Pages

Thằng Ngốc - Đinh Công Bình


Thật ra, nó có tên do cha mẹ đặt thật đẹp, Phạm Bảo Long, con rồng quý của bố nó. Nhưng cho tới bây giờ, cái tên mà nó được người ta gọi nhiều nhất lại không phải là Long. Thay vào đó, nó đã trải qua rất nhiều tên khác nhau mà người ta đặt ra để gọi nó: Ngu, Ngốc, Mát, Tưng Tửng, Khờ, v.v… Chẳng hiểu tại sao người ta sàng đi, sàng lại rồi ngừng ở chữ Ngốc ! Ngay cả anh chị của nó cũng gọi nó là Ngốc. Trong một lần bốc đồng, thằng Lân, anh nó, đã láo lếu đổi chữ “Bảo” trong tên đệm của nó thành chữ “Ngoc”, thế là nó trở thành Phạm ( Ngoc ) Long ! Vài năm trôi qua, tiếng Việt của thằng Lân khá hơn, nên đã “đội mũ”, “đeo kiếm” để “Ngoc” chính thức trở thành “Ngốc”. Ông bà Phan, bố mẹ nó, mặc dầu cố tránh nhưng vì quen tai, lâu lâu cũng gọi nó là Ngốc.

Mà này, không những nó không giận mà ngược lại, nó có vẻ vui khi thấy người xung quanh có những trận cười khi gọi nó là Ngốc. Nói cho bằng đúng, trong trí khôn chậm chạp của nó, nó chả biết giận. Cho tới hôm nay, trí khôn trong thân hình gần 30 tuổi của nó tương đương với trí khôn của đứa bé 8, 9 tuổi.

Những mẩu đàm thoại hằng ngày giữa nó với anh chị hoặc bố mẹ đều là những câu đơn sơ, vô tội vạ. Những câu tiếng Việt “ba rọi”, ngây thơ của nó có lúc đã trở thành những câu nói thật tức cười. Ông bà Phan còn nhớ thời kỳ Lân, Lan, và nó mới học tiếng Việt, chúng nó thích ngồi xem những băng truyện cổ tích Việt Nam. Một hôm ba anh em đang xem phim với bố, tới đoạn nghe một nhân vật trong phim dùng chữ “cụ ông”, “cụ bà”, thằng Lân thắc mắc hỏi bố hai chữ đó có nghĩa là gì.

Ông Phan ôn tồn: “Cụ” là một lời lễ phép được dùng khi nói chuyện với một người già, một “old person”. Lập tức, thằng Lân nhìn bố  rồi nói một cách khôi hài: “Cụ Bố”. Vừa lúc đó thì bà Phan từ trong bếp bước vào phòng khách, chưa kịp nói gì thì thằng Ngốc đã đứng lên chỉ vào mẹ rồi nói lớn: “Cụ Mẹ !” Bà Phan tá hỏa. Trợn trừng đôi mắt giận dữ: “Chúa ơi, đứa nào dạy thằng Ngốc nói tục !” Anh em thằng Ngốc chẳng hiều tại sao mẹ giận. Riêng ông Phan thì vừa ôm bụng cười vừa giải thích. Bà Phan thở phào nhẹ nhõm sau khi biết rằng đó chỉ là một câu nói vô tội vạ, rất “ngố”, của thằng Ngốc.

Rồi thằng Ngốc cũng được cắp sách đi học. Cũng may mà nước Mỹ có chương trình học tập cho những đứa trẻ như nó. Nếu gia đình ông bà Phan không tỵ nạn sang đây thì chắc nó chẳng bao giờ được biết đến ghế nhà trường. Nó cũng mang về những phiếu điểm và phần thưởng cuối năm nhưng bố mẹ nó chỉ xem cho qua rồi bỏ sang một bên. Cũng may mà nó không đủ khôn để nhận ra sự thất vọng của bố mẹ khi so sánh phiếu điểm của nó với của Lân và Lan, chị nó. Cũng may mà nó không nghe, hay ít nhất, không hiểu những lời than van của ông bà Phan khi nói về nó. Đối với ông bà, thì thằng Lân và con Lan rồi đây sẽ là niềm hãnh diện, sẽ là ông này bà nọ, sẽ có nhà cao cửa rộng, sẽ là đìểm để ông bà tựa nương lúc tuổi già, còn thằng Ngốc thì chắc mãi mãi sẽ chỉ là một gánh nặng mà họ sẽ không bao giờ có hy vọng trút bỏ được !

Ngày tháng trôi qua, thằng Ngốc cứ thế ăn no chóng lớn. Trí óc nó chậm phát triển nhưng thân thể thì càng ngày càng nảy nở. Từ năm 14 tuổi nó đã cao hơn các anh chị nó cả cái đầu. Nó chẳng làm được những việc lớn nhưng ngược lại, rửa chén, quyét nhà, rửa xe, nói chung là những việc lặt vặt không cần tính toán thì nó làm giỏi hơn cả Lân và Lan. Thằng Ngốc lại chẳng mấy khi bị bệnh. Một trong những niềm vui của nó là đi nhặt ống loong cho Nhà Thờ. Có những ngày mưa, nó ướt như chuột lột, thế mà nó chả ốm đau gì cả! 

Rồi khác với các anh chị và những đứa trẻ cùng tuổi, nó chẳng bao giờ đòi hỏi bố mẹ phải mua cho nó thứ gì. Đôi giầy bata và vài bộ quần áo mua trong Wal-Mart hoặc mua lại trong chợ bán đồ cũ cũng đã quá đủ. Thằng Ngốc chẳng màng tới những chuyện đã xảy ra hôm qua hay những bất trắc có thể đến ngày mai. Nó sống hoàn toàn cho hiện tại. Đó hình như cũng là mối đau đớn của bố mẹ nó.

Năm 19 tuổi thằng Ngốc “tốt nghiệp” trung học. Nó cũng đội mũ, mặc áo ra trường như các anh chị. Nó thấy bố mẹ, nhất là mẹ, rươm rướm nước mắt khi nó ôm mảnh bằng tốt nghiệp đến. Nó đâu có đủ trí khôn để phân tách xem đó là những giọt nước mắt vui hay buồn. Nó đâu biết rằng ngày Lân và Lan ra trường bố mẹ nó vui bao nhiêu thì sau buổi ra trường của nó, bố mẹ nó buồn bấy nhiêu. Có lẽ buồn nhất là vì bố mẹ nó không thể khoe với bất cứ ai là nó sẽ theo ngành gì và đã được trường nào nhận cho học. Mai đây, nó sẽ làm gì để sống ? Ông bà sẽ phải nuôi, phải hầu hạ nó đến bao giờ ? Khi ông bà về già, sau khi ông bà chết, thì ai sẽ nuôi nó ?

Sau ngày “ra trường”, để nó lanh quanh ở nhà cũng thấy uổng, ông Phan bảo nó xuống tàu theo ông đi đánh tôm ở vịnh Mễ Tây Cơ. Nó không lái tàu được, không vá lưới được, nhưng ông nhận thấy công việc nhặt tôm và khuân vác thì nó làm bằng mấy người khác. Thêm vào đó, nó chẳng phàn nàn và cũng chẳng đòi hỏi “tiền phần” như những người làm công khác. Ngày qua ngày, nó chỉ biết ăn, ngủ, rồi nhặt tôm. Cuối tuần sau khi bán tôm xong, bố nó chở nó đi ăn McDonald’s rồi cho nó năm đồng. Nó cầm tiền về khoe mẹ rồi bỏ vào con heo đất để Chúa Nhật lại “mổ” heo mang lên bỏ vào thùng từ thiện trong Nhà Thờ – cái thói quen mà mẹ đã tập cho nó từ bé.

Đi biển với bố được năm năm thì trận bão Katrina thổi vào thành phố nơi gia đình nó cư ngụ. Sau những ngày chạy bão, gia đình nó trở về trong cảnh nhà tan tàu nát ! Chẳng biết làm gì khác để sống, bố nó cố sửa lại con tàu để đi làm hầu có tiền trang trải chi phí nhà cửa. Các anh chị của nó đã thành công, cả hai đều đã lập gia đình, công việc ngon lành, nhà lớn, xe hiệu nhưng khi bố hỏi mượn tiền để sửa lại căn nhà hư hại thì cô cậu thoái thác. Năn nỉ mãi, cô cậu gởi về cho bố mẹ được vài trăm bạc rồi im luôn ! Nhìn lại những năm tháng ông bà hy sinh bòn nhặt từng đồng để gởi cho cô cậu trang trải tiền ăn, tiền học, tiền tiêu, tiền xe, tiền chưng diện… Ông bà thở dài, tự an ủi, thôi… nước mắt chảy xuôi…

Với số tiền vay mượn và ít tiền giúp đỡ của chính phủ liên bang cùng với công sức của ông và thằng Ngốc, sau gần một năm sửa chữa, con tàu cũng ọc ạch chạy ra biển. Thôi, cứ sửa tạm để đi làm rồi khi có tiền sẽ tu bổ lại những chỗ còn tạm dùng được. Ông Phan tự an ủi thế.

Thả mẻ chã đầu tiên được vài tiếng, mặc dầu biết là nó không lái tàu được nhưng ông Phan cũng nhờ thằng Ngốc đứng cầm tay lái để con tàu khỏi quay rồi ông và chú làm công ra phía sau kéo chã. Sóng khá lớn, con tàu vật vã trên ngọn sóng làm cho việc kéo chã thật khó khăn. Gần mười phút sau thì bọc tôm khổng lồ mới được đưa lên lơ lửng trên sàn tàu. Nhìn bọc tôm cá to bằng nửa chiếc xe hơi, ông Phan vui ra mặt. Vạn sự khởi đầu nan nhưng mẻ lưới đầu tiên mà trúng như thế này thì đúng là tổ đãi !

Sau chuyến này chắc ông sẽ trả được một phần nợ, sắm sửa thêm được những thứ cần thiết, thậm chí ông có thể xẻo ra vài trăm đô tặng riêng vợ để bà Phan có thể mua được vài bộ quần áo thay thế cho những bộ đã bị bão cuốn đi. Hình dung khuôn mặt rạng rỡ của vợ khi cầm tiền đi shopping, ông quên cả sóng gió, quên cả mệt.

Bình thường nếu không có sóng gió, và khi bọc tôm đã được treo lủng lẳng trên sàn tàu, ông Phan chỉ cần cởi sợi dây cột đuôi bọc tôm thì khối tôm cá sẽ tuôn ra thành một đống trên sàn tàu. Khổ nỗi sóng lớn quá. Bọc tôm cứ lắc qua bên này, quật sang bên kia. Ông Phan cầm sợi dây thừng đã cột sẵn trên bọc tôm, cố giữ để nó đừng vùng vẫy theo ngọn sóng. Đang vật lộn với bọc tôm thì… Ầm, cây cần cẩu dùng để cẩu bọc tôm bị gẫy. Nó gẫy ở ngay đoạn ông chưa có tiền sửa !

“Lạy Chúa tôi…” Tiếng la thất thanh chưa dứt thì bọc tôm cá ngàn cân quật ông Phan vào thành tầu. Đầu ông vẹo về một bên còn phần thân thể từ bụng trở xuống thì bị kẹt bên dưới túi tôm cá – tựa như con voi đè lên con nai gầy. Con tàu vẫn tiếp tục vùng vẫy. Cố gắng hết sức mà sau gần năm phút chú làm công vẫn không thể cứu ông Phan ra khỏi núi tôm cá. Ngoài thằng Ngốc ra thì chẳng ai có thể giúp chú trong lúc này.

Chú làm công chạy vào phòng lái, vội vã cột lại dây để tay lái khỏi quay rồi lôi thằng Ngốc ra phía sau cứu bố nó. Bình thường nó đã khỏe hơn người nhưng hôm nay, trong lúc khẩn cấp này, hình như sức mạnh của thằng Ngốc được tăng lên gấp đôi. Nó hết đẩy rồi lại kéo bọc tôm để chú làm công tìm cách giải thoát bố nó. Khoảng gần năm phút sau hai chú cháu mới lôi được ông Phan ra khỏi đống tôm cá và khênh ông vào trong phòng lái. Ông Phan vẫn bất tỉnh. Trong bộ quần áo ướt tanh mùi tôm cá, thân hình gầy gò đen đủi của ông thoi thóp thở !

Chú làm công đã liên lạc với Coast Guard và máy bay cấp cứu đang trực chỉ về phía con tàu khốn khổ. Một giờ sau thì ông Phan được trực thăng mang thẳng vào bệnh viện. Chú làm công lái con tàu và mang Ngốc về đất liền cho mẹ nó.

Kể từ ngày đó, ông Phan bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Hai cánh tay ông còn cử động được nhưng chỉ cử động một cách rất yếu ớt. Ngay cả việc dùng muỗng xúc cơm ông cũng phải nhờ đến bà Phan hoặc thằng Ngốc giúp. Rồi ông bà không có bảo hiểm nên tiền bán chiếc tàu cũng chỉ đủ trang trải ít chi phí trong vài tháng. Bà Phan bắt buộc phải trở lại công việc cạy sò, lột tôm cho một hãng bào chế hải sản gần nhà nhưng với số tiền thu nhập ít ỏi, cuộc sống gia đình ông bà vẫn thiếu trước hụt sau. Vài trăm ngàn nợ bệnh viện chẳng biết bao giờ mới trả được ?

Thông cảm với hoàn cảnh của ông bà Phan, bệnh viện đã cho ông bà cơ hội trả góp mỗi tháng vài trăm đồng. Nhưng mặc dù vài trăm, với tình trạng này, một ngày rất gần đây chắc ông bà Phan cũng đành phải chạy nợ ! Thằng Lân và con Lan có mang gia đình về thăm nhưng được khoảng hai tuần thì cũng phải ai về nhà nấy.

Rồi thằng Ngốc lại có công việc mới. Sau vài tuần được mẹ chỉ dẫn, nó đã giúp được mẹ đút cơm, thay tã, bế bố cho mẹ tắm rửa v.v… Những lúc cần mua bình sữa, bó rau, cuộn giấy, mẹ nó viết vào tờ giấy, đưa tiền rồi nhờ nó đạp xe ra tiệm tạp hóa ở đầu đường gần nhà mua cho bà. Ông chủ tiệm tạp hóa biết nó từ bé và biết rõ hoàn cảnh hiện tại của bố mẹ nó nên bao giờ cũng nhiệt tình giúp mỗi khi nó ra mua đồ.

Bà Phan thầm nghĩ, cũng may mà có thằng Ngốc, cũng may mà trời cho nó to lớn có sức khỏe; bằng không, chẳng sao mà bà có thể lo cho ông Phan như thế này được – nhất là những lúc phải bế ông từ chỗ này đến chỗ khác. Ông bà Phan đã nhiều lúc tự hỏi không hiều vì nó quá khờ khạo, quá ngốc, hay vì nó thật tâm thương ông bà nên đã không nhận ra hoặc không ghê tởm sự thối tha bẩn thỉu mỗi khi làm vệ sinh, thay tã cho bố nó ?

Ông Phan sống trong tình trạng này được ba năm thì sức khỏe yếu dần. Mặc dầu vẫn được chăm sóc kỹ lưỡng, ông thường xuyên bị lở loét, xưng phổi, cao áp huyết, và những bệnh liên quan đến hô hấp. Gia đình hai đứa con lớn, vì nhiều vấn đề, ít khi về thăm ông bà. Những kỳ vọng mà ông bà đã đặt vào Lân và Lan mười mấy năm trước chắc sẽ không bao giờ thành sự thật ! Sự chu đáo của bà Phan và của thằng Ngốc có làm cho ông vui nhưng cũng không thể nào xóa đi được sự tuyệt vọng mỗi khi ông nghĩ về bệnh tật của mình !

Ông biết bà Phan và thằng Ngốc, qua con mắt trìu mến ngây thơ của nó, vẫn muốn ông hiện hữu trên đời này. Mặc dầu vất vả trăm bề nhưng vợ ông và thằng Ngốc không bao giờ than van khi phải giúp đỡ hầu hạ ông. Những năm tháng nằm liệt trên giường bệnh, ông đã hiểu rõ và nhận ra đâu là nghĩa, đâu là hiếu. Ông nhận ra rằng thằng Ngốc không phải là gánh nặng mà ngược lại nó là người con duy nhất đã, đang, và sẽ gánh những gắnh nặng cho ông bà.

Trong một đêm trằn trọc, nằm ôn lại những ngọt bùi cay đắng của cuộc đời, ông bà Phan nhận ra rằng trong cuộc đời gần 30 năm, họ chưa thấy thằng Ngốc đòi hỏi bất cứ điều gì. Chưa bao giờ nó đòi hỏi ông bà, hay những người chung quanh, phải như thế này, phải như thế nọ. Trong con người bao dung, trong ánh mắt thơ ngây, nụ cười nhân ái, hình như có lúc nó đã gián tiếp nói với ông bà rằng “con không phải là đứa trẻ thông minh, lanh lẹ, như bố mẹ mong muốn. Nhưng con là con của bố, là con của mẹ. Con không chọn để được sinh ra làm một thằng “Ngốc”, ngay cả cái tên “Ngốc” cũng do người ta gán cho con chứ không phải do con chọn. Vậy con xin bố mẹ thương và chấp nhận con như con thương và chấp nhận bố mẹ…”

Ông bà Phan nhìn nhau ứa nước mắt. Phải rồi, cả đời, thằng Ngốc đã cho nhiều hơn nhận. Nó cho mà không bao giờ đòi hỏi một điều kiện. Tình yêu mà nó dành cho mọi người là một tình yêu tuyệt đối, chân thật, không vụ lợi. Trong tim của thằng Ngốc chất chứa tình yêu của vị thánh hiền. Nó đã dạy cho ông bà bài học tình yêu. Qua sự bao dung của nó, người chung quanh, nếu để ý, sẽ nhận ra rằng, con người khôn hay ngốc, sang hay hèn, đều có những nét đẹp (hoặc xấu) của riêng họ.

Cuối cùng cái ngày đó cũng phải tới ! Mẹ nó nhờ nó ngồi trên chiếc ghế bên cạnh giường rồi đưa tay vào nâng đầu bố dậy để ông dễ thở. Ông Phan biết là ông sắp từ bỏ những gì thân yêu nhất. Trong hơi thở mong manh, ông nhìn bà Phan và nhìn thằng Ngốc trăn trối: “Cám ơn em… cám ơn con ! Anh có… một điều muốn… nói với em. Từ nay… em và các con… đừng gọi Long là… thằng Ngốc nữa… Gọi nó là… Ngọc. Nó là… viên Ngọc quý !”
Trong tiếng nức nở của bà Phan và trên cánh tay êm ấm của thằng Ngọc, ông trút hơi thở cuối cùng. Gia đình Lân và Lan vẫn chưa về đến nơi !

Đinh Công Bình

Khéo Tay Chặt Dừa

Mời xem một kiểu chặt dừa đẹp mắt ngon miệng

Giá Trị Của Những Niềm Đau


Em có biết người Nhật Bản họ làm một hạt ngọc trai như thế nào không?

- Họ lấy một con dao nhỏ thật sắc, rạch bụng con trai ra, bỏ vào đấy một hạt cát và khâu lại. Xong, họ thả con trai ấy vào một cái hồ chứa đầy nước biển. 

Những con trai sau khi lãnh một hạt cát vào trong bụng như thế, có thể lâm vào hai trường hợp sau:

1- Những con trai yếu đuối sẽ chết vì vết thương làm độc.

2- Những con còn lại, sau một thời gian đau đớn, oằn oại vì vết thương, sẽ tiết ra một chất nhờn để bao bọc hạt cát đang nằm sâu trong da thịt. 

Hạt ngọc trai được thành hình từ đó.

Còn chúng ta, cuộc đời cũng đã mổ bụng ta và nhét vào đấy những niềm sầu nỗi khổ. Nếu chúng ta cứ than van, hờn trách thì ta sẽ chết lần chết mòn như những con trai yếu đuối nọ. Ngược lại, nếu ngay trong những nghịch cảnh oái ăm ấy mà chúng ta biết tiết ra một chất thức tỉnh thì một vị Phật được bắt đầu như thế đó em ạ!

Sưu tầm

Vui vui!


5 đặc tính quý giá của dân nhậu
Các nhà Lưu Linh học vừa tìm ra 5 đặc tính quý của dân nhậu chuyên nghiệp, đó là:
1) Can đảm: Biết rượu độc hại mà vẫn uống.
2) Thật thà: Có bất kỳ chuyện gì trong lòng cũng đem ra... trình bày. 
3) Dũng cảm: Chuyện gì cũng sẵn sàng làm, kể cả hái sao trên trời. 
4) Giản dị: Đâu đâu cũng là nhà, chỗ nào cũng làm giường ngủ được. 
5) Có lòng yêu thương súc vật: Nhậu xong còn cho chó ăn chè.


Rượu Mà
 Chồng nói với vợ:
- Rượu làm cho em đẹp thêm ra !!!!
- Nhưng em đâu có uống giọt nào đâu !!??
- Anh uống mà !!!
Kết quả: Anh chồng bị bỏ đói hơn một tuần

Chuyện Tình Yêu …
Hai người bạn ngồi nói chuyện về tình yêu.  Một người nói:
- Tôi đã ba lần tưởng rằng mình đã yêu.  5 năm trước tôi để ý đến một người phụ nữ, người đó không ưa tôi một chút nào hết !!
- Thế mà là tình yêu ư ?
- Không, đó chỉ là sự mê muội.  2 năm sau, tôi lại chú ý tới một cô gái rất quyến rũ, nhưng cô ấy lại không hiểu tôi.
- Đó có phải là tình yêu không ?
- Không, đó chỉ là mơ mộng.  Chỉ 1 năm sau, tôi gặp một phụ nữ trên boong tàu tại biển Hawaii . Cô ấy thông minh, hài hước và nói chuyện rất duyên dáng.  Dù gặp cô ấy ở bất cứ nơi đâu trên boong tàu, tôi cũng có cảm giác rất lạ, thấy bồn chồn, hồi hộp, trong người cứ không yên.
Anh bạn sốt ruột
- Thế rồi đó có phải tình yêu không ?
- Không, lúc đó tôi bị say sóng.....!!!!

Bi Thảm
Trong phòng hòa nhạc, một thính giả hỏi người ngồi bên cạnh:
- Tôi không biết bản sonata này của nhà soạn nhạc Plongelstein. Hai chương đầu nghe buồn quá…
Nghe vậy, người kia trả lời:
- À, dễ hiểu thôi. Khi ông ta sáng tác 2 chương đầu, vợ ông ta vừa bỏ ông ta.
Người này lại hỏi tiếp:
- Còn về chương thứ ba, nghe phải nói là cực kỳ bi thảm.
- Vợ ông ta đổi ý quay lại sống với ông ấy.
- !
Sưu tầm

Quê Mẹ Đó - Thơ Sương Lam - Nhạc: Quê Hương Bỏ Lại - Lính Thủy Thực Hiện

Thơ: Sương Lam
Nhạc: Quê Hương Bỏ Lại - Tô Huyền Vân
Tiếng hát: Trường Vũ 

Cậu Bé Lừa Tiền Cơm Và Kết Cuộc Không Ngờ Sau 20 Năm


Đôi khi, một câu nói có thể làm thay đổi cuộc đời của một con người. Đôi khi, chỉ có lòng tốt và sự hiền lành thôi thì chưa đủ. Đôi khi, cuộc sống sẽ cho mỗi người một cơ hội nữa…
Một ngày, sau khi hết tiết giảng và trở về văn phòng, bảo vệ đưa đến cho tôi một số tiền cùng hóa đơn thanh toán. Cả chục triệu đồng tiền nợ… Tôi thấy rất kỳ lạ, không nhớ nổi là đã cho ai mượn số tiền này. Nhìn vào cột người gửi, tôi thấy viết “Cậu bé ăn xin của 20 năm trước”… mọi kỷ niệm chợt ùa về. Tôi tự hỏi, chẳng lẽ là cậu bé đó sao ?
20 năm trước, hồi đó mẹ tôi còn làm nghề bán hàng cơm cho học sinh ở cổng trường học. Bà thấy nhiều đứa trẻ rất khổ và đáng thương nên luôn làm những hộp cơm ngon hơn mà chỉ bán với giá rẻ. Vì thế học sinh đến mua cơm rất đông.

Tôi vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ được phân công tác, nên đã ra phụ mẹ bán cơm. Trong một lần bận rộn phục vụ những em học sinh vừa tan học, tôi bỗng nhiên cảm thấy ai đó đi qua quệt phải lưng mình. Đó là một cậu bé chừng 10 tuổi, mặc một bộ quần áo mỏng, rách tả tơi, trong khi trời đã bắt đầu vào đông.
Khi đó, như đã rất quen thuộc, mẹ tôi liền mỉm cười rồi đưa cho cậu bé một hộp cơm. Không đợi tôi cầm hộ, cậu bé vội giật lấy cơm, ném tiền vào hộp rồi chạy mất. Một học sinh bên cạnh tức giận nói: “Thằng ăn mày này toàn lừa tiền cơm, rất nhiều lần đều như vậy, nếu lần sau còn thế thì phải dạy cho nó một trận!”. Tôi ngạc nhiên kiểm tra lại hộp tiền, thì thấy quả thực là cậu bé chỉ đưa có 1 tờ 200 đồng.
Khi tôi trách mẹ quá sơ ý, bà nói: “Mẹ biết mỗi lần thằng bé chỉ bỏ vào đó 1 tờ 200 đồng. Chỉ có điều ta cũng nên giữ đạo nghĩa. Đứa trẻ này đã mất cả cha lẫn mẹ, rất đáng thương, mẹ cũng chỉ có thể giúp nó đến như vậy.”

Tôi không đồng ý nói: “Mẹ thật quá hồ đồ, đây mà là giúp cậu ta sao?”. Nhưng tôi chưa kịp nói xong thì đã bị mẹ la mắng. Tôi biết rõ là dù có nói gì cũng vô dụng, mẹ suốt ngày niệm Phật, chỉ một lòng muốn giúp người khác, nhưng lại không nghĩ sâu hơn. Thế là tôi đột nhiên muốn xử lý thật tốt chuyện này.
Ngày hôm sau, cậu bé ăn xin lại tới. Cậu ta vẫn giành lấy cơm như những lần trước, ra vẻ rất vội vàng và chuẩn bị ném tiền vào hộp. Lúc đó tôi thình lình nắm lấy tay cậu… tờ tiền ít ỏi rơi ra ngoài. Mọi người đều quay lại nhìn, làm cậu bé rất bối rối, xấu hổ, và chực khóc. Lúc đó tôi cười nói: “Mua như vậy thì không đủ ăn đâu! Em cứ lấy cơm đi, phần còn thiếu sau này hãy trả”. Nói xong tôi thả tay cậu ra.
Cậu bé sợ hãi cầm hộp cơm, ánh mắt tràn đầy nghi hoặc. Tôi lại bảo: “Đi đi, anh biết rõ em nhất định sẽ trả! Nhớ nhé! Sau này phải trả cả vốn lẫn lãi!”. Cậu bé suy nghĩ mất một lúc, rồi sau đó im lặng quay người, đi thẳng từng bước một, chứ không còn chạy như trước kia nữa.
Kể từ đó, cậu vẫn thường đến ăn, và trả 200 đồng…
Đang suy nghĩ miên man thì anh Trương lại vội vã quay lại nói với tôi: “Tôi quên! Còn một phong thư nữa!”

Nhận lấy phong thư, tôi vội vàng mở ra đọc. Trong thư viết:
“Tôi cuối cùng đã tìm được địa chỉ của anh. Suốt bao năm tìm kiếm, tôi mới có thể đem tiền trả lại, mới có thể hoàn lại ân tình 20 năm về trước. Lúc đó tôi đã lang thang khắp nơi, thường xuyên chịu đói rét. Một lần tôi tới cổng trường học giả vờ mua một hộp cơm. Tôi ném thử tờ 200 đồng vào hộp rồi nói xin mua cơm. Lúc đó tôi nghĩ, dù có bị phát hiện đi nữa thì dì bán cơm cũng rất hiền lành, sẽ không trừng phạt tôi. Nhưng dì cũng không phát hiện ra, tủm tỉm cười rồi đưa tôi một hộp.
Sau đó tôi bắt đầu dựa vào thủ đoạn và mánh khóe để có được bữa ăn. Tôi cảm thấy người tốt trong xã hội rất dễ bị lừa. Tôi thường xuyên nói dối, và trộm đồ trong hành lang, còn định trộm cả trong cửa hàng nữa. Lần đó khi bị anh tóm lấy, tôi đã nghĩ mình vậy là xong rồi, bị đánh rồi. Nhưng tôi đã không phải chịu trận đòn nào, mà lại còn được anh thả đi. Những lời nói của anh đã bảo vệ danh dự cho tôi, khơi dậy trong tôi mong muốn làm người tốt thực sự. Trong những năm sau này, mỗi khi nhớ đến ánh mắt của anh, tôi lại có thể tránh xa những điều xấu. Và dù phải tìm kiếm khắp nơi, dù phải đi bao xa, mất bao nhiêu thời gian, tôi vẫn muốn hoàn thành lời hẹn ước cũ.”

Và sự thành thật của cậu bé ăn xin cuối cùng đã được đền đáp…
“Một ngày nọ, khi nhìn thấy tôi ngồi co ro vì giá rét, một phụ nữ đã trở về nhà mang cho tôi mấy chiếc áo. Sau đó tôi phát hiện trong túi áo có rất nhiều tiền. Lúc đó tôi rất đói, rất muốn giữ lại số tiền này, nhưng ánh mắt của anh lại hiện lên làm tôi thay đổi ý nghĩ. Tôi phải mất cả ngày mới tìm được nhà người phụ nữ nọ. Hai vợ chồng họ đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi tới trả lại tiền. Họ khóc nức nở ôm tôi vào lòng, rồi liên tục nói tôi là đứa trẻ tốt. Khi đó con gái hai vợ chồng vừa bị bệnh mà qua đời, tôi may mắn trở thành con nuôi của họ. Cuộc sống từ đó trở nên tốt hơn, tôi được cha mẹ nuôi thương yêu hết mực, được đi học. Giờ tôi đã trở thành giáo viên…”

Đúng là cậu ta! Quả là một niềm vui ấm áp. Tôi thầm cảm thấy may mắn vì đã không vô tình hủy hoại một con người. Cậu bé ăn xin học được đức tính thành thật ngay thẳng, vì vậy mà đã gặp một gia đình tốt.
Giờ đây đứng trên bục giảng, chắc chắn cậu bé ăn xin năm xưa sẽ nói với học sinh của mình rằng: “Chỉ có thành thật mới mang lại hạnh phúc!”

Vợ Chồng Không Duyên Không Gặp, Không Nợ không Đến


Trên đường đời tấp nập, người với người gặp nhau rồi trở thành bằng hữu tâm giao hay vợ chồng… hết thảy đều do hai chữ “duyên phận”. Tuy vậy, việc đối xử với nhau tốt xấu thế nào lại phải xét đến vấn đề nợ nghiệp.


Vì sao có một số phụ nữ thường phàn nàn về người chồng của mình?

Người phụ nữ từ thời khắc được gả làm vợ của một người đàn ông thì họ đã đem toàn bộ tâm, thân giao phó cho người đàn ông này. Sau khi kết hôn, họ sẽ phải một mực yêu thương gia đình và chăm sóc chồng con.
Tuy nhiên, có những người cả đời không nhận được một câu động viên khích lệ của chồng. Thậm chí có người  còn bị chồng lạnh nhạt, không coi trọng. Thế là họ sinh ra bực bội, than vãn và phàn nàn về người chồng của mình.

Nếu xét về mặt nhân quả trong đạo lý nhà Phật thì đây là do kiếp trước người vợ đã thiếu nợ người chồng ở kiếp này của mình. Người vợ đã bao giờ từng nghĩ: “Tại sao mình không lấy người khác mà lại lấy chồng mình bây giờ?” Đó là bởi vì người vợ thiếu nợ người chồng nên kiếp này được gả cho anh ta để trả nợ. Nếu như không thiếu nợ thì sẽ không đến, không có duyên thì sẽ không tụ.

Có người phụ nữ lại nói: “Tôi không nợ chồng tôi thứ gì cả, bởi vì chồng tôi đối xử rất tốt với tôi!”. Điều này là bởi vì ông chồng ở kiếp trước mới là người đã mắc nợ. Không có nợ thì sẽ không tạo thành một gia đình.
Có những người đàn ông chỉ vì mong muốn lấy được người vợ đó mà chấp nhận làm hết mọi việc từ chăm sóc gia đình đến nuôi dưỡng con cái… Đây chẳng phải là vì thiếu nợ sao? Chỉ là trong xã hội đa phần chúng ta chứng kiến đều là phụ nữ thiếu nợ đàn ông mà thôi.

Có người phụ nữ lại than rằng: “Tại sao tôi lại lấy được một người chồng vô dụng như vậy? Làm gì cũng không thành?”
Người phụ nữ kiểu này đi đâu cũng chỉ trích chồng của mình là vô dụng, không làm được việc gì cả, việc kiếm sống toàn là do bản thân mình đảm nhiệm. Kỳ thực, đó là bởi vì ở kiếp trước, người đàn ông này đã vì người vợ mà dốc hết sức mình. Cho nên, ở kiếp này người vợ phải đền bù tổn thất đó cho người chồng. Đây không phải là người vợ gặp xui xẻo mà bởi vì kiếp trước đã gieo nhân nào thì kiếp này sẽ nhận được quả đó.

Cũng có cặp vợ chồng rất hòa thuận, vợ chồng đối xử với nhau rất tốt, sẵn lòng vì nhau. Nhưng người vợ lại không mấy hòa hợp với mẹ chồng. Đây là vì người vợ đã thiếu nợ mẹ chồng của mình ở kiếp trước. Nếu như giữa mẹ chồng và con dâu bất hòa cũng đều là do oan thân, chủ nợ ở kiếp trước gặp lại trong kiếp này.
Phật gia giảng rằng, chấp nhận là có thể chấm dứt được oan nghiệp này. Cho nên, người vợ và người chồng đều nên giữ tâm bình tĩnh, chấp nhận người bạn đời của mình.

Người phụ nữ được gả cho người đàn ông nào thì đều là mệnh của họ. Hết thảy những người mà hôm nay chúng ta gặp đều là đã có trong mệnh rồi, đều là nhân gieo trồng từ  kiếp trước, hôm nay mới nhận được quả như vậy. Đàn ông cũng vậy, không nợ sẽ không đến.

Cho nên, trong gia đình, vợ chồng đừng nên trách mắng nhau, bởi vì như vậy, nợ kiếp trước chưa giải quyết xong lại tăng thêm nợ ở kiếp này, tức là “nghiệp cũ chưa hết lại thêm nghiệp mới.” Hãy đối xử tử tế với nhau để hóa giải nợ kiếp trước.
Phật gia có câu: “Chúng sinh là bình đẳng”. Người chồng hay người vợ không phải là tài sản riêng của mình, chỉ là có một đoạn nhân duyên với mình ở kiếp trước, kiếp này đến để kết thúc đoạn nhân duyên đó mà thôi.

Duyên tận duyên tán, tất cả sẽ phân ly. Đừng oán trách người chồng hay người vợ của mình mà hãy chấp nhận, bỏ công sức ra nhiều hơn, lặng lẽ giúp đỡ người kia nhiều hơn từ lúc này, bạn chắc chắn sẽ nhận được quả ngọt. Phàn nàn người khác cũng chỉ là tự làm hại mình mà thôi.

Theo Daikynguyenvn

Tiến Hoá Hay Tạo Hoá - Chu Hảo


Mặc dù khoa học đã đạt được những thành tựu vô cùng vĩ đại, các quy luật của thế giới tự nhiên cứ lần lượt được phơi bày, sân chơi của Chúa tưởng chừng ngày càng hẹp lại; nhưng cứ mỗi lần các nhà khoa học vén được một bức màn đen do Chúa dựng nên này thì lại thấy một bức màn đen khác sừng sững trước mặt. Và cho đến tận ngày nay hai câu hỏi nguyên thủy “ Vũ trụ được hình thành thế nào?” và “Loài người xuất hiện từ đâu? Từ loài khỉ lớn (vượn hay tinh tinh) tiến hóa lên, hay do Chúa tạo ra ?”, xem ra vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng; và liệu có thể có câu trả lời cuối cùng hay không? lại là một câu hỏi hóc búa khác. 

Sai lầm của Thuyết Tiến Hóa
Thuyết Big Bang hầu như đã được kiểm chứng. Ngày càng có nhiều bằng chứng khách quan cho thấy Vũ trụ, mà chúng ta đang ở trong, được sinh ra từ một vụ nổ lớn trong hư không khoảng 14 tỷ năm trước rồi dãn nở không ngừng, đồng đều theo mọi hướng, chứa hàng trăm tỷ thiên hà có kích thước khoảng 100.000 năm ánh sáng (một giây ánh sáng là 30 vạn km); mỗi thiên hà lại chứa hàng trăm tỷ ngôi sao; mỗi sao lại có một hệ thống hành tinh quay quanh như kiểu hệ Mặt trời của chúng ta. Khoảng hơn mười tỷ năm nữa Vũ trụ sẽ dừng dãn nở, co sụp lại thành một điểm như lúc ban đầu..

Nếu thuyết này là đúng thì vẫn còn những câu hỏi chưa thể có câu trả lời: Thế trước Big Bang là cái gì? Vì sao nó lại vận hành một cách trơn tru, hoàn hảo như thế? Vì sao các hằng số vật lý của Vũ trụ (tốc độ ánh sáng, điện tích của điện tử, hằng số Plank...) lại được gán cho những giá trị chính xác đến nỗi chỉ cần một trong các hằng số ấy thay đổi đi một phần triệu giá trị vốn có thì thế giới này không có sự sống, không có chúng ta - con người có khả năng tìm hiểu Vũ trụ?

Mặc dù vậy, các bằng chứng thực nghiệm về sự hình thành và tiến hoá của Vũ trụ cho đến nay vẫn ủng hộ thuyết Big Bang. Điều này khác hẳn với sự đáng ngờ của thuyết Tiến hóa về nguồn gốc của Loài người, rộ lên trong vài chục năm gần đây. Số người ủng hộ thuyết Tiến hóa còn rất nhiều (xem Nguyễn Văn Tuấn, Ykhoa.net/binhluan/), nhưng những người phản đối càng ngày càng làm tôi “nao núng”. Xin chia sẻ với bạn đọc những gì tôi thu nhận được từ lập luận của những người “phủ nhận sạch trơn” Darwin (xem Viethungpham.com).

Chúng ta đều biết Darwin (1809 - 1882) đã công bố Thuyết Tiến hoá của mình trong hai cuốn sách kinh điển: “Nguồn gốc các loài” ( 1859 ) và “Nguồn gốc con người” (1871). Trong đó ông đã khẳng định: 1) Các loài động vật tiến hoá từ bậc thấp lên bậc cao hơn theo quy luật chọn lọc tự nhiên những biến dị nhỏ ngẫu nhiên có lợi trong quá trình cạnh tranh sinh tồn, được tích tụ dần. 2) Sự sống được hình thành một cách tự phát ngẫu nhiên từ một tập hợp các nguyên tố hoá học. 3) Loài khỉ lớn (tinh tinh) là tổ tiên trực tiếp của Loài người.

Vào thời điểm ấy học thuyết này đã được hưởng ứng một cách cuồng nhiệt và tiếp tục mê hoặc các thế hệ sau cho đến tận cuối Thế kỷ 20. Ngày nay trong các trường học trên toàn thế giới, người ta vẫn vô tư rao giảng những quan điểm phi khoa học của Darwin. Sự “ngộ nhận thế kỷ” này có thể do hai nguyên nhân chính sau đây. Một là, công trình của Darwin ra đời vào đúng lúc xu thế vô thần và duy vật của Thế kỷ Khai minh đang nở rộ; nó đánh trúng vào tâm lý khoa học thời đại: sự sống và con người không phải do Chúa tạo ra. Hai là, cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất đạt được những thành công rực rỡ với sự ra đời của Vật lý học Newton, đã làm cho cộng đồng khoa học ngây ngất với ý tưởng “sân chơi” của Chúa đang thu hẹp lại và một ngày không xa khoa học sẽ trả lời được mọi câu hỏi về vạn vật. Thế nhưng, như bạn đọc sẽ thấy, đấy là một sự ngộ nhận tai hại.

Thuyết Tạo hoá
Sự sai lầm của thuyết Tiến hoá và sự ngộ nhận về nó sẽ không xảy ra nếu Darwin được biết đến công trình khoa học vĩ đại về Di truyền học của Gregor Mendel (1822-1884) ra đời chỉ sau cuốn “Nguồn gốc các loài” có bảy năm, 1866. Giá ông biết thì chắc ông đã buộc phải xem xét lại các luận điểm của mình. Không những chỉ Darwin không được biết mà cả thế giới cũng hầu như không biết tới công trình khoa học của Mendel vì nó đã bị rơi vào quên lãng. Ba mươi năm sau, vào năm 1900, lý thuyết di truyền của ngài Linh mục người Áo ấy mới được các nhà khoa học Đức và Hà Lan phát hiện. Từ đó di truyền học mới thực sự chào đời, và ngày càng được khẳng định đóng vai trò quan trọng trong Sinh học như thuyết Lượng tử trong Vật lý học. Di truyền học khẳng định những điều ngược lại hẳn với học thuyết Tiến hoá. Cụ thể là: 1) Phân tử ADN (vật liệu di truyền ở cấp độ phân tử quyết định các tính trạng của động vật) của mỗi loài là cố định, không biến đổi trong quá trình chọn lọc tự nhiên để thích nghi với môi trường sinh sống. Như vậy loài này không thể “tiến hoá” lên loài khác được. 2) Phân tử tế bào sống đơn giản nhất cũng không thể hình thành từ sự kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử hoá học. Xác suất của quá trình ấy có thể coi là bằng không như đã được chứng minh bằng toán học cũng như mô phỏng trên các “siêu máy tính”. 3) Khỉ là khỉ, người là người. Bộ gene của khỉ dù có giống của người đến hơn 95% thì vẫn còn đó, một sự khác biệt về chất rất lớn nằm trong số vài phần trăm chứa trong ADN cấu tạo nên các gene. ADN của người có 46 nhiễm sắc thể, của tinh tinh là 48 nằm trong nhân mỗi tế bào, và hoàn toàn cố định.

Nhận được sự chào đón hồ hởi ngay từ khi mới ra đời, thuyết Tiến hóa đã “bùng nổ” sau “vụ án thế kỷ”, trong đó một giáo viên trung học người Mỹ là Scopes bị buộc tội rao giảng thuyết Tiến hóa tại một trường phổ thông ở Tiểu bang Tennesse đã thắng kiện. Người ta đồng nhất thắng lợi của Scopes với thắng lợi của thuyết Tiến hóa. Thế nhưng cũng bắt đầu từ đó các bằng chứng khách quan ngày càng chống lại Darwin về giả thuyết loài tinh tinh là tổ tiên trực tiếp của loài người.

Bằng chứng quan trọng nhất là suốt từ khi giả thuyết “khỉ biến thành người” ra đời cho đến nay, đã hơn một thế kỷ rưỡi trôi qua, không có một hóa thạch trung gian nào giữa khỉ và người được phát hiện. Chỉ có một bằng chứng “ngụy khoa học” được tạo dựng nên vào năm 1912. Lúc đó có người đã cả gan ghép hóa thạch hộp sọ của người cổ đại với hóa thạch xương hàm của một con tinh tinh cùng thời để “chứng minh” rằng đã tìm thấy một loài trung gian giữa khỉ và người, đúng như sự mong đợi của những người hâm mộ thuyết Tiến hóa. Thế nhưng trò lừa đảo đó mau chóng bị lật tẩy, và công việc tìm kiếm hóa thạch trung gian vẫn cứ được miệt mài… Ngoài ra, phái phản đối thuyết Tiến hóa khẳng định một cách không hề thiếu sức thuyết phục rằng: Nếu Mendel đúng thì Darwin phải sai, chứ không thể dung hòa.

Tôi e còn ít người biết được rằng sinh thời chính Darwin đã tuyên bố: “Nếu có bằng chứng cho thấy sự tiến hóa từ loài thấp hơn lên loài cao hơn mà không do sự tích tụ các biến đổi nhỏ liên tục thì lý thuyết của tôi là sai!”. Đúng như sự nghi ngại của ông, những phát hiện mới nhất của Di truyền học và Khảo cổ học nhiều lắm cũng chỉ chứng minh được rằng tinh tinh và người cùng phát sinh từ vùng Nam châu Phi cách đây khoảng 200.000 năm rồi lan tỏa đi khắp địa cầu. Thế thôi, vẫn không có một hóa thạch trung gian nào được phát hiện.

Cho nên ở nơi chín suối ông không thể không ân hận khi được biết chiến dịch tàn sát người da đỏ (bị coi là giống “nửa khỉ nửa người”) ở Úc cuối Thế kỷ 19, và tội ác diệt chủng của Hitler gây ra đối với người Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Bởi không ai khác ngoài ông đã vạch đường cho quỷ dữ hoành hành khi tuyên bố: “Vào một giai đoạn nào đó, có thể tính bằng thế kỷ, các chủng tộc văn minh của loài người hầu như chắc chắn sẽ hủy diệt và thay thế các chủng tộc man rợ”.

Nếu thuyết Tiến hóa là sai thì thuyết Tạo hóa có nhiều cơ hội là đúng?

Không đơn giản như vậy! Chỉ có điều càng ngày càng nhiều nhà khoa học lỗi lạc tin rằng có một lực lượng siêu nhiên nào đấy đã lập trình sự sống và cài đặt nó vào các phân tử ADN dưới dạng các mã thông tin, như một bản thiết kế cực kỳ linh diệu. Đáng kinh ngạc thay, từ Thế kỷ 13 Thánh Thomas Aquine đã phán: “Bất cứ ở đâu tồn tại những thiết kế phức tạp, ở đó ắt phải có nhà thiết kế thông minh”. Nhà thiết kế thông minh ấy đã được nhân loại gán cho các tên: Đấng sáng tạo, Tạo hóa, Chúa trời của các tôn giáo; hay “Chúa phiếm thần” của các nhà khoa học.

Nếu bạn đọc còn do dự tin hay không tin vào một trong hai giả thuyết nói trên thì hãy nghe lời khuyên của Einstein mà vui sống. Ông nói thế này: “Có hai cách để sống: bạn chẳng tin vào phép màu nào cả, hoặc tin rằng mọi thứ đều là một phép màu”. Há chẳng thanh thản sao!

Chu Hảo

Cá Mú Chưng Tương, Bún Tàu


Cá chưng rất kén cá, không phải giống cá nào cũng chưng được, phải là cá ít mùi tanh, thịt cá không quá bở, chưng lên ăn mới ngon. Không biết với các bạn thì sao, chớ bà bếp này đã thử vài loại thì thấy cá mú fillet là được nhất. 

Vật liệu :
- 1 miếng cá mú fillet khỏang 500 grs xắt miếng vuông vừa ăn  
- 100 grs bún tàu ngâm nước cắt khúc
- một miếng gừng xắt sợi
- 3 muỗng (muỗng cà phê) tương hột
- 1 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng canh dầu hào


Miếng cá này cân nặng 700grs

Cách làm :
Cho cá vào thố trộn đều với tương hột, gừng xắt sợi, dầu ăn, dầu hào, bún tàu, tí bột ngọt. Chưng cách thủy khỏang 15 - 20 phút. Khi ăn xúc ra dĩa cho hành, ngò, ớt lên mặt. 
Dễ quá phải không các bạn? 

Thau cá với gia vị sẵn sàng để chưng

Món cá chưng này đơn giản, làm nhanh, lành mạnh, không sợ dầu mỡ, lại ăn ngon, là món ăn lý tưởng trong tuần cho gia đình. 


Bon appétit!

 Người Phương Nam 

Món Ngon Ở Việt Nam (Phần 2)

Hành trình thú vị của một phiên bản hủ tiếu Nam Vang

Phiên bản hủ tiếu khô óng ánh màu nước chan

Tự nhận món ăn mình phục vụ là "nguyên bản" luôn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là với dòng hủ tiếu tương đối phổ biến trong đời sống ẩm thực Sài Gòn như hủ tiếu Nam Vang. Tuy nhiên những dữ kiện của phiên bản hủ tiếu Nam Vang - Ty Lum đã gợi mở rất nhiều điều lý thú về món ngon này.
Hủ tiếu Nam Vang khi du nhập vào Việt Nam đã bị lai tạp ít nhiều. Nếu như tô hủ tiếu nguyên bản chỉ có thịt heo bằm và xắt miếng, ăn kèm với xà lách và giá sống (cùng một chút đường) thì khi phiêu bạt theo làn sóng người Tiều gốc Việt về Sài Gòn, hủ tiếu Nam Vang đã thay đổi khá nhiều về hình thức. Nếu như phần nhân bổ sung thêm gan, tim, tôm, trứng cút... thì phần rau ăn kèm cũng phong phú hơn với rau cần, tần ô và hẹ. Tuy khác biệt là vậy nhưng chung quy hủ tiếu Nam Vang khi du nhập vào Sài Gòn có phần ngon hơn cũng như phù hợp với khẩu vị địa phương, nên có lẽ cũng không ai thắc mắc về những thay đổi này.

Theo như đầu bếp Ty Lum thì món hủ tiếu đầu tiên ra đời vào khoảng năm 1920 tại Bết-Chan, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Nam Vang 19km do một gia đình người Tiều từ Trung Hoa sang lập nghiệp sáng chế ra. Rồi s a u đ ó chuyển về W E N - Thành vua (một liên doanh Pháp - Hoa) và mở t h ê m một quán mới đặt tên là La Pagode tại thủ đô Phnompenh.

Ty Lum vốn là con của một gia đình Việt kiều ở Nam Vang (cách gọi khác của thủ đô Phnompenh). Sau khi học hết trung học, ông theo học nấu ăn tại một trường lớn chuyên về ngành này và may mắn gặp được một ông thầy người Hoa chỉ cho bài "hủ tiếu". Khi ra trường Ty Lum đứng bếp cho nhà hàng La Pagode trứ danh được 2 năm thì được thu dụng vào Hoàng cung, và trong đó món điểm tâm hủ tiếu Nam Vang được chính Ty Lum phục vụ.

Tô hủ tiếu Ty Lum có thêm chả cá, tôm, tim, gan và trứng cút

Khi hồi hương, Ty Lum sinh sống bằng nghề buôn quạt máy, rồi sau đó ra Nha Trang mở lò sấy mực khô cung cấp cho các nhà hàng. Cũng nhờ đi khắp nơi nên ông phát hiện Sài Gòn còn thiếu một quán hủ tiếu Nam Vang "đạt chuẩn", tức là tuy có thay đổi cho phù hợp với khẩu vị địa phương nhưng vẫn phải giữ được chất lượng nguyên thủy của món hủ tiếu này. Nước súp phải rất trong, ngọt nhờ vào xương hầm chứ không phải bột ngọt.
Khi mở tiệm hủ tiếu đầu tiên tại ngã tư Nguyễn Trãi - Huỳnh Mẫn Đạt (quận 05), Ty Lum đã cải tiến thêm phần nhân với miếng chả cá, tim, gan cũng như trứng cút. Thú vị nhất là cọng hủ tiếu được đặt riêng của quán, ăn dai, mịn mà không bị chua. Rồi đến phần tỏi phi thơm lừng chan trên bề mặt tô hủ tiếu, nhất là ở phiên bản khô. Khi trộn đều tất cả lên rồi nêm nếm với chanh, ớt và tỏi chua mới thấy hết vị ngon của món ăn này. Đặc biệt phần nước súp được giữ lại như nguyên bản với vị ngọt đậm mà thanh.

Đã đến Phnompenh và thử qua món hủ tiếu nơi đây, tôi vẫn thấy không đâu ăn hủ tiếu Nam Vang ngon như... Sài Gòn. Có lẽ từ những "can thiệp" thú vị của các đầu bếp tài hoa tụ hội từ tứ phương đã mang lại nét độc đáo cho món hủ tiếu Nam Vang ngay tại Sài Gòn, hình thành nên một xu hướng thưởng thức hết sức đặc biệt của món ngon này.

Hủ tiếu Cả Cần: Một phần di sản Sài Gòn 

Tô hủ tiếu có tuổi đời hơn 40 năm

Người Sài Gòn hầu như ai cũng biết đến thương hiệu hủ tiếu và bánh bao “Cả Cần” nằm ở góc tiểu đảo ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương này (phía trước công viên Văn Lang và khá gần với bùng binh Ngã Sáu). Cũng có nhiều người thắc mắc sao cái quán đề bảng “hủ tiếu Cả Cần” có phần cũ kỹ, xập xệ đó lúc nào cũng đông khách, nhất là từ giấc trưa đến tối khuya. Nhưng nếu biết được lịch sử thú vị cũng như những câu chuyện xung quanh nó, có thể bạn cũng sẽ rất ngạc nhiên.

Đầu tiên là cái tên trứ danh “Cả Cần”. Chủ của thương hiệu hủ tiếu này là ông Trần Phấn Thắng (nay đã mất). Theo lời tâm sự của ông khi còn sống, thì “Cần” là tên của một người bạn thân chẳng may mất sớm. Chữ “Cả” được ghép thêm vào vì ông thích những chữ có cùng phụ âm theo kiểu “Tin-Tình-Tiền-Tù-Tội”. Và cũng từ cái tên “Cả Cần” đó mà ông rất tâm đắc với câu quảng cáo toàn chữ “c” của quán: ”Có Cả Cần Cần Chi Có Cả”.

Vợ chồng ông Cả Cần xuất thân từ công chức chế độ cũ. Bà là người gốc Bến Tre và nấu ăn rất ngon, còn ông thì khiếu ăn nói khéo léo và tài giao thiệp rộng rãi. Từ sự kết hợp trên họ đã quyết định từ bỏ công việc hiện tại và mở quán hủ tiếu và bánh bao Mỹ Tho. Cái tên “Cả Cần” được ông chọn cho quán đầu tiên nằm ở ngã tư Công Lý (Nguyễn Văn Trổi bây giờ) – Trương Quốc Dung. Năm 1969, khi mở quán thứ hai thì ông Thắng mời bà Năm Sa Đéc (nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời, vợ của học giả Vương Hồng Sển) đứng tên hộ như như một cách mượn danh người nổi tiếng để quảng cáo. Cách làm này rất hiệu quả khi những người hâm mộ cả lương và bà Năm Sa Đéc kéo đến nườm nượp để vừa thưởng thức món ăn ngon cũng như chiêm ngưỡng thần tượng của mình bằng xương bằng thịt.

Sự kết hợp này cũng làm nảy sinh nhiều đồn đoán: ông Cả Cần gốc Sa Đéc chư không phải Mỹ Tho, hoặc bà Năm Sa Đéc có quan hệ với ông Cả Cần, hoặc bà Năm có phần hùn trong quán… Thậm chí còn có nguồn thông tin cho rằng thương hiệu “Cả Cần” do bà Năm tạo dựng ra, và ông Thắng đã hợp thức hóa thương hiệu này trước qua các văn bản pháp luật để chính thức sở hữu nó. Tuy nhiên, thông tin chính xác nhất vẫn là bà Năm chỉ là người đứng tên như một hình thức khuyếch trương thương hiệu. Tiếp theo đó có một vụ thưa kiện giữa quán và chính quyền về việc giải tỏa mặt bằng mà cuối cùng là ông Thắng đã thắng kiện. Bà Năm Sa Đéc sau đó đã rút tên ra. Quán được đổi tên thành”Mỹ Tiên”, là tên cô con gái lớn của ông Thắng.

Sau năm 1975 gia đình ông Thắng định cư ở Montreal, Canada và mở một số nhà hàng mang thương hiệu “ONG CA CAN” khá thành công. Rồi những năm 90 mở cửa, ông cùng gia đình về lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn. Quán hủ tiếu nức danh ngày xưa nay đã xuống cấp và mất dần khách. Gia đình ông thương lượng lại mặt bằng, để rồi ngày nay quán có đến 2 chủ: bữa sáng do người quản lý cũ bán, từ chiều đến tối là của gia đình ông. Khách đến đây sẽ thấy dòng chữ Việt – Anh trên tờ menu: “Sáng và chiều khác nhau” (Morning and afternoon different) như một cách làm rõ về những khác nhau trong chất lượng tô hủ tiếu,  cũng như khẳng định buổi chiều mới là chính hiệu hủ tiếu và bánh bao Cả Cần.

Tô hủ tiếu khô với nước sốt chua ngọt độc đáo

Tô hủ tiếu Cả Cần theo nấu trường phái hủ tiếu Mỹ Tho, món ăn được “Việt hóa” từ hủ tiếu của người Tiều (Triều Châu). Chủ các tiệm hủ tiếu Mỹ Tho thường là người Việt gốc Hoa, tuy nhiên chủ các lò sản xuất bánh hủ tiếu lại thường là người Việt chính gốc. Bánh hủ tiếu Mỹ Tho là loại bánh khô được chế biến từ các loại gạo thơm địa phương như Nàng Thơm, Nàng Út hoặc thậm chí là loại cao cấp như Nàng Thơm Chợ Đào. Ngày nay có 2 trung tâm sản xuất bánh hủ tiếu khô nổi tiếng: một ở Mỹ Tho và một ở Gò Công, sản xuất hầu hết hủ tiếu khô cung cấp cho cả nước. Nhờ vậy mà sợi hủ tiếu Mỹ Tho có mùi thơm của gạo, trụng với nước sôi thì mềm nhưng không bở, nhai thì nghe dai dai nên gọi là hủ tiếu dai, ăn không có mùi chua.

Cách thưởng thức món hủ tiếu Cả Cần cũng theo 2 cách là khô và nước. Để thấy hết cái đặc biệt của tô hủ tiếu này tôi nghĩ bạn nên gọi một tô khô. Cái khác biệt và độc đáo của món khô so với nước là ẩn dưới lớp thịt bằm, sườn non, xá xíu và con tôm luộc kia là một loại nước sốt chua ngọt rất đặc biệt. Chính vị chua ngọt này hòa với vị mặn của lớp tôm khô cháy tỏi phía trên tạo nên hương vị đậm đà của tô hủ tiếu khô. Nêm thêm một chút chanh, ngắt thêm vài cọng giá sống, rau cần, hòa lẫn với bánh hủ tiếu mới thấy hết cái ngon của tô hủ tiếu Cả Cần trứ danh qua bao thập kỷ này.

Hủ tiếu Cả Cần ngày nay có cải biên thêm một chút, ngoài các thành phần sườn non, thịt bằm, xá xíu, tôm còn có thêm chả cây và dồi chiên (như trong món cháo lòng). Phiên bản đặc biệt này được bán với giá 67,000 hẳn sẽ làm bạn hơi bất ngờ. Tuy nhiên với thành phần đặc biệt và đa dạng như vậy, cũng đáng để thử qua.

Ngoài ra còn có món bánh bao đã làm nức lòng bao thế hệ khách hàng. Bạn sẽ sửng sốt thêm một lần nữa khi biết một cái bánh bao đặc biệt có giá đến 32.000đ (nhân tôm, thịt, trứng muối và nấm đông cô). Bánh được hấp trên một bếp lớn với kỹ thuật bí truyền, tạo ra độ thơm ngon mà hiếm quán nào sánh bằng. Rất nhiều thực khách khi ăn hủ tiếu xong còn gọi một cái bánh bao đặc biệt ăn thêm, vì như vậy mới trọn vẹn một lần đến ăn ở Cả Cần.

Hơn 40 năm trôi qua cùng với bao biến cố và sự kiện, tô hủ tiếu cùng cái bánh bao vẫn giữ đúng hương vị từng làm mê đắm bao thế hệ người Sài Gòn. Sẽ không quá lời nếu cho rằng hủ tiếu Cả Cần là một phần của di sản ẩm thực Sài Gòn.

Tân Nhân

Mãn Nhãn Với 17 Bức Ảnh Động về Thiên Nhiên Đẹp "Hớp Hồn"

Trái Đất đã đem đến những khoảnh khắc quyến rũ đến tuyệt vời và đầy xúc cảm cho người yêu thiên nhiên. 

1. Bầu trời tuyệt đẹp được phản chiếu trên mặt nước.

 2. Khi những tia nắng đầu tiên bắt đầu lan tỏa trong buổi bình minh.

3. Những dòng nham thạch đang tuôn chảy ở Hawaii.

4. Những vì sao "trôi nổi" trong hồ nước tại Thụy Sĩ.

5. Dòng dung nham chảy ra trước khi khô cứng thành nham thạch.

6. Bình yên trên bãi biển tại Philippines.
7. Hoa đào bên bờ sông tại Nhật.

 8. Phong cảnh đẹp như tranh mà hiếm nơi nào trên thế giới có được.

9. Buổi bình minh hoàn hảo.

10. Tuyết rơi trên núi.

11. Thác nước tại Nhật Bản.

 12. Góc quay choáng ngợp và thậm chí còn có cả cầu vồng!

13. Cơn bão đáng sợ đang chuẩn bị ập tới.

14. Mây tạo hình trên đỉnh núi Matterhorn.

15. Sương mù bao phủ tại Ai-len.

16. Dải cực quang phía Bắc.

17. Dòng sông mây tại Ấn Độ.

(Nguồn: BuzzFeed)