Pages

Thursday, February 28, 2019

Vì Sao Bạn Nên Cạo Lưỡi Hằng Ngày?


Cạo lưỡi có thể không phải là thói quen của nhiều người, nhưng thực tế chúng ta đang bỏ qua một trong những phương pháp quan trọng nhất để cải thiện sức khỏe nói chung.

Ắt hẳn nhiều người sẽ hỏi tại sao việc cạo lưỡi mỗi ngày lại quan trọng đến vậy. Những lý do trong bài viết này sẽ cho bạn cơ sở để thực hành thói quen cạo lưỡi ngay từ bây giờ.

Cạo lưỡi là gì? Tác dụng của cạo lưỡi là gì?
Theo MindBodyGreen, cạo lưỡi hoặc nạo lưỡi là một hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng đơn thuần. Nhờ nạo lưỡi, con người có thể loại bỏ các vi khuẩn, mảnh vụn thức ăn, nấm, độc tố hay tế bào chết trong cơ thể.

Khi con người ngủ, hệ thống tiêu hóa vẫn luôn hoạt động. Ngoài chức năng hấp thu, hệ thống cũng có nhiệm vụ loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể và lưỡi là nơi được chọn để "gửi gắm" những độc tố đó.
Nếu như chúng ta không loại bỏ độc tố, nấm có hại bám trên bề mặt lưỡi, chính chúng ta sẽ vô tình hấp thu lại vào cơ thể qua đường ăn uống. Hậu quả thường thấy là những căn bệnh liên quan đến hô hấp, rối loạn tiêu hóa hay suy giảm hệ thống miễn dịch.

Một nghiên cứu từng được công bố trên WebMD (website uy tín về chăm sóc sức khỏe) cho biết, việc sử dụng một dụng cụ chuyên cạo lưỡi đem lại hiệu quả loại bỏ độc tố và vi khuẩn trên lưỡi tốt hơn nhiều so với bàn chải đánh răng tích hợp đầu chải lưỡi.

Mặc dù đánh răng và dùng chỉ nha khoa sẽ loại bỏ được thức ăn và mảng bám trong răng và nướu, nhưng thực tế có gần một nửa số vi khuẩn trong miệng chúng ta sống ở trên và trong các đường nứt của lưỡi. Việc dùng dụng cụ cạo lưỡi sẽ giúp loại bỏ được gần hết số mảng bám và vi khuẩn này.
Những lý do dưới đây có thể sẽ khiến bạn muốn cạo lưỡi hàng ngày:

1. Không cạo lưỡi, miệng sẽ rất hôi
Hơi thở không "thơm tho" có thể tác động rất xấu tới cuộc sống của một người, bao gồm các mối quan hệ xã hội lẫn lòng tự trọng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hơi thở có mùi chủ yếu do một số vi khuẩn nằm ở phần gốc lưỡi nằm sát họng, khu vực rất khó dùng bàn chải đánh răng tiếp cận.
Chính vì vậy, việc cạo lưỡi giúp giảm đáng kể các loại vi khuẩn đường miệng gây ra tình trạng hôi miệng ở một số người.

2. Bạn muốn tận hưởng hương vị món ăn chuẩn nhất
Một quá trình tiêu hóa hoàn hảo bắt đầu từ hương vị và nước bọt. Nếu bạn không thường xuyên vệ sinh lưỡi, vị giác của bạn có thể bị sai lệch nghiêm trọng, thậm chí không thể nhận biết được mùi vị của thức ăn.
Việc cạo bỏ lớp vi khuẩn và chất bẩn trên lưỡi giúp khơi thông các điểm vị giác trên lưỡi và cho phép chúng ta có thể thưởng thức trọn vẹn hơn hương vị của món ăn.

3. Bạn muốn tăng cường hệ miễn dịch
Có thể bạn chưa biết, lưỡi là "lá chắn" đầu tiên trong hệ thống miễn dịch của con người. Nạo lưỡi giúp ngăn chặn độc tố bị tái hấp thu vào trong cơ thể, qua đó bảo vệ hệ thống miễn dịch của chính bạn.

4. Sức khỏe răng miệng sa sút, hãy chăm cạo lưỡi ngay
Khi răng miệng có nhiều triệu trứng không ổn như viêm nướu, viêm chân răng..., đó là lúc bạn cần quan tâm hơn tới sức khỏe răng miệng. Ngoài việc chăm chỉ đánh răng 2 lần/ngày hoặc sau khi ăn, bạn cần tạo thói quen luôn cạo lưỡi mỗi khi đánh răng để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh trong miệng.

Bởi lẽ, những mảng bám tích tụ lâu ngày trong răng, nướu hay lưỡi sẽ là những điều kiện thuận lợi gây nên nhiều chứng bệnh răng miệng không mong muốn như sâu răng, nhiễm trùng nướu hay tụt nướu.

5. Bạn muốn cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Hệ tiêu hóa ảnh hưởng rất nhiều bởi con đường ăn uống. Khi miệng là bộ phận đầu tiên trong dây chuyền tiêu hóa của cơ thể gặp vấn đề, nó cũng kéo theo nhiều chứng bệnh liên quan.
Do đó, cạo lưỡi sẽ làm sạch bề mặt lưỡi, bộ phận tiếp xúc nhiều với thức ăn nhất và giúp tránh những chất độc có thể tác động xấu tới hệ tiêu hóa. Chưa kể cạo lưỡi còn kích thích sản sinh nước bọt và agni (năng lượng trao đổi chất của hệ tiêu hoá, yếu tố chủ yếu tạo nên sức khỏe) giúp bảo vệ hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.

Cạo lưỡi sao cho đúng và hiệu quả?
Các nha sỹ thường khuyến cáo mọi người nên vệ sinh răng miệng thường xuyên, đặc biệt vào hai thời điểm sáng và tối. Cạo lưỡi cũng được khuyến cáo nên được thực hiện đồng thời trước khi đánh răng.

Ảnh dụng cụ cạo lưỡi

Bạn có thể sử dụng các dụng cụ đơn giản để cạo lưỡi, chẳng hạn một thanh kim loại hoặc nhựa mỏng, dài và có thể uốn cong được theo hình chữ U. Nếu không thể tự chế, bạn có thể tìm đến các cửa hàng thuốc, trung tâm y tế, phòng khám nha khoa để mua dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng.

Cách cạo lưỡi vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần uốn cong hai đầu của dụng cụ, sau đó nhẹ nhàng cà lên bề mặt lưỡi theo chiều hướng ra ngoài. Lưu ý nên cạo tới phần sâu nhất của cuống lưỡi càng tốt. Tuy nhiên cũng không nên quá sâu vì có thể gây nên hiện tượng buồn nôn. Có thể cạo nhiều lần cho đến khi cảm thấy lưỡi đã sạch, nhưng không cạo mạnh quá và nhiều quá sẽ gây rát lưỡi.

Cuối cùng hãy luôn ghi nhớ rửa sạch và sử dụng đều đặn dụng cụ cạo lưỡi như một thói quen hàng ngày để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Mai Huyền
vnreview.vn

Ngôn Ngoại - Tâm Thanh


Tôi về Việt Nam ăn Tết, khi trở ra, gặp một chuyện trên máy bay, tới bây giờ vẫn còn lấy làm lạ. Tôi cũng hơi áy náy nữa, nên mong bà ngồi bên tôi chuyến đó, ghế số 27E, tình cờ đọc được bài này sẽ cho tôi biết tin bà có bình an không, mặc dầu khi chia tay, bà ra dấu hiệu ‘Cứ yên tâm’.
    
Đầu tiên khi lên máy bay tôi đã thấy bà chiếm chỗ của tôi, 27D, mà ngủ li bì. Lạ thật, mới lên máy bay đã ngủ. Tôi không dám đánh thức vì thấy mặt bà co giật một cách khổ não, chỉ sợ đụng phải lỡ bà lăn đùng ra thì mang vạ. Đấy, cái gì tôi cũng cứ nói thật, xin bà bỏ qua. Cuối cùng, vì bị hành khách đi sau thúc quá, tôi đành bước qua người bà mà vào chỗ ngồi tạm. Trước khi máy bay chuyển bánh ra phi đạo để cất cánh, cô tiếp viên tới kiểm soát, thấy bà chưa cài dây an toàn, lại bảo tôi cài cho bà. Một sự lầm tưởng tai hại. Nhưng tôi không đủ lanh trí để cải chính một cách tế nhị, chẳng lẽ tự dưng tôi nói ‘bả không phải vợ tôi’? Vả lại, cài giùm cái dây có cần gì phải là vợ chồng? Tôi nghiêng qua người bà tìm mối dây bên kia, nghe nồng nực mùi dầu cù là. Tôi nín thở cài khóa, tiếng kim loại ăn khớp kêu crắc xác nhận là tôi đã làm chu đáo một nhiệm vụ nhỏ, nhưng có thể trở thành lớn, nếu nói dại có trục trặc gì xảy ra. Nhưng máy bay cất cánh an toàn. Khi đèn báo hiệu cho phép cởi dây an toàn, tôi cởi cho mình, rồi tần ngần nghĩ đã cài cho bà, thì tôi cũng nên cởi cho bà.
    – Ê! Làm gì kỳ vậy, cha già mắc dịch!
    ‘Chát!’ Bàn tay tôi bị bắt quả tang đang thò sang lòng bà. Tôi vừa giận vừa xấu hổ, ức quá mà không dám gây sự lại. Thôi thì phải tự an ủi là bà chưa ngoác mồm tuôn ra một tràng xỉ vả nặng hơn nữa, và còn may là hành khách chung quanh coi bộ không ai chú ý tới lời ‘vu cáo’ trắng trợn kia. Tôi đành im lặng chịu trận cho tới khi nghe bà nói trổng:
    – Mắc đái thấy mụ nội. Bao giờ máy bay mới ghé đổ nước, cho hành khách đi đái không biết?
    Được dịp ‘đáp lễ’ sự lỗ mãng của bà bằng sự đàng hoàng và kẻ cả của mình, tôi chỉ giùm làm phước:
    – Toilette ở trước mặt kia kìa, bà.
    Bà ngơ ngác nhìn lên rồi ngơ ngác nhìn lại tôi:
    – ‘Toa với lết’. ‘Lết’ đi đâu cha nội? Tui mắc đái xón ra quần bây giờ nè. Chạy te không kịp, ở đó mà ‘lết’.
    
Tôi bỗng nhận ra bên cạnh tôi là một người đàn bà, mặt thuôn dài, lưỡng quyền cao, khá đẹp, nhưng quê như một cục đất. Tôi hết giận:
    – Bà có biết đọc … xa tới đằng kia nổi không?
    – Chữ ta thì đánh vần được chớ, sao không? Mắc cái chữ Tây ôn dịch gì đâu. Mà biển gì kẻ chữ bằng con kiến!
    – Bà khỏi cần đọc chữ cũng được. Lên đó, thấy có cái cửa nào có vẽ hình ông Tây với bà Đầm, thì bà vào mà … đái.
    Bà vừa nhổm dậy đã bị sợi đai trì lại, la to:
    – Ối chu cha! Con mẹ đứa nào nó cột eo ếch tui, tế mồ tế mả nhà nó!
    Tôi im thin thít, không dám tự thú nhận ‘tội ác’ của mình, chỉ giúp bà mở khóa dây. Giữa lúc không hề dám mong đợi, tôi lại được bà ban cho một nụ cười tươi rói, và một giọng ỏn ẻn:
    – Té ra hồi nãy chú tính cởi trói cho tui hả? Không biết đứa mắc dịch nào đi tầu đi xe mà còn phá.
    Rồi bà lảo đảo đi lên cầu tiêu, lâu lắm mới thấy trở lại:
    – Không thấy nhà cầu đâu hết. Chú giắt tui đi được hôn?
    Tôi tính nói ‘bảo đảm bà không kiếm ra cái cầu cá tra trên máy bay đâu’, nhưng lại im lặng hướng dẫn bà lên cầu tiêu, mở một cửa trống chỉ cho bà vào. Bà ngạc nhiên:
    – Thì hồi nẫy người ta cũng chỉ cho tui cái tủ kín bưng như vầy. Có cầu kiều mẹ gì đâu?
    
Đã trót thì trét, tôi kéo bà vào hẳn bên trong, chỉ cho bà cách ngồi cầu, xé giấy, cách bấm nút xối cầu, rửa tay bằng xà bông, và thoa nước thơm, đủ lễ bộ. Để chắc ăn, tôi bảo bà làm ơn thực tập thử cái thủ tục quan trọng nhất là nhấn vào cái nút xối cầu. Bà vừa thò tay nhấn nút, tiếng cống hút rồ lên như cọp táp gà con, bà ôm chầm lấy tôi la:
    – Trời đất thiên địa ơi! Con gì nó rống quá trời!
    Khi tôi để bà ở lại và đi ra, có một một cậu Việt Nam đứng chờ, nhìn một cách hóm hỉnh nói nhỏ:
    – Ông bà tình ghê!
    Câu này, chắc hôm đó bà không nghe đâu, nhỉ? Về chỗ, tôi vẫn ngồi vào cái ghế đã bị đổi, đầu tràn ngập những dấu hỏi về người đàn bà kỳ lạ. Bà đi với ai? Đi đâu? Làm gì? Khi bà trở lại, lò dò mãi không tìm thấy chỗ, tôi phải vẫy tay, kêu:
    – Bà ơi! Đằng này nè!
    Tôi nghe từ hàng ghế sau, phía bên trái có giọng đàn bà, tiếng Việt:
    – Ông già lấy được bà vợ đẹp, chỉ tội quê không để đâu hết.
    
Bụng tôi thon thót theo mỗi bước chân của bà, chỉ lo ngại cho những cái đầu người ngồi dẫy bìa bị tay bà quơ phải, lỡ mà bà nhằm cái đầu tóc giả của một ông Tây mà vịn thì tôi phải tuyên bố ‘ly dị’ ngay tại chỗ. Nhưng tôi thở phào khi cuối cùng bà tới được chỗ ngồi bình an, gieo bàn tọa cái rầm, thả ra mùi ‘eau de Cologne’ pha lẫn mùi dầu cù là lổn ngổn.
    – Bà đi máy bay lần đầu?
    – Chớ lần mấy?
    – Bà đi đâu ạ?
    – Phần-lan.
    – Bà đi thăm bà con bên đó, chắc?
    – Bà con hồi nào? Theo chồng.
    – Ông nhà sang Phần-lan lâu chưa?
    – Chả người Phần-lan …
    
Bà kể bà làm nghề chèo ghe đưa khách tại bến đò Vĩnh Long. Chở bạn hàng cũng có, mà sau này chở khách du lịch cũng có. Thường thì bà chậm chân, không tranh được mấy mối khách du lịch béo bở. Một hôm bà để ý có một ông khách Tây cứ ngồi uống cà phê đá mà nhìn bà cả buổi, ‘cái đầu xồm không nhúc nhích’ và ‘cái môi đỏ chót liếm lia’. Cuối cùng ông đứng lên ra bến, đưa tay gạt hết mấy thằng giành mối ra một bên, mà tiến thẳng lại ghe bà, chẳng nói chẳng rằng, bước xuống, và bà chèo ghe cho ông coi cảnh trên sông Cổ Chiên. Bà nói tiếp:
    – Tối về chả rút bóp ra một xấp tiền đô. Tui hổng dám lấy. Thằng chả xòe ra biểu lấy một ít cũng được. Nhưng chú tính coi – ai lấy kỳ vậy?
    
Cô tiếp viên đưa khay ăn tới. Tôi giúp bà hạ bàn con xuống, chọn nước uống, và chỉ bà cách dùng mấy thứ lỉnh kỉnh như dao nĩa, khăn ăn v.v. Và tôi ngạc nhiên tại sao một người chèo đò nhà quê mà có bàn tay búp măng đẹp như vậy. Bà cầm dao ăn như cầm búa, nhưng ăn vén khéo và rất … bạo -so với các mệnh phụ phu nhân khác. Vẻ tự nhiên của bà và những món ăn hấp dẫn với rượu vang khiến tôi phấn chấn tinh thần. Tôi thấy đã đủ thân mật để nói đùa:
    – Bà không lấy tiền, chứng tỏ bà mê ông rồi?
    Bà cười khinh khích:
    – Mê cái mốc xì họ. Bộ ghe chùa sao? Tôi lấy cái tờ có vẽ số 1.
    – Sao bà không lấy tờ vẽ số 10 hay 20?
    – Lấy đủ công mình thôi chớ.
    – Rồi sau đó?
    – Sau đó hả? Mấy bữa sau, bữa nào chả cũng trở lại thuê ghe tui đi chơi lòng vòng… Rồi chả đòi lấy tui.
    – Ý! Chết mẹ người ta chưa!
    Dầu biết trước bà đang trên đường đi về nhà chồng, tôi buông ra một câu sững sờ như thế vì hồi kết cuộc tới một cách đột ngột quá. Không ngờ tiếng reo của tôi đã đậm đà giọng của bà, thốt ra mà thấy sướng cổ họng.  Nhưng thấy sau đó bà im bặt, tôi lại lo bà giận tôi lỗ mãng.
    – Xin lỗi nhé!
    – Lỗi gì?
    – Dạ, không.
    
Tôi chờ đợi một câu truyện hấp dẫn, có đầu đuôi hơn. Tôi muốn biết buổi hẹn hò đầu tiên ở đâu? ông tỏ tình thế nào? tại sao bà biết ông thương mình thiệt? cái gì làm cho bà thích ông? ông làm nghề gì? có tổ chức đám cưới không? Nhưng bà không kể nữa, tiếp tục ăn món tráng miệng, khen ngon.
    Tôi uống sang ly Cognac thứ ba, nghe ra giọng nhừa nhựa của chính mình:
    – Dô! Dô! Mừng cho mối tình của bà! Đẹp thấy … mẹ!
    Bà nhìn tôi, cau mặt:
    – Ê! Chú hổng nên bắt chước tui ăn nói cái kiểu ẩu tả đó.
    Thế ra bà vẫn biết mình ăn nói khác thường. Tôi chữa:
    – Bà nói ngon lành hết xảy, chứ đâu có … ẩu tả.
    – Chú nói thiệt tình hay xí gạt tui?
    – Tui xí gạt bà làm mẹ gì? Bà là người tốt muốn chết.
    – Chú coi bộ cũng được, nên tui khuyên chú đừng bắt chước tui. Tui trót học thói xấu, không sửa được. Không muốn sửa. Thằng khốn nạn đó …
    Tôi ngạc nhiên, tại sao mới ‘thằng chả’ thân mật đã lên cấp ‘thằng khốn nạn’?
    – Bà nói ai … khốn nạn?
    – Thằng chồng của má tui.
    – ‘Chồng của má’, tức thị là cha ?
    – Cha ghẻ tui đó. Mà tui có kêu chả bằng cha đâu.
    – Sao vậy?
    – Nó nhậu say rồi đánh đập mẹ tui tối ngày. Một hôm nó định giở trò súc vật  với tui, mẹ tui bắt gặp, nó đánh mẹ tui bất tỉnh nhơn sự, tui quơ con dao yếm, huơ cho nó ớn mà giang ra, ai dè nó tự lao thây vào lãnh dao, chết ngắt. Đúng là số chả chết. Bị thần Lưu Linh vật. Tui .. tui không cố ý. Ông ta cũng thông cảm cho tui như vậy. Tui chỉ bị ba năm cải tạo. Lúc má tui đau nặng, người ta lại thả cho về sớm gần năm để nuôi bả.
    Bà ngưng kể, khóc. Tôi im lặng để bà khóc tự nhiên, nhưng thấy bà khóc mãi, tôi an ủi:
    – Việc đã qua rồi. Bà đừng buồn nữa.
    Bà mủi lòng, khóc mùi hơn:
    – Tui nhớ má tui với thằng Mẫn quá. Tui bỏ đi thiệt là tệ. Không ai coi chừng má tui với nó hết trơn.
    – Thằng Mẫn là ai?
    –  Nó là em cùng mẹ khác cha với tui. Nó bị tàn tật, què giò.
    – Cha em là ai?
    – Thằng chồng mắc toi của mẹ tui, chứ ai?
    
Tôi quay nhìn khuôn mặt hiền lành đẫm nước mắt và nghĩ có lẽ chính khuôn mặt này đã làm cho các quan tòa giảm khinh cho bà tội vô ý giết người. Phải tay tôi, đã cho bà trắng án. Rồi như bấm nút, bà nín bặt, chùi nước mắt, nói ráo hoảnh:
    – Bảy năm cãi lộn với thằng cha ghẻ và hai năm cải tạo, hết thảy chín năm, tui quen ăn nói ba trợn. Sửa lại thấy … miệng lạt nhách.
    Bà nói xong than:
    – Tui mắc ói quá. Trước khi lên máy bay đã uống ba viên thuốc, mà còn mắc ói.
    – Hèn gì bà vừa lên máy bay đã ngủ li bì.
    
Tôi vừa kịp banh cái bao ói thì bà ọc ra. Bà lại lấy dầu cù là ra xức. Cái nồng nàn của những chuyến đò đêm, cái ngất ngưởng của những chuyến xe đò trưa nắng, cái bệnh viện lưu động đó, dầu cù là con hổ. Hai mươi năm mới gặp lại, gặp lại vẫn nồng. Tôi bật ghế cho bà nằm nghỉ. Tôi cũng ngả người, nhắm mắt, suy nghĩ miên man về câu truyện của bà. Thỉnh thoảng tôi hé mắt, thấy bà chăm chú coi phim trên bàn ảnh truyền hình. Tôi chỉ cho bà đeo ống nghe. Tay chạm phải bộ tóc thật rậm, khỏe mạnh.
    
Không biết máy bay đã bay tới đâu và mấy giờ ở dưới mặt đất. Tôi có cảm tưởng thời gian và không gian như đọng lại ở một nơi xa lạ, không liên quan tới trái đất. Nhưng tôi vẫn tưởng tượng dưới đó hàng mấy tỉ người đang lao xao cười, khóc, nói thật và nói dối, thông cảm và ngộ nhận, bằng nhiều thứ ngôn ngữ, chân ngôn xen lẫn ngụy ngôn.
    Tôi thức giấc đã nghe nhiều người rục rịch. Bà đã bật ghế thẳng, ngồi đan áo, tôi hỏi:
    – Bà không ngủ?
    – Ngủ mẹ gì được. Vừa chợp mắt đã nghe tiếng gà gáy.
    Tôi ngạc nhiên:
    – Trên máy bay, làm gì có gà kìa?
    Bà không do dự:
    – Chắc nó gáy trong đầu tui. Bị ở nhà quê, nghe gà gáy riết, quen đi, cứ gần hừng sáng là nghe gà gáy trong tai.
    Hình như bà giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng trực giác. Thuần trực giác. Tôi chắc người đàn ông gặp bà trên bến đò Vĩnh Long cũng có trực giác rất mạnh. Tôi thích nghe tiếp câu truyện về họ.
    – Tại sao ông không về Việt Nam … rước dâu?
    – Chú đừng kiêu ngạo tui… Chả đòi sang đó chớ. Nhưng tui không cho. Tui nói dìa chi tốn tiền. Tui xin món tiền đó cho thằng Mẫn ăn học, chả bằng lòng, gởi tiền dìa rồi.
    Khi bà dẹp len và kim đan để chuẩn bị ăn điểm tâm, tôi hỏi:
    – Bà đan áo cho ông?
    – Bển nghe nói lạnh lắm.
    
Chúng tôi ăn xong, máy bay qua một vùng ‘ổ gà trời’, hổng lên hổng xuống. Đèn báo nhắc cài dây an toàn. Lần này tôi chỉ cho bà cái khóa. Hành khách đi máy bay gặp những báo hiệu cài dây thế nào cũng ít nhiều lo lắng. Rủi ro, ai biết? Loa phóng thanh loan báo có bão, nhưng hành khách có thể yên tâm. Tôi lòn tay dưới gầm ghế, lấy cái phao cấp cứu. Bà hỏi:
    – Cái gì vậy?
    – Cái phao cấp cứu. Tôi chỉ kiểm soát xem nó có đó không, để mình yên tâm.
    – Tui đi sông đi nước hai chục năm trời, chẳng phao phiếc gì, cũng chẳng chết. Hôm đầu thằng chả xuống ghe cũng bày đặt hỏi phao, tui nói không cần, chả cũng chịu. Riết rồi chả nói đi ghe với tui mà không mang phao mới thích.
    
Bà không lộ một thoáng lo âu nào. Tôi có cảm tưởng người đàn bà này bay trên 10 ngàn bộ cao mà tưởng mình đang bơi xuồng trên sông Cổ Chiên, xuồng lật, chỉ việc nhào xuống nước bơi. Tôi cất phao trở lại chỗ cũ, hỏi:
    – Bà có chắc ông sẽ ra đón không?
    – Tui chắc mà. Tui biết ai là người tin được. Tui biết thằng cha này không bao giờ nói xạo.
    
Tôi nhớ một sự tích trong Tân ước: Một hôm thuyền của các môn đệ gặp sóng gió, Chúa Giêsu đi trên mặt nước ra với họ, nhưng họ càng sợ hơn vì tưởng là ma. Chúa nói ‘Thày đây, đừng sợ’. Đại môn đệ Phêrô mừng quá nói ‘Nếu là Thày thì xin cho con đi trên mặt nước đến với Thày’. Chúa phán ‘Con lại đây!’ Phêrô bước xuống, đi trên mặt nước, được mấy bước, thấy sóng to quá, ông đâm hoảng, và chìm xuống, Chúa phải đưa tay ra đỡ lên thuyền. Ngài trách yêu ‘Cái đồ yếu lòng tin!’
    
Tôi cảm phục lòng tin của bà lắm, bà ạ: Bà bước thẳng lên mây đến với chồng. Tôi nghĩ mọi người trên chuyến bay này đều biết trước về cuộc hành trình, và biết điểm tới. Chỉ có bà nhắm mắt mà bước lên mây, không biết điểm tới nằm chỗ nào trên mặt đất. Bà đi tới với chồng, chứ không đi tới một nơi nào cả. Không một giây hồ nghi. Câu hỏi ‘Liệu ông chồng có tới đón không?’ chỉ bám vào đầu tôi, một con người thường thấy quá nhiều sóng lớn trên biển đời, lòng tin thường bị nhận chìm, đến nỗi mỗi bước đi về sau trở thành một dấu hỏi.
    
Tôi phải chờ bảy tiếng đồng hồ tại Copenhagen để được chuyển máy bay đi Oslo. Lịch trình bay đã ghi như vậy từ đầu. Còn bà, theo lịch trình lẽ ra chỉ phải chờ ba tiếng để chuyển máy bay, nhưng vì trục trặc đình công sao đó, phải thêm hai tiếng trễ nải. Chính hai tiếng trễ nải này khiến cho tôi lo ngại giùm bà. Tôi đề nghị:
    – Bà nên báo cho chồng bà biết máy bay trễ.
    – Chả biết mà … Cái gì chả cũng biết hết đó.
    ‘Cái gì chả cũng biết’, đã tin ắng đi như vậy, thì thôi, kệ bà. Tôi hướng dẫn bà  đi coi các gian hàng trong sân bay. Bà bị kích thích mạnh vì vẻ choáng lệ và đồ vật bày trong các cửa hiệu. Bà trầm trồ, reo vui. Tôi hỏi bà có định mua cái gì làm quà cho chồng không, vì đồ ở đây miễn thuế, rẻ hơn ở ngoài, bà nói:
    – Tui mang theo nhiều đồ lắm, khỏi cần mua. Chú đừng cười nghe, tôi may ba bộ birama, kho một nồi tôm, và mua năm ký bánh phòng tôm, hai ký kẹo dừa. Nghe nói mấy thứ này ở bên tây không có. Mèn ơi! Tây u gì mà nó thích ăn tôm kho tầu gì đâu …
    
Đi với bà, tôi có cái vui thích như đi bên cạnh một đứa trẻ tò mò. Trẻ ngoan nữa, vì bà từ chối khi tôi đề nghị mua tặng một cái máy sấy tóc mà bà rất thích.
    – Ai lại để chú mua, kỳ chết. Để chả mua cho tui, nếu tui còn thích.
    Theo tôi, bà có một bộ tóc mây quá đẹp. Tôi hy vọng ông chồng sẽ thuyết phục được bà đừng uốn tóc. Tôi thăm dò:
    – Tóc bà để tự nhiên như thế đẹp hơn.
    – Biết đâu thằng chả.
    ‘Biết đâu thằng chả’, thế là cả nhan sắc bà cũng giao cho ông luôn.
    – Hèn gì.
    – Chú lẩm bẩm cái gì?
    – Dạ, không. À, tôi định nói con gấu bông kia nhỏ bé quá, hèn gì ai cũng muốn bồng.
    
Tuy nhiên, bà càng tin tưởng, phó thác một cách ngây thơ, đầu óc đầy sạn của tôi càng nghi ngại. Rủi chồng bà không tới, bà sẽ xoay xở ra sao ở nơi xa lạ? Khi đi qua một trạm điện thoại, tôi đề nghị:
    – Bà nên điện thoại cho ông báo tin báy bay trễ, để ông khỏi lo.
    Bà ngẫm nghĩ, rồi trả lời:
    – Chú nói có lý. Nhưng làm sao ra nhà dây thép gió bây giờ?
    
Tôi lấy cái thẻ nhựa của tôi tra vào máy điện thoại, và quay số bà ghi trong một tờ giấy nhét cẩn thận trong bóp. Chuông điện thoại reo. Bỗng tôi ngại ngùng, có thể nào người đàn ông nghe tiếng tôi ở đầu dây bên này, biết tôi đứng bên cạnh vợ ông và đâm ghen không. Tôi vội trao máy cho bà trước khi đầu dây bên kia trả lời. Tôi nghe bà la oang oang bằng tiếng Việt :
    – Ê! Ông Ron đó hả! Ê ông có nghe không, Ron, Ron, Ron?!
    
Bà nói liên hồi, xăng xái. Bà bụm bàn tay trước ống nói mà hét lên, cũng không có tiếng trả lời. Tôi nhớ chúng ta thử lại nhiều lần, bà nhỉ. Nhưng không ai trả lời. Tôi an ủi:
    – Có lẽ ông đã đi đón bà, và đang chờ ngoài phi trường.
    
Sắp tới giờ bà phải lên máy bay, tôi cần được giải đáp vấn nạn lớn nhất rằng tại sao một con người ăn nói mộc mạc như bà lại có thể làm cho một người đàn ông lạ say mê cưới làm vợ. Và, mặc dầu bà thường kể ‘chả biểu, chả nói’, nhưng nói bằng ngôn ngữ gì? Suốt cuộc hành trình, tôi biết bà không hiểu một chữ tiếng Tây tiếng Mỹ, làm cách nào ông bà hiểu nhau, hiểu một cách thâm sâu như thế? Cụ thể nhất là có thiệt ông hẹn bà sang Phần-lan chuyến này? Và có chắc tất cả mọi truyện không bắt đầu từ một sự … hiểu lầm nào đó do bất đồng ngôn ngữ? Tôi hắng giặng hỏi:
    – Tôi hỏi không phải, ông bà nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt hay tiếng Phần-lan?
    Bà xăng xái:
    – Tiếng Việt mình, thằng chả có hiểu con mẹ gì.  Còn cái tiếng quỉ tiếng ma gì của chả, tui cũng đách hiểu.
    
Cũng hay. Nhờ không biết tiếng Việt, ông khỏi cần hiểu ‘con mẹ’ với ‘cái đách’ là gì. Có lẽ chỉ cần hiểu gật đầu là ‘có’ và lắc đầu là ‘không’ , hai tín hiệu mà nếu thông suốt, minh bạch, con người đỡ được bao nhiêu phiền trược trong cái biên giới u minh nửa không, nửa có, của ngôn ngữ. Tôi nghe nói bộ óc điện toán cũng chỉ biết ‘gật đầu’ và ‘lắc đầu’. Phương chi, con người, không phải chỉ có bộ óc, mà còn trái tim kỳ diệu. Điều này làm cho tôi, khi tiếng loa mời hành khách đi Helsinki vang lên, cảm thấy bớt áy náy. Cái gì làm cho một người đàn ông từ Helsinki sang tận bến đò Vĩnh Long gặp bà, thì cũng đang hướng dẫn bà từ Vĩnh Long sang Helsinki bình an.
    
Bà le te ra cổng số 39, tươm tất trong cái áo vét xanh đậm và quần tây thẳng nếp. Tôi đứng ngoài, bịn rịn nhìn theo, bà quay lại vẫy tay. Cái vẫy tay cũng không giống ai, bàn tay đưa ngang vai, lòng úp xuống, ngón tay phẩy phẩy ra phía ngoài, như giục tôi cứ đi đi. Cứ yên tâm.

Tâm Thanh
https://quocgiahanhchanhmd.com/

Bali - Vùng Đất Của Những Đám Cưới Cổ Tích


Bali từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm tổ chức hôn lễ mơ ước của nhiều cặp đôi.

Bali từ lâu đã được biết đến là một trong những thiên đường trải nghiệm, khám phá cuộc sống sôi động hằng đêm. Hơn thế, nơi này còn được các cặp đôi ưu tiên lựa chọn để tổ chức một bữa tiệc cưới đầy lãng mạn, với những địa điểm tổ chức bên bãi biển xanh trong, cảnh quan ngoạn mục, đã biến nơi này thành "vùng đất của những đám cưới cổ tích".






Bali nổi danh với những không gian có tư vị rất cuốn hút, thế nên lễ cưới thường được tổ chức ở khu vực ngoài trời, với chòi cao, hướng ra nhìn ra biển. Bali cung cấp nhiều gói dịch vụ riêng biệt dành cho khách muốn tổ chức đám cưới tại đây.






Hôn lễ hòa cùng thiên nhiên, là một trong những kỷ niệm hoàn hảo không thể quên trong đời. Với hệ thống nhà hàng, resort, spa, bar... nổi tiếng khắp thế giới, Bali đủ sức làm hài lòng các du khách khó tính nhất. Còn gì tuyệt vời hơn khi tận hưởng lễ cưới kết hợp cùng du lịch nghỉ dưỡng.






Không gian ngập tràn nắng ấm, bãi biển xanh, thời tiết dễ chịu là những ưu điểm chỉ có đám cưới ở Bali mới sở hữu. Các cặp đôi từ khắp nơi trên thế giới hầu hết đều yêu thích không gian lễ cưới tại nơi này. Những tông màu ở biển gắn với màu sắc hoa cỏ cùng tông, là lực chọn tuyệt về cho một đám cưới cổ tích.







Nguồn: thegioitre.vn

Wednesday, February 27, 2019

Mensa


Recently there was a Mensa convention in San Francisco. Mensa, as you probably know, is a national organization for people who have an IQ of 150 or higher.

Several of the Mensa members went out for lunch at a local café. When they sat down, one of them discovered that their salt shaker contained pepper, and their pepper shaker was full of salt.

How could they swap the contents of the two bottles without spilling any, and using only the implements at hand?  Clearly, this was a job for Mensa minds.

The group debated the problem and presented ideas and finally came up with a brilliant solution involving a napkin, a straw, and an empty saucer.

They called the blonde waitress over ready to dazzle her with their solution. "Ma'am," they said, "we couldn't help but notice that the pepper shaker contains salt and the salt shaker has pepper.”

But before they could finish, the waitress interrupted: " Oh, sorry about that." She leaned over the table, unscrewed the caps of both bottles and switched them.

There was dead silence at the Mensa table.

Kind of reminds you of the past 30 years in Washington D.C., doesn't it?

From: Kim Hoa

Máy Nhắc Chữ Hoạt Động Như Thế Nào?

Tổng thống Donald Trump và máy nhắc chữ trong dịp phát biểu Thông điệp Liên bang ngày 5/2/2019. Ảnh: USA Today

Mỗi lần có tổng thống Mỹ phát biểu, nhiều người Việt Nam ta lại xôn xao chuyện họ có thể “nói vo” suốt mấy chục phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ mà không cần cầm giấy đọc. Hàm ý ở đây là so sánh lãnh đạo Mỹ với lãnh đạo nước ta, vốn phát biểu lần nào cũng cắm đầu vào giấy đọc những bản văn chán ngắt.
Chuyện lãnh đạo Mỹ giỏi hơn lãnh đạo ta về đủ mọi thứ, trong đó có cả kỹ năng hùng biện, thì đã đành. Nhưng kỳ thực thì các tổng thống Mỹ không thường xuyên “nói vo” như nhiều người tưởng. Thay vì cắm đầu vào giấy đọc, họ dán mắt vào những máy nhắc chữ được bố trí khá tinh vi khiến ai không để ý kỹ cũng không nhận ra.
Trong tiếng Anh, máy nhắc chữ (hay nhiều người gọi là máy nhắc vở) là teleprompter.

Hãy xem hình ảnh dưới đây để hiểu rõ hơn.
Ảnh Getty

Tổng thống Mỹ đọc bài phát biểu của mình từ những tấm kính được sắp đặt một cách khéo léo ở hai bên. Do những tấm kính này có màu xám và có thể nhìn xuyên qua, nó gần như không gây chú ý trong hầu hết các khung hình.
Đối với cử toạ ở dưới, họ vẫn có cảm giác tổng thống đang nhìn về phía họ chứ không phải đọc từ máy nhắc chữ. Đâm ra, trông có vẻ như vị tổng thống đang “chém gió” những lời từ gan từ ruột trực tiếp tuôn ra nhưng kỳ thực không phải.
Cơ chế hoạt động của máy nhắc chữ kiểu này khá đơn giản.

Cái mọi người thường nhìn thấy là hai tấm kính màu xám nhìn xuyên suốt trước mặt tổng thống. Dưới chân hai tấm kính này là hai màn hình chạy chữ. Chữ trên màn hình này bị đảo ngược để khi phản chiếu lên hai tấm kính thì nó hiển thị đúng chiều.

Hình minh hoạt ứng cử viên Donald Trump phát biểu chấp nhận đề cử tổng thống của đảng Cộng hoà năm 2016. Ảnh: AP.

Một hình ảnh đầy đủ hơn của bộ máy nhắc chữ này từ góc nhìn của diễn giả:
Ảnh: Alibaba.

Các màn hình này kết nối với máy tính chạy chữ và một người điều khiển ở hậu trường. Người điều khiển này sẽ cho chữ chạy theo nhịp đọc của tổng thống, tuỳ diễn biến thực tế. Nếu tổng thống dừng đọc khi cử toạ vỗ tay, họ cũng cho chữ dừng theo.
Cơ chế phản xạ ánh sáng khiến cho chỉ có từ vị trí của tổng thống thì mới nhìn thấy chữ trên hai tấm kính. Lệch ra khỏi vị trí đó thì không thấy chữ chạy nữa. Nếu có ai chọn được vị trí quan sát nằm trên cùng một đường thẳng giữa tấm kính và vị trí của tổng thống, cùng chiều quan sát với tổng thống, thì mới nhìn thấy được chữ chạy trên tấm kính đó. Nhưng cũng ít ai tiếp cận được với góc quan sát này.

Một kỹ thuật viên đang chỉnh lại máy nhắc chữ cho ông Trump. Ảnh: AP.

Nói như vậy không có nghĩa là các tổng thống Mỹ và lãnh đạo phương Tây không phát biểu “vo”, nghĩa là không cần giấy hoặc thiết bị trợ giúp. Tuy nhiên, họ có xu hướng sử dụng máy nhắc chữ nhiều hơn hẳn để phát biểu, đặc biệt là trong các sự kiện quan trọng.
Lãnh đạo Việt Nam cũng sử dụng máy nhắc chữ vào một dịp hiếm hoi: đọc thư chúc Tết đồng bào vào mỗi đêm giao thừa. Khi đó, ta sẽ thấy vị chủ tịch nước không cầm giấy mà nhìn thẳng vào máy quay trước mặt. Ngay bên dưới máy quay đó có máy nhắc chữ nên khi lên hình thì tựa như vị chủ tịch nước đang nhìn thẳng vào máy quay vậy.
Kỳ thực thì chuyện đọc bài phát biểu trên máy nhắc chữ hay cầm giấy đọc chẳng quan trọng gì cho lắm, xét về mặt nội dung. Cái máy chẳng làm cho bài phát biểu hay hơn. Cầm giấy chẳng làm cho bài phát biểu tệ hơn. Hay hay dở nằm ở nội dung bài phát biểu. Trước khi máy nhắc chữ được phát minh ra vào thập niên 1950 thì các tổng thống Mỹ cũng cầm giấy đọc cả, và họ để lại những bài diễn văn bất hủ. Còn với những bài phát biểu nhạt nhẽo mà lãnh đạo nước ta hay đọc, thì có sử dụng máy nhắc chữ cũng chẳng làm cho nó “mặn mà” hơn được.

Cũng xét về mặt nội dung thì chuyện có máy nhắc chữ hay cầm giấy phát biểu, so với nói vo, cũng chẳng quan trọng gì cho lắm. Có lẽ ta không nên đánh giá lãnh đạo qua tài “học thuộc lòng” của họ làm gì, vì nó không nói lên nhiều điều. Một số lãnh đạo Việt Nam có thể nói vo những bài dài, nhiều số liệu chỉ vì đi đâu họ cũng nói mỗi một bài đấy, nói nhiều nên thuộc.


Nguồn: www.luatkhoa.org

Bạn có thể xem video dưới đây để hiểu thêm cách các máy nhắc chữ này hoạt động.

Làm Yêu? Làm Tình? - Người Lính Già Oregon

 

Lời phi lộĐể thay đổi không khí, và theo yêu cầu của một số thân hữu, xin gửi lại một bài viết đã cũ. Đó là một bài phiếm luận đọc cho vui, hay không vui, nhưng để xả stress vào đầu tuần, không phải là một bài nghiên cứu thâm sâu về ngôn ngữ hay văn chương, hoặc, ngược lại, bình dân tục tĩu. Xin quý vị và quý bạn xem qua, góp thêm ý kiến, nếu muốn, cũng cho vui, nghĩa là không tranh luận một cách nghiêm chỉnh, gay cấn.

      Để làm cái chuyện đó, người Mỹ có kiểu nói lịch sự, văn vẻ,  to make love (= to engage in sexual intercourse), người Pháp, faire l’amour (= accomplir l’acte sexuel). Người Việt mình, cũng rất lịch sự, quen nói làm tình, mặc dù chữ “tình”, trong Việt ngữ, đứng một mình khơi khơi giữa trời, chưa diễn tả hết nghĩa của “to love” hay “aimer” dưới dạng động từ, vì có bao giờ ai (dám) viết “Anh tình em” (I love you, je t’aime)? Nghe được không chứ? Giở tự điển Việt Nam, thấy chữ làm tình (= đàn ông đàn bà ăn nằm với nhau) và ngoài ra không có chữ nào khác tương đương với kiểu nói lịch sự Anh và Pháp. Như vậy, ba kiểu nói, Việt Anh Pháp, giống y chang nhau. Nhưng chả biết mèo nào bắt (chước) mỉu nào?

      1) Riêng tiện nhân, từ hai năm nay, lại dùng, và mãi mãi khoái dùng, từ ngữ làm yêu. Khiến một ông bạn vàng còn bên Phú Nhuận rất ư là thắc mắc, tưởng tiện nhân ở Mỹ lâu năm quên cả tiếng Việt (hoặc làm bộ quên tiếng Việt như mấy thằng cha Việt Kiều, gốc nhà quê, áo gấm về làng, trưởng giả học làm sang, nổ còn hơn kho đạn Long Bình) và nhắc, “ông ơi, làm ơn thay nó bằng làm tình đi”. Tiện nhân bèn cười cười, dĩ nhiên trên mail, “OK, thì chữ nào cũng được, miễn là có làm chuyện đó một cách 'hoành tráng', 'chất lượng' là được, cứu cánh biện minh cho phương tiện mà, Machiavel đã chẳng nói như vậy ru?”.

      Nguyên do cũng tại thế này: Số là tiện nhân nghỉ hưu đã mấy năm. Một hôm, Sở Y tế Quận, qua trung gian của một người bạn, nhờ tiện nhân đến làm giám khảo, có trả lương, cho một buổi tuyển lựa thông dịch viên Anh-Việt, cùng với hai nhân viên của Sở, một Mỹ, một Việt. Một nữ thí sinh trẻ đẹp, cha mẹ gốc Tàu, sinh ra tại Chợ Lớn và lớn lên tại Mỹ, dĩ nhiên tiếng Anh rất giỏi, còn tiếng Việt lơ lớ, giọng Tàu rặt. Khi được yêu cầu dịch một câu về bệnh Aids ra tiếng Việt, gặp chữ make love khó quá cô không biết nói sao, quýnh lên bèn dịch đại: “ờ à… khi hai đứa làm yêu (make love) mà không có bảo trọng (protection) thì ờ à… hai đứa nó dám (they risk) có cái dịp may (to have the chance) ờ à… chụp (to catch) cái bệnh Aids”.

      Tiện nhân suýt bật cười. Nói tiếng Việt như thế, dĩ nhiên, làm sao được mướn? Nhưng tiện nhân nhớ mãi chữ làm yêu rất dễ thương của cô. Nó lạ, độc đáo (điều chắc chắn) và chính xác (có lẽ) hơn chữ làm tình. Tiện nhân mê chữ đó cũng như nhà đại phê bình văn học kiêm học giả thật Nguyễn Hưng Quốc bên Úc mê và khen bài thơ Con Cóc nhảy ra / Con Cóc ngồi đó / Con Cóc nhảy đi…hay hơn cả thơ Kiều vậy. Vì:

      a- Chữ yêu, đúng nguyên thủy, có một nghĩa rất đen, rất rộng, chỉ dành cho nam và nữ xa lạ, gặp nhau rồi dính xà nẹo với nhau, còn những người thân quen, như bạn bè, hay trong gia đình, như cha mẹ, con cái, anh em,  dùng chữ thương là thích hợp đẹp nhất. Để phân biệt hai trường hợp này, tiếng Pháp có chữaimer và aimer bien, cũng như tiếng Anh có to love và to like. Ví dụ, sau một thời gian tán tỉnh, một ngày trời, nghe một em đầm tóc vàng sợi nhỏ thỏ thẻ: “Je vous aime bien”, hoặc “I like you very much”, quý bạn trẻ đừng tưởng bở, mừng quýnh lên, vội vàng móc ví dâng hết thẻ credit cho em đi siêu thị cà.

      b- Về nghĩa bóng, và rất hẹp, yêu đi sát với làm yêu. Đã lâu, tiện nhân đọc ở đâu đó một đoạn văn trữ tình có câu: “Và chàng đã yêu nàng” và theo nội dung bài viết, người ta hiểu rất rõ chàng đã… ngủ, tức chăn gối, tức làm yêu, với nàng. Đọc một vài bài thơ tình của Xuân Diệu, tiện nhân, vốn nhậy cảm, hiểu chữ yêutrong nghĩa này. Ví dụ: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối…Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự…Cũng vậy, nếu một cô thúc giục, “hãy yêu em đi, chiều hôm tối rồi”, không lẽ anh chàng cù lần đến nỗi đứng đực ra đấy? Từ đó, chữ yêu móc ngoặc với chữ đương để thành yêu đương –chỉ dùng cho trường hợp cổ điển nam và nữ yêu nhau,mà gays hay lesbians ở Mỹ cũng chưa được phép dùng. Hai anh râu ria xồm xoàm, vai u thịt bắp, cỡ như những tay đua mô tô Harley trên xa lộ, mà ôm nhau nói chữ yêu đương, mặc dù được Obozo, Biden, và Ruth Ginsberg (bà già giết giặc, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ, phóng khoáng “cực kỳ”) cho phép làm hôn thú, vẫn khiến tiện nhân rùng mình, nổi da gà. Tiện nhân không kỳ thị đâu nhé. Chỉ bàn về thẩm mỹ và chữ nghĩa thôi. Con cái nói chữ ấy với cha mẹ, anh chị em ruột hay có họ với nhau, cũng không được nốt. Phải dùng yêu thương, yêu mến.

     c- Còn tình có ba bảy đường tình: tình con, tình cha, tình mẹ, tình nước, tình nghĩa, tình vợ, tình chồng, tình bạn. Làm tình. OK, nhưng làm tình hiểu theo nghĩa nào đây? Trong Truyện Kiềukhi tái hợp với Kim Trọng, và chàng muốn lấy nàng, Kiều từ chối, lấy cớ tình hai người bây giờ chỉ còn là tình nghĩa,

Hai tình vẹn vẻ hòa hai                                                                            
Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ

      Nàng nói quá rõ rồi, còn gì. Chính vì làm tình không rõ ràng, mơ hồ sương khói mà tiện nhân thích chữlàm yêu, dứt khoát hơn, đâu vào đó hơn, khi bàn về chuyện phòng the nam nữ.

      2) Ngôn ngữ bây giờ có nhiều kiểu nói mới rất lạ lùng, mà các ông Hàn lâm (académicien) Tây gọi lànéologisme, hay tệ hơn barbarisme. Thỉnh thoảng, tiện nhân nghe vài CD hải ngoại, nhất là từ quốc nội, trong đó có những câu hát ở thể tán thán từ (exclamatif), như: “yêu dấu ơi! hỡi dấu yêu! sao bây giờ đành xa đôi lứa […]”, chẳng hạn trong bài “Luân vũ trong chiều mưa” (?) do ca sĩ Bảo Hân hát. Tĩnh từ yêu dấu, trongcontexte bài hát, trở thành đối tượng để gọi, để nói chuyện, như một tình nhân? Ủa, sao lạ rứa?  Suy nghĩ mãi, tiện nhân đoán rằng ông hay bà nhạc sĩ tác giả không bị té giếng đâu, nghĩa là chưa khùng, nhưng có lẽ đã dịch danh từ (mon) chéri / (ma) chérie của Pháp hay (mydarling của Anh-Mỹ ra thành tĩnh từ yêu dấu, cho nó có vẻ lập dị, độc đáo? Dịch thành anh / em yêu dấu, như đúng nghĩa của nó, sẽ bị cho là tầm thường, cù lần, quê mùa chăng? Ấy là chưa kể những chữ mà Việt Cộng bây giờ xài tầm bậy tầm bạ, vung vít, không giống ai, không người lái. Chẳng hạn chữ bức xúc: tiện nhân thách tất cả những kẻ sử dụng nó thử định nghĩa là cái quái quỉ gì, một cách thuyết phục. Chẳng hạn chữ hoành tráng, bây giờ bị VC dùng một cách hỗn tạp, bừa bãi. Đụng cái gì cũng hoành tráng. Đi với chữ mặt bằng nữa (“tôi mới mua được một mặt bằngrất hoành tráng” ở khu phố X, Y, Z), thì hiểu được chết liền. Về chữ này, ở Mỹ, một ông bạn già của tôi, tạm gọi John Doe 1, kể rằng ông cho một ông bạn già, John Doe 2, một viên Cialis (tương tự Viagra) để dùng thử và dặn cho biết kết quả như thế nào. Hôm sau, John Doe 2 hồ hởi phấn khởi và thành thật khai báo rằng: “Phải công nhận đó là thuốc tiên, vì sau nửa tiếng bỗng nhiên thằng bé vùng lên, sừng sộ, cực kỳ hoành tráng, lại còn mất dạy, bướng bỉnh nữa, xong rồi bảo xuống, nó vẫn không chịu…”

      3) Trở lại chữ làm yêu. Nó chỉ được dùng khi người ta muốn văn vẻ, lịch sự. Trong những trường hợp khác, tùy theo mức độ bình dân hay thô tục, mọi ngôn ngữ trên thế giới đều có rất nhiều cách nói. Chẳng hạn giao cấu (nói chung, cho con người và con vật, đực và cái, và trong một bài thơ, đại thi hào Phạm Công Thiện của một số độc giả mê sảng đã tự nhận “giao cấu với mặt trời sinh ra mặt trăng”), giao hợp (chỉ cho người), giao hoan (còn có nghĩa vui chơi, hoan lạc với nhau). Cho những chữ này, tiếng Pháp có accouplement (động từ là “s’accoupler”), coït (trong tự điển chữ coït không có dạng động từ, trừ Flaubert đã dùng coïter, vào năm 1859), copulation bởi tiếng Latin, copulatio (= kết hợp). Tiếng Anh có coition, hoặccoitus –cũng như coït, bởi tiếng Latin coitus ← coire (=đi với nhau)Dùng trong y khoa, hay văn chương, còn có post coitum, hậu giao hợp. Sau coitum, thì có lẽ hai bên đối phương đều chán? Hãy nghe Xuân Diệu:   
           
Vừa xịch gối chăn [NLGO: ủa sao lẹ quá vậy?] mộng vàng tan biến  /   Dung nhan xô động, sắc đẹp tan tành  /  Vàng son đang lộng lẫy buổi chiều xanh  /   Quay mặt lại cả lầu chiều đã vỡ (Giục giã).

      Về chữ Pháp coït (chữ ï có hai chấm trên đầu). Tại Portland có một hãng giặt thảm không hiểu sao lấy tên là Coit, mới đầu đọc thấy nó, tiện nhân không khỏi mắc cười.

      Thô tục hơn thì Việt Nam có Đ…hay ĐM –mà đàn ông ai cũng biết và chắc đã nói ít nhất một lần trong đời, giống như foutre (hay merde) của Pháp và fuck (hay shit) của Anh-Mỹ. Tiếng Pháp, tiếng Anh thì nhiều lắm, gồm cả tiếng lóng, để chỉ Đ… So với tiếng Pháp, chẳng hạn, từ ngữ Việt Nam, về chuyện ấy và liên quan đến cái giống, có vẻ kém thua. Ví dụ, về bộ phận sinh dục của hai phái, Việt Nam chỉ có trên dưới 10 chữ là cùng, gồm cả từ những câu chửi tục dân gian hoặc thơ nói lái của Hồ Xuân Hương (và Bùi Giáng) hoặc thơ Con C…, Cái L… huỵch toẹt của thi sĩ Trần Tiến Dũng trên báo Tiền Vệ do học giả Nguyễn Hưng Quốc chủ xướng. Trong khi tiếng Pháp, tiện nhân đếm trong Tự điển tiếng lóng (Dictionnaire du français argotique et populaire), thấy 93 chữ cho đàn ông (le mec) và 72 chữ cho đàn bà (la nana). Không hiểu tại sao. Có lẽ về tình dục dân Tây quá mạnh, nhờ mê cognac và bifteck?

      Nhân đây, tiện nhân kể một chuyện xảy ra thời mới bắt đầu đi dạy tại Mỹ. Trong bài học về article le, la, một nữ sinh viên giơ tay hỏi: “Monsieur, tại sao verge (dương vật) lại là la, féminin, còn vagin (âm đạo) lại làle, masculin?” Hỏi tại sao với ngôn ngữ và văn phạm thì thà hỏi đầu gối, sướng hơn. Câu hỏi bất ngờ, chưa bao giờ nghĩ đến, làm tiện nhân bối rối, đang phân vân không biết có nên, hay không nên, giải thích bằng nguyên ngữ Latin, nghĩa là bởi vì virga (→ verge) thuộc giống cái, nhưng khổ một nỗi vagina (→ vagin), Latin, lại cũng thuộc giống cái, thì một nam sinh viên mau mắn trả lời hộ: “Tại vì con verge dành cho đàn bà, còn cái vagin dành cho đàn ông.” Có thể đúng vào thời ấy (thập niên 90). Hôm nay mà giải thích kiểu đó sẽ bị ốm đòn bởi cái đám ồn ào ủng hộ hôn nhân đồng tính.

      4) Chữ Đ… và câu chửi thề ĐM… trong ngôn ngữ thô tục Việt Nam, nếu thay đổi thì cũng tùy từng miền Nam, Trung, Bắc. Còn Tây và Mỹ? Khá nhiều, nhưng tiện nhân chỉ xin nêu ra một ví dụ thôi: baiser và anh em của nó, to fuck.   
      Chữ baiser dùng như danh từ có nghĩa là cái hôn hiền lành, vô tội (giữa tình nhân), từ đó có bise vàbisou (trên má, giữa những người trong gia đình và bạn bè thân thiết). Dùng dưới dạng động từ, baiser trở thành Đ… ngay, trong nghĩa lịch sự hoặc tục tằn của chữ. Dịch “tôi hôn nàng” ra “je la baise” là chết tươi. Mà phải dùng động từ embrasser (“je l’embrasse”, còn có nghĩa là ôm) hoặc đi vòng vo Tam quốc, “je lui donne un baiser”, tôi tặng nàng / chàng một nụ hôn) là an toàn trên xa lộ. Câu mở đầu trong bài hát rất quen thuộc Tây Ban Nha, “Besamé mucho”, cũng phải dịch là “Embrasse-moi fort” (hãy hôn em nhiều), chứ không được “Baise-moi fort”, vì tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là bà con trong gia đình Romance Languages. Từ baiserđộng từ, các ông Tây bày ra nhiều cách, ví dụ: baiser à la papa (nhẹ nhàng, kiểu ông bà, do những cố đạo truyền giáo, missionnaires, dạy bảo con chiên Công giáo), baiser en hussard (kiểu biệt kích, tấn công liền, ào ạt, không giáo đầu lôi thôi), baiser en cygne (vác cày qua núi) v.v... Ngoài ra, còn có những danh từ đồng nghĩa: baisage, baise, đặc biệt baiseur (nôm na, thằng cha khoái đ... rong, Mỹ gọi là “f... around”). Cùng nghĩa với động từ baiser có tiếng lóng calcer (“Il a calcé une nana”). Còn chửi nhau? Ngày nhỏ, chúng tôi thỉnh thoảng chửi qua chửi lại với mấy thằng Tây con: Je baise ta mère / ta sœur. Giận hơn thì: Je viole (= hiếp, rape) ta mère. Thằng con của tiện nhân, Xavier, khi còn học lớp 8 (nay đã 17), thường bị một thằng bully Mỹ cùng lớp đi theo chọc ghẹo, quấy rầy vô cớ, một hôm tự nhiên gây sự: “Your mom tried to abort you but she failed” (Mẹ mày đã cố gắng phá thai mày, mà thất bại). Tức quá (vì thực ra, nghĩ kỹ, câu của thằng Mỹ con kia cũng nặng lắm), Xavier chửi lại: “  f... you and your mom“. Rồi hai thằng chửi nhau loạn xạ. Tiện nhân đâu có bao giờ dạy, hoặc khuyến khích, con chửi và chửi lại như vậy. Cả hai đều bị cố vấn trường gọi lên hỏi tội. Vì thằng Mỹ con khiêu khích trước nên bị đuổi học một ngày, Xavier vì nhổ nước miếng vào mặt thằng Mỹ con bị cảnh cáo. 
Nhưng tiện nhân không la mắng con, vì hiểu rằng ăn miếng trả miếng vẫn là phương cách hữu hiệu để sống còn trong xã hội phức tạp và độc ác này, dù Cộng sản hay Tư bản, không phải lúc nào cũng hiền như ma sơ, chìa má kia cho thiên hạ vả.  

      Bình dân và thô lỗ hơn thì Tây có chữ foutre, bởi Latin futuere (= giao hợp). Muốn tống cổ ai ra đường, Tây nói, “va te faire foutre”. Foutre đồng nghĩa với to screw, to lay, to bang, hay thông dụng nhất, to fuck của Mỹ. Về chữ fuck, những người mang tên Phúc, Phục, Phách, Phát, Phác hiện nay ở Mỹ bị phiền toái đã đành, mà tiếng “Phắc”, hay “Vào hàng, Phắc” vô tội, thuần túy nhà binh, ngày xưa ở Việt Nam cũng bị vạ lây. Chả là, một hôm, anh cố vấn đơn vị tiện nhân thắc mắc, “tôi nghe cứ mỗi lần sĩ quan cao cấp vào phòng thì các anh đứng lên vào hàng hô fuck lia fuck lịa, như vậy nghĩa là làm sao?”

       5) Chuyện dài chữ nghĩa cà kê dê ngỗng về việc ấy giữa đàn ông đàn bà nói hoài không dứt. Không chán. Nhất là khi có rượu vào. Tiện nhân bàn rộng vấn đề này cốt để quý bạn, nếu có dịp, làm quen với những ngôn từ có chất giọng đường phố trong sách của Céline hay Jean Genet, hoặc tiểu thuyết ba xu của Mỹ. Chưa muốn, nhưng cũng phải dứt thôi. Vì sợ mấy tên đạo đức giả thứ thiệt  lấy gương tự soi mặt mình, rồi lớn tiếng mắng người ta là “đồ cà chớn, già mà mất nết, uẩn ức sinh lý”.

      Nhưng trước khi dứt, tiện nhân cũng mong quý bạn phe ta thử sử dụng một lần chữ làm yêu, thay cholàm tình, xem có ếp-phê gì không. Nếu thấy đặng, xin dùng nó tiếp và đưa vào tự điển giùm tiện nhân, cho mấy ông Hàn Lâm Tây sợ lé mắt chơi. Còn nếu bà xã, hoặc người yêu, không chịu, tỏ ý thích xài chữ cổ, ta về ta tắm ao ta, thì cứ đổ tội cho thằng cha NLGO. Bề nào quý bạn cũng chẳng mất mát gì cả. Bảo đảm 100%.

Người Lính Già Oregon