Pages

Hè Vui - Đỗ Công Luận

Thưa quý ACE,
Hôm nay các cháu học sinh cả nước bắt đầu vào kỳ nghĩ hè. Các cháu ngoại tôi cũng vậy. Các cháu được cha mẹ cho nghĩ ngơi một tuần lễ, sau đó học hè. Tuần rồi các cháu được đi chơi Vũng Tàu, Mủi Né. Ngoài phần học thêm văn hóa cho các môn học của lớp học năm sau, các cháu còn được học thêm về thể lực, như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội. Cháu gái học múa, Aerobic...Riêng hai cháu nhỏ, ngày 2/6 lại vào trường mẫu giáo, để cha mẹ mưu sinh.
Năm học sau, cháu ngoại lớn nhất đã chuyển cấp, vào lớp 6. Cháu trai kế lớp 5. Cháu gái lớn vào lớp 3. Một mùa hè bận rộn cho ông ngoại để xuôi ngược đưa các cháu học hè. Từ ý tưởng đó, tôi đã cảm tác nên bài thơ nầy...ĐCL

I Mẽo Ì Meo 2 - Như Nguyệt


Tối hôm nay, lại xin mạn phép viết tiếp về  imẻo mèo meo…   Hôm nọ, tôi có viết về cô bạn đi thiền.  Bây giờ, cô lại thành bạn email của tôi nên tôi rất là quí cô ta.  Ngày nào ngủ dậy là tôi cũng ngóng đọc 4,5 email cô ấy gửi.  Trong lòng thấy rất là biết ơn,  những email của P. thât lạ, style rất different, không đụng hàng, khác với mọi người.  Tôi hỏi thì P. nói P. có con nhỏ Mỹ làm chung sở, nó hay gửi cho P. nhưng bây giờ k. thấy gửi nữa, chắc cũng sắp sữa hết rồi (nghe mà buồn 5 phút). Một ngày nọ, P. buồn vì anh của P. bên Pháp mới qua đời.  Tôi bèn lựa 1 lô bài vui vui, bài nói về cái chết & vô thường cho P. đọc, cheer her up.  P. biết, cám ơn tôi đã cố ý muốn an ủi P.

  Nhận được email thấy quá mê, quá thích; cho nên tôi cũng hay forward cho những người quen.  Bà chị của tôi “lỡ” email cho tôi một list có address của mấy người em họ và mấy đứa cháu.  Thế là từ đó (không xin phép), tôi … vớ ngay cái list, thấy cái gì hay là gửi. Thằng con trai email lại, khuyến khích:  “Welcome to 21th century, mom.  You finally do it”.  Có 1 lần, tôi gửi cho con & cháu bài nhạc “I wanna know” mà tôi rất thích, hai đứa con và 2 cháu gái reply: “Cool”,   “Really mom? You’re so hip. I didn’t know….”,   “Mom! You are so, so cool!”,   “Cô N., you’re awesome!”

Tôi nói Q. làm cho tôi thành 1 group gọi là family.  Vì tưởng là mình thích (ngây thơ?) thì mọi người cũng thích, tôi bỏ công nhiều khi gửi email đi. Khi file nào bằng tiếng Việt, tôi phải delete bớt đi tên mấy đứa cháu, con. Khi file nào về đạo giáo, luân lý thì gửi cho bạn thiền. File nào sexy; thì chỉ gửi cho 1,2 người thân, người nào có vẻ chịu chơi (chứ không phải chơi chịu), phóng khoáng…

 Họp mặt gia đình, tôi cứ ngỡ là mấy đứa cháu phải thích thú lắm khi nhận được ì méo của tôi, sẽ zui zẻ, thân thiết ... cám ơn tôi.  Không thấy tụi nó nói gì hết.  Tôi bèn phải hỏi: “Có nhận được email của cô N. không?  Tụi nó gật đầu, “Ye”; có thích không? “No”.   Tôi hơi chưng hửng (!?)…

Bà chị của tôi, god bless her, thấy tôi bắt đầu đi vào con đường ì meo, cũng bắt đầu gửi cho tôi.  Trong lòng tôi thấy ngấm ngầm cảm kích.  Nếu biết và hiểu em mình thì cũng nên làm như rứa chứ (?).  Con nhỏ em út cũng thế, bắt đầu gửi lai rai cho tôi; cho dù nó nói: “Chị rảnh quá, đâu phải ai cũng có thì giờ như chị đâu.  Chị gửi cho mấy cousins luôn hả?”  Tôi cảm thấy … guilty thế nào í, quí vị ạ.  Thực tế sao mà phủ phàng.  Thì ra không phải ai trên cõi đời này cũng thích nhận được điện thơ giống như tôi.  Con gái tôi cũng vậy, nó chọc tôi: “Có ai request mẹ lấy tên của họ ra chưa?  You send them so many”.  Có 1 lần, tôi đi bộ với 2 cô bạn ở Mile Square Park.  Cô bạn tôi có mention là ông anh rễ của cô từ ngày retire đến giờ, ngày nào cũng email cho cô túi bụi.  Tại mới đầu, cô lịch sự cám ơn ông đã gửi, nên ông tưởng cô thích; gửi lia chia.  Cô nghĩ ông gửi nhiều cái mà ông không screen trước, cho nên về sau cô cho email của ông vào spam; don’t even thèm nhận email của ông ( ! ). Rồi cô còn nói có biết 1 người bị tê liệt từ nửa người dưới trở xuống, ngồi xe lăn; phương tiện liên lạc của ông ta với thế giới bên ngoài là email….   Tôi vừa đi bộ, vừa nghe mà thấy rất là thấm thía.  Hay là mình cũng “lonely” quá nên mới dùng “phương tiện” internet mà ..  liên lạc với thế giới bên ngoài?? L Cô còn bảo rằng, 1 ngày cô nhận tới cả trăm cái email (tôi nghe mà bắt thèm, sao cô có thể nhận được nhiều đến thế?). Trong khi tôi, lúc đó, ế ẩm quá, ngày nào có vài cái là đã quá mừng!

Về sau này D. (cô bạn đi bộ) email nói tôi đừng gửi cho cô, nếu cần liên lạc thơ từ, nhắn gì thì ok. nhưng cô k. có thì giờ đọc nhiều email quá.  Cả cô thứ hai, 1 thời gian ngắn sau, cũng thế, gửi thư cho tôi nói nếu hình ảnh đẹp, thư của tôi, hoặc cái gì ngăn ngắn dễ đọc thì được, còn ngoài ra, cô không có thì giờ… Ông anh ruột của tôi thì email “Please stop sending. I’m tired to read”.  Tôi rất appreciate những người thành thật như thế, ít ra cũng nên nói cho tôi biết, thay vì bỏ vào… spam. Cả một tấm … nòng của tui trong đó!

Khi gửi email cho mọi người, tôi cũng mất rất nhiều thì giờ, các bạn ạ.  Tùy người mà gửi.  Có người mình nhìn thấy chịu chơi, tưởng tính tình phóng khoáng, dễ chịu lắm thì lại không dễ chút nào.  Có những người bạn… già, bạn thiền, bạn nhìn thấy … khó đăm đăm mà lại… rất thoải mái, chịu chơi. Họ gửi cho mình những email zui thật là zui, họ viết thơ rất là dí dỏm… làm mình vừa đọc mà vừa mĩm chi beo, đôi khi còn cười… ra tiếng. Tôi khoái nhất là bạn retire, họ dễ chịu và giàu có thì giờ để chia xẻ với tôi, cũng như tôi, sẵn sàng chía xẻ … ngọt bùi í meo cùng họ. Ý kiến riêng của tôi thôi nhé, với tôi, những người hay gửi email cho người khác là những người zô cùng … generous, vì thấy cái gì hay ho là họ muốn xẻ chia cho người khác. Có 1 lần, tôi email 1 hình không được thanh cho lắm (giỡn thôi, tưởng là zui? ) đến vài người bạn gái, khi đi ăn trưa, tụi nó làm mặt nghiêm nói tại vì đi làm, người đi qua đi lại lỡ nhìn thấy thì kỳ lắm.  Tôi đớ mặt ra, nói tôi không biết nên lỡ dại, xin lỗi hai cô bạn rối rít.  Về nhà, tôi vẫn còn thấy guilty, email xin lỗi, tôi chỉ sợ vì tôi mà người ta mất việc.  Tôi kể cho Q. nghe.  Q. lại lên mặt dậy đời: “Tại cưng không đi làm cưng không biết chứ người ta còn phải đi làm, cưng  phải cẩn thận, email ở sở, không phải muốn gửi gì thì gửi đâu, nhiều khi ở sở tụi nó cũng screen email của nhân viên”.  Tôi bảo Q. làm cho tôi thành 4 nhóm Trưng Vương, family, friends, Boeing (nhóm phụ nữ đảm đang). Nhưng rất nhiều khi, tôi phải “handpick” người nào tôi muốn gửi. Đôi khi bạn nhận email của tôi 2,3 lần một lúc, có nghĩa bạn rất là special đối với tôi, vì tên của bạn ở trong cả hai ba nhóm, friends & Boeing hoặc Trưng Vương chẳng hạn.

Tự nhiên có một email tên là Baomai gửi cho tôi nhiều bài hay lắm, quí vị ạ.  Tôi viết thư hỏi Baomai là ai?  Thì không bao giờ được trả lời.  Tôi cũng send những email thấy hữu ích và hay lại cho Baomai.  Được 3,4 tháng nay, chúng tôi vẫn gửi cho nhau qua lại nhưng tôi vẫn không hề được biết Bảomai là.. ? Tại sao lại biết address của tôi mà gửi tới? Đúng là…. 1 người tình không chân dung! Hi hi….   Lâu lâu, tôi có send lộn 1 vài tên lạ.  Có người lịch sự trả lời cám ơn đàng hoàng. Anh P., k. biết tại sao lại có địa chỉ của tôi,  gửi email lại nói tên của tôi giống 1 người bạn của anh.  Tôi có phải người đó không?  Còn tôi nghĩ chắc anh trong nhóm bạn Thích ca thiền viện, tôi hỏi anh có phải bạn thiền của tôi không?  Tôi còn đoán có phải bà xã anh tên… đó không? (vì tên email của anh có ghép tên của chị, tình lắm) Tôi đoán trúng phóc.  Thế là chúng tôi thành bạn.  Anh chị P&L gửi hình cho tôi; tôi gửi lại cho anh chị. Anh chị phone cho tôi, nói có quen với 2 chị bạn thiền khác của Q, và tôi.  Thế là do duyên…  email, chúng tôi trở thành bạn.  Thứ Bẩy này, Feb. 6th, 2010 anh chị P&L (ở khá xa) xuống phố Bolsa có mời tôi và Q., cùng với hai chị bạn đi ăn sáng.  Một chuyện tình… bạn email có kết quả thật là tốt, phải không quí vị?

Trước Noel, tôi có viết 1 bài nói về ngôi trường hồi tiểu học của mình và cô bạn hồi thơ ấu.  Gửi đi cho 1 số bạn tôi nghĩ là sẽ không judge “tài viết văn” của mình (không phải “phe” chứ có vài người yêu cầu tui ziết zăn đó quí zị. Họ bảo họ…. mê đọc chữ nghĩa .. ba xu của tui). Có ngờ đâu 1 cô bạn T.Vương đang ở bên Bỉ, lại là bạn Đại học với cô bạn thuở nhỏ của tôi.  Tôi mừng đến phát khóc.  Nếu không có miracle Internet, làm sao tôi có thể tìm lại được một người bạn mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ tới và nằm mơ thấy?  Với tôi, đúng là miracle.  Tôi đã có được 1 trong những mùa Giáng Sinh vui nhất trong đời.  Lại nữa, cũng nhờ Hồng Điệp bên Bỉ mà tôi tìm lại được Tuyết Nga,  bạn thân TV với tôi đang ở Úc. Cám ơn H. Điệp. Hoan hô, bravo … email! Ha ha ha

Khi tôi gửi email đi, có những người bạn reply, viết vài câu comments, thank you. Có người còn khen tui là the best, I love you for sending me…. , love you for beautiful message….  Nhưng phần đông là im lặng … thở dài(?).  Tuy thế, bạn đừng tưởng người thân thuộc, bằng hữu (hoặc ngay cả người… xa lạ) không đọc email bạn gửi cho họ nhé. Họ bận lắm, nhưng email bạn gửi đến -có khi họ đọc liền, có khi họ save lại để đến khi nào rảnh hoặc weekend mới đọc-  họ đều đọc hết đấy.  Có người thấy hay còn viết xuống, save lại, hoặc in ra nữa cơ. Bằng cớ là có vài người chẳng bao giờ trả lời trả vốn khi tôi imèo cho họ, nhưng nếu họ không mở file ra được, hoặc slide show lẹ quá (?) đọc không kịp, là viết thư cho tôi hỏi ngay. Cách đây hơn 1 tuần, tôi đi tiệc Anniversay của vợ chồng cô bạn.  Khi đứng trên sân khấu, cô đọc 4 câu thơ của thầy Nhất Hạnh:

             Trăm năm trước thì ta chưa gặp
             Trăm năm sau biết có gặp lại không?
             Cuộc đời sắc sắc, không không
             Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau

mà tôi đã gửi cho cô từ tháng 10 năm ngoái.  Tôi email, hỏi có phải “tui là thủ phạm?” cô trả lời là rất cám ơn tôi, cô đọc thấy có gì hay đều viết xuống và giữ lại.

Cách đây khoảng hai tháng, tôi còn gia nhập (1 cô bạn TV giới thiệu) vào nhóm bạn làm thơ. Tôi hỏi Q. có phải là blog không? Q. nói đúng rồi. Có lần đi ăn trưa, 1 cô trong nhóm nói có đến … 3,000 cái email chưa đọc (?).  Tôi nghe thấy impress lắm, gặp tui là tui đọc liền, nếu bận quá thì chắc là delete bớt hoặc cũng làm cái màn “yêu cầu” xin đừng gửi cho tui (tứng từng), chứ sao lại có thể để dành nhiều ì meo như rứa? Có vài người trong nhóm Vườn Thơ, viết thơ riêng cho tôi.  Có 1 anh bảo anh rất thích đọc thơ & những bài tôi viết, tiếu lâm, làm cho anh cười thoải mái, quên đi những … đau khổ lúc đi làm. Anh còn nói anh hay forward bài tôi viết cho bạn bè, người thân của anh  -và họ cũng được những tràng cười hả hê-  mong là tôi không phản đối. Tôi rất lấy làm cảm động.  Anh chàng này quá là tử tế, biết khuyến khích 1 zăn sỡi chưa lên nhưng … sắp xuống!

Khi ghi tên vào nhóm “Đỉnh non cao” (nghe tên kêu quá, phải không các bạn?), vì có lợi điểm là không đi làm nên tui đây có nhiều thì giờ để… quậy.  Tui chợt khám phá ra rằng mình …. có khiếu “nàm” thơ. Zui lắm các bạn ơi.. Tặng các bạn 1 bài điển hình:

Từ ngày vào V.T. (vườn thơ)
Chợt khám phá ra rằng
Hồn thơ sao lai láng
Ý tưởng đến ào ào
Thơ tuôn ra như… suối
Làm thơ thấy dễ dàng
Làm thơ không cần nháp
Computer em đánh
Một cái vèo ra… thơ

Từ ngày vào vườn thơ
Em thấy em có khiếu
Em làm thơ chọc cười
Vừa làm vừa cười mĩm
Cóc nhái nhẩy lia chia

Từ ngày vào V.T.
Em thấy enjoy quá
Đôi khi bỏ ngủ trưa
Nhiều khi thức đêm trường
Háo hức em nàm thơ
Lòng thấy zui ghê lắm

Em sợ em thành ghiền?
Phải tự kìm hảm lại
Chỉ sợ làm thơ nhiều
Thiên hạ đọc mệt nghĩ
Chán ngán mất thơ em!

Từ ngày vào V.T.
Em học hỏi được nhiều
Bạn V.T. dễ thương
Sản xuất thơ đều đều
Mỗi ngày em mỗi đọc
Những vần thơ lục bát
Thơ bốn hay năm chữ
Thơ tự do không đề

Từ ngày vào V.T.
Thơ văn viết lia chia
Còn lục lại thơ cũ
Đánh máy vào gửi đi

Tuy em hổng đi làm
Nhưng rất là bận rộn
Việc trong ngoài đa đoan
Tại vì mê I mèo
Nên em mới bỏ giờ
Lúi cúi đánh mỏi tay

Em tự nhủ lòng mình
Hãy giã từ I mẽo
Exercise, ngồi thiền
Hoặc là bớt giờ đi
Nhưng em chưa làm được
Từ từ, cứ từ từ
Em sẽ chỉnh đốn lại
Cuộc đời rồi …. cũng qua

Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi thấy mình ..  mê imẻo là đúng quá rồi.  Ngoài những slide show thật là có ích, những bài nhạc đẫm tình, amazing movie clips; nhiều khi ngồi coi mà không thể nào ngờ?  Có những You tube thật là k. thể tưởng tượng nỗi quí vị ơi! Tôi biết là tôi … ghiền, vì nhiều khi bạn bè email cho tôi chưa đủ, tôi còn bỏ nhiều thì giờ mà ngồi research. Tôi tìm những câu nói hay, những điệu nhẩy Tango, những bài đọc, những bài thơ, bài nhạc mà tôi thích. Đọc được câu chuyện nào hay, cảm động hoặc chuyện vui cười, tôi chỉ muốn chuyển cho bạn bè ngay; nhưng lại phải dằn lòng xuống, forward vừa đủ thôi, vì sợ bị …. complain.?  Q. đi làm về, nếu không có nhiều giờ, thì tôi kễ cho Q. nghe những gì mà tôi thấy  lạ, đặc biệt. Nếu Q. có giờ, hai đứa ngồi coi  ì meo với nhau, rất là… hạnh phúc.

Tôi nói Q. làm cho tôi slide show.  Q. bận lắm nhưng vì thương và chìu tôi nên cũng ngồi làm.  Hai đứa làm chung rất là tâm đầu ý hợp, nhiều khi Q. làm chữ nhẩy tưng tưng, uốn éo..  hai đứa lại phá lên cười. Có lần Q. cũng complain: “Q. đi làm bao nhiêu tiền một giờ, Q. bận bịu quá mà cứ phải ngồi đây làm mấy cái trò này cho cưng”.  Q. nghiên cứu, đi mua software, mua đĩa hình ảnh của National Geographic Photo Gallery. Tôi tìm tòi những lời hay, ý đẹp; 2 đứa lựa nhạc, lựa hình đẹp bỏ vô, sữa tới sữa lui, công phu lắm mới làm được 1 slide show đó, quí vị ạ (chắc tại mới làm nên chưa quen). Cũng nhờ vậy mà tôi rất appreciate những người đã bỏ giờ giấc, tâm sức ra làm những slide show, những nhạc sĩ sáng tác những bài nhạc hay rất công phu gửi đi cho mọi người thưởng thức, những thi sĩ trãi lòng, tình cảm của họ vào thơ và gửi gấm qua internet, những người dịch ra, những người đã bỏ thì giờ nghiên cứu, tìm kiếm những áng văn tuyệt tác, những chuyện vui, những bài thơ diễu, những hình ảnh đẹp, những movie clip thật là tuyệt vời.  Cám ơn tất cả mọi người -gửi và nhận- cám ơn bằng hữu, chị, em, cousins,  đạo hữu; tất cả các “bạn email” cũ, mới, đã đọc và send e-mail cho N.

N. rất là (cảm kích, biết ơn và cảm ơn) appreciate, grateful and thank you, all of you, for making part of my life so beautiful!

Như Nguyệt

"Ngoại Ơi, Con Vịt Chết Chìm!" - Nguyễn Hà


  Ngoại tôi nhà ở ven sông
Có hàng dừa nước có đồng lúa xanh
  Ngoại nghèo vách lá mái tranh
Về quê thăm ngoại, thăm làng, thăm quê

  Ngoại tôi lặn lội bờ đê,
Hai vai gánh nặng tả tơi thân gầy
  Bờ lau còn ngủ giấc say    
Ngoại tôi gánh cả sương mai trên trời...

  Quê tôi xa tít mù khơi,
Đồng xanh uốn khúc chơi vơi cánh diều.
  Nhà tranh vách lá liêu xiêu 
Giặc về đốt phá tiêu điều làng xưa

  Quê nghèo sớm nắng chiều mưa,
Gió đồng cỏ nội, nếp dừa ven sông
  Những ngày chinh chiến tang bồng
Nhà tan cửa nát, máu hồng tuôn rơi
  Ngoại tôi gian khổ cả đời,
Sao còn phải chịu cảnh đời tang thuơng!?

  Những mùa mưa lũ ngập đường
Lìm kìm, cá, vịt đầy mương quanh nhà
  Sông quê mang nặng phù sa
Mang theo tình nghĩa đậm đà ngoại tôi!

  Thời gian như nước sông trôi
Có lần trở lại bồi hồi nhớ quê,
  Nhớ từng hàng dậu bờ đê
Nhớ con đò nhỏ tôi về năm nao

  Ầu ơ nhớ quá ca dao
Nhớ hình bóng ngoại mà đau trong lòng
 "Ngoại ơi con vịt chết chìm
Thò tay vớt nó, cá kìm cắn con" (ca dao)

  Giờ đây ngoại đã không còn,
Quê xưa cũng mất chỉ còn nỗi đau,
  Lìm kìm cắn khúc ca dao
Mà sao mi nỡ cắn đau tim này!

Nguyễn Hà

Món Quà Đặc Biệt Bạn Đọc Tặng Tổng Thống Obama

Người dân đứng bên đường Trần Duy Hưng và giữa dải phân cách vẫy tay chào đón. Ảnh: Công Khanh

Nhân dân Việt Nam, những người dân cần lao, bình dị đã và đang đón tổng thống Mỹ bằng tình cảm chân thành, và sẽ nhỏ nhẹ nói với người Mỹ rằng người Việt là một dân tộc cởi mở, yêu quý bạn bè, một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục nhưng luôn biết mục đích chính của mình là hòa bình. Người Việt Nam là như vậy, mãi mãi là như vậy. Thông điệp này chắc chắn Tổng thống Obama thay mặt người dân Mỹ sẽ cảm nhận một cách sâu sắc từ người dân Việt Nam khi đón tiếp ông.

Trên đường di chuyển tới Phủ Chủ tịch sáng 23/5, đoàn xe của Tổng thống Mỹ đã được hàng nghìn người dân Hà Nội vẫy tay chào đón.
Trên mạng xã hội, rất nhiều người đặc biệt là giới trẻ nhanh chóng cập nhật từng phút lịch trình, cũng như thông tin về chuyến đi của ngài tổng thống. Bạn đọc Hưng Nguyễn thậm chí còn ứng tác những vần thơ đầy xúc cảm để gửi tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến thăm lịch sử này.

Chào ngài tổng thống đến thăm
Chúng tôi hâm mộ tiếng tăm của ngài
Nhiệm kỳ tổng thống lần hai

Công du đất nước, nhân tài Việt Nam
Bỏ qua chuyện cũ đã làm
Hướng tới trang mới mà cam kết rằng
Quan hệ Việt Mỹ càng tăng
Thắt chặt chiến lược cho bằng anh em
Việt Nam chứng tỏ ông xem
Sẵn sàng là bạn không kèm điều chi
Chỉ mong hai nước cùng vì
Vì dân tôn chỉ việc gì cũng xong
Ngài sang chúng tôi rất mong
Được mời chén rượu tỏ lòng bấy lâu
Vào Huế ăn món cao lầu
Ra bắc xin đãi một chầu bia hơi
Vô Nam cùng một chuyến chơi
Canh chua cá lóc, đi bơi Vũng Tàu
Ba ngày ngắn ngủi thật mau
Chúc cho quan hệ mai sau không nhòa
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Lần sau mong đón một tuần
Cùng vui đón tết đón xuân có ngày
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Nguồn: thoibao.today

Sunday, May 29, 2016

Con Người Có Số - Đòan Dự


Tên hắn là Khải. Hắn học với tôi năm lớp 11 tại trường Tân Phương, Gò Vấp. Nhà hắn ở trại định cư Cái Sắn nằm giữa hai tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá. Hình như bố mẹ hắn có quen với một ông trùm họ đạo ngày trước cũng ở Cái Sắn, sau lên Sài Gòn, trông coi giúp Cha sở ở nhà thờ Ngã năm Bình Hòa, Gia Định.

Rồi hắn lên Sài Gòn, nhờ ông trùm đó xin với Cha cho ở nhờ ngoài hành lang nhà thờ, làm người kéo chuông, trông coi, quét dọn… để có chỗ ăn ở, đi học. Cha thấy hắn ngoan ngoãn, lễ phép, nhất là trước đây lại cùng họ đạo với ông trùm nên rất vui lòng.

Lúc ấy, tại Xóm Gà Gia Định có trường Tân Phương của ông Phan Ngô mới mở, dạy tới lớp Đệ Nhị (tức lớp 11 bây giờ). Cha nói với ông Phan Ngô xin cho hắn học miễn phí để chuẩn bị đi thi Tú tài I. Phần vì trường mới mở đang cần học sinh, phần vì nể lời Cha nên ông Phan Ngô cũng đồng ý. Ngoài ra, Cha thấy hắn ham học ngoại ngữ, giỏi tiếng Anh nên mỗi tháng cho tiền hắn học thêm Anh văn cao cấp ở Hội Việt Mỹ đường Mạc Đĩnh Chi, Tân Định.

Như vậy, ngoài việc học ở trường Tân Phương vào các buổi sáng, cứ đến buổi chiều, mỗi tuần ba lần, hắn cuốc bộ từ Gia Định lên Tân Định để học tại Hội Việt Mỹ. Cha cũng thích ngoại ngữ, buổi tối hắn thường chỉ dẫn thêm tiếng Anh cho Cha.

Trường hợp tôi thì lại khác. Nhà tôi cũng nghèo, mẹ tôi làm thợ dệt nhưng tôi thi đậu hạng nhì vào lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) trường Nguyễn Trãi nên được học bổng, mỗi tháng 300 đồng, tương đương với một chỉ vàng lúc bấy giờ, việc sách vở, học hành đỡ phải lo lắng.

Ba năm sau, khi bắt đầu lên đến lớp Đệ Ngũ (lớp 8), tôi và hai bạn khác trong lớp rủ nhau “học nhảy” : Trường Nguyễn Trãi lúc đó chưa có cơ sở nên phải học nhờ tại trường Tiểu học Đa Kao ở số 94 đường Phan Đình Phùng (bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu). Tất cả các lớp đều học buổi chiều, còn buổi sáng thì học sinh trường Đa Kao học.

Buổi sáng được nghỉ, ba đứa chúng tôi đóng học phí học lớp Đệ Tứ (lớp 9) trường Cộng Hòa của giáo sư Phạm Văn Vận ở đường Pasteur để thi Trung học Phổ thông, nếu đậu sẽ sớm được một năm, cái đó kêu là “học nhảy”. Nhà nghèo, nên dù học thêm lớp Đệ Tứ trường tư nhưng tôi vẫn tiếp tục học lớp Đệ Ngũ trường công để được học bổng và đề phòng nếu rớt Trung học thì vẫn có chân trong trường công.

Cuối năm ấy, cả ba đứa chúng tôi đều đậu Trung học, rồi thi vào lớp Đệ Tam (lớp 10) trường Hồ Ngọc Cẩn, tức lại trở lại trường công. Tôi đậu hạng 5 trong số 52 học sinh thi đậu, hơi thấp, không được học bổng vì Bộ Quốc gia Giáo dục chỉ cho mỗi lớp có 3 người, từ hạng 1 tới hạng 3. Hai anh bạn yên tâm học lớp Đệ Tam tại Hồ Ngọc Cẩn, còn tôi, nhảy được một năm nhưng mất học bổng, tôi ân hận lắm.

Đúng lúc ấy ông Phan Ngô mở trường Tân Phương có tới lớp Đệ Nhị (lớp 11 bây giờ – thời đó trường tư chưa trường nào có lớp Đệ Nhất, học xong lớp Đệ Nhị, đậu xong Tú tài I được quyền xin vào Đệ Nhất trường công, bắt buộc trường công phải nhận, thời ông Diệm là như thế, rất ưu tiên cho học sinh).

Ông Phan Ngô là hiệu trưởng trường Tân Thịnh ở đường Đinh Công Tráng, Tân Định. Người em con chú con bác với ông là ông Phan Thuyết làm giám đốc. Trường dạy giỏi, nổi tiếng nên rất đông học sinh. Nhưng không hiểu hai anh em có chuyện xích mích gì đó nên bán trường, ông Phan Thuyết về mở trường Đạt Đức ở Phú Nhuận, còn ông Phan Ngô mở trường Tân Phương ở Gò Vấp.

Ông cho người phát quảng cáo, mời học sinh thi cũng gọi là học bổng vào lớp Đệ Nhị nhưng khác với học bổng của Bộ Quốc gia Giáo dục là lấy 3 người, người hạng nhất và hạng nhì được miễn học phí, người hạng ba được giảm 50%, còn những người khác thì được cứu xét, nếu nghèo sẽ được giảm. (“Học bổng” của nhà nước Việt Nam hiện nay cũng vậy, chỉ được miễn hay giảm học phí chứ không có tiền. Sinh viên học giỏi mà nghèo thì có thể vay, tối đa mỗi tam cá nguyệt được 400 ngàn đồng tức khoảng 20 đô-la Mỹ, một năm được 1.6 triệu, tức 80 đô-la, sau khi tốt nghiệp, đi làm sẽ phải trả lại). Học sinh thi khá đông. Tôi lại đậu hạng nhì nên được miễn học phí.

Vào học lớp Đệ Nhị trường Tân Phương, tôi quen với hắn rồi dần dần hai đứa trở thành thân thiết với nhau.
Tôi chưa từng thấy một người bạn nào nghèo như vậy. Ngày nào đi học hắn cũng mặc một bộ đồ duy nhất : chiếc áo sơ mi cũ màu cháo lòng có hai miếng vá, một miếng ở lưng, một miếng ở vai; chiếc quần ka ki cũng cũ, vá một miếng lớn ở mông. Có lẽ hắn tự vá lấy bằng chỉ đen, đường chỉ vụng về trông thô kệch chẳng ra sao cả. Chân hắn đi đôi dép Nhật mòn vẹt, sứt mẻ, một quai màu xanh, một quai màu đỏ, cột bằng dây kẽm. Có lần tôi hỏi sao hai quai dép lại bên xanh bên đỏ ? Hắn cười, hơi mắc cỡ : “Tại mình nhặt được trong thùng rác ấy mà. Nó bị đứt, họ vứt đi, mình kiếm được hai cái quai cột vô đi tạm chứ chẳng lẽ đi học lại đi chân không”.

Hắn nghèo, cả lớp ai cũng biết nhưng ai cũng thông cảm, chẳng ai chê cười. Nhất là các chị, nhiều khi giấm giúi cho hắn tiền uống nước. Ngày tết, trường tổ chức cắm trại, thi đấu bóng chuyền và văn nghệ ở trong sân, mỗi lớp có một cái quầy nho nhỏ cung cấp bánh mì, kẹo bánh và nước ngọt cho lớp của mình. Mỗi bạn trong lớp đóng mỗi người 10 đồng, hắn không có tiền, định không tham dự, các chị bàn nhau không bắt hắn đóng.

Cuối năm ấy, lớp chúng tôi có 51 người, thi đậu ngay trong khóa 1 là 13 người, trong đó có tôi và hắn. Tỉ lệ như vậy là khá cao, bởi vì thi tú tài thời đó rất khó, trường tư giỏi lắm cũng chỉ đậu khoảng 10% là cùng, đằng này đậu tới hơn 25%. Thầy Phan Ngô mừng lắm, thầy nói : “Trường Tân Phương là nhứt, không khác gì trường Tân Thịnh ngày trước”.

Sau khi đậu xong Tú tài phần I, các bạn người Nam thì đa số nộp đơn vào học lớp Đệ Nhất (lớp 12) trường Petrus Ký, còn tôi và hắn là người Bắc nên nộp đơn vào trường Chu Văn An. Tôi từ trường công lại trở lại trường công, “nhảy” được hai năm. Còn hắn, có sự tiến bộ : ông trùm nhà thờ Ngã năm Bình Hòa cho hắn mượn một chiếc xe đạp cũ. Hội Phụ huynh học sinh Chu Văn An cứu xét, thấy hắn nghèo, cho hai kỳ học bổng, mỗi kỳ 500 đồng và một bộ quần áo may sẵn, hơi ngắn.

Cuối năm ấy, đậu xong Tú tài phần II, tôi thi vào Đại học Sư Phạm còn hắn thì thi vào trường Kỹ sư Phú Thọ nhưng rớt. “Cậu ngốc lắm, giá thi Sư Phạm với tớ có lẽ đã đậu, thi Kỹ sư Phú Thọ khó muốn chết, tớ không dám nghĩ đến”. “Tại tớ thi ngành Điện nên mới rớt chứ giá thi Công chánh hay Công nghệ thì đỡ hơn”.

Hắn rớt, đáng lẽ bị kêu đi sĩ quan Thủ Đức nhưng có người anh cũng đã ở trong quân đội nên được hoãn. “Tớ phải về Cái Sắn làm giấy tờ nộp hồ sơ hoãn dịch cậu ạ”. “Hoãn thì được rồi nhưng làm sao có tiền đi xe ?”. “Cha có cho. Cha dặn làm giấy tờ xong, nhớ lên xem người ta có cho thi vào ngành nào thì thi chứ không lại lỡ mất một năm học”.

Hôm lên, hắn đến nhà tôi chơi và hỏi những ngày hắn về Cái Sắn, ở Sài Gòn họ có cho thi gì không. Tôi nói Tổng nha Cảnh sát ra thông cáo cho thi lấy 50 người vào học khóa Biên tập viên cảnh sát, học bổng mỗi tháng cũng 1,500 đồng giống như Đại học Sư phạm và Quốc gia Hành chánh.
– “Biên tập viên cảnh sát là làm gì ?”.
– “Tớ không rõ, họ nói cũng học 3 năm, ra làm phó quận cảnh sát”.
– “Được đấy, có lẽ tớ sẽ nộp đơn thi Biên tập viên cảnh sát”.

Thời chúng tôi, con nhà nghèo, thi vào ngành nào thì phải nhắm có học bổng chứ nếu học những trường không có học bổng như Y khoa, Dược khoa, Luật, Văn khoa, Khoa học v.v…, tuy không phải thi tuyển nhưng không có tiền ăn học suốt bao nhiêu năm.

Giữa lúc hắn đang lo làm đơn thi Biên tập viên cảnh sát thì có tin Bộ Quốc gia Giáo dục ra thông cáo, Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO cho hai học bổng, một thi tiếng Anh, du học tại Mỹ, một thi tiếng Pháp, du học tại Pháp hay Thuỵ Sĩ gì đó, tất cả mọi khoản đều do Liên Hiệp Quốc đài thọ, học tiến sĩ kinh tế, sau này sẽ ra làm cho Liên Hiệp Quốc, giúp đỡ các nước nghèo.
– “Cậu đã biết tin đó chưa ?”.
– “Chưa, tớ không biết gì hết, nhà thờ đâu có radio mà nghe. Cậu có nộp đơn không ?”.
– “Không, Tú tài II tớ đậu Bình Thứ chứ đâu phải hạng Bình như cậu. Họ bắt phải từ hạng Bình trở lên mới được thi”.

Thời chúng tôi, thi tú tài I hay tú tài II, kết quả thi đậu có 5 hạng gọi theo tiếng Pháp : đậu thường gọi là hạng Thứ (Passable); trên Thứ là Bình Thứ (Assez Bien); trên Bình Thứ là Bình (Bien); trên Bình là Ưu (Honorable); rồi đến Tối Ưu (Très Honorable) là hết mức, môn nào cũng phải đạt tối đa khoảng 20 điểm. Hắn đậu Bình, cao hơn tôi một bậc.
– “Nộp thì nộp vậy thôi chứ cả Anh văn lẫn Pháp văn mới lấy có hai người, khó lắm, chắc tớ không đậu được đâu”.
– “Biết đâu đấy, cứ nộp đơn đi, may mà giờ vinh quang đã điểm thì bọn cắc ké nghèo mạt rệp như tụi mình cũng ngon lành ra phết”.
– “Vậy tớ nộp đơn cả bên UNESCO lẫn bên Biên tập viên cho chắc ăn”.

Hắn nộp đơn xong, khoảng hai tháng sau thì dự cuộc thi của UNESCO. Hắn kể rằng, đợt thứ nhất, hơn 200 người cả Anh văn lẫn Pháp văn, thi viết, loại bớt còn 50 người. Đợt thứ nhì, 50 người lại loại lần nữa, còn lại 10 người trong đó còn có hắn. Rồi 5 người trong nhóm Anh văn bọn hắn vào “sát hạch” tại tòa đại sứ Mỹ, còn 5 người nhóm Pháp văn thì sát hạch tại tòa đại sứ Pháp hay Thuỵ Sĩ, hắn không để ý.

Hắn kể, giám khảo nhóm Anh văn của hắn gồm ba giáo sư, một ông người Mỹ, một ông người Canada, một ông người Úc hay Tân Tây Lan gì đó hắn không biết rõ, tất cả đều nói tiếng Anh.
Họ thay đổi nhau quay hắn về tình hình kinh tế các nước trên thế giới, về vai trò của một nhà kinh tế học đối với các nước nghèo như ở châu Phi chẳng hạn.

Cuối cùng, vị giáo sư người Úc hay Tân Tây Lan hỏi hắn quê ở đâu, cha mẹ làm nghề gì, từ nhỏ tới lớn sống như thế nào…, hắn nói thật rằng quê hắn ở Nam Định, di cư vào Nam năm 1954, ở trại định cư Cái Sắn thuộc tỉnh Long Xuyên, bố mẹ hắn rất nghèo, làm nghề trồng cói và dệt chiếu ở Cái Sắn, còn hắn thì kéo chuông và hầu hạ trong Nhà thờ Bình Hòa để có chỗ ăn học.

Tất cả ba vị giám khảo đều trợn tròn mắt, không ngờ một học sinh được vào chung kết của một cuộc thi quan trọng như vậy mà gia đình lại nghèo đến thế. “Dám cậu thắng mấy người kia nhờ cái nghèo của cậu lắm ạ ! Người Tây phương họ có cái nhìn khác lắm, sẵn sàng ưu tiên cho người nghèo nếu thấy thực sự đó là người giỏi chứ không khinh bỉ người nghèo như bên Việt Nam mình”.
– “Tớ cũng hy vọng như vậy. Trông nét mặt ba vị giám khảo thấy họ có vẻ có cảm tình với tớ lắm. Nhưng thôi, kệ, muốn đến đâu thì đến. Tớ cam đoan với cậu thi Biên tập viên cảnh sát tớ đậu là cái chắc. Làm phó quận trưởng cảnh sát cũng bảnh ra phết !”.

Trong khi tâm sự, hắn kể với tôi rằng bữa đi mua giấy tờ lập hồ sơ thi du học, hắn mua ở tiệm sách Thanh Trúc gần Ngã tư Phú Nhuận. Cô con gái bà chủ cỡ chừng 15 – 16 tuổi, xinh lắm và rất tốt bụng. Thấy hắn vét túi mà vẫn không đủ tiền trả, cô ta cười rồi cho luôn, không tính một đồng nào cả.
– “Cô bé cỡ 15 – 16 tuổi, vậy là cô em. Cô chị lớn hơn, khoảng 17 – 18 tuổi, mặt tròn, cũng đẹp nhưng không xinh bằng cô em”.
– Ủa, thế cậu cũng biết tiệm đó?”.
– “Biết chứ, tớ là dân Phú Nhuận mà, vẫn mua sách ở tiệm đó”.

Tôi kể cho hắn nghe bà mẹ còn tốt hơn nữa. Hồi tôi được phần thưởng cuối năm ở trường Tân Phương, trong số các cuốn sách lãnh thưởng có cuốn Triết Học Nhập Môn của tác giả gì tôi quên mất tên. Cuốn sách đó nghiên cứu về triết học nói chung chứ không phải sách lớp Đệ Nhất dạy về triết học để đi thi tú tài II. Tôi đem đến tiệm Thanh Trúc nhờ bà chủ đổi cho cuốn Luận Lý Học của tác giả Trần Bích Lan tức nhà thơ Nguyên Sa, giáo sư triết trường Chu Văn An.

Bà coi qua cuốn sách của tôi rồi cười : “Sách người ta tặng cho các trường để phát phần thưởng thường là sách khó bán nên họ mới tặng. Tiệm tôi không bán loại này. Nhưng thôi, cậu được phần thưởng như vậy là quý, muốn đổi thì tôi cũng đổi để cậu may mắn, năm tới thi đậu. Một vài cuốn sách chẳng đáng bao nhiêu…”.

Cuốn Luận Lý Học của giáo sư Trần Bích Lan đắt hơn cuốn Triết Học Nhập Môn một chút nhưng bà chủ tiệm cũng cho luôn, không bắt trả tiền chênh lệch. Tôi kết luận rằng bà mẹ tốt bụng như thế nên các cô con gái cũng tốt là một chuyện thường.

Hắn thở dài, nét mặt hơi buồn : “Nhà họ giàu, tiệm sách có tới mấy tầng lầu ở ngoài mặt đường, còn mình thì nghèo rớt mồng tơi không đáng xách dép cho họ. Tớ nói thật, nếu tớ được học bổng đi du học bên Mỹ kỳ này, đậu xong tiến sĩ tớ sẽ trở về, quỳ xuống dưới chân cô ấy, nói với cô ấy rằng nhờ cô cho giấy tờ lập hồ sơ nên tôi mới được du học, không bao giờ tôi dám quên ơn cô…”.

Tôi bật cười : “Cậu ngốc thấy mẹ, nếu đậu thì đến báo tin từ trước khi đi cho người ta còn chờ đợi chứ đậu xong tiến sĩ, hàng chục năm trời, họ lấy chồng mất tiêu rồi thì lúc ấy có ngồi mà khóc !”.
– “Ừ há, mình cũng ngu thật. Nhưng biết họ có đợi hay không ?”.
– “Tại sao lại không ? Vấn đề là cậu có thắng được mấy người kia hay không chứ nhà giàu thì họ khôn lắm, họ dư biết giá trị của một thằng học sinh nghèo được học bổng du học bên Mỹ”.
Và tôi nói thêm : – “Ngoài ra, sang đấy ăn ở ra sao, học hành thế nào cậu luôn luôn viết thư về cho em chứ đâu phải như Kinh Kha sang Tần, một đi là không trở lại”.
– “Ờ há, vậy mà tớ không nghĩ ra, tớ phải ghi địa chỉ tiệm sách nhà em mới được”.

Thế rồi hắn đậu thật, hơn 200 người, lấy có 2 người, khó chứ không phải dễ. Tội nghiệp, trước khi đi hắn vẫn còn nghèo bởi vì sang bên ấy, vào học trường nào rồi người ta mới trả lại tiền vé máy bay và bắt đầu cho lãnh học bổng chứ không phải họ đưa trước.

Mọi thứ chi phí như mua sắm va-li, giày dép, quần áo mặc trong mùa lạnh, kể cả tiền vé máy bay v.v… đều là của Cha (LM) cho. Cha còn nói hôm hắn đi, Cha bận không đưa tiễn được nhưng sẽ cho tài xế chở hắn ra phi trường.
– “Rồi ông cụ bà cụ cậu ở dưới Cái Sắn có lên không ?”.
Hắn lắc đầu, vẻ mặt buồn buồn :
– “Không, gia đình tớ nghèo lắm, không có bà con anh em gì ở trên này. Bố mẹ tớ nói lên đây vừa tốn tiền lại vừa làm phiền Cha, không có chỗ ở chẳng lẽ lại ở nhờ Cha trong nhà thờ”.

Tôi tưởng tượng ra cảnh hôm hắn đi, chắc chỉ có mình tôi và người tài xế của Cha đưa hắn ra phi trường. Nhưng ra đến đấy người tài xế sẽ quay trở lại chứ đâu có tiễn làm gì, chung quy chỉ có mình tôi mà thôi.
– “Cậu đã đến từ biệt cô bé chưa ?”.
– “Có, tớ có đến nhưng cô ấy mắc đi học, chỉ gặp bà mẹ. Tớ kể cho bà ấy nghe chuyện cô bé cho giấy tờ làm đơn, nhờ đó tớ mới được du học, tớ đến chào từ biệt và gửi lời nhờ bà cám ơn cô bé giùm”.
– “Bà ấy có nói gì không ?”.
– “Có, bà ấy xuýt xoa, thế ạ, quý hóa quá nhỉ, tôi không biết gì hết chứ nếu biết tôi đã mời cậu đến nhà dùng bữa cơm thân mật. – Bao giờ cậu đi ? – Dạ, thưa sáng mai. – Sáng mai, sớm vậy sao ? Vậy là không kịp rồi, cậu không đến đây từ trước. Bà ấy tiếc lắm. Tớ cám ơn bà ấy rồi đi…”.
– “Đó, cậu thấy chưa, tớ đã nói nhà giàu, nhất là một tiệm sách quen với chữ nghĩa, họ không dại gì mà không biết giá trị của con người”, và tôi giục :
– “Cậu đến nữa đi, phải gặp cô bé bằng được và dặn cô ấy chờ đợi, học xong cậu sẽ trở về”. Hắn lắc đầu :
– “Không dám đâu, đến sợ lại gặp bà ấy nữa tớ mắc cỡ lắm. Dù sao cô ấy cũng hãy còn nhỏ…”.
– “Trời đất ơi, 15-16 tuổi mà nhỏ cái gì ! Sang đấy cậu phải học cử nhân, cao học, tiến sĩ, ít nhất cũng 8 năm nữa. Lúc ấy cậu khoảng 28, cô bé 24, chả nhỏ một tí nào cả”.
Hắn khẽ thở dài :
– “Nói thật với cậu, từ bé tới lớn tớ khổ sở quá nên không dám nghĩ tới chuyện cao xa. Trước khi ra đi, tớ chỉ mong được nhìn thấy cô ấy một lần, được nghe thấy cô ấy nói một tiếng là sung sướng lắm rồi. Sang đấy tớ sẽ cố gắng học hành để đền đáp ơn nghĩa cô ấy…”.

Thật kỳ cục, có đáng gì đâu mấy tờ sơ yếu lý lịch, mấy tờ mẫu đơn tiếng Việt phải dịch sang tiếng Anh để nộp cho cơ quan UNESCO mà tên bạn tôi lại đặt nặng vấn đề đến thế?

Nếu cô bé không xinh xắn, tính tình không vui vẻ và không có lòng thương người thì hắn có mê cô ta đến mức đó hay không?
Tưởng tượng tới cảnh hắn lên máy bay chẳng có ai đưa tiễn, tôi nghĩ ra cách là ngay buổi chiều hôm đó đến tiệm sách kể hết mọi chuyện với bà mẹ. Có cả cô bé cũng có ở đấy. Nghe tôi kể, cô chỉ cúi mặt mỉm cười, hai gò má ửng hồng còn bà mẹ thì rất chú ý.

Cuối cùng, bà cười dễ dãi: “Hồi sáng cậu ấy có đến đây, tôi có biết mọi chuyện. Ý cậu là muốn nhờ em Trúc đi tiễn cậu ấy giùm phải không?”.
“Vâng ạ”.
“Mấy giờ thì cậu ấy lên máy bay?”.
“Dạ thưa 11 giờ 30, nhưng phải đến sớm ít nhất 2 tiếng đồng hồ để nó còn vào làm thủ tục”.
“Có, tôi biết. Sáng mai Chủ nhật em Trúc đi được. Vậy khoảng 8 giờ 30 cậu đến đây đi cả với em cho vui. Chắc có em Thanh cũng đi nữa”.
Tôi đoán Thanh là tên người con gái lớn của bà.
“Dạ, vâng ạ”.
Cô bé vẫn cúi mặt cười, tay cầm cây bút Bic không mở nắp vẽ vẽ bâng quơ trên mặt tủ kính quầy hàng cho đỡ mắc cỡ, chắc cô cũng quên không nhớ mặt hắn.
Sáng hôm sau, tôi đến. Hai cô con gái mặc juýp theo kiểu đơn giản thời đó, cô lớn juýp trắng, cô bé juýp hồng nhưng cũng rất đẹp.
Nhất là cô chị, cô có thoa chút phấn hồng nên lại càng đẹp, tôi nghe đâu đây thoang thoảng mùi thơm của phấn son hay của hương trinh nữ?
Ôi chao, đời đẹp quá, tôi, một thằng sinh viên bắt đầu học năm thứ nhất ĐHSP, nhà nghèo, mẹ làm thợ dệt nhưng đứng bên cô, ngửi mùi hương ngan ngát đó tôi vẫn thấy đời đẹp như thường.
Chắc cô cũng có cảm tình với tôi, thấy trong lúc đợi xe taxi, cô đứng sát bên cạnh tôi. Bà mẹ tiễn ra tận vỉa hè. Bà đưa tiền cho cô lớn: “Đây, tiền đây, nhớ trả tiền cho anh, đừng để anh trả nghe con!”. Cô không cầm, giọng con gái Bắc ngọt như mía lùi: “Con có rồi mẹ!”.
Chúng tôi đến. Hắn đang đứng một mình bên cạnh chiếc va-li hơi cũ, có lẽ của Cha cho mượn và một chiếc túi xách để trên mặt chiếc va-li đó.

Thấy chúng tôi tới, hắn cứ ngớ ra coi bộ hết sức ngạc nhiên. Tôi cười, giới thiệu:
- “Đây là cô Thanh, chị của cô Trúc. Còn đây là cô Trúc, người bạn vẫn nhớ ơn đó. Các cô thân hành ra đây tiễn bạn...”. Hắn không ngờ mình được hân hạnh đó nên lúng túng như gà mắc giay thun, mỉm cười khẽ gật đầu chào. Các cô chào lại. Cô chị nói:
- “Chúng em đến tiễn anh, chúc anh lên đường mạnh giỏi. Thỉnh thoảng anh nhớ viết thư về cho Trúc”.
- “Vâng, cám ơn các cô, thế nào tôi cũng phải viết”.
Tôi cười:
- Được viết thư cho người đẹp sướng thấy bố rồi lại còn phải viết với không phải viết. Sao nào, nếu học xong tiến sĩ kinh tế, có trở lại thăm cô Trúc không nào?”.
Hắn cười, mặt đỏ bừng, bây giờ tôi mới thấy hắn nói được một câu có thể coi là thông minh:
- “Có chứ, đó là mơ ước lớn nhất trong đời mình, nếu hai cụ nhà cho phép và cô Trúc sẵn sàng chờ đợi”. Cô chị hỏi: “Học tiến sĩ thì mất chừng bao lâu hả anh?”.
Hắn nói: “Khoảng chừng 8 năm, sớm nhất cũng phải 6 năm. Bên Mỹ nếu cố gắng vẫn có cách học vượt thời gian như vậy. Bên mình thường thường là phải 10 năm...”.
Cô chị nói:
 - “Lúc ấy Trúc mới 22 hay 24 tuổi, còn sớm chán”.
Tôi cười, nói đùa:
 - “Sao, ‘cô bé đẹp’, có đợi được không thì cho biết ý kiến?”.
Cô bé chỉ cúi mặt cười, không nói gì cả. Tôi hỏi gặng quá bắt buộc cô phải trả lời:
“Dạ được”. 
“Được thì ngoéo tay đi, hắn là dân Công giáo, đã nói là sẽ giữ lời, có tôi làm chứng!”.
Cô chị cười: “Em cũng làm chứng luôn”.
Mọi người cùng cười, hắn đã bạo dạn nên đưa tay ra ngoéo tay cô bé khiến cô đỏ mặt nhưng cũng ngoéo lại.

Trời đất ơi, phải chi tôi được ngoéo tay cô chị nữa thì đỡ quá! Nhưng nhà tôi nghèo, mẹ tôi làm thợ dệt, tôi 20 tuổi, còn cô thì khoảng 18 tuổi, kém tôi 2 tuổi, làm sao tôi có điều kiện lấy vợ trong lúc còn đang đi học mặc dầu cô cũng có vẻ quý mến tôi, luôn luôn đứng sát cạnh tôi.

Cuộc tiễn đưa chỉ có thế. Ba năm sau, tôi tốt nghiệp, đi dạy. Thời đó chúng tôi học Đại Học Sư Phạm theo régime 3 năm, các ban khoa học đều phải học bằng tiếng Pháp, thi cử cũng bằng tiếng Pháp. Sau khóa của tôi thì được đổi sang régime 4 năm và đã được chuyển ngữ, học bằng tiếng Việt. Ngoài ra, thời đó các trường trung học đệ nhị cấp dạy tới lớp 12 rất ít, ở các tỉnh lớn mới có, nên tôi đậu hạng 5 mà phải đi xa, Bạc Liêu cách Sài Gòn gần 300 cây số, vài tháng lễ, tết mới về nhà một lần.

Có lẽ cũng đến 5-6 năm, một lần tôi về, thấy trên mặt bàn có tấm thiệp của hắn làm đám cưới với Thanh Trúc. Hai chị em nhà đó có cái lạ là cô em tên Thanh Trúc, cô chị tên Trúc Thanh, ngược lại với nhau.

Phong bì bên ngoài đã có vẻ cũ, bám bụi. Tấm thiệp bên trong đề ngày cưới cách đấy đã hơn hai tháng. “Thằng Khải nó về rồi hở mẹ?”. “Ừ, cậu ấy về, nghe đâu đã đậu tiến sĩ, về làm đám cưới với cô con gái tiệm sách ở gần ngã tư Phú Nhuận. Cả hai cô cậu ấy đến chơi, đem thiệp cưới đến mời anh nhưng tôi nói anh dạy học ở mãi Bạc Liêu, chắc không về kịp. Cậu ấy nói cưới xong sẽ đưa cô ấy sang Mỹ, bao giờ có dịp về sẽ gặp anh sau”. Thời chúng tôi, người Việt ở bên Mỹ rất ít, nên họa hoằn lắm, hễ có ai về Việt Nam cưới vợ thì sau khi cưới xong, đem đi rất dễ chứ không khó khăn, phải làm đủ thứ giấy tờ bảo lãnh mới được đi như bây giờ. Cái thằng đó giỏi thật, lúc nó ra đi thì tôi bắt đầu vào Sư Phạm, học xong 3 năm, đi dạy 6 năm, tức mới 9 năm mà nó đã đậu đạt, đi làm, để dành được tiền về cưới vợ, giỏi thật. Tôi rất phục nó.

Thế rồi tôi được đổi về trường Trung học Dĩ An, Biên Hòa, cách Thủ Đức khoảng 10 cây số.

Năm năm sau, 1975, miền Nam sụp đổ, các giáo viên – giáo sư trung học bây giờ gọi là giáo viên – của 7 trường thuộc hai huyện Dĩ An và Lái Thiêu chúng tôi phải đi cải tạo tại K4 Long Khánh. Người cán bộ giáo dục về tiếp thu các trường thuộc hai huyện đó thấy người ta cách ly các sĩ quan và hạ sĩ quan cảnh sát thuộc hai tỉnh Bình Dương và Biên Hòa tại hai trường An Mỹ và Trịnh Hoài Đức, có du kích gác, rồi sẽ đưa đi học tập cải tạo thì bắt các nam giáo viên chúng tôi đi học tập cho... có tinh thần yêu nước vậy thôi. Hơn sáu tháng trời cải tạo tại K4 Long Khánh, tôi suýt bỏ mạng tại đấy. Bởi vì cơ thể tôi ưa lạnh chứ không ưa nóng. Cứ hễ trời nóng là tôi ho rũ rượi, ở nhà thường uống Terpin-Codein, một thứ thuốc rất rẻ do Việt Nam chế tạo. Đi học tập, trong trại không có thuốc men, lại ăn uống kham khổ nên tôi ho liên tục, ban đêm không ngủ được, thân hình gầy xác như con cá mắm.

Sáu tháng sau, các giáo viên được thả về. Sài Gòn buồn thê thảm và nghèo không thể tưởng tượng nổi. Mẹ và em gái tôi nói chuyện người ta đánh tư sản mại bản (nghĩa là tư sản mất gốc), các tiệm lớn ở Phú Nhuận bị tịch thu nhà cửa, hàng hóa, gia đình bị đuổi đi kinh tế mới, tiếng khóc như di.

Còn ở Chợ Lớn, các tiệm người Tàu sợ quá, ném những cây vải còn nguyên cả xấp và các đồ đạc xuống đường, kệ ai muốn nhặt thì nhặt nhưng chẳng ai dám nhặt.
Em tôi kể thêm: “May hồi trước anh Khải về làm đám cưới với cô con gái thứ hai tiệm sách Thanh Trúc rồi đưa cô ấy sang Mỹ chứ không thì bây giờ bị kẹt, tiệm đó bị đánh, muốn cưới cũng chẳng được”.
Tôi ngạc nhiên:
“Sao, tiệm sách Thanh Trúc cũng bị đánh? Người ta bán sách chứ có làm gì đâu mà đánh?”.
“Có, cả nhà may Bảo Toàn cũng bị đánh, tiệm bị tịch thu, nghe đâu người ta đuổi ông bà ấy lên cái gác xép nhỏ tí mãi tuốt tầng ba trên lầu, bây giờ nghèo lắm”.

Bảo Toàn là nhà may lớn nhất Phú Nhuận, trước đây tôi thường may quần áo ở đấy nên cũng khá quen, ông bà Bảo Toàn rất tốt, đối đãi với khách hàng rất niềm nở, ân cần.

“Tiệm sách Thanh Trúc còn một cô con gái lớn nữa tên là Thanh. Cô có nghe nói gì về cô con gái lớn đó không?”.
“Họ nói cô ấy lấy chồng, có bầu, nhà chồng là một tiệm vàng cũng ở gần đấy.
Hôm đánh tư sản, cả hai tiệm bị tịch thâu, cô ấy buồn quá định tự tử nhưng người ta cứu được...”.

Miệng tôi đắng ngắt. Tôi nhớ đến hôm tiễn Khải ra phi trường, có cả cô chị cùng đi, cô thường đứng sát bên cạnh tôi, cái mùi son phấn thơm thơm sang trọng tôi không thể nào quên được.

Rồi chúng tôi được Ty Giáo dục Sông Bé – Dĩ An trước thuộc Biên Hòa, bây giờ thuộc tỉnh Sông Bé – cho đi học tập chính trị hè sau đó cho đi dạy lại. Nghèo lắm. Lương tôi trước 63 ngàn, bây giờ chỉ còn 41 đồng, nghèo không chịu nổi.
Rồi tôi lấy vợ. Nhà tôi cũng dạy cùng trường nhưng môn Anh văn, tốt nghiệp ĐHSP sau tôi 6 năm. Năm ấy tôi 32 tuổi.

Lương của hai vợ chồng cộng lại chưa đầy 80 đồng. Nhà tôi dạy thêm Anh văn buổi tối cho các học sinh gia đình sắp đi vượt biên hoặc được bảo lãnh. Còn tôi, lúc rảnh tôi dịch truyện bán cho các nhà xuất bản ở trên Sài Gòn, buổi tối giữ con cho vợ dạy học. Giáo viên chúng tôi anh nào cũng gầy như cò bợ, quần áo ngày trước mặc vừa, bây giờ rộng thùng thình, áo thì mặc được còn quần cài dây nịt dúm dím, mặc không được.

Một hôm tôi nghĩ ra cách là khi về nhà ở Phú Nhuận, Sài Gòn thì đem hai chiếc quần tây đến tiệm Bảo Toàn, leo lên cái gác xép tận trên lầu ba theo cái cầu thang bên cạnh, nhờ ông Bảo Toàn sửa lại giùm. Ông đo người tôi, xem kỹ hai chiếc quần tây rồi nói: “Sửa không được đâu. Bây giờ phải tháo hết các đường chỉ ra, ủi cho thẳng rồi cắt lại như cắt quần mới chứ sửa đâu có được”. Tôi hỏi giá cả, ông nói: “Ông là người quen, tôi tính ông mỗi chiếc ba đồng gọi là có thôi”.
Tôi mừng quá, cám ơn rối rít. Ông nói: “Ông thấy tôi khổ như vậy đó. Ngày trước tiệm tôi lớn nhất Phú Nhuận, ngay cả may đồ cho khách tôi cũng chỉ trông nom chứ đã có thợ, đâu phải nhúng tay vào. Bây giờ thì đi may lại chiếc quần, kiếm ba đồng bạc...”
“Hình như tiệm sách Thanh Trúc bên kia cũng bị đánh tư sản như bên tiệm bác?”.
“Có chứ, tiệm nào hơi có máu mặt một chút mà chả bị đánh. Họ bảo bán sách là toàn các thứ phản động, đáng lẽ họ đuổi đi kinh tế mới nhưng cô Thanh cô ấy tự tử, họ cho cả nhà ở tạm cái bếp ở phía đằng sau”.

Rồi ông nói thêm:
“Nhà bà ấy cũng bị tịch thu hết, nghèo lắm. May nhờ có vợ chồng cô Trúc ở bên Mỹ gửi quà về nên mới sống được”. Tưởng tôi không biết gì về vợ chồng Khải, ông kể:
“Nghe nói người chồng cô Trúc đậu tiến sĩ kinh tế, trước làm trong cơ quan Liên Hiệp Quốc, sau làm giáo sư dạy đại học tại California”.

Rồi ông kết luận:
Con người có số hay không tôi không biết, nhưng theo tôi nghĩ, câu chuyện giữa cô bé 16 tuổi tên Trúc và anh chàng học sinh nghèo tên Khải hơi giống chuyện cổ tích của một thời đã qua, nay khó có nữa.

Chuyện kể của Đoàn Dự