Pages

Sunday, November 30, 2014

ĐAU CỔ - Bác Sĩ Nguyễn Văn Đức



Đau c (neck pain) xy ra khi có vn đ hay chn thương ca mt hoc nhiu cơ cu ni kết giúp c chúng ta hot đng. 

Cấu tạo của cổ phức tạp, gồm:

- Xương: cổ có 7 đốt sống cổ xếp chồng lên nhau. Đây là những đốt đầu tiên của cột xương sống cơ thể chúng ta. Đau cổ có thể xảy ra khi các đốt sống cổ này thoái biến, sụp xuống, hoặc mọc những chồi xương bất thường (bone spurs).


- Các dây chằng (ligaments): là những mô liên kết mạnh, dẻo dai, có nhiệm vụ nối các đốt sống cổ với nhau, giữ chúng nằm ở vị thế đúng của chúng. Những dây chằng này có thể bị tổn thương như trong trường hợp tai nạn xe cộ, đầu bất ngờ bị đẩy mạnh về phía trước rồi giật ngược về phía sau, hoặc ngược lại. 

- Các đĩa sụn (discs): là những đĩa đệm nằm giữa các đốt sống. Khi các đĩa đệm này thay đổi hình dạng, hoặc không còn nằm tại vị trí đúng của chúng, ta có thể bị đau cổ.

- Các bắp thịt: các bắp thịt vùng đầu cổ giúp giữ đầu chúng ta thẳng và cổ chuyển động nhuần nhuyễn. Khi các bắp thịt này căng dãn bất thường, như khi chúng ta ngồi làm việc lâu trong một tư thế không cân bằng, chúng ta có thể bị đau cổ; ngay cả khi chúng ta căng thẳng về tinh thần, các bắp thịt này cũng dễ nhận những tín hiệu bất thường truyền xuống từ não bộ khiến chúng gồng cứng gây đau. 

- Các dây thần kinh (nerves): một hệ thống các dây thần kinh quyện vào nhau chạy dọc theo cột sống, và từ đó chia nhánh, các nhánh này rời cột sống đến khắp các phần của cơ thể ta. Chúng ta có thể đau cổ nếu những dây thần kinh chạy dọc theo cột sống cổ bị chèn ép, đẩy ra khỏi vị trí bình thường của chúng bởi các đốt sống hoặc đĩa sụn thoái biến vì tuổi tác. 

Triệu chứng

Đau cổ có thể xảy ra với bất cứ bất thường nào của các đốt sống cổ, dây chằng, đĩa sụn, bắp thịt hoặc thần kinh vùng cổ. Khi đau cổ, tùy vấn đề nhẹ hay nặng, chúng ta có một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây: 

- Cổ đau, cứng, khó xoay chuyển; vùng cổ, vai, lưng trên, hay tay thấy căng, không thoải mái.
- Nhức đầu.
- Cổ yếu đi.
- Không thể xoay cổ.
- Đau khi chúng ta xoay hoặc cúi đầu.
- Tê hoặc có cảm giác như kim châm ở vai, tay.
- Đi đứng khó khăn.
- Không kiểm soát được việc đi tiểu, đi cầu như trước.

Đau cổ thường hay xảy ra, nếu nhẹ và mau chóng bớt dần, chúng ta không cần đi khám bác sĩ. Trong những trường hợp sau, chúng ta nên đi khám bác sĩ:

- Chấn thương nặng vùng đầu, cổ.
- Đau dữ quá.
- Thấy tay hay chân tê, yếu.
- Không kiểm soát được việc đi tiểu, đi cầu như trước.
- Tự chữa ở nhà hơn 1 tuần vẫn chưa thấy bớt.

Có cần chụp phim?

Hầu hết các trường hợp đau cổ sẽ bớt dần theo thời gian, và không cần chụp phim. Một số trường hợp như đau mới xảy ra ở người trên 50 tuổi; đau kèm nóng sốt hoặc các triệu chứng bất thường khác; đau quá 6 tuần không thấy thuyên giảm, bác sĩ có thể sẽ khuyên chụp phim X-ray, CT scan, hoặc MRI scan.
Những trường hợp nghi thần kinh cổ bị chèn ép (cervical radiculopathy), chúng ta nhờ bác sĩ chuyên khoa thần kinh (neurologist) làm các trắc nghiệm đo luồng thần kinh chạy từ cổ ra, xem các thần kinh và bắp thịt có gì bất thường.

Chữa trị

Chúng ta chữa đau cổ bằng nhiều cách:

- Dùng thuốc giảm đau: như các thuốc tylenol, advil, motrin, ibuprofen, naproxen. 
- Nhẹ nhàng nắn bóp (massage) các bắp thịt vùng đau.
- Đắp đá vùng đau vài lần mỗi ngày, mỗi lần chừng 5-7 phút. Hoặc thay vì dùng đá, chúng ta dùng bịch đậu để trong ngăn đá tủ lạnh, đắp vào vùng đau 20 phút, vài lần mỗi ngày.
- Thay vì dùng đá, chúng ta cũng có thể chườm vùng đau với nhiệt: đắp khăn nóng ấm vào vùng đau chừng 20 phút, vài lẫn mỗi ngày; nhưng nhớ cẩn thận đừng dùng nước nóng quá kẻo phỏng da.
- Thể dục vùng cổ: các thể dục đúng, giúp những bắp thịt vùng cổ, vai, lưng dẻo dai, mạnh hơn, sẽ khiến cái đau mau bớt hơn.
- Giảm căng thẳng: căng thẳng tinh thần khiến cái đau dễ nặng hơn, lâu thuyên giảm. Tinh thần bớt căng thẳng sẽ giúp đau cổ nhẹ đi, chóng hết. Tinh thần và thể xác chúng ta có sự tương quan, tuy hai nhưng một, tinh thần thoải mái, những cái đau thể xác cũng dễ chịu hơn.
- Tư thế cân bằng, thẳng thắn: khi làm việc, chúng ta nhớ giữ cơ thể trong tư thế cân bằng, cổ thẳng với thân mình, và tránh những hoạt động nào khiến cổ phải chuyển động nhiều quá. Lúc ngủ cũng vậy, nhớ giữ đầu và cổ cùng một trục với thân mình, nên tránh tư thế nằm sấp, đầu cổ ngoẹo một bên.

Phòng ngừa

Đau gì cũng khổ cả. Cẩn thận, chúng ta có thể ngừa đau cổ đừng xảy ra.

- Chúng ta ngồi học hành, làm việc với tư thế cân bằng, thẳng thắn, đầu giữ thẳng và vai xuôi xuống.
- Tránh không nên ngồi quá lâu trong cùng một tư thế.
- Tránh làm những công việc khiến ta phải ngửng đầu nhìn lên cao trong một thời gian dài.
- Tránh đặt sức nặng trên cổ, vai, lưng trên: phụ nữ hay đeo trên vai những túi xách to nặng (không biết chứa những gì trong đó mà trông nặng thế!), đàn ông hay để các cháu nhỏ ngồi trên cổ chơi chạy vòng vòng, ...
- Khi ngủ, chúng ta giữ cổ thẳng hàng ngay lối với thân mình, không nên nằm sấp.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

Mời click vào hình ảnh dưới đây để xem cách bấm huyệt giúp giảm đau vai và cổ


Saturday, November 29, 2014

Bài Phát Biểu Tốt Nghiệp Trung Học Chấn Động Nước Mỹ

Giáo sư David McCollough Jr khi đọc bài diễn văn gây sốc.

Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ) tuần trước, giáo sư tiếng Anh David McCollough Jr đã gây sốc khi nói thẳng: “Các em chẳng có gì đặc biệt”.

Trước các học sinh của mình đang xúng xính trong bộ đồng phục tốt nghiệp giống nhau, đang háo hức cầm trên tay tấm bằng, McCollough dõng dạc nói rằng “Các em chẳng có gì là đặc biệt”, “chẳng có gì là phi thường”! Một gáo nước lạnh như được giội xuống mọi thành tích vẻ vang của trường!

Được chăm bẵm quá mức
Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, McCollough điềm nhiên nói tiếp: “Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng… cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ.

Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyện đó đâu nhé!”.

Đến đây, McCollough dẫn các học sinh vào một hiện thực đang chờ đợi mình. “Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên… Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì”.

McCollough dẫn dắt tiếp: “Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội… Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ở Guatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dân Guatemala”.

Hạnh phúc không tự tìm đến
McCollough nhấn mạnh mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. “Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có”.

Sau khi khuyên các học sinh hãy tiếp tục đọc sách thường xuyên, phát triển ý thức về đạo đức, khẳng định cá tính, dám ước mơ, làm việc chăm chỉ và tư duy độc lập, yêu những người mình yêu hết mình, McCollough nhắc nhở: “Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.

Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực bảo đảm quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian để nằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay”.

Kết thúc phát biểu của mình, ông McCollough nhắn nhủ các học sinh hãy tự chủ, độc lập, sáng tạo không vì sự thỏa mãn do hành động đó mang lại, mà vì những điều tốt đẹp nó đem đến cho người khác. “Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”.

Sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của bọn trẻ phình to. Do đó, tôi nghĩ chúng cần một cách suy nghĩ mới. Đưa chúng vào đời với cái tôi quá lớn chẳng khác nào làm hại chúng
McCollough khẳng định. Trả lời phỏng vấn Fox News, McCollough giải thích ông muốn các học sinh hiểu rằng chúng phải nỗ lực nếu muốn thành công trong cuộc đời.

Sưu tầm 

Nồi Cháo Ế - Kim Thoa


Ông An nhìn xuống bếp nói:
-You nhớ bỏ mấy cục giò sống vào cho cháo nó thêm ngọt nhe!
Bà mở ngăn tủ lạnh vít vài miếng giò sống bỏ vào nồi cháo và nói vọng lên:
-OK, nồi cháo nầy mà không ngon là khỏi trả tiền nhe.
Bà nếm thử, rồi quậy nhè nhẹ lên, theo order của ông, trong nồi cháo nào là thịt xay, giò thịt chỗ bắp đùi phần trên, bây giờ ông lại còn muốn bỏ thêm giò sống nữa, ăn thế nầy mà không bị bịnh thì cũng lạ.

Lát nữa trước khi múc ra tô, bà phải bỏ nhúm giá trước, bóp nhè nhẹ cho giá gẫy khúc, rồi mới múc cháo ra tô, xong rồi thì bỏ hành ngò lên trên. Tô của bà khi ăn bà phải bóp vào một miếng tương bột Housin sauce, đây là món khoái khẩu của bà từ hồi còn bé, dù hồi đó nhà nghèo con đông, má bà nấu nồi cháo to ít thịt, nhưng lúc nào bà cũng dặn má bà mua một chút tương xay, cho vào cháo ăn mới ngon.
Ngồi nhâm nhi từ từ vì cháo mới múc còn nóng quá, bà để ông nói gì thì nói, bà cứ ậm ừ cho qua chuyện, nhưng đầu óc bà lạc về phương trời nào ấy. Bà nhớ lại, thế mà đã 26 năm.

*****
Năm ấy thằng con lớn của bà được 2 tuổi. Khi sanh nó, bà đau bụng đã hơn tuần lễ mà vẫn chưa sinh được, bụng lúc đầu đau râm râm, tới ngày thứ nhì đau hơn và cứ đau hơn nữa, cho tới lúc cô y tá khám và nghe tim thai thì em bé đã thở yếu lắm rồi, nằm ở đây đã 3 ngày, nhưng không có dấu hiệu gì sắp sinh cả. Năm ấy bà đã 35 tuổi, bà lấy chồng muộn nên có con muộn. Cô y tá trưởng đề nghị đem bà đi mổ gấp, nếu không mổ kịp sẽ chết cả mẹ lẫn con. Rồi thì họ cứu được cả 2 mẹ con.

Nuôi thằng nầy thật trần ai khoai củ. Nó vẫn bú nhiều, ăn nhiều, bụ bẫm, nhưng bịnh thì vẫn cứ bịnh, cứ ho, cảm, nóng,... Nó bệnh theo sự trở mùa của thời tiết. Mỗi khi nó bệnh, bà hay bồng nó đi bác sĩ Trinh ở HH. Bà không đem con tới bác sĩ A, vì ông nầy hay cho kèm trụ sinh là Tetraciline, nên phần đông con nít lớn lên răng đều bị vàng khè, mà không thể nào đánh cho trắng được, bao nhiêu tiền lương dạy học, tiền dạy thêm, tiền buôn bán vặt vãnh đều bỏ vào tiền đi bác sĩ, nhà thương, thuốc thang cho nó. Có những lúc, bà hết sạch sành sanh tiền vì nó cứ bệnh đau liên tục. Bà cũng biết nguyên nhân vì đâu, khí hậu Việt Nam, lúc đầu hôm thì nóng, bà để quạt máy, nửa đêm thì lạnh vì nhà máy tôn, khi lạnh thì thật lạnh, mà nóng thì thật nóng.

Hôm ấy nó bịnh, nóng không biết bao nhiêu độ, sờ vào bà biết là không thể để ở nhà. Bà không còn một đồng dính túi. Bây giờ chỉ có cách là đến cầu cứu thằng em. Nó là em thứ sáu, trong nhà nầy ngoài những đứa em còn nhỏ ra, thì những khi quá cần mà không thể chạy được nơi nào khác, thì bà phải cầu cứu nó. Nó làm công trong xưởng vẽ, là họa sĩ, mà họa sĩ vào năm 1988 thì có phải đâu “goodjob.” Năm ấy thì nhà nước "mở cửa" rồi, nhưng đất nước vẫn còn như ngại ngùng, lạ lẫm khi tiếp xúc với các xứ tự do, nên ngành vẽ cũng không lấy gì đắt khách.

Bà dắt xe đạp vào xưởng ở đường 3/2, trên cái giỏ chổ khung xe là cu Tí. Thằng em ngạc nhiên hỏi:
-Chị chở cháu đi đâu mà sớm vậy?
-Đi Nhi Đồng, hồi hôm nó nóng quá mà chị chẳng còn đồng nào cả.
Thế là nó lấy cái quần treo trên đinh nó móc sạch nhách, móc cho đến đồng bạc cuối cùng:
-Chị lấy đỡ bao nhiêu đây đi, em lãnh lương rồi tính sau.
-Em còn tiền xài không?
-Chị khỏi lo. Em còn cơm nguội với hũ chao.
Chị đứng tần ngần, cầm tiền. Thằng cậu sờ trán thằng cháu thúc giục:
-Thôi, chị chở cháu đi đi, nó nóng quá rồi.

Chị cho mớ tiền vào túi áo và gài cái kim tây cho chắc ăn. Mẹ chở con vào nhà thương bằng xe đạp, thằng con được nằm viện.
Sau khi mẹ con đà yên chỗ, chị xuống căn tin mua cho con chút cháo, phần chị thì đã có mớ cơm nguội và mấy con khô đây rồi, cũng qua được bữa nay, tối thì tính sau.

Ở nhà khi nó nóng thì cuống quít lên, vào đây thì cả ngày y tá chỉ phát cho vài viên thuốc uống cho trẻ bớt nóng rồi chờ xét nghiệm máu xem nó có nhiễm virus sốt suất huyết hay không,
Bà sợ bệnh tình con biến chuyển không biết thế nào, nên chút tiền của đứa em, bà còn để trong túi mà không dám xài, bụng thì lâm râm đói, nhưng thôi ráng ngủ đi cho quên đói.

Đêm ở nhà thương Nhi Đồng tầng trên nơi con nít nằm, ban đêm sao thanh vắng, thỉnh thoảng vài tiếng khóc của trẻ, tiếng ú ớ, tiếng la, tiếng dỗ con. Bà trằn trọc bên con, phần thì lạ chỗ ngủ, phần thì đói, bụng kêu rồ rồ không sao ngủ được, tiếng mì gõ lốc cốc... Giờ nầy mà có tô mì thì hết xẩy. Bà nghĩ đến quậy ly sữa bò của con để uống, nhưng cũng không được, phải để dành cho nó...

Bà cứ trằn trọc mãi, đoán giờ nầy chắc cũng 9, 10 giờ đêm rồi. Bỗng cuối hành lang có tiếng guốc lạch cạch, lạch cạch, tiếng như có cái gì gõ vào từng cửa phòng dọc hành lang và tiếng nói oang oang trong đêm vắng vẻ “Bà con nào muốn ăn cháo thì đem gà-mên xuống múc." Nghe tiếng trở mình của người đàn bà nằm với đứa con bên cạnh, bà hỏi với sang:
-Bộ họ cho cháo hả chị?
Giọng ngáy ngủ, bà kia ọ ẹ trả lời:
-Ừ, cháo ế, đêm nào nó cũng kêu cho.
Bà nghe vậy, xốc con lên, không cần biết thằng nhỏ ngủ hay thức, bà cõng nó trên vai, lấy cái gà-mên có 3 ngăn cầm theo, trước khi đi, bà nói với bà bên cạnh:
-Chị trông dùm đồ đạc của tui, chẳng có gì quý, chỉ có cái bình thủy là quý thôi.
-Ừ đi đi , không ai lấy đâu.
Thế là vai cõng con, tay xách gà mèn, bà lần xuống căntin, vừa đi vừa chạy, sợ người khác lấy hết. Bà nói nhỏ vào tai con:
-Con ơi, mình đi xin cháo, vậy là mình có đồ ăn rồi con ơi.
Thằng con được mẹ cõng chạy tưng tưng, nó cười khanh khách, tỉnh ngủ.

Hình như mọi người cũng quen với cảnh nầy và thấy cũng ít ai xuống lấy, cô có nhiệm vụ bán căn tin sắp sửa rửa nồi, nên chắc nghĩ rằng đổ thì uổng nên kêu mọi người xuống lấy, buổi sáng mua cho con, họ bán có chút thịt bầm, bây giờ thì thấy múc vào gà-mên 3 cục thịt bầm to bằng bàn tay vắt lại, như cơm vắt, cháo mới hâm sôi còn nóng hổi. Vậy là để dành tới mai còn ăn được.
Hình như từ sau khi lấy chồng đến lúc nầy, bà chưa bao giờ được ăn tô cháo ngon quá như vậy. Đúng ra vì nghèo quá, con thì cứ đau cứ bệnh, bao nhiêu tiền đều đổ vào tiền bác sĩ, tiền thuốc, tiền nhà thương mà chẳng làm gì được ra tiền ngoài việc đi dạy học.
Nguyên cả ngày hôm sau, bà sống lay lất nhờ gà-mên cháo ban tối, còn thằng nhỏ vẫn phải mua cháo nóng cho nó.

Buổi chiều thì bố nó vào, bà không dám hỏi ông ăn gì chưa, vì nếu hỏi khi ông trả lời là chưa thì bà phải lấy tiền đi mua đồ ăn, mà tiền nầy chưa biết sẽ xài cho thằng con bao nhiêu, và không biết bệnh tình nó ra sao, vì vậy bà không dám hỏi. Ông có ý ở lại, ông nằm dưới nền nhà, thở dài thườn thượt, môi thì khô, chắc là cũng đói, vào với mẹ con, xem con đỡ chưa và đương nhiên thế nào bà cũng phải kiếm gì cho ông ăn, nhưng bà không hỏi, vì bụng bà cũng đang rỗng tuếch đây. Bà nghe bụng ông cũng kêu ồm ộp.

Rồi bỗng nhiên như "đến hẹn lại lên", tiếng guốc lạch cạch, lạch cạch, tiếng gõ côm cóp vào từng cửa phòng, tiếng la oang oang “lấy cháo! lấy cháo! ai xuống lấy cháo!”
Bà ngồi dậy, phản ứng như bị điện giựt, lấy cái gà-mèn để sẵn. Bà dợm bước đi thì thằng con la lên “Mẹ, mẹ cho con đi với!”
Ông ngồi dậy, vài giây đầu ông không hiểu chuyện gì xảy ra. Bà nằm kế bên tỉnh giấc hơn tối qua, thấy ông ngạc nhiên, bà nói: “Đi xin cháo dưới căntin.”
Ông mắng liền, như thường ngày ông vẫn hay mắng bà:
-Đi đâu, đi ăn xin hả -?
Bà nghẹn ngào khựng lại vài giây, nghĩ trong bụng: ông không biết, ông không hiểu gì cả, từ ngày lấy nhau, bà đã nhịn đói dài dài, để nhường tất cả cho con và cho ông. Bà đã thường ăn đồ thừa, bà cố che giấu cái bất lực của mình vì không thể nào kiếm nhiều tiền hơn được nữa, phổi đã nấu thành cháo và cũng sắp lủng hết 2 lá rồi.

Sau cùng, cơn đói đang hành hạ và hình như ông cũng đang đói mà còn cố giữ cái sĩ diện rỗng tuếch, bà như không còn biết sợ là gì nữa, bất chấp ông chồng đang nổi xung, bà cõng con chạy theo tiếng la còn vọng lại cuối hành lang. Sau đó bà đem về phòng một gà-mên cháo còn nóng hổi. Thằng con vui lắm, tỉnh ngủ, bi bô nói chuyện tiếng được tiếng mất với bố, “Bố, bố, mẹ cõng con mẹ chạy.” Bàn tay ú nần sờ mặt bố, vừa cười vừa nói ngọng nghệu nghe cũng mắc cười. Ông cười theo thằng con.

Bà không nói gì hết, chia cho ông phần dưới là phần to nhất. Ông lặng lẽ ra hành lang ăn. Và bà thấy hình như ông đang khóc (có lẽ ông hối hận vì muốn giữ cái sĩ diện không xin xỏ mà mắng oan bà chăng?)

*****

-Ê, you! Cháo you nấu ngon quá hé!
-Mấy chục năm kinh nghiệm rồi you ơi, nhưng vẫn không ngon bằng gà-mên cháo ở Nhi Đồng.
26 năm trôi qua, lưu lạc qua xứ Huê Kỳ, cho đến bây giờ ông cũng không hề biết: nồi cháo ế hằng đêm ở nhà thương Nhi Đồng và cô bán căntin tốt bụng đã giúp bà đỡ đói trong hai ngày đêm ở đó.

Kim Thoa

Prince George And The Queen - Cháu và Bà Cố!

- Giá mình có thể nhỏ lại như thằng cháu mình để lớn lên lại làm queen tiếp! 
- Bà cố ơi! cháu muốn lên ngôi!

- Take easy cháu ngoan! Ông nội cháu còn chưa có cơ hội nữa huống gì là cháu!
- Nhưng mà cháu muốn! Bà về hưu đi cho chúng cháu cơ hội

- Cháu nói vậy mà nghe được sao?  
- Sao lại không? Cháu nói sự thật mà. Bà đã lớn tuổi quá rồi, tuổi này bà phải được nghỉ ngơi, ngồi không hưởng phước.

- Con muốn làm vua!
- Ghê chưa! Mới nứt mắt ra mà đã muốn tạo phản rồi!

- Thôi cháu ngủ một chút nha. Làm vua như bà coi bộ không sung sướng gì!
- Thật ra bà cũng mệt mõi lắm rồi. Ngày nào cũng phải hóa trang, mang bộ mặt giả tạo. Ngày nào cũng họp cũng hành, cũng lễ nghi phiền phức! Bà chưa hề biết được cái thú vui đi shop mua đồ sale, ăn quà vặt ngoài đường như hàng dân dã hoặc nếu mệt quá thì ngả lưng đâu đó ngủ liền như cháu vậy. Ôi! khổ thân bà hòang!

- Vậy thì bà retire đi!
- Ừ, chắc là phải vậy, để bà nghĩ lại coi. 

Người Phương Nam chú thích

Compile Toni BOU trial Bercy 2012

Mời quý vị theo dõi màn biểu diễn xe gắn máy thần sầu của một stuntman 

Motorcycle Stunts You Won't Believe

Amazing Motorbike Stunts from the X-Master Trials show us a thing or two about the art of riding a motorcycle. Their stunts look like they were taken straight out of an action movie.

Hoa Tâm


- Trong muôn loài hoa khoe sắc thắm hương thơm, hoa tâm là xinh đẹp và giá trị hơn cả, vì hoa tâm là hoa lòng, hoa nở trong trái tim con người. 
Vâng, bạn hãy nở đóa hoa YÊU THƯƠNG trong lòng mình, để trong nơi sâu thẳm thánh thiện nhất ấy, không hề có một bóng dáng hận thù, bất cứ thứ hận thù nào. 


Bạn hãy nở đóa hoa BÁC ÁI trong lòng mình, để đôi tay bạn không bao giờ lãnh đạm chối từ một sự giúp đỡ cho những người đồng hương, đồng loại, lâm cảnh thiếu thốn, nghèo nàn, trong thân phận khốn cùng.

Bạn hãy nở đóa hoa PHỤC VỤ trong lòng mình, để bạn luôn luôn sắp sẵn như một hướng đạo sinh trong mọi công tác thiện nguyện, vô vị lợi, mưu ích cho tha nhân. Bạn hãy hát lên: "Chính lúc hiến thân là khi vui sống muôn đời".


Bạn hãy nở đóa hoa KHIÊM NHƯỜNG trong lòng mình, để bạn nhìn nhận sự yếu đuối của một thụ tạo Thượng Ðế đã dựng nên từ đất bụi, hư vô. Nếu bạn có vênh vang, tự cao tự đắc về bản thân mình, thì hãy "vênh vang về sự hèn kém của mình", như lời Thánh Phaolô.

Bạn hãy nở đóa hoa THA THỨ trong lòng mình, để bạn không cầm giữ bất cứ một xúc phạm nào người khác gây ra cho mình, làm tổn thương địa vị, danh dự của mình. Bạn hãy tha thứ cho người, để bạn được Thượng Ðế thứ tha cho muôn vàn tội lỗi, sa đọa của chính mình.


Bạn hãy nở đóa hoa HÒA BÌNH trong lòng mình, để bạn không bao giờ đổ thêm dầu vào lửa, trái lại chỉ biết vun xới cho sự thuận hòa, cảm thông, giữa con người với con người. Bạn hãy nhận lấy lời chúc của Ðấng Thiên Sai: "Phúc cho những kẻ gầy tạo hòa bình."

Bạn hãy nở đóa hoa XÂY DỰNG trong lòng mình, để không khi nào bạn phá đổ, hay đạp đổ các công trình chân-thiện-mỹ của những người thành tâm trên đời. Bạn hãy ghi nhớ rằng nói dễ hơn làm, phê phán dễ hơn góp ý, và phá hoại dễ hơn dựng xây.


Bạn hãy nở đóa hoa CÔNG CHÍNH trong lòng mình, để bạn can đảm từ khước những gì đi ngược với công bình xã hội, không đưa tay nhận lấy đồng tiền "trái phép" nào, không tham lam những của bất chính, ám mờ.

Bạn hãy nở đóa hoa CHÂN THẬT trong lòng mình, để bạn dứt khoát loại bỏ các thứ dối trá, gian tà. Bạn hãy sống trong chân lý, vì theo lời Ðức Yêsu: "Chân Lý giải phóng các ngươi!"


Bạn hãy nở đóa hoa ÁNH SÁNG trong lòng mình, để bạn cố gắng bước ra khỏi bóng tối của tội lỗi, không tá túc trong sào huyệt của quỉ ma, không để chúng giam hãm, nô lệ hóa mình.


Bạn hãy nở đóa hoa CAO THƯỢNG trong lòng mình, để bạn biết nâng mình lên trên mọi ti tiện, tầm thường của thiên hạ, không tính toán nhỏ nhen, không hành xử theo lối tiểu nhân.


Bạn hãy nở đóa hoa VUI MỪNG trong lòng mình, hầu bạn đem lại hoan lạc cho những kẻ phiền sầu, tủi phận, khóc than cho định mệnh nghiệt ngã, cho tương lai đen tối, cho đường đời thử thách, lắm nỗi truân chuyên...

Cuối cùng, bạn hãy nở đóa hoa HẠNH PHÚC trong lòng mình, vì bạn đã diệt trừ những xấu xa trong lòng để cải tiến và phát triển.



Tài Khanh sưu tầm

Du Học - “Đi Đi, Đừng Về!” - Đỗ Thanh Lam



Đây là những tâm sự thật của một bạn du học sinh Mỹ hiện đang ở Việt Nam hè 2014. Tôi quyết định giấu tên người chia sẻ câu chuyện này.

Góc nhìn Việt Nam: “Đi Mỹ được rồi, về làm gì?”

“Tôi năm nay 21 tuổi, đang du học tại Mỹ. Kết thúc 4 năm Đại học, tôi muốn về Việt Nam. Nhưng ai cũng ngăn cản: “Đi đi, đừng về!”
Bố mẹ tôi làm trong ngành y. Hai người bắt đầu nói về chuyện du học và định cư tại Mỹ khi tôi mới học 11. Mẹ thường hay kể công việc hằng ngày tại bệnh viện, để tôi hiểu lời hối thúc “đừng về Việt Nam” bắt nguồn từ 20 năm sống trong bức xúc của mẹ:
“Bệnh viện của mẹ có một bác giám đốc lên chức từ những năm 80. Kể từ đó, bác đã cho không biết bao nhiêu họ hàng từ Bắc, Trung vào làm hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên,… Với “quyền lực mềm” của giám đốc, bác chỉ nói một tiếng, có anh trưởng khoa nào không dám nhận người? Toàn con ông cháu cha. Còn những sinh viên chính quy, nắm tấm bằng Đại học, phải trầy trật khổ sở để được bước chân vào cổng viện. Không chỉ ở đây, mà bất cứ nơi đâu tại Việt Nam này cũng có “quyền lực mềm” giống thế hoặc hơn thế. Nhiễu nhương lắm. Hách dịch lắm. Về làm gì hả con?”
Khi không thuyết phục được tôi, ba mẹ viện đến dì. Dì bảo: “Dì hiểu là con muốn về Việt Nam để cống hiến. Nhưng, ở nơi này, tài năng của con không có cơ hội phát triển. Tìm cách định cư đi. Khi đã có kinh tế, con muốn làm gì cho quê hương mà chẳng được!” Không chỉ bố mẹ, dì, mà các bác đang sống ở Mỹ đều đồng ý với quan điểm ấy.

Lăng kính Mỹ: “Lý do nào để quay về quê hương?”

Trong vòng tròn bạn bè của tôi, chỉ ra ai không muốn về Việt Nam thì rất dễ. Còn tìm người quyết tâm trở lại thì thật khó khăn. Nhiều bạn lưỡng lự, không ai dám chắc chắn hai chữ: “Sẽ về!”
Tôi có một cô bạn thân đang học ngành Công nghệ thực phẩm. Cô bảo: “Ngành mình học, về nước không xài được. Còn đường ở Canada thì rộng mở. Mình không muốn trở về để chật vật kiếm một chỗ làm sau 4 năm vất vả!”
Một người bạn khác chia sẻ: “Từ lúc quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, mình đã biết. Tại Việt Nam, mình sẽ không làm được.”
Một chị theo học kinh tế thì bảo: “Đơn giản chị không muốn!” Chị đang đi thực tập rất nhiều nơi, kiếm tìm một chỗ tài trợ visa cho mình.
Anh bạn học kỹ sư hóa, vừa apply thạc sĩ thành công nói với tôi: “Anh thích nghiên cứu khoa học, Việt Nam sao có đất cho anh? Về ư? Anh không thể.”
Những thằng Mỹ thì hỏi thẳng vào mặt tôi: “Tụi mày từ Việt Nam đến đây học, thụ hưởng văn hóa của tụi tao, thụ hưởng cả những đồng tiền bố mẹ tao còng lưng đóng thuế. Học xong mày phủi tay quay về nước, thế thì có công bằng với tụi tao hay không?”
*
Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê hương, cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy. Chưa bao giờ sách giáo khoa nói về những cái cúi đầu của chúng tôi trên đất Mỹ, vì nỗi tự ti quê hương thua kém hơn, mà chỉ bảo: “Nước ta rừng vàng biển bạc.”
Chưa bao giờ chúng tôi được dạy về “trách nhiệm công dân”. Chúng tôi chỉ học ganh đua điểm số, chứ không học cách cùng nắm tay nhau mà đi xây dựng đất nước.
Chưa bao giờ bố mẹ nói tôi phải có trách nhiệm với Việt Nam, mà chỉ nói: “Đừng về để dẫm vào đường cụt. Trên mảnh đất này, người tài không có cơ hội. Vì tương lai của con, hãy đi đi!”
Việt Nam ơi, người có cho tôi một lý do để trở về?”

Đỗ Thanh Lam

Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ & Mới - BS Vũ Quí Đài

Có gì mới trong vấn đề ăn uống sao cho lành mạnh? Trong vòng một vài chục năm trở lại đây, có nhiều điều mới không giống những kiến thức ta có từ trước.

Sau đây là những tóm lược của khoa dinh dưỡng thuộc Viện Đại Học Berkeley.

Bơ và margarine


Chuyện cũ: Có một thời người ta ca tụng margarine, vì margarine có nguồn gốc thực vật nên không có cholesterol và ít chất béo bão hòa hơn là bơ. Sau đó lại thấy là cũng phải coi chừng margarine vì chất dầu trong margarine có nhiều thứ chất béo gọi là “trans” (transfat), cũng có hại cho tim mạch như chất béo bão hòa.

Chuyện mới: Có một số margarine mới được tung ra thị trường gần đây, không có chất béo trans. Thí dụ như margarine làm bằng dầu canola. Hoặc là những thứ margarine lỏng, margarine “diet” trong đó chất béo trans được giảm đi nhiều. Ngoài ra cũng có những margarine mới, như Benecol, Take Control ăn vào có thể giảm cholesterol phần nào. Nếu chỉ lâu lâu dùng chút đỉnh, thì thật ra cũng không cần chọn lựa gì nhiều, bơ hay margarine đều được cả.

Vấn đề muối


Chuyện cũ: Ăn mặn thì sẽ bị cao huyết áp.

Chuyện mới: Không phải cứ ăn mặn thì huyết áp bị cao. Chỉ có những người do yếu tố di truyền hay nguyên do nào khác mà nhạy cảm với muối, thì mới cần kiêng mặn.

Tuy nhiên, về thực tế, không biết được ai là người nhạy cảm, ai không, và huyết áp có cao lên thì cũng bị từ từ không thấy được ngay, cho nên tốt hơn hết là đừng nên ăn mặn quá. Ngoài những món mặn, như đồ ăn kho, những thực phẩm bán sẵn như đồ hộp, xúc xích, chips... thường có rất nhiều muối. Ngoài ra, ăn nhiều muối cũng có thể làm cho xương bị xốp.

Đậu nành



Chuyện cũ: Đậu nành là một thứ ngũ cốc không có gì đặc sắc.

Chuyện mới: Đậu nành và những chế phẩm làm từ đậu nành như tàu hũ, sữa đậu nành không những làm cho cholesterol giảm bớt, mà còn có thể làm đỡ bị ung thư. Nếu bạn ăn uống theo chế độ, ít cholesterol, ít chất béọ lại thêm chừng 25 grams chất đạm từ đậu nành thì sẽ giảm thiểu được rủi ro bị bệnh nghẹt động mạch vành sinh, đứng tim.
Tuy nhiên, đậu nành, cũng như những rau cỏ khác (và tất cả thực phẩm khác), là một hợp thể phức tạp của nhiều chất. Cho nên ăn có chừng mực vẫn là điều quan trọng.

Ăn bắp


Chuyện cũ: Ăn bắp không tốt bằng ăn cơm hay bánh mì.

Chuyện mới: Bắp là một thứ ngũ cốc cũng tốt không kém gì các loại gọi là “whole grain” khác. Bắp vàng có chứa nhiều chất tiền phẩm của sinh tố A, nhóm carotenoid, làm cho “sáng mắt.” Tuy nhiên cũng nên nhớ là sinh tố A nhiều quá mức lại có hại. Bắp màu trắng thì không được tốt như bắp vàng.

Cà chua


Chuyện cũ: Cà chua có nhiều sinh tố C, nhưng phải là cà chua tươi mới được.

Chuyện mới: Đúng là cà chua có nhiều sinh tố C, và càng tươi thì sinh tố càng nhiều. Nhưng ngoài sinh tố C, cà chua còn có một chất gọi là lycopene. Chất này có thể phòng ngừa bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Có điều đặc biệt là cà chua đã chế biến (như xốt cà) thì chất lycopene lại dễ hấp thụ vào cơ thể hơn.

Tôm, cua, mực...



Chuyện cũ: Tôm có nhiều cholesterol, không nên ăn.

Chuyện mới: Đúng là tôm và mực có nhiều cholesterol nhất so với nghêu, sò, hến. Một nửa pound tôm có khoảng 300 mg cholesterol, là mức tối đa cho một ngày. Nhưng tôm lại rất ít chất béo bão hòa, là thứ làm hại tim nhiều hơn là cholesterol. Ngoài ra, tôm cũng có chất béo omega-3 là thứ chất béo giúp cho đỡ bị nghẹt tim. Như vậy thì ăn vừa phải là tốt hơn cả.

Cũng nên ghi thêm là tôm, cua (kể cả tôm hùm), scallop, nghêu, sò, chem chép... có ít cholesterol hơn là thịt bò.

Cà phê và trà


Chuyện cũ: Uống cà phê có hại. Có người nói uống trà bị xốp xương.
Chuyện mới: Cà phê là thứ đồ uống được nghiên cứu kỹ càng nhất trên thế giới. Các kết quả cho thấy là cà phê, cũng như chất caffeine trong các thực phẩm khác, không làm hại tim, không sinh ung thư, không làm loét bao tử.

Có một số người uống nhiều quá thì cảm thấy bứt rứt, nhưng nói chung thì uống vừa phải không có hại gì nếu không sẵn có bệnh như bệnh loạn nhịp tim. Nếu đang uống cà phê nhiều đều đều mà muốn thôi, thì đừng ngưng ngang, mà phải bớt từ từ trong nhiều ngày để tránh khỏi bị nhức đầu.

Trà có chất “kháng oxyt hóa” (antioxidant), nên có thể giảm thiểu rủi ro bị ung thư. Ngoài ra, trà cũng làm cho đỡ nghẹt mạch máu vì cholesterol. Trà không làm xốp xương. Dĩ nhiên là những thứ lá lẻo linh tinh gọi là “herb tea” vì không phải là trà, nên không kể .


Tin vui cho người mê sô cô la


Chuyện cũ: Sô cô la có hại, nhiều ca lo ri lắm, đừng ăn.

Chuyện mới: Đúng là sô cô la có nhiều ca lo ri. Nhưng sô cô la cũng như trà, có nhiều chất kháng oxyt hóa.

Ngoài ra có một cuộc khảo sát đại quy mô, cho thấy là trong số những người bình thường có hoạt động thể dục thể thao, thì nhóm người có ăn mỗi tháng vài phong sô cô la sống lâu hơn nhóm người không ăn sô cô la. Lý do thì không hiểu tại sao. Cuộc khảo sát chưa kết thúc.

Cam, chanh, bưởi


Chuyện cũ: Các trái cây này có nhiều sinh tố C.

Chuyện mới: Vẫn đúng vậy. Nhưng ngoài ra, cam, chanh, bưởi còn có nhiều chất giúp cho đỡ bị ung thư và trúng gió.


Màu sắc của rau quả


Chuyện cũ: Không để ý đến màu sắc.

Chuyện mới: Những loại rau và trái cây đậm màu, thường có nhiều sinh tố và chất khoáng hơn. Thí dụ như nho đỏ, dâu, mận “Đà Lạt,” cam, cà rốt, rau dền, rau cải xanh, củ cải đỏ, v.v. Ngoài ra, chất màu của thực vật còn có thể phòng ngừa nhiều bệnh kinh niên, kể cả ung thư, vì có nhiều chất kháng oxyt hóa.

Trái Bơ



Chuyện cũ: Ngày xưa người ta, cả giới y khoa, cũng cho là trái bơ nó nhiều chất béo lắm, nên nó còn có nickname là "butter pear" nữa. Một trái trung bình có 30 grs chất béo, tương đương với một cái hambuger to), và vì thế các vị "chuyên môn" thường khuyên mình nên hạn chế ăn uống thứ trái cây này.

Chuyện mới: Nhưng gần đây, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, hầu hết chất béo từ trái bơ thuộc loại "monounsaturated", lại là tốt cho mình. Tốt vì nó có thể làm giảm mức độ cholesterol. Vì thế chính phủ Mỹ khuyên nên ăn trái này ( bơ ) . Em mừng hết lớn.

Cụ thể hơn, trong một cuộc thử nghiệm năm 1996, 45 người đã ăn trái bơ mỗi ngày trong một tuần. Kết quả là họ đã thấy cholesterol ở những người này giảm trung bình khoảng 17%. Tưởng cũng nên nói thêm một tí rằng cholesterol của mình nó gồm 

- LDL (low density lipoprotein, hoặc "bad fat") và triglycerides, có thể gây hoặc làm trầm trọng hơn những chứng bịnh tim

- HDL (high density lipoprotein, hay "good fat" levels), có thể làm giảm bớt nguy cơ bệnh tim

Số 45 người kia thì sau một tuần "thí nghiệm", số LDL của họ xuống và HDL lên.

Họ tìm thấy trái bơ có nhiều beta-sitosterol, một chất natural có thể làm giảm nhiều số lượng cholesterol trong máu.

Nói vậy, nhưng người ta cũng khuyên mình nên ăn có chừng mực, vì nó nhiều calories hơn nhiều trái cây khác.

Tóm lại:


Về vấn đề dinh dưỡng, nếu đọc càng nhiều càng thấy mù mờ hơn, hoặc là không thể nào nhớ nổi các chi tiết lẻ tẻ, thì có lẽ nên theo nguyên tắc là ăn uống gì cũng chừng mực, trừ phi là mình có bệnh thì phải theo chế độ của bác sĩ chỉ dẫn.

Vũ Quí Đài