Pages

Monday, November 30, 2020

Biết Ơn


Biết ơn là phẩm chất cao quý của một tâm hồn đẹp. Chính vì vậy mà có rất nhiều truyện kể được lưu truyền để nhắc nhở chúng ta rằng: Làm người, cần có lòng biết ơn!

Có một câu chuyện kể rằng:

Xưa có một hành khách bước đơn độc trên chặng đường xa. Khi đã quá mỏi mệt và kiệt quệ, anh nằm xuống và ngủ một giấc ngon lành trên thảm cỏ ven đường. Không lâu sau, một con rắn độc từ trong bụi cỏ chui ra và bò về phía người độc hành này.

Khi con rắn chuẩn bị cắn người khách đang ngủ, bỗng một người đi ngang qua đó, kịp thời đánh chết con rắn độc rồi đi tiếp. Người độc hành vẫn ngủ say sưa mà không hề biết chuyện gì đang diễn ra. Cho đến cuối cuộc đời, anh vẫn không hay biết rằng mình đang sống trong ân huệ của người qua đường vô danh thuở nọ…

Có thể vị khách độc hành không hề biết đến ơn cứu mạng ấy, và người qua đường cũng đã quên từ lâu, nhưng sự tình này đều ghi dấu trong Trời Đất.

Lại cũng có chuyện như thế này:

Một hôm, người chồng trở về nhà. Lúc đó trời đã khuya lắm rồi, nhưng chiếc đèn bên hiên nhà vẫn sáng rực, chiếu rọi một đoạn đường phía ngoài ngôi nhà. Anh cho rằng vợ mình ngủ quên, định bụng vào trong nhà tắt đèn, nhưng không ngờ lại bị vợ cản lại. Anh chưa kịp hỏi nguyên do thì chị vợ đã chỉ tay ra ngoài cửa sổ cho chồng nhìn.

Ven đường bên ngoài cửa sổ là một chiếc xe ba bánh chở đầy rác. Ngay cạnh đó, một cặp vợ chồng đang ngồi nghỉ dưới ánh đèn ấm áp bên hiên nhà. Họ vừa nói vừa cười, và cùng nhau ăn chút gì đó để lót dạ đêm khuya.

Nhìn thấy cặp vợ chồng ấy đang chuyện trò vui vẻ dưới ánh đèn, cả anh và vợ đưa mắt nhìn nhau rồi nhẹ nhàng rút lui. Có lẽ hai vợ chồng người thu gom rác ấy sẽ vĩnh viễn không biết rằng, ở đâu đó trong thành phố này, có một ngọn đèn vẫn hàng đêm vì họ mà thắp sáng.

Và bạn thấy đấy, có những sự giúp đỡ diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ. Vậy cớ sao cứ phải đợi đến khi mắt thấy, tai nghe rồi chúng ta mới biết ơn trong lòng?

Bởi vì, có những “cho đi” không bao giờ mong chờ bạn đền đáp. Có những “giúp đỡ” không bao giờ chờ bạn nói “Cảm ơn!”

Vì vậy, hãy cứ biết ơn cuộc đời này và hãy dùng lòng cảm ơn để đối đãi với tất cả mọi người xung quanh bạn.

Và đừng quên rằng:

Không biết trân quý, có núi tiền cũng chẳng thể vui tươi.
Không biết khoan dung, có bạn bè rồi cũng rời xa.
Không biết cảm ơn, có tài giỏi cũng chẳng thể thành công.
Không biết hành động, có thông minh cũng chẳng thể viên dung.
Không biết hợp tác, có làm việc chăm chỉ cũng không thành đại sự.
Không biết tiết kiệm, có kiếm nhiều tiền cũng không thể phú quý.
Không biết thỏa mãn, có nhiều tiền cũng không thể hạnh phúc.
Không biết dưỡng thân, có trị liệu cũng chẳng thể trường thọ.

Hãy nhớ:

Có một thứ không thể lợi dụng: Đó chính là thiện lương.
Có một thứ không thể gian dối: Đó chính là tình cảm.
Có một thứ không thể lừa gạt: Đó chính là sự chân thành.
Có một thứ không thể thiếu: Đó chính là bạn bè.
Có một thứ không thể tha thứ: Đó chính là phản bội.
Có một thứ không thể cứu được: Đó chính là tuyệt vọng.
Có một thứ không thể bội quên: Đó chính là cảm ơn. 

Sưu tầm

Đàn Bà Và Xe Ford



Ông vua xe hơi, Henry Ford sau khi chết được đưa lên thiên đàng. Tại cổng thiên đàng có Thánh Peter chờ sẵn để đón Ford.
Vừa gặp Ford, Thánh Peter cho biết: Ford hồi còn sống ngươi đã làm nhiều việc công ích cho xã hội, như sáng chế phương pháp làm việc dây chuyền cho kỹ nghệ xe hơi làm thay đổi cả thế giới. Với thành quả như vậy, ngươi sẽ được một ân huệ là có thể chuyện trò với bất cứ ai trên thiên đường này.

Suy nghĩ vài giây, Ford xin được gặp thượng đế. Thánh Peter dẫn Ford đi gặp thượng đế, vừa gặp thượng đế, Ford hỏi ngay:
- Thưa ngài, lúc ngài chế tạo ra đàn bà, ngài đã suy nghĩ gì?

Thượng đế nghe xong bèn hỏi lại:
- Ngươi hỏi như vậy là ý gì?

Ford liền trả lời:
- Trong sáng chế của ngài có quá nhiều sai sót. Phía trước thì phồng lên, phía sau bị nhô ra. Máy thường kêu to khi chạy nhanh. Tiền bảo trì và nuôi dưỡng quá cao. Thường xuyên đòi hỏi nước sơn mới. Cứ đi 28 ngày là lại bị chảy nhớt và không làm việc được. Chỗ bơm xăng và ống xả lại quá gần nhau. Đèn trước thì quá nhỏ. Tiêu thụ nhiên liệu thì nhiều khủng khiếp ...

Thượng đế nghe qua liền bảo:
- Ngươi hãy đợi một lát để ta xem lại bản thiết kế.

Ngài bèn cho gọi toàn bộ kỹ sư thiết kế và cơ khí trên thiên đàng lại để xem lại quá trình. Sau một thời gian họ trình thượng đế bản báo cáo. Xem xong, ngài bèn phán rằng:
- Những lời ngươi vừa nói hoàn toàn đúng, sáng chế của ta quả thật có nhiều sai sót, nhưng nếu tính trên phương diện kinh tế thì hiệu quả lại rất cao: Có gần 98% đàn ông trên thế giới xài sản phẩm do ta chế tạo, trong khi chưa đầy 10% đàn ông xài sản phẩm của ngươi.

Sưu tầm

Khổ Vì Cái Tên Cúng Cơm Hay Tên Tục - Nguyễn Thượng Chánh, DVM

Cúng cơm ngày Tết (Photo NTC 2010)

Sống tại hải ngoại, người Việt Nam mình thường hay bị rắc rối vì cái tên cúng cơm.

Đòi sinh viên gốc Việt đổi tên để ‘dễ phát âm,’ giáo sư bị cho tạm nghỉ (V.Giang)

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/giao-su-dai-hoc-o-oakland-doi-sinh-vien-goc-viet-phai-doi-ten-cho-de-phat-am-bi-cho-tam-nghi/


Muốn chỉ một cá nhân nào đó, tùy theo giai cấp, tín ngưỡng, tùy theo lúc sống hay chết, tùy theo già hay trẻ, người Việt Nam có rất nhiều tên để gọi. Ngôn ngữ Việt có những từ sau đây chỉ các loại tên: bí danh, bút hiệu, nhũ danh, nghệ danh, pháp danh, pháp tự, pháp hiệu, tên, tên cái, tên đệm, tên họ, tên gọi, tên chữ, tên cúng cơm, tên hèm, tên hiệu, tên húy, tên riêng, tên thánh, tên thụy, tên tục, tên tự, thương hiệu.” (Ngưng trích: Nguyễn Long Thao- DANH XƯNG ĐẶC BIỆT CỦA THƯỜNG DÂN VIỆT NAM)


Tên Ta, Tên Tây, Tên Mỹ

Theo kiểu Việt Nam, mình bắt đầu bằng cái họ, kế tiếp là chữ lót (nếu có) và cuối cùng là tên gọi.Thí dụ: Nguyễn Thượng Chánh

Theo kiểu Mỹ, Canada thì bắt đầu bằng tên gọi (first name, given name, forename), kế đến là chữ lót (middle name), rồi cuối cùng mới là cái họ (family name, surname, last name) và cần nhớ là tên Việt Nam viết không được bỏ dấu...Thí dụ: Chanh T Nguyen.

Mình tự hỏi hổng biết các tên gồm một hơi 5-6 chữ thì họ sẽ bị rắc rối tới đâu...

Nội cái vụ chữ lót không thôi mà đôi khi cũng đủ để nhức đầu rồi.

Thường thì chữ lót dùng để bổ thêm nghĩa cho cái tên. Tây họ thường hay hỏi mình, nó là cái gì vậy? Mà thật ra đôi khi mình cũng không biết tại sao phải cần có chữ lót để làm gì, tại sao có người thì có chữ lót còn người khác thì lại không! Rồi mình lại phải cắt nghĩa vòng vo Tam Quốc cho họ hiểu, mà cũng không chắc gì họ hiểu cho lắm đâu…

Thôi thì mình bỏ quách chữ lót cho nó nhứt cử lưỡng tiện, và khỏi rắc rối. Đối với các giấy tờ chánh thức (passeport, bằng lái v,v…) mình phải bắt buộc ghi tên y như trong khai sanh.

Các trường hợp bình thường hằng ngày không quan trọng thì mình sử dụng tên Chanh Nguyen cho nó giản tiện và lẹ hơn.

Bạn bè da trắng, da đen, trong sở thì mình biểu tụi nó gọi mình bằng Chanh, toimoi. Các người lạ, ít thân thiện, xếp lớn thì lúc nói chuyện họ đều gọi mình là Dr Nguyen (Họ đọc là Ngu –Yen). 

Có nhiều người còn có tên đôi tên kép, và đôi khi kèm theo tên Tây hay tên Mẽo ở sau chót nữa.

Mèn ơi! có tên thì dài ngoằn dài ngoèn một hơi bốn năm chữ, cho nên mỗi khi cần điền vào hồ sơ hay giấy tờ thì gặp rất nhiều khó khăn, vì không đủ chỗ viết, mà cũng hổng biết điền biết viết vào hàng nào, ô nào cho nó đúng tên đúng họ của mình nữa.

Thôi thì viết đại vô. Thật là rắc rối.


Cái mode đổi tên Việt thành tên Tây tên Mỹ.

Các con em Việt Nam sống tại hải ngoại cũng thuờng được cha mẹ đặt cho thêm tên Tây tên Mỹ cho hợp thời và cũng cho bạn bè hay thầy cô của chúng dễ kêu, dễ gọi hơn.

Một số người thì thêm tên Tây tên Mỹ cho dễ làm ăn, dễ giao thiệp, và cho nó có vẻ Tây vẻ Mỹ một chút cho nó le vậy mà. Thôi thì nhập gia tùy tục nhập giang tùy khúc vậy. …

Cái hơi kẹt, có khi các tên lạ tai nầy thường hay bị bà con trong nhà, Việt Nam hóa cho gọn lại thành tên mít hết ráo cho dễ gọi và dễ nhớ. Thí dụ như thằng Lít (Philippe), con Ri (Marie), con Rết (Henriette), thằng Na (Bernard), thằng Ni (Tony), thằng Tom (Tommy) có khi là Tôm, thằng Bob (Robert), thằng My (Remy)

 “Việc đổi tên ở nước ngoài là chuyện chẳng đặng đừng. Nó giúp cho cuộc sống nơi xứ người dễ dàng thêm một chút. Hơn nữa mình sống ở nước nào lấy tên thường gọi ở nước đó thì cũng không có gì gọi là vọng ngoại hay mất gốc….”(Ngưng trích Vì sao người Việt nước ngoài lấy tên Tây- Thái Phạm –VietnamExpress 7/3/2011)

Lại còn cái vụ tên Việt Nam, bên nầy mình không được bỏ dấu theo kiểu tiếng Việt cũng gây rất nhiều phiền toái hết sức, vì không biết gọi sao cho đúng tên cúng cơm của người ta chớ không thì kỳ chết đi, mích lòng lắm…


Tuy cùng đọc và viết theo thứ tự họ trước tên sau, có một điểm khác biệt cơ bản về ... nhưng theo đúng lý thì tên đệm là phần gắn với tên chính, vì tên đệm bổ sung ý nghĩa ... Trần Thành Đăng Chân Tín (con trai), Trần Thành Đăng Chân Mỹ (con gái), ... Lấy tên động vật thực vật: Loan, Phụng, Sơn Ca,...; Hồng, Lan, Huệ,.
Nếu bạn chưa đọc, bạn hãy đọc để biết cách chọn tên cho mình nhé. Những tên tiếng Anh có cùng ý nghĩa với tên Loan ... Laura, Nghe cách đọc tên Laura ... Không chỉ là một chương trình học thi TOEIC số 1 hiện nay, Tiếng Anh Mỗi Ngày còn thật sự giúp bạn cải thiện khả năng nghe và đọc tiếng Anh ... Sắp xếp theo.

Đi học tiếng Việt thì mới đúng theo lý tự nhiên của trời đất. Thoạt đầu ... Bà Loan To , tên Việt là Tô thị LoanMỹ lại đọc là Lôn To, đưọc dịp đứng lên phát biểu.


Bên nhà đọc tên ngoại quốc theo “kiểu hơi đặc biệt”.

Theo nhà báo bùi Văn Phú trong bài

Không có cách viết đồng nhất cho danh từ riêng tiếng nước ngoài?

 “Một thí dụ khác, trích dẫn từ báo Nhân dân, phần Tin giờ chót, ngày 20.03.2010:

* Tại cuộc họp của Nhóm “Bộ tứ” về Trung Đông ở Mát-xcơ-va, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã yêu cầu I-xra-en chấm dứt ngay việc xây dựng các khu định cư mới, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine nối lại các cuộc thương lượng trong vòng 24 tháng tới.

* Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ cho Indonexia vay 27 tỷ yên để xây dựng nhà máy điện địa nhiệt ở Lu-mút Ba-lai, Nam Xu-ma-tơ-ra. Việc cho vay sẽ được thực hiện thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

* Phó Tổng Thư ký LHQ A. Mi-gi-rô kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nỗ lực hơn nữa để kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha về tự do thương mại quốc tế trong năm nay.

* Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Đen-nít Ble đã thăm Ấn Độ và thảo luận với Bộ trưởng Nội vụ P. Chi-đam-ba-ran về những biện pháp chống chủ nghĩa khủng bố.

* Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Hoóc-hê Tai-a-na thúc giục Chính phủ Anh đáp ứng yêu cầu của LHQ sớm bắt đầu cuộc đàm phán với quốc gia Nam Mỹ này về chủ quyền đối với quần đảo Man-vi-nát đang tranh chấp.

Đọc hết các tin ngắn trên, tôi chỉ có thể giải mã được địa danh Indonexia (Indonesia), Xu-ma-tơ-ra (Sumatra), I-xra-en (Israel) và tên một người là Đen-nít Ble (Dennis Blair) và đoán ra một vài tên khác, nhưng không chắc lắm. Nếu muốn tìm trên Internet thêm thông tin về những nhân vật hay địa danh in đậm và dùng từ khoá như cách viết trong bài báo thì sẽ khó có thể tìm được đúng những gì muốn biết thêm” (Ngưng trích Bùi Văn Phú).

 

Tây Mỹ đọc tên Việt

Đây là chưa kể đến chuyện một số tên Việt Nam mà người ngoại quốc đọc không được hay khi họ đọc thì nghe như là tên Ma Rốc, tên Á Rạp, hay tên gì lạ hoắc.

Riêng cái họ Nguyễn, tại Quebec họ đọc là Nu Yen, ráng mà nghe.

Vậy trường hợp có ngồi đợi ở đâu đó như tại bệnh viện hoặc tại phi trường thì mình phải chú ý không được ngủ gà ngủ gật, hãy lắng tai mà nghe cho rõ lúc người ta gọi tên.

Đây là chuyện phiền phức cười ra nước mắt đã từng một lần xảy ra cho người gõ tại phi trường O’hare Chicago 

Hai vợ chồng ngồi chờ United Airlines connection đi Los Angeles (Lax). Chở lâu quá, vừa mỏi lưng vừa buồn ngủ, và vừa bị lùng bùng lổ tai vì quá ồn ào nên không nghe rõ họ kêu ai trên loa phống thanh 2-3 lần. Tưởng đâu không phải họ gọi mình. …Cô Mỹ đọc tiếng Việt mà. Sinh nghi mình đến hỏi quầy vé, thì đúng là họ muốn gặp mình. Hú hồn hú vía. Xém vuột chuyến bay. 

Úm ba la tên ta thành tên ngoại

Tên Việt Nam mà dịch ra tiếng ngoại quốc cũng ngon lành lắm chớ bộ, thí dụ như Thắng là Frein, Brake hoặc Victory; Bạch Tuyết là Blanche Neige; Tốt là Bon hay Good; Tân là Nouveau, New; Thu là Automne, Fall; Xuân là Printemps, Spring; Giàu hay Phú là Rich; Đức là Allemand; Lễ là Fête; Lan là Orchidée; Thơm là Good Smell hay Pineapple; Mai là Demain, Tomorrow…

Tên ngoại thành tên ta

Còn tên Tây tên Mẽo mà dịch ra tiếng Việt đôi khi cũng thấy ngồ ngộ lắm, như Toronto là Tổ Rồng To, Montreal là Mộng lệ An, San Francisco là Một Trăm Quan Tiền Sáu Cô, Jean Talon là Jean Tà Lởn, Côte des Neiges là Dốc Tuyết, Bush là Bụi Cây, Charette Xe Bò, LeBoeuf Con Bò, Paradis là Thiên Đàng, Bouvier là tên một loài chó, Armstrong là Cánh Tay Mạnh, Pierre hay Stone là Đá hay Thạch, Gate Cái Cổng, LeBlan Trắng hay Bạch, LaMontagne là Núi hay Sơn, PainChaud Bánh mì nóng, Claire Lavoie là Đường trống, LaRivière là Con Sông hay Hà, và Sovo là cái tên quốc tế rất độc đáo của đại đa số đàn ông trên thế giới!


Tại Québec, bà con mình gọi người “québecois de souche, pure laine” là dân còi chánh cóng. Đó là người da trắng, nói tiếng Tây, gốc Pháp, sống tại tỉnh bang Québec.


Cựu Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault có người gọi là... “Giăng Mặc Ê Rô”.

Nhưng trong tất cả các tên ngoại quốc có thể nói là chỉ có tên ANDI là tên tuyệt điệu nhứt vì nó hội đủ cả tứ khoái âm dương ngũ hành trong đời. Nam hay nữ đều có thể dùng chung tên nầy.


Tiệm sushi Fukyu tại Montreal bị rắc rối vì tên Nhật bị đọc theo giọng Mẽo


Tiệm sushi Fukyu bị Tòa án Québec ra lệnh bắt phải đổi tên                 

Nhà hàng Sushi Fukyu nằm trên vùng Côte des Neiges Montreal (4820, rue Jean-Talon O. (coin Victoria)Montréalbị các tiệm buôn lân cận thưa trước tòa. Lý do họ không muốn cơ sở kinh doanh của mình chịu mang tiếng xấu vì ở cùng khu vực với Fukyu. 

Theo chủ nhân, Fukyu là một từ trong võ thuật Nhật Bản. Nhưng quan tòa không đồng ý. Cuối cùng để xin hai chử binh an, chủ nhân Fukyu dành bóp bụng chửi thầm phải đổi tên tiệm lại là Kebuki, tên một loại bi kịch cổ truyền Nhật Bản.


Fukyu đổi thành Kebuki Bar Sushi &Resto                                                 

Tên gì kỳ cục quá: Fucking village (Làng múa lân) bên nước Áo.


Đây là một làng nhỏ, chỉ dành riêng cho mấy người trẻ tuổi, còn xí quách ở mà thôi?

Có dạo họ tính đổi tên lại thành Fugging mà dân chúng không đồng ý. Tên “Fucking” ấn tượng hơn. Tên nghe “lạ tai”, ý nghĩa duy trì nòi giống đồng thời cũng có tính cách marketing (khuyến mãi) dễ thu hút du khách.


Làng “Múa Lân”-  Phép vua thua lệ làng: Không thể đổi tên được!

Tên ta đọc theo giọng Mỹ

Cũng có những cái tên Việt Nam rất ư là thanh tao, nhưng nếu phát âm theo đúng giọng Mỹ thì kẹt lắm. Thí dụ : Dung, Dũng (đống caca thú vật), Cần, Can (can,cái lon), Cao (cow bò cái), Vân (van, xe camion nhỏ), Phát, Phúc ( fuck, múa lân trên giường), Đại (die, ngỏm), Trúc (truck, xe camion lớn)…


Việt hóa tên Hoa, tên Hàn

Người mình cũng khônng vừa gì. Tên Tàu, tên Đại Hàn của người ta cũng bị mình sửa lại  thành tên Việt hết ráo như: Tập Cận Bình (Xi  Jinping),Ôn Gia Bảo (Thủ tướng Trung Quốc). Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao),

 Các chức sắc cao cấp trong chánh phủ Đại Hàn là Kim Dân Chu, Li Dân Xớp, Kim Thê U, Chô Miêng Chun, Tổng thống Kim Đạt Trọng ( Kim Dae Jung) từ 1998-2003, nhận Nobel hòa bình 2000,và Tổng thống Đại Hàn (2006-2008) là Lư Vũ Huyến (?) Roh Moo Hyun.

Còn nhà độc tài Bắc triều Tiên Kim Chính Nhật (Kim Jon Il) 69 tuổi vừa mới ngỏm và nhường chỗ cho cậu ấm là Kim Chính Ân (Kim Jon Un) (sanh 1971?) lên cầm quyền. Hai cha con không bao giờ biết cười cho nên đất nước Triều Tiên khó khá lên được.


Về phía các tài tử thì có Tôn Nghệ Trân (Son Ye Jin), Củng Lợi (Gong Li), Chương Tử Di (Zhang Ziyi), Thành Long (Jackie Chan)…


Còn nhớ 40-50 năm về trước thần tượng của tác giả là các tài tử Khương Đại Vệ (David Chiang), Địch Long, Trần Quang Thái, Lý Tiểu Long (Bruce Lee), Lý Lệ Hoa (trong phim Áo Người Trinh Nữ, xem xong mấy bà mấy cô khóc sướt mướt)…Chắc ngày nay họ cũng già khú đế hết ráo, và lê lết trong các nhà dưỡng lão sang trọng hay cũng đã quy tiên theo Lý Tiểu Long rồi.


Tên tại các xứ khác

Tên Thái Lan, tên Nhật Bản, tên Ấn Độ, tên Tây, tên Mỹ thì không thấy bị sửa thành tên Việt được: Abhisit Vejjajiva là Thủ tướng trẻ tuổi của Thái Lan (2008-2011), Taro Aso Thủ tướng Nhật Bản (2008-2009), Mammohan Singh Thủ tướng Ấn Độ, Nicolas Sarkozy (TT Pháp), Aung San Suu Kyi (Miến Điện), Bachar El Assad (Syrie), Barack Obama (TT Hoa Kỳ), Nicole Kidman, Brad Pitt, Angelina Jolie…

Riêng chỉ có cái tên Yamaha của Nhật Bản rất nổi tiếng khi qua tới Việt Nam liền bị mấy cụ ông  giành nhau quá xá cỡ và đổi lại thành YAMAHAM.


Tên không giống ai: Tên ảo

Đây là tên bạn xài lúc sử dụng (user name) và kèm theo mật khẩu (password) ! Đôi khi có nhiều địa chỉ email quá  nên thỉnh thoảng mình lộn user name và password cái mầy qua cái kia nên mở hoài không ra. Một hồi nhớ lại thì mới biết. Té ra là vậy.



Nái lói hay nói lái

Còn cái vụ nói lái nữa chớ…

Chỉ cần thêm một vài chữ sau cái tên cúng cơm là nó sẽ trở thành một cái tên mới thật ác liệt lắm, thí dụ như các tên Hậu, Thu, Đạm, Lan, Lài, Công, Tốt, Tôn, Nắng, Môn, Paul, Đức, Đậu, Đôn, Bồn, Chú, Đại, Dồn, Dũ, Đệ, Đạo, Dụ, Tôn, Tu, Tú, Đội, Đạo, Cự, Cao, Tặc, Bắc, Mao, Thái, Hai, Hải, Hách, Chánh…và  còn nhiều lắm…


Họp lại nhau kỳ cục lắm.

Cũng có một số tên rất tương khắc lẫn nhau, nếu cặp đôi lại thì nghe kỳ lắm như các tên : Chơi, Lâu, Sướng, Khoái, Thôi, Hứng…


Các tên quá rõ rệt, nghĩa trắng nghĩa đen lẫn lộn như Tôn Thất Nghiệp (không nên viếng thăm bạn bè ngày đầu năm), Tôn thất Hứa (không nên đi vay mượn tiền người khác), Tôn Thất Đức, Tạ Đức Thắng không nên đi chung xe với cha nội nầy), Lê văn Giàu (không nên xin tiền xã hội), Trần văn Rớt (Không nên đi thi khó đậu…) và còn nhiều lắm.


Còn trường hợp Bác sĩ Robert Vũ văn Sang tại Hoa Kỳ, mỗi khi tự giới thiệu thì đứng lên nói I’m Dr Bob Vu….(làm mấy bà mấy cô giật mình đỏ mặt!)


“Có một ông thuộc thế hệ người Việt thứ nhất khi còn ở Việt Nam mang họ Bùi, tên Liêm: Bùi Liêm. Sang đến Mỹ, tên của ông được chính thức trở thành Liêm Bùi theo cách viết tên trước họ sau của người Mỹ. Nhưng khổ nỗi, trong tiếng Anh không có dấu nên tên của ông trên giấy tờ được viết là Liem Bui. Các bạn đồng hương nói đùa:

 

“Tên gì mà kỳ cục quá, nghe như… liếm b…!”. 

 

Để không bị chế giễu, ông vẫn giữ họ Bùi nhưng tên Liêm đổi thành Robert hầu tránh ngộ nhận chết người… Tưởng đâu thoát nạn nhưng ông lại gặp thêm rắc rối vì cái tên mới. Số là người Mỹ thường gọi Robert qua cái tên thân mật Bob. Hóa ra tưởng đã yên thân với tên Robert Bui, nay ông lại khốn đốn vì cái tên thân mật Bob Bui. Bạn đồng hương lại có dịp chọc quê: “Liếm b… chưa đủ hay sao mà lại còn đổi là bóp b…”.(Ngưng trích)

Các cô có tên đẹp như Mỹ Dung, Hạnh Dung, các cậu quý tử như Anh Dũng, Hùng Dũng đều nhanh chóng đổi tên vì những ‘bất đồng’ về ngôn ngữ và văn hóa giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Những tên như Dung hoặc Dũng lại trở nên ‘khó nghe’ đối với người bản xứ vì khi phát âm hoặc khi viết nó lại đồng nghĩa với từ ‘dung’ trong tiếng Anh, có nghĩa là… phân súc vật. Hóa ra, Mỹ Dung lại biến thành ‘my dung’.” (Ngưng trích: Tên của người Việt)


Tên tốt tên xấu

Tên mình do cha mẹ đặt ra nhằm mục đích đề cao một đức tính, một ước mơ, hay một kỷ niệm nào đó…Nếu mình lỡ phải mang một tên hơi xấu, hơi lạ thường thì cũng phiền phức lắm vì có thể gây sự chú ý, thậm chí cả sự chế ngạo của người khác nữa. Tình trạng càng bi đát khổ sở hơn nếu nạn nhân là phái nữ.


Bởi vậy, cái tên cúng cơm rất quan trọng trong đời sống của một người.

Nếu trường hợp không thích tên cúng cơm của mình nữa, thì mình cũng có thể làm thủ tục xin tòa án đổi tên, nhưng rất rắc rối, hao tài và phiền phức lắm. 

Tên cúng cơm hỗn danh, bí danh và nghệ danh

Rồi còn vụ gán thêm cái bí danh vào tên cúng cơm làm cho nó càng thêm rõ nghĩa, thêm đậm nét nữa chớ, chẳng hạn như Tuấn mập, Minh  (vì ốm nhom ốm nhách và cao như con cò), Big Minh (TT cuối cùng), Hùng mụn,  Lộc bụng (vì có mang thùng nước lèo khá đồ sộ ở trước), Phước móm, Châu ô (vì da hơi đen), Châu ởi (vì vậy đó…)Tâm rổ (mặt đầy xẹo vì bị té trong thùng đinh hồi nhỏ), Hùng ,  Hương bàn nạo (cần đi nha sĩ niềng răng lại), Cô Hồng coi bói, Cô Xuân bánh cuốn, Cô Cúc chả giò (chuyên bỏ mối ở Montreal), Cô Thủy áo dài (vì chuyên may áo dài), Đức garage (chuyên sửa xe), Thầy Ba Cầu Bông, Tám thẹo (dân anh chị ngày xưa), Đại Cathay…


Còn mấy người chủ mới của miền Nam thì tên của họ cũng là một điều rất bí mật vì mỗi cha đều có cả lố bí danh không biết đâu mà rờ. Thí dụ như Vũ Đình Liệu (Tư Bình), Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ, Bác Sáu, Sáu Búa), Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt): Tham khảo Hồi Ký Lớn Lên Với Đất Nước (Vy Thanh tức Nguyễn Văn Thùy) .


Các ông, các bà viết lách, văn sĩ, « nhà thơ nam, nhà thơ nữ » nhà báo, nhà gõ nam, nhà gõ nữ, thầy bói, thầy đông y, thần y trị đâu chết đó,  hầu như đều có bút hiệu hay biệt hiệu riêng. Có người thì lấy ba bốn bút hiệu, biệt hiệu cho nó oai.


Những nghệ sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ… phần lớn chẳng có ai dùng tên cúng cơm mà xài nghệ danh.

Trước đây là tên hai chữ, như Thái Thanh, Thanh Thúy, sau đó dài thêm ba chữ như Phương Hồng Quế, Trang Thiên Kim…

Gần đây, dù không phải ở ngoại quốc, có phong trào các nghệ sĩ trẻ thêm tên Tây vào nghệ danh của mình.


Mấy em bán bia ôm, cà phê đèn mờ vì nhu cầu bảo mật gốc gác và làm ăn nên các em cũng có cả lố tên riêng để dễ bề làm việc.


Vậy có trốn vợ đi chơi, bạn chớ dại mà khai tên thiệt của mình làm chi. Cứ lấy đại tên của mấy đứa bạn hay tên cúng cơm của xếp mình mà xài đỡ.


Tên cúng cơm thầy Nguyễn Văn Lúa biến thành huyền thoại

Đôi khi cũng có những tên cúng cơm trở thành huyền thoại, và nhập vào kho tàng văn chương bình dân truyền khẩu Việt Nam vào một thời điểm nào đó.


Thập niên những năm 50 và 60, dân miền Nam thường hay dùng chữ lúa để chỉ một sự việc không như ý, một thất bại hay một mất mát nào đó. Có thể từ nầy đã bắt nguồn từ tên của vị Giáo Sư Lúa.

 « Theo tài liệu trong quyễn hồi ký của một tác giả CS, được biết Gs Lúa đầu tiên dạy tại Trung Học Mỹ Tho, sau đổi về Pétrus Trương Vĩnh Ký, Chasseloup Laubat rồi qua Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn khoa Sài Gòn. Gs Lúa nổi tiếng là rất khó và hay tìm cách chiếu bí (Tây gọi là coller) sinh viên trong các kỳ thi. Ai nấy đều ê càng mỗi khi nghe đến tên Thầy Lúa. Đi thi vấn đáp (oral) xui tận mạng mới trúng nhằm Thầy Lúa. Gặp Thầy Lúa là kể như đời tàn, tiêu tán đường, và Lúa vàng luôn: thi không ăn ớt thế mà cay, ý nói thi bị rớt ».

(Tài liệu do Gs Lâm Văn Bé, cựu Hiệu Trưởng Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho đã gởi cho người gõ).


Trong bài viết : Bóng dáng ân sư-Nhắc lại thầy Võ Thành Cứ, nhà văn Nguyễn Thị Cỏ May có đề cập đến Thầy Nguyễn Văn Lúa như sau:

Lúc này, Trường Nguyễn Văn Khuê còn Lớp Seconde và Première. Pháp văn do giáo sư

Nguyễn Văn Lúa, bạn của Ông Đốc Nguyễn Văn Khuê dạy. Ông Nguyễn Văn Lúa nổi tiếng

cho điểm bài luận văn dưới 0 ( - 2, - 3, …). Khi học sinh được điểm trên 0, ông trừ lại. Học

sinh thi Tú Tài I, vào vấn đáp Pháp văn, gặp ông, lúc ra, mặt mày thường toát mồ hôi. Bạn

hỏi điểm hay đề thi, thí sinh chỉ kịp trả lời «…Lúa...». Tức ý muốn nói ông Lúa hỏi …và chắc

rớt môn vấn đáp Pháp văn. Từ đây, ở Sài gòn, trong giới học sinh, có tiếng lóng rất phổ biến

«LÚA» có nghĩa là thất bại.


Nhưng có lẽ nhờ vậy mà Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước 75 đã đào tạo được nhiều thế hệ giáo sư gương mẫu và tài ba cho ngành giáo dục VNCH.


Tên dài nhứt Việt Nam?

“Cho đến thời điểm này,chúng tôi tạm xác nhận chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương ở xóm 6, xã Tân Linh, Đại Từ là người có cái tên dài nhất trong huyện. Không biết chừng cô gái này còn là người có cái tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên hoặc Việt Nam cũng nên” ( Ngưng trích-Nguyễn Tiến Phong)


Tu trong chùa cũng không yên

Các Sư đi tu trong chùa đều có pháp danh là Thích… nhưng cũng không yên. Đôi khi pháp danh bị bọn trẻ sửa lại rất là phàm thế (Mô Phật xin cho người gõ miễn nêu ra đây, sợ bị chửi). 


Phật tử thì cũng phải có pháp danh, như Minh Cảnh, Minh Đức, Diệu Hiền, v.v…để khi quá vãng, lúc cúng vong hương linh nghe biết được tên mình mà bước tới bàn thờ dùng bữa, nhận tam bái tứ bái, hoặc để thân nhân đăng cáo phó cho ra vẻ là Phật Tử thứ thiệt 100%. 

Tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng như các Cha ngoài tên cúng cơm thì cũng có tên thánh (sacred name) như Giuse, Phaolô, Gioan, Maria, Anna… 


Bị Tây Mẽo đặt tên.

Qua bên nầy, người gõ thỉnh thoảng cũng bị mấy đứa nhỏ ngoài đường đặt cho mình vài cái tên là lạ không mấy thiện cảm chút nào như Le ChinoisChop Suey...kêu sao cũng được, có sao đâu. 

Người da trắng thường lầm tưởng người Việt mình là dân Tàu.


Họ không hiểu mình

Trong sở, lúc bắt phone, mình vừa mới xưng tên mình thì bên đầu dây bên kia họ pardon lia lịa vì họ không có hiểu mô tê gì đâu. Vậy phải nói lại cho chậm, cho rõ ràng và uốn lưỡi phát âm theo kiểu Tây kiểu Mẽo, đôi khi phải đánh vần từng chữ một rất mất thì giờ mà hổng biết họ có hiểu nổi không.

Đi làm giấy tờ thì đôi khi mình thường bị người ta gạn hỏi tại sao vợ you với you có cùng một họ với nhau. Còn tên con gái (nom de fille, maiden name) của madame là gì? Ý họ muốn biết tên thật của bà xã trước khi đụng mình là tên gì. (tại nhiều xứ, mấy cô sau khi lấy chồng thì phải mang họ chồng)


Bóng thời gian: Kẻ Nam Người Bắc

Nhớ hồi năm 1956, mình đang học lớp 5e M3 (đệ lục) tại một trường trung học Sài Gòn. Trong lớp có anh Nguyễn Thượng Chính, người Bắc, còn mình là người Nam. Có một lần giám thị Tây (surveillant) vì lầm lộn nên lúc biên consigne phạt anh Chính mà lại viết tên Chánh. Thế là chúa nhựt mình phài khăn gói đến trưỏng « thọ án » hết nửa buổi. Oan ơi Ông Địa.


Trò Chánh (X), trò Chính đứng nghiêm ngoài bìa hàng thứ nhì bên phải cô Pancrazi dạy Anh văn. Hình chụp 58 năm về trước(1956). Lycée Jean Jacques Rousseau-Saigon-

Mong các bạn sống trên thế giới nhận diện hình mình( còn biết được HQBảo (pháp),bs LVD,(Tx Usa), Phan T VIÊN,Trịnh đ Bút,   N Minh Chánh (mập), Hà M Hiếu, Duyên, Đạt, Apretna,  Denis, Chương…


Họ Nguyễn tại Québec cũng ngon lành lắm chớ bộ

Theo phỏng đoán có vào khoảng 40% người Việt sống trên thế giới mang họ Nguyễn.

Tại Québec, Canada họ Nguyễn không những đứng trước nhiều họ mang âm hưởng ngoại quốc, nhưng nó còn vượt qua mặt các họ của người “Còi” chẳng hạn như GélinasGiguère và Robitaille…(“Còi” là người Québécois da trắng, gốc Pháp chánh hiệu con nai).


Tại Montreal họ Nguyễn là họ phổ biến đứng thứ nhì sau họ Tremblay của người “Québecois pure laine” nghĩa là “còi” thứ thiệt. 

                                                           

Họ cũng thường hỏi tại sao tại thành phố Montreal (Mộng Lệ An), người Việt Nam có đến hơn 2.000 người đều mang cùng họ Nguyễn ngang ngữa với cả họ Tremblay, là họ phổ biến nhứt của Québec? Ai mà biết tại sao đâu. Nhưng đôi khi mình nói giỡn với họ là những người họ Nguyễn đều là bà con nhau cả. Coi chừng đó.


Tại Úc Châu, Nguyễn cũng nằm trong những họ thường gặp nhất trong niên giám điện thoại.

Tại thành phố Sydney, những họ thông dụng nhất theo thứ tự là Smith, Lee, Nguyễn, Chen và Kim. Trong khi tại thành phố Melbourne, tên Nguyễn đứng hàng thứ nhì sau tên Smith, và thứ tự như sau Smith, Nguyễn, Singh, Williams và Wilson”. (Trích Thời Báo online)


Nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò


Sinh hoạt với sinh viên Đại học CầnThơ-năm 1973-THẦY XUÂN, THIỆN,CHÁNH và HOÀNG  

Hồi còn đi học, thì nhứt quỉ, nhì ma thứ ba là học trò, nên thầy cô gì cũng đều bị học trò ưu ái đặt thêm cho một cái tên hết…

Người gõ cũng từng một thời là dân nhà giáo tại Đại học Cần Thơ chắc cũng không thể thoát ra khỏi ba cái vụ nầy. Có vay thì phải có trả mà thôi... 

Nghĩ lại thấy cũng vui vui./. 


Đọc thêm

-Wikipedia- Tên người Việt Nam

http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%AAn_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t_Nam


-Không rõ tác giả- Tên của người Việt

http://www.luanhoan.net/gocchung2013/html/bm%2001-02-13%2017.htm


-Bùi Văn Phú 

Không có cách viết đồng nhất cho danh từ riêng tiếng nước ngoài?

http://www.talawas.org/?p=18807

-Nguyễn Thị Cỏ May-Bóng dáng ân sư-Nhắc lại thầy Võ Thành Cứ 

http://namkyluctinh.org/a-lichsu/ntcomay-vothanhcu.pdf

-Trang Nguyên-Đổi tên cúng cơm

http://baotreonline.com/ky-su/Tap-ghi/i-cai-ten-qcung-cmq.html

-Chuyện nói lái.

https://www.facebook.com/gfamily083/posts/450921264999134

-Nguyễn Long Thao-Danh xưng đặc biệt của thường dân Việt Nam.

http://www.erct.com/4-ChiaSe/SuuTam/Tinh_danh-Ten_tuc.htm


Montreal, juin 23. 2020- mùa đại dịch covid 19

Nguyễn Thượng Chánh