Pages
▼
Saturday, September 30, 2017
Chuyện Vui XHCN
Chuyện ký giả và mấy bác nông dân...
Đây là những mẩu chuyện đối thoại
giữa ký giả "nhà nước" khi phỏng vấn những người nông dân nghèo nàn,
rách nát, cuốc đất trồng khoai ...
Chuyện
# 1
Ký giả:
- Thưa cụ, năm nay đảng ta lại nói đến chuyện chống tham nhũng, coi bộ năm nay
là thiệt đấy! Cụ nghĩ thế nào?
Cụ già:
- Ông nói vậy, thì ra, mấy năm trước cũng nói chống tham nhũng là nói láo à?
Chuyện
# 2
Ký giả:
- Bây giờ đảng kêu gọi mọi người học tập noi gương bác, cụ nghĩ sao?
Cụ:
- Không được đâu, làm thế là chống phá nhà nước!
Ký giả...sợ xanh mặt:
- Ấy sao cụ nói thế?
Cụ:
- Thì hồi đó, để tìm chân lý, bác phải đi lậu tàu qua tận bên xứ Thực Dân Tây để
tìm cơ mà! Đâu được!
Chuyện
# 3
Ký giả:
-Nếu có 2 mẫu đất, cụ có chịu dâng 1 nửa cho đảng không?
Cụ:
-Chịu.
Ký giả:
-Nếu có 2 tòa biệt thự, cụ nghĩ sao?
Cụ:
- Tui dâng 1 tòa liền.
Ký giả:
- Nếu có 2 chiếc " ô-tô-con" thì sao?
Cụ:
- Dâng 1 liền.
Ký giả:
- Nếu Cụ có 2 tỉ bạc thì sao?
Cụ:
- Dâng 1 tỉ ngay.
Ký giả:
-Cụ có 2 con trâu thì sao?
Cụ:
-Không chịu.
Ký giả:
-Ruộng đất, nhà cửa, "ô-tô", tiền bạc đều chịu, sao trâu lại không chịu?
Cụ:
- Tui có 2 con trâu thiệt mà!
Chuyện
# 4
Ký giả:
-Thưa cụ, đồng chí bí thư thành phố bị bắt cóc, chúng nó đòi chuộc đến 100 tỉ,
nếu không nộp, chúng nó bắn tiếng là sẽ tưới xăng thiêu sống. Bây giờ đảng đang
động viên nhân dân quyên góp, cụ tính quyên góp bao nhiêu?
Cụ:
- 10 lít đủ không?
Chuyện
# 5
Ký giả:
- Thành phố ta đang chi vài chục tỉ để xây nghĩa trang cách mạng, chỉ dành chôn
các cán bộ, đảng viên, cụ nghĩ sao?
Cụ:
- Chôn sống thì tui hoan nghênh hết mình...?
Chuyện
# 6
Một chiếc máy bay công vụ chở đầy lãnh đạo các cấp gặp nạn, đâm xuống đất, các
lãnh đạo trên máy bay đó hy sinh toàn bộ.
Ký giả đến nơi, phỏng vấn 1 cụ đang làm ruộng ở gần đó, cụ có tham gia tìm kiếm
xác đem chôn:
- Bộ lúc đó không còn 1 ai sống sót hay sao?
Cụ:
- Thì cũng có đứa nói vậy...
Ký giả:
- Sao không thấy đưa tin?
Cụ:
- Lúc ấy có 1 đứa nó ôm chân tui, nói rằng hắn chưa chết. Nhưng, mấy ông biết
đó, đám lãnh đạo thì có khi nào nói sự thật bao giờ đâu? Nên dù có nghe nói thế,
tui đâu dám tin, nên cũng đem chôn luôn!
Sưu tầm
Nín Thở Trước Bộ Ảnh Màu Về Bão Và Lốc Xoáy Ở Mỹ
Một cơn lốc xoáy lao qua một khu dân cư ở Wynnerword, bang Oklahoma, Mỹ.
Giông lốc kèm sét rạch ngang trời ở Amraillo, bang Texas.
Lốc xoáy di chuyển qua xa lộ 281 gần thành phố Seward, Kansas, nước Mỹ.
Trận bão này đã gây ra thiệt hại lớn cho nhiều tòa nhà và cây cối ở nhiều nơi thuộc nước Mỹ.
Những đám mây cũng bị cuốn vào gió lốc. Bộ ảnh của Oswald cho thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên.
Bức ảnh đầy ấn tượng của tác giả về một cơn bão đang hình thành ở xa.
Một cảnh tượng khác gây nín thở người xem.
Một bức ảnh ấn tượng khác, ghi lại nền trời đầy sấm sét.
Oswald đã dũng cảm và kiên trì bám theo các cơn bão để có loạt tác phẩm này.
Lốc xoáy lao qua và tàn phá một trang trại sử dụng năng lượng từ các turbine gió.
Khung cảnh “mê ly” ở thung lũng Fire, bang Nevada.
Khoảnh khắc sét đánh ở bang Kansas.
Phong cảnh đẹp lạ kỳ qua tay máy Oswald. Ảnh chụp tại Decatur, Texas.
Một trận bão lớn đang tiến tới sa mạc ở thành phố Artesia, bang New Mexico.
Cơn giông lốc này đang di chuyển qua bắc Texas vào chập tối./.
http://vov.vn
Ba Của Tôi - Phan Ngọc Vinh
Trong cái nắng gay gắt trưa hè Hà Nội đợt thi Đại Học, hình ảnh người cha ngồi yên quạt để con gái gối đầu ngủ cho dù những giọt mồ hôi rơi lã chã trên gương mặt mình đã khiến cư dân mạng vô cùng xúc động. Bức hình trên mạng báo Việt Nam đã khiến bao người rơi lệ, tôi tự hỏi có bao nhiêu người cha đã tạo nên được hình ảnh nầy. Ngược về quá khứ, kể về người cha thân yêu của tôi, kể từ khi có trí khôn, tôi nghiệm thấy rằng Ba tôi yêu thương tôi nhiều nhất trong số các con của ông, tôi là chị cả trong đàn con 12 đứa của ông, nhưng ông cứ tưởng tượng tôi như một thiên thần bé nhỏ, khi nói với ai về tôi Ông hay dùng câu "Con gái của tui", khi nói chuyện với Má tôi, ông hay nói : "Má con Khiêm" (ở nhà tôi tên K.)
Tôi không khoe xạo Ba tôi là ông nầy ông nọ, Ba tôi khi đang là thợ máy sửa xe hơi thì đến tuổi bị kêu đi lính thời Ông Tổng Thống Diệm, ông có nghề sửa xe nên sau vài năm bị đổi đi đây đi đó, ông được đổi về SàiGòn làm tài xế cho một ông Đại Tá, những dịp cuối tuần, vị Tá cho ông đem xe về nhà chở vợ con đi chơi. Tôi còn nhớ Ba hay chở cả nhà đi ra bến tàu ở sông SàiGòn, sau khi ghé chợ Cũ mua con vịt quay và mấy ổ bánh mì, có khi ông chở lên xa lộ Biên Hòa mua bưởi, rồi ngồi tại chỗ xẻ bưởi ra ăn, vừa ăn vừa hóng gió đồng nội, thời ấy hai bên xa lộ người ta hay trồng mía, những đồng mía bạt ngàn, nhìn thấy mà mê. Ba tôi bảo không nên vào sâu trong ấy mất an ninh lắm.
Những hình ảnh thời đó cứ như in mãi vào trí óc non nớt của tôi, các bạn có biết năm học lớp tư và lớp năm, khi làm những bài luân văn, tôi hay được cô giáo đọc bài của tôi cho các bạn trong lớp cùng nghe. Có một bài luận, với đề tài: "Em hãy tả cảnh một buổi dã ngoại với gia đình". Thôi rồi ... tôi trúng tủ! Tôi được Ba tôi đưa đi xe hơi với cả gia đình đến bến Bạch Đằng bằng xe Trắc Xông màu đen..., dưới thân đề tôi diễn tả thật là ngoạn mục: Đến nơi Má tôi tháo bao có con vịt quay đỏ chói, cả nhà vừa thưởng thức bánh mì vịt quay vừa ngắm cảnh sông SàiGòn ..., trên sông có những con tàu to đang neo trên bến, nếu từ xa nhìn vào chỉ thấy những thanh sắt ngổn ngang, các anh thủy thủ đứng dựa boong tàu, tôi nghĩ các anh được đi đây đi đó thật vui thú làm sao! Nhìn dòng sông nước lững lờ trôi, nước trong đến nỗi thấy cả những con cá lòng tong, tôi có đem theo giấy tập cũ, tôi xếp thành chiếc thuyền thả trôi theo dòng nước. Má tôi la: "đừng xả rác", chắc bà thấy bờ sông sạch quá, không muốn tôi làm hoen ố dòng sông, nhưng Ba tôi cười hiền bảo "để con nó chơi". Tôi đã ôm cổ Ba tôi và nói làm sao mình lên được cái tàu lớn đó hả Ba, Ba tôi cười nói "Con ráng học giỏi thì muốn gì được nấy ". Tôi trả lời: " Dạ, con sẽ ráng, khi học giỏi con sẽ được đi ra nước ngoài như con tàu ấy và gửi thư về Ba nhen! ".
Khi đọc bài, cô giáo diễn tả giọng trầm bổng lên xuống, cả lớp im phăng phắc, cô giáo đã cho tôi điểm tối đa. Sau giờ luận đến giờ ra chơi, cả lớp xúm lại hỏi tôi: Bộ Ba mầy chở mầy đi chơi bằng xe hơi thiệt hả. Tôi đã có dịp vênh mặt với tụi bạn rồi trả lời: “Chứ sao! Tao chẳng bao giờ nói xạo!” Mặc dù tôi chỉ có 2 bộ đồ tạm cho là lành lặn nhất để đi học (vì con nhà nghèo, em lại đông mà lỵ).
Khi đọc bài, cô giáo diễn tả giọng trầm bổng lên xuống, cả lớp im phăng phắc, cô giáo đã cho tôi điểm tối đa. Sau giờ luận đến giờ ra chơi, cả lớp xúm lại hỏi tôi: Bộ Ba mầy chở mầy đi chơi bằng xe hơi thiệt hả. Tôi đã có dịp vênh mặt với tụi bạn rồi trả lời: “Chứ sao! Tao chẳng bao giờ nói xạo!” Mặc dù tôi chỉ có 2 bộ đồ tạm cho là lành lặn nhất để đi học (vì con nhà nghèo, em lại đông mà lỵ).
Xế nhà tôi có gia đình ông bà Thiếu Tá tên Vàng, nhà trông sang nhưng là nhà mướn, nhà Ba Má của tôi là nhà mua, ông Thiếu Tá nầy cứ đi hành quân nay đây may đó nên ông bà ấy không mua nhà, khi dọn đến đâu thì họ chỉ mướn mà thôi, họ chỉ có 2 con nên hai đứa ấy muốn gì được nấy, áo nào đẹp nhất, quần nào sang nhất là bà đều chưng diện cho 2 con, nhà tôi nghèo nên lúc nào tôi cũng mang đầy mặc cảm, dù là tôi học không thua đứa nào, tôi nhìn 2 đứa ấy mà cứ ao ước nếu tôi chỉ có một đứa em thì đỡ khổ biết bao nhiêu, nhất là đỡ phải ẵm em, Ba Má tôi sẽ lo cho tôi nhiều hơn là có một bầy con nít như vầy.
Những năm ở tiểu học, tôi học giỏi lắm, cuối tuần Thầy Hiệu Trưởng đi từng lớp để phát giấy khen, từ hạng nhất đến hạng năm, tuần nào tôi bị hạng năm tôi buồn lắm, và mỗi cuối niên học năm nào tôi cũng được lãnh thưởng, hình như tôi học vì do lời khen và động viên của Ba tôi hay sao ấy. Tôi có hai đứa bạn ngồi hai bên, tụi nó hay cọp dê toán của tôi, thường thường những bài tôi làm đều đúng, vào giờ ra chơi hai đứa hay chen chúc trước cổng trường để mua đồ ăn cho tôi, đứa thì mua cốm dẹp, đứa thì mua táo xanh, thay đổi tùy theo mùa. Răng tôi không được tốt nên không thích ăn cà rem. Tôi thường khoe với Ba tôi về thành tích "ăn hàng không tốn tiền" của mình, ổng hay nói "Cái nầy con giống Ba". Với tuổi đời non nớt, tôi không hiểu tại sao Ba tôi nói vậy. Năm cuối lớp nhất ở Trường Tiểu Học Chí Hòa, Ba tôi đã đổi về làm ở Tổng Tham Mưu, tôi nhớ không lầm là vị Tá ấy có dính líu với vụ đảo chánh Ông Tổng Thống Diệm lần đầu nhưng thất bại nên bị tù, họ xét Ba tôi vô can vì chỉ là lính thợ nên chuyển đi nơi khác, vì Ba tôi giỏi nghề sửa xe nên được điều về Tổng Tham Mưu để sửa xe nhà binh.
Ngày đi thi vào đệ thất Trường Gia Long, Ba chở tôi đi bằng xe Jeep quân đội, tôi mặc đồ bộ trắng phớt màu tro bằng tơ, cổ may lá sen, bộ đồ mà tôi nghĩ là đẹp nhất hơn các bộ đồ mà tôi đã mặc trong thời gian học tiểu học, khi xuống xe Ba vẫn còn nhắc "Ráng làm bài nhe con, Ba về sở rồi trưa Ba trở lại chở con đi ăn cơm nhe!". Năm ấy tôi đậu được vào trường Gia Long. Tôi vẫn còn nhớ khi nhìn thấy tên tôi trên bảng kết quả treo trước cổng trường, Ba đã ôm siết tôi vào lòng, nhấc bổng lên, một điều mà chưa bao giờ xẩy ra trước đó, Ba la lên: "Trời ơi con tôi đậu rồi, con tôi đậu rồi", Ba đã lập đi lập lại câu ấy bao nhiêu lần, và tôi cảm nhận nước mắt của người ướt má của tôi, đây là lần hiếm hoi thứ nhì Ba tôi khóc, mà lần đầu là Bà Nội tôi mất, sau đó Ba chở tôi bằng xe Jeep đi ăn cơm gà quay ở Chợ Lớn .
Cuộc đời Ba gắn liền theo vận nước, nhất là vào lúc đơn vị của Ba chuyển ra Nha Trang. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao Cô giáo hay đọc những bài luận tôi làm cho bạn bè tôi nghe như bài luận mẫu, và lúc Ba ở nhà vẫn hay khen tôi viết văn hay, vậy mà những năm tháng Ba ở Nha Trang tôi lại chẳng có một lá thư nào cho Ba, mỗi khi về phép, Ba đem về những con sò con ốc mà ba nói là đi tắm biển với bạn bè rồi nhặt về cho tôi ở bãi biển Nha Trang, với mớ hình ảnh Ba chụp bên xe Jeep trên quãng đường dài từ SàiGòn ra đến Nha Trang, mỗi địa danh Ba dừng chân bên đường rồi chụp hình đem về cho con gái của Ba.
Có những lúc Ba về bất ngờ, Ba hỏi Má tôi thường đứng chỗ nào đón tôi khi tan học, rồi Ba ra đứng ngay chỗ ấy. Trời ơi không sao tả được sự mừng vui khi tôi thấy ông đứng chờ tôi, những hình ảnh nầy sẽ theo tôi cho đến cuối đời. Có lần khi đến rước tôi, bộ đồ lính của Ba hãy còn bụi đường xa sình bùn lem luốc, Ba kể về nhà không kịp thay ra vì đến giờ đi đón con, Ba đưa cho tôi bịch quà mà hãy còn dính bùn, Ba nói tối hôm qua trên đường lái xe về nhà từ Nha Trang với một người bạn, Ba bị VC rượt theo bắn tỉa, 2 người đã lao ra ngoài bỏ xe chạy trối chết, vậy mà Ba vẫn không quên chụp cái bịch quà cho tôi mà trong ấy là vỏ sò và những con sao biển, hai người đã lẩn trong rừng khuya chờ sáng xe đò từ Nha Trang về thì quá giang về SàiGòn. Sáng ra đơn vị bạn kéo xe về, họ không nghĩ là người trong xe còn sống vì cái xe Jeep bị bắn tan nát!
Lúc đơn vị Ba còn đóng ở SàiGòn, ông sửa xe giỏi nên hết giờ làm việc ở đơn vị, thì hết đám nầy đến rước đi sửa, đến đám khác rước đi sửa, họ hỏi Ba tôi xem hư cái gì, rồi kéo nhau đi mua đem về thay vào, rồi họ dắt đi ăn tiệc, trên bàn tiệc họ hỏi công bao nhiêu. Ba tôi nghĩ họ tử tế bao mình ăn uống linh đình, nên ông trả lời chỉ sửa dùm cho "dui" thôi. Đó là tại sao Ba nói tôi giống Ba ở khoảng đó, và tại sao mỗi lần được đi với Ba, ông hay chở tôi đi ăn toàn đồ ngon, vì những chỗ đó Ba đã được các chủ xe mời đi ăn để đền ơn vì Ba không lấy tiền công. Ba tôi như say mê công việc, nên lúc làm ở Tổng Tham Mưu, ổng ngủ tại garage luôn. Sau đó đơn vị của Ba bị điều động ra Nha Trang tôi không có Ba ở gần, Má tôi bù đầu lo đủ thứ để kiếm cho đủ ăn, không ai khuyến khích, động viên, nên tôi học hành sa sút thấy rõ, mỗi năm được lên lớp là mừng rồi, có điều môn Văn thì khá, các môn khác chỉ trung bình hay kém, tôi như không có điểm tựa nên cứ thả nổi, may phước là cũng đậu được tú tài 2 khóa 2.
Tôi còn nhớ, những ngày Ba tôi về phép là những ngày tôi hạnh phúc nhất, nhất là những lúc học thi, tôi nằm tòng teng trên võng học bài rồi ngủ quên, cái võng được mắc trên cái giường để gần bếp, Ba tôi lụi hụi nấu cơm, con bạn trong xóm tôi nó tới nhà mượn sách đang lúc Ba tôi kêu tôi dậy " K ., K ..con dậy ăn cơm đi con, rồi học bài tiếp" những lúc ấy tôi làm bộ ngủ, tôi nghe Ba tôi nói với nó: “Bác nấu chứ để K nó nấu, nó nêm nước mắm vô canh ăn chua lè hà!” Sau khi chứng kiến cảnh nầy, bạn tôi về nhà méc Má nó rồi phân bì Ba nó không làm vậy, Má nó nói: Mầy không biết con của Tư Lắm à! (ý là trong xóm ai cũng biết Ba tôi cưng tôi lắm).
Tôi biết tôi là niềm danh dự của Ba, vì năm tôi thi đậu được vào Gia Long, cả xóm chỉ có mình tôi vào được, phải ba năm sau trong xóm mới có đứa đậu. Vào năm học đệ tam, tôi có đứa bạn thân học với nhau từ đệ thất, nhà nó ở Thủ Đức, nó hay rủ lên nhà chơi, nó có 3 chị làm ở căn cứ Long Bình, 4 chị em ở với bà mẹ già, thời đó nhà nào có người làm sở Mỹ nhà đó khá lắm, chỉ cần một người làm thôi đã khá rồi, mà nhà nó những ba người làm, nó xài toàn đồ Mỹ thơm phức thấy mà ham, trong khi Má tôi vất vả quá, tôi học hành thì như con rùa lật ngửa, lẹt đẹt chạy đàng sau các bạn, tôi nói với các chị của nó xin cho tôi vào làm để đỡ đần cho Má tôi, mấy chị nó mắng tôi không tiếc lời: Còn nhỏ lo học chứ đi làm chi rồi bỏ học uổng lắm, mấy chị không được học hành như các em nên mới phải làm cho Mỹ chứ tụi em học được trường tốt mà bỏ chi uổng vậy! Thế là tôi đành phải học tiếp, dù trong bụng ngán quá chừng luôn!
Vào lúc ra trường Gia Long tôi thấy Má tôi vất vả quá nên tôi chẳng muốn tiếp tục học nữa, nộp đơn xin thi vào làm Thư Ký Học Chánh trong Bộ Giáo Dục SàiGòn. Cùng năm đó 1971, Ba tôi được giải ngũ, và được người quen giới thiệu làm tài xế cho tòa báo Star & Stripes, chuyên chở báo từ phi trường Tân Sơn Nhất về phân phát cho các sạp và các cơ quan của Mỹ đóng tại SàiGòn, những loại báo này in từ Thái Lan hoặc từ Mỹ được máy bay chở về phi trường.
Thế là "đời Ba lên hương", nhà tôi được xây lại 2 tầng khang trang hơn, phòng khách được trang hoàng thật đẹp, đèn mờ, đèn sáng đủ cả, Ba tôi mua hẳn cho tôi cái xe Honda Dame mới để đi làm, Ba cứ tiếc hùi hụi là 12 năm đèn sách, mà kết quả của tôi chỉ là nhân viên quèn ở Bộ, Ba nói tại Ba bị đổi đi xa chứ nếu ông ở nhà chắc tôi sẽ học khá hơn. Bây giờ sau bao nhiêu năm, Ba tôi đã mất, Má tôi không còn, ngẫm nghĩ những ngày xưa dưới mái nhà, có cha, có mẹ, có những người thân yêu bên cạnh thấy êm đềm hạnh phúc dường bao.
Viết từ Pennsylvania 2017
Phan Ngọc Vinh
Friday, September 29, 2017
Linh Mục, Người Là Ai? - Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Trong mắt mọi người, đặc biệt là những phụ nữ đạo đức, linh mục luôn ở một vị thế cao. Linh mục được mọi người kính trọng, vì họ là người của Chúa mà. Khi đi lễ, người dân thì phải chen chúc giành chỗ ngồi, còn linh mục đã được chuẩn bị cho sẵn những chiếc ghế êm, có quạt mát. Của ăn ngon cũng dành cho linh mục.
Người ta không dám xúc phạm đến linh mục vì họ sợ bị Thiên Chúa phạt. Được một vị linh mục chúc lành, được bắt tay với một vị linh mục, thậm chí được chụp hình chung với một vị linh mục thôi, cũng đủ làm người ta hạnh phúc suốt mấy ngày. Bề ngoài thì cũng giống như bao nhiêu người khác thôi, nhưng họ có quyền tha tội cho người khác, lời nói của họ có trọng lượng hơn, chỉ cần giang tay, đọc vài lời nguyện, chia sẻ một chút, họ đã có thể kiếm “chút ít” để trang trải cuộc sống rồi. Linh mục chỉ là như thế thôi sao?
Họ có được những đặc ân như thế, có lẽ bởi vì họ là số ít được tuyển chọn giữa nhiều người. Đâu phải dễ mà trở thành linh mục. Phải hy sinh nhiều lắm, phải trải qua bao thăng trầm thử thách, phải ngậm đắng nuốt cay, đánh đổi bao điều, họ mới được trao chức thánh, “hân hoan bước lên bàn thờ” dâng của lễ. Đã có rất nhiều người cùng đi chung với họ, nhưng đã “bỏ dở cuộc chơi”, đã rẽ sang hướng khác vì thấy con đường này không hợp với mình. Trong số đó có những người tài giỏi hơn họ, thánh thiện hơn họ, có nhiều hậu thuẫn hơn họ. Con đường đi tu đâu phải là con đường ai muốn cũng đi được, đâu phải chỉ dùng ý chí mà bước tới. Nó là cả một ơn gọi, một mầu nhiệm, một “sự điên rồ” không tên. Phải chẳng vì do khó khăn mà đạt được, nên người linh mục cũng mặc nhiên được xếp hơn người khác?
Không, chắc chắn là không phải!
Linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Linh mục hệt như Mô-sê, người đã lãnh đạo dân ra khỏi nô lệ Ai Cập, đã trở thành cầu nối giữa dân và Thiên Chúa, đã làm chứng cho giao ước giữa hai bên. Linh mục chính là những vị tư tế, thay mặt dân dâng lên Thiên Chúa những của lễ và cầu xin ơn lành của Chúa ban xuống cho dân. Có thể nói, linh mục là trung gian nối kết cái hữu hình với vô hình để qua đó, con người có thể vươn lên tới trời và Thiên Chúa có thể ngỏ lời với dân. Người ta tin tưởng linh mục vì người ta cho rằng linh mục là người có thể trò chuyện với Chúa cách thân mật, có một mối tương quan gắn bó và gần gũi với Chúa và lời cầu nguyện của vị linh mục dễ được Chúa chấp nhận hơn. Người ta ngưỡng mộ vị linh mục vì thán phục tinh thần từ bỏ của họ, rằng họ đã thanh thoát khỏi bụi trần, không còn vương vấn với hồng nhan, không còn chút dính bén gì với cuộc đua tranh căng thẳng nơi trần thế. Linh mục là người được ân sủng Chúa bao bọc trọn vẹn.
Từ tính chất thánh thiêng ấy, người ta không làm linh mục như một nghề kiếm sống. Linh mục tự bản chất không phải là chiếc áo khoác bên ngoài để tô vẻ sự hào nhoáng cho người ta. Ai sử dụng chức linh mục như phương tiện để thu vén cho bản thân, người ấy thực sự đã đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, phụ lòng mong mỏi của giáo dân và cũng phản bội lại chính mình. Người ta không làm linh mục nhưng là linh mục. Có một sự khác biệt giữa làm và là. Chức linh mục đụng chạm đến cái cốt lõi của một con người, đụng tới “cái là”, chứ không hệ luỵ ở những gì người đó làm. Một người khi đã lãnh nhận chức thánh thì dù có xây một trăm nhà thờ to lớn, hay chỉ lủi thủi nơi một nhà nguyện cũ kỹ; dù có nhiều fan hâm mộ hay chẳng ai biết đến; dù mặc trên người những bộ quần áo sang trọng với vòng vàng lấp lánh, đầu tóc chỉnh chu hay mặc những bộ đồ cũ kỹ, tóc tai bù xù… người đó vẫn là linh mục, một linh mục trọn vẹn của Chúa giữa trần gian.
Là linh mục, chính là trở nên như Giêsu, vị linh mục đầu tiên và hoàn hảo nhất. Đó là con người gắn với Cha không ngơi, và nhờ đó mà luôn có lòng thương cảm dành cho con người, luôn thao thức trước đồng lúa mênh mông không người gặt và đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt. Họ thổi vào nhân gian luồng gió mới, họ đánh thức con người khỏi giấc mộng mê muội của những cái mau qua. Họ chiếu sáng thế giới bằng ánh sáng nhân đức và sưởi ấm lòng người bằng ngọn lửa yêu thương. Có thể nói, linh mục là người mang Thiên Đàng xuống trái đất này và đưa con người lên cao đụng chạm với Thiên Chúa. Như Giêsu, họ ý thức rằng họ đến “để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”; họ gắn kết cuộc đời mình với mọi con người dù người đó có giàu sang hay nghèo khổ, thánh thiện hay tội lỗi, cao sang hay hèn kém. Họ đảm bảo cho người ta hạnh phúc Nước Trời “anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”; họ trao ban bình an, sự tha thứ và đưa người ta đến cuộc sống mới tươi đẹp hơn “cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Như
Giêsu, họ không bao giờ đưa mình lên, còn nếu phải đưa lên, thì đó
chính là giương cao trên cây thập giá. Giáo Hội trao ban tác vụ linh mục
cho một người chính là đưa người ấy lên ngọn đồi Canvê. Nơi đó, từng
ngày từng giờ, từng phút giây của cuộc sống, vị linh mục giang đôi tay
để dâng lễ tế cuộc đời. Họ dâng chính mình làm lời cầu nguyện cho dân
Chúa. Họ biến mình làm của lễ tạ tội và xin ơn. Họ dâng, dâng hết… cho
đến khi chỉ còn lại một thân xác chơ vơ, ngậm cười trong bình an và hạnh
phúc vì đã vâng theo ý Cha, yêu thương nhân loại và yêu cho đến cùng. Là linh mục chính là huỷ mình ra không, là cùng đóng đinh với Đức Kitô vì phần rỗi của muôn người.
Đẹp
lắm nhưng cũng khó lắm. Tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến điều này
nhưng vẫn cố gắng thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự
do, trí nhớ, trí hiểu … chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng
Chúa vì được như thế là đủ cho con. Amen!”
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Mặt Trời Và Mặt Trăng Gặp Nhau
The Sun and The Moon, in 1 picture!!!!!!!!!
Đây là bức
ảnh
mà nhiếp
ảnh
gia người
Đức
đã mất
62 ngày chờ
đợi
với
16 camera hoạt
động
mới
chụp
được
giây phút có mặt
của
cả
mặt
trời
và mặt
trăng.
Kim Hoa chuyển
Thursday, September 28, 2017
Thình Lình Đui Mắt - Hồ Phi
Tục ngữ ta có câu " Bảy mươi chưa què, Chớ khoe rằng lành". Thực vậy,
một người bình thường khỏe mạnh, đẹp đẽ, rủi ro có thể thình lình đến
làm trở nên tàn phế. Bịnh hoạn xảy ra bất chợt, không biết đâu tiên
liệu, đề phòng.
Mới đây, tôi được tin một người quen cũ ở Việtnam,
khỏe đẹp một thời, nay hoàn toàn mù lòa tàn tật từ hôm bà ấy đi nhổ
răng cách nay10 năm. Ngay khi răng được lôi ra, bà thấy tối tăm mặt mày,
và sau đó chỉ toàn một màu đen tối, bà không còn thấy gì nữa. Tuy rằng
đôi mắt bà vẫn mở, nhắm, người chung quanh nhìn vào vẫn tưởng đôi mắt
khỏe mạnh như bình thường. Nghe kể lại, vài bác sĩ quen ở đây cho là
không phải vậy, vì mắt và răng đâu có liên hệ gì. Nhưng có ai đã học,
biết, hoặc kinh nghiệm hết mọi chuyện vì những điều, những kiến thức chúng ta chưa biết tới, chưa khám phá ra mênh mông như vũ trụ.
Nhân chuyện nầy, Ông Tuấn, một người bạn già của người viết, đem chuyện tối mắt của ông ấy ở Mỹ ra kể lại.
*
Cách
đây bảy năm, lúc ông Tuấn vào tuổi 60, tốt lão khỏe mạnh, đi đứng nhanh
nhẹn không kém một trai trẻ. Tuy có đông con, nhưng tất cả đều đã ra
riêng. Từ lúc chúng 17, 18 tuổi vào đại học, và sau khi ra trường, không
đứa nào quay lại, nên chuyện gì nặng nhẹ ông cũng lụi hụi một mình. Một
sáng thứ bảy mùa hè, ông sắp xếp lại garage.
Bưng lên bợ xuống một số đồ đạc thường thường, nhưng với tuổi Tuấn lúc nầy kể là nặng và có phần căng gân cốt .
Sau
một hồi hỳ hục, ông vào phòng nằm nghỉ. Bật TV lên xem, ông thấy màn
ảnh TV có hai nấc, một nửagiống như ngoài nắng, một nửa như trong bóng
râm, và như có vài tia chớp trong mắt. Cảm thấy trong mắt có sự bất
thường, tuy không có gì đau nhức đáng kể, ông đến bác sĩ gia đình, không
khám biết được gì, nhưng ông được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa
bịnh mắt ở Bolsa.
*
Lần đầu tiên đến bác sĩ chuyên khoa giải
phẫu mắt, Tuấn không ngờ rằng người ta bị bệnh mắt cũng khá đông. Chờ
một hồi lâu, Tuấn được đưa ngồi vào ghế để đọc các chữ E to nhỏ. Ban đầu
mắt trái được che kín, để đọc bằng mắt phải. Cô y tá thử tới thử lui
một lát, Tuấn chẳng thấy gì cả, chỉ một màu đen mà thôi. Che mắt phải,
mắt trái vẫn còn thấy rõ. Tuấn rất ngỡ ngàng sao lại có chuyện khác thường như vậy, vì cả hai mắt lối giờ vẫn tốt đều.
Sau
một lát nhỏ thuốc mở rộng con ngươi, bác sĩ soi đèn vào xem xét, và cho
Tuấn biết: Võng mô mắt phải bị rời rách (Retina Detachment, OD).
Lo
sợ, Tuấn hỏi có thuốc hay cách gì chữa trị không" Bác sĩ bảo ở đây
không chữa được và sẽ giới thiệu đi nơi khác để mổ. Nghe phải mổ mắt,
Tuấn hoảng hốt hỏi: " Mổ mắt rủi làm tôi đui sao""
Bác sĩ bảo: " Mắt phải đã đui rồi, còn đui gì nữa".
Tuấn
nhận giấy giới thiệu để đến phòng mạch tư có tên là OC Retina Group ở
Santa Ana. Lúc đó đã quá 5 giờ chiều thứ bảy, các văn phòng bác sĩ đều
đóng cửa, nên phải chờ đến sáng thứ hai. Về nhà Tuấn rất hoang mang lo
sợ, cả đêm nghĩ buồn không ngủ được. Một mắt thình lình vô cớ đã bị mù,
và nếu mắt kia cũng có thể theo đà như vậy, thì sống dở chết dở mà thôi.
Tuổi già ở đây buồn cô quạnh. Niềm vui là xem TV và hay lái xe dạo chơi
ngắm thiên hạ giàu sang và trời mây phong cảnh ngoạn mục. Nếu mù không
thấy gì nữa, thì kể như chết rồi, cuộc sống chỉ là đau khổ trong tăm tối
mà thôi.
*
Trưa chúa nhật hôm sau, nơi nhà người con trưởng có
party sinh nhật cho đứa cháu. Nằm nhà một mình buồn, Tuấn cũng mò đến
tham dự để khuây khỏa. Sẵn gặp người con thứ làm MD cũng đến đó. Nghĩ
những người trong cùng một nghề, thường biết chuyên môn tài giỏi của
nhau hơn, Tuấn đem trường hợp mắt mình ra kể và hỏi: "Con làm cho mấy
bịnh viện lớn đã lâu, con có biết bác sĩ chuyên khoa nào giỏi về bịnh
nầy, chỉ cho bố đến chữa trị". Tuấn liền được đáp: " Mắt bố đã tốt năm
mươi năm rồi, mà còn đòi gì nữa chứ."
Tuấn nghe, tiu nghỉu, thẹn
thùng cảm thấy mình có phần nài nĩ tham đời, nên thôi không nói gì thêm
nữa. Sự cách ngăn thế hệ (generation gap) và xáo trộn văn hóa (cultural
turbulence) đã làm cho người ta không hiểu nhau hoặc thông cảm để giúp
nhau. Học thuyết Dương Chu từ Trung Hoa xưa và chủ nghĩa cá nhân vật
chất nay ở Hoa Kỳ được kết hợp rất chặt chẽ nơi giới trẻ thịnh thời và
đắc địa. Đúng ra mắt Tuấn đã tốt cả sáu mươi năm rồi, bỗng nhiên thình
lình mới bị mù, nhưng mấy ai không tham đời, còn sống thì người ta
vẫn còn cố tránh bị tật nguyền. Tuấn buồn nhiều hơn, thấy đen tối hơn.
Không biết nói gì thêm, Tuấn yên lặng cho đến lúc ai về nhà nấy. Chi
tiết nầy được kể như một nét nhỏ mà cũng có thể là đề tài lớn viết về
nước Mỹ.
*
Sáng sớm thứ hai, theo giấy giới thiệu, Tuấn đến
phòng nhãn khoa tư có bảng hiệu OC RG ở Santa Ana, bệnh nhân chờ khá
đông. Nơi đây có ba bác sĩ gồm hai bác sĩ Mỹ trắng đã đứng tuổi và một
bác sĩ người Hoa họ Chen mới ra trường chưa bao lâu. Nơi phòng đợi, các
bằng cấp, ghi nơi và thời gian huấn luyện của mỗi bác sĩ đều có treo
trên tường. Những bác sĩ này đều có bằng chuyên chữa bịnh võng mô
(retina) . Thật ra từ nhỏ đến giờ đã hơn 60 tuổi, lần đầu tiên Tuấn mới
nghe biết về bịnh mù mắt thình lình nầy.
Lúc nhỏ, ở tỉnh quê, đã ba
bốn lần Tuấn bị bệnh mắt đỏ, hai mí mắt sưng húp bị ghèn mủ khô làm dính
cứng vào nhau. Sáng dậy, phải dùng bông gòn thấm nước muối hồi lâu cho
ghèn mũ tan rã mới mở mắt được. Bệnh có khi kéo dài cả tháng mới khỏi.
Đến hơn 20 tuổi, nhìn xa không rõ, Tuấn mới đến optometrist đo độ và đeo kính.
Tuấn
cũng đã thấy người ta bị bệnh mắt hột, bên trong mí mắt có những mụt
trắng và mí mắt sưng. Có người bị thủy tinh thể của mắt dần dần trắng
đục, khiến mắt dần dần không trông rõ, nhưng vẫn còn thấy ánh sáng và
nhìn cảnh vật lờ mờ. Có người bị cận thị, bị viễn thị có thể chữa bằng
cách mang kiến cận hay viễn (trường hợp mắt người già). Có người mắt bị
kéo mây phía trước thành mù lòa. Có người mắt bị lớn lồi ra. Nhưng
trường hợp mắt của Tuấn, người ta nhìn vào vẫn thấy tốt đẹp bình thường
không sao cả, nhưng lại mất ánh sáng.
Mắt phải mất ánh sáng xảy ra
thình lình và nhanh chóng như vậy như vậy là do Võng Mô (retina), mạng
lưới thần kinh tỏa ra trong đáy mắt nối liền với thần kinh thị giác
trong hốc mắt tiếp liền với trung khu thị giác trong não bộ bị tổn
thương. Võng mô tiếp nhận ánh sáng, hình ảnh và màu sắc truyền vào não
khiến ta thấy được. Võng mô bị tróc ra hay thương tổn cũng như miếng
film trong máy chụp hình bị hư hỏng hay sút ra, dù máy ảnh, ống kính còn
tốt cũng không thâu được hình. Từ trước không nghe ai nói tới bịnh mắt
nầy.
Bác sĩ trẻ, họ Chen được sắp xếp chữa trị cho Tuấn. Chen
khám lại và giải thích từ trước đã có phương pháp giải phẩu để gắn lại
võng mô bên trong mắt (Vitrectomy and Scleral Buckling). Gần đây có
phương pháp mới, giản dị hơn đã đuợc áp dụng. Nếu theo phương pháp mới
sẽ tránh được việc mổ mắt, vừa đỡ thương tổn, đỡ tốn kém, mà cũng có kết
quả tốt. Đó là phương pháp bơm hơi thuốc vào bên trong mắt và dùng kim
đông lạnh để gắn lại võng mô (Pneumatic Retinopexy and Retinal
Cryotherapy). Nghe phương pháp mới nầy cũng kết quả tốt, Tuấn yêu cầu
Bác sĩ Chen
áp dụng cho mình.
Tuấn được đặt ngồi trên ghế bên
cạnh ghế bác sĩ, một bên là một ống gang như ống acetylen của thợ hàn,
nối liền với một vòi kim bơm hơi và một bàn đạp điều khiển cho lượng hơi
ra vào nhiều ít. Tuấn ngồi ngửa mặt, mở rộng mắt. Bác sĩ cầm kim đâm
vào mắt, bơm hơi thuốc vào, và xả ra nhiều lần, khoảng vài chục phút.
Tuấn nghe tiếng hơi bơm vào, rút ra leo pheo, như ngươi ta bơm và xả hơi
bong bóng. Đau không thể nói được, nhưng phải cắn răng, hít hà, ráng
chịu để may ra thị giác được vãn hồi. Bác sĩ làm xong băng kín mắt phải
lại. Tuấn ra về.
*
Hai hôm sau theo hẹn trở lại, mắt phải được
mở ra, Tuấn thấy lại ánh sáng lờ mờ và nhìn vật thấy 2 hình, một hình mờ
và một hình rõ, và thấy một bong bóng hơi hình thuẩn trong mắt lao chao
ở mí dưới.
Bác sĩ Chen cũng bơm hơi như vậy một lần nữa. Đau lắm, Tuấn vẫn rán chịu.
Ba ngày sau khám lại, đo áp suất mắt, mắt
phải đã thấy ánh sáng tốt hơn và đọc được những chữ lờ mờ ở cuối miếng
card. Bác sĩ bảo đã tốt rồi và chuyển qua một phòng khác có trang bị một
máy có một đầu kim nhỏ như mỏ hàn nối liền vói bộ phận chứa và truyền
độ lạnh (có thể là nitrogen lỏng, Tuấn chắc là vậy).
Đây là lần thứ
ba Tuấn không thấy bác sĩ chích thuốc tê mê, và Tuấn cũng ngại hỏi tại
sao. Có thể bác sĩ có lý do, hay vì đã quên. Tuấn cứ phó thác cho bác sĩ
Chen, và ráng chịu đựng. Tuấn vẫn ngồi trên ghế ngửa mặt và bác sĩ ngồi
bên. Chen không có phụ tá nào cả. Ông dùng kim lạnh xăm vào bên trong
vào tận đáy mắt không biết bao nhiêu phát xăm, như người ta chậm rãi xăm
củ gừng làm mứt. Thao tác nầy cũng tương tự như người ta xăm để gắn một
miếng vải mui xe bị rời xuống cho dính trở lại vào mui. Tuấn đau lắm,
không thể kể được vì thần kinh mắt cảm ứng mạnh và ngay sát vào não.
Tuấn nghĩ ngày xưa người ta đã quá khen Quan Vân Trường can đảm giỏi
chịu đau, ngồi điềm nhiên đánh cờ để cho Hoa Đà mổ vết thương mũi tên
trên cánh tay. Cái đau đó so với cái đau trong mắt Tuấn lúc châm kim nầy
thì chẳng đáng chút gì. Tuấn cắn răng chịu dựng, hai lần bơm hơi trước
đã làm cho Tuấn chịu đau hơi quen rồi. Nhưng lần nầy đau gấp trăm lần
hơn, Tuấn nghiến rắng giữ yên cho bác sĩ làm việc và nhớ đến câu Seul le
silent est grand (chỉ có yên lặng là lớn lao mà thôi), tuy rằng có
những co rút, nẩy, uốn cả thân thể theo phản xạ tự nhiên không kiểm soát
được. Khoảng chừng 40 phút thì việc ép bằng kim lạnh (Cryotherapy) đã
xong. Tuấn ra về.
*
Một tuần sau tái khám, bác sĩ bảo là tốt
rồi, khỏi châm nữa, và giới thiệu trở lại bác sĩ nhãn khoa gốc ở Bolsa
săn sóc tiếp. Vài tuần sau, Tuấn trở lại bác sĩ ở Bolsa khám lại, cho
như vậy là được rồi và không cần thuốc men gì cả.
Lúc ban đầu Tuấn
thấy trong mắt có một bong bóng hơi chiếm 1/3 thị trường mắt phải nơi
miù dưới, thật ra bong bong hơi nằm ở phía mí trên, nhưng mắt cũng như
máy hình thâu hình ảnh ngược. Bong bóng nầy ngày càng nhỏ dần và hơn
tháng sau thì biến mất. Mắt Tuấn nhìn thấy hình mọi hình thể đều méo mó
và thấy những vệt đen lảng vảng trước mắt, nhìn người nào cũng thấy xấu
xí như ma. Nhìn TV thấy hai màn hình méo mó cách nhau. Sau vài năm khi
mắt trở lại bình thường, Tuấn đổi kính cận.
Sau sáu năm, mắt phải
Tuấn đã phục hồi lại được khoảng 70%, vì dù sao cũng thấy mờ hơn mắt
trái. Thỉnh thoảng khi nào làm việc gì hơi nặng nề,
thấy mắt hơi bị căng căng, Tuấn liền ngưng lại và đưa tay che một mắt để xem mắt kia còn thấy được không.
Đến
nay 6 năm đã qua, nếu che mắt phải, nhìn bằng mắt trái không thôi, Tuấn
thấy sáng rõ nhất. Nếu đổi lại, nhìn với mắt phải, Tuấn thấy hình ảnh
lu mờ hơn nhưng vẫn có thể còn thấy đường lái xe trong lúc ban ngày. Nếu
nhìn bằng cả hai mắt, thì thấy hình ảnh rõ trung bình giữa hai lối trên
vừa kể, cỡ khoảng 80%. Nếu nhìn vào TV lâu cũng có thể nhìn thấy 2 màn
hình, một rõ và một mờ nhưng hình ảnh không còn méo mó và đường nét
không còn dợn sóng như trước.
*
Tuấn có hỏi bác sĩ Chen nguyên
nhân vì sao võng mô bị tách ra như vậy. Ông không nói rõ nguyên nhân vì
sao, nhưng theo tỷ lệ cứ khoảng 10,000 người thì có một người bị như
vậy. Nên phòng mạch nhãn khoa chuyên về retina nầy có công việc làm đều
đều. Bác sĩ Chen khuyên Tuấn không nên làm việc gì quá nặng. Rất may là
Tuấn mới bị vài hôm vàø được chữa trị kịp thời. Nếu để lâu hơn, võng mô
đã rách có thể sẽ thoái hóa, không biết có thể chữa lành và phục hồi ánh
sáng không.
Vì bệnh nầy xảy ra lần đầu tiên và đột ngột, Tuấn chưa
từng nghe biết, nên tò mò tìm hiểu và được biết có người thình lình đang
đi đường bỗng bị hai mắt một lúc. Quá rán sức, hay bị tai nạn, đầu bị
va chạm mạnh, hay bị đấm mạnh vào mặt cũng có thể bị. Khi xưa cụ Nguyễn
Đình Chiểu, đang trên đường đi thi, giữa đường hay tin mẹ mất, cụ bỏ
cuộc trở về, thương mẹ, khóc đến mù mắt. Có thể thần kinh bị quá kích
động làm thương hại võng mô nên mù chăng" Từ đó Tuấn thường kiểm nghiệm
rằng khi làm việc gì nặng thì thấy hơi nhức mắt và thường hay kiểm soát
lại mắt mình bằng cách che một mắt và nhìn bằng mắt kia. Khi người ta bị
mù một mắt, mắt kia vẫn còn thấy, nên rất dễ không biết để kịp thời
chữa trị.
*
Nhờ kỹ thuật và y khoa tân tiến của nước Mỹ, mắt phải củaTuấn đã bị mù tối, được
thấy lại ánh sáng. Bệnh thình lình đui mắt nầy ít khi xảy ra, nên phần
đông chúng ta không biết đến, nhưng biết đâu cũng có thể bất chợt xảy
đến cho bất cứ ai. Có bệnh còn dễ hơn trúng số. Vậy chuyện nầy được kể
như một kinh nghiệm hoặc thông tin. Thiển nghĩ, nên tôi viết bài nầy cho
chúng ta cùng biết qua, cũng là chuyện nước Mỹ, và thay ông Tuấn ghi ơn y khoa Mỹ.
HỒ PHI
California
Một Ngày Rất Lạ - Từ Thức (Danlambao)
Một buổi sáng chủ nhật, nắng rực rỡ,
trời xanh và sạch như thủy tinh, mát mẻ. Y xách chiếc xe gắn máy ra
đường, bà vợ chạy theo. "Anh phơi đầu trần, lại đau cho mà coi". Bà vợ
cằn cỗi, nhăn nhó mọi ngày, dịu dàng chụp lên đầu y cái mũ vải, với nụ
cười thật tươi . Y bắt gặp nụ cười đám cưới năm nào.
Y buột miệng "Cám ơn em", ngạc nhiên không biết ba chữ rất lạ, kỳ cục
ấy, không biết ở đâu rơi xuống. Bình thường, người ta chỉ dấm dẳn, gây
gổ, cằn nhằn, đay nghiến nhau về chuyện tiền bạc, ăn uống. Đề tài trao
đổi luẩn quẩn chung quanh cái dạ dày. Những lời âu yếm, những câu tử tế
nó trốn đâu đó, sâu trong tiềm thức, hôm nay tự nhiên bò ra.
Y cao hứng, huýt sáo một bản nhạc vàng tình tứ, tưởng đã quên, lơ đãng vượt qua đèn đỏ, ở một ngã tư.
Một viên cảnh sát giao thông dơ tay chặn y lại.
Y ngừng xe, lập cập kiếm giấy tờ, lập cập vuốt thẳng mấy tờ giấy bạc vợ
đưa cho, để đong gạo và mua chai nước mắm, kẹp vào giữa mớ giấy tờ. Đau
xót, giã từ tờ giấy bạc.
Viên cảnh sát trẻ đưa tay lên trán, lễ phép chào y, như cảnh sát Tây chào dân, trên TV.
Anh ta coi giấy tờ, đưa lại y mấy tờ giấy bạc: "Tiền bạc, coi chừng. Để
lung tung, rơi mất lúc nào không hay". Và hỏi, thân thiện như một người
bạn: anh có biết đã vượt đèn đỏ?
Bình thường, trước khi thương lượng giá cả với cảnh sát, y chối biến,
mang trời đất, thánh thần, Phật Chúa, ra chứng giám cho mình là công dân
gương mẫu, không bao giờ vi phạm luật giao thông.
Y ngạc nhiên thấy mình trả lời: tôi vui quá, không để ý.
Viên cảnh sát trả lại anh giấy tờ, vẫn nụ cười trên môi: "thôi được.
Nhưng lần sau, nên cẩn thận. Không nên vui quá, gây tai nạn". Anh lý nhí
nói cám ơn. Viên cảnh sát lễ độ giơ tay chào: chúc anh một ngày vui.
Y ghé quán phở quen, kêu một ly cà phê đen, không dám nhìn chủ quán. Ông
ta vẫn nhăn nhó mỗi lần y tới, chỉ kêu một ly cà phê đen. Y đã nghe
nhiều lần ông ta bô bô nói với vợ: ĐM, lại đến ngồi ăn vạ.
Ông chủ quán, bình thường râu ria, tóc tai xồm xoàm, quần áo xốc xếch,
dơ bẩn vì bụi và mỡ bò, hôm nay sạch sẽ, sáng sủa như một đồng xu mới,
mặt mũi hồng hào, hỏi:
- Hôm nay có thịt tươi, bánh mới. Anh làm một bát nhé?
Y lúng túng. Y thèm phở, kể cả phở bột ngọt, thịt thiu, bánh vữa, nhưng
chỉ uống cà phê để ngửi mùi phở. Ông chủ đi guốc trong bụng khách, tươi
cười:
- Đừng ngại chuyện tiền bạc. Hôm nay nhà hàng mời khách. Chỗ anh em với nhau cả.
Y không ngờ ông chủ quán cũng có óc khôi hài. Y đã thấy hai vợ chồng ông
ta xỉ vả, xỉa xói một thằng nhỏ đói quá, kêu phở ăn xong mới thú thực
không đủ tiền trả. Ông ta đấm mặt nó máu mê đầm đìa, nắm tóc, lôi ra
khỏi tiệm, đá đít thằng nhỏ ngã vập đầu trên vỉa hè. Trước sự bàng quan
của khách hàng, cúi đầu ăn uống. Không nhìn thấy gì, không nghe gì,
không nói gì là nhân sinh quan của dân tộc này.
Nhưng ông chủ quán không dỡn chơi, ông ta trở lại với một tô phở nóng,
thơm ngào ngạt, đặt trên một cái đĩa, rất sang. Rau xanh, ớt đỏ, Y không
tưởng tượng nổi người ta có thể trình bày tô phở đẹp như một tác phẩm
nghệ thuật. Bình thường, ông chủ quán quẳng một tô phở nước dùng đục
ngầu, lổn ngổn những thịt, những mỡ, những bánh phở, trên vành bát còn
ấn dấu tay đen thui, đầy mỡ của bà chủ, ông chủ. Như người ta ấn dấu tay
làm giấy tờ.
Trong góc cuối tiệm ăn, vài người châu đầu, mắt dán vào màn ảnh TV, coi ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng tuyên bố qua nụ cười nhân hậu, nhưng cương nghị của một lãnh
tụ lớn: Để toàn dân góp phần vào việc xây dựng lại đất nước, chống ngoại
xâm, đảng Cộng Sản tuyên bố tự giải tán. VN sẽ trở thành một quốc gia
dân chủ đích thực. Ông Trọng nói đất nước là đất nước chung, không phải
của một đảng phái nào cả. Bắt trên chín chục triệu người đi theo một
đảng mafia là dẫn dân tộc vào tử địa.
Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga
vừa được trả tự do, vòng hoa quành cổ, vui vẻ trả lời phỏng vấn trước
sự reo hò, hoan nghênh của dân chúng hai bên đường. Bộ trưởng Nội vụ
nói, tay quàng vai Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Văn Đài: "Tôi hãnh
diện đứng bên cạnh các anh chị. Các anh chị là lương tâm của dân tộc
này".
Trên một đài khác, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố cống hiến 95% gia sản khổng lồ của gia đình vào việc chung.
Ông nói: giống như Bill Gates, Warren Buffet: tôi nghĩ 5% gia sản của
mình cũng đủ sống. Phần còn lại xã hội đã cho, tôi trả lại cho xã hội.
Quốc gia đang khó khăn, mỗi người phải ghé lưng đóng góp.
Một chủ tịch Xã nói: Tôi sẽ mở cửa căn biệt thự 15 phòng, xây được nhờ
nuôi heo, thối móng tay lao động và tiết kiệm, cho đồng bào không nhà
cửa có nơi trú ngụ.
Một lãnh tụ tối cao tuyên bố sẽ bán ngôi nhà mạ vàng, bàn ghế bằng vàng
để xây trường học. Ông nói lãnh tụ không thể nhẫn tâm ngồi ngự trên ghế
vàng trong khi giáo chức lãnh lương chết đói, học sinh đu dây, lội suối
tới những trường học dốt nát.
Một đại gia, không dấu được sự xúc động, đem bán đấu giá chiếc xe
Mercedes mới và một trong những biệt thự nguy nga ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà
Nẵng, lấy tiền mở một quán cơm miễn phí cho người nghèo, cho trẻ em đói,
theo kiểu "Restaurants du Cœur" của Tây. Ông nói sống xa xỉ giữa cái
biển nghèo đói là một điều đáng hổ thẹn, nhưng có gì đáng hãnh diện,
vênh váo như ông vẫn sống cho tới hôm nay. Nghĩ lại, ông ta thấy mình
trơ trẽn, thô bỉ.
Một cán bộ cao cấp nói, hai mắt ươn ướt: "Trước đây, nhiều đồng bào, vì
yêu thương người của Đảng, đã tự hiến nhà cửa, vườn ruộng. Tôi đã bàn
với vợ con: chúng tôi xin trả lại tất cả cho nhân dân. Chúng tôi sẽ ống
thanh đạm, lấy việc phục vụ dân làm vui."
Kiến trúc sư Khánh Casa sẽ dành những ngày còn lại và gia sản để tranh
đấu cho bình đẳng nam nữ, cho nhân phẩm phụ nữ. Ông nói một dân tộc đốn
mạt là một dân tộc trong đó người hành hạ người, đàn ông đánh đập đàn
bà. Khánh Casa trước đây đã nổi tiếng vì tát tai, đập mặt một nữ nhân
viên bán hàng không làm ông hài lòng.
Tại Đồng Tâm, cán bộ, công an cởi trần giúp dân dựng già, dọn vườn trong
không khí của một ngày hội. Không khí của những ngày kháng chiến chống
Pháp ngày xưa.
Tin tức các nơi về dồn dập.
Ban quản lý các BOT cho hay đã gỡ các trạm thâu tiền mãi lộ. Thông cáo
nói: chúng tôi đã thâu quá số tiền đã bỏ ra kinh doanh, ngày nay đường
xá là của dân, của nước.
Người ta biến những trạm thu tiền thành những trạm phân phát đồ giải
khát, sách báo cho người lái xe. Đó là những thư viện bỏ túi, người ta
đến lấy những cuốn sách người khác tặng, và để lại những cuốn mình đã
đọc. Trao đổi kiến thức, gởi nhau những bài thơ, những cái đẹp, những
giấc mơ.
Hãng Formosa bị đóng cửa, những người liên hệ các cấp sẽ bị đưa ra xét xử.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức sau khi đã thành khẩn xin lỗi nạn nhân
thuốc giả. Các nạn nhân thuốc giả sẽ được nhà nước lo chu đáo. Dân chúng
thỉnh cầu bà bộ trưởng ở lại, nhưng bà Tiến nhất định từ chức. "Phục vụ
dân phải có tinh thần trách nhiệm, bà nói. Chúng ta sẽ để lại cho lớp
trẻ bài học gì, nếu chúng ta trốn tránh trách nhiệm?"
Hàng hóa độc hại của Tàu bị dân tẩy chay, nhà nước tịch thu, chất như
núi ngoài đường, đốt không kịp. Nông dân hân hoan, hết phải đổ xuống
sông những hoa quả, rau trái đã đổ mồ hôi sản xuất. Một nông dân nói:
sống được bằng ruộng đất, chúng tôi sẽ hết lòng giữ đất. Người Tàu dù
tiền rừng, bạc biển cũng không tới đây mua được.
Thủ tướng chính phủ ra đón những chuyến bay đầu tiên tới các nước láng
giềng chở về nước phụ nữ Việt bị gởi đi bán dâm. Chính phủ sẽ lo việc
huấn nghệ, kiếm công ăn việc làm cho họ. Thủ Tướng nói đi tới nước nào
cũng thấy đàn bà Việt Nam bán thân để sống là một cái tát vào mặt một
dân tộc còn đôi chút tự trọng.
Bộ nội vụ cho hay vừa mở một cơ sở mới, gọi là "Đồ Lượm Được", theo
khuôn mẫu "Objets Trouvés" của Tây Mỹ, để thiên hạ mang tới những thứ
lỉnh kỉnh, tiền bạc lượm được ngoài đường.
Mới mở cửa, người ta đã xếp hàng dài, mang tới một núi những iPhone, máy
hình, máy quay phim, ví tiền. Trong ba tháng, sở hữu chủ có thể tới
lấy, nếu không tiền bạc, vật dụng sẽ trao cho những hội đoàn từ thiện
mọc ra như nấm ở mỗi góc đường.
Người ta không khỏi nghĩ đến chuyện xảy ra ở Nhật. Một ông triệu phú vô
danh Nhật, nghĩ đã hưởng thụ đủ, muốn có một thú vui khác: tạo thú vui
cho người khác. Mỗi ngày, ông ta đặt một phong bì ở một nơi công cộng,
tiệm ăn, rạp hát, trên xe đò, xe lửa. Trong mỗi phong bì một số tiền lớn
và một câu nhắn: "Hãy thực hiện chuyện bạn vẫn mong muốn; chúc bạn một
ngày vui." Nhiều người mang những phong bì tới nộp cảnh sát, trao tiền
cho những văn phòng giữ đồ lượm được.
Tại một công viên, y thấy một nhóm đàn ông ngồi đan áo, cười đùa như vỡ
chợ. Đó là những công an, đan áo giúp nạn nhân bão lụt. Một anh nói: bây
giờ dân không bị cướp đất, cướp nhà nữa, không còn bạo loạn. Thiên hạ
cũng chẳng còn ai ẩu đả nhau. Đạp lên người khác không còn là một thú
vui. Trộm cướp không còn. Công an, cảnh sát ngồi chơi cũng chán, phải
bày chuyện làm. Có chuyện gì ý nghĩa hơn là giúp đồng bào thiếu may mắn
hơn mình? Chúng tôi khám phá ra mình đan áo không thua gì phụ nữ.
Trong một góc khác ở công viên, những đám học sinh, sinh viên tụ tập,
chuẩn bị di cứu lụt miền Trung, cười đùa như vỡ chợ. Những tiệm quần áo
H&M, Mango, Gap ngồi vêu chờ khách.
Ngoài biển, Trung Quốc gỡ các dàn khoan và rút khỏi Trường Sa, Hoàng Sa.
Đại sứ Trung Quốc ở VN khuyến cáo Bắc Kinh: toàn dân VN đoàn kết. Rất
khó, nếu không nói không thể, thôn tính một dân tộc đoàn kết, một lòng
giữ nước. Cái giá phải trả sẽ rất đắt. Cách hay nhất là đối xử với họ
như một quốc gia độc lập, một dân tộc có tư cách, đáng kính trọng. Từ
nay, không thể tiếp tục đối xử chính quyền VN như tôi tớ, phải coi họ
như những người có liêm sỉ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố bổn phận của quân
đội là giữ nước, không phải làm ăn, buôn bán, xây khách sạn, khai thác
siêu thị. Ông nói từ nay quân đội sẽ đổ tới giọt máu cuối cùng để giữ
từng thước đất của ông cha để lại.
Trước đây, ông Thanh nói "tôi thấy lo lắng lắm, không biết ta tuyên
truyền thế nào, chứ từ trẻ tới người già đều có khuynh hướng ghét Trung
Quốc. Ai tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó rất nguy
hiểm cho dân tộc.
Hôm nay, ông ta không thấy "cái đó" nguy hiểm, trái lại, là cái may mắn,
cái hy vọng cuối cùng của dân tộc. Cũng chính ông ta (bộ trưởng quốc
phòng!) đã tuyên bố: "quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các mặt
đang phát triển tốt đẹp. Chỉ có… vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển
Đông", nhưng đó là hôm qua, là chuyện quá khứ.
Quốc Hội triệu tập phiên họp khẩn cấp để xét lại những thỏa ước về biên
giới, lãnh thổ, những giao kèo bán đảo, bán rừng, thuê đất ký kết với
người Trung Hoa. Được dân ca ngợi, bà chủ tịch quốc hội khiêm nhượng trả
lời: chúng tôi chỉ làm bổn phận của những người đại diện dân. Lúc nào
chúng tôi cũng tự hỏi những người dân cử đã làm gì cho đất nước?
Khắp nơi, từ Nam ra Bắc, thiên hạ tràn ra đường như trẩy hội. Những
thiếu nữ thướt tha trong áo dài muôn mầu bên cạnh những đàn "trẻ con đi
hát đồng dao ngoài đường".
Y ra khỏi tiệm ăn, bụng no, đầu óc thảnh thơi.. . Y thấy yêu mọi người,
muốn ôm hôn bà chủ quán hôi mùi mỡ bò, nước mắm. Nghĩ tới tựa một cuốn
sách trước đây không hiểu tại sao bị đốt: "Ở một nơi ai cũng yêu nhau".
Trên lề đường, một bà cụ già muốn qua bên kia nhưng không sao qua được.
Mỗi lần đặt chân xuống đường, một biển xe gắn máy tràn tới, như những
con quái vật chồm tới, nuốt sống bà già. Y lại gần, nói:
- Để con giúp bác.
Y nắm tay bà già tóc bạc phơ. Cái biển xe gắn máy ngưng lại, ngoan ngoãn
nhường cho hai người, một già một trẻ, ung dung qua đường. Người ta có
cảm tưởng ở Tokyo giờ tan sở, hàng triệu người ra đường nhưng không ai
chen lấn, cãi vã, dành dựt.
Bà già móm mém cám ơn, móm mém hỏi:
- Con là Việt kiều về thăm nhà hả?
Y nói không phải, và hỏi tại sao. Bà già nói bởi vì ngày nay người trong
nước đã quên lễ độ, quên kính trọng người già cả, quên giúp đỡ người
khác, quên tử tế, chỉ biết chụp dựt.
Y cười: bác lầm rồi, bác thấy không?
Bà già cũng cười, nhe hàm răng chỉ còn hai vợ chồng cái răng cửa: "lần đầu, bác thấy vui khi biết mình lầm.
Về nhà, y tưởng lạc vào nhà người khác. Thay vì quần áo, rác rưởi ngổn
ngang, một căn phòng gọn ghẽ, ngăn nắp. Và những bình hoa rực rỡ những
mầu sắc. Y có lúc đã quên những bông hoa, đã quên tất cả những gì không
nhậu được. Cô vợ nói hoa của bà hàng xóm tặng.
- Tưởng bà ấy thù ghét mình sau vụ chửi nhau vì mất gà năm ngoái, ai ngờ bà ấy dễ thương quá.
Y ân hận, nghĩ có lần đã muốn mua thuốc bả chó, lẻn vào trộn vại gạo bà ta để trong bếp:
- Bà ấy vui là phải, cô vợ nói tiếp. Hôm nay đi khám bệnh, không biết có
tới lượt mình không, hay lại chờ suốt buổi rồi mang bệnh về. Đã bán
sạch đồ đạc trong nhà, nhưng tiền bạc không bằng cái móng chân thiên hạ.
Y tá nó cũng không thèm tiếp, nói gì tới bác sĩ. Ai ngờ ai cũng tử tế,
tiếp đón niềm nở, khám bịnh tận tình. Đưa tiền, ông bác sĩ cười: đây là
nhà thương công, nhà thương của dân, do dân đóng thuế, tiền bạc gì. Cô y
tá cũng nhất định từ chối: bác giữ tiền, lo chuyện ăn uống cho đầy đủ,
bệnh tật mà thiếu bổ dưỡng là hại lắm.
Y nói thảo nào bà ấy tử tế với mình, nghĩ tới một câu không biết nghe ở
đâu nhưng vẫn nghĩ là rởm: hãy tử tế với mọi người, mọi người sẽ tử tế
với bạn, cuộc đời sẽ dễ chịu hơn. Xã hội sẽ đáng sống hơn.
Y mở la de, phưỡn bụng coi TV. Ông bộ trưởng Giáo dục tuyên bố từ nay
trường học sẽ không dạy tư tưởng Hồ Chí Minh nữa. Ông nói dân tộc ta đã
trưởng thành. Mỗi người có thể tự suy nghĩ, không cần Bác nghĩ dùm, cái
gì cũng phải hỏi bác. Ông nói không thể tưởng tượng một dân tộc 92 triệu
người, chỉ có một người suy nghĩ, chỉ có một người có quyền suy nghĩ.
Anh nào nghĩ khác là đi ngồi tù, hay bị một đám côn đồ xúm lại đánh hôi,
thân tàn ma dại. Sức mạnh của một dân tộc là chất xám. Tiêu diệt chất
xám, bỏ tù sự thông minh, giam cầm óc sáng tạo, có dân tộc nào nào đần
độn, quái dị đến thế?
Y đang thú vị với bài diễn văn của ông bộ trưởng thì bị bà vợ đánh thức dậy.
Người đàn bà mặt mũi cằn cỗi như một trái táo khô, cằn nhằn:
- Đ... mẹ, sướng quá nhỉ, nằm ngủ thẳng cẳng, mơ cái gì, hết cười lại vỗ
tay như thằng điên. Không dậy đi đong gạo thì tối nay ăn cám à? (1 )
(1) Tôi viết bài này, sau khi nghe một ông bạn tâm sự, giữa hai ly rượu
đỏ: "tôi mong dân mình được sống như thiên hạ, dù chỉ một ngày."
Paris, tháng 9/2017