Pages

Khắc Cốt Ghi Tâm: Cha Mẹ Đừng Tùy Tiện Tiêu Hao Phúc Báo Của Con Cái


Xưa nay chúng ta đều cho rằng, làm cha mẹ thì phải dành cho con cái những điều tốt nhất. Tuy nhiên, cha mẹ tiêu càng nhiều những khoản tiền vô vị cho con, lại chính là đang làm tổn hại phúc báo của con, đây chính là quy luật đại đạo của vũ trụ ‘thiên địa vô tình’.


Khi một đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có điều kiện, thì chúng sẽ có cơ hội làm được mọi điều mình mong muốn một cách dễ dàng. Do đó, chúng không có nhu cầu phải cố gắng điều gì cả, không có mong muốn học tập. Thường những đứa trẻ được đủ đầy, sung túc quá thường biếng nhác, chúng chỉ biết hưởng thụ, nhiều lúc còn nhát gan, chẳng dám mạo hiểm điều gì.

Ngày nay, trong nhiều gia đình chỉ đẻ một con, do đó đứa trẻ đó trở thành con một, được cha mẹ nuông chiều nên không có khả năng tự lập. Nhiều người lớn rồi còn không biết nấu cơm giặt quần áo, không biết giúp đỡ người khác, không biết tự xử lý mọi việc, cũng không biết tự chăm sóc bản thân mình… cái gì cũng phải chờ bố mẹ hay người khác làm cho.
Đó là lý do các bậc cha mẹ cần dạy con biết tự lập, đây được xem là khả năng cơ bản cần thiết để con trẻ đối diện với cuộc sống cũng như công việc sau này.

Tôi có một đồng sự, anh kể rằng mỗi năm anh ấy đã tiêu tốn vài chục triệu đồng để cho con đi học. Tôi nghe xong rất đỗi kinh ngạc, liền nhắc nhở anh ta: “Con người sống trên đời đều là vì phúc báo nên mới có thể duy trì thọ mạng, phúc cạn thì mạng vong, đừng đem phúc phận của con cái dùng hết như vậy. Số tiền học đó chính là phúc báo trong mệnh của con cái, nhất thiết phải tích trữ để tương lai còn có cái để sử dụng”.

Mỗi người có thể tồn tại trên đời đều là vì phúc báo. Phúc báo dùng hết, bất luận là thường dân hay đế vương đều sẽ phải kết thúc thọ mệnh…

Rất nhiều người có tiền, ngay từ nhỏ đã cho con cái ăn uống những món ngon vật lạ, sử dụng những món đồ tốt nhất, cho đi học ở trường sang nhất. Kết quả sau khi con cái lớn lên lại nhiễm đủ loại thói hư tật xấu, ăn chơi sa đọa, thậm chí chẳng giữ nổi mạng, khiến người tóc bạc phải tiễn kẻ tóc xanh.
Loại hiện tượng này ở xã hội đâu đâu cũng có. Nguyên nhân rất đơn giản, chính là cha mẹ đã sử dụng hết phúc báo của con trẻ mất rồi.
Ăn uống không cần quá ngon, hợp vệ sinh là được;
Mặc không cần quá đẹp, có thể giữ ấm là được;
Đồ dùng không cần quá tốt, an toàn là được;
Nơi ở không cần quá sang trọng, có thể khiến cho tâm an tĩnh là được;
Trường học không cần quá cao sang, chỉ cần giáo viên có học thức, có phẩm đức là được;
Lấy vợ không cần quá xinh đẹp, chỉ cần có thể hiếu thuận với cha mẹ chồng, đảm đương công việc nhà là được;
Lấy chồng không cần phải quá đẹp trai, chỉ cần có thể nuôi sống gia đình, không nhiễm thói hư tật xấu, có thể che chở cho vợ, tâm địa lương thiện là được.
Khổng Tử từng giảng: “Trong ba người đi cùng, ắt có một người là thầy ta”. Bởi vậy, cầu sư học đạo, chỉ cần người đó đức hạnh và học vấn cao hơn ta thì đều có thể coi đó là thầy.

Rất nhiều vĩ nhân từ xưa đến nay đều nói câu này: “Khi còn nhỏ, tài sản lớn nhất mà cha mẹ để lại chính là sự nghèo khó”.
Ngạn ngữ xưa cũng có câu: “Con nhà nghèo thì sẽ sớm biết lo liệu việc nhà”.

Đương nhiên ở xã hội hiện tại, chúng ta không thể khiến những người giàu có kia bắt con mình phải sống trong nghèo khổ để chúng hiểu chuyện, biết tạo dựng chí hướng, biết lo liệu việc nhà… Tuy nhiên, chúng ta nhất định phải bảo cho con cái biết rõ, tiền của bạn một xu một hào kiếm được đều không hề dễ dàng.

Vào những dịp nghỉ hè cần để cho con cái được trải nghiệm về cuộc sống, để chúng gánh vác công việc, dạy cho chúng biết rằng nhân cách chính là tài phú quý giá nhất trên đường đời sau này. Chỉ có như vậy, con cái mới có thể dụng công học tập, không kết giao nhầm người, không nhiễm thói hư tật xấu.
Nếu như cả ngày đều nâng niu con cái trên tay, khiến cuộc sống của chúng tựa như hoàng đế, đây chẳng qua chỉ làm tổn hại đến phúc thọ của chúng mà thôi.

Người xưa dạy: Lưu lại của cải cho con cháu, chúng cũng không giữ được; lưu lại sách vở cho con cháu, chúng cũng không đọc được; chỉ có lưu lại âm đức cho con cháu, mới là lối ra cần thiết nhất cho chúng.

Điều bạn cần làm trước tiên là hãy gieo trồng ruộng phúc, tích đức làm việc thiện, thì sau này tự nhiên con cháu sẽ tự có phúc báo. Nếu hiện tại bạn không tích đức hành thiện, tiền bạc có được không chính đáng thì sau này con cháu sẽ cơ cực sẽ chịu nghiệp tích lại từ bạn.

Tuệ Tâm

Buổi Điểm Danh Cuối Cùng... - Tạp Ghi Huy Phương


Ngày mới bước chân đến Mỹ, với tuổi mới trên 50, lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, tham gia niềm vui của con cháu mình và con cháu bạn bè, tháng nào chúng tôi cũng phải tham dự một hai tiệc cưới. Bây giờ suýt soát tuổi 80, sắp lên chức “cố,” cả năm không còn khăn áo chỉnh tề, lên xe “phó hội” ký tên vào sổ vàng, tươi cười đóng hụi chết, mà áo trắng, cà vạt đen, mặt mày buồn thảm đi viếng tang cũng khá nhiều.

Bạn bè, đơn vị cũ, một thời chinh chiến hay là long nhong thời thơ ấu, ông thì nằm trong nhà hưu dưỡng đã hơn năm, ông thì đi gậy chống, walker hay ngồi xe lăn, ông thì đã thành tro bụi chứa trong cái hũ có khắc tên để trên chùa, hay ra nằm ngoài nghĩa địa với bia mộ đề tên!
Bây giờ không còn vào nhà hộ sinh để thăm cháu ra đời, hay chúc mừng hôn lễ của ai nữa, mà toàn đi nhà dưỡng lão, bệnh viện hay tang nghi quán!

Có người bạn mới gặp ở quán cà phê, tươi vui, yêu đời, vài hôm sau vừa nghe tin đột quỵ. Sau một vài tuần ở bệnh viện và trung tâm phục hồi trở về, bây giờ không còn nói được, tay chân lẩy bẩy, gặp nhau, ứa nước mắt, mà không khóc, sợ bạn buồn nản chí.

Trong nhà hưu dưỡng, đi thăm một người bạn khác, gặp một người bạn biến chứng tiểu đường, mắt đã mù, nằm ở đây đã bốn năm, còn nhớ tiếng nói của bạn mà mừng, nhưng không còn trông thấy nhau nữa. Rồi có người mang ống dẫn tiểu, có người mang tã, có người sống nhờ thức ăn chuyền thẳng vào bao tử, mà phải sống không chối từ, không thể dễ dàng chọn cái chết dù muốn chết.

Tôi cũng biết có trường hợp, anh nằm đây đã trên 10 năm, sau lần “tai biến.” Anh mở lớn đôi mắt nhìn tôi, anh nhớ tôi hay không, tôi không rõ, đôi mắt đờ đẫn, mệt mỏi, đầy những chịu đựng. Lần nào vào thăm anh, tôi cũng thấy chị ngồi đó, theo anh suốt một cuộc hành trình dài lâu, mà vẫn như đi một mình. Nhan sắc chị đã tàn phai, thân gầy như xác ve, sức tàn, lực kiệt. Chỉ sợ một ngày nào đó, chị ra đi, bỏ anh lại cho ai? Rồi một ngày, nghe tin anh mất, buồn, nhưng mừng cho chị, từ nay được giải thoát.

 Nhưng chỉ ít lâu sau thôi, nghe tin chị cũng theo anh. Chút dầu còn lại trong cây đèn nhỏ đã cạn!
Tuần rồi vào bệnh viện thăm một thằng bạn thời niên thiếu, cái thuở bạn bè mùa Hè nào cũng rong chơi, tinh nghịch mà vô tư, có đêm ngủ lại nhà nhau, mà bây giờ nó nằm đó, hôn mê. Cũng một thời hạnh phúc, cũng một thời đau khổ, cũng vật vã trong chiến tranh, cũng tủi nhục trong tù đày, giờ này đâu còn gì vui buồn mang theo nữa. Thôi ra đi bình yên!

Những người lính cũ dự định tổ chức họp khóa, thời còn sung mãn, một năm một lần, bây giờ ba năm chưa muốn gọi nhau. Ngày trước tập họp vài ba trăm có dư, nay là vài ba chục cũng khó kiếm. Trong điện thoại, ở xa, có bạn nói thều thào không ra hơi, có anh điếc ù phải đeo máy, có người kêu than đau chân đi không nổi, thì làm sao mà họp khóa, điểm danh với anh em được. Ở gần thì đau mắt, không lái xe được, cũng có nhớ bạn thương bè, nhưng sức đã tàn, lực đã kiệt, cũng chẳng còn vui thú gì những lúc gặp gỡ anh em. Thôi đành một tiếng “xin lỗi” là xong!

Trước đó, thăm một anh bạn cùng khóa nhà binh, tuy già yếu, đau ốm trên giường bệnh, nhưng thấy còn lạc quan vui tươi: “Thế nào tháng sau, họp khóa, tôi cũng đến! Lâu quá không gặp anh em!” Lời hứa vui vẻ ấy không ngờ không bao giờ thực hiện được. Chúng tôi “họp khóa” năm ba thằng với anh tại nhà quàn trong ngày tiễn đưa. Rõ ràng là anh có hẹn với chúng tôi là anh sẽ đến, nhưng ở một nơi khác.

Hôm nay họp khóa, chị đã trở thành bà quả phụ, nhận bó hoa từ anh em, nhắc lại như một lời chia buồn. Lần “điểm danh” này, vắng mặt quá nhiều anh em, trong đó có anh. Vắng mặt có lý do – Miễn tố!
Quân số hôm nay đã hao hụt nhiều, phần lớn bất khiển dụng, hoặc được xếp loại 2, nhưng không bao giờ được bổ sung!

Chắc các bạn còn nhớ giờ điểm danh cuối cùng, hay là buổi chào cờ cuối cùng trong đơn vị vào cái Tháng Tư nghiệt ngã của đất nước, rồi anh em, mỗi người một nơi. Có anh em may mắn trôi giạt, sống sót đến xứ người, có người thất thân lâm cảnh tù đày. Đã có bao người chết trong trại tù hung hãn, bao nhiêu người chìm sâu xuống đáy biển oan khiên.

Bây giờ quê người lận đận, mà vẫn có đồng đội, rỗi công đi tìm người thất tán, tái cấu trúc, hay tái bố trí, gọi là đồng môn cùng quân trường, là khóa học, là binh chủng, là đơn vị! Họ gặp nhau, già yếu hơn xưa, tóc đã bạc phơ, câu chuyện ngày cũ, nhớ nhớ, quên quên. Họ gặp nhau mà nước mắt lưng tròng. Nhưng những lần tập họp thưa thớt dần, xa dần, mệt mỏi dần trong ngày tháng phai tàn.

Không phải là một lời nói bi quan, đây có thể là lần điểm danh cuối cùng. Ở tuổi ngoài bảy mươi, cuộc đời còn lại chỉ có thể tính bằng giờ. Nhiều đồng đội đã bỏ anh em đi xa, nhiều người đã không đến. Con số người mất cũng lớn bằng người còn. Răng, tóc, trí nhớ cùng với bạn bè đã bỏ chúng ta ra đi biền biệt.

Tướng MacArthur đã để lại một câu nói để đời: “Old soldiers never die; they just fade away” (Người lính già không chết; họ chỉ phai nhạt dần đi).
Tôi thích và yêu kính những người lính chết trận. Tôi không thích những người lính sống cũng như chết, sống như cái bóng ma. Phải có sự khác biệt của một người lính hy sinh trên chiến địa ngày xưa và một người lính cũ chết trong nhà dưỡng lão. Không thể coi họ như nhau.
Sống mà phai nhạt dần, cho đến một ngày nào đó, không ai còn nhớ đến mình nữa, thì cuộc đời này buồn biết mấy!

Mà thôi, chuyện gì rồi cũng qua, cái gì rồi cũng đến!

Huy Phương

Cười Là Liều Thuốc Bổ


Bài học về bốn con giun
Vị linh mục muốn bài giảng của mình trong lễ Chúa Nhật hấp dẫn hơn bằng cách nêu một chứng minh cụ thể.
Bỏ bốn con giun trong bốn cái ve khác nhau
Con thứ nhất trong một ve đầy rượu
Con thứ hai trong một ve đầy khói thuốc lá
Con thứ ba trong một ve đầy sô cô la
Con thứ tư trong một ve đầy đất tốt và sạch
Cuối bài giảng ngài cho thấy kết quả
Con thứ nhất trong một ve đầy rượu:CHẾT QUEO
Con thứ hai trong một ve đầy khói thuốc lá:CHẾT QUEO
Con thứ ba trong một ve đầy sô cô la:CHẾT QUEO
Con thứ tư trong một ve đầy đất tốt và sạch:SỐNG
Và rồi ngài cao giọng hỏi bổn đạo:
Anh chị em học được điều gì qua bằng chứng này ?
Bé Gioan ngồi phía dưới vội đưa tay lên, nói:
Thưa cha ! bao lâu người ta cứ uống rượu, hút thuốc và đớp sô cô la thì khỏi lo trong người có giun.

Một Cuộc Đối Thoại Thành Thật ....
Hãy theo dõi một cuộc đối thoại rất...thành thật và vô cùng thú vị giữa Tư bản và Cộng sản ...

BUSH  : Ở Mỹ Công nhân lãnh lương trung bình là 1500$ US, nhưng chỉ cần chi ra 800$ để đảm bảo cho đời sống !
DŨNG  : Vậy họ làm gì với số tiền riêng còn lại ?
BUSH   : Đó là chuyện riêng của họ , chúng tôi không quan tâm, không có trách nhiệm. ... Thế Công nhân ở VN thì sao ?
DŨNG  : Ở VN lương công nhân viên chức khoảng 800.000 $VN một tháng và mỗi tháng chi tiêu  tối thiểu cần đến 3 triệu đông VN .
BUSH   : Trời !!! vậy họ kiếm đâu ra số tiền thiếu hụt đó
DŨNG  : A! đó cũng là việc riêng của họ. Nhà nước chúng tôi rất tôn trọng đời tư của nhân dân, nên không thắc mắc, không tò mò, không quan tâm đến ... như các ông !!
BUSH : Nghe nói ông cũng đa từng là Luật sư. Vậy xin cho biết ông học luật bao giờ và ở đâu ?
DŨNG : Tôi sớm học luật từ khi 14 tuổi, khi đi theo du kích VC vào bưng và học LUẬT ở trong RỪNG.

Sưu tầm

Friday, December 29, 2017

Trên Cây Có 10 Con Chim, Bắn Chết Một, Hỏi Còn Lại Mấy Con?


Trên cây có 10 con chim, người thợ săn nổ súng bắn chết 1 con, hỏi trên cây còn lại mấy con? Đáp án cuối cùng đưa ra quả là rất siêu!
Thầy giáo hỏi: “Trên cây có 10 con chim, người thợ săn bắn chết một con, hỏi trên cây còn lại mấy con?”
Học sinh: “Thưa thầy là dùng súng lục vô thanh hay là loại súng khác giảm thanh?”
Thầy giáo: “Không phải súng lục vô thanh mà cũng không phải loại súng khác giảm thanh”
Học sinh: “Tiếng súng có cường độ bao nhiêu?”
Thầy giáo: “Khoảng 80 -100 deciben”
Học sinh: “ Vậy âm thanh đó có thể gây chấn động đến nhói tai, đúng không thầy?”
Thầy giáo: “Đúng vậy”
Học sinh: “Ở địa phương đó, bắn chim không phạm pháp ạ?”
Thầy giáo:“Không phạm pháp”
Học sinh: “Thầy có chắc chắn là con chim đó bị bắn chết rồi không?”
Thầy giáo: “Chắc chắn”
Thầy giáo có chút không kiên nhẫn được nữa, “Thôi nào, em chỉ cần nói cho thầy biết trên cây còn lại mấy con chim là được rồi!”
Học sinh: “Dạ, nhưng trong mấy con chim đó có con nào bị điếc không ạ?”
Thầy giáo: “Không có”
Học sinh: “Trong đó có con nào có vấn đề về nhận thức không? Nghĩa là bị đần độn đến mức nghe thấy tiếng súng nổ mà không biết đường mà bay đi ấy?”
Thầy giáo: “Không có, chỉ số thông minh của chúng đều trên 200
Học sinh: “Có con nào bị nhốt trong lồng không ạ?”
Thầy giáo: “Không có”
Học sinh: “Có con nào bị tàn tật hay là đói quá đến nỗi không bay nổi không ạ?”
Thầy giáo: “Không có, con nào cũng đều khỏe cả”
Học sinh: “Có tính cả chim con trong bụng mẹ không ạ?”
Thầy giáo: “Chúng đều là chim trống”
Học sinh: “Người thợ săn đó có bị hoa mắt không? Thầy đảm bảo là 10 con chứ?”
Thầy giáo: “10 con”
Học trò vẫn tiếp tục truy hỏi: “Có con nào ngốc đến mức không sợ chết không ạ?”
Thầy giáo: “Chúng đều sợ chết”
Học sinh: “Có con nào là tình nhân của nhau không ạ? Vì có thể một con bị bắn chết, con còn lại sẽ chủ động tự tử theo?”
Thầy giáo: “Đồ ngốc! Lúc trước không phải thầy đã nói với em chúng đều là chim trống rồi hay sao?”
Học sinh: “Có thể bắn một phát trúng hai con không ạ?”
Thầy giáo: “Không thể”
Học sinh: “Bắn một phát trúng ba con?”
Thầy giáo: “Không thể”
Học sinh: “Bắn một phát trúng 4 con?”
Thầy giáo: “Càng không thể”
Học sinh: “5 con thì sao?”
Thầy giáo hoàn toàn hết kiên nhẫn: “Thầy nói lại một lần nữa, một phát súng chỉ có thể bắn chết một con”.
Học sinh: “Vâng, tất cả những con chim ấy đều có thể tự do bay lượn chứ ạ? Khi chúng kinh sợ bay lên, liệu vì hoảng loạn mà va vào nhau không ạ?
Thầy giáo: “không thể, mỗi con chim đều tự do bay lượn”
Học sinh: “Nếu đúng như những gì thầy giáo nói”
Học sinh nói một cách đầy tự tin:“Con chim bị bắn chết ấy, nếu như vướng phải cành cây mà không bị rơi xuống, thì trên cây còn một con; còn nếu như nó bị rơi xuống thì trên cây không còn một con nào ạ”.
Chờ đến lúc học sinh trả lời xong, thầy giáo cố nén cảm xúc choáng váng đến suýt ngã xuống đất rồi run rẩy nói: “Em không cần phải học tiểu học nữa đâu, hãy lập tức ứng tuyển làm thám tử điều tra đi”.
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im (*) - NS Tuấn Khanh


Chứng kiến nhiều trận lũ lụt tang thương nơi xứ Việt, tôi vẫn hay tự nhắc mình phải viết một bài hát nào đó về những điều đã thấy, về những sinh linh đã tận. Ca hát thì chẳng để làm gì. Nhưng tôi mong mình cất lên được tiếng lòng như bài văn tế nhỏ cho những người cùng màu da, tiếng nói trên quê hương mình hôm nay, sao vẫn mang đầy khổ nạn. Có thể tôi chỉ hát khe khẽ thôi, vừa đủ cho những linh hồn oan khiên về quanh được chút ấm lòng.

Thế nhưng, nhiều năm trôi qua. Lũ lụt hết lần này đến lần khác. Mạng người lại vẫn chìm sâu. Tôi lại chất chồng trong ký ức của mình về ruộng vườn tan hoang, những tiếng khóc trôi dạt buồn tủi, và biết rằng mình sẽ không viết nổi một bài hát như vậy, mà chỉ còn im lặng. Sự im lặng khó tả nằm hoài trên trang giấy và suy nghĩ, như khoảng vô thanh điên loạn giữa rầm rộ ngôn từ.

Thống kê tạm của đài VOV trong ngày 15/10/2017, nói rằng đã có 60 người chết, 37 người mất tích và 31 người bị thương. Bên cạnh đó còn 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp, hàng chục ngàn gia súc, gia cầm chết ngập. Tháng trước, bão số 10 cũng làm 125 người chết và mất tích, thiệt hại tài vật cũng vô số.

Những con số thì vô hồn. Những nếu chỉ một lần nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ co ro trần truồng chìm trong nước, bà cụ với đôi tay giơ lên như muốn níu lại phút giây sau cùng, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận khoảng lặng trong lòng mình. Khoảng lặng nhắc chúng ta cũng là con người, và phải biết xót xa cho đồng loại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “Rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây”.  Nghe mà rưng rưng cho phận làm người Việt. Phải thắp bao nhiêu nén hương cho những người vừa chết đêm qua? Bao nhiêu hương thì mới ấm lại thịt da đã xanh tím của đứa bé giữa rong rêu? Bao nhiêu hương thì tiễn được nỗi niềm của cụ già khỏi dòng tức tưởi? Lời thủ tướng Phúc nói, vào ngày 14/10, cũng là những ngày tìm thấy từng xác người lây lất. Không nghe ông nghe nói gì về nạn nhân thiên tai và nhân tai, chỉ nghe ông nói bái lạy và vàng.

Ngày 13/10, đáp lại lời hò reo xúc động của cử tri về sức khỏe của mình, ông Trần Đại Quang cũng không nói gì về thảm nạn đang diễn ra suốt nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, mà chỉ nhấn mạnh về thông tin xấu độc trên mạng. Không biết có liên quan gì, mà đến 15/10, các trang facebook đưa hình ảnh và thông tin đáng lưu ý về thiên tai lũ và nhân tai lụt đột nhiên đồng loạt khóa bài, ẩn các hình ảnh đã đăng, đồng bộ với các bản tin báo nhà nước hết sức chừng mực và tiết kiệm hình ảnh thực tế.

Nơi của ông thủ tướng và chủ tịch thật náo nhiệt. Điều đó thật tương phản khi tôi nhìn vào tấm hình người phụ nữ ngồi thắp một nén nhang vào hư vô. Gương mặt của chị ẩn trong đó ngàn bài ca mà tôi không viết nổi thành lời. Nén hương ân cần gửi vào gió, hát vào khốn cùng mà chỉ có những trái tim Việt Nam còn đủ nhân tính mới chia sớt cùng những số phận Việt Nam.

Cuộc sống hôm nay như một sân khấu hai mặt. Một mặt trình diễn những dị thường và một mặt giới thiệu từng giờ phút của đời thường. Mà phần dị thường, có cả tiếng các quan chức thời tiết, thủy điện… luôn phủi tay và nói mọi thứ đã đúng quy trình, đẩy phần còn lại là may rủi của nhân dân. Loại quy trình thô bỉ ấy vẫn diễn ra hết năm này qua năm khác không hề có kế hoạch đổi thay nào tốt hơn cho đời sống dân lành. Nhưng phần các quan chức thì luôn biết cách dời xa, dời cao để không cùng chung số phận với nhân dân.

Cứ sau những thảm họa, nghe các ngôn từ chải chuốt ngụy biện và lẩn tránh trách nhiệm của họ, không khỏi buồn nôn. Loại ngôn từ trá ngụy mà W. Shakespeare từng mô tả “khi cần thì bọn ác quỷ có thể dùng cả kinh thánh để biện minh cho hành động của chúng”.

Thật khó biết còn bao nhiêu người phải chết trong nước lũ từ đây về sau. Và cũng thật nhục nhã cho một quốc gia luôn huênh hoang về bước đại phát triển 4.0 nhưng hàng năm vẫn phải tế sống dân mình cho nước dữ như thời man rợ.

Tôi xếp trang giấy trắng, xếp lại bài hát mà mình ôm ấp. Tôi cũng không nói gì được về những gì mình đã thấy, đã nghe. Không gian đã quá chật chội với những âm thanh chúc tụng và ca ngợi. Tôi chỉ còn đủ sức giữ lại cho mình sự im lặng. Loại im lặng như M. Heidegger từng mô tả rằng “Sự im lặng như sấm sét còn gây nên chấn động cho tâm thức còn hơn cả tiếng sấm sét trong cõi im lặng”.

Một ngày nào đó, nếu bạn cũng cùng im lặng với tôi trong ít phút giây, có thể chúng ta sẽ cùng nhận ra đất nước và con người Việt Nam đang huyên náo trên những nỗi đau như thế nào.
(*) tựa một tác phẩm của Phạm Công Thiện.

Vua Hài Charlie Chaplin: Cuộc Đời Đằng Sau Ánh Hào Quang Và Những Bài Học Sâu Sắc Để Lại


Charlie Chaplin, hay còn gọi là Vua hề Sác-lô, là diễn viên hài nổi tiếng trong các bộ phim câm từ năm 1920-1950. Chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra ông bởi chiếc mũ và bộ ria mép đặc trưng.

Mặc dù là một diễn viên phim câm lừng danh, nhưng có lẽ ít người thấu hiểu sự thông thái và sâu sắc của ông qua những thước phim đen trắng.

Tuổi thơ khốn cùng
Chaplin sinh ra trong nghèo khó ở London (Anh) năm 1889. Mẹ ông không có nghề nghiệp ổn định. Đã có lúc mấy mẹ con phải sống vất vưởng trên hè phố. Mẹ của Chaplin có cuộc sống khá rắc rối, bà có ba người con với ba người đàn ông, từng phải ra vào trại tâm thần và cuối cùng phải đưa các con vào trại tế bần.

Nói về tuổi thơ của mình, Charlie Chaplin chia sẻ: “Nếu ai muốn đong đếm hàm lượng đạo đức trong gia đình tôi bằng cách đem áp dụng những chuẩn mực thông thường, điều đó sẽ sai lầm giống như đem nhiệt kế nhúng vào nồi nước sôi”.

Hai chữ “đói nghèo” ấy đã ám ảnh gần như toàn bộ tuổi thơ của Charlie Chaplin. (Ảnh: Internet)

Tuổi thơ của Chaplin bị ông coi như đã kết thúc từ năm lên 7. Khi đó, ông phải vào trại tế bần. Thực tế, đây là cú sốc không bao giờ Chaplin có thể vượt qua: “Tôi hầu như chẳng bao giờ biết thế nào là khủng hoảng bởi tôi đã luôn sống trong khủng hoảng từ khi còn là một cậu bé. Tôi tự cho phép mình thoát ra khỏi mọi rắc rối bằng cách lãng quên chúng”.

Ngay từ nhỏ, Chaplin đã bắt đầu tham gia biểu diễn trong những vở kịch vui để kiếm sống. Năm 1910, cậu thanh niên Chaplin cùng đoàn kịch có chuyến lưu diễn đầu tiên sang Mỹ. Khi thuyền sắp tới Mỹ, tất cả mọi người đều lên boong để được nhìn thấy nước Mỹ từ xa.

Khi đó, Chaplin một chân ghếch lên thanh chắn an toàn, hai tay dang rộng và tuyên bố: “Nước Mỹ, ta tới đây để chinh phục! Tất cả đàn ông, phụ nữ, trẻ nhỏ rồi sẽ phải nhắc tới tên ta!”. Sau này, giây phút “tiên đoán” của Chaplin đã được nam diễn viên hài Stan Laurel – một đồng nghiệp cùng có mặt trên boong tàu lúc đó kể lại.
Ngay năm sau, ở tuổi 25, vận may bắt đầu mỉm cười với Chaplin khi nhân vật “The Tramp” ra đời và được khán giả Mỹ yêu mến. 
Một thập kỷ sau, Chaplin đã trở thành người giàu có, nổi tiếng và thế lực ở Hollywood. Cho tới giờ, Chaplin vẫn được coi là “kỳ quan của điện ảnh”. Ông tin vào sự hoàn hảo và mỗi bộ phim của Chaplin đều là bằng chứng của tài năng.

Những gì ông để lại cho lịch sử không chỉ là những bộ phim câm kinh điển và thâm sâu, mà còn là một nhân cách lớn với những bài học sâu sắc về cuộc sống
Charlie là nghệ sĩ nhiều sáng tạo và gây nhiều ảnh hưởng nhất trong kỷ nguyên phim câm, được biết đến nhiều nhất với nhân vật kẻ lang thang trong “The Little Tramp”. Đó là hình ảnh một người đàn ông thấp bé có ria mép hình bàn chải, đội mũ hình quả dưa, mặc chiếc áo khoác chật trong khi quần và đôi giày quá khổ, cầm ba-toong tre và bước đi nhanh nhẩu, vui mắt.

Trái ngược với nhân vật huyên náo ở trong phim, Chaplin ở ngoài đời trầm tính và kín đáo. Ông sống giản dị, một cuộc sống không-triệu-phú trong một căn nhà dân dã ngay cả khi ông kiếm được hàng triệu USD. Những gì ông để lại cho lịch sử không chỉ là những bộ phim câm kinh điển và thâm sâu, mà còn là một nhân cách lớn với những bài học sâu sắc về cuộc sống.

Một câu nói nổi tiếng của ông về quan điểm sống: “Cuộc sống sẽ rất tuyệt nếu bạn không e sợ nó. Tất cả những gì chúng ta cần là sự dũng cảm, trí tưởng tượng… và một ít bột để nhào nặn”. Chaplin cũng như tất cả những con người bình thường khác với đầy đủ những vui buồn hay thành công, thất bại trong cuộc sống, nhưng sự vĩ đại là ông đã rút ra được những bài học đáng giá và vượt qua để dần dần sống một cuộc sống tuyệt vời như ông đã nói… Bắt đầu bằng việc biết yêu bản thân mình.

Bài thơ về yêu thương bản thân của vua hề Sác lô – Chaplin

“Khi bắt đầu biết yêu thương chính mình, tôi nhận ra sự thống khổ và cảm xúc đau đớn chỉ là dấu hiệu tôi đang chống lại sự thật của bản thân. Hôm nay, tôi biết rằng đó là SỰ THÀNH THẬT.

Khi bắt đầu biết yêu thương chính mình, tôi hiểu rằng người khác sẽ khó chịu ra sao nếu tôi cố áp đặt những mong muốn lên họ, dẫu tôi biết thời điểm chưa tới và họ chưa sẵn sàng, kể cả khi người đó chính là tôi. Hôm nay tôi gọi đó là SỰ TÔN TRỌNG.

Khi bắt đầu biết yêu thương chính mình, tôi ngừng ao ước về một cuộc sống khác, và nhận ra mọi thứ xung quanh đều đang khuyến khích tôi lớn lên. Hôm nay tôi gọi đó là SỰ TRƯỞNG THÀNH.

Khi bắt đầu biết yêu thương chính mình, tội hiểu rằng dù trong bất kì hoàn cảnh nào, tôi luôn ở đúng chỗ và đúng thời điểm, và mọi việc đều xảy ra đúng như nó phải thế. Nên giờ đây tôi có thể bình thản. Hôm nay tôi gọi đó là SỰ TỰ TIN.

Khi bắt đầu biết yêu thương chính mình, tôi ngừng đánh cắp thời gian của bản thân, và cũng thôi phác họa những kế hoạch to lớn cho tương lai. Hôm nay, tôi chỉ làm những điều khiến tôi vui và hạnh phúc; làm những việc tôi yêu và khiến tim tôi nhảy múa. Tôi sẽ thực hiện theo cách thức và tiết tấu của riêng mình. Hôm nay, tôi gọi đó là SỰ BÌNH DỊ.

Khi bắt đầu biết yêu thương chính mình, tôi giải phóng bản thân khỏi những điều không tốt cho sức khỏe – thực phẩm, con người, sự vật, tình huống, và tất cả những thứ kéo tôi xuống và khiến tôi lạc mất chính mình. Ngày xưa tôi gọi đây là sự ích kỷ lành mạnh. Hôm nay tôi biết rằng đó là YÊU THUƠNG BẢN THÂN.

Khi bắt đầu biết yêu thương chính mình, tôi chấm dứt việc luôn cho rằng mình đúng, và kể từ đó tôi lại mắc ít sai lầm hơn. Hôm nay tôi khám phá ra đó chính là SỰ KHIÊM TỐN.

Khi bắt đầu biết yêu thương chính mình, tôi ngừng sống cho quá khứ và lo lắng về tương lai. Bây giờ, tôi chỉ sống cho hiện tại, khi mọi việc đang xảy ra. Hôm nay tôi sống mỗi ngày, từng ngày, và tôi gọi đó là SỰ ĐỦ ĐẦY.

Khi bắt đầu biết yêu thương chính mình, tôi nhận ra rằng suy nghĩ có thể khiến tôi phiền muộn và ngã bệnh. Nhưng khi lý trí kết nối với trái tim, trí não trở thành một đồng minh sáng giá. Hôm nay tôi gọi sự kết nối đó là TRÍ HUỆ CỦA TRÁI TIM.

Chúng ta đừng sợ tranh luận, đối đầu hay gây chuyện với người khác hay với chính mình. Ngay cả những ngôi sao còn va vào nhau, và sản sinh ra các thế giới mới. Hôm nay tôi biết rằng CUỘC SỐNG LÀ VẬY.

Những dòng thơ sâu sắc cho ta một cái nhìn đầy mới mẻ về danh hài Chaplin, người vốn “khá kín tiếng” trong các bộ phim đen trắng. Những bài học này nhắc nhở chúng ta rằng còn có bao trải nghiệm đáng quý của cuộc sống trên con đường đời lắm chông gai .
Mỗi dòng của bài viết đều gửi đến một thông điệp giá trị khi chúng ta cảm thấy mình đang lạc lối trên đường đời. Liệu bạn có đang gặp khó khăn khi học cách yêu thương bản thân? Học cách chấp nhận bản thân, và nhận ra điều bạn muốn phát triển, là cả một chặng đường dài phía trước.

Chúc Di (t/h)

Cái Chết Oan Khuất Của Nhạc Sĩ Minh Kỳ - Phạm Tín An Ninh



“Nha Trang là miền quê hương cát trắng. Có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa. Nha Trang cánh đồng bao la bát ngát. Hương quê dâng lên ngào ngạt, hòa cùng sức sống yên vui… Ai ơi, người về cho ta nhắn với. Nha Trang quê hương dịu hiền, ngàn đời lòng tôi mến yêu…” 


Ai đã sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, hoặc đã từng ghé lại đây đôi lần, đều không quên bài hát dễ thương này, mà cả một thời gian gần hai thập niên, đài phát thanh Nha Trang đã dùng làm nhạc hiệu mở đầu. Cuối tháng 3, 1975, Nha Trang bị nhận chìm trong làn sóng đỏ. Người Nha Trang đã cùng chịu chung số phận. Kẻ bị giết, người bị tù đày, gia đình, bè bạn, thầy trò, chia ly tan tác. Số phận của nhạc sĩ Minh Kỳ, tác giả bài hát này (cùng nhiều bản nhạc về Nha Trang khác nữa) cũng đã gắn liền với định mệnh đau thương của thành phố mà ông đã được sinh ra, hết lòng yêu thương và đã gởi trọn lòng mình qua những dòng nhạc thiết tha trìu mến đó. Ông đã bị giết. Cái chết thê thảm và oan khuất của ông có lẽ được ít người Nha Trang – dù còn ở trên quê nhà, hay tha phương khắp chốn – biết đến.

Người viết bài này, có cái cơ duyên được ở chung cùng một trại tù với ông, và cũng đã được tâm sự cùng ông một vài ngày trước khi ông chết.

Ðầu tháng 3, 1975, sau khi Ban Mê Thuột mất, những đơn vị từng sống chết với Cao Nguyên có lệnh triệt thoái. Tôi theo đơn vị, chỉ còn một phần tư quân số, lần lượt “di tản chiến thuật” vào Cam Ranh, rồi Vũng Tàu để tái tổ chức, trước khi tham dự những trận đánh cuối cùng “cô đơn và buồn tẻ” ở những địa danh xa lạ: Cần Giuộc, Bến Lức, thuộc tỉnh Long An, ngăn bước chân địch quân đang ồ ạt kéo về vây hãm Sài Gòn.

Ngày 28 tháng 4, 1975, tôi và cả vợ con, theo lời hẹn của người bạn chí thân, là SQ Hải Quân, có mặt tại Bến Bạch Ðằng. Nhưng đến giờ chót, trước sự ngỡ ngàng và tức giận của người bạn có lòng, tôi quyết định không cùng vợ chồng anh ấy xuống tàu di tản. Có lẽ anh không hiểu được là tôi cũng đã khổ tâm biết dường nào để có cái quyết định “sống chết” ấy, mặc dù tôi biết trước là rồi tôi cũng phải trả một cái giá, chắc không nhỏ. Tôi không đành lòng bỏ lại những đồng đội đã theo tôi từ những quê quán miền Trung, mà giờ đây đã trở nên xa tít mịt mờ trong tay giặc; và nhất là cha tôi, người cha đã làm gà trống nuôi con từ lúc tôi mới lên ba, mà tôi được tin là ông đã bị bắt và đang bị giam giữ ở đâu đó ngoài Nha-Trang. Tôi không thể xa ông trong hoàn cảnh khốn cùng này.

Ðiều đáng ân hận nhất là, dù ở lại để chấp nhận mọi điều, nhưng tôi cũng không bao giờ có cơ hội gặp lại cha tôi. Ông đã chết trong trại cải tạo Ðá Bàn, cuối tháng 6, 1976, và đúng ngay vào cái đêm tôi bị chở bằng xe “bịt bùng” từ trại tù An Dưỡng Biên Hòa ra bến Tân Cảng để xuống tàu Sông Hương ra Bắc. Mãi gần năm năm sau tôi mới nhận được tin buồn.

Trại tù An Dưỡng Biên Hòa, cũng chính là nơi tôi đã gặp nhạc sĩ Minh Kỳ, và đã tâm tình cùng ông một ngày trước khi ông chết.

Tôi trình diện tại trường Ðại Học Kiến Trúc, bị đưa lên nhốt tại trại tù binh Tam Hiệp. Một tháng sau được chuyển đến trại tù An Dưỡng Biên Hòa, nằm bên cạnh phi trường quân sự Biên Hòa. Trại an dưỡng này, trước là một khu quân sự, về sau được chỉnh trang lại để tiếp nhận những quân nhân tù binh của ta được miền Bắc trao trả theo hiệp định Paris. Họ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng cả sức khỏe lẫn tinh thần ở trại An Dưỡng này trước khi trở về đơn vị cũ và gia đình.

Ðến trại này, tôi gặp những anh em ở đây từ trước cùng một số mới được chuyển từ các trại khác tới. Gồm đủ các quân binh chủng, kể cả những sĩ quan biệt phái về các bộ, và cảnh sát. Trong số này có nhạc sĩ Minh Kỳ. Tôi ở Nhà 1, còn anh Minh Kỳ ở Nhà 3 (?), cách nhau khu nhà bếp (gọi là hậu cần).

Cũng như những người Nha Trang khác, lớn lên vào những năm giữa thập niên 50, đầu thập niên 60, tôi thuộc lòng những bài hát Nha Trang của nhạc sĩ Minh Kỳ, nhưng chưa hề biết tên thật và cũng chưa được hân hạnh gặp ông. Trong Nhà 1, tôi nằm bên cạnh hai anh bạn tù lớn tuổi hơn tôi. Một anh từ trường Chỉ Huy Tham Mưu, một anh làm ở Nha Quân Pháp.

Hai anh này rất tốt bụng và vui tính, có quen biết nhạc sĩ Minh Kỳ. Biết tôi là dân Nha Trang, nên có lần anh đã giới thiệu tôi với anh Minh Kỳ.

Nhạc sĩ Minh Kỳ lớn tuổi hơn tôi nhiều, nên tôi gọi ông bằng anh và xưng em… Có lẽ bản tính của anh vốn thầm lặng, ít nói, và đặc biệt trong hoàn cảnh như vừa trải qua cơn ác mộng, chưa biết ngày mai sẽ ra sao này, anh lại càng ít nói hơn. Gặp anh vài ba lần, tôi chỉ nói lên lòng hâm mộ của tôi về những bài hát Nha Trang, mà với tôi bây giờ nó lại là những kỷ niệm vô giá. Anh thường chỉ trả lời tôi bằng một nụ cười buồn.

Một đêm, cuối tháng 8, 1975 (31 tháng 8, 1975), vào khoảng 09:30 tối, cả trại tù đang chìm trong bóng đêm với cả ngàn người tù đang nằm thao thức, bởi tâm tư còn nặng trĩu lo âu, đang chờ đợi những điều bất trắc nào đó sẽ đến với số phận mình, bỗng một tiếng nổ long trời kèm theo những tiếng la thất thanh, và rồi tiếng còi báo động, tiếng chát chúa trên loa phóng thanh, lệnh cho tất cả “cải tạo viên” nằm yên tại vị trí, kẻ nào bước ra khỏi nhà sẽ bị bắn tại chỗ.

Khi đám tù chúng tôi chưa hết hoang mang, thì tiếng xích sắt xe tăng T 54 tràn vào trại rít lên từng chặp, chia nhau bao vây từng căn nhà. Hằng loạt bộ đội, súng gắn lưỡi lê, mặt tên nào cũng đằng đằng sát khí túa vào từng nhà, kéo cơ bẩm lên đạn, quát tháo chúng tôi đứng dậy ngay tại chỗ, hai tay để trên đầu. Tôi có cảm giác là chúng tôi sắp bị xử tử…

Chúng tôi đứng bất động như vậy cho đến gần 10 giờ trưa. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy mấy anh em tù ở nhà 3 khiêng một số người bị thương lên bệnh xá.

Cả ngày sau, tất cả tù đều không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi ra cầu tiêu và ở đó cũng có đầy lính gác. Sau đó, đúng vào ngày 2 tháng 9, Quốc khánh của VC, tất cả chúng tôi được đưa lên hội trường. Ngồi chễm chệ trên dãy bàn trước mặt chúng tôi là những “thủ trưởng” không mang quân hàm, nên chúng tôi cũng chẳng biết họ là ai. Chúng tôi bị “nghiêm khắc” cảnh cáo là “có bọn phản động trong các anh đã giấu giếm vũ khí, mang lựu đạn Mỹ vào để nhằm phá hoại thành quả kách mệnh” (!). Sau đó chúng tôi làm “bản tự khai tội ác” và bắt đầu bài học số 1, “Ðế Quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân ta.”

Khi ấy chúng tôi mới biết tiếng nổ tối hôm ấy đã xảy ra tại Nhà 3, làm chết và bị thương khá nhiều. Mọi dấu tích đã được thu dọn sạch sẽ, như chưa hề có việc gì xảy ra.

Có điều cái “sự cố” thảm khốc ấy, không phải như lời “lên lớp” hù dọa của mấy ông thủ trưởng, bởi một điều rất dễ hiểu là ngay từ lúc vào trại cho đến bây giờ, đã qua hằng trăm lần kiểm soát, vả lại hành trang mang theo của mỗi người tù đâu có cái gì, ngoài hai bộ áo quần, cái khăn lau mặt và bàn chải đánh răng. Tiền bạc và tư trang khác đã được “kách mạng” giữ hộ ngay sau khi nhập trại. Vậy thì một trái lựu đạn có phép màu nào lọt vào trong trại. Ðiều quan trọng hơn, là nếu người tù nào dám liều mạng mang được lựu đạn vào trại thì cũng chỉ nhằm mục đích giết kẻ thù chứ sao lại giết chết bao nhiêu bè bạn của mình?

Những câu hỏi đó đã có sự trả lời chính xác ngay sau đó. Một số bạn tù ở Nhà 3 và Nhà kế bên kể lại như sau: Nhà 3 (chứa khoảng 80 tù nhân, đa số là SQ Cảnh Sát) nằm đối diện ngay trước Khu Trực Ban và Nhà Vệ Binh của trại, chỉ cách nhau chừng hơn năm mét và một hàng rào kẽm gai. Khi ấy tổ của nhạc sĩ Minh Kỳ đang họp để phân công nấu bếp vào ngày mai, thì một quả lựu đạn được quăng vào vách tôn ngay phía sau làm 3 người chết tại chỗ và khoảng 8 người bị thương. Nhạc sĩ Minh Kỳ bị thương rất nặng, được anh em tù khiêng lên bệnh xá cùng với những anh em bị thương khác. Ông bị thương ở ngực, bụng và cổ rất nặng. Biết mình sắp chết nên trăng trối với những bạn tù:

– Tụi mày về nói với vợ tao ráng nuôi con tao, chắc tao không sống được.

Sau đó máu ở ngực và cổ chảy ra lênh láng. Ông vừa la vừa rên:

– Sao chân lạnh quá!

– Lạnh quá! Sao bụng tao lạnh quá! Sao ngực tao lạnh quá!

Ông chết từ từ, chết từ chân đến bụng rồi đến ngực cho đến lúc tắt thở.

Một cái chết mà chính ông cảm nhận được, biết được nó đến với mình từng phút từng giây.

Sáng sớm hôm sau, anh em bạn tù, với sự giám sát của toán vệ binh VC, đem chôn các bạn tù vắn số của mình trên một mảnh rừng bên ngoài vòng đai phi trường quân sự Biên Hòa.

Ai cũng biết là trái lựu đạn giết chết nhạc sĩ Minh Kỳ cùng những người bạn tù khác, là do chính bọn VC quăng từ khu trực ban của trại phía bên kia hàng rào. (Có một số sĩ quan ngành đạn dược còn cho là tiếng nổ ấy có thể là tiếng nổ của đạn B40 hay B41, có sức tàn phá còn hơn cả lựu đạn).

Và cũng sau ngày ấy, chúng tôi phải chịu một trò chơi trả thù ác độc từ phía những người chiến thắng. Mỗi ngày chia nhau đi gỡ các bãi mìn trong hàng rào phi trường quân sự Biên Hòa.

Họ đã bày ra cái trò giết người dấu tay ở Nhà 3, để rồi lại lấy đó làm lý do giết tiếp những người còn lại bằng cái trò chơi đẫm máu “gỡ mìn” này.

Những bãi mìn này do Công Binh của ta thiết lập chằng chịt dọc theo hệ thống phòng thủ phi trường. Bây giờ, không có sơ đồ những bãi mìn, chúng tôi lại là những người không chuyên môn về mìn bẫy, có nhiều anh em giữ các chức vụ tham mưu, hay được biệt phái về các bộ khác, chưa hề thấy lại quả mìn sau ngày rời khỏi quân trường. Vậy mà bây giờ phải tham dự cái trò chơi bất nhân này. Ngày nào cũng có mìn phát nổ, người chết, vài người mất tay, mất chân, nhưng vẫn không làm giao động được tấm lòng của những người “kách mạng!”

Và cũng chính nhờ được cắt cử đi đào huyệt chôn một người bạn tù chết mìn, sớm trả “nợ máu” sau ngày miền Nam “giải phóng” này, đám chúng tôi mới phát hiện được bốn ngôi mộ mới đã nằm sẵn tại “nghĩa trang” vô danh trong một mảnh rừng hoang. Trước mỗi ngôi mộ được đắp đất sơ sài đó có cái bia làm bằng một mảnh gỗ nhỏ. Bọn chúng tôi lén đọc tên trên từng tấm bia viết bằng sơn đỏ, trong đó có tên Vĩnh My (Vĩnh Mỹ?). Ðó chính là tên trong khai sinh của nhạc sĩ Minh Kỳ (Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ). Dưới sự canh gác nghiêm ngặt của đám vệ binh, tôi chẳng biết làm gì khác hơn là khi đi ngang trước mộ anh để trở về trại, chắp hai tay trước ngực và cúi đầu tưởng niệm anh cùng những bạn bè xấu số đã chết tức tưởi cùng anh.

Lòng tôi nhói lên đau đớn như vừa bị một nhát chém hư vô nào đó. Trong tôi vừa mới mất thêm một điều gì, mà với tôi nó trở thành thiêng liêng hơn là kỷ niệm. Nhiều đêm sau đó tôi trằn trọc cả đêm không ngủ. Dư âm những bài hát NhaTrang của anh lúc nào cũng văng vẳng bên tai tôi. Tâm tư lúc nào cũng mơ màng đến thành phố Nha Trang, đến ngôi trường Võ Tánh, nhớ da diết những kỷ niệm ấu thơ, của những ngày đi học, và hình dung đến từng khuôn mặt bè bạn thân quen… Cũng mới đây thôi, mà bây giờ tưởng chừng như đã là một quá khứ thật xa xăm, mơ hồ như kiếp trước. Ba mươi năm chiến tranh trên quê hương đã đem lại biết bao điều bi thảm. Vậy mà sau khi chiến tranh chấm dứt lại còn nhiều bi thảm hơn. Cái chết của nhạc sĩ Minh Kỳ cũng chỉ là một trong hàng vạn, hàng triệu điều oan khiên bi thảm đó. Nhưng chúng ta xót xa và nhớ đến nhạc sĩ Minh Kỳ, bởi chính vì ông là một nghệ sĩ, một người đã sống và cống hiến cho đời bằng chính trái tim mình. Ðặc biệt với những người NhaTrang và những người yêu Nha Trang, đã mang ơn Ông vì Ông đã cho chúng ta những dòng nhạc biểu tượng của quê nhà, mà chúng ta sẽ mang theo dư âm tiếng hát cho đến suốt cuộc đời.

Với tôi, những đau đớn này cứ tưởng chỉ chôn chặt trong lòng, không ngờ sau khi xem chương trình nhạc Lê-Dinh trên Thúy Nga Paris trước đây, trong đó nhạc sĩ Lê-Dinh có nhắc tới cái chết của nhạc sĩ Minh Kỳ, và mới đây là chương trình Huyền Thoại Lê Minh Bằng trên Asia, đã làm tôi nhớ thật nhiều đến cái chết của Ông và ngồi xuống viết lại những dòng này.

Xin được thay một nén hương lòng đốt lên cho một người đồng hương, đồng tù, bỏ bạn bè ra đi bằng một cái chết thảm thương, oan khuất… Cũng để được nói lên lòng tiếc thương một nhạc sĩ tài hoa đã làm Nha Trang sống mãi trong lòng người. Và nếu được phép, xin gởi một lời chia buồn thật muộn màng nhưng với trọn tấm lòng đến gia đình ông.


Bắc Âu, một ngày không có mặt trời”


(Nguồn: K3HH@yahoogroups. com)