Saturday, April 4, 2020

“Trẻ Tuổi Và Không Sợ Đại Dịch Coronavirus?”

Twenty-three airports are now closed in Italy. Source: AAP

“Tôi là một bác sĩ làm việc trong một bệnh viện lớn ở Tây Âu. Theo dõi những người bạn Mỹ (và cả những người Anh) trong những ngày đầu của đại dịch coronavirus giống như xem một bộ phim kinh dị quen thuộc, trong đó các nhân vật chính, một lần nữa, chia thành các cặp rồi quyết định khám phá một tầng hầm tối.
Các phiên bản đời thực đang giả vờ rằng đây chỉ là một loại bệnh cúm; giữ cho các trường học mở cửa; vẫn tiếp tục các kế hoạch du lịch, và đi vào văn phòng hàng ngày. Đây là những gì chúng tôi đã làm ở Ý.

Chúng tôi tự mãn đến nỗi ngay cả khi những người có triệu chứng coronavirus bắt đầu xuất hiện, chúng tôi đã xem xét từng trường hợp như một loại bệnh cúm cứng đầu. Chúng tôi tiếp tục duy trì nền kinh tế, buộc tội Trung Quốc và kêu gọi khách du lịch tiếp tục đi du lịch. Và phần lớn chúng ta đã nói với bản thân mình và nói với nhau rằng: điều này không tệ lắm. Chúng ta còn trẻ, chúng ta khỏe mạnh, chúng ta sẽ ổn ngay kể cả khi chúng ta bị nhiễm bệnh.
Hai tháng qua nhanh và giờ chúng tôi đang chết đuối. Nói theo thống kê, đánh giá theo đường cong ở Trung Quốc, chúng tôi thậm chí chưa đạt đến đỉnh điểm, nhưng tỷ lệ tử vong của chúng tôi là hơn 6%, gấp đôi mức trung bình toàn cầu được biết đến.

Giờ hãy gác số liệu thống kê sang một bên, mà nhìn vào thực tế xem thế nào. Hầu hết những người bạn thời thơ ấu của tôi bây giờ là bác sĩ làm việc ở miền bắc nước Ý. Ở Milan, ở Bergamo, Padua, họ phải lựa chọn giữa việc đặt nội khí quản cho một người 40 tuổi có 2 con, một người 40 tuổi khỏe mạnh và không mắc bệnh, với một người 60 tuổi bị huyết áp cao, vì bệnh viện không có đủ giường. Trong khi đó, ở hành lang bệnh viện, 15 người khác đang phải chờ đợi trong tình trạng khó thở và cần oxy.
Quân đội đang cố gắng đưa một số người trong số họ đến các khu vực khác bằng trực thăng nhưng điều đó cũng không đủ: có quá nhiều người bị bệnh cùng một lúc.

Chúng tôi vẫn đang chờ đợi đỉnh điểm của dịch bệnh ở châu Âu: có thể là đầu tháng Tư đối với Ý, giữa tháng Tư đối với Đức và Thụy Sĩ, và khoảng đâu đó thời gian này đối với Vương quốc Anh. Ở Hoa Kỳ, dịch bệnh chỉ mới bắt đầu.
Nhưng cho đến khi chúng ta vượt qua đỉnh dịch, thì giải pháp duy nhất lúc này là áp đặt các hạn chế xã hội.
Và nếu chính phủ nước bạn đang do dự, thì những hạn chế này tùy thuộc vào bạn. Giữ vững lập trường, kiên định. Đừng đi du lịch. Hủy bỏ các cuộc đoàn tụ gia đình, các bữa tiệc khuyến mãi và hội hè đình đám. Điều này nghe có vẻ rất khó chịu và không thuyết phục, nhưng đây là thời điểm đặc biệt. Đừng mạo hiểm. Đừng đến những nơi có hơn 20 người trong cùng một căn phòng. Nó không an toàn và nó không đáng để bạn làm như thế.

Nhưng tại sao lại cần phải cấp bách như vậy nếu hầu hết mọi người đều sống sót sau dịch bệnh?
Đây là lý do: bị nhiễm coronavirus có thể làm xáo trộn cuộc sống của bạn theo nhiều cách, nhiều cách hơn là chỉ đơn thuần là cướp đi mạng sống của bạn.
"Tất cả chúng ta đều trẻ". "Ngay cả khi chúng ta bị nhiễm con virus đó, chúng ta vẫn sẽ sống sót thôi”. Thế nhưng, bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu lỡ chẳng may phải cần đến 4 tháng vật lý trị liệu? Hoặc bị xơ phổi hay sẹo phổi sẽ tác động thế nào đến phần đời còn lại của bạn? Chưa kể bạn còn có thể bị nhiễm một con virus khác trong lúc điều trị ở bệnh viện hay trong lúc chờ kết quả kiểm tra. Liệu việc du lịch hay giải trí có đáng đánh đổi lấy rủi ro này hay không?

Bạn có thể bị nhiễm coronavirus mà thậm chí không có triệu chứng. Tuyệt quá, quả là điều tốt lành đối với bạn. Nhưng đó lại có thể là điều rất tệ hại cho những người khác, từ ông bà của bạn đến những người già ngẫu nhiên bước lên tàu điện cùng bạn.
Bạn vẫn ổn, bạn thậm chí còn hắt hơi hoặc ho, nhưng khi bạn đang đi bộ xung quanh thì bạn đang vô tình giết chết một vài bà lão. Bạn nói cho tôi biết xem như vậy có công bằng hay không?

Quan điểm cá nhân cũng như quan điểm chuyên môn của tôi là: tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ hạn chế di chuyển, ngoại trừ những lý do rất đặc biệt, như đi làm vì bạn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hay phải cứu sống và đưa ai đó đến bệnh viện, hoặc đi ra ngoài mua thực phẩm để sống sót qua ngày.

Nhưng khi chúng ta đã đi đến giai đoạn đại dịch này, điều thực sự quan trọng là không phát tán con virus này. Điều duy nhất giúp đỡ chuyện này là hạn chế giao du xã hội. Tốt nhất là chính phủ nên ban hành hướng dẫn đó và cung cấp một khoản dự phòng tài chính bù đắp cho các chủ doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tài chính cho mọi người càng nhiều càng tốt. Nhưng nếu chính phủ hoặc công ty của bạn chậm hành động, thì bạn hãy gánh lấy trách nhiệm này, hạn chế chính mình.

Đó là nghĩa vụ công dân và đạo đức của mỗi người, ở mọi nơi, để tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm giảm mối đe dọa này cho nhân loại. Hãy trì hoãn bất kỳ chuyến du lịch nào không thực sự cần thiết, và tránh lây lan bệnh càng ít càng tốt.
Hãy tận hưởng niềm vui của bạn vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 khi đại dịch này kết thúc, hy vọng là vậy. Hãy giữ an toàn và chúc các bạn may mắn.”

https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/tre-tuoi-va-khong-so-dai-dich-coronavirus

No comments:

Post a Comment