Pages

Sunday, February 28, 2021

Vầng Trăng Phương Ấy - Hoàng Xuân Thảo

 

Xưa Lý Bạch khi nhìn trăng tỏ

Lại cúi đầu chạnh nhớ quê xưa

Còn tôi ngắm chị Nguyệt ngời sáng

Tự hỏi: Em giờ ở phương mô?

 

Xưa ta cũng đã có một thời

Cùng ngắm trăng chung, vai kề vai

Cùng thề hẹn, trăng kia làm chứng

Đi với nhau tới cuối cuộc đời.

 

Ta ngắm trăng tròn rồi trăng khuyết

Như đời ta chìm nổi, đầy vơi

Sót thương cho những ai gặp cảnh

Vầng trăng bị chia sẻ làm đôi.

 

Xưa ta đã có nhiều giây phút

Quấn qúyt nhau, đắm đuối say mê

Lại có khi hững hờ, giận dỗi

Ghét cả đường đi lẫn lối về.

 

Vầng trăng có khi mờ, khi tỏ

Chỉ có lòng ta miết dại khờ

Khi yêu thì đòi yêu chết bỏ

Khi buông tựa như chiếc lá khô.

 

Thế rồi thời gian trôi... trôi mãi

Không gian ngày một xa... lắc thêm

Nào biết hoa kia còn chờ bướm

Thì tình mãi vương vấn triền miên...

 

Em ơi ! đêm nay trăng tròn qúa

Mà sao chẳng chiếu sáng lòng ta?

Phải chăng còn thiếu đôi mắt biếc

Của một người em đã cách xa?

 

Anh muốn mượn vầng trăng nhắn gửi

Cho em tận góc bể, chân trời

Đêm nay, ngắm vầng trăng phương ấy

Chẳng phải như anh thiếu một người.


Hoàng Xuân Thảo

Toronto, một đêm rằm

Oan Trái - Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Hình internet

Sau ngày đình chiến theo Hiệp định Geneve năm 1954, Đỗ Thị Tình kết hôn với Phan Văn Anh, một Chính Trị Viên tiểu đoàn của bộ đội Việt Minh.

Một tháng sau, chồng đi tập kết ra Bắc để nàng ở lại trong Nam. Tình có nhan sắc mặn mà nên lắm người tán tỉnh. Vài anh thanh niên trong xã , dăm cán bộ Dân Sự Vụ năng lui tới nhà, khiến Tình lo ngại bỏ quê đến đất Gia Ðịnh vào chùa lánh thân giữ mình. Nàng có hạnh nguyện ở chùa hai năm, chồng về sẽ trở lại đời sống bình thường hưởng cảnh hạnh phúc trần tục. Thời gian kéo dài, người chồng năm xưa vẫn biền biệt. Tình không ngờ nàng đã chôn gíấu cuộc đời son trẻ của mình trong chiếc áo nâu sòng lại lê thê vô vọng. Và từ một ni cô “Kệ kinh câu cũ thuộc lòng, hương đèn việc trước, trai phòng quen tay.”(*) Ni cô Thích Tâm Ngọc (tục danh Đỗ ThịTình) đã trở thành Sư trụ trì chùa D.Q. thay Sư Bà Thích Tâm Huệ viên tịch.

Bà Đỗ Thị Thân là chị ruột của Sư Trụ trì Thích Tâm Ngọc gởi con trai là Bùi Hữu Thiệt vào chùa D. Q. tạm trú để theo học đại học tại Sài Gòn. Thiệt chỉ lo ăn học, tính tình chất phát ,vô tư. 

Một hôm, Thiệt nhận được một số sách tái bản của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn do một phật tử vô danh gởi tặng. Các tác phẩm nổi tiếng ngày xưa mà Thiệt rất mê đọc như Gánh Hàng Hoa, Ðọan Tuyệt… Thiệt giật mình bởi khoảng mười trang đầu là truyện, còn những trang trong thì in toàn tài liệu tuyên truyền của Việt cộng như “Những Mẫu Chuyện Trong Ðời Hồ Chủ tịch”, “Ba Mươi Năm Ðời Ta Có Ðảng”… Thiệt bắt đầu lo ngại và nghi ngờ những hoạt động của chùa D. Q. , vì vậy, hắn quyết định xin phép bà dì Trụ trì được vào ở khu nội trú sinh viên với lý do dành thì giờ đến thư viện đọc sách tham khảo.

Vừa tốt nghiệp đại học lại trúng đợt Tổng động viên, Bùi HữuThiệt không chần chừ nhập ngũ khóa Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức. Bà Thân , Mẹ của Thiệt bảo chạy giấy tờ hoãn dịch vì “hoàn cảnh con một” nhưng Thiệt từ chối. Hắn khuyên mẹ yên tâm, sau khi mãn khóa hắn sẽ làm đơn xin phục vụ tại đơn vị không tác chiến. Qua giai đoạn 2, Thiệt được chọn vào khóa sĩ quan kỹ thuật không quân.
Sau bốn năm phục vụ tại phi trường Biên Hòa, Trung úy Bùi Hữu Thiệt cưới vợ và yêu cầu mẹ bán nhà vào ở với hắn nơi cư xá không quân. Bà Thân luyến tiếc ngôi nhà, không nỡ dứt bỏ cái thị trấn mà bà đã gắn bó từ thời ấu thơ, dù biết rằng nơi nầy không còn an ninh nữa.

Ðêm 24 tháng 3 năm 1975, Bộ Chỉ Huy Tiểu khu QN được lệnh rút quân về Chu Lai, nơi đóng quân của BTL Sư đoàn 2 BB. Người người tranh nhau theo chân quân đội rời thị trấn hướng về Chu Lai tìm nơi an toàn. Bà Thân mệt mỏi, cô đơn chẳng màng chạy lánh nạn. Bà chỉ sốt ruột lo lắng cho gia đình con trai ở Biên Hòa có mệnh hệ nào không. Bà hối hận đã không nghe lời con. Tháng trước đây, Thiệt có đánh điện nhắn mẹ vào Biên Hòa gấp vì tình hình bất ổn. Bà Thân cứ chần chừ mãi đến nay thì muộn rồi. Thôi thì phó mặc cho số mạng. Ý nghĩ như thế, nhưng trước tình hình bất lợi cho phía Quốc gia, trong thâm tâm bà Thân lại mừng thầm rằng bà có cơ hội gặp lại ông Dinh chồng bà và đứa con trai út tên Bùi Văn Thà đã tập kết ra ngoài miền Bắc đã gần hai mươi mốt năm. Niềm hy vọng đoàn tụ với chồng con ngày càng gần giúp cho lòng bà yên ổn trở lại.

* * *
Chiếc xe con kiểu Liên xô băng qua cổng vào chùa D. Q., theo sau là chiếc Molotova chở đầy bộ đội cộng sản Bắc Việt, kéo theo một khẩu đại pháo. Tất cả dừng trước sân chùa. Người chỉ huy và hai lính bảo vệ xuống xe vào thẳng khu chánh điện.
A Di Ðà Phật, giọng trầm trầm của một Ni cô vẳng lên từ trên điện thờ. Trong bộ cà sa màu khói hương , Ni cô tiến đến trước mặt ba người bộ đội:
– A di đà Phật, quý khách cần gì ?
Người chỉ huy lên tiếng :
– Tôi cần gặp chủ hộ ngôi chùa nầy.
– A Di Ðà Phật, Ni cô quay mặt đi vào cửa hông chánh điện. Một lát sau, sư Trụ Trì đến trứơc mặt ba người đang giương mắt nhìn những tượng phật mạ vàng trên bàn thờ sáng trưng. Không biết trong đầu họ đang nghĩ gì trước cảnh chùa lộng lẫy đến khi vị Sư Trụ Trì lên tiếng A Di Ðà Phật họ mới giật mình hỏi :
– Bà đứng tên chủ hộ chùa nầy phải không ?
– A Di Ðà Phật, thưa phải .
– Tôi là Thủ trưởng của trung đoàn pháo của Cách mạng, được cơ sở địa phương chỉ dẩn đến đây thông báo cho bà rõ một đơn vị pháo của lực lượng cách mạng sẽ đóng chốt tại vườn chùa nầy.

Nghe giọng nói của người xứ Quảng pha giọng Bắc , vị sư Trụ trì ngước nhìn gương mặt người chỉ huy, đột nhiên sư cúi xuống thầm thì: “Ôi, Anh …” rồi ngã khuỵ xuống. Ba lính Bắc Việt quay lưng rời khỏi chánh điện. Các ni cô bên sau điện thờ vội chạy ra dìu sư phụ mình vào trong.

Ðặt sư nằm trên chiếc giường tại phòng tĩnh tâm, các đệ tử nhìn nhau lo ngại. Lần đầu tiên họ thấy tâm tư thầy bất an dường như có điều gì đó đang khuấy động đời sống tu hành . Họ nào biết khuôn mặt người chỉ huy Trung đoàn pháo đã đánh thức ký ức của Sư Trù trì nhớ lại kỷ niệm của hai mươi mốt năm về trước. Lòng rạo rực yêu đương của người con gái trong tuổi xuân thì đã bị lừa dối làm con tin trong sách lược cài người của CS Hà Nội chuẩn bị cho cuộc lấn chiếm Miền Nam sau này càng làm nhói buốt tim bà. Khuôn mặt lạnh lùng khắc khổ của người chồng cũ khơi thêm nỗi đau làm rối loạn Bồ Ðề Tâm của bậc tu hành.

Sư trụ trì ngồi dậy, chậm rãi đi về hướng chánh điện gióng hồi chuông đảnh lễ trước điện thờ Phật rồi tọa thiền dưới chân Ðức Thế Tôn tụng tạng kinh Bát Nhã lấy lại sự yên tĩnh tâm hồn.

* * *
Hai mươi mốt năm sống ở miền Bắc, Bùi Mậu Thà được chế độ đào tạo thành một bác sĩ. Đầu năm 1976, Thà về Nam gặp lại mẹ . Người anh cả Bùi Hữu Thiệt sĩ quan miền Nam đang ở trong tù. Bà Đỗ thị Thân mừng rỡ khi gặp lại đứa con trai út sau bao năm trời xa cách. Bà đã ngoài sáu mươi tuổi, dành dụm được một số vàng, thương đứa con xa cách lâu năm nên chia cho Thà một nửa. Năm lượng vàng đối với một bác sĩ ở miền Bắc là cả một gia tài. Thế nhưng,vợ chồng hắn nghi ngờ số vàng mẹ chia có thể chỉ một phần mười hay một phần hai mươi.

Ba tháng sau do vợ hối thúc, Thà quay về đòi mẹ phải đưa thêm vàng. Mẹ thực lòng nhưng con không tin, bà cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Thương con, bà đã gom góp chút của cải cuối cùng chia đều cho hai đứa, thế mà hắn vẫn ngờ vực tấm lòng rộng rãi của mẹ. Bà giận lắm, bèn bảo :
– Năm cây vàng đó là ân huệ của tao cho, mầy chẳng có quyền gì đòi hỏi. Số còn lại là phần của thằng Thiệt, anh ruột mầy đang ở trong trại tù cải tạo, và một ít của tao dành để dưỡng già.
Thà nói :
– Bà quên rằng tên lính ngụy đó đã đi ngược lại truyền thống cách mạng của gia đình ta, mượn bom Mỹ giết chết người cha suốt đời tận tụy với Ðảng để lại những đứa con côi cút ở Hà Tỉnh.

Nhắc đến người chồng phụ bạc, bà Thân không nén được cơn đau. Lão Dinh ra Bắc chưa đầy ba năm là lấy người vợ khác, riêng bà vẫn chung thủy chờ chồng. Sau ngày Ba Mươi tháng Tư 1975 bà Thân mới biết được tin chính xác ông Dinh đã tử thương dưới chân súng phòng không đặt tại cầu Hàm Rồng trong trận máy bay Mỹ ném bôm.

Mối hận tình âm ĩ làm khô héo tim bà. Giờ đây chính miệng thằng con trai út giở giọng chửi anh ruột mình là ngụy lại còn bênh vực người cha đốn mạt , cơn giận ập đến như thác vỡ bờ, bà hét lên :
– Cả lũ bay là đồ bất nghĩa, vô ơn. Cút ! cút ra khỏi nhà tao ngay !
Thà đứng lên, từng bước một đến sát bà mẹ, miệng gầm gừ :
– Không cần bà đuổi, tôi đi ngay bây giờ, nhưng hãy đưa hết vàng đây.Vừa nói hắn vừa chụp lấy cổ mẹ hăm dọa. Bà Thân cảm thấy bị xúc phạm, đưa cao hai tay dùng hết lực cấu vào mặt hắn. Cơn giận sôi lên, Thà siết mạnh tay hơn. Hơi thở bà Thân khò khè, chân tay giựt lên từng hồi rồi cả người bà rũ xuống. Thà hoảng hốt buông tay. Hắn vội vàng vào buồng ngủ lục tìm được gói vàng giấu bên dưới đầu giường rồi lên xe đò ra Bắc, trốn biệt từ ngày đó.

Sau cơn ngất vì nghẹt thở, bà Thân dần dần hồi tỉnh. Khi nhớ ra hành động của thằng con đòi thêm vàng, bà vội vàng vào xem lại số vàng đã cất giấu thì hỡi ôi , thằng con khốn nạn đã lấy đi hết số vàng bà đã dành dụm, gồm 5 cây vàng cho thằng con lớn và 5 cây bà để dành dưỡng già. Bà Thân ngã vật trên giường rồi ngất đi, đến ngày hôm sau bà trút hơi thở cuối cùng.
Ba năm sau ra tù, Bùi Hữu Thiệt ôm mộ mẹ khóc suốt một ngày. Chàng vì mẹ đã trễ chuyến bay cuối cùng ra hạm đội. Mẹ vì chàng quyết giữ năm cây vàng để chàng có phương tiện vượt biên đoàn tụ với vợ con đang ở nước ngoài. Thiệt giận em thì ít, nhưng căm thù cộng sản đã tạo cho con người sống trong chế độ mang tính ác thú.

* * *
Người chỉ huy của Trung đoàn pháo Bắc Việt có toán quân đóng chốt tại chùa D. Q. trong những ngày đầu của 30 tháng Tư, bây giờ là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện . Ông vừa ký lệnh trưng dụng ngôi chùa D. Q. làm Trung tâm thương nghiệp và ra lệnh trục xuất tất cả những ai cư trú bất hợp pháp trong chùa.
Sư Trụ trì Tâm Ngọc buông tờ công lệnh có chữ ký của chủ tịch huyện Phan Văn Anh. Bà không tưởng tượng được lại có ngày oan trái đến với bà. Ngôi chùa đã che chở bà những năm tháng còn trẻ trung để tránh cạm bẫy trần tục, giữ trinh tiết chờ chồng. Ngôi chùa đã che giấu cán bộ hoạt động nội thành mỗi khi cơ sở bị phá vỡ. Bà, các sư muội cùng thiện nam tín nữ đã góp công góp của xây dựng, tu sửa ngôi chùa để bây giờ “Cách mạng” gom vào tài sản nhà nước và tước đoạt quyền hành đạo của nhân dân.
Nỗi đau của bà là đã hy sinh cả một thời xuân sắc cho chồng, ngược lại chồng đã quên hẵn bà, xem bà như không còn hiện hữu trên cõi đời nầy !

Ðúng giờ Ngọ ngày Rằm tháng Tư Âm lịch (1978) Ni Sư Thích Tâm Ngọc đã châm lửa tự thiêu giữa sân chùa D. Q. để phản đối chính quyền cộng sản biến ngôi chùa thành trung tâm thương nghiệp. Công an thành phố đã cướp xác sư Trụ trì kín đáo mang đi. Trên cổng chùa, cửa chánh điện được dán đầy những bản sao lệnh trưng dụng ngôi chùa có chữ ký của Chủ tịch huyện Phan Văn Anh.
Ngày hôm sau, Nhật báo “Sài Gòn Giải Phóng” đăng mẩu tin ngắn :
“Một phụ nữ quê quán miền Trung tên Ðỗ Thị Tình mắc bệnh tâm thần, có lẽ vì trắc trở tình duyên nên đã tự thiêu tại sân chùa D. Q. Thi thể đã được chính quyền địa phương an táng.”

* * *
Chủ tịch huyện Phan Văn Anh đọc lướt qua bản tin trên rồi bình thản đặt tờ báo lên bàn. Cùng lúc, ban văn thư mang vào văn phòng một phong bì lớn, ghi tên người nhận : Phan Văn Anh . Khui bao thư khác thường nầy ông lấy ra một chiếc khăn trắng đã ố màu có thêu hai đóa hoa hồng đan chéo với nhau, một lọn tóc đen dài và một lá thư. Ông tái mặt, vội vàng lùa những món “tang tóc” ấy vào ngăn kéo rồi thẫn thờ đọc lá thư :
Thưa ông Phan Văn Anh,
Tôi viết thư nầy với tư cách của một người phụ nữ mang tên Ðỗ Thị Tình.
Trước tiên, tôi gởi lại chiếc khăn tay mà ông đã tặng cho tôi trong ngày cưới, đó là món quà duy nhất của cô dâu nhận được khi về làm vợ ông. Thứ hai là lọn tóc của tôi đã cất giữ suốt hai mươi năm từ lúc vào chùa quy y. Tôi đã lặng người và khóc hết nước mắt khi mái tóc dài óng mượt của tôi được mẹ bảo dưỡng từ lúc còn bé thơ bị cắt đi. Người con gái mới hai mươi ba tuổi đời đã chịu xuống tóc vào chùa là một quyết định hi sinh vô bờ bến cũng chỉ vì muốn giữ lâý lòng trung trinh tiết nghĩa đối với chồng. Thế mà ông đã nhẫn tâm quên hẳn người vợ ở lại trong Nam. Ngày tôi gặp lại ông sau hơn hai mươi năm xa cách là lúc ông đưa đơn vị pháo đến giẵm nát cảnh chùa mà tôi đã tu tịnh trong suốt thời gian qua. Hành động tiếp theo cuả ông là ký lệnh biến chùa làm nơi buôn bán của nhà nước.
Thần tượng “Cách mạng” trong tôi hoàn toàn sụp đổ . Tài sản đồng bào miền Nam đã bị đảng các ông cướp đọat một cách trắng trợn và chà đạp lên cả quyền sống con người.
Khi ông nhận được thư nầy, tôi với tư cách là Sư Trụ trì chùa D. Q. đã tự thiêu để phản đối chính sách cướp chùa phá đạo của Cộng sản Việt Nam. Tôi vì Ðạo pháp mà thắp sáng ngọn lửa Từ bi Vô úy trong tinh thần Ðại ngã Tinh tấn của Phật Giáo để soi đường cho chúng sanh và hi vọng soi sáng cả lương tri ông .
A Di Ðà Phật.
Ni Sư Thích Tâm Ngọc, trụ trì chùa D.Q.

Ðặt bức thư trên bàn, Phan Văn Anh đưa mắt nhìn khu cây kiểng trước phòng làm việc. Gương mặt ông tối sầm. Kéo chiếc hộc bàn ông nhìn lại lọn tóc đen tuyền nằm khoanh tròn trong bao nylon. Chợt khuôn mặt của người vợ trẻ ngày xưa như thoáng hiện chập chờn bên lọn tóc, ông trầm ngâm, nghĩ ngợi. Một hồi lâu, ông cầm điện thoại gọi phòng công an bảo vệ chính trị hỏi cái xác thiêu ở chùa D. Q. chôn ở nơi nào.
Một tuần lễ sau, đích thân ông lén lút đặt trên ngôi mộ người vợ cũ một bia có khắc hàng chữ : “Nơi an nghỉ của Ðỗ Thị Tình, sinh ngày 18 tháng 4 năm 1931 tại Q. N. Chết ngày 15 tháng 4 năm 1978 tại Gia Ðịnh, thọ 47 tuổi”.

Ông âm thầm thực hiện công việc nầy có lẽ để lương tâm ông đỡ cắn rứt. Nhưng ông không ngờ cử chỉ đó lại càng xúc phạm đến linh hồn người tu sĩ đã dày công tu luyện. Bởi vì trên bia ông đã cố ý giấu nhẹm Pháp danh “Sư Nữ Trụ Trì Chùa D.Q. Thích Tâm Ngọc.”

* * *
Trước khi thực hiện một chuyến vượt biển, Bùi Hữu Thiệt tìm đến mộ bà dì ruột Ðỗ Thị Tình thắp hương từ biệt. Nhìn tấm bia mộ không tên người phụng lập, lòng Thiệt quặn thắt. Thiệt chấp tay khấn nguyện : “ Dì đã hiến thân cho Ðạo Pháp mang ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ngọn lửa Bi Trí Dũng của Phật pháp bùng lên từ thân xác Dì đã thắp sáng lương tri loài người và soi đường cho chế độ này ra khỏi vòng mê lụy.
Thưa Dì, ngày mai nầy con sẽ ra đi, không may gặp hiễm nguy, thân con có thể chìm tan trong biển cả mênh mông nhưng hồn con sẽ nhập cùng với hàng vạn linh hồn của những người bỏ nước ra đi bị tử nạn làm nên những con sóng thần đánh động lương tâm thế giới. Linh hồn Dì linh thiêng xin phò hộ cho con trong chuyến đi này được bình yên đến được bến bờ Tự do . Con hứa với Dì , nơi vùng đất mới , con sẽ ươm mầm hạt giống Tự do để chờ ngày mang về trồng lại trên mảnh đất quê hương Việt Nam mà hiện nay đang tràn ngập cảnh khổ đau đầy máu và nước mắt !”

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Cách Phân Biệt Người Đàn Ông Khôn Ngoan Và Người Đàn Ông Nông Cạn



1. Đàn ông khôn ngoan trân trọng trí thông minh và phẩm hạnh của người phụ nữ. Đàn ông nông cạn xem trọng 3 vòng của phụ nữ. 

2. Đàn ông khôn ngoan cưới người phụ nữ phù hợp với mình. Đàn ông nông cạn cưới người phụ nữ mà anh ta thèm thuồng.

3. Đàn ông khôn ngoan xem trọng gia đình, vợ con hơn những cuộc vui bên ngoài. Đàn ông nông cạn thích tụ tập bạn bè, vui chơi chè chén rồi mới nghĩ đến gia đình.

4. Đàn ông khôn ngoan ca ngợi người phụ nữ của mình, cho cô ấy biết rằng anh ta thực sự may mắn khi có được cô ấy. Đàn ông nông cạn ca ngợi những phụ nữ bên ngoài và cho vợ biết rằng cô ấy thật may mắn khi có mình.

5. Đàn ông khôn ngoan sau khi kết hôn, sẽ cho cả thế giới biết rằng anh ấy đã có vợ. Đàn ông nông cạn sau khi kết hôn, muốn nói dối cả thế giới rằng anh ta còn độc thân.

6. Đàn ông khôn ngoan tin rằng “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Đàn ông nông cạn tin rằng ko có vợ đời anh ta sẽ khá hơn.

7. Đàn ông khôn ngoan biết "sợ vợ", nịnh vợ, bảo vệ vợ. Đàn ông nông cạn thể hiện quyền uy với vợ, trấn áp vợ, bỏ mặc vợ.

8. Đàn ông khôn ngoan chọn lối sống thanh cao. Đàn ông nông cạn chọn lối sống phóng túng.

9. Đàn ông khôn ngoan lấy hạnh phúc gia đình, hạnh phúc vợ con làm thước đo ngẩng cao đầu với thiên hạ. Đàn ông nông cạn lấy tiền bạc gái đẹp làm thước đo ngẩng đầu với thiên hạ.

10. Đàn ông khôn ngoan nắm tay người phụ nữ của mình để cùng xây dựng sự nghiệp. Đàn ông nông cạn hất văng người phụ nữ của mình để tự do xây dựng sự nghiệp.

11. Đàn ông khôn ngoan nghĩ rằng: “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Đàn ông nông cạn nghĩ rằng: “Muốn đi nhanh thì đi một mình”.

12. Đàn ông khôn ngoan thì tag vợ/ người yêu vào đây. Đàn ông nông cạn thì sợ xấu hổ, đọc xong cười tủm, chửi thề rồi lướt Facebook tiếp!!!

Sưu tầm 

Dấm Xủ - Don Ho


Từ hồi nào tới giờ vốn thích món hoành thánh mì. Đói bụng sẵn tiện trên đường, tạt ngang ghé tiệm mì của người Hoa gốc Chợ Lớn.

Buổi trưa 3 giờ, tiệm mì vắng teo.

Tô hoành thánh bốc khói được cô tiếp viên tuổi nhỡ nhỡ bưng ra. Vừa đặt xuống bàn là cô định quầy quả quay trở vào trong.



Vội nói với theo:- "Chị ơi, chị làm ơn cho xin miếng dấm xủ & ít ớt chua nha chị..."

- "Hả? Cần dzì?"

- "Dấm đó chị. Dấm xủ để cho vào mì đó và ớt ngâm dấm..."

Cô tiếp viên bỗng thay đổi nét mặt, quạu hẳn, nguýt cho một cái rồi hầm hầm bỏ đi một mách.

Ngỡ cô ta đi lấy, ngồi đợi mãi chẳng thấy dấm cũng chẳng thấy ớt, mà bóng cô tiếp viên cũng bặt tăm! Ngoái vào trong bếp, ơi ới ngoắc mãi mới có một ông có lẽ đầu bếp mặt bóng loáng đầy mồ hôi dầu bước tới.

- "Nị cần dzì?"

- "Anh ơi, hồi nãy có xin chị kia miếng dấm & ớt chua mà chắc chị ấy quên. Anh làm ơn nhắc dùm chị ấy!"

- "Nó dzận dồi. Nó hổng ra nữa đâu?"

- "Ủa???"

- "Cần dzấm phải hông?"

- "Dạ đúng rồi, dấm xủ để cho vào mì & xin chút ớt chua nữa nha anh."

- "Nói "dzấm xủ" thành ra nó giận đó!"

- "Hả? Sao lại giận? Dấm xủ thì kêu dấm xủ, chứ không thì kêu là dấm gì?"

Anh đầu bếp cũng dấm dẳng chẳng kém chị khi nãy, mặt vẫn lạnh như tiền:

- "Dzấm đỏỏỏ. Zdậy nị hổng biết "dzấm xủ" là gì a? Nói ngược lại đi!"

- "Nói ngược gì cơ??? "Dấm xủ", "Xú dẩm" "Xú dẩm"? "Dấm xủ", "dú xẩm" "dú xẩm"... Ơ..."

Chết mồ chưa?

Chết thật!

Trầm giọng xuống, hỏi nhỏ:

- "Ủa, thế tên nó không phải là "dấm xủ" sao? Từ nhỏ tới giờ mấy đứa bạn vẫn kêu như thế cơ mà..."

- "Hỏng phải! Thôi để tui mang dza cho!"

Rồi anh ta vào lấy cho chén dấm, vẫn quên ớt chua mà vờ luôn, không dám hỏi thêm!

Vừa húp miếng hoành thánh, vừa lấm lét liếc vào trong nhưng tuyệt nhiên chẳng hề còn thấy bóng dáng chị tiếp viên, chẳng biết chị ta né đi đâu mất rồi.

Để tiền tô mì và chút tips lại trên bàn cùng lời xin lỗi "đã không biết" biên trên miếng napkin (khăn giấy) xong rồi chuồn lẹ ra xe.

Nguyên đoạn đường mấy chục phút lái xe về nhà cứ nghĩ mãi:

Thuở nhỏ đi học trường trong Chợ Lớn, thỉnh thoảng kéo nhau đi ăn mấy vắt mì mấy đứa bạn cứ xin "dấm xủ", chẳng biết chúng cũng không biết, hay ... nham nhở giỡn?! Con nít mà, đâu để ý gì lại dễ tin và cứ thế mà tưởng tên của loại dấm đó như thế cho mãi đến tận bây giờ mới bị tổ trác!

Vừa cáu mà cũng vừa lại buồn cười.

Thôi thà bị một lần như thế để biết chứ không thôi cứ mãi suốt đời ... ngu ngơ khù khờ!

Nghĩ xong tự phá lên cười há há.

Liếc qua bên hông thấy con bé lái xe bên cạnh đang quay qua chằm chằm nhìn, cặp mắt trợn tròn vo như hai hòn bi ve...

Kệ xác, cười tiếp...

Don Hồ

Thứ tư 2 tháng 12, 2020

Ngày Xuân Ăn Tết - Nguyễn Thị Thêm


Tết Tết Tết, Tết đến rồi

Tết đến trong tim mọi người.

Có thế chứ. Trong trái tim người Việt Nam ngày Tết thiêng liêng lắm. Như con bé rời VN năm 7 tuổi thế mà nó vẫn nhớ như in tiền lì xì đầu tiên nó có. Cái thời ăn độn, tiền không có mua gạo lấy gì cho nhiều. Thế nhưng đó là kỷ niệm. Kể cả bộ đồ mới ngày Tết, má may tay bằng chiếc áo dài cắt ra sửa lại. Những đường chỉ may tay chắc là không đẹp nhưng ban đêm dưới ngọn đèn dầu lù mù má ngồi nắn nót từng đường chỉ là hình ảnh đẹp. Bóng má rọi trên vách nên dù má có xấu hay đẹp, cái bóng đó cũng bao trùm lấy nó, che chở cuộc đời nó. Nó với má là cuộc sống là niềm vui. Ngày Tết nó mặc áo mới may còn thơm mùi phấn và mùi của má. Ngày Tết nhà nghèo nhưng đẹp hơn bao giờ hết. 

Nó ăn Tết đúng nghĩa vì được ăn thịt. Miếng thịt heo béo ngậy ngon hết biết. Thịt kho với tàu hũ trong cái nồi nho nhỏ chan lên chén cơm nóng làm cho ngày Tết huy hoàng và nhớ đời. Nó chạy nhảy tung tăng, được mặc mồ mới, được tiền lì xì, được ăn ngon. Đúng là Ăn Tết. 

Hôm nay má nói ngày mai đưa ông táo về trời. Nó nhìn lên tờ lịch treo trên tường không có ngày ta. Công nhận má nó nhớ kỹ thật. Ngày mai ông Táo về trển sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng điều gì?

Táo quân với hai ông một bà, một gia đình không đi đúng luật hôn nhân,  vậy mà nhà trời chấp thuận và cho làm tiên. Hay ở thiên đình theo chế độ mẫu hệ? Thế đàn bà VN ráng ăn ở thật tốt để được lên trên đó tha hồ điều khiển chồng. Bỏ những lúc ở dương gian chồng ham vui nhậu say về đánh vợ bầm dập. Bỏ những lúc chồng năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên phải thờ chỉ một chồng. Nó nhớ chị Bảy hàng xóm ngày xưa. Nó thương chị vô cùng. Chị bán bánh canh mỗi buổi sáng. Chị thức dậy không biết từ lúc nào mà khi nó còn ngủ nướng trên giường đã nghe chị rao vang ngoài ngõ:

-Bánh canh n..ó..n.g đay...đây.

Dáng chị nhỏ dần bên đôi quang gánh kĩu kịt trên đường. Cửa nhà chị vẫn đóng im chứng tỏ anh Bảy vẫn còn ngon giấc. Vậy rồi anh dậy với tô bánh canh nóng hổi và một vài cục xí quách bên chai rượu. Anh ngồi nhâm nhi tận hưởng cuộc sống. Anh nói không tìm được việc làm và để vợ lo sinh kế. Sướng quá sinh hư, anh lại rủ bạn bè ăn nhậu, ca hát, đề đóm. Chị lại oằn lưng trả tiền ghi sổ nợ ở quán cho chồng. Trả nợ anh vay xã hội đen đánh đề. Nhưng chưa yên thân đâu, thỉnh thoảng nhậu say anh còn đánh chị lên bờ xuống ruộng. Đi bán mà cái mặt bầm tím đôi mắt sưng vù. Sáng chị bán bánh canh, chiều gom mua ve chai. Chị tất tã để kiếm miếng ăn và trả nợ mà chồng không thương. Thử hỏi làm sao chị không mơ ước lên trời để làm tiên nữ ăn no mặc đẹp rồi múa hát tưng bừng.

Ước cũng không được, chị mãi vướng cái nợ trần gian. Khi anh uống rượu quá nhiều bị viêm gan nằm nhà thương chị lại một phen vay nợ lãi để lo cho chồng. Một thời gian chống chọi, anh chết đi để lại cho chị một mớ nợ với lãi mẹ đẻ lãi con chị phải gồng mình trả. Chồng chết tưởng chị được thoát nợ, nhưng không chị phải phu tử tòng tử. Chị không được sống cho mình, phải nai lưng làm để nuôi thằng con "Con giống cha là nhà có phúc"

Chị đã khóc với nó chiều 30 Tết, chị không dám về nhà vì phải trốn xã hội đen đến đòi tiền thằng con vay để cá độ. Chị cúi mặt xuống, lau hai dòng nước mắt:

-Chị biết lấy gì Ăn Tết bây giờ.

Nó nắm lấy tay chị Bảy, bàn tay đã múc bánh canh ngày nào, bỏ thêm cho nó thêm một miếng thịt và cười thật tươi với nó:

-Ăn cho nóng rồi đi học. Thêm cho em miếng thịt nè.

Ăn Tết có còn vui không khi cái tết làm con người thêm mủi lòng theo số phận. Thương chị Bảy, thương cho một phận đời. Thương cho người phụ nữ Việt Nam kiên trinh, cam chịu. 

Việt Nam ăn Tết lớn lắm. Dường như mọi người đổ ra cả ngoài đường để vui chơi, ăn uống. Khắp các thành thị, huyện, thị xã nơi nào cũng có tụ điểm ăn chơi và du lịch. Nói đúng theo chữ nghĩa bây giờ là "Hoành tráng" Những địa điểm vui Xuân choáng ngợp với hoa với cảnh với thú đẹp với hình ảnh 3D bắt mắt. Nam thanh nữ tú áo quần đủ màu đủ kiểu. Tay nắm tay, hạnh phúc trong mắt trong tay, trong những món hàng đắt tiền. Việt Nam ăn Tết chưa chắc nước nào sánh kịp vì sự tổ chức choáng lộn, thức ăn bắt mắt, rất nhiều loại hấp dẫn cỡ nào cũng có.  Con người VN dường như dồn hết sức, dùng hết tiền cho ba ngày Tết.

Năm vừa rồi Tết con chuột. Ngoài đời nhìn con chuột là phát khiếp. Nhưng vào năm 2020, con chuột được tô điểm thiên hình vạn trạng, khoác lên mình một lớp mạ màu vàng. Thì ra con chuột vàng đem tài lộc đến cho mọi nhà. Trên mọi địa điểm du lịch người ta chụp hình với chuột, chơi trò chơi có chuột và em đẹp nhất năm...con chuột. 

Bố khỉ, con chuột năm 2020 chả phải là con chuột tài lộc mà là con chuột được nuôi trong phòng thí nghiệm. Nó nhiễm bệnh dịch và nó chui ra ngoài. Thế là dịch bệnh lan khắp mọi nơi. Cả thế giới chết không kịp chôn, chết cô đơn, chết thê thảm, chết uất ức vì không có thuốc chữa, thuốc ngừa. Gần suốt một năm nghiên cứu, tiêu không biết bao nhiêu tiền, làm bạc đầu những nhà khoa học thuốc chủng mới ra đời. Con chuột sau một vòng rong chơi 365 ngày nó hết nhiệm kỳ nên giao thế giới này lại cho anh trâu. Tàn dư nó để lại nằm trong những người dính dịch. Nếu biết đề phòng và kịp chích thuốc ngừa thì thế giới qua được cơn hiểm họa. Còn không, con cháu của Covid 19 sẽ phát triển sinh sôi thế hệ mới nguy hiểm hơn thành Covid 20. Chỉ còn một tuần nữa nó sẽ “say Goodbye” và mỉm cười hài lòng vì thành tích phá hoại một năm hết sức "chuẩn, hoành tráng, vĩ đại". Nó là đồ khốn.

Có nhiều người không biết, tưởng rằng "Cầu, dừa, đủ, Xoài" là 4 loại  trái cây đầy đủ ý nghĩa trong mâm ngũ quả. Không đâu. Bây giờ trên mâm đó thay đổi theo thời đại mới. Không chỉ 5 loại mà thứ nào đắt tiền nhất là ý nghĩa nhất. Nhất là loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc chưng Tết chắc ăn...như bắp, để bao lâu cũng không hư vì được ám xì bùa ngâm thuốc hoặc chích. Đặc biệt năm Canh Tý có một phong trào chơi cây kiểng rất lạ là chưng trước nhà rất nhiều cây bắp. Cây bắp đang trổ trái gần ăn được là bứng lên, trồng vào chậu đem bán như cây kiểng để chưng Tết. Theo phong trào, mỗi nhà ít nhất cũng có hai chậu đặt ở phía trước để có ý nghĩa ngày Tết. Sang hơn chơi 4 hoặc chục cây. Ở những khu vui Xuân trang trí như một vườn bắp với những trái đầy đặn ngon lành. Đố quý vị lý do vì sao? Vì "Chắc Ăn Như Bắp"

Chỉ bốn chữ thôi thổi vào tâm hồn người dân VN thích suy diễn và hiểu nghĩa sâu xa khiến mấy ông chủ vườn bắp hốt bạc tỷ. Khâm phục mánh khóe làm ăn.

Năm nay năm con trâu. Con trâu có được gì đâu. Cả ngày cày ruộng mệt muốn ngất ngư con tàu, lại bị ông chủ đánh vào lưng vào mông đau điếng. Thả cái cày ra chỉ được ăn tí rơm khô. Phải ăn cho lẹ, nuốt cho mau như mấy ông lính mới huấn luyện trong quân trường, hay thời kỳ tù tội nhai nuốt cho kịp kẻo hết giờ. Ban đêm khi mọi người ngủ, con trâu phải nằm đó thức trắng ói rơm ra nhai lại. Thật khổ cho cái thân trâu.

Vậy đó, năm nay con trâu nhận bàn giao từ cho chuột tinh ranh hôi hám một tài sản chưa bao giờ tệ hơn. Con trâu to con nhưng hiền lành, đưa tay nhận ấn tính bàn giao mà nước mắt ròng ròng.

Một thế giới còn chìm ngập trong dịch bệnh. Số người nằm trong bệnh viện vẫn còn đầy ở các phòng cấp cứu. Thuốc chủng ngừa mới tìm ra chưa đủ cung cấp kịp thời cho toàn dân thì nó lại biến thể.

Cả năm nay thế giới đóng cửa, người buôn bán không bán được, máy bay không bay, ngành du lịch dừng lại lỗ vốn. Các công ty do tình hình dịch phải đóng cửa. Nói chung kinh tế xuống dốc thê thảm. Tinh thần người dân cũng xuống dốc và stress vì lo sợ và tù túng.

Trường học đóng cửa chỉ học online, trẻ em rồi sẽ hư mắt phải đeo kiếng cả thôi. Vì ngoài nhìn trên màn hình để học, các cháu lại mê game, thích chơi trên iphone, ipad. Các cháu sẽ có khuynh hướng cô lập bản thân, thích chơi và sinh hoạt với người ảo, hình ảo và niềm vui ảo. Một hình thức suy thoái tinh thần và thể chất cho giáo dục vì tác hại của học online.

Còn nữa, song song dịch bệnh và kinh tế là tình hình chính trị đảo lộn cả thế giới. Nước Mỹ với kỳ bầu cử Tổng Thống có một không hai đã ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc như kiếm sĩ rút gươm sau khi hoàn thành bí kíp.  Đài Loan, Hồng Kông, biển đảo đang dậy sóng. Tình hình Liên Xô và các nước Âu Châu cũng không yên. Tại Mỹ hai đảng phái cũng đang tranh chấp kè cựa. Cựu Tổng Thống Trump dù hết nhiệm kỳ cũng vẫn là đề tài nóng bỏng trên chính trường nước Mỹ. Ngài tân Tổng Thống ký sắc lệnh liên tục làm những nhà phân tích chính trị bình luận hết cả giấy mực. Dân chúng đang thấp thỏm chờ tiền cứu trợ đợt ba. Năm 2021 Tổng thống tân nhiệm xóa tất cả những chính sách tiền nhiệm và làm mới. 

Năm nay các bạn biết VN có khuynh hướng chưng cây gì vào dịp tết không? Cây Bắp hả? Xưa rồi Diễm. Năm nay chơi kiểu khác ý nghĩa hơn. Chơi cây lúa. Nghe nói năm nay sẽ dùng cây lúa cho vào chậu trang trí trước nhà như cây bắp năm 2020. Vì lúa biểu tượng cho nông nghiệp là nghề của chàng trâu. Lúa tượng trưng cho no đủ. Lại nhớ đến đồng tiền của VNCH xưa có hình bông lúa. Đừng nghĩ "Lúa là xuống dốc, tàn đời hay nhà quê như Hai Lúa nha" Hãy nghĩ lạc quan hơn một chút là sung túc, thịnh vượng, no đủ.

Tuy nhiên với tình hình du lịch còn đóng cửa, dịch bệnh đang lan mạnh và biến thể, chưa biết người VN có chơi Tết "hồ hởi, phấn khởi" như năm con chuột không?

Ngày mai đưa ông Táo về trời. Má nó đã chuẩn bị ngâm đậu và đã mua trái cây. Bà sẽ nấu chè tiễn Táo Quân sớm. Nó hỏi má nó :

-Ổng bả về trời bằng gì? Không máy bay, không cá chép?

Má nó cười bảo:

- Các ngài là thần tiên cần gì mấy cái đó. Nó đâu có chịu thua nó hỏi

-Vậy sao người ta mua cá chép để thả xuống sông?

Má nó không trả lời. Bà nhìn đâu đâu xa vắng. Nó biết bà đang nhớ về thời nghe chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa nên “Xưa bày nay bắt chước”. Nó không đề cập hay tranh luận với mẹ về những niềm tin mà nó cho là không hợp lý. Cùng một bến sông, chỗ này thả cá tạo phước, chỗ kia lưới bắt lại đem bán. Cũng như tục lệ phóng thích chim. Những con chim bị đặt bẫy, giăng lưới đem bán và thả ra làm phước. Xong cũng con chim đó bị bắt lại để chờ phóng sinh. Phóng sinh đâu không thấy, chỉ thấy chim bị chết không biết bao nhiêu. Tại sao không để chúng sống với rừng xanh, nước biếc, một cuộc sống tự do chim trời, cá nước. Cái vòng luẩn quẩn tham lam của loài người. Chỉ tội cho những con vật sống không yên, chết cũng không yên.

Năm hết Tết đến, nó vẫn đi cày mày miệt, đóng thuế ứ hự. Con cái vào đại học chẳng được ưu tiên giúp đỡ như những gia đình nghèo dù học giỏi. Lý do là ở income vừa cán mốc quy định. Đành thôi phải đem căn nhà ra thế chấp để cho con tiếp tục con đường học vấn.

Nó ước, giá như những nhà làm luật nghĩ lại một chút cho những người làm Healthcare Worker. Trong một năm nay, nó và đội ngũ ngành y chăm sóc sức khỏe chạm mặt tử thần, đối diện với sống chết, giành giật với con Covid 19 cứu bệnh nhân. Sự hy sinh, mệt nhọc, căng thẳng, nguy hiểm và vô cùng bất an. Giá...giá như đừng có nói ngoài miệng cám ơn suông mà hãy có một quy định giảm thuế nào đó hay giúp đở gì cho họ thì có ý nghĩa hơn không.

Nó nhớ câu hát ngày xưa ba nó hay ngân nga:" Đừng yêu lính bằng lời.." thì bây giờ nó cũng muốn nói về nghề nghiệp của nó ý nghĩa y chang như vậy. 

Ngày Xuân ở nước Mỹ ăn Tết không vui. Năm nay ai ở nhà đó. Chùa không làm lễ mừng Xuân Di Lặc, không có hội Xuân. Thầy, Sư Cô cũng như Phật tử đặt sự an toàn lên trước. Vào chùa mặt đeo khẩu trang bịt kín lạy Đức Thế Tôn. Ngài nhìn xuống từ ái khoan dung.

- Rồi mọi tai biến sẽ qua. Trái tim bình an thế giới bình an. Tâm hồn thanh thản, cuộc sống hạnh phúc. Tâm không vướng mắc, sức khỏe tráng kiện. Biết đủ để an vui, tâm hồn thanh thản.

Sao mà dễ dàng, sao mà đơn giản chỉ gộp lại một chữ Tâm. Nhưng suốt đời con người lặn ngụp trong đời sống, mấy ai đã giác ngộ, mấy  ai đã tâm an.

Nó đã nghĩ ra một điều khá lý thú. Hãy sống bình dị như con trâu, con vật biểu tượng cho năm Tân Sửu. Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẻ nằm nhai lại cỏ.

Nguyễn thị Thêm

Không Thể Nhịn Cười !


Đêm tân hôn của anh chồng nặng tai

Có hai vợ chồng nhà kia vừa cưới nhau. Anh chồng bị bệnh nặng tai,cô vợ lại là người miền Trung. Đêm tân hôn, sau khi đã thỏa mãn nhu cầu, anh chồng định đánh một giấc thật đã đời để lấy lại sức. Chị vợ cũng mệt phờ quay sang bảo chồng:

-Xong hỉ ? (tiếng địa phương nghĩa là ” xong rồi nhỉ “)

Anh chồng nặng tai nghe ra chữ “song hỉ” nghĩa là vui thêm “hai cái” nữa, cũng chiều vợ làm thêm “hai cái” nữa.

Làm xong, anh vừa định ngủ thì chị vợ lại nói:

-Ngủ hỉ ?

Anh chồng lại nghe ra chữ ” ngũ hỉ “, liền làm thêm 5 phát nữa.

Chị vợ lần này thực sự đã kiệt sức, hổn hển nói với chồng sau khi đã lãnh thêm 5 phát của anh chồng nặng tai:

-Ngủ thật hỉ?

Lần này anh chồng lại nghe thành ” ngũ thập hỉ ”,  liền lao ra khỏi dường quỳ xuống và nói”

-Anh van em, anh lạy em ! Mười hay mười lăm cái nữa thì anh còn làm được, chứ bây giờ em muốn anh làm 50 cái thì anh chết mất !!!!!!


Ngộp thở...

Sau khi xong mọi nghi lễ cần thiết, chỉ còn phần cuối cùng tuyên bố tân lang và tân giai nhân là vợ chồng, để họ trao nhẫn rồi hôn nhau, cha chủ lễ hỏi:
• Trong cả thánh đường ở đây, có ai muốn nêu ý kiến gì khác không? Có ai muốn phản đối cuộc hôn nhân này không? Nếu không, một khi tôi tuyên bố là sẽ không thể thay đổi đấy!
• Khoan, thưa cha! - Từ cuối thánh đường, một giọng phụ nữ trẻ bỗng cất lên.

Tất cả quan khách cùng quay đầu lại. Họ nín thở khi thấy từ hàng ghế cuối, bước ra một cô gái trẻ đang mang bầu.
Bất chấp mình đang đi đứng nặng nề như thế, cô ấy vẫn làm tất cả những người có mặt phải lặng đi vì nhan sắc của mình. Một người mẹ trẻ, đẹp quyến rũ một cách kỳ lạ. Ngạt thở hơn nữa, cô còn dắt theo mình cũng từ hàng ghế ấy, một đứa bé gái đẹp như thiên thần bước ra theo.
Bất giác, tất cả sau khi nhìn cô gái ấy liền quay nhìn chú rể đang đứng cùng người vợ sắp trao nhẫn của mình, cùng cha chủ lễ, nơi bàn thờ Chúa.
Người phụ nữ trẻ có bầu kia khó nhọc bước lên từng bước. Đứa bé gái chậm rãi bước theo cô ta.
Chú rể đứng chết lặng, mặt xanh như tàu lá và run lẩy bẩy.
Cô dâu nhìn thấy vẻ mặt khác lạ đó của người chồng sắp được cha tác thành cho mình, liền kêu to lên một tiếng, và ngất xỉu.
Cha chủ lễ bất giác đặt tay lên vai chú rể, ngơ ngác.
Người phụ nữ trẻ có bầu kia khó nhọc lê chân qua từng hàng ghế một. Đứa bé gái âm thầm vẫn bước theo cô như chiếc bóng.
Bố của cô dâu há hốc mồm nhìn cô, và bỗng đứng bật dậy, sấn tới, túm lấy cổ áo người sắp về làm rể nhà mình. Mặt ông ấy tím lại vì uất.
Người phụ nữ trẻ có bầu kia đã bước tới hàng ghế đầu. Cô ấy cúi chào một bà đang ngồi ở đó, đưa tay ra dấu xin phép cho mình ngồi xuống cạnh bà.
Bà này vội vã dịch người vào trong, nhường chỗ cho cô và đứa bé gái.
An tọa rồi, người phụ nữ trẻ ấy chậm rãi chặn tay lên tim mình, ngước nhìn cha chủ lễ, thở hổn hển:
• Thưa cha, con không có điều gì thắc mắc cả ạ! Con chỉ muốn...
Cả thánh đường im phăng phắc. Một bầu không khí nặng như cái chết bỗng trùm lấy tất cả.
Người phụ nữ đó từ tốn:
• Thưa cha...
Cha chủ lễ nuốt nước bọt:
• Con cần gì, cứ nói. Chúa sẽ tha thứ cho con!
Người phụ nữ ấy tươi hẳn nét mặt:
• ... Thưa cha, con gái của con ngồi hàng cuối xa quá nên không nhìn rõ mặt cô dâu chú rể. Xin cha cho chúng con ngồi phía trên này để cháu được nhìn rõ hơn. Con cảm ơn cha!

Lượm trên mạng

Mỹ Nhân Và Danh Tướng - Huy Phương

Những tấm thẻ bài tượng trưng cho các quân nhân Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam tại cuộc triển lãm ở National Vietnam Veterans Art Museum ở Chicago, Illinois, hồi năm 2005.


Người xưa có câu thơ về cái chết trẻ của những người đẹp và tướng giỏi: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu!” Dịch sát nghĩa là: “Người đẹp từ xưa như tướng giỏi. Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu!”

Chúng ta xem đây là một lời than tiếc hay chính là định mệnh của con người, tướng giỏi thường chết sớm ngoài trận địa và người đẹp ít khi sống đến già. 

Những câu thơ này phát xuất từ Trung Hoa không phải là sai. Cả “tứ đại mỹ nhân” nổi tiếng nhan sắc khuynh thành của Trung Hoa đều chết yểu, không những chết sớm mà còn bị chết “bất đắc kỳ tử!”

Tây Thi sau khi nhà Ngô bị diệt, bị phu nhân Câu Tiễn cột đá dìm sông; Vương Chiêu Quân uống thuốc độc tự tử; Điêu Thuyền bị Quan Võ chém;  Dương Quý Phi được Đường Huyền Tông “ban” cho một giải lụa trắng để kết liễu cuộc đời. Đúng là “hồng nhan bạc mệnh!”

Sáu danh tướng trong Tam Quốc Chí thì chỉ có Tào Thực sống đến 40, còn thì Tôn Sách, Quách Gia, Bàng Thống, Chu Du… không ai được “hưởng thọ” mà chỉ được đến… “hưởng dương.”

Ngày trước, thuở thiếu niên, tôi mê tướng Hạng Võ thời Đông Chu, có tài “bạt sơn cử đỉnh,” một người đánh thắng vạn người,” cuối cùng tận đường, không qua Ô Giang để về Giang Đông, phải tự sát trong khi mới có 31 tuổi. Lãng mạn, bi hùng biết mấy với những màn kịch “Hạng Vũ biệt Ngu Cơ” hay “Tiếng dịch sông Ô,” “Hận Ô Giang.”  Tướng tài phải chết trẻ.

Napoleon Bonaparte sống được 51 tuổi nhưng phải chết trong cảnh tù Ðày. Alxandre Đại Đế chỉ sống được 31 năm. Quang Trung lẫy lừng chiến tích, cũng mất khi mới 39 tuổi.

Ngày nay, tướng lãnh không còn phi ngựa ra trước hàng quân, giữa trận tiền, trước lằn tên mũi đạn như trong các cuộc chiến ngày xưa, nhưng miền Nam chúng ta có những vị tướng lãnh lỗi lạc, cũng phải chết vì trận mạc, vì tai nạn trực thăng, tất cà đều còn rất trẻ, chưa qua được tuổi 50. Đó là Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn năm 42 tuổi, Tướng Nguyễn Viết Thanh năm 39 tuổi, và Tướng Trương Quang Ân, khi còn rất trẻ, chỉ mới 36 tuổi. Phải chăng danh tướng từ xưa đến nay, không qua được định mệnh “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu!”

Bài này lấy ý từ những cái chết gần đây của Tướng Lê Minh Đảo, Lâm Quang Thi và các ca sĩ Quỳnh Giao, Thái Thanh, Mai Hương, Lệ Thu…

Ông Lê Minh Đảo, Lâm Quang Thi không phải là những vị tướng còn trẻ, Thái Thanh, Lệ Thu…cũng đã bước đến tuổi già. Ca sĩ cũng được xem như mỹ nhân, vì trong nghiệp ca cầm, ít nhất phải có chút nhan sắc mới thành được ca sĩ.

Ca sĩ là người của công chúng, tướng lãnh là người của lịch sử. Họ được người đời hâm mộ và yêu mến, nên khi chết đi, đã để lại cho đám đông những ngậm ngùi thương tiếc.

Xót xa biết bao khi chúng ta có dịp được gặp lại những ca nghệ sĩ lừng danh một thời, hiện nay đáng sống ẩn khuất, cô đơn lặng lẽ, bị bỏ rơi, quên lãng trong một nhà già lập nên cho giới nghệ sĩ sân khấu nào đó. Nhưng hơn hết, khi các bạn có dịp đi thăm để gặp lại một vị tướng lãnh oanh liệt một thời, nay phải thúc thủ với số mệnh, trên chiếc xe lăn, sống cô quạnh ở trong một ngôi nhà dưỡng lão, ảm đạm buồn nản thiếu một không khí ấm cúng của một mái ấm gia đình.

Tướng lãnh, phải chăng nơi nằm xuống của họ là chiến trường, không phải như sự ví von “da ngựa bọc thây,” thì cũng phải với một lá cờ tổ quốc, và chung quanh là chiến hữu, đồng đội. Buồn thay là những vị tướng lãnh về già, sống trong sự quên lãng của mọi người, âm thầm chịu đựng những cơn đau của thể xác và nỗi đau cô đơn của tinh thần.

Võ Nguyên Giáp, viên tướng Cộng Sản vẫn thường được đề cao trên sách vở bên kia, “hết nửa đời sau,” đã phải sống trong sự coi thường, khinh miệt của đồng đảng, mang danh là đại tướng “cầm quần chị em” thay vì cầm quân, khi bị giao cho nhiệm vụ làm phó thủ tướng vô quyền, phụ trách Ủy Ban Dân Số Kế Hoạch Hóa Gia Đình (tức là cai đẻ). Thọ như ông Giáp (102 tuổi) là thọ nhục.

Nhìn lại cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua, chỉ là một tên lính vô danh, trước nỗi thất trận, bất lực đành chịu nhục nhã trong cảnh đầu hàng, phải bị bắt làm tên tù binh biệt xứ, tôi đành cam chịu, nhưng khi nhìn thấy những vi tướng lãnh của mình, bị chính sách trả thù tàn độc của Cộng Sản Bắc Việt cầm tù, đưa ra Bắc, phải lao động vất vả, gánh phân, cấy lúa mổi ngày, lễ phép dở nón chào những tên lính Bắc Việt, mặt còn non choẹt ngồi trên chòi canh, lòng tôi cảm thấy bất nhẫn và thương cảm cho những người anh niên trưởng của mình.

Nói ra chỉ thêm đau đớn, nhưng thà làm một tướng chết trẻ ngoài trận mạc, hay kết thúc đời mình bằng một viên đạn trong ngày thất trận 30 Tháng Tư, để cho đời sau thương tiếc khóc than còn hơn!

Theo tôi, đoạn kết buồn của một tướng lãnh là phải sống lưu vong xứ người, chết bệnh tật, già nua trong nhà dưỡng lão, đoạn kết buồn của một mỹ nhân là sống đến tuổi già, mà không dám nhìn khuôn mặt mình trong tấm kính soi.

Nhưng nhiều người muốn sống thêm mà không được sống, nhiều người muốn chết mà số mệnh chẳng cho, đành phải trôi nổi theo số phận an bài. [kn]

Huy Phương

Một Thời Yêu Thương – Hoàng Hải Thủy

Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất vẫn mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vột vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phiá nam, rồi xoay về phiá bắc: gió xoay lui, xoay tới rồi gió đi, gió trở qua, trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chẩy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.

Đoạn mở đầu Sách Giảng Viên — Ecclesiastes — trong Kinh Thánh. Bồi hồi tưởng nhớ những năm 1982, 1983 u ám khủng khiếp ở Sài Gòn, bọn ác ôn tịch thu tất vả những kho sách Kinh Điển Công Giáo, Tin Lành. Khi ấy, với những người Con của Thiên Chúa, và những người đau khổ tìm đến với Chuá, sách Kinh Thánh quí hơn vàng. Người ta ra chợ mua vàng dễ dàng, mua bao nhiêu vàng cũng có, nhưng người ta không thể tìm mua được Kinh Thánh, vì không có nơi nao ở Sài Gòn những năm ấy có bán Kinh Thánh.
“Các ngươi sẽ đói lời Ta từ bờ biển này tới bờ biển kia!” Thưa đúng như Ngài đã nói. Sau 1975, chúng tôi đói lời Chúa một cách thê thảm. Một nhóm tu sĩ tại gia chỉ in ronéo một số bài giảng, tập lịch đạo năm mới, phát cho  tín hữu, bị bắt vào tù với tội “in ấn bất hợp pháp”. Ra toà năm 1985 ba ông thầy can tội in ấn lãnh mỗi ông ba cuốn lịch.

Noel năm 1883 trong căn gác nhỏ trong Cư Xá Tự Do ở Ngã Ba Ông Tạ, tôi ngồi dịch sách Ecclesiastes ra tiếng Việt. Tôi viết và trình bầy như một tập sách nhỏ, đem đến tặng các bạn ở nhà thờ, các bạn truyền tay nhau đọc, ai muốn có tập sách ấy chỉ cần  chép lại hay đi chụp photocopy.

Mùa Giáng Sinh 2005 tôi sống xa Ngã Ba Ông Tạ, xa Nhà Thờ Chí Hoà, Nhà Thờ Đồng Tiến, Nhà Thờ Tân Định, Nhà Thờ Dòng Chuá Cứu Thế, Vương Cung Thánh Đường… không biết bao nhiêu ngàn cây số. Trong căn phòng nhỏ của vợ chồng tôi ở Rừng Phong hiện giờ có đến bốn, năm quyển Kinh Thánh. Sách Kinh Thánh quyí nhất của tôi là bản tiếng Việt mới được dịch và xuất bản tại Sài Gòn. Trong số những vị dịch giả có Linh Mục Nguyễn công Đoan, Trưởng Dòng Tên Việt Nam.

Năm 1987, rồi năm 1989, tôi ở tù chung phòng với Cha Đoan ở Nhà Tù Chí Hoà và Trại Lao Động Cải Tạo Z 30 A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Cha Đoan bị án tù 14 năm. Cha, cùng nhiều Linh mục khác, bị bắt năm 1982.

 Những ngày như lá, tháng như mây… Chúng tôi ra khỏi tù, vợ chồng tôi sang Kỳ Hoa năm 1995. Tháng Tám 1999 Cha Đoan, từ Sài Gòn, đi công việc đạo sang Vatican,Roma, Ý Quốc, Cha ghé sang Hoa Kỳ và Cha đến Rừng Phong gập vợ chồng tôi. Tôi đứng đón Cha dưới hàng cây trên lối vào Rừng Phong. Từng sống với nhau ở Nhà Tù Chí Hoà, Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, có bao giờ tôi tưởng tượng một buổi trưa mùa hạ tôi bồi hồi đứng trong con đường vắng, đầy bóng cây, trên đất Hoa Kỳ chờ Cha Đoan đến. Gập nhau mừng mừng, tủi tủi, Cha cầm tay tôi mãi như không muốn buông ra. Vợ chồng tôi ngạc nhiên khi thấy Cha không khác chút nào qua năm năm trời kể từ  ngày chúng tôi đi khỏi Sài Gòn.

*
Tôi bị quyến rũ bởi lời và ý Sách Giảng Viên — những bản dịch Kinh Thánh trước dịch là Truyền Đạo — Những lời như Thơ, những ý tình man mác…
Trích trong Kinh Thánh, bản do Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn xuất bản năm 1998:

Ở dưới bầu trời này
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhẩy;
một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

Chúng ta ra đời trong Thế Kỷ Hai Mươi đẫm máu; máu đẫm thế kỷ này từ những ngày đầu đến những ngày cuối. Hai tai hoạ lớn nhất của loài người cùng đến trong Thế Kỷ Hai Mươi: Hoạ Phát Xít và Họa Cộng Sản. Có nhiều quốc gia chỉ bị đau khổ vì một tai họa, Hoạ Phát Xít, hoặc Hoạ Cộng Sản, nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam bị khổ sở vì cả hai tai họa. Dân tộc Việt Nam đau khổ trong gần trọn Thế Kỷ Hai Mươi. Thế Kỷ Hai Mươi Mốt đến, chúng ta mong ta được hưởng một thời để yêu thương.

Và đây những lời khuyên cuối của Vị Giảng Viên:

Giữa tuổi thanh xuân
bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình.
Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới
đừng chờ cho năm tháng qua đi,
những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói:
“Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả.”
Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng,
mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm, và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt.
Ngày ấy, người giữ nhà sẽ run lẩy bẩy,
chàng trai vạm vỡ phải khòm lưng
các cô xay bột không còn xay tiếp vì không đủ người xay,
các bà nhìn qua cửa sổ: chỉ thấy lờ mờ.
Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại
tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi,
người ta trổi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót
và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh.
Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ,
chân bước đi mà lòng thật kinh hoàng.
Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xóa,
loài châu chấu trở nên chậm chạp, nặng nề,
trái bạch hoa hết còn hương vị.
Bởi vì con người tiến đến nơi an nghỉ ngàn thu,
bên đường đầy những người khóc than ai oán.
Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ,
vò nước bể ngay tại hồ chứa nước,
ròng rọc gẫy, vụt rơi xuống giếng sâu.
Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất,
khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa
hơi thở Người đã ban cho mình.
…..
Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả !

Trên đây là bản dịch tiếng Việt theo bản văn Kinh Thánh Cổ. Đây là bản văn trên viết bằng tiếng Anh hiện đại, trích từ  Good News Bible, Nhà Xuất Bản American Bible Society:

So remember your Creator while you are still young, before those dismal days and years come when you will say: “I don’t enjoy life.” That is when the light of the sun, the moon and the stars will grow dim for you, and the rains clouds will never pass away. Then your arms, that have protected you, will tremble, and your legs, now strong, will grow weak. Your teeth will be too few to chew your food, and your eyes to dim to see clearly.
Your ears will be deaf to the noise of the street. You will barely be able to hear the mill as it grinds or music as it plays, but even the song of a bird will wake you from sleep. You will be afraid of high places and walking will be dangerous. Your hair will turn white; you will hardly be able to drag yourself along, and all desire will be gone.
We are going to our final resting place, and then there will be mourning in the streets. The silver chain will snap, and the golden lamp will fall and break; the rope at the well will break, and the water jar will be shattered. Our bodies will return to the dust of the earth, and the breath of life will go back to God, who gave it to us.
Useless, useless, said The Philosopher. It is all useless…

Vậy hãy nhớ đến Đấng Tạo Tác ra anh trong khi anh còn trẻ, trước khi những ngày, những năm sầu thảm đến và anh nói:  “Tôi sống không lạc thú.” Đó là khi ánh mặt trời, ánh mặt trăng và ánh sáng những ngôi sao mờ đi với anh, và mây đen cơn mưa không bao giờ tan đi nữa. Khi ấy cánh tay anh, những cánh tay vẫn bảo vệ anh, sẽ run run, và đôi chân anh, lúc này đang mạnh, sẽ trở thành yếu. Răng anh sẽ còn quá ít để có thể nhai thức ăn, mắt anh sẽ quá mờ để có thể nhìn rõ. Tai anh sẽ điếc với những tiếng động ngoài đường phố. Anh sẽ chỉ còn nghe được mơ hồ  tiếng cối xay đang xay hay tiếng nhạc đang trổi, nhưng chỉ cần tiếng hót của con chim cũng làm anh thức giấc. Anh sẽ sợ hãi những nơi cao, việc đi lại sẽ trở thành nguy hiểm. Tóc anh sẽ bạc trắng; anh gần như  chỉ còn có thể sống vất vưởng, và tất cả những ham muốn đều mất.

Chúng ta đi đến nơi an nghỉ cuối cùng, có tiếng than khóc bên đường. Sợi dây bạc sẽ đứt, chiếc đèn vàng sẽ rơi và sẽ vỡ, sợi dây thừng ở giếng sẽ đứt và bình nước sẽ tan tành. Thể xác ta sẽ trở về với bụi của đất, và hơi thở của ta sẽ trở lại với Thượng Đế, Người đã ban nó cho ta.

Vô ích, vô ích. Nhà Hiền Triết nói. Tất cả là vô ích.

Từ Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, một chiều nhớ quê hương, thương tuổi trẻ, tôi viết bài này, tôi gửi bài viết này đến Linh Mục Nguyễn Công Đoan, Thầy Sáu Trần Văn Bẩy, Tu Sĩ Thích Tâm Lạc, Tu Sĩ Thích Trí Siêu, Tu Sĩ Thích Tuệ Sĩ,  Giáo Sư Mã Thành Công, Kỹ Sư  Lê Công Minh.
Tôi từng được tù chung phòng tù ở quê hương tôi với các vị trên đây, các vị hiện đều sống ở Sài Gòn.


HOÀNG HẢI THỦY
(Viết ở Rừng Phong- Virginia, USA)

Nguồn: https://www.tvvn.org/mot-thoi-yeu-thuong-hoang-hai-thuy/