệt tình và đặc biệt ân nghĩa của vợ chồng Mike đã dành cho gia đình tôi chắc chắn sẽ khó phai mờ.
Cám ơn Michael Erickson. Cám ơn Mai Liên Trần.
Xin tạm biệt.

Nguyễn Thế Thăng