Pages

Tạ Ơn Em - Nguyễn Văn Tới

Cô cún Sacha thân yêu của chúng tôi

Một buổi chiều chớm Thu vùng sa mạc Arizona, khi nắng vàng nhạt dần trong không gian, cái nóng dịu đi dưới những áng mây vừa kéo về đan vào nhau như những tảng bông gòn trắng xám giăng trên bầu trời xanh. Vợ chồng tôi cùng với con chó nhỏ thân yêu Sacha cùng nhau đi bộ dưới những tàng cây Palo Verde tuyệt đẹp, dẵm lên những cánh hoa vàng rực rỡ trải đầy trên lối đi. Vài cơn gió nhẹ thổi những bông hoa rụng dạt qua hai bên đường, tạo thành con đường vàng hoa uốn lượn quanh co qua lối đi, song song với con lộ chính. Hàng cây xanh rực rỡ sắc hoa vàng nghiêng mình bên đường đi, tỏa bóng mát trên con đường nhỏ men theo những dãy nhà xinh xắn ẩn mình trong khu xóm hiền hòa chúng tôi đang sống.

Mùa Thu ở sa mạc rất thật là Thu khi những cơn gió nhè nhẹ, lao xao thổi qua mang theo hương thơm dịu dàng của các loài hoa xương rồng gai góc nhưng sắc hoa thì đẹp đến nao lòng. Gió men theo những bụi hoa dại thấp, lướt trên các chòm cây Mesquite cao phủ đầy hoa vàng, rồi nhẹ nâng gót các cánh hoa rơi nhẹ xuống hai bên đường. Cảnh sắc mùa Thu Arizona, một bức tranh hòa quyện màu sắc tuyệt đẹp đan xen vào nhau khiến khách nhàn du ngơ ngẩn trên đường chiều và lòng tôi cũng chới với mơ theo những áng mây bàng bạc phía chân trời.

Đi hết con đường hoa, chúng tôi bước vào khu rừng thưa và thấp trước mặt, bắt đầu cho buổi dã ngoại chiều nay. Khu rừng đầy các loại cây xương rồng, nhiều loại thực vật và các loại thú hoang thích hợp sống trong vùng sa mạc cao là nơi chúng tôi và các dân cư vùng này vui thích đến đi hiking, những cuộc đi bộ ngắn không cần phải chuẩn bị nhiều thứ linh tinh. Chỉ cần vài chai nước là đủ vì chúng tôi chỉ đi khoảng 3, 4 giờ là quay về. Tiểu bang Arizona là một trong những tiểu bang của nước Mỹ có nhiều hoạt động ngoài trời cả năm nhưng nhiều nhất là vào mùa Xuân và mùa Thu cho những người yêu thiên nhiên khoáng đãng và yêu chim chóc. Hằng năm nhiều hội yêu chim về đây đem theo ống dòm và máy chụp hình đặc biệt để thu vào ống kính những loại chim hiếm có.

Theo thói quen, tôi thường đi trước mở đường với một cây gậy điện bên hông và một cây gậy dã ngoại  bảo vệ cho vợ tôi và cô cún nhỏ đi theo sau. Để an toàn, tôi luôn mang theo cây gậy điện vì chúng tôi đã một lần bị hú vía, suýt chút nữa bị 3 con chó to lớn lao vào tấn công khi đang đi dã ngoại trong rừng. May mà chủ của 3 con chó nghe tôi hét lớn và vung gậy xua đuổi đàn chó, ông ta vội chạy đến, vừa la mắng vừa xua chúng lên chiếc xe đậu gần bên, vì thế chuyện đáng tiếc đã không xảy ra. Nhiều người không ý thức, dẫn chó đi ra ngoài mà không đem theo dây buộc cổ, để chúng tấn công những người khác, đôi khi gây ra chết người.

Trong rừng, khi về chiều, thỉnh thoảng có một vài con chó sói, coyote, hoặc vài con mèo rừng, bob-cat, ra kiếm ăn sớm, chúng sẽ tấn công khi thấy những con chó nhỏ hơn chạy tung tăng phía trước; vì thế, tôi lúc nào cũng mang theo “đồ chơi” để tự bảo vệ mình và bảo vệ cô cún nhỏ của chúng tôi. Cây gậy điện, vừa là đèn pin, dài 19 inches, bằng hợp kim nhôm hình dáng như chiếc đèn pin bình thường, vừa là vũ khí, với phần đầu lởm chởm răng cưa dùng để đập vào đầu kẻ tấn công. Nó được trang bị với giòng điện 9 triệu Volt, khi đánh trả, sẽ lưu lại một dấu vết khó phai nhòa cho kẻ tấn công. Khi bấm nút, nó có công dụng làm chùn bước bất kỳ sinh vật hung dữ nào, với mấy tiếng điện nẹt thật to tóe lửa khiến đối phương mất tinh thần. Không giống như súng Taser của cảnh sát có thể bắn xa khoảng 10-15 ft., gậy điện chỉ đánh được trong khoảng cách gần để tự vệ mà thôi.

Hôm nay, không hiểu sao, vợ tôi cứ xăm xăm đi trước, tay cầm gậy, tay dẫn Sacha qua mặt tôi lúc nào không hay. Tôi cứ lững thững theo sau và giữ một khoảng cách gần và vừa đủ để có gì xảy ra, vẫn kịp thời can thiệp. Rảo bước giữa thiên nhiên hoang sơ, dưới bóng cây rợp mát, tôi nhìn về phía trước, hình dáng vợ tôi bước thấp bước cao, cố gắng theo kịp Sacha, những bước chân của nàng khiến tôi hồi tưởng lại bóng dáng ngày xưa và của chính mình trong một cuộc đi chơi trong vườn hoa Azalea gần 30 năm trước, ở tiểu bang Oklahoma.

Ngày ấy, mới bước chân đến vùng đất mới, cả hai chúng tôi đều còn trẻ ở tuổi trên 30, chúng tôi hăm hở lao vào phía trước với một sức sống mãnh liệt, niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Chúng tôi không nề hà bất cứ một việc gì miễn là có tiền tự nuôi sống mình trên quê hương mới. Hôm nay, nhìn dáng đi hơi nặng nề của vợ tôi khi cố gắng chạy theo con chó nhỏ, và cảm giác những đau nhức khớp xương đầu gối tôi mới vừa trải qua. Tôi thấy rõ thời gian đã lưu lại dấu vết của nó trên cuộc đời sống con người và cảm nhận được mùa Thu đời người đang đến gần với chúng tôi hơn. Sacha vẫn thích thú chạy nhảy tung tăng, nó kéo sợi dây buộc cổ làm vợ tôi phải chạy theo mệt vã mồ hôi. Tôi tiến lên nắm sợi dây và dẫn cô chó đến một rẻo đất thoai thoải, chúng tôi ngồi xuống nghỉ chân dưới một gốc cây cao.

Ngồi lặng im dưới bóng mát tàng cây, tôi để hồn tôi lãng đãng trở về những năm tháng xa xưa đầu thập niên 90, ở một tiểu bang vùng Trung Tây nước Mỹ. Lúc đó, cả hai chúng tôi đều còn rất ngỡ ngàng trước cuộc sống mới trên vùng đất lạ. Cô mới vừa từ trại tỵ nạn Mã Lai qua và còn đang sống chung với gia đình người chị ruột. Tôi khố rách áo ôm, một thân một mình, không thân nhân, bạn bè, tôi cũng vừa đặt chân lên vùng đất hứa này.

Tính tự lập, tôi cắm đầu vừa đi học ESL vừa đi làm để sống vì không biết chỗ để xin trợ cấp chính phủ dành cho người tỵ nạn; vả lại tiếng Mỹ không rành, nếu biết nói chắc cũng chẳng biết trình bày ra sao. Cô cũng thế, ở nhà chị, tuy không bận tâm nhiều về chỗ ăn ở, nhưng cũng vẫn lo kiếm việc làm cho tương lai riêng mình chứ đâu thể ở nhờ mãi trong gia đình chị mình.

Chuyện chúng tôi quen nhau phải được gọi là chuyện tình “Hamburger” hay văn hoa một chút là Hamburger love story. Cô làm phụ bếp cho một tiệm bán đồ ăn nhanh ban ngày và làm cho hãng lựa thư quảng cáo vào ban đêm, nơi tôi cũng đang làm ca đêm và đi học ban ngày. Trong hãng cũng có một số người Việt Nam làm ở đó. Vào giờ ăn, trong lúc mọi người lấy đồ ăn đem theo ra hâm lại, vừa ăn vừa nói chuyện, tôi ra canteen của hãng, ngày nào cũng mua độc nhất một món “biscuit and gravy”, món bánh bột nướng, ăn kèm với nước sốt trộn nấm, không có thịt, chỉ tốn .99 xu, đem đến ngồi cuối bàn vừa ăn vừa nghe phe ta rôm rả nói chuyện.

Có lẽ cô thấy tôi cứ ăn một món suốt ngày này qua ngày khác, thân hình gầy gò, ốm yếu, ho hen, nên thương tình bước đến gần và cho tôi một cái hamburger, cho có một “chút thịt thà” với người ta để còn đủ sức làm việc. Cũng có thể vì thấy tôi “vợ con chưa có, mèo chó cũng không” nên cô thương cảm tình cảnh gã độc thân, không nhà không cửa, “chẳng ma nào nhìn” vào thời đó.  Tôi cảm động thật tình vì tôi không có nhiều tiền để mua những món ăn có thịt và cũng chẳng có thời giờ tự nấu ăn. Cứ đụng đâu, ăn đó. Nói vui, lúc đó tôi mạnh trùi trụi, khỏe như trâu, chỉ có một căn bệnh duy nhất là “rối loạn tiền xài” vì làm đồng nào là xào đồng nấy, chứ không phải “rối loạn tiền đình” như người trong nước ngày nay hay nói về chứng bệnh xây xẩm chóng mặt, mà khi nghe, tôi cứ tưởng họ đang kể chuyện kiếm hiệp của Kim Dung tiên sinh.

Thời đó, chương trình định cự diện HO đang qua ào ạt và đương nhiên gia đình nào, ít nhiều, đều có con gái. Các nàng tuổi cập kê đến Mỹ thật đúng lúc làm cho các chàng độc thân đang trong thời gian hạn hán như gặp được cơn mưa phùn. Mỗi buổi sáng, một chuỗi dài những chiếc xe mới tinh, bóng loáng nối đuôi nhau đậu trước những căn chung cư để mong được đưa đón những lá ngọc cành vàng và cả nhà của nàng đi làm giấy tờ cần thiết; khỏi cần nói, các tài xế ăn mặc bảnh bao, quần áo cũng láng cóng thơm phức nước hoa, đang kiên nhẫn ngồi nặn mụn, soi gương trong xe, nhưng đôi mắt lúc nào cũng nhìn về phía cửa nhà các nàng.

Ở nhà thờ Việt Nam, sau thánh lễ Chủ Nhật hằng tuần, cha xứ có thói quen giới thiệu những gia đình HO mới qua khi họ gia nhập xứ đạo cho mọi người biết mặt biết tên, và hân hoan chào đón họ đến với cộng đồng giáo xứ. Dạo này nhà thờ hình như đông hơn trước vì các thanh niên độc thân có đạo cũng như không có đạo bỗng trở thành những con chiên ngoan đạo đến lạ kỳ. Các chàng ngoan ngoãn, siêng năng đến tham dự thánh lễ và ở lại cho đến phút cuối cùng, chứ thường khi cha xứ vừa cho rước lễ xong là các chàng lẻn về mất tiêu, đến không ai biết, về không ai hay như điệp viên 007. Nay các chàng nấn ná ở lại, ra vẻ cầu nguyện sốt sắng nhưng mắt thì đảo một lượt khắp nơi trong nhà thờ, cho đến khi cha xứ giới thiệu các gia đình mới qua, mà nhất là các gia đình có nhiều con gái thì tiếng vỗ tay càng to. Tôi cũng đi nhà thờ này, nhưng cha xứ hình như quên, không thấy hay không biết tôi là ai. Tôi chưa hề được chính thức giới thiệu gia nhập xứ đạo bao giờ dù tôi cũng từ đảo mới qua gần như cùng một thời gian với họ.

Nhưng trong cái thiệt thòi vẫn có cái may, cuối đường hầm vẫn còn le lói chút ánh sáng. Giữa đám đông xa lạ ấy, tôi vẫn may mắn rinh được một “nàng” tuổi độ trăng tròn, xinh như mộng, đẹp như thơ như hoa mà tôi đang tìm kiếm và mê như điếu đổ. Tên nàng là Impala, họ Chevrolet, sinh năm 1975. Số là một anh trong ban hành giáo, một người tốt bụng, thật thà, và đôn hậu. Anh nghe nói có một chú trẻ tuổi mới ở đảo qua, tướng mạo giống anh như hai anh em ruột. Anh đến tìm tôi sau buổi lễ. Tôi sững sờ nhìn anh. Anh cũng nhìn tôi, miệng há hốc, rớt cả quai hàm. Anh thấy được hình ảnh của chính anh 20 năm trước và tôi cũng thấy tôi, 20 năm sau, trong vóc dáng một người đàn ông 55 tuổi, cao, gầy nhom, và khắc khổ. Có một điểm rất giống nhau là cả hai chúng tôi đều… xấu trai y như nhau.

Anh mời tôi về nhà ăn cơm, rồi tặng tôi chiếc xe Chevrolet Impala đời 1975, mới được 16 năm tuổi. Tôi mừng như bắt được vàng vì tôi đi làm, đi học đều bằng xe bus. Tôi rơm rớm nước mắt vì lòng tốt của anh. Hai mươi năm sau, tuy ở xa, tôi vẫn tìm kiếm thông tin về anh và gởi anh một món quà đặc biệt kèm theo lời cám ơn chân thành nhất của tôi. Tuy món quà chẳng đáng là bao so với thời gian anh làm ơn cho tôi đúng lúc tôi cần nhất. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tôi nhớ ơn anh mãi cho đến bây giờ.

Vì đã có cô Impala nên tôi không màng đến các nàng nào khác nữa. Biết thân phận “đũa mốc mà chòi mâm son”, tôi theo chiến thuật biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng; tôi luôn chung tình bầu bạn với nàng Impala của tôi, tôi săn sóc cho nàng mỗi ngày, tôi tắm rửa, lau chùi, tôi trân quý nàng như một bảo vật. Trong đôi mắt tôi, cô là tất cả. Tôi đi làm, đi học với nàng, không nhìn ngang nhìn dọc, chẳng lo lắng phải đưa đón ai. Xe của tôi, nếu đậu trước cửa nhà các nàng mới qua, chắc chắn chẳng ai thèm nhìn. Từ đó, số phận của tôi và nàng Impala gắn bó với nhau một thời gian dài.  

Nói dài dòng một chút để bạn thấy rằng một người không ai thèm biết đến như tôi bỗng nhiên được một cô gái để ý và đến cho bánh hamburger, hỏi sao không xúc động. Bấy giờ tôi mới nhớ ai đó có nói tình yêu đến qua bao tử nhanh hơn đến từ trái tim là rất đúng trong trường hợp của tôi.

Tôi chăm chỉ học hành, lấy cần cù để bù thông minh, sau hai năm, tốt nghiệp cái bằng về ngành hàng không để có thể tự nuôi thân mình trước rồi mọi chuyện khác tính sau. Ra trường, tôi cùng nàng Impala của tôi chạy mất gần 2 ngày đường xuống tới Phoenix, Arizona vì được một việc làm trong phi trường Sky Harbor; sau đó, tôi trở lại chốn cũ cưới nàng hamburger của tôi. Chúng tôi tạo dựng cuộc sống mới trên vùng sa mạc khô cằn, nóng đến độ sỏi đá cũng biết thở dài.

Tôi vẫn còn hình dung ra vợ tôi, những năm tháng xa xưa ấy, ngày mới lấy nhau, còn là một cô gái trẻ làm việc trong một hãng điện tử, chân mang giày bốt và áo bảo hộ lao động, dáng dấp hơi chậm chạp nhưng vững vàng, bước đi qua lại như con thoi không ngừng nghỉ. Đôi tay bận rộn, lúc hàn những con chíp, con điện trở, lúc dùng kềm để gắn cái tụ điện một cách tinh tế, kế bên là một chồng những board điện tử khác đang nằm chờ đôi tay khéo léo của nàng. Tan ca, chiều về, lạng lách trên các nẻo đường, rồi lái xe như bay trên những xa lộ để mau về đến nhà; cô lại lao đầu vào bếp lo bữa cơm cho chồng, cho con. Biết bao nhiêu công việc mà sao cô vẫn không hề biết mệt là gì.

Những năm sau này, phong trào làm nail đang nở rộ vào cuối thập niên 90, tôi mua cho vợ tôi một tiệm nail để cô làm chủ, khỏi phải làm công cho người khác và cũng mong làm giàu nhanh hơn. Nhưng ngặt một nỗi, tính cô thật thà, không lanh lẹ, nên bị thợ ăn hiếp. Cô lại không có đầu óc tổ chức, thay vì làm cho cô giàu, tôi lại làm cô khổ hơn lúc đi làm hãng. Cô làm ngày hơn 10 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, bận rộn tiệm, bận rộn con cái, cơm nước trong khi tôi đi học tiếp lấy bằng 4 năm, ngày đi làm, chiều đến lớp nên chẳng giúp gì được nhiều.

Kéo dài như thế cả mấy năm dài, khi tôi học xong, tiệm nail không có lời, thua đi làm thợ, mà quá cực khổ. Hai đứa “chợt nhìn nhau xem dung nhan ấy bây giờ ra sao”? Cả hai chúng tôi mặt mày hốc hác, người ngợm gầy rạc, tàn tạ, thần sắc nhợt nhạt mất hết sinh khí. Con cái thì bỏ bê. Có ngày chúng tôi phải đem con lên tiệm để chúng chơi hoặc làm bài vở ở đằng sau. Tôi quyết định bán tiệm huề vốn để thoát ra giấc mộng làm nghèo, thay vì người ta là giấc mộng làm giàu. Chúng tôi nhận ra giàu nghèo đều có số. Đôi khi chúng ta tận lực nhưng sẽ không có cậy trông, nếu tính toán sai. Tôi không biết làm ăn, tôi làm khổ vợ tôi.

Giờ đây nhìn lại, cũng cô gái đó, tóc chớm bạc và thưa dần, thân hình có hơi đẫy đà hơn trước, đang cố gắng vừa đi vừa kéo ghì dây buộc cổ cô cún Sacha, nhưng cẩn thận, chậm rãi đặt những bước chân trên con dốc đầy sỏi đá, lòng tôi bỗng nhiên chùng lại. Tôi đã đọc ở đâu đó hay nghe ai đó nói khi mình già, đôi chân sẽ già trước. Quả thật, tôi cảm thấy đôi chân mình bắt đầu mỏi mệt, thỉnh thoảng đầu gối đau khi chạy nhanh thì vợ tôi chắc cũng không ngoại lệ. Khuôn mặt nàng lấm tấm mồ hôi nhưng hồng lên vì mải đuổi theo con chó nhỏ.

Tôi kêu vợ tôi cùng ngồi xuống nghỉ ngơi dưới một gốc cây Mesquite, lá nhỏ như lá me nhưng tàng cây rậm rạp, tỏa bóng mát giữa buổi chiều Thu nhạt nắng; tia sáng mặt trời chênh chếch rọi xuyên qua kẽ lá tạo nên những hình ảnh ngộ nghĩnh nhảy múa tung tăng mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua. Thấy cảnh đẹp, vợ tôi lấy phone ra chụp hình Sacha, cô lục túi kiếm đôi kính đeo lên mũi, không thấy, phải nheo mắt một hồi mới thấy đường mở cái app chụp hình. Tôi nhận ra mắt vợ tôi bắt đầu kém. Tôi đã mang kính cận từ lâu nhưng vợ tôi thì chưa. Khi mình già, cặp mắt đương nhiên mờ đi nhưng bù lại, ta có thể nhìn cuộc đời rõ hơn trước qua lăng kính trái tim dù nhịp đập đã ít nhiều chậm đi.

Không những mắt mờ mà tai cũng lãng. Có lẽ do ngày trước, chỗ làm việc, chung quanh cô chỉ toàn tiếng động đều đều của những cỗ máy đang chạy rì rầm đơn điệu cả ngày. Ra khỏi hãng là những âm thanh tất bật của cuộc sống thường ngày, tiếng cười nói chung quanh mình về chuyện chợ búa, chuyện nhà, chuyện trường lớp, con cái, và cả những chuyện ngoài ngõ. Rồi tiếng xe lăn bánh lạo xạo de ra khỏi bãi đậu, tiếng bánh cao su rít lên trên đường về nhà. Tôi nhớ lại những ngày hai vợ chồng tôi gặp nhau tại bãi đậu xe của hãng, cô vội vã trao lại đứa con gái bé bỏng của chúng tôi đang say ngủ trong nôi, trước khi tất bật vơ vội túi ăn trưa, theo chân các bạn đồng nghiệp vào bấm thẻ cho kịp giờ. Ngày ấy, chúng tôi không có cha mẹ hay anh chị em ở gần để gởi con nên phải làm như vậy mong tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.

Chúng tôi phải nỗ lực làm việc cho tương lai. Chúng tôi phải làm việc nhiều hơn bình thường để lo trả nợ mấy năm đi học của tôi. Cô không từ nan bất cứ công việc gì, dù nặng nhọc hay không, giúp tôi trả cho xong món nợ sách vở, nợ cơm áo và lo cho cái gia đình nhỏ bé của chúng tôi. Cô không bao giờ se xua trong ăn mặc, ít khi đi shopping trong Malls. Cô chỉ mua những quần áo khi giảm giá, on sale. Tủ áo của cô toàn quần áo rẻ tiền mua ở Walmart, hay sang hơn một chút ở Target.

Tôi thấy thương vợ tôi hơn vì từ nhỏ, cô đã không phải làm bất cứ việc gì trong nhà, kể cả nấu cơm. Cô dân Sài Gòn, nên dù nghèo, vẫn không phải làm việc tay chân cực nhọc. Vậy mà từ khi lấy tôi, cô phải học làm mọi thứ dù cô làm rất chậm không nhanh nhẹn như người ta. Đôi khi tôi phải gắt lên vì kiểu làm việc quá chậm của cô. Chỉ có duy nhất một việc cô làm rất nhanh khó ai qua mặt đó là lái xe. Thật vậy, mỗi lần cô chạy trên đường, chiếc xe như phượng hoàng được chấp thêm đôi cánh, chân ga lúc nào cũng sát sàn xe, cô bị phạt liên miên đến nỗi bảo hiểm xe không muốn bán. Họ nói cô phải chạy chậm lại nếu không, chẳng hãng nào dám bán bảo hiểm cho cô. Tôi nổi nóng la mắng vì sợ cô bị tai nạn, cô chẳng buồn giận, luôn nhẫn nhục, không bao giờ cãi một lời.

Bây giờ, ngồi đây, âm thanh duy nhất chỉ có tiếng gió rì rào như tiếng ru mẹ hiền, có âm thanh êm êm của giai điệu hạnh phúc đang vang vọng trong tôi, và có tiếng chim ríu rít trên ngọn cây đang chơi trò đuổi bắt, chuyền từ cành này qua cành khác nghe xôn xao cả một buổi chiều yên tĩnh và thanh bình. Một con sóc nhỏ xuất hiện, cái đuôi dựng đứng và xòe ra thật dễ thương, đôi mắt nâu lanh lẹ nhìn chúng tôi thật nhanh, rồi biến mất sau gốc cây. Nhắm mắt lại, chúng tôi chỉ còn nghe tiếng hơi thở của lồng ngực mình, tiếng lá xào xạc đâu đây, tiếng xột xoạt của nai mẹ và nai con nai đang nhởn nhơ gặm những chồi non của lá. Cảnh vật thật thanh bình và đầy chất thiền lặng.


Mẹ con nai thơ thẩn chiều thu

Chợt tiếng vỗ cánh thật lớn của một con chim ưng làm đàn chim nhỏ bay tán loạn và cô cún Sacha của chúng tôi vùng dậy sủa vang, phá vỡ giấc mơ dĩ vãng của tôi. Tôi chợt nhận ra bao lâu nay sao tôi vẫn vô tình không hay biết và không để ý săn sóc người đi bên cạnh cuộc đời tôi, người đã chia ngọt sẻ bùi với tôi hơn 25 năm trường. Đời sống vội vã khiến tôi không còn thời gian để nhận ra người mình yêu thương mỗi ngày, không nhận biết một tình yêu thương tràn ngập trong cuộc sống nàng vẫn âu yếm trao ban. Tôi biết tôi nợ cô một lời yêu thương, một cử chỉ trìu mến đáp trả và chợt thấy thương vợ tôi thật nhiều. Nhìn cô nhắm mắt, lưng tựa vào thân cây, tôi vẫn còn thấy phảng phất đọng lại hình ảnh của của một quá khứ tươi đẹp vừa qua, bây giờ khó mà tìm bắt lại.

Cô cũng vì tôi mà phải lâm vào cảnh má hồng truân chuyên, làm người chinh phụ ngày đêm trông ngóng tin chồng. Những năm tháng dài tôi bôn ba tận những nơi xa xôi bên kia nửa vòng trái đất, ở vùng Trung Đông chiến tranh, chết chóc, loạn lạc xảy ra như cơm bữa. Tuy không là lính chiến, tôi vẫn phải đi vào vùng lửa khói, sát cánh với người lính để bảo vệ cho hậu phương nơi quê nhà. Tôi đi vì chí tang bồng hồ thỉ và vì yêu công việc, nỗi nhớ nhà chắc không day dứt như người ở lại. Tôi đi vì tôi biết tôi sẽ an toàn khi có những người lính chiến đấu bên cạnh bảo vệ tôi. Khi bạn đọc những giòng chữ này, tôi đang ở Kurdistan, một vùng tự trị của sắc tộc người Kurd ở Iraq, và tôi đang nhớ về vợ tôi.

Cô ở nhà, không còn cảnh người thiếu phụ tựa bên song cửa nhìn về phương trời xa xôi, gởi niềm nhớ nhung đến bóng chim tăm cá mịt mùng như trong trường ca Chinh Phụ Ngâm, người chinh phụ nhớ chồng đến “sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng” (1). Cô thay tôi lo lắng việc nhà, vẫn đi làm, về nhà nấu ăn cho con cái, giữ cho mình bận rộn để khỏi phải lo lắng nhớ thương chồng nơi phương xa. Nhưng khi đêm về, cô vẫn nhớ chồng đến quay quắt, khi chiếc gối bên cạnh không có hơi ấm của người chồng yêu thương.

Tưởng sống ở một đất nước văn minh và hùng mạnh nhất trên trái đất này, sẽ không còn cảnh ly biệt vợ chồng, không còn cảnh “đường rong ruỗi lưng đeo cung tiễn, buổi tiễn đưa lòng vướng thê noa” như ngày xưa; nhưng vẫn còn đó hình ảnh buổi chia tay, những cái hôn tạm biệt, những vòng tay ôm ghì lấy nhau trước lúc ra đi. Cô đã vì lý tưởng của tôi mà chấp nhận để chồng mình đi vào chỗ hiểm nguy, không biết trước số phận sẽ ra sao khi hòn tên mũi đạn vốn vô tình. Chỉ những người một thời đã là lính chiến xa nhà và những người vợ lính như trong cuộc chiến Việt Nam, mới thấu hiểu nỗi lòng của người đi kẻ ở. Ôi, người chinh phụ thời nào cũng buồn như nhau!

Có một lần, cách đây khoảng 5 năm, một tối trên đường lái xe về nhà, dưới cơn mưa tầm tã, nôn nóng sao về cho kịp để còn lo cơm nước cho chồng con, cô đã không chịu dừng lại trước một dòng nước lũ đang cắt ngang chỗ trũng trên con đường lộ, trong khi tất cả các xe khác đều kiên nhẫn dừng lại bên đường chờ cho nước rút bớt. Cô đạp mạnh chân ga, hy vọng xe sẽ lướt qua dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Chiếc xe chồm lên, nhưng dòng nước mạnh hơn, cuốn phăng chiếc xe theo làn nước. Động cơ xe bị ngập nước, bị “hydro-locked”, ngưng hoạt động, đèn xe tắt ngấm. Cô hoảng loạn la hét bên trong, cửa xe bị khóa vì hệ thống điện cũng hư, không ai dám liều mạng lao xuống nước cứu. Càng sợ hãi, trí óc cô càng mụ mẫm đi vì kinh hoàng, không biết phải làm gì, đành phó mặc cho dòng nước cuốn đi.

Chiếc xe xoay tròn từ từ và chậm rãi. Nước đã tràn vào xe, ngập đến qua mắt cá chân, cô run lập cập vì lạnh và vì sợ hãi nhiều hơn. Cô nhắm mắt lại chờ chết. Chợt một tiếng động khá lớn vang lên, chiếc xe chạm phải một thân cây và dừng lại, không trôi nữa. Khi nước dâng lên cao gần đến đầu gối, cô thoáng thấy ánh đèn xe cứu hỏa nhấp nháy từ xa. Thời gian như đứng lại. Cô vẫn run rẩy, vẫn nhắm mắt cho tới khi cảm giác chiếc xe như bị kéo đi và tiếng người lính cứu hỏa hét to bên ngoài:

-        “Are you ok?”.

Cô gào lên tưởng như tiếng hét của mình khản đặc lại trong cổ họng:

-        “Yes, yes, yes, I’m ok”.

Khi tôi đến nơi xảy ra tai nạn, cô đang được trùm một tấm chăn và vẫn đang run bần bật, tôi ôm cô thật chặt để truyền thêm hơi ấm cho cô bớt run. Cô thổn thức trong nước mắt:

-        “Em tưởng không còn được gặp anh và các con nữa rồi”.

-        “Đừng sợ, anh và các con vẫn và sẽ còn gặp em mỗi ngày mà”. Tôi an ủi và nhìn vào đôi mắt vẫn còn đầy vẻ kinh hoàng của vợ mình.

Đêm đó, trong giấc ngủ, cô choàng dậy la hoảng vì dư chấn nỗi sợ hãi vẫn còn trong tâm trí. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy tôi vẫn còn may mắn vì tôi vẫn còn có nàng kế bên và các con tôi vẫn còn có mẹ.

Giữa chốn thiên nhiên đẹp xinh này, nhìn cô nhắm mắt như đang ngủ và hơi thở nhẹ nhàng, tôi chợt ý thức, trong lúc dịch bệnh Covid vẫn còn đang hoành hành khắp nơi, mỗi một hơi thở thật là cái thước đo của sự sống. Tôi cảm nhận được chúng tôi may mắn vẫn còn có nhau, chúng tôi vẫn tự do hít thở bầu không khí trong lành trong khi biết bao người khác phải xài máy trợ thở trong các phòng cấp cứu. Tôi thì thầm:

- “Chỉ cần có em bên anh thì mọi tai nạn, mọi gian nan trong cuộc sống cũng không có gì đáng ngại”.

Cô ngẩng đầu lên hỏi tôi vừa nói cái gì. Tôi chỉ mỉm cười nói không có chi, chúng mình chuẩn bị về vì trời sắp sửa về chiều, rồi kéo cô đứng dậy. Mặt trời đang chiếu những tia nắng muộn màng lấp lánh trên những chòm cây, ánh nắng chênh chếch rọi vào mắt khiến tôi hơi nhíu mày.  

Mặt trời lên rồi lặn, nhưng trái đất vẫn tồn tại. Trời dù mưa lớn đến đâu, rồi trời cũng vẫn sẽ nắng. Đời người sinh ra, mất đi, nhưng trái đất vẫn quay. Mọi giòng sông đều chảy ra biển rộng, nhưng biển vẫn không bao giờ đầy. Cuộc sống vợ chồng mỗi ngày nối tiếp nhau như một vòng quay, lập đi lập lại đến nhàm chán, nhưng nếu biết trân quý nhau, tình yêu lúc nào cũng đơm hoa kết trái. Tình yêu là sống và dám hy sinh cho người mình yêu, mối tình ấy sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian.

Tôi nghiệm ra cái quý nhất cuộc đời con người là sự bình yên. Hạnh phúc cũng không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta biết trân trọng nó dù nhiều người đã không nhận ra cho đến khi đi gần hết con đường đời. Nhìn lại cánh cửa của quá khứ, có lúc tôi tưởng tôi đã mất nàng, nhưng hôm nay tôi vẫn còn được thấy nàng mỗi ngày trong cuộc sống. Tôi biết tôi hạnh phúc.

Tôi biết tôi phải nói với vợ tôi ba chữ “Tạ Ơn Em” ngay bây giờ hoặc sẽ không bao giờ. Tôi biết ba chữ đơn sơ này vẫn không đủ nói lên những hy sinh nàng đã đi bên cạnh tôi suốt bao nhiêu năm trường gian khổ có nhau như trong câu thề hứa của đôi tân hôn trước bàn thờ Chúa (2): “Sẽ trung thành và thương yêu nhau từ bây giờ và cho đến mãi mãi, trong thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời, và chỉ cái chết mới có thể chia lìa đôi ta”.

Ngày nay, ở mọi nước trên thế giới, người ta bày ra ngày Valentine để có dịp chúc tụng hay tặng quà cho người mình yêu. Đối với tôi, tôi không chờ ngày đó mỗi năm, nhưng tôi trân trọng mỗi một ngày sống bên vợ tôi, để tôi vẫn còn nói được ba chữ Tạ Ơn Em với nàng, bây giờ và suốt đoạn đường còn lại của cuộc đời. Xin mượn hai câu thơ rất đỗi chân chất, mộc mạc, và gần gũi của nhà thơ Bùi Giáng để được tạ ơn Em, tạ ơn Mình và tạ ơn Nhà Tôi:

Mình ơi tôi gọi là Nhà

Nhà ơi tôi gọi Mình là Nhà Tôi.

Nguyễn Văn Tới. 03/2021.

REFERENCES:

 1 .    Chinh Phụ Ngâm. Tác giả Đặng Trần Côn và dịch Nôm Đoàn Thị Điểm. Lament of the soldier’s wife.

 https://en.wikipedia.org/wiki/Chinh_phụ_ngâm.

2.      https://www.weddingwire.com/wedding-ideas/catholic-wedding-  vows#:~:text=The%20vows%20are%3A,to%20be%20my%20wife%2Fhusband.&text=of%20my%20life.-,I%2C%20(name)%2C%20take%20you%2C%20(name),untildeath%20do%20us

     Mời nghe đọc truyện Tạ Ơn Em qua giọng đọc truyền cảm của nhà văn Như Ý

Viết Trước Ngày 30/04 - Nguoivietudo

 

Cách đây bốn mươi sáu năm vào cuối tháng Tư một ngàn chín trăm bảy mươi lăm , nước Việt Nam Cộng Hoà bi tử trận, trút hơi thở cuối cùng trước một địch thủ mà tài sức kém mình  mấy bậc, chỉ giỏi  thí quân , đánh biển người học được từ Mao xếnh xáng trong trận chiến Quốc Cộng . Thua vậy mới đau !

VNCH về tài sức thì rõ ràng đáng bậc đàn anh , bởi vì Sĩ Quan  có trường đào tạo bài bản, đúng tiêu chuẩn quốc tế, lính phải trên mười tám mới được chấp nhận , đủ sức khoẻ , ít nhất cũng từng đi học biết đọc biết viết , không phải suốt đời  đàng sau cái đít con trâu . Vào quân đội rồi thì hưởng mọi quyền lợi dành cho người lính ,  lưong bổng cho cá nhân và gia đình vợ con . Khi đền nợ nước cũng có những quyền lợi dành cho Tử Sĩ , hoặc được giúp đở tối đa nếu là Thương Binh giải ngũ . Khi còn khoác quân phục họ được trang bị  để thích ứng trên chiến trường : dưới chân là đôi giày bốt phòng chống chướng ngại đường hành quân, vải kaki dày che thân thể  -  còn thêm áo giáp chống miểng -  nhất là đội trên đầu chiếc nón sắt che được phần sọ . Những điều này hoàn toàn khác hẵn với đối phương trên đội nón cối làm bằng giấy bồi, dưới mang dép râu lộ hẵn bàn chân cho muỗi nó chích . Vào Nam xâm lược nhưng lỡ phơi thây gia đình chẳng biết đâu là mồ chôn, lúc nào là ngày giổ để hương hoa tưởng nhớ . Nói chung tiêu chuẩn người lính giữa hai chiến tuyến khác xa nhau một trời một vực . Thế mà mọi rợ đã chiến thắng văn minh như chính một nữ văn công của VC từng ôm mặt khóc xác nhận khi vừa bước chân vào tiếp quản VNCH . Tại sao ?

1) Chiến Lược Phòng Thủ :

VNCH chỉ cố gắng giữ vững phần lãnh thổ của mình trước sự tấn công  : phòng thủ tức luôn ở thế thụ động , địch được tự do dưỡng sức , tích trử quân khí , lựa chọn thời điểm để ra quân . Lỡ thua thì rút về chỉnh đốn bổ sung chờ dịp khác đánh nữa, trong khi quân trú phòng hao hụt lực lượng, tinh thần căng thẳng, gia đình hoảng sợ toàn là thất lợi .

Lãnh đạo VNCH nhận biết điều đó cho nên đã dự liệu kế hoạch Bắc Tiến . Với Hải Lục Không quân và những đơn vị elites ( Dù, TQLC , BĐQ , BH , 81 BCND) kế hoạch có thể đã thành công : Dù sẽ nhảy vào HN trong khi TQLC đổ bộ vào HP và BĐQ đánh thần tốc theo đường bộ . Trước đó 81BCND mở đường trong hậu phương địch , kích động các phong trào chống đối nổi dậy , cùng lúc với KQ và Hải Pháo quất tan nát các phi trường không cho Mig bay lên mây tắt máy nằm chờ dí súng lục bắt sống Skyraider , F5 , B57... Mọi chuyện sẽ ngã ngủ trong vòng tuần lễ như chiến thắng của Do Thái trước khối Á Rập .

Các sư đoàn của BV đang trong miền Nam sẽ không rut về kịp để cứu viện hay bảo vệ lảnh thổ như đã chứng minh trong cuộc chiến biên giới Việt Trung 1979 . Khối CS cũng bất ngờ và không dại gì can thiệp bằng vũ lực vì bíết chắc sẽ thảm bại trước sức chiến đấu của quân đội VNCH ( nay lại cộng thêm quân dân miền Bắc vừa mới được giải phóng ) thêm khí tài quân sự hiện đại . Đặc biệt là mấy anh Tàu , chỉ có số đông chứ vũ khí thô sơ, tinh thần chiến đấu không có (trận chiến cuối cùng lính Tàu tham dự là vào năm 1949 giữa Quốc Cộng , kinh nghiệm đánh nhau = số không ) . Da thịt con người làm sao đem ra đở đạn cho vũ khí thập niên 60's hay 70's ?

Tuy nhiên muốn làm điều này phải có sự đồng ý của đàn anh . Mà nước Mỹ lúc đó được điều hành bởi những nhân vật chết nhát nhưng rất thích đấu võ mồm . Chẳng hạn như Robert McNamara ( BTQP nhưng suốt đời chưa chắc bắn một viên M16 cho biết nó ra làm sao ) . Cho nên mấy anh cứ sợ Tàu sẽ can thiệp như thời Triều Tiên . Mấy anh Mỹ không biết tâm lý của Tàu như người VN. Mao có thể xua quân cứu bồ nhưng nếu bị dội cho vài pass B52 Mao và bộ hạ sẽ xách đít chạy trước nhất vì Tàu đã nổi tiếng thế giới khi bị Nhật mai mỉa là Đông Á Bệnh Phu .

Còn Nga thì sao ? dù là hai đàn anh trong thế giới CS nhưng Nga Tàu đâu có ưa nhau , cũng như hai cọp không thể ở chung một rừng . Nga sẽ vỗ tay vui mừng nhìn Mỹ hạ đo ván Tàu và VC , miễn Mỹ cam kết sẽ không đụng chạm gì tới Nga

2) Chiến Tranh Chính Trị :

Trong khi lính CS bị nhồi sọ và tuyên truyền về đời sống cực khổ tù đày áp bức của người dân VNCH họ cũng được khuyến khích bất cứ cái gì trước mặt họ ở miền Nam đều là kẻ thù và rất xứng đáng bị tiêu diệt . Cho nên họ thoải mái nã pháo vào thường dân chạy loạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng khiến chật đường đầy xác chết  mặc đồ dân sự. (Quân nhân được phân phát vũ khí để đánh nhau với kẻ thù , dùng vũ khí sát hại dân tay không vũ khí thì không xứng đáng tự xưng mình là lính) . Ngay trên đường thắng trận họ cũng không ngần ngại xả súng và ném lựu đạn vào nhóm thường dân đang quây quần bên mâm cơm như chính lời phản tỉnh của ông Trần Đức Thạch một CCB VC.

Tôi luôn luôn phản đối chiến tranh vì không gì vô lý bằng những con người không hận thù cá nhân, không quen biết lại lăn xả vào nhau hầu giết cho được đối phương trước khi họ giết mình . Đâu phải chỉ có người chết ngoài mặt trận , hệ luỵ của nó còn lan tỏa tới cha me , vợ chồng , anh chị em....những người còn sống sót . Tuy nhiên những người lính miền Nam họ phải cầm súng vì họ không còn lựa chọn khác . Thay vì họ trở thành bác sĩ, kỷ sư , luật sư , chuyên gia kỷ thuật góp chuyên môn của mình làm giàu cho đất nước , làm người chồng người cha trong gia đình hạnh phúc , họ phải xếp lại tất cả những thứ ấy , từ giã những người thương yêu nhất để cầm lấy vũ khí giết người . Tất nhiên họ không phải làm vậy nếu VC không cử quân đội khí tài xâm lược giết chóc phá hoại quê hương đồng bào họ. Nếu VNDCCH và đám cắc ké MTGPMN không gây máu lửa thì thanh niên miền Nam có cần bỏ tất cả mà cầm súng không ?

Do đó thay vì có một nền văn hoá " Thề phanh thây uống máu quân thù ...." người miền Nam - kể cả văn nghệ sĩ quân đội- thể hiện quan điểm của mình qua cách viết . Họ không đề cao giết chóc, lấy cái chết đối phương làm hãnh diện hay vui sướng . Họ kể lại những trận đánh như kinh nghiệm sống còn , tác phẩm của họ không nhuộm màu máu . Nhiều vị rất nổi tiếng sau 1975 như Thiếu Tá Vuơng Mộng Long ( B Đ Q ) Thiếu Tá Tô Văn Cấp ( TQLC ) Đại Uý Lê Đắc Lực ( BCND ) Đại Úy Trương Văn Út ( Út Bạch Lan TSND) Đỗ Đức Thịnh ....bên dân sự như bác Võ Thành Nam ( Tiểu Tử ) . Với tôi đây là những BẬC THẦY trong nghệ thuật viết **

Trong chiến tranh sống còn, đây không phải là ưu điểm . VC đã thành công khi hướng toàn bộ sức mạnh tuyên truyền để ru ngủ và hướng căm thù vào mục tiêu duy nhất . Cho nên lính VC ngoài chém giết dân quân miền Nam , họ không còn biết làm gì khác . Điều đó giải thích tại sao họ thành công khi đánh biển người .

Lính và dân miền Nam không bị nhồi sọ ,  chỉ chiến đấu vì nhiêm vụ cho nên họ không quyết tâm cao độ như thế . Hễ có dịp buông vũ khí họ sẽ chấp nhận ngay lập tức , điều này giải thích phần nào sự tan rã nhanh chóng quân đội miền Nam ngày 30/04/75 . Bởi nếu họ được dạy dổ căm thù CS như CS căm thù họ thi  mỗi người miền Nam sẽ là một commando và còn lâu CS mới chiếm được miền Nam dễ dàng như xãy ra trong quá khứ.

Dù sao đó cũng là nét son của miền Nam bởi nó nói lên nếp sống hoàn toàn tư do không bị ép buộc gò bó trong bất cứ hệ tư tưởng hay giáo điều nào . Chúng ta cũng thành công ít nhiều khi vẽ ra được hình ảnh man rợ của lính CS nhất là tụi du kích - tuy mọi rợ nhưng rất thích đóng vai văn minh - điển hình là hai anh Nguyễn Xuân Phúc và anh BTGD ngọng ( quên tên ) - . Ở đâu xuất hiện VC ở đó dân bán mạng chạy về phía Q Đ VNCH

Chỉ còn tháng nữa vết thương lòng lại bị xé toạc ra , niềm đau lại trở về, xin hãy cầu nguyện cho tất cả anh linh đã qua đời trong chiến tranh VỆ QUỐC , đặc biệt những thanh niên miền Nam đã hy sinh vì Tổ Quốc khi tuổi đời còn quá trẻ . Nếu không có sự xâm lăng của miền Bắc , họ đã là nguồn tài nguyên quý báu cho VNCH trong các vai trò chủ yếu...

 

Viết Thêm Một Chút ;

** Quý vị văn sĩ quân đội mà tôi nêu trên xứng đáng được coi là những bậc thầy về viết lách . Tôi biết Th. T. Vương Mộng Long vài năm về trước khi tình cờ đọc một bài viết của ông . Về Th.T. Tô Văn Cấp tôi đọc từ khi ông còn dùng tên(Philato ) Xin cúi đầu trước những hy sinh trong gia tộc Thiếu Tá . Nguyện xin Tổ Quốc Ghi Ơn những đóng góp máu xương từ những người thân trong gia tộc . Đ.U. Lê Đắc Lực qua tác phẩm " Tàn Cơn Khói Lửa " , Đ.U Út Bạch Lan từ khi ông còn nắm Đ Đ 2 TSND và ông Đỗ Đức Thịnh trong một tác phẩm viết về An Lộc .

Đặc điểm của các tác giả trên là tác phẩm của họ không chứa căm thù hay máu me giết chóc . Đó là điều rất đáng nễ và đáng để học nếu biết họ xuất thân nhà binh.

Về dân sự tôi luôn luôn trọng nễ tác giả Tiểu Tử . Ông viết văn như làm thơ và tác phẩm nào cũng chứa đầy ắp tình cảm mênh mang của một người miền Nam .

Tôi vốn muốn viết những giòng này từ lâu để bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với quý vị và xin ơn trên ban cho quý vị và gia đình ơn bình an và sức khoẻ .

Tôi luôn trân trọng quý vị như những bậc thầy.


Nguoiviettudo

Tuesday, March 30, 2021

Con Bù Tọt - Đỗ Duy Ngọc


Thú thật là từ nhỏ cho đến tháng 4/1975, tui không hề biết trên đời này có con bù tọt. Ếch, nhái thì biết vì được ăn ếch chiên bơ, ếch kho nước dừa…cũng năm thì mười hoạ thôi vì mạ tui thấy lột da, ác nhơn quá, không làm. Chỉ khi nào được dẫn đi ăn nhà hàng thì mới thưởng thức mấy món này. Hơn nữa hình như người Huế, Đà Nẵng không khoái ăn món ếch nhái lắm.

Sau năm 1975, lý lịch đen thui, tui đành về Củ Chi dạy học. Thời đó cả nước đói nghèo, tiêu chuẩn một tháng được mấy lạng thịt heo, mấy con cá ươn bèo nhèo. Cơ thề thiếu đạm trầm trọng. Bột ngọt, tiêu được chia bằng muỗng, mỗi người một nhúm. Vải xấu mà mỗi năm chỉ được mấy mét, nữ có tiêu chuẩn vải mùng để làm vệ sinh hàng tháng. Nói gọn lại là quá nghèo khổ, lương thực thì chỉ có gạo mốc, bo bo và bột mì. Do thiếu thốn nên mỗi người tự tìm cách cải thiện. Vì ở nội trú nên người trồng thêm đám rau, kẻ nuôi con gà, nhà nuôi con thỏ…

Và trong hoàn cảnh sống đó, tui mới biết con bù tọt. Trong đám giáo viên có anh Phước, dạy môn Vật Lý, anh ốm và cao như tre miễu, là chuyên gia bắt bù tọt. Từ đó, ảnh có tên là Phước bù tọt. Cứ mỗi đợt mưa xuống, khoảng sáu, bảy giờ tối, trời ngoại thành đã nhập ngoạng, tiếng ếch, nhái, bù tọt ậm oạng vang trời. Đó là lúc chúng nhảy lên bờ ruộng hoặc gò cao để ăn mồi. Anh Phước mặc xà lỏn, đội đèn đi bắt bù tọt. Lần đầu tham gia, tui chẳng làm sao phân biệt con ếch, con nhái với con bù tọt. Ảnh phải giải thích cho tui là con bù tọt không có lớn bằng ếch, nhưng lại to hơn nhái một chút. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là có hai cái sọc xanh ở lưng, lại rất dễ bắt, chỉ cần rọi đèn là nó năm im cho ta bắt bỏ vào giỏ.

Một đêm đi vài tiếng là bắt được cả giỏ đầy. Bù tọt bắt về lột da, làm sạch ruột, chỉ còn thịt thật nuột nà, đỏ au. Vì nó nhỏ be bé nên lột da từng con rất mất thì giờ, lích kích rất mất công, nhất là nó nhớt trơn còn hơn lươn nữa. Tụi tui mới nghĩ cách bỏ tro vào giỏ bù tọt, bù tọt bị cay mắt sẽ giãy giụa tróc ra hết nhớt, lắc cho sạch nhớt rồi bắt ra dùng kéo cắt đầu lột da, nhanh hơn nhiều. Món tụi tui hay nấu nhất là cháo bù tọt, bù tọt làm sạch để ráo, lấy dao bằm cả xương, xương bù tọt mềm, có thể nhai rau ráu. Bằm cho nát, nêm chút muối, trộn chút tiêu, viên thành từng viên nho nhỏ, sang chút nữa thì xào qua một chút với dầu hay mỡ. Nồi cháo chín, cho bù tọt vào, mùi thơm ngào ngạt, húp một miếng, nhai một miếng, thịt bùi bùi, ngọt đạm, tới đâu có cảm giác tới đó.

Cứ tưởng tượng một thời gian dài chỉ có rau với cá hẩm, hôm nay được nhai rau ráu thịt con bù tọt, có chất đạm vào, cái mồm bớt nhạt, máu trong người cũng nghe như chảy mạnh hơn, chén cháo ngon vô số kể, tuyệt cú mèo. Nồi cháo to, cả túi bù tọt mấy kí lô mà chẳng bao giờ dư chút nhẽo nào, nồi, chén đều vét sạch như lau. Thế mới biết không phải cứ thức ăn sang trọng, đắt tiền, quý hiếm mới là ngon. Miếng ăn đúng lúc, đúng hoàn cảnh mới là món ăn ngon nhất. Sau này, tui còn biết thêm mấy món cũng ngon lạ lùng từ con bù tọt như bù tọt kho sả ớt, bù tọt làm sạch xào sơ với tỏi, mỡ heo cho săn lại, thêm chút nước mắm, cho sả băm vào, bỏ thêm vài trái ớt, bắt trên lửa riu riu cho đến khi sền sệt. Ôi chao! Gắp một miếng, và lùa thêm miếng cơm, ngon ôi là ngon, mấy cơm cũng hết. Lại có món bù tọt xào mướp, ngọt mà thơm, dân nhậu khoái lắm.

Có vài lần được đãi bù tọt khìn nước dừa, ngon không kể siết. Bù tọt làm sạch, cắt làm đôi, ướp với sả xắt mịn, giã nát, ớt bằm nhuyễn, muối, bột ngọt, đường và một ít cà ri. Lấy dừa khô nạo nhuyễn vắt lấy 1 chén nước cốt, 1 chén nước gião. Cho bát gião vào nồi rồi để trên bếp kho cho bù tọt chín, nước sền sệt thì đổ chén nước cốt vào kho tiếp, nước sôi vài phút thì tắt lửa, đừng để lâu dừa thành dầu có mùi ăn không ngon. Món nầy ăn kèm rau sống đủ loại như chuối chát, bông súng, khế, rau muống, rau thơm đều là số dzách!
Mấy chục năm rồi, mấy hôm nay trời mưa, chợt nhớ đến con bù tọt của bốn mươi mấy năm trước, chợt nhớ đến một thời nghèo tận đáy mà vui, nhớ đến một ký ức, một đoạn đời không thể nào quên.

Bây giờ đô thị hoá nhanh quá, đất đai là vàng, là đô la, ruộng đồng thu hẹp dần, ao hồ cạn nước, mưa xuống, bản giao hưởng của đồng quê không còn vang vọng như xưa mà chỉ là những tiếng kêu lạc lõng. Lại thêm người dân sử dụng thuốc trừ sâu, trừ rầy dữ quá và do hạn mặn nên bù tọt cũng vắng bóng dần. Lại thèm một chén cháo bù tọt, với những bạn bè xưa cũ bên ánh đèn dầu và ngoài sân ếch nhái kêu rộn rã. Nhưng làm sao có được nữa, thời gian đẩy đưa người mất, người phiêu bạt phương trời, còn lại thì đã hưu trí hết rồi nên chỉ nhớ trong kỷ niệm thôi. Hơn nữa bây giờ kiếm sâm, bào ngư, vi cá hay dĩa beefsteak thì có ngay chứ muốn có liền nồi cháo bù tọt e hơi khó. Đành nhớ con bù tọt tưởng tượng vậy. Ôi nhớ ơi là nhớ!

DO DUY NGOC

Giải Thích Từ Đại Học Đức Về Cục Máu Đông Sau Khi Tiêm Vắc Xin Của AstraZeneca - Phương Tôn

 


Trong những ngày vừa qua, đặc biệt tại Âu châu đã nỗi lên mối lo ngại gây bàn tán sôi nỗi trong dư luận quần chúng thông qua các phương tiện truyền thông dẫn đến sự can thiệp của một số chính phủ khi nguồn tin một số người đã có các cục máu đông nguy hiểm trong não sau khi tiêm vắc xin Corona của AstraZeneca được công bố.

Đan Mạch bắn phát súng đầu tiên ngưng cho tiêm vắc xin của AstraZeneca vào ngày 11.03 rồi tiếp theo trong ngày là Na Uy và Island. Tiếp theo như hiệu ứng Domino, các nước Ý, Pháp, Portugal, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Irland, Đức… lần lượt cũng đưa ra lệnh tạm ngưng tiêm chủng toàn bộ vắc xin của AstraZeneca. Ngoài ra một vài nước khác như Áo, Romania, Estland, Litauen cho tạm ngưng chích một loạt vắc xin nhất định (Charge). Nhưng vào ngày thứ sáu 19.03, bộ y tế Đức đã cho phép được sử dụng vắc xin trở lại sau khi EMA, cơ quan dược phẩm của EU bật đèn xanh, khi kết luận rằng loại vắc xin này an toàn và hiệu quả.

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn không thể khẳng định cũng như loại trừ mối liên hệ giữa vắc xin và các bệnh nghiêm trọng tuy nhiên vừa mới đây, các nhà nghiên cứu của đại học Y khoa Greifswald – Đức đưa ra câu trả lời, tại sao một số người lại có các cục máu đông trong não sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa corona.

Các kháng thể kích hoạt các tiểu cầu
Nhà y học Andreas Greinacher và nhóm của ông thuộc đại học Y Greifswald hiện đã phân tích nguyên nhân có thể gây ra cục máu đông. Qua đó ông cho rằng, đã tìm thấy các kháng thể đặc biệt (spezielle Antikörper) trong máu của những người bị cục máu đông sau khi chích ngừa vắc xin. Các kháng thể này chống lại chính tiểu cầu (Platelets) của cơ thể. Những tế bào này đóng một vai trò quan trọng tạo nên đông máu. Các kháng thể kích hoạt các tiểu cầu để máu kết tụ đông lại với nhau và qua đó hình thành cục máu đông. Quá trình này cũng giống như bình thường khi các vết thương trên thân thể đóng khép lại cũng do các tiểu cầu kết tụ lại với nhau. Vấn đề căn bản là do phản ứng tự miễn dịch (Autoimmunreaktion).

Không riêng nghiên cứu của Greinacher và nhóm của ông thuộc đại học Y Greifswald, vào ngày thứ năm 18.03 nhà nghiên cứu người Na Uy Pål Andre Holme cũng đưa ra báo cáo tương tự cho rằng, ông đã tìm thấy kháng thể chống lại tiểu cầu trong mẫu máu của ba bệnh nhân bị ảnh hưởng.
Ở Đức, 13 trường hợp bị cục máu đông ở tĩnh mạch ngay sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca, đều liên quan đến việc những người này có lượng tiểu cầu thấp trong máu (Thrombozytopenie).

Theo Greinacher, các vấn đề phát sinh ngay sau khi tiêm vắc xin không phải là chưa từng xảy ra. Các biến chứng tương tự đã xảy ra từ lâu khi dùng Heparin để chống lại giảm tiểu cầu. Ở đó, các kháng thể cũng kích hoạt các tiểu cầu để hình thành cục máu đông. Trong cả hai trường hợp, tiêm vắc xin và dùng Heparin, các triệu chứng xuất hiện trong vòng 5 đến 14 ngày.
Theo đó, Greinacher nhấn mạnh rằng các triệu chứng đau nhức thân thể giống như khi bị cúm thường xảy ra vào ngày sau khi tiêm vắc xin không phải là tín hiệu cảnh báo cục máu đông đang hình thành. Nhưng ai bị đau chân như dấu hiệu của cục máu đông tĩnh mạch sâu của chân (tiefen Beinvenenthrombose) khoảng năm ngày sau khi tiêm chủng, hoặc đau đầu dữ dội nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Trong thời gian chích ngừa Corona, không riêng vắc xin của AstraZeneca bị nghi ngờ có khả năng tạo ra các cúc máu đông ở tĩnh mạch não mà còn có các biến chứng nghiêm trọng khác cũng được báo cáo:

– Mặt bị liệt: Biontech / Pfizer 193 trường hợp, Astrazeneca 88 trường hợp

– Sưng mặt: Biontech 230 trường hợp

– Huyết khối (Thrombosen): Biontech 10 trường hợp

– Giảm tiểu cầu (Thrombozytopenie): Astrazeneca 35 trường hợp, Biontech 13 trường hợp

– Rối loạn hình ảnh máu: Astrazeneca 1098 trường hợp

– Các biến chứng liên quan đến mạch máu não (zerebravaskuläre Ereignisse): Astrazeneca 41 trường hợp

– Xuất huyết não: Astrazeneca 7 trường hợp

– Đột qụy: Astrazeneca 9 trường hợp

– Mù mắt: Biontech 15 trường hợp, Astrazeneca 28 trường hợp

Con người sinh ra không ai giống ai nên thân thể phản ứng với dược phẩm cũng không thể đòi hỏi giống nhau được. Ngay với “thần dược” trụ sinh đã tồn tại, đã được nghiên cứu từ hàng trăm năm nay và cũng đã cứu được hàng trăm triệu người, nhưng vẫn gây nguy hại cho nhóm người bị dị ứng với trụ sinh. Hoặc với Aspirin, một “viên thuốc đa dạng” lâu đời có từ thế kỷ 16, giúp giảm đau không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình, được dùng để chống từ đau răng cho đến ngừa xuất huyết nảo hoặc có thể ngừa ung thư trực tràng, ruột già, nhiếp tuyến nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng Aspirin được vì có những người dùng thuốc có thể bị xuất huyết bao tử. Những người có tiền sử mắc bệnh loét bao tử, dị ứng với Aspirin, bệnh gan thận trầm trọng hoặc bệnh xuất huyết cũng không nên uống Aspirin.

Trong đại dịch Corona, là những người sử dụng, được hưởng phước báu sẽ được chích ngừa chống lại con virus Covid-19 tàn độc đang giết hàng triệu người trên thế giới, chúng ta không được phép quên rằng, trong dược phẩm vẫn luôn luôn tiềm tàng một mối nguy nào đó cho một nhóm người nhất định chứ không bao giờ hoàn hảo được.

Phương Tôn

Tháng 3. 2021

Nguồn:

FORSCHER LIEFERN MÖGLICHE ERKLÄRUNG FÜR THROMBOSEN NACH CORONAIMPFUNG (SPIEGEL.DE)
WIE HOCH IST DAS ASTRAZENECA-RISIKO? (N-TV.DE)

Für seltene Hirnvenenthrombosen gefunden! (medizin.uni-greifswald.de)

Monday, March 29, 2021

Định Nghĩa Mẹ Vợ Ở Mỗi Quốc Gia



Mẹ vợ là một nhân tố không thể thiếu và không thể không đề phòng trong hôn nhân . Nhiều cặp vợ chồng đã tan vỡ, hoặc hạnh phúc vì mẹ vợ . Ở mỗi quốc gia, mẹ vợ lại có một biệt danh và nỗi sợ hãi khác nhau . 

     Xin thống kê để các ông chồng tham khảo :

     Mỹ : Dân Mỹ gọi mẹ vợ là “luật sư”. Nghĩa là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mẹ vợ cũng tìm ra lý lẽ bênh vực cho con gái mình . Luật sư này cũng tính tiền công nhưng luôn luôn do con rể trả .
     Tại sao các tổng thống Mỹ phần lớn đều tốt nghiệp trường luật ? Tại vì họ muốn đấu tranh với mẹ vợ trước khi đấu tranh cho xã hội .

     Pháp : Gọi mẹ vợ là quan tòa . Tất cả những phán quyết của quan tòa luôn luôn cần chấp hành, nhưng quan tòa có thể hối lộ được, đấy là chân lý đàn ông Pháp thuộc lòng .

     Anh : Dân Anh gọi mẹ vợ là “nữ bá tước” - danh hiệu có từ lâu đời, đáng kính nhưng không nhất thiết phải hỏi ý kiến trong nhiều vấn đề . “Nữ bá tước” có giá trị biểu tượng nhiều hơn giá trị thực, nhưng chớ quá coi thường . Các mẹ vợ Anh bằng lòng với danh hiệu này, bởi đối tượng của họ là bố vợ chứ không phải con rể .

     Đức : Dân Đức gọi mẹ vợ là “sếp”. Sếp là nhân vật cấp trên bổ xuống đầu ta chứ chả cần hỏi ý kiến ta . Sếp có thể bất công, sếp có thể vui vẻ và sếp có thể công bằng nhưng không sếp nào muốn mất chức và không sếp nào muốn nhân viên lên làm sếp .

     Trung Quốc : Dân Trung quốc gọi mẹ vợ là “ma ma tổng quản” ý nói đây là một bà già thiên về quản lý chứ không thiên về văn hóa văn nghệ . Bà ấy rất khó khăn trong ngân sách, trong nội quy, trong giờ giấc nhưng lại thiếu hiểu biết về tâm hồn . Đáng sợ là các “ma ma tổng quản” đã ly dị chồng vì khi đó họ sẽ dồn sức cho công việc và khó tính hơn.

     Ý : Dân Ý gọi mẹ vợ là “cảnh sát”. Chả ai thấy cảnh sát khi thường, nhưng có sự cố xảy ra họ tới rất nhanh và thường rút súng đầu tiên . Nhưng cảnh sát không bao giờ bắt được hết tội phạm. và việc cảnh sát thỉnh thoảng liên kết với tội phạm cũng xảy ra .
     Tuy nhiên, cảnh sát tới bao giờ cũng hú còi, còn mẹ vợ có thể tới trong im lặng.

     Tây Ban Nha : Người dân Tây Ban Nha gọi mẹ vợ là “thám tử”. Thám tử hoạt động âm thầm, không ra mặt điều tra công khai . Thám tử không phải lúc nào cũng dùng những nghiệp vụ hợp pháp. Nhưng thám tử cũng có thể dùng tới bạo lực .

     Đan Mạch : Dân Đan Mạch gọi mẹ vợ là “lính gác”. Lính gác luôn có hai chức năng : khám xét người bên ngoài vào và khám xét người từ trong ra . Lính gác cũng hay ngủ gật và hay mang súng mà không có đạn . Tâm trạng của lính gác là cô đơn và ghét kẻ khác không cô đơn .

     Thụy Điển : Người Thụy Điển gọi mẹ vợ là “giáo sư”. Một số thứ giáo sư có kiến thức cực kỳ sâu sắc, nhưng rất nhiều thứ giáo sư chả biết gì . Các giáo sư luôn tỏ ra đường bệ và luôn luôn cần có học trò . Giáo sư sống thanh đạm cho nên không hiểu được khi kẻ khác sống phong phú . Muốn được giáo sư cho điểm cao, đôi lúc chỉ cần học thuộc lòng.

     Na Uy : Dân Na Uy gọi mẹ vợ là “cá voi”. Cá voi to lớn, hiền lành và hay cứu người. Nhưng nếu cần cá voi sẽ nuốt cá mập.

     Việt Nam : Người Việt Nam gọi mẹ vợ đơn giản là mẹ vợ . Mỗi ông chồng có cách cư xử với mẹ vợ tùy vào hiểu biết và lòng dũng cảm .

     Mời bà con Xóm Láng góp thêm ý kiến về mẹ vợ Việt Nam nha .

              Chúc mọi người một tuần mới vui vẻ, may mắn .


Sưu tầm

Dầu Hào Không Phải Là… Dầu - Vũ Thế Thành

 

Dầu hào không phải loại dầu chất béo như dầu cá, mỡ heo… Đó là một loại nước sốt gia vị, dạng sền sệt, trong đó có chứa dịch chiết xuất từ hàu. Nhưng dầu hào trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại. Ngoại trừ loại dầu hào chay, còn dầu hào có hàu, là gọi cho có. Dầu có hàu thực hay không, có Trời mới biết.

Một sự lơ đãng… vĩ đại

Chuyện kể rằng, một ông chủ quán thức ăn nhẹ ở Hồng Kông, làm món hàu luộc cho khách. Lớ ngớ, lơ đãng thế nào đó, ông ta quên mất nồi hàu. Nước đun cứ thế cạn dần, cho đến khi ông chủ ngửi thấy mùi thơm lừng. Vội mở nắp nồi, thì nước đã cạn, chuyển sang dạng sền sệt có màu nâu đen.

Nước sốt dầu hào khởi đầu từ sự lơ đãng của ông chủ quán ăn. Và sự lơ đãng này đã biến ông thành triệu phú nước sốt gia vị đủ loại.

Nước sốt dầu hào thứ thiệt phải được chế biến từ nước luộc hàu. Đun riu riu hàu với nước, từ khi nước còn trong chuyển sang dạng đục. Cô nhẹ lửa tiếp cho đến khi nước hàu bị caramel hóa chuyển sang màu nâu có nhớt sệt. Không cần phải thêm bất cứ chất gia vị nào như muối, bột ngọt… vào, vì nước sốt dầu hào thứ thiệt này dư sức tạo hương vị đậm đà.

Nhưng cách chế biến nước sốt dầu hào “thứ thiệt’ công phu như thế này đã chìm vào dĩ vãng.

Hiện nay người ta dùng bột bắp để làm nước dầu hào trở thành dạng sệt, thêm đường, muối và bột ngọt để tạo vị, dùng caramel để tạo màu nâu… Hương liệu thì mùi nào cũng có, huống chi mùi… hàu. Tuy nhiên, hãng nào cũng kê khai dùng chất chiết xuất từ hàu (oyster extracts). Chất chiết xuất này được nhiều bao nhiêu, hay chỉ thêm vào chút đỉnh để gọi là có mùi… hàu, có Trời mới biết.

Nhắc lại xì-căng-đan 3-MCPD trong dầu hào

Năm 2001, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh Quốc phát hiện ra 22% mẫu nước sốt dầu hào và nước tương có chứa chất 3-MCPD vượt mức cho phép. Ngoài ra, 2/3 trong số các mẫu này còn chứa thêm chất 1,3- DCP. (1)

Cả hai chất 3-MCPD và 1,3 DCP đều thuộc nhóm chloropropanol, được xác định là chất gây ung thư. Có một thời gian sốt dầu hào bị cấm ở châu Âu.

Về nguyên tắc, bất cứ thực phẩm nào có chất béo, có muối (nguồn cung cấp clor) đều có thể phát sinh ra 3-MCPD ester. Chất này sẽ chuyển hóa thành 3-MCPD khi nấu nướng, hoặc dưới tác động của các men lipases trong hệ tiêu hóa. Cơ chế chuyển hóa này chưa được xác định rõ ràng.

Vì thế 3-MCPD (hoặc 3-MCPD ester) có thể được tìm thấy trong các loại bánh nướng, phó mát, thịt chiên, salami, dầu tinh luyện, sữa bột, cà phê rang… Tuy nhiên, hàm lượng của chúng rất ít, có khi chỉ là dạng vết. Chỉ có nước tương và dầu hào là bị “chiếu tướng” kỹ vì hàm lượng 3-MCPD tìm thấy ở đây khá cao.

Chưa có bằng chứng cho thấy độc tố 3-MCPD gây hại cho người, nhưng thử nghiệm ở chuột thì thấy rõ, chỉ cần hàm lượng rất nhỏ 1mg/kg thể trọng đủ để ảnh hưởng đến hệ sinh dục. Ở liều lượng cao hơn và tiếp xúc thường xuyên, thận sẽ bị tổn thương. Chất 3-MCPD được xem là chất gây ung thư. Vì thế, về mặt an toàn thực phẩm, 3-MCPD phải được loại bỏ cho chắc ăn, nhưng loại bỏ triệt để là điều không thể.

1,3 DCP được phát hiện ở mức ít hơn so với 3-MPCD, tìm thấy chủ yếu ở thịt bò bằm, jambon và xúc xích. Không hiểu vì sao cũng được tìm thấy ở dầu hào. Nhưng mức 1,3-DCP trong các sản phẩm trên, kể cả dầu hào, được xem là quá thấp để có ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Cơ chế hình thành 1,3-DCP hiện nay vẫn chưa được biết rõ. (2)

Hãng làm dầu hào bị phát hiện có 3-MDCP vượt mức cho phép, cũng chính là “hậu duệ” của ông chủ quán lơ đãng tìm ra nước sốt dầu hào năm xưa. Hãng này giải thích là do chuyển đổi công nghệ nên mới ra nông nỗi thế.

Xì-căng-đan phát hiện 3-MCPD trong dầu hào ở Anh Quốc là một cú sốc, và có một thời gian dầu hào bị cấm ở Âu châu . Hiện nay, mọi thứ đã lắng dịu. Các chất 3-MCPD và 1,3 DCP tìm thấy trong dầu hào chỉ mức rất nhỏ. Dầu hào lại được phép bày bán thoải mái trở lại ở Âu châu  cả hơn chục năm nay.

Bảo quản sốt dầu hào

Sốt dầu hào làm tăng hương vị của nhiều món ăn, thêm sống rồi làm chín lại, hay trộn sống luôn vào món ăn là tùy vào khả năng… “khéo tay hay làm” của quý bà. Bất khả tư nghị! Nhưng về mặt an toàn, cần lưu ý những điểm sau:

- Dầu hào thứ thiệt có tuổi thọ rất… mong manh, dễ bị hư hơn hàng “không thiệt”. Rất may mắn là hàng thứ thiệt lại khó tìm, trừ khi là “hàng nhà làm”, mà phải do chính tay thân chủ mua hàu về làm, chứ còn “hàng nhà khác làm” thì coi như hàng…lạc chợ.

- Chai dầu hào nếu đã mở nắp, dùng dở dang, nên đậy chặt và lưu trữ trong ngăn mát tủ lạnh.

- Nếu lưu trữ đúng cách, thì tùy vào thành phần ‘bí hiểm’ của dầu hào, mà tuổi thọ có thể kéo dài khoảng vài ba tháng, từ khi mở nắp. Tuy nhiên, nếu dầu hào bị biến màu, có mùi khó ngửi, hoặc độ sệt trở nên lỏng bất thường, thì nên bỏ.

Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)

So Sánh Và Sự Khác Biệt - Đúng Quá!

 

Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI QUA SỰ SO SÁNH

Khỏe không phải là nhấc lên Mạnh , mà là để Nhẹ xuống .
Kính không phải là đối với Trên , mà là xử với Dưới .
Đẹp không phải là Hút người vào , mà là giữ người ở lại .
Xấu không phải là tại gương mặt , mà ở tại Cách sống .
Khéo không phải là tạo điều To, mà là làm tốt điều Nhỏ .
Hay không phải là Ngạc nhiên , mà là sự Thú vị .
Buồn không phải là Bên ngoài , mà là ẩn Bên trong .

Mười nghịch lý thời đại 

1/- Ngày nay ta có nhà cửa to hơn, nhưng gia đình bé lại.
2/- Bây giờ là thời “thức ăn nhanh”, nhưng tiêu hóa chậm.
3/- Ta có nhiều hiểu biết hơn, nhưng kém xử sự.
4/- Thân xác to hơn, nhưng tâm hồn nhỏ lại.
5/- Ta có nội thất cao cấp, nhưng đạo đức thấp tè.
6/- Ta lên Cung trăng và trở lại, nhưng ngại băng qua đường thăm hàng xóm.
7/- Chúng ta quá vô tư và quá ít cười.
8/- Nhà cửa khang trang hơn, nhưng nhiều tổ ấm tan vở.
9/- Ta học kiếm sống, nhưng không có cuộc sống.
10/- Ta bận lo nhiều về số lượng, nhưng ít về chất lượng.

Sự Khác Biệt

Ở Việt Nam: Người nghèo ăn rau, người giàu ăn thịt.
Ở Mỹ : Ngược lại.

Ở Việt Nam: Người nghèo ở trên núi, vùng xa thành phố.
Ở Mỹ : Ngược lại.

Ở Việt Nam: Người nghèo đeo nữ trang giả. người giàu đeo đồ thiệt.
Ở Mỹ : Ngược lại.

Ở Việt Nam: (Phi Châu, cùng các nước Á Châu khác) nhiều người chết vì thiếu ăn.
Ở Mỹ : Nhiều người chết vì ăn nhiều.

Ở Việt Nam: Khen đẹp, không chịu.
Ở Mỹ : Khen đẹp, thank you!

Ở Mỹ : Lady first!
Ở Việt Nam: Ngược lại.

- Bên Mỹ , phụ nữ độc thân , đến 99 tuổi vẫn phải gọi "Miss" "Cô"
- VN , phụ nữ lớn tuổi , độc thân , vẫn thành "Bà"

- Bên Mỹ , đổi xử với trẻ nhỏ , người lớn vẫn lắng nghe , đối thoại bìnhđẳng để học hỏi
- VN , trẻ nhỏ nói nhiều , đưa ý kiến này nọ , dễ bị phiền lòng người lớn

- Bên Mỹ , khi ly dị đàn ông rất "lỗ"
- VN , ly dị thường tổn hại phụ nữ nhiều hơn

- Bên Mỹ, sau xe hơi có thể gắn bảng viết "Tôi không thích tổng thống" , cảnh sát không quan tâm
- VN , mới nghĩ tới , đã sợ xộ khám

- Bên Mỹ , luật pháp bảo vệ người dân
- VN , đồng tiền xé toạt luật pháp

- Bên Mỹ , những dịp Holidays , đại hạ giá thực phẫm , làm phước thiện nhiều hơn , giúp dân nghèo hưởng chung vui
- VN , tăng máy chém giá lên cao, dân nghèo, buồn, càng khổ.

- Ở Việt Nam, bà xã là giám đốc ngân hàng và kiêm luôn nhân viên kế toán .
- Ở Mỹ , vợ chồng 50-50 , tiền ai nấy giữ .

- Ở VN , sau lễ cưới cô dâu không bị mất Họ .
- Ở Mỹ , phải đổi theo Họ của chồng, theo luật chung qui định - trừ khi cô dâu không muốn .

- Ở VN : Bệnh nhân sợ BS -
- Ở Tây Phương : BS sợ bệnh nhân tố cáo vì không có lương tâm nghề nghiệp, có thể bị cấm hành nghề và tù tôi.

- Ở VN, gặp con nít hàng xóm - có quyền ẳm bồng hôn nựng .
- Bên Mỹ , gặp trẻ con phải tránh, không nên đụng chạm - Nếu quên , có thể bị Ủ -Tờ như chơi !

Ở Việt Nam ăn thịt chó thì không sao , ở Mỹ mà nhậu thịt chó là ủ tờ 
Ở VN hỏi tuổi phụ nữ không sao , ở Mỹ mà hỏi tuổi phụ nữ coi chừng bị xách guốc rượt chạy.
Ở VN có thể mặc đồ bộ ra đường, ở Mỹ thì chỉ mặc đồ bộ lúc ngủ.
Ở VN đôi bạn nam hoặc nữ có thể nắm tay bát bộ, ở Mỹ thì chỉ khi nào bồ bịch.
Ở VN có thể vừa ăn vừa nói, ở Mỹ thì không.
Ở VN người vợ ở nhà giữ con cho chồng đi chơi với bạn bè, ở Mỹ thì ngược lại.
Ở VN đàn bà rửa chén, ở Mỹ thì ngược lại.

Người Tây: - Ăn chậm, đi lẹ, hôn công khai, tè lén.
Người Việt: - Ăn lẹ, đi chậm, hôn lén, tè công khai!
Người Tây: - Họp bàn thì tranh luận. Họp xong thì thống nhất ý kiến,
triển khai thì nhất trí.
Người Việt: - Họp bàn thì nhất trí. Họp xong mới bắt đầu tranh luận,
lúc triển khai thì mỗi người mỗi ý !
- VN : "Dân giàu, Nước mạnh"
- Tây Phương : "Nước mạnh, Dân giàu"
- VN : Đảng cử, Dân bầu, kết quả trúng phiếu trên 90 %
- Tây Phương : Ứng cử viên tự do, không nhất thiết phải qua Đảng, trên 50% là đã quá thành công.
- VN : Không có thất nghiệp vì không bao giờ người thất nghiệp được bồi thường để sinh sống -
- Tây Phương : Có thất nghiệp vì được chính phủ bồi thường và thống kê.
- VN : Chính Phụ, Bộ, Ngành trung ương hay địa phương, quân đội, công an đều làm kinh tế, thương mại.
- Tây Phương : Hoàn toàn tuyệt đối cấm để khỏi được lợi dụng quyền hành.
- VN : XHCN nhưng an sinh xã hội không có
- Tây Phương : Không có XHCN nhưng an sinh xã hội đứng hạng đầu của Thế Giới........

From: Ngọc Giao 

Boat People - Lan Chau Nguyen

 

Xin gởi đến các bạn  bài viết của con gái chúng tôi là Ngyễn Ngọc Lan Châu viết tại Montréal năm 1989. lúc cháu được 14 tuổi và đang học high school 4 trường trung học Lemoyne d'Iberville, Longueuil., Quebec, Canada.Bài viết ESSAY được nhà trường chọn đăng trong quyển REFLECTION 89. A LITERARY ANTHOLOGY của trường nói trên.  Cháu tốt nghiệp ưu hạng (cum laude) ngành vật lý trị liệu.(physiotherapy) tại Univ Of Ottawa. Lan Châu làm việc một năm tại bệnh viện Saint Luc, Montreal và năm sau được nhận vào học Medecine tại Univ de Montreal- Cháu tốt nghiệp y khoa năm 2005.

GRADUATION FACULTÉ DE MÉDECINE-UNIV DE MONTRÉAL


We lived in a lovely house in Saigon, made from wood and brick. Tropical plants surrounded it
The war had ended but the misery and pain still  lived. 

I was only 4 and my brother 2  when we left our native land with my parents and other people on a simple boat. We abandoned everything we constructed, everything we dreamed to build, for freedom and happiness

On the night of March 20th 1980, the boat left the shore of Viet Nam . Although my parents knew what danger we could face we were the first ones in our family to  attempt this trip with no return ticket. Farewell to Viet Nam...... 

Waves crashed on the boat. My mother held tightly the baby and father 's arms were wrapped around me. There were so many people but not enough food to feed the starving ones. We sat and slept all day long in the boat's hold. It was far from comfortable. Everybody had to do their toilet at their sitting place. The sea sickness entered inside us and occasionally we had to vomit. Soon, the cave was covered with an unpleasant slimy water on which we sat. The captain gave each of the passengers some pills to avoid a sickness that we might catch during the journey. The crew  didn't see any line of earth at the horizon for days. Above us....the sky. Under us....the sea. 


We were short of food and fresh water. The usual meal we had was some rice , mixed with water. Our faces were pale, our bodies were thin.  The boat navigated at the mercy of the sea, trying to cut through the strong waves.  We were worried and  terrified but hung on tightly to the rope of hope.  The mothers caressed their children, saying that it will soon be over.


A few  miles ahead , the captain saw a boat's silhouette. As we approached, we recognized that it was a pirate's boat  !  Too late to escape....  Thailandian pirates armed with weapons could shoot us at any moment. Our boat was about 7 meters from theirs . Since my father knew how to speakThailandian, he translated what the pirates demanded.: jewelry, money.... We gave whatever we had left, but the bag was barely filled. Some hid their jewelry because it was the only souvenir they had from their family, their country.  Finally , after a few minutes of hesitation, they dropped their precious valuables in the bag. Their eyes were wet. 

We didn't park our tiny boat next to theirs. The shock would have been so violent that it would probably make a hole in ours.  We looked to each other, searching for a brave one who would swim across the green water to the pirates, not knowing how deep the sea was, not knowing if there were any sharks in the neighbourhood .  Our impatient opponents were ready to shoot.  They cried  some words.  Suddenly, my father declared, " I'll swim " .

 

He looked at my mother , my brother and me with tender eyes. He took the bag, attached it around his shoulder  and dived into the cold water. Mother  didn't let him out of  her sight, for she worried that her husband would never return. 


Father  was pulled violently on board the pirate' boat. Guns and knives were pointed at him. The captain quickly opened the bag and seemed satisfied .  Soon, my father was surrounded by people , with a used blanket covering his body. Mother sat next to  him. She was relieved.

 

Land ahead !  Land ahead !   On the last day of April ,the boat approached nearer to the shore of the new land as we were cajoled by the warm sun on the bridge. Other wooden boat boats were lined up; therefore, we knew we weren't the only ones to survive and cross the line to freedom. No words could describe what our spirits felt on that glorious day . 

When we stepped on the solid ground of Thailand, we were dizzy as we walked to the refugee camp. The black and white film was transforming into a multicoloured fairy tale. 


Three months later, a Canadian family sponsored us . On the 22nd of June 1980, the plane flew above the white clouds. I had traveled almost the half of the earth to learn and know what life and freedom meant to us.  I had witnessed the pain  men could do to their fellow men and the love they could offer.  We cannot erase the terrible nightmare  we had lived : ;  it is printed in the book of our lives.  It's time  to turn to the next page.....

 
 We relaxed comfortably on the plane seat. I saw an unusual gleam  in mother's eyes  as if they wanted to say that I could keep on dreaming .....

Lan-Châu Nguyên
Sec.  I  ( Anglais )
LIHS-1989

A holder of a Doctorate in General Medicine from the University of Montreal, Dr. Lan Chau Nguyen has been a general practitioner since 2005. She is a member of the Collège des Médecins du Québec and of the Medical Council of Canada. 

Dr. Nguyen also received specific training in aesthetic medicine in Paris, Orlando and Toronto, and obtained her Bachelor of Science in Physiotherapy from the University of Ottawa.


Her expertise and passion are a perfect fit with our team. Thanks to her particular attention to detail, her dedication and a light touch of humor, she easily wins the trust of her patients and helps them feel at ease. She is respected and appreciated for her professional skills, finesse and rigor in assuring the comfort and complete satisfaction of her clients.

Membre du Collège des médecins du Québec et du Conseil médical du Canada, Dre Lan Chau Nguyen possède un doctorat en médecine générale de l’Université de Montréal et exerce sa profession d’omnipraticienne depuis 2005. 

Elle a également suivi plusieurs formations en médecine esthétique à Paris, à Orlando puis à Toronto. Elle détient par ailleurs un baccalauréat en physiothérapie de l’Université d’Ottawa    


Lan Chau Nguyen