Pages

Câu Hỏi Cho Tất Cả: “Bạn Muốn Làm Gì Trước Khi Chết…”

Sau sự ra đi bất ngờ của những người thân, một nghệ sỹ đã nghĩ ra ý tưởng về một dự án nghệ thuật- ở đó, tất cả mọi người sẽ cùng chia sẻ với nhau câu trả lời cho câu hỏi, bạn sẽ làm gì trước khi chết?!


Sau sự ra đi bất ngờ của một người thân, nghệ sĩ trẻ người Mỹ Candy Chang đã trăn trở rất nhiều trước câu hỏi mình nên sống thế nào để cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn bởi cuộc sống này thực sự rất ngắn ngủi và không ai biết trước được ngày mai.
Suy nghĩ về cuộc sống của mình, Candy Chang cũng đồng thời băn khoăn không biết những người khác có từng trải qua sự mất mát bất ngờ giống mình và liệu họ có suy nghĩ, trăn trở giống mình về ý nghĩa của cuộc sống này. Đối với họ, điều gì được coi là quan trọng?
Suy nghĩ đó đã giúp Candy Chang nảy ra ý tưởng “rủ” mọi người cùng chia sẻ suy nghĩ của họ về điều được coi là quan trọng, ý nghĩa nhất, là ưu tiên số một trong cuộc sống.


Candy Chang liền biến một mặt tường của căn nhà bỏ hoang tại thành phố New Orleans (Mỹ) thành tấm bảng đen với rất nhiều phấn màu bày sẵn bên cạnh để người qua đường có thể viết lên “tấm bảng” mọi suy nghĩ của họ.
Trên mặt tường có viết rất nhiều dòng chữ “Trước khi tôi chết, tôi muốn…”, phần bỏ trống trong câu là để dành cho những người qua đường hoàn thành nốt.


Ý tưởng biến không gian công cộng trở thành một “diễn đàn mở” của Candy Chang đã nhanh chóng trở thành dự án nghệ thuật được nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới hưởng ứng và tiếp tục thực hiện với hơn 400 “tấm bảng” tương tự được lập nên ở hơn 60 quốc gia, từ Afghanistan cho tới Chile. Đi đến đâu, dự án nghệ thuật cộng đồng này cũng được người dân đón nhận nhiệt tình.

Candy Chang đã tạo ra tấm bảng “Before I Die” đầu tiên từ năm 2011.

“Không gian công cộng nên được sử dụng hiệu quả để chứa đựng những giá trị ý nghĩa trong cuộc sống”, Candy Chang chia sẻ về mục đích của dự án nghệ thuật “Before I Die”.


Trong suốt quá trình thực hiện ý tưởng, những ngôi nhà hoang mà Candy Chang sử dụng thường chỉ sau vài tháng sẽ có người đến xây mới. Mỗi lần như thế, cô lại phải đi tìm những ngôi nhà hoang khác để tiếp tục thực hiện dự án. “Đó chính là sự thay đổi và biến động không ngừng của cuộc sống”, Candy Chang chia sẻ.

Những thanh niên đang thích thú viết lên tấm bảng ở thành phố Savannah, bang Georgia, Mỹ.

Trước sự thành công của dự án nghệ thuật cộng đồng này, cô quyết định sẽ cho xuất bản cuốn sách ảnh “Before I die” (Trước khi tôi chết) với nội dung xoay quanh những “tấm bảng” đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Tấm bảng ở thành phố Pohang, Hàn Quốc.

Bản thân Candy Chang cũng đã có những tổng kết của riêng mình để trả lời cho câu hỏi - Điều gì là quan trọng nhất đối với đa số mọi người?

Tấm bảng ở thành phố biển Townsville của Úc.

Theo đó, ưu tiên số một chính là sự khỏe mạnh về thể chất và vui vẻ về tinh thần.
Điều quan trọng thứ hai chính là nhu cầu yêu thương và được yêu thương.
Rất nhiều người cũng hy vọng mình sẽ có thể gác lại những lo toan thường nhật trong cuộc sống để có thời gian đi du lịch, tìm hiểu những vùng đất mới và có những trải nghiệm mới thú vị.

Giúp đỡ người khác cũng là một trong những nhu cầu lớn mà nhiều người mong được thực hiện trong đời. Không ít người có hy vọng sẽ tích góp được một khoản tiền đáng kể để làm từ thiện hoặc đơn giản là có đủ thực lực để giúp đỡ những người thân, bạn bè xung quanh.

Cuối cùng, gia đình chắc chắn là ưu tiên không thể bỏ qua, nhiều người hy vọng họ có nhiều thời gian hơn để quan tâm tới từng thành viên trong gia đình.

Tấm bảng ở thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha.

Thành phố Santiago, Chile.

Thành phố Cordoba, Argentina.

Thành phố Johannesburg, Nam Phi.

Thành phố Montreal, Canada.

Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Thành phố Asuncion, Paraguay.

Bích Ngọc
Theo Before I Die
Nguồn: http://dantri.com.vn/

Monday, October 30, 2017

9 Ân Tình Lớn Nhất, Cả Đời Nhất Định Đừng Quên


Trong suốt cuộc đời mình, mỗi người đều chịu ơn dưỡng dục của tạo hóa, cha mẹ và mọi người xung quanh. Chẳng ai có thể tự mình làm nên tất cả. Một người trong lòng luôn chan chứa niềm cảm ơn với con người, cuộc sống thì ắt là luôn được hạnh phúc, gặp được quý nhân. 

Ở đời có mấy loại ân tình này, hẳn là ai cũng cần phải nhớ kỹ.

1. Ơn sinh dưỡng của tạo hóa
Ngay từ khi sinh ra, từng hơi thở của chúng ta đã gắn liền với mẹ Tự Nhiên. Cơm ăn, nước uống, ánh nắng mặt trời và quy luật vận hành của các bộ phận trong cơ thể… có điều gì là chúng ta tự mình làm được đây?

Ta sinh ra đã thấy mọi thứ đều được an bài sẵn như vậy nên đôi khi coi đó là điều hiển nhiên và mặc nhiên hưởng thụ. Thế rồi đến khi gặp khó khăn, trắc trở, dầm mình những ngày mưa gió, bão bùng, ở thời điểm sóng gió ập đến, nhiều người lại mở lời oán hận số phận bất công, trách móc ông Trời “không có mắt”. 

Những phong tục tế tự thần linh, Trời Đất xưa nay đều đang nhắc nhở con người nhớ tới ơn dày của Tạo hóa. Nếu luôn biết nhớ ơn cuộc sống, nhớ ơn Thần linh luôn che chở, nâng đỡ mình trước những nguy nan, kiếp nạn, người ta sẽ cảm nhận được sự tĩnh tại, bình yên và hạnh phúc sâu thẳm trong lòng mình. Các bậc Thánh nhân, dẫu là ở phương Đông hay phương Tây thì đều chung một ý niệm và nguyện ước con người hướng thiện, biết tu tâm dưỡng tính, biết chăm lo cho mọi người xung quanh.

Ở hiền gặp lành” ,“Có đức mặc sức mà ăn” chính là lời nhắc nhở truyền đời của lớp tiền bối. Học cách cảm ơn mẹ Thiên Nhiên chính là cách một người đang hướng thiện và sống vị tha hơn. 

2. Ơn dưỡng dục của cha mẹ
Ai cũng từ tinh cha huyết mẹ mà thành hình. Suốt 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ là từng ấy thời gian cha mẹ khắc khoải chờ mong. Dẫu khó chịu vì những lần ốm nghén, vì dáng đi khệ nệ hay những đêm ngủ chẳng yên giấc, mẹ vẫn không một lời than trách. Dẫu ăn gì uống gì, nghĩ gì, làm gì, cha mẹ cũng chỉ canh cánh bên lòng, phập phồng lo lắng cho bào thai bé bỏng trong bụng.

Ngày con chào đời cũng là ngày mẹ trải qua những giây phút vượt cạn gian nan nhất. Mang nặng đẻ đau là vậy, những hiểm nguy và lưỡi hái tử thần luôn cận kề bên mẹ. Mẹ có thể chịu đựng nỗi đau thắt lòng, bất chấp hiểm nguy chỉ mong sinh mệnh bé nhỏ, yếu ớt của con có thể bình yên chào đời. Cha phập phồng lo lắng, từng phút từng giây bất chợt trở nên dài đằng đẵng như hàng thế kỷ. Tới khi nghe thấy tiếng con oa oa chào đời, nhìn thấy hình hài con lành lặn cha mẹ mới có thể yên lòng.

Nhưng thử thách cam go, dồn dập ấy mới chỉ là màn mở đầu. Những ngày tháng sau đó cha mẹ còn phải tổn hao tâm sức nhiều hơn. Nửa đêm khuya khoắt cho con bú mớm, chăm cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Những khi con lên cơn sốt hay khó chịu trong người, cha mẹ lại thấp thỏm, ruột gan nóng bừng như lửa đốt.

Từng ngày con lớn lên là từng ngày cha mẹ dành bao tâm huyết dưỡng dục, chỉ bảo từng lời ăn tiếng nói, từng ánh mắt nụ cười. Ngay cả khi con đã lớn khôn thành người cha mẹ vẫn không ngớt đợi mong. Ánh mắt cha mẹ cứ mãi dõi theo bóng dáng của các con, dẫu con có đi tới chân trời góc bể, bay nhảy với sự nghiệp của mình hay đã yên bề gia thất, vui vầy cùng chồng tốt, vợ hiền.

Ngay cả khi cha mẹ lưng còng, tóc bạc, mắt mờ nhưng tấm lòng đau đáu hướng về con chẳng khi nào nguôi ngoai. Dẫu thế nào thì con vẫn luôn là những đứa trẻ trong lòng cha mẹ. Có lẽ tới khi nhắm mắt xuôi tay, đôi mắt khép lại cha mẹ mới có thể thôi không lo lắng cho các con mình.

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Đại ơn của cha mẹ cả đời cũng báo đáp không hết. Cha mẹ không cần chúng ta phải cung phụng vật chất đủ đầy, chỉ mong chúng ta luôn bình yên, hạnh phúc. 

Hãy chăm sóc, trò chuyện với cha mẹ nhiều hơn, bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ nhiều hơn một chút, mở rộng trái tim đón cha mẹ vào trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ có như vậy cha mẹ mới thực sự yên lòng và vui vẻ an hưởng tuổi già mà mỗi người cũng làm tròn được hiếu đạo của mình. Bởi vì “Bách thiện hiếu vi tiên” (trong trăm cái thiện, hiếu đứng đầu). 

3. Ơn cứu mạng khi bị đe dọa tính mạng
Cuộc sống như mặt biển ngút ngàn, có những ngày trời yên bể lặng, cũng có những ngày sóng gió thét gào. Khi bình yên chúng ta có rất nhiều ước mơ, rất nhiều hoài bão. Nhưng nếu mất đi sinh mệnh thì một dung mạo đẹp, những tài năng tỏa sáng hay những giây phút huy hoàng trong cuộc đời, những khi hạnh phúc bình yên bên gia đình ấm áp và những người mà chúng ta yêu thương cũng đều khép lại.

Khi gặp nguy hiểm ngoài dự liệu, mắc bệnh hiểm nghèo hay thiên tai nhân họa đe dọa tới tính mạng mà lại có vị ân nhân nào đó xuất hiện cứu vớt chúng ta trước vực thẳm thì cần phải ghi nhớ đại ơn này suốt cuộc đời. Bởi lẽ không có họ thì sinh mệnh của chúng ta đã kết thúc, chúng ta sẽ chẳng còn có được thân xác con người trên thế gian này để yêu thương và thực hiện những sứ mệnh của mình.

4. Ơn thầy cô dưỡng dục
Từ những ngày đầu chập chững vào đời, các thầy cô đã dang tay đón nhận chúng ta vào lòng, dạy cho chúng ta từng con chữ, từng nốt nhạc, từng lễ tiết và đạo đức làm người. Lớp lớp các thầy cô luôn xuất hiện và nâng bước chân ta vào đời, từng bước từng bước một cách nhẫn nại.

Thầy cô kế thừa những tinh hoa mà cha ông truyền lại, dạy chúng ta cách chung sống với mọi người xung quanh, dạy chúng ta những kỹ năng nghề nghiệp, chắp cánh ước mơ cho chúng ta bay cao bay xa. Đôi khi vai trò giáo dục của thầy cô còn mang tính quyết định cuộc đời của bao thế hệ.
Công ơn thầy cô cần phải ghi lòng tạc dạ. Hãy nhớ: “Không thầy đố mày làm nên“, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy“. 

5. Ơn đề bạt tiến cử
Đôi khi chúng ta nghe thấy câu “có tài mà không có đất dụng võ”. Bản thân mỗi người dẫu văn võ toàn tài đến đâu nhưng nếu không có nơi triển hiện tài hoa, không thể làm việc có ích cho đời thì cũng chỉ có thể ngậm ngùi mang về cùng lòng đất mà thôi.

Vậy nên khi được người khác phát hiện, được người khác tiến cử giúp tài năng đang ngủ yên của mình được phóng ánh quang huy, lập công cùng trời đất thì ơn này không thể không ghi lòng tạc dạ. Người phát hiện ra tài năng của bạn sẽ giúp bạn mở rộng cánh cửa tương lai bước trên một hành trình mới đầy hứa hẹn. Trên mỗi bước đường thành công của chúng ta có công sức của biết bao người.

6. Ơn chỉ đường mở lối
Cuộc sống giống như một hành trình liên tục góp nhặt từ những tiểu tiết tới những việc đại sự, từ những món quà tới những khảo nghiệm. Nhỏ thì như lạc đường, học hành không phương hướng, bài tập không biết lời giải, lớn thì phải tính tới việc đời người sa vào mê mờ, lạc lối.

Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc sống vốn đã mang trong mình quá nhiều bí mật thú vị và ẩn số khó lường. Khi bước trên chặng đường đời của mình, chúng ta khó tránh khỏi những lúc mê lạc, những khi bế tắc, những lúc bất lực, thở dài ngao ngán.
Có người thấy cô đơn, có người lại trầm uất, bất lực. Có người thì tìm quên trong làn khói thuốc của nàng tiên nâu, trong men rượu hay trong những dục vọng ái tình nhất thời của mình.

Lúc này nếu có người có thể chỉ ra phương hướng cho bạn, thổi bùng lên ngọn lửa tư tưởng của bạn, tháo gỡ những nút thắt trong tâm bạn giúp con đường phía trước của bạn đột nhiên trở nên sáng rõ, đoan chính, thậm chí mở ra một tương lai rạng ngời cho bạn thì ơn này cả đời bạn cũng không thể quên được. Ơn chỉ đường mở lối này càng cần đền đáp muôn phần.

7. Ơn tương trợ lúc nguy cấp 
Khi gặp lúc nguy nan, khi rơi vào cảnh cùng quẫn con người dễ thấy cô đơn và bất lực. Có thể vì vậy mà bạn sẽ bỏ dở giữa đường, hay chuyển sang một hướng khác. Thậm chí có thể còn gặp phải nhiều điều không may mắn và bất hạnh. 

Lúc này nếu có người chung vai tương trợ, giúp bạn thoát khỏi đường cùng, bạn sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua, thêm động lực để bước tiếp, thêm niềm tin đi tới tận cuối con đường. Ơn này thật lớn biết bao! 

8. Ơn dìu dắt của cấp trên
Trong công việc nếu gặp được cấp trên khoáng đạt, tấm lòng rộng rãi, không ganh ghét, đố kỵ với người hiền tài, vào thời khắc then chốt có thể đề bạt, tiến cử và mở rộng tiền đồ cho bạn thì ơn này chẳng thể nào quên.
Bạn thử nghĩ mà xem, nếu không có một cấp trên như vậy có thể sự nghiệp của bạn thật khó hanh thông, con đường quan lộ cũng chẳng thể có ngày thênh thang sải bước.

9. Ơn huynh đệ như thủ túc
Cha ông ta thường ví tình anh em như thủ túc, như tay với chân chẳng thể lìa xa, chẳng thể chuyển dời. Anh em cùng chung huyết mạch, chung giọt máu đào, chung gen di truyền của cha mẹ. Anh em cùng chung nguồn cội, cùng sinh trưởng trong một gia đình, trải qua những thời khắc tuổi thơ ấm áp bên nhau, cùng là mầm xanh hy vọng của mẹ cha. Anh em cùng mang trọng trách truyền thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình. Tình thân luôn quy về một mối.

Dẫu khi trưởng thành mỗi người đều bận rộn với gia đình nhỏ của riêng mình, dẫu không thể cùng hàn huyên ấm lạnh, cùng dốc bầu tâm sự về những việc lớn việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng sợi dây vô hình kết nối anh em chẳng thể nào tan biến.

Cũng khó tránh khỏi những khi cơm không lành, canh chẳng ngọt, những khi bất đồng quan điểm và sở thích cá nhân. Nhưng dù đi đâu, về đâu, dù cuộc sống bộn bề trôi đi từng ngày, thì tình anh em vẫn như mạch nước ngầm mát trong chảy mãi trong huyết quản chúng ta.
Huynh đệ tình thâm, ơn như thủ túc. Cũng có tình huynh đệ bị hủy hoại bởi tiền tài, quyền lợi, tình sắc. Nhưng đó chỉ là hiện tượng cá biệt, không thể không lấy làm gương.

Nếu may mắn chúng ta có thể báo đáp phần nào công ơn trời biển của những vị ân nhân trong đời mình. Nhưng đôi khi họ đến và đi rất nhanh, không kịp ở lại để chúng ta bày tỏ tấm lòng biết ơn. Chúng ta có thể trả ơn họ bằng cách khác, bằng cách học theo những nghĩa cử cao đẹp của họ để giúp đỡ những người xung quanh chúng ta. Mở rộng hơn trái tim mình hòa chung vào trái tim của mọi người và lưu lại những câu chuyện ý nghĩa về lòng biết ơn của chúng ta cho thế hệ mai sau.

Minh Nguyệt
dkn.tv

Người Mẹ Cô Đơn - Phan


Sáng nay rỗi việc, tôi nhận lời ủy thác của anh bạn nhờ tôi chở một bà cụ với hai cái va li và một tấm nệm từ Dallas đi Arlington, vì xe anh không chở được tấm nệm nên anh mới nhờ tôi.

Tôi đến căn nhà mới xây (theo địa chỉ). Nhìn qua cũng biết giá trị căn nhà hơn hai trăm ngàn. Tôi nghĩ nhà đất ở đây rẻ, chứ căn nhà mới này ở Cali, hay Boston, thì bạc triệu. Người Việt Dallas giàu quá khi tôi vừa lái qua những căn nhà xập xệ của người Mễ chừng vài chục ngàn.

Xe lăn bánh, tôi không khỏi ngậm ngùi với hành trang nghèo nàn của bà cụ nhỏ thó, bệnh hoạn. Ngoài tấm nệm, hai cái va li cũ, lớn nhỏ không đều, lại khác hiệu, đủ biết chủ nhân không giàu; một bà cụ gần đất xa trời còn lỉnh kỉnh túi xách, rổ nhựa đựng quần áo chưa giặt-có cả hũ thức ăn khô gì trong đó nữa… "Người đàn bà đi cầu hôn thần chết". Tôi đặt tên cho cụ trong tư tưởng kín bưng của mình.

Thấy cụ thở không ra hơi lúc lên xe làm tôi cũng hơi lo. Nhưng nhìn kiếng chiếu hậu thì cụ không đến nỗi khiến tôi phải đổi lộ trình vô bệnh viện gần nhất. Tôi mong đến nơi càng sớm càng tốt.
Xe ra xa lộ bon bon rồi. Cụ khoẻ lại sau cú leo lên cái xe hơi cao. 
Cụ hỏi tôi, "Anh được mấy cháu?" -để mở đầu tâm sự của người mẹ cô đơn trên nước Mỹ bao la… Cụ vô chuyện lòng nhẹ hều như hơi thở của cụ ban nãy…
"…Ông nhà tôi ngày xưa là sĩ quan Phòng 7 – Tổng tham mưu. Sau 75 đi tù. Nhưng tôi nhờ được tay cán bộ lớn bảo lãnh chồng tôi ra. Tôi chỉ nói chồng tôi là người bắt điện thoại ở Tổng tham mưu ngày trước… Vì thế, ông nhà tôi về sớm, nhưng không được đi theo diện H.O là vậy! Ông ấy về sớm, nhưng buồn chán nên chết sớm…"

Bà cụ khóc trong kính chiếu hậu – thật cay đắng! Tôi nghĩ thế, nhưng không hiểu cay đắng lẽ gì? Cay đắng cho người vợ lính trong chiến tranh và hoà bình ở quê xưa, hay cay đắng cho chuyện nhờ cậy bên thắng cuộc, và hậu quả…

Cụ tỉ tê cho tôi nghe, từ băng sau xe, tiếng cụ rặt giọng bắc làm tôi nhớ mẹ tôi nhiều…
"… tôi kém phước anh ạ! Tôi có mười hai người con. Chín đứa còn ở Việt nam, ba đứa bên Mỹ. Tôi không đi ở nhà con này, con kia như anh nghĩ đâu. Tôi đi ở thuê nhà người ta đây! Vì con gái tôi ở Arlington thì nó đang sống chung với chồng con và bố mẹ chồng của nó. Tôi đâu ở chung được. Thằng con trai thì cũng sống chung nhà với vợ con và bố mẹ vợ của nó. Tôi cũng không ở chung được. Còn căn nhà mà anh đến đón tôi là nhà thằng con cả. Cả đời tôi mới ở nhà con đúng mười ngày thì phải nhờ anh đến dọn đi đây…"

"Bác qua Mỹ lâu chưa? Trước đây, bác ở đâu?" Tôi hỏi cụ,
"Tôi qua Mỹ được 9 năm. Mỗi năm tôi ở Mỹ 9 tháng, về Việt nam 3 tháng – toàn ở mướn chứ không ở với con cái nào được, như tôi đã nói. Nhưng bây giờ tôi phải ở Mỹ lâu dài để trị bệnh. Khổ là tôi không thể ở nhà thằng con cả được. Hôm tôi mới từ Việt nam qua, tháng trước. Tôi ở nhờ con cháu ở Apartment vì tôi bệnh quá nên cũng cần có người ở bên tôi đêm hôm. Nhưng phòng nó chật chội và phiền phức quá nên thằng cả đến đón tôi về nhà nó ở. Tôi cũng bất đắc dĩ vì bệnh hoạn chứ đâu muốn làm phiền con cái. Nhưng buồn lắm anh ạ! Tôi ở được đúng mười ngày thì hôm nay phải dọn đi thôi. Tôi định dọn về Houston, ở với đứa con gái của người hàng xóm với tôi bên Việt nam xưa kia. Nó hứa giúp tôi. Nhưng con gái tôi đã xin trị bệnh cho tôi ở Arlington, nên tôi phải dọn về Arlington để trị bệnh vài tháng. Không chết thì tôi dọn về Houston với con gái người hàng xóm…"

Tôi nghe tâm sự buồn nên cũng kém vui mà thưa cụ, "Bác lớn tuổi rồi, lại bệnh hoạn. Đâu thể xa con cái ruột của bác được, vì khi hữu sự thì ai lo cho bác. Và sao lại đi sống với người con của người bạn ở mãi Houston. Bác nên suy xét lại chuyện đó cho cảm giác của con cái bác. Các anh chị có hoàn cảnh đã khó, bác làm mẹ nên không nên… xử sự như thế! Bác hiểu ý cháu chứ! Bác ở share phòng ở nhà người dưng vì hoàn cảnh, nhưng gần con gái bác là ổn lắm rồi! "
"Thì bây giờ tôi dọn đến ở với hai vợ chồng ông này ở Arlington. Họ đã hơn sáu mươi tuổi, nhà không con cái. Ông chồng ở nhà ăn tiền bệnh, vợ còn đi làm. Tôi cũng gần con gái tôi rồi, có gì nó chạy sang giúp tôi… Anh nói cũng phải nhỉ!"
"Cháu xin lỗi…"
"Anh ạ! Họ cho tôi thuê một phòng, không hạn chế sử dụng restroom anh ạ! Tôi thật mừng."
"Bác nói sao…?"
"Cơ khổ. Ở nhà thằng con cả, thì con trai lớn nó ở riêng phòng lớn nhất, có restroom riêng trong đó. Không ai được vào phòng nó."
"Rồi! Thằng đó là bác sĩ hay nha sĩ?"
"Không. Nó là dược sĩ. Nhưng sao anh hỏi vậy?"
"Cháu đoán thôi! Bác đừng nghĩ xấu về những người tuyệt đối vệ sinh nên không chung chạ được với ai! Hiểu thế, tốt hơn cho bác. Mọi phiền não nhẹ bay… ô-kê!
"Ô-kê. Tôi hiểu ý anh rồi…”
Cơ khổ. Còn lại hai vợ chồng thằng cả, thằng con nhỏ và tôi, bốn người xài chung một restroom. Mỗi sáng, tôi đã chịu khó nín nhịn chờ đợi, hỏi con trai, con dâu, cháu nội đã sử dụng restroom xong chưa, rồi mới đến mình. Thế mà thằng con cả vẫn quát vào mặt tôi chiếm dụng restroom lâu quá, chỉ vì một hôm nó đau bụng bất tử sau khi đã dùng restroom trước đó.

Tôi ở mới có chục ngày, mà sáng nào nó cũng cằn nhằn tôi đi restroom xoành xoạch suốt đêm thì nhà cửa nào chịu nổi… Tôi khổ quá! Mình bệnh hoạn, tuổi già, thật là phiền phức…"
"Sao bác không ở bên Việt nam với con cháu đông vui. Thui thủi bên này một mình làm gì cho khổ."
"Thì bệnh thì phải đi tìm thầy, tìm thuốc chứ sao anh. Hóa trị với xạ trị thì tiền đâu cho đủ ở bên Việt nam…"
"Cháu không hiểu được anh con cả của bác sao lại để bác bệnh hoạn, tuổi già như thế này mà đi ra ở share phòng với người dưng? Bác có chuyện gì ai lo? Cơm nước hàng ngày ai nấu cho bác ăn, ai giặt giũ cho bác…?"

"Thì phước phần là thế! Tôi bây giờ chỉ còn cậy vào đứa con gái. Nó cũng đã sáu mươi tuổi rồi. Nhưng còn làm dâu hàng ngày. Tôi lại còn làm khổ nó miếng cơm, tô cháo, gói quần áo cần giặt giũ… Nó làm sao mà kham nổi lo lắng cho chồng con, bố mẹ chồng ngày hai bữa, lại còn mẹ ruột bệnh hoạn phải chạy tới chạy lui. Tôi định về Houston là vậy!

Tôi nghĩ mà buồn cái thằng Cả nhà tôi sướng từ bé. Nó chẳng thiếu thứ gì vì thời trẻ tôi làm ăn được lắm! Cung phụng nó đủ điều hơn người. Nó đi đại học, ra trường, thì mê con vợ nó bây giờ đó. Nó về nhà bảo tôi cưới vợ lúc gia cảnh tan hoang. Tôi bấm bụng bảo nó, ai lại đi cưới vợ tháng bảy. Cho mợ một tháng để dọn dẹp nhà cửa, và cho qua tháng ngâu đã con. Nói thế để có thêm chút thời gian nghĩ cách cho con chứ mẹ nào từ chối được con cái chuyện nó muốn lập gia thất. Ai ngờ nó đi báo với bên nhà gái, bố mẹ nó đi vượt biên, chết hết rồi!
Có con cái nào như thế chứ! Đám cưới nó không có mặt tôi mà nó nhẫn tâm được. Nó bỏ nhà, bỏ mẹ, bỏ đàn em đi sống riêng, đến khi tôi gượng dậy làm ăn lại được thì nó mới mò về nhà, quát tháo…

Tôi làm ăn lại được thì mới có tiền cho gia đình thằng con trai với gia đình đứa con gái vượt biên, bây giờ chúng ở Arlington là vậy! Còn thằng cả thì làm ăn khá nên cho con nó đi du học, tìm cách ở lại rồi bảo lãnh bố mẹ với em nó qua sau…"
"Tức là thằng cháu đích tôn của bác. Anh chàng làm dược sĩ đó, sanh đẻ bên Việt nam?"
"Phải."
"Cháu hiểu rồi! Không có gì thắc mắc nữa! Anh ấy không giống những người trẻ sanh đẻ bên Mỹ là vậy!"
"Cái thằng ấy làm tôi buồn còn hơn bố nó. Nó đi kiểm tra căn phòng tôi ở. Nó hỏi tôi đạo gì? Tôi nói, trên có Trời, Phật. Rồi đến Thần, Thánh… Nó bảo tôi: Cái đạo của bà là đạo cô hồn, chẳng ra gì hết. Tội lỗi, tội lỗi quá!
Nó hỏi tôi đẻ chi cho lắm, để chẳng ở với ai được, rồi làm phiền gia đình nó? Tôi bảo thời bà nào có biết kế hoạch hoá gia đình là gì đâu!

Tôi thấy phải dọn ra khỏi nhà thôi. Nhưng mấy hôm không khoẻ nên còn vướng bận để nó nói tôi, sao bà không ở bên Việt nam cho xong. Già cả, bệnh hoạn còn lết sang Mỹ làm gì… để phiền cho gia đình nó!
Tôi đi chậm vì chân tôi yếu. Tôi đâu có lết như ăn mày. Anh hiểu không, anh hiểu cái chữ lết nó làm tan nát lòng dạ tôi. Tôi đau đớn hơn ung thư nhiều…"

Nước mắt bà cụ lại chảy thành dòng trên gương mặt nhăn nheo. Làm tôi nghĩ đến cha nào con nấy. Lẽ ra người ta phải học thành nhân trước khi thành tài, thì đời nay tranh nhau lấy bằng… súc vật, để kiếm thật nhiều tiền, đi xe hiệu, ở nhà mới… Người con cả ở nhà mới xây mà để mẹ bệnh hoạn đi ở share phòng. Cụ nói trong nước mắt, "nhẽ như người ta, nó cũng đưa tôi đi, sắp xếp cho tôi chỗ ăn chỗ ngủ ở nơi lạ lẫm quê người này chứ! Anh thấy đấy, anh xin số điện thoại của nó để khi anh đưa tôi đến nơi thì gọi cho nó biết. Nó bảo không cần đấy phỏng! Nhưng khi nó thấy anh chất đồ, ràng buộc cẩn thận như người chuyên nghiệp, người làm việc có trách nhiệm, lương tâm… xe anh lại tốt và mới. Thì nó xin anh số điện thoại để khi nó cần chở đồ sẽ gọi anh. Đấy…"

Biết nói gì để an ủi bà cụ hơn là im lặng chia chung nỗi ngậm ngùi của phận người. Muốn kể cho bà cụ nghe chuyện Đức Phật đi hoằng pháp, nhưng người ta không biết ngài chính là Đức Phật nên hỏi ngài, "Thưa ngài, Đức Phật ở đâu, làm sao tìm gặp Người?" Đức Phật trả lời, "Phật ở trong nhà bạn. Cha mẹ của bạn là Phật. Hãy trở về nhà phụng dưỡng cha mẹ cho thật tốt, là thờ phụng Phật."

Nhưng kể ra câu chuyện đó là bất nhân với bà cụ vì người nghe phải là cha con anh cả. Càng nên kể thêm những chuyện nhân quả cho những người quên học bài học làm người trước khi học thành tài để giàu có. Phải chăng phong thổ địa dư làm nên người anh cả trong bài ca dao bất hủ,
"bốn con ngồi bốn góc giường
mẹ ơi, mẹ hỡi, mẹ thương con nào mẹ thương con út mẹ thay thương thì thương vậy có tày trưởng nam trưởng nam ăn được gì đâu một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam"

Thôi làm thằng anh Hai như đứa bé mồ côi theo phong thổ địa dư xứ nó, câu chuyện ngắn chữ mà dài ý, kiệm lời mà sâu xa. Nó không tốt nghiệp đại học nào, không có bằng cấp gì… mà ai cũng xem trọng cái khí khái của nó. Chuyện kể mắc cười mà người đọc chậm nước mắt như sau:
… một cái xe hơi bóng loáng đang chạy trên đường. Không ai biết bên trong xe có người mẹ giàu có, đang dỗ dành cậu ấm của mình ăn miếng bánh kem đi con, ngon lắm đó! Nhưng thằng bé nhà giàu cáu gắt với mẹ vì không muốn ăn, nó bấm kiếng xe hơi xuống và ném quách miếng bánh kem xuống đường.

Trong khi thằng bé mồ côi nhanh mắt thấy được, nhanh chân chạy đến, nhanh tay xớt ngay miếng bánh lên tay mình. Phải cái xe vận tải nhanh hơn lao tới nó. Nó thì nhanh hơn thần chết là lao mình thoát thân – miếng bánh tõm xuống miệng cống. Công cốc.
Con em gái nó khóc ré lên,
"Anh Hai thiệt tình! Làm bánh lọt xuống cống rồi lấy gì ăn?"
"Thôi nín đi em…"
Nó xoè bàn tay còn dính kem của nó ra, "Nè, cho em ba ngón. Anh Hai hai ngón."
Anh Cả với anh Hai khác nhau ở tư cách chứ không phải văn bằng, địa vị hay nhà, xe… Nhưng nói ra làm gì cho thêm đau lòng bà cụ…

Tôi đến căn nhà mà bà cụ sẽ ở trọ vài tháng để chữa bệnh. Tôi biết bà cụ này không chết đâu, sức khoẻ có tệ nhưng nghị lực lớn lắm! Khoẻ lại là cụ sẽ đi Houston. Linh tính tôi mách bảo về bà cụ mới gặp lần đầu nhưng hiểu cụ như thân vì tôi cũng không thích làm phiền, để khổ cho người nhà.

Con gái cụ xin nghỉ làm nửa buổi để giúp cụ dọn vô nơi ở mới. Tách xách theo túi cơm, canh nấu vội cho mẹ có cái ăn. Tội cả hai người bị hoàn cảnh hành hạ đến khổ tâm. Đêm nay, người con khó ngủ vì lo mẹ có ngủ được không ở chỗ lạ. Trong khi sáng mai chị vẫn phải thức dậy đúng giờ để còn đi làm. Chị còn phải lo chồng con, cha mẹ chồng… thêm người mẹ ruột bệnh hoạn cũng cần bàn tay con cái giúp đỡ lúc tuổi già, đau yếu,… Còn cụ, đên nay có ngủ không, trong căn phòng lạ, khi nghĩ tới người con cả và thằng cháu đích tôn của mình. Ai rót cho cụ ly nước sau cơn ho khan đêm khuya, hay cụ tự hứng nước mắt mình để giải khát nỗi cô đơn trên xứ Mỹ lạnh lùng.

Tôi thì không ngủ được đêm nay rồi, vì bà cụ… đúng là "má tui"! Hoàn cảnh nào cũng chơi ngon, chơi đẹp, xả láng sáng về sớm. Tôi dọn nệm cũ trong căn phòng ấy ra, vì ông chủ nhà ăn tiền bệnh thì làm được gì, nhìn ông đi… còn chậm hơn bà cụ. Tôi bỏ nệm của cụ lên giường thẳng thớm, xách đồ vô phòng cho cụ xong xuôi. Tôi chào từ biệt để ra về. Nhưng cụ,
"Này anh ạ! Cảm ơn anh đã giúp tôi tận tình. Nhưng thế này, hôm qua, bạn anh có nói với tôi là một trăm đồng tiền xe. Thì đây, tôi xin gởi anh một trăm. Tôi xin gởi thêm anh hai chục… biếu anh uống cà phê, chơi thôi!"

Đúng là bà già chịu chơi chơi tới cùng giăng mùng chơi tới sáng, nên tôi nói, "Thôi bác cất hết đi. Coi như cháu giúp bác. Cháu không làm nghề này, chỉ vì sáng nay rảnh và xe cháu chở được tấm nệm nên cháu mới đi giùm ông bạn cháu thôi."

"Đâu thế được! Anh cầm lấy cho tôi vui. Tôi còn một việc nhờ anh giúp, là sáng nay tôi không ăn sáng ở nhà thằng cả. Bởi tôi kể chuyện ngày xưa thì cháu nội bảo là bà chẳng có chuyện gì mới để nói hay sao? Tôi ở trong nhà từ sáng tới… sáng mai thì biết đâu chuyện mới để nói. Tôi kể về thằng cả ngày còn bé, thì vợ nó nói nhàm quá, kể hoài… Mà giời không cho tôi câm nên tôi đói vì giận – không ăn. Tôi định bụng bảo anh chở tôi đi ăn sáng khi ra khỏi nhà. Nhưng bây giờ thì tôi mời anh đi ăn… bữa kỷ niệm với tôi. Anh chở tôi đi ăn… món gì thật ngon vào. Tôi không có nghèo đâu, còn đồng nào trong túi thì cứ tiêu đồng ấy cho nó vui vẻ. Mình đi thôi anh ạ!"

Từ chối cách gì cũng không được với bà cụ. Ra nhà hàng thì lại chưa tới giờ mở cửa. Tôi bảo cụ, bác cháu mình vô chợ rảo chơi, cho bớt nóng. Bà cụ kể chuyện đi thi quốc tịch bị rớt. Nhưng tôi cho là cụ quá giỏi tiếng Anh nên… rớt. Dù cụ đi thi quốc tịch không mất tiền vì đã tám mươi. Nhưng lần sau đi thi lại thì bớt nói tiếng Anh… sẽ dễ đậu hơn. Vì người hỏi thấy người được hỏi trả lời được là hỏi tới, hỏi tới… Bác chỉ cần nhớ cháu dặn là bác không bao giờ nói: Tôi không biết – I don't know. Mà bác chỉ nói: Tôi biết. Nhưng tôi quên – I know. But, I’m forgetting.

Bác quên chừng hai, ba câu là đậu liền. Vì người già có quyền quên, nhưng công dân Hoa Kỳ không có quyền không biết Tượng Nữ thần Tự do đặt ở đâu; Tổng thống đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ tên là gì, Tổng thống đương kim là ai?…

Bà cụ thật lanh trí, chỉ cần nghe và hiểu được một từ trong câu hỏi là cụ đoán ra cả câu hỏi – và biết trả lời bằng tiếng Anh – đúng. Nên bị hỏi tới, hỏi tới, hỏi tới… rớt luôn là vậy! (Thường mấy tay phỏng vấn thi quốc tịch Mỹ nhưng là người Mễ ở Texas không có thiện cảm nhiều với người Việt thì ai cũng biết và thường nghe nói tới trong chuyện thi quốc tịch ở xứ cao bồi. Gặp người phỏng vấn mình là Mỹ đen là dễ nhất, Mỹ trắng khó hơn, nhưng công bằng. Chỉ có Mễ là không ưa Việt nam…)

Tôi đi ăn tô mì với bà cụ rồi chia tay. Biết nói gì hơn những lời chúc may mắn cho việc chữa trị bệnh tật của bà cụ. Chúc cụ chóng hồi phục, chừng nào muốn đi Houston thì gọi cho hay. Tôi không làm nghề đưa đón nhưng với bà cụ thì tôi khoái cái lối chơi xả láng trước đi, đời có bao lâu mà hững hờ…

Tôi sẽ nhớ câu "còn đồng nào trong túi thì cứ tiêu đồng ấy cho nó vui vẻ." Tôi sẽ đưa cụ đi Houston khi cụ không thay đổi quyết định, vì nghĩ cho cùng những ngày ở trọ trần gian của cụ cũng chỉ còn ít ỏi như những đồng tiền còn lại trong túi thì tiêu hết đi, tiếc gì, miễn vui vẻ là được. Cũng cóc cần chừa mặt mũi cho con cái khi con đẻ tống mẹ bệnh hoạn ra đường ở tuổi gần đất hơn trời…

Phan    

Sunday, October 29, 2017

8 Thói Quen Buổi Sáng Gây Hại Trầm Trọng Cho Gan


Gan đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa, trao đổi chất và sản xuất những enzyme thiết yếu. Một số nhà khoa học cho rằng gan quý hơn não và tim vì chúng thực hiện những nhiệm vụ cốt yếu trong cơ thể.

Vì vậy, bất kỳ tổn hại nào đối với bộ phận này cũng gây ra hàng loạt ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, thậm chí là cả tử vong.

1. Thiếu ngủ
Ngày nay, hầu hết mọi người, đặc biệt là giới trẻ đều có thói quen làm việc hoặc giải trí cho đến tận khuya. Tuy nhiên, thức đêm dễ khiến gan bị tổn hại nhất.

Bởi trong quá trình ngủ, cơ thể sẽ được lập trình chế độ tự sửa chữa. Nếu đi ngủ quá muộn, chế độ này sẽ bị ảnh hưởng, do đó sẽ giảm sức đề kháng và ảnh hưởng tới quá trình tái tạo sức khỏe (bao gồm gan) vào ban đêm.
Neil Colin, chuyên gia của Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ cho biết: “Mọi người nên đi ngủ trước 11 giờ đêm và phải ngủ 7-8 tiếng, để gan bài tiết độc tố hiệu quả và bảo vệ sức khỏe toàn cơ thể”.

2. Nhịn tiểu vào buổi sáng
Tiến sĩ Daniel Paradis thuộc Hiệp hội Nghiên cứu về gan châu Âu cho biết, độc tố trong cơ thể được thải ra qua nước tiểu, mồ hôi và đại tiện.

Sau một đêm ngủ dài, những chất “bẩn” tích tụ trong cơ thể phải được tống ra ngoài, tránh trường hợp độc tố còn lưu giữ trong cơ thể và dẫn đến ngộ độc gan. Vì vậy, sáng ngủ dậy là phải đi tiểu.

3. Không ăn sáng
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng ăn sáng giúp trung hòa acid dạ dày và bảo vệ gan, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, viêm tuyến tụy, táo bón, sỏi mật…
Chuyên gia dinh dưỡng Chmidt Suri ở Canada cho biết một bữa sáng lành mạnh sẽ giúp bạn luôn cảm thấy “ấm bụng, tránh được tình trạng gan bị tổn thương.

4. Uống quá nhiều thuốc
Theo chuyên gia Kenneth Simpson thuộc Bệnh viện hoàng gia Edinburgh (Anh), sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, hạ sốt… quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ hại gan.
Do vậy, bạn không nên tự uống thuốc, mà liều lượng và thời gian dùng thuốc nhất thiết phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

5. Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Chuyên gia dinh dưỡng Hidacjan Zara Hussein cho biết hầu hết các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo ngọt nhân tạo, phẩm màu… vốn chứa không ít vật chất hóa học mà cơ thể khó phân giải.
Vì vậy, đừng gây áp lực giải độc cho gan và khiến gan bị tổn thương chỉ vì lỡ miệng ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn.

6. Ăn nhiều món chiên rán
Không chỉ thực phẩm chế biến sẵn, các món ăn chiên rán cũng làm yếu gan. Theo tiến sĩ Drew Oden, sự tích lũy của axit béo bão hòa và chất béo sẽ làm gan bị nhiễm mỡ.
Vì vậy, các dầu ăn không lành mạnh tăng nguy cơ mắc bệnh gan và bệnh tim. Ngược lại, dầu ăn từ quả ô liu và dầu vừng lại rất có lợi cho sức khỏe.

7. Ăn nhiều thức ăn bị cháy hoặc chưa chín
Tiến sĩ Hossain cho biết các thực phẩm cháy sém hoặc chưa chín (đặc biệt là thịt) sẽ gây tổn hại gan.
Bởi trong những thực phẩm còn sống thường chứa ký sinh trùng hoặc một số loại vi khuẩn dễ gây viêm dạ dày và đường ruột cấp tính. Nguy hiểm hơn, chúng còn làm hại gan.

8. Nghiện rượu
Tiến sĩ Nimmo Achille thuộc Trung tâm Y tế Zeff của Isreal cho biết một nghiên cứu về bệnh gan cho thấy uống nhiều rượu làm giảm khả năng lọc máu của gan, độc tố không được bài tiết, từ đó ảnh hưởng ngược tới gan.
Uống rượu thời gian dài dễ dẫn tới xơ gan.

Theo Sức Khỏe Cộng Đồng

Sợ Vợ Sẽ Sống Lâu Lại Còn Dễ Thăng Tiến Và Giàu Có!


Theo nhiều nghiên cứu khoa học, sợ vợ có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả sức khỏe người chồng và cuộc sống gia đình. Điều đó có nghĩa là sợ vợ mang lại nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ.

Người ta vẫn thường hay nói đùa câu nói "Đội vợ lên đầu, sống lâu trăm tuổi" để trêu những anh chồng quá e sợ, nể nang vợ của mình.
Nếu không tin, bạn có thể nhìn vào nghiên cứu dưới đây của Đại học Santa Cruz, California, Mỹ.

1. Sợ vợ giúp bạn sống lâu hơn
Dễ thấy là khi sợ vợ, bạn không thể hút thuốc nhiều, không thể uống nhiều rượu, ít đi giải trí bên ngoài, mỗi ngày sau khi tan làm đều phải về nhà sớm với vợ con. 
Chính vì vậy, có thể cuộc sống của bạn cảm giác rất theo quy luật nhàm chán, nhưng ngược lại cũng thay đổi nhiều thói quen xấu trước hôn nhân.

Ngay cả khi phải làm những việc nhà nặng nhọc, việc tiêu hao năng lượng đó cũng có thể so sánh với việc tập thể dục hàng ngày. Sinh hoạt lành mạnh như vậy, cớ sao mà bạn không thể không sống lâu?

2. Sợ vợ giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền
Nếu lấy "sợ vợ" làm cái cớ, bạn có thể từ chối rất nhiều các loại hoạt động giải trí với bạn bè, đồng nghiệp, tiết kiệm được rất nhiều tiền vốn phải chi cho nhậu nhẹt hay thuốc lá, chẳng mấy chốc sẽ đủ tiền tậu nhà tậu xe.

3. Sợ vợ giúp đảm bảo ổn định xã hội
Gia đình ổn định chính là nền tảng của xã hội ổn định. Nếu bạo lực gia đình giảm thiểu, thì cảnh sát sẽ có thể toàn tâm toàn lực tập trung vào đối phó với sát nhân, trộm cướp cũng như nhiều tệ nạn xã hội khác. 
Thêm vào đó, sợ vợ cũng có thể khiến tỷ lệ ly hôn giảm xuống và tòa án cũng bớt được một phần lượng lớn công việc.

4. Sợ vợ mang đến cơ hội tìm việc làm
Trường kỳ sống cùng nỗi "sợ vợ" có thể rèn luyện đức tính cẩn thận tỉ mỉ cũng như khả năng phản ứng nhanh. Tính cách này phù hợp với những công việc đòi hỏi tính bảo mật và xử lý nhanh nhạy, nên bạn hoàn toàn có thể xin ứng tuyển vào những việc làm đặc thù như vậy.

5. Sợ vợ chính là phong cách của một ứng cử viên!
Sợ vợ khiến cho bạn khi làm bất cứ việc gì đều phải lên kế hoạch, định liệu sẵn các lý do để giải thích cho các sự cố phát sinh ngoài ý muốn, thậm chí không ngại "thề non hẹn biển" với vợ. Các ứng cử viên chính trị trên thực tế cũng áp dụng những điểm này để có thể giành được lá phiếu bầu của các cử tri.

6. Sợ vợ giúp bạn thăng tiến
Trong nhiều công ty, "tác phong sinh hoạt chính diện" chính là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để xét duyệt thăng chức. Mà những người sợ vợ, quả thực đều có "tố chất" này.

7. Sợ vợ – Biểu hiện của một loại "tình yêu vĩ đại"
"Sợ vợ" kỳ thực cũng là một dạng thể hiện tình yêu, vì yêu nên mới sợ. Coi vợ là nhất, lời của vợ nói ra không khác gì "chiếu chỉ", ý kiến vợ nêu ra thì tuyệt đối không phủ định, yêu cầu của vợ nhất định không quên. Tất cả những điều này chẳng phải xuất phát từ lòng thương yêu vợ hay sao?

8. Sợ vợ có thể tăng thêm gắn kết cho mối quan hệ cha và con
Nhiệm vụ của một đấng mày râu "sợ vợ" trong gia đình không chỉ là đổ đầy bình xăng đi làm, mà còn bao gồm cả thay tã lót cho con, dỗ con đi ngủ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa v.v…

Giáo dục lý thuyết đến mấy cũng không thể trực quan như thực tế. Một ông bố "sợ vợ" như vậy rõ ràng không chỉ làm tấm gương sáng cho con trai học tập, mà còn làm tăng hy vọng về cuộc sống tương lai tốt đẹp cho con gái trong nhà

Theo Đại Kỷ Nguyên