Pages

Tuesday, August 31, 2021

Tôi Khóc ...Cho ... Bạn ...Tôi...

 


Lính Mỹ US Marines��������

Tôi khóc không phải tôi sợ!

Tôi khóc không phải tôi thua!

Tôi khóc vì đồng đội của tôi đã bỏ mạng oan uổng vì một chính quyền nhu nhược của Biden. Khi rút quân khỏi Afghanistan mà không có một chiến lược vẹn toàn để rồi phải trả giá.


John Le 

Tôi Bị Mất Nước, Dehydrated - Nguyễn Văn Tới

Nóng và bụi phía sau lưng - Iraq

Nhà vệ sinh và bọc nước phơi nắng giữa trời

Tôi được phái đi công tác trong chiến dịch OIR, Operation Inherent Resolve, ở Tây Bắc Iraq, đúng vào những tháng Hè nóng oi bức như đổ lửa. Những cơn mưa ở đây không bao giờ xảy ra vào mùa Hè, chỉ vài cơn mưa rào vào mùa Đông, nên không khí như đặc quánh lại, nóng nung người và bụi tung trời. Vì nóng và đổ mồ hôi, người dân ở đây ai cũng phải uống nước nhiều, dù làm việc trong căn phòng máy lạnh hay ngoài trời, đều phải uống nước thật nhiều trên mức bình thường, nếu không, cơ thể sẽ mất nước và không chịu hoạt động nữa, căn bệnh mất nước có thể giết chết bạn một cách dễ dàng mà bạn không ngờ đến.

Bệnh mất nước là căn bệnh khi cơ thể bạn mất đi chất lỏng nhiều hơn lượng chất lỏng mà bạn uống hoặc hấp thụ vào cơ thể. Mất nước có 3 trường hợp: Nhẹ, hơi nặng, và rất nặng. Căn bệnh này có thể gây tử vong khiến các cơ quan trong cơ thể bạn không còn hoạt động hữu hiệu để duy trì sự sống. Khi thiếu nước, máu bạn sẽ đậm đặc hơn làm cho tim bơm máu khó khăn hơn, ảnh hưởng đến thận và tất cả cơ quan khác trong cơ thể. Bộ não trên đầu cũng cần có nước, nếu thiếu, nó sẽ co lại và gây choáng váng, không suy nghĩ được rõ ràng, áp huyết máu tụt nhanh và bạn có thể ngất xỉu. Nếu không kịp đưa vào bệnh viện hoăc chữa trị kịp thời bạn có thể bị liệt hoặc tử vong.


Tôi đến đây từ tháng 3 khi thời tiết đang chuyển dần qua mùa Hè. Bước vào cuối tháng 6, nhiệt độ tăng dần, có ngày lên đến 49 C (120 F), cái nóng chạy lăn tăn trên đầu, trên mặt, trên lưng, tạo cảm giác ngứa ngáy râm ran như những con chí đang gặm nhấm da thịt mình. Vừa mở cửa ra khỏi phòng, cái nóng ập vào mặt như ai bưng nguyên chậu than hồng để trước mặt mình, mồ hôi nhễ nhại, da mặt bỏng rát mỗi khi tôi bước ra ngoài đường phi đạo. Cái nóng ở đây lạ lắm không như cái nóng khô ở nhà, tiểu bang Arizona, không làm bạn đổ mồ hôi. Ở đây, Iraq, cũng là vùng sa mạc, nhưng cái nóng ẩm ướt, nhớp nháp dính vào người; cộng thêm bụi mịt mờ thường xuyên xảy ra do bão cát. Một ngày không tắm, không thể nào chịu nổi.

Khí hậu nóng là nguyên do chính làm cơ thể bạn mất nước mau chóng mà bạn không thể ngờ cho đến khi có những dấu hiệu cảnh báo từ cơ thể nhắc nhở bạn. Có người thông minh, tinh ý nhận ra ngay và có người chậm chạp, lù đù như tôi, phải mất mấy ngày mới hay thì khá muộn màng. Lại còn mấy cái phòng vệ sinh trong trại cũng góp phần làm trầm trọng thêm căn bệnh thiếu nước. Bạn có thể hình dung ra phòng vệ sinh là những cái hộp sắt phơi nắng giữa cái nóng như thiêu đốt giữa vùng đất bạc màu thỉnh thoảng những con chốt xoáy nhỏ thổi gió cuốn tung lên toàn bụi mù. Bồn chứa nước không phải là bồn chứa bình thường mà là những bọc nước bằng vải bố dày được đặt sát ngay bên nhà vệ sinh, cũng phơi mình dưới cơn nóng kinh hồn của mùa Hè vùng bão lửa.

Bước vào phòng vệ sinh, âm thanh máy lạnh chạy rào rào giúp căn phòng dễ chịu phần nào, nếu không có nó, chắc không ai dám bước vào cái “hộp sắt” đang hấp thu cái nóng giữa sa mạc. Mở vòi nước rửa tay mà tôi tưởng như đang mở vòi nước nóng ở nhà. Nó nóng đến độ không dám rửa tay lâu vì sợ phỏng tay. Một bữa, sau khi đi ra ngoài về, tôi muốn xối qua tí nước lên đầu cho mát và đỡ nhớp nháp, mở vòi nước, đưa tay vào, tôi vội rụt tay lại và bước ngay ra ngoài, không dám xối nữa vì nước nóng như vừa được đun nấu xong. Nói để bạn thấy rõ vì sao tôi bị bệnh mất nước từ từ mà không hay.

Thêm một yếu tố quan trọng nữa khiến cơ thể tôi mất nước rất chậm mà tôi không hay: Công việc tôi làm 12 tiếng một ngày, hầu hết ngồi trong phòng đèn mờ, máy lạnh chạy hết công xuất luôn được giữ ở 18 C (64 F). Ngồi lâu bị lạnh nên tôi luôn đem theo áo khoác mỏng, và vì lạnh, tôi không cảm thấy khát nên ít uống nước. Thỉnh thoảng cũng bước ra ngoài phi đạo khi có việc cần, lúc đó đem theo chai nước làm vài ngụm cho đỡ khô cổ và đỡ nóng. Cứ tháng này qua tháng nọ, cơ thể tôi cạn nước mỗi ngày mà mình không biết cho đến khi nó báo động bằng những triệu chứng như sau.

Mấy hôm nay tôi chợt thấy cơ thể mình đổi khác, đầu óc cứ lâng lâng, không tập trung được, bước chân cứ nhẹ đi và chông chênh như đang bước trên một con tàu bập bềnh, trôi nổi trên sóng nước. Ngồi làm việc tại văn phòng với máy lạnh chạy rè rè, cơn choáng váng khiến buồn ngủ ập đến gây mệt mỏi dù tối hôm trước đã ngủ hơn 8 tiếng. Triệu chứng kéo dài như thế qua ngày thứ 3 vẫn không giảm.

Tối hôm đó về lại phòng ngủ, tôi mở phone coi Youtube một chút theo thói quen cho mỏi mắt để dễ ngủ. Đột nhiên tôi thấy như có một vệt đen thoáng qua che mắt. Tôi dụi mắt, nhắm lại một vài giây, mở mắt ra tôi thấy căn phòng xoay tròn, đầu nặng trĩu, một cảm giác buồn nôn khiến ánh sáng đèn phòng như tối sầm lại. Mồ hôi lạnh toát ra ướt cả áo thun và hơi thở dồn dập. Tôi tự nhủ không khéo bị stroke thì nguy to.

Nằm nghiêng qua bên trái, nhắm mắt lại không biết bao lâu thì tôi ngồi dậy được, bước xuống tắt đèn. Căn phòng chìm vào bóng tối mà mắt tôi vẫn mở thao láo, không cách nào ngủ được. Cả đêm hôm đó, tôi nửa tỉnh nửa mơ, chập chờn không biết đâu là thực đâu là mơ. Tôi cố gắng ngồi dậy, với tay lấy hộp Tylenol 500mg, bỏ hai viên vào miệng và uống thật nhiều nước, hy vọng thuốc sẽ làm loãng máu để trái tim có thể bơm máu lên não, may ra sẽ hết nhức đầu.

Ngày hôm sau thức giấc, đầu không còn nặng nhưng cảm giác như say sóng vẫn còn. Đến văn phòng, mở laptop coi lại hồ sơ sức khỏe trước khi đi công tác đầu tháng 3. Tôi lướt qua những chỉ số về sức khỏe và tất cả con số khác thì thấy không có gì trầm trọng trừ Cholesterol và Triglycerides hơi cao nhưng bác sĩ có phê một câu “OK for deployment”. Xét lại việc ăn uống, tôi biết tôi vốn không thích kiêng cữ gì, cứ ăn uống thoải mái. Cà phê thì vẩn cho 3 hộp cream nhỏ trong 1 ly, ngày uống 2 lần. Không lẽ vì kiểu ăn uống như vậy mà máu bị mỡ chặn không lưu thông lên đến não? Tôi quyết định không ăn ngày đó và uống cà phê đen không đường coi có đỡ chút nào không. Cả ngày hôm đó đầu óc vẫn quay quay nhè nhẹ.

Tối trở về phòng ngủ, nằm xuống là cái đầu lại quay mòng mòng. Sợ quá, tôi ngồi dậy thì đỡ. Thử nằm xuống, đầu tôi như một trái cầu thủy tinh tròn đựng thủy ngân, cứ nghiêng qua bên nào là bên đó nặng chịch một bên. Tôi phải quỳ lên và gục đầu xuống phía trước như đang lạy trước bàn thờ và giữ im tư thế đó thật lâu thì thấy đỡ. Đêm hôm đó trở thành đêm dài nhất trong cuộc đời vì tôi cứ phải thay đổi tư thế liên tục. Mồ hôi tiếp tục tuôn lạnh ướt trán và lưng, cơ thể bần thần, xốn xang, khó chịu, mắt mờ đi.

Giữa đêm đen thinh lặng, tôi cố thở đều, bình tĩnh lại để đánh giá tình hình sức khỏe mình coi có thể nguy đến tính mạng hay không. Ở đây là một phi trường dã chiến nên không có bệnh viện với phương tiện đầy đủ trong trường hợp cấp cứu. Tôi chợt nhớ lại triêu chứng hiện nay rất giống với lần tôi đã bị mất nước ở tiểu bang nhà Arizona, cách đây 20 năm. Đó là ngày lễ Độc Lập được nghỉ việc lâu, tôi mua vật liệu về làm căn nhà trên cây (Tree house) cho 2 đứa con. Khí hậu sa mạc tháng 7 rất oi bức. Tôi cố hoàn thành cho xong công việc nên tôi làm cả 3 ngày ngoài trời, uống nước ít, cứ tu ừng ực Coke và Pepsi mỗi khi khát nước. Tôi mất nước trầm trọng mà không hay.

Sau 4 ngày nghỉ, tôi trở lại làm việc. Khi tôi bước chân lên bậc thang của chiếc phi cơ Global Express, tôi có cảm giác chông chênh. Tiếp tục bước cho hết mấy bậc thang, bước vào bên trong, tôi lại thấy choáng váng như chiếc phi cơ đang chao đảo. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành êm ái và tự nhiên buồn nôn. Tôi nhắm mắt dưỡng thần, nhưng cũng không giúp được gì. Cơn buồn nôn lại đến, tôi nuốt ngược trở vô, cổ họng chua lè. Đứng lên, tôi xính vính muốn té. Tôi biết tôi bệnh nặng mà vẫn chưa biết tại sao. Tôi cố đi bộ ghé qua phòng ông xếp, xin phép về nhà. Ông hỏi có cần ai đưa về không vì thấy sắc mặt tôi xanh lè. Tôi lắc đầu.

Đi bộ ra bãi đậu xe mà như đi trong mơ. Tôi lái như bay, chắc cỡ 90 dặm một giờ trên xa lộ để mau về đến nhà. Bước vào cửa, tôi lao vào phòng vệ sinh nôn mửa thốc tháo tới mật xanh. Bụng chợt đau quặn lên, sôi sùng sục và tháo dạ ào ào. Nhớ đến câu “trên thốc dưới tháo”, tôi biết rằng tôi bệnh nặng lắm. Bước ra ngoài, tôi nói vợ tôi kêu 911, rồi tôi nằm lăn ra sàn nhà, chập chờn mê đi, nhưng vẫn còn chút tỉnh táo nghe được tiếng xe cứu thương và tiếng người lao xao đưa cáng tôi lên xe .

Việc đầu tiên tôi nhớ và nghe được bác sĩ nói loáng thoáng “Heat stroke” và “dehydration”. Rồi kim truyền nước biển đâm vào cánh tay, tôi bập bềnh trôi vào vùng lãng đãng, đầu óc mụ mị, chìm vào cơn buồn ngủ nặng nề. Khi tỉnh dậy, thấy vợ con ngồi kế bên, mới hay mình còn sống, đang được tiếp tục truyền nước biển và đang nằm trong bệnh viện. Hôm sau tôi được cho về với lời khuyên “nhớ uống nước nhiều vào”. Vậy mà tôi vẫn chưa học khôn được chút nào sau 20 năm cho đến hôm nay. Tôi biết tôi sẽ phải làm gì vào sáng mai.

Hôm sau, khi đi làm, tôi lội bộ qua trạm xá và xin được khám và cho hay có lẽ tôi bị mất nước. Anh lính “medic” trẻ khám, đo huyết áp thì mọi thứ đều bình thường. Anh hỏi tôi diễn tả cảm giác đau đầu, xây xẩm ra sao, nghe xong anh hỏi tôi uống nước bao nhiêu chai một ngày. Tôi trả lời 3, 4 chai (16oz). Anh lắc đầu nói không đủ, ít nhất cũng gấp đôi hay hơn, nếu không cơ thể thiếu nước sẽ bị “shock” gây nguy hiểm. Anh coi mạch và nói các động mạch trên tay chìm là dấu hiệu thiếu nước. Anh pha cho tôi một dung dịch bột có nhiều electrolyte và pedialyte để uống. Tôi phải nằm lại một giờ để được truyền nước biển (intravenous fluids hay IV). Trong nước truyền gồm có nước, đường, muối và các chất dinh dưỡng sẽ đi thẳng vào mạch máu nhanh hơn để thay thế lượng chất lỏng đã mất.

Trong khi nằm truyền nước biển, anh lính trẻ vui tính giải thích những dấu hiệu làm thế nào nhận ra mình thiếu nước, làm sao để lấy lại nước một cách nhanh chóng, và cách điều trị và ngăn ngừa để không bị mất nước. Trái tim là một bắp thịt, nó làm một công việc quan trong nhất là bơm máu đi nuôi tất cả các cơ quan, ngõ ngách trong cơ thể mình. Dưỡng chất Electrolyte hoạt động như là một giòng điện thông thương và điều hòa nhịp đập của trái tim, thiếu nó, trái tim làm việc kém hiệu quả, có thể gây ra trụy tim, chết người. Vì vậy, uống nước đủ là tuyệt đối quan trọng trong thời tiết nóng nực và khắc nghiệt.

Mayo Clinic khuyên chúng ta nên uống nước đủ: Phụ nữ nên uống đủ 92 fluid onces hay 2.7 lít (11.5 cups), đàn ông 124 oz hay 3.7 lít (15.5 cups) một ngày. Vận động viên hay những người phải làm việc ngoài trời nắng nên uống nhiều hơn dù không cảm thấy khát. Nếu đã bị mất nước khá nặng chưa đến mức vào bệnh viện, bạn có thể tự chữa ở nhà với công thức 1 lít nước, ½ muỗng canh (teaspoon) muối, 6 muỗng canh đường và lắc đều lên xong kiếm chỗ thoáng mát, có máy lạnh càng tốt, từ từ uống và nghỉ ngơi.

Muốn lấy lại nước mau chóng khi không có phương tiện truyền IV như ở bệnh viện, trạm xá, bạn có thể làm công thức như trên tại nhà và uống kèm thêm các loại nước uống thể thao đóng chai như Gatorade, DripDrop, Cerasport có pha các dưỡng chất sau đây: Electrolyte, Pedialyte, Sodium, Potassium, và Coconut water tức nước dừa, và trên hết vẫn là NƯỚC. Tôi vừa thoát nạn lần nữa, đang mỗi ngày có cảm giác khá hơn, mất hơn 5 ngày, không còn bị nhức đầu xây xẩm và học được bài học thứ 2 về cách uống nước.


NƯỚC từ trời rơi xuống đổ đầy sông hồ, ao đầm. NƯỚC từ những mạch ngầm dưới đất tuôn chảy chan hòa nuôi sống nhân loại. NƯỚC là nguồn sống không thể thiếu trong cơ thể con người và cũng là vật chất tuy rẻ như bèo, thua xa vàng ngọc, kim cương mà con người đang tận hưởng nhưng không hề biết mang ơn NƯỚC. Trải qua kinh nghiệm mất nước lần này, tôi xin nhắc nhở mọi người nên uống nước thật nhiều và mỗi lần uống, hãy tận hưởng NƯỚC như một món quà Mẹ thiên nhiên ban tặng để giữ gìn sức khỏe bản thân và thêm ý thức, trân trọng về nguồn NƯỚC.


Tháng 7, 2021. Lễ Độc Lập. Viết tại Al Asad, Iraq.

Nguyễn Văn Tới

Monday, August 30, 2021

Thấy Gì Lúc Lâm Chung - Thôi Chân Tri

Ảnh Internet

Giây  phút Trước Khi Chết Con Người Rút Cuộc là Sẽ Nhìn Thấy gì? 10 Thể Nghiệm Thần Kỳ Nhất  

Tiến sĩ Raymond Moody, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã nghiên cứu 150 trường hợp trải qua trạng thái "chết lâm sàng" sau đó hồi sinh trở lại. Sau khi tập hợp những nghiên cứu trong vài thập kỷ ông đã xuất bản cuốn "Hồi ức về cái chết" nhằm giúp con người vạch ra chân tướng của cái chết.       

Có một sự tương đồng không thể xem nhẹ trong lời kể của những người đã "trải nghiệm cận kề cái chết" này, đại khái có thể quy về mười điểm sau: 

1. Biết rõ về tin mình sẽ chết – Họ tự mình nghe thấy bác sĩ hoặc người khác có mặt tại nơi đó tuyên bố rõ ràng về cái chết của mình. Anh ấy sẽ cảm thấy cơ thể trở nên yếu ớt đến cùng cực. 

2. Trải nghiệm niềm vui – " Trải nghiệm cận kề cái chết " ban đầu sẽ có cảm giác yên bình và thanh thản, khiến con người thấy vui sướng. Đầu tiên sẽ cảm thấy đau, nhưng nỗi đau này chỉ lóe lên rồi qua đi, sau đó sẽ thấy mình lơ lửng trong một không gian tăm tối, một cảm giác dễ chịu mà chưa từng được trải nghiệm bao bọc lấy anh. 

3, Âm thanh kỳ lạ – Khi "sắp chết", hoặc lúc "chết đi" khi có một âm thanh kỳ lạ bay tới. Một phụ nữ trẻ cho biết cô nghe đã thấy một giai điệu giống như một khúc nhạc và đó là một khúc nhạc tuyệt vời. 

4, Tiến nhập vào lỗ đen – Có người phản ánh rằng họ cảm giác bất ngờ bị kéo vào một không gian tối. Họ bắt đầu có cảm giác, giống như một khối hình trụ không có không khí, cảm giác như một vùng quá độ, vừa là đời này, vừa là một nơi xa lạ nào khác. 

5, Linh hồn thoát xác – Chợt thấy mình đang đứng ở một nơi nào đó ngoài cơ thể mình, quan sát cái vỏ thân người của mình. Một người đàn ông chết đuối nhớ lại anh đã tự mình rời khỏi cơ thể, đơn độc trong một không gian, thấy mình tựa giống một chiếc lông. 

6. Ngôn ngữ bị hạn chế  – Họ dùng hết sức mình để nói cho người khác biết hoàn cảnh khó khăn của mình nhưng không ai nghe thấy lời họ nói. Một người phụ nữ nói rằng: Tôi đã cố gắng nói chuyện với họ, nhưng không ai có thể nghe thấy. 

7, Thời gian như biến mất – Trong trạng thái thoát xác, cảm giác về thời gian như biến mất. Có người hồi tưởng lại rằng trong khoảng thời gian đó anh đã từng ra vào cơ thể mình rất nhiều lần. 

8. Các giác quan vô cùng nhạy cảm – Thị giác và thính giác nhạy cảm hơn trước. Một người đàn ông nói rằng ông chưa bao giờ nhìn rõ đến như vậy. Trình độ thị lực đã được nâng cao đáng kinh ngạc. 

9. "Người" khác đến đón – Lúc đó xung quanh xuất hiện một người "Người" khác. "Người" này hoặc là tới giúp họ quá độ tới đất nước của người chết một cách bình yên, hoặc là tới nói với họ rằng hồi chuông báo tử vẫn chưa vang lên, cần quay về trước đợi thêm một thời gian nữa. 

10. Nhìn lại kiếp nhân sinh – Lúc này người trong cuộc sẽ nhìn lại toàn cảnh bức tranh cuộc sống đời mình. Khi bản thân họ mô tả lại thời gian ngắn ngủi giống như "cảnh nọ nối tiếp cảnh kia, chuyển động theo trật tự thời gian các sự việc xảy ra, thậm chí các bức ảnh nối tiếp nhau, một vài cảm giác và cảm xúc đều như được thể nghiệm lại một lần nữa. 

• A • Raymond Moody là một học giả và  khoa học gia nổi tiếng thế giới, ông lần lượt giành được hai học vị tiến sĩ về triết học và y học. Ông nghiên cứu sâu về lý luận học, logic học  và ngôn ngữ học, sau đó ông lại chuyển hướng đam mê sang nghiên cứu  y học, và  quyết tâm trở thành một học giả về bệnh tâm thần. Trong khoảng thời gian này ông chú ý đến hiện tượng về trải nghiệm cận kề cái chết, sau đó ông bắt đầu thu thập dữ liệu cho công trình  nghiên cứu, cuốn "Hồi ức về cái chết " chính là kết quả mấy chục năm miệt mài nghiên cứu của ông. 

Từ khi cuốn sách "Hồi ức về cái chết" ra mắt từ năm 1975, nó đã đạt mức doanh thu kỷ lục toàn cầu với hơn 100 triệu bản, chỉ riêng tại Đài Loan đã tiêu thụ 13 triệu bản và được biết đến như một siêu phẩm bán chạy nhất. Cuốn sách đã thay đổi khái niệm về sự sống và cái chết của những người bình thường, đưa nghiên cứu "Trải nghiệm cận kề cái chết" vào một bước ngoặc mới, chính thức xâm nhập vào tầm nhìn giới y học phương Tây chủ lưu. 
Nhằm khích lệ thành quả nghiên cứu khoa học nhiều năm qua và nỗ lực không mệt mỏi cho việc phổ cập công việc, năm 1988 ông đã được trao " Giải thưởng chủ nghĩa nhân đạo Thế giới " tại Đan Mạch. 


Dịch giả: Việt Nguyên

Epochtimes Vietnam - Việt Đại Kỷ Nguyên

Lắng Nghe Sự Thinh Lặng Trong Những Ngày Giãn Cách - Giuse Phạm Đình Ngọc SJ



Thưa thầy, làm sao con chứng nghiệm được rằng con với vạn vật là một?”  Minh Sư đáp: “Bằng cách lắng nghe.”

Và con phải lắng nghe như thế nào?

Con hãy lắng tai để nghe ngóng mỗi lời thì thầm của vũ trụ.  Khi con nghe thấy chính tiếng nói của con thì con hãy thôi nghe.”

Trò chuyện thiêng liêng:

Trước khi dịch bệnh, mọi lãnh vực đều đang phát triển, người người mơ về một thế giới tốt đẹp hơn. Ròng rã gần hai năm dịch bệnh, cả thế giới vỡ mộng.  Mọi thứ đảo lộn bởi một con virus cực nhỏ.  Có lẽ lúc này ai cũng có câu trả lời cho riêng mình là: con người có liên hệ cực kỳ mật thiết với nhau.  Nhìn vào đường truyền lây lan theo cấp số nhân từ người sang người, chúng ta nhận thấy con người có tương quan xã hội.  Nói cách khác, chúng ta cần đến nhau để chống lại con virus này.  Một cá nhân, gia đình, một đất nước cũng không thể chống dịch nhanh chóng, nhưng là cả thế giới. 

Lúc đang giãn cách xã hội, chúng ta nghe lại câu chuyện trên đây của cha Anthony de Mello.  Đành rằng mỗi người là một cá thể độc lập và vô giá trước mặt Thiên Chúa, nhưng mỗi người không thể sống tách rời với vũ trụ.  Chúng ta cần không khí, cần thức ăn, nước uống và môi trường sống lành mạnh.  Vạn vật vũ trụ từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đặt trong đó sự hài hòa.  Tiếc là vì lý do nào đó, con người đã, đang làm tổn thương ngôi nhà chung của chúng ta.  Phải chăng đó cũng là lý do nảy sinh con virus Corona khủng khiếp này? Chúng ta không cần truy tìm nguồn gốc của virus.  Thay vào đó, cùng lắng nghe điều gì đang diễn ra trong môi trường sống hiện nay. 

Nhịp sống Sài Gòn (Hà Nội cũng thế) lúc này thay đổi hoàn toàn. Đường xá vắng người, cửa đóng then cài, phố phường chỉ còn xe cứu thương ngược xuôi.  Bệnh viện mỗi lúc một đông người, khu cách ly cũng tăng, số người F0, F1 cũng lan rộng.  Thử tưởng tượng đứng trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn lúc này, tôi nghe được thứ âm thanh gì?  Ngước lên tượng Đức Mẹ Hòa Bình trước quảng trường, tôi có nghe được lời thì thầm của thành phố phồn vinh ngày nào? Thử rảo bộ vài con đường phong tỏa, tôi thấy những gì?  Dừng lại bên công viên, còn đâu cảnh người người thể dục, buôn thúng bán bưng, người người xuôi ngược.  Thành phố Sài Gòn đang ngủ, một giấc ngủ trong đói khát, lo lắng và hồi hộp.

Đã có lúc người ta sợ thinh lặng.  Nhất là người trẻ, thinh lặng là chỗ chúng ta phải đối diện với chính mình, với vạn vật và với Thiên Chúa.  Những nhà tâm lý, giáo dục đã cảnh báo về một cuộc sống vội vàng, bạo phát, bạo tàn.  Vì Covid-19, người người phải thu mình vào khung cảnh gia đình.  Thiết tưởng đây là thời gian vàng để mỗi người thử lắng nghe lòng mình.  Chúa đang muốn nói gì với con trong lúc này?  Thử để lòng mình lắng xuống, một mình với Thiên Chúa, với bối cảnh trầm lắng hiện nay, chắc lúc đó: “Con nghe thấy chính tiếng nói của con.” 

Theo truyền thống tu đức, lắng nghe thường là hoạt động của con tim, tâm hồn.  Khi đôi tai thanh thản với âm thanh vắng lặng ở bên ngoài, cũng là lúc âm thanh trong tâm hồn lên tiếng.  Đó là chỗ của Chúa Thánh Thần hoạt động.  Ước sao mỗi người quý trọng thời khắc thánh thiêng này với hai lý do:


1. Về mặt tâm lý, chúng ta được thanh thản, thoải mái với tâm hồn bình an.  Không để cho chuyện đời vây bủa.  Tạm gác lại những lo lắng cơm áo gạo tiền, tâm lý tự nhiên cảm thấy khoan khoái, thong dong và nhẹ nhàng.  Từ đó, thể lý cũng được dịp nghỉ ngơi và lấy lại sức.  An nhiên tự tại để tạo trạng thái tâm hồn tĩnh lặng và vô ưu; đóng bớt những thông tin gây hoang mang, buồn phiền, buông bỏ trước những lắng lo về tương lai.  Dĩ nhiên mình phải lo khi kinh tế đang xuống, gia đình bị khó khăn, nhưng bạn lo sầu thì chưa chắc giải quyết được gì hoặc cũng không làm cho người thân hết bệnh…  Ngược lại bạn cần bình tâm để thanh thản và tu dưỡng tâm thân, thư thái thay vì ám ảnh trước những cảnh rắc rối quanh mình.


2. Về mặt thiêng liêng, chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa trong cầu nguyện.  Nếu ngày thường không có nhiều giờ để tâm đến Chúa, thì ở nhà lúc này lại là cơ hội để nối kết lại với Chúa.  Có khi không cần nói với ai về ước mong gặp gỡ Chúa, nhưng sau khi thinh lặng với Chúa, bạn sẽ tương quan với người khác bằng rất nhiều tình yêu.  Lúc này, ngôi nhà của bạn sẽ có Chúa đồng hành, sẽ được nguồn an ủi thiêng liêng mà chỉ có Thiên Chúa ban tặng. (1) Xác định bậc thang giá trị trong đời / quay lại với những điều cốt yếu. (2) Khám phá ra những điều thú vị trong người khác, bản thân (hoạt động nghệ thuật, dành giờ cho những sở thích lành mạnh), cuộc sống… mà trước giờ mình bận rộn quá nên quên lãng hoặc chưa làm được.

Với hai hoa trái của thinh lặng trên đây, bạn và gia đình sẽ vượt qua lần giãn cách này với nhiều bình an.  Xin đừng sợ thinh lặng, vì trong gia đình, có lúc chuyện trò, vui chơi, ăn uống nghỉ ngơi, thì cũng cần khoảng lặng trong ngày sống.  Thinh lặng không phải là ngủ li bì, nhưng là tỉnh thức trong tĩnh lặng với mình và với Chúa.  Thiên Chúa của chúng ta không bao giờ ngủ, bởi “Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!” (Tv 121,4).  Nhờ đó cuộc sống mới quân bình, như lời Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta chia sẻ: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là niềm tin, hoa trái của niềm tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an.”  Chúng ta cần bình an và sức khỏe lúc này. 


Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn: dongten.net

Vẽ Tranh Trên Lông Gà

Mời thưởng thức tài nghệ người dân da đỏ Hoa Kỳ qua những tranh họa độc đáo được thực hiện trên lông gà.








Hồng Thúy chuyển

Chuyện Buồn Người Cha

 

Vợ ông mất từ khi đứa con gái thứ 2 được 2 tháng vì bệnh tim. Ông một mình nuôi 2 con khôn lớn. Với đồng lương hạn hẹp của một giáo sư đại học lúc bấy giờ, ông thật vất vả để cho hai Cô con gái một cuộc sống no đủ. Rất nhiều cô gái thanh tân, phần vì thương, phần vì ngưỡng mộ tài học, phần vì kính trọng nhân cách của ông, sẵn lòng về làm vợ ông để chia sẻ với ông, cùng nuôi dạy hai con. Ông cũng có ý muốn đi bước nữa khi hai con đã hết cấp 3.

Nhưng sự đời khó đoán, khi ông mới dẫn vợ chưa cưới về nhà, hai cô con gái phản ứng quyết liệt. Có thể do ích kỷ không muốn chia sẻ ông với ai, có thể sợ sẽ bị dì ghẻ đày đọa, một cô bỏ nhà đi, một cô đi nhảy sông tự tử, mà không chết. Ông bị choáng nặng. Ông không ngờ, hai cô con gái ngoan hiền ngày nào lại đối xử với mình như thế. Vừa thương vừa giận, có lẽ thương con sợ hai con gặp bất trắc, ông lần lượt bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội của cuộc đời. Lặng lẽ nuôi và nhìn con trưởng thành, ông ít nói ít cười hẳn, chỉ khi lên giảng đường, ông mới được là chính ông.


Các cô con gái lần lượt lấy chồng, sinh con và hay tụ tập ở nhà ông vào tối thứ bảy và chủ nhật. Ông vẫn một mình cơm niêu nước lọ. Chăm chăm chờ đến ngày được gặp con cháu. Ít lâu sau, ông phát hiện mình bị parkinson, tay chân run, không tự làm được gì. Hai cô con gái hớt hải chạy tới. Ai cũng phải lo cho gia đình riêng, ai cũng phải đi làm, ai đâu mà chăm cha. Họ rụt rè nói với ông, hay bố cưới cô nào về làm vợ để phục vụ bố lúc tuổi già đi. Ông giận run người, lắp bắp. Các con thật ích kỷ, bây giờ bố 65 rồi, lấy ai, người ta vì chờ bố đến giờ này vẫn ở vậy, mấy chục năm cấm cản bố, xỉ vả người ta chẳng ra gì, bây giờ bố bệnh thế này mặt mũi nào hỏi cưới người ta. Hai cô gục đầu xuống khóc, khi cơn giận khiến ông bị tai biến phải đưa vào cấp cứu ở bệnh viện.


Ông được ra viện, ánh mắt ông thật buồn, thật xa vắng. Hai cô nhờ người thuê được một người đàn bà lỡ thì rất xinh đẹp tới chăm ông. Lúc đầu bà chăm ông bằng nghĩa vụ, lâu dần bà chăm ông như chăm một người bạn già. Hằng ngày, khi đã xong hết việc, ông ra hiệu cho bà lại gần, ông viết tên các cuốn sách hay trên giá và khuyên bà đọc. Rồi ông bập bẹ phân tích cốt truyện cho bà nghe, cho bà biết cái hay cái dở của cuộc sống trong đó. Ông dần bình phục sau tai biến. Sau 5 năm bè bạn cùng ông, từ một người đàn bà ít học, sống trong gia đình nông dân nghèo, bà đã có thể đàm đạo với ông, một giáo sư nổi tiếng về rất nhiều lĩnh vực. Ông dạy bà cắm hoa, nghe nhạc, làm thơ và vẽ tranh.


Bà cảm phục và hết lòng yêu quý ông. Bà chủ động nhờ hai cô con gái nói giúp với ông cho phép bà được gá nghĩa trăm năm cùng ông. Hai cô đồng ý ngay, vì tình cảm của họ rất tốt. Bà thì thật thà, chân thành và dịu dàng. Từ lâu bà coi các con ông như con mình. Song, ông từ chối. Ông cười rất rất buồn và nói, cảm ơn cô đã có lòng với tôi, tôi già rồi và bệnh tật thế này còn mang lại hạnh phúc cho ai được đâu, cô còn trẻ và xinh đẹp, cô vẫn có thể xây dựng hạnh phúc với người khoẻ mạnh hơn tôi, hãy coi tôi như người bạn và đọc hết kho sách trong tôi đi, cô sẽ học thêm được nhiều điều có ích cho cuộc sống này.


Ngày ông trút hơi thở cuối cùng, bà khóc ngất đi. Bà quỳ xuống chân 2 cô con gái ông, xin các con cháu cho cô để tang ông ấy như để tang một người thầy, một người bạn tri kỷ và một người chồng duy nhất của cô. Hai cô con gái đỡ bà dậy, oà khóc, mẹ ơi...


Đưa đám ông xong, hai cô biếu bà căn nhà của bố, để con cháu có chỗ chạy đi chạy lại như khi ông còn tại thế. Hằng ngày, bà vẫn bầu bạn cùng ông và vợ ông trên bàn thờ, chuyện trò cùng họ, bàn bạc về mọi tác phẩm bà đọc và chờ đến thứ bảy và chủ nhật được đón các con cháu ông về cùng bà ăn cơm gia đình.


Sưu tầm

Sài Gòn Lockdown Ngày Thứ Năm Mươi Mốt - Đỗ Duy Ngọc


Lại thêm một ngày nữa, thêm một ngày chịu đựng, thêm một ngày chứng kiến cơn đại dịch bùng phát, thêm một ngày nơm nớp lo âu. Những con số không chịu ngừng lại, những khoanh tròn đen trên facebook vẫn lần lượt xuất hiện báo hiệu những mất mát và tang thương. Cơn bệnh nặng của Sài Gòn vẫn chưa chịu thuyên giảm. 

Tự nhủ cố gắng, cố gắng lạc quan, cố gắng lòng tin. Tự nhủ mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều người khi còn được ở yên trong căn nhà của mình, còn được ngày hai bữa cơm dù có thể không ngon, không lắm món như thường ngày. Vẫn còn được thở bằng chính hơi thở của chính mình, được gần gũi với những người thân thuộc. Trong khi ngoài kia, biết bao người phải xa nhà, lìa xa con cái, cách xa cha mẹ, ông bà để đứng trên tuyến đầu chống dịch đến kiệt sức. Trong khi trong nhiều xóm nhỏ, biết bao người, biết bao cảnh ngộ đang thiếu ăn, đang bế tắc trong cuộc sống không lối ra. Trong khi ngoài kia, biết bao người bệnh đang cần một chỗ nằm, đang cần một hơi thở để được sống. Trong khi ngoài kia, biết bao gia đình đã tan tác, cha lìa, người thân rời nhà và trở về trong hủ cốt. Thế thì thôi, đừng trách móc nhau nữa, đừng chửi rủa nhau nữa, đừng thù hằn nhau nữa. Tham lam, sân hận để làm gì khi ranh giới của sinh tử chỉ là một khoảnh khắc. Lên án nhau làm gì khi biết bao số phận lặng lẽ cúi đầu gánh lấy những khốn khổ của cuộc đời. Hơn nhau làm chi khi cả thành phố trong cơn đau nặng. Sung sướng gì, hả hê gì, đắc thắng làm gì khi cả nước đang oằn mình gần như kiệt sức để vẫy vùng thoát khỏi cơn đại dịch. Miệng nói yêu nước, thương dân mà không chia sẻ nỗi đau của đồng bào khi hoạn nạn mà chỉ rình mò để chửi rủa, để thoá mạ, để thoả cái tự ái của cá nhân. Đó cũng có thể xem như là tội ác.  

Tháng bảy mưa dầm dề, trời phương Nam mang một màu u ám. Những con đường vắng về đêm như thành phố ma làm hoảng sợ những người yếu bóng vía. Người chết nhiều quá, những oan hồn vất vưởng hoà với quỷ ma mùa xá tội vong nhân. Mùa Vu Lan đầy những hoa trắng cài lên ngực nhưng lại thiếu những mâm cúng và tiếng kinh cầu. Một tháng bảy u buồn lắm bi thương. Có một tiếng đàn piano lạc lõng từ căn nhà hàng xóm, một tổ hợp hợp âm buồn của một ca khúc buồn hiu. Tiếng chim sẻ không còn ríu rít trong sân vườn vì mưa, ngày lặng lẽ đến và lặng lẽ đi qua bất kể những nỗi đau đang hiện diện. Thời gian như một tiếng thở dài. Biết đến bao giờ được trở lại những ngày tháng cũ. Những tháng năm bình thường của cuộc sống. Người ta thường thấy tiếc nhớ những gì đã bị đánh mất. Những thứ khó tìm lại được vì sau cơn đại dịch này, mỗi người đã có cách sống khác, suy nghĩ khác và nhiều người đã có hoàn cảnh khác. Tiêu cực hơn hay tích cực hơn, cũng tuỳ tình cảnh của mỗi người.

 

Sài Gòn vẫn giới nghiêm. Sài Gòn vẫn đầy người dính bệnh. Những biện pháp, kế hoạch chống dịch vẫn  tiếp tục được thi hành. Có cảm giác nhà nước và chính quyền đang cố gắng hết sức trong trách nhiệm của mình, nhưng nhiệm vụ quá khó khăn. Dân đâu đó vẫn còn kêu than, đâu đó vẫn còn bất bình dù hàng triệu gói cứu trợ đã xuất ra và đến với dân. Trong góc khuất nào đó của thành phố này vẫn có người đang đói. Con số 1022 chưa làm tròn trách nhiệm của nó. Ông Thủ tướng đã một lần khi đến thăm một khu lao động nhờ dân gọi đến trước sự chứng kiến của ông nhưng tổng đài không hoạt động. Thế dân biết kêu vào đâu nữa khi thiếu ăn cần hỗ trợ. Thực hiện một tổng đài nhận yêu cầu, đề nghị của dân làm việc 24/24 không khó. Rất nhiều công ty, doanh nghiệp làm được chuyện này rất dễ dàng, không bao giờ để khách hàng chờ đợi. Thế sao Mặt trận Tổ Quốc Thành phố không làm được, những số khẩn cấp để dân cần dân kêu không làm được? Thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm với nhân dân, vô cảm trước những nỗi khổ của dân, tư duy mặc kệ chúng nó là những lý do cơ bản khi con số điện thoại liên lạc này khó kết nối.


Rất nhiều người nghèo trong con dịch này sống được qua ngày nhờ những tổ chức, cá nhân thiện nguyện. Biết bao người được cứu sống kịp thời nhờ những chuyến xe mang oxy cho người cần. Biết bao gia đình đã phần nào được an ủi và thoát được khó khăn khi nhóm Mai táng không đồng đến đúng lúc lo hậu sự cho người chết. Nếu Sài Gòn không có những nhóm thiện nguyện như thế này, Sài Gòn chắc sẽ còn lắm bi thương hơn nữa. Thế nhưng, khi Sài Gòn giới nghiêm, tối ngày 26.8, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch, các phóng viên cơ quan báo chí đã đưa ra nhiều thắc mắc khi một số nhà hảo tâm, hội nhóm thiện nguyện không xin được giấy đi đường do Phòng CSGT đường bộ, đường sắt TP.HCM (PC08) và Công an quận, huyện, TP.Thủ Đức cấp.

Trao đổi về những thắc mắc này, đại diện Công an TP.HCM cho biết rất chia sẻ và ủng hộ việc một số cá nhân, tổ chức chung tay cùng cơ quan nhà nước chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên theo Công an TP.HCM, việc hội nhóm thiện nguyện di chuyển trong thời gian giãn cách cũng có thể phát sinh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, không an toàn cho chính cá nhân đi làm từ thiện. Đồng thời việc cấp giấy này sẽ không đạt mục đích tăng cường giãn cách xã hội của TP.HCM là “ai ở đâu, ở yên đấy”.

Liên quan đến việc làm từ thiện của các hội nhóm thiện nguyện, đại diện Công an TP.HCM cho rằng quan điểm của TP là tổ chức tập trung. Vì vậy, hội nhóm thiện nguyện khi tiếp nhận ủng hộ, có thể liên hệ, đưa nhu yếu phẩm về Tổ công tác đặc biệt tại địa phương để đưa đến những nơi có nhu cầu. Hoặc hội nhóm thiện nguyện có thể ở nhà báo cho lực lượng tại địa phương tới tiếp nhận nguồn hàng.


Trước phát biểu này của công an thành phố. Nhiều tổ chức, cá nhân làm từ thiện lâu nay đã có ý kiến. Theo họ, khi chủ trương không cấp giấy đi đường cho những người làm thiện nguyện là thiển cận, máy móc và thất nhân tâm. Việc từ chối này cũng là chối bỏ một thực tế khi cho rằng tấm lòng từ thiện rộng lớn lâu nay của người Sài Gòn là nhỏ lẻ, nghĩ như vậy là phủ nhận tình cảm của người Sài Gòn với đồng bào của mình. Từ khi có dịch, Nhóm Oxy cho sự sống của bác sĩ Xuân Sơn Võ đã cung cấp oxy cho mấy trăm người bệnh. Trạm Oxy cộng đồng Sài Gòn đã hỗ trợ hơn 1.500 ca cấp cứu khẩn. Nhóm Giang Kim Cúc và các Cộng Sự với “Quỹ từ thiện mai táng 0 đồng” hỗ trợ, vận chuyển, mai táng miễn phí bà con có hoàn cảnh khó khăn không may mất vì mắc dịch. Hàng trăm bếp ăn, tổ chức từ thiện tại SG cung cấp hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn suất ăn/ngày cùng hàng ngàn tấn lương thực cho bà con nghèo... Những đóng góp đó, những tấm lòng đó không thể gọi là nhỏ lẻ được. Chính nhờ những hành động từ thiện cao cả này đã giúp rất nhiều cho con dân thành phố khi chính quyền chưa chăm lo hết được cho dân, khi nhà nước chưa có chính sách cụ thể, đang lúng túng để tiếp cận lo cho người nghèo.

Đại diện cho Công an TP.HCM cho rằng:" “Nhóm đối tượng này nên tập trung lại theo tổ chức hoặc chuyển về tổ công tác đặc biệt để đưa về các nơi có nhu cầu”. Có nghĩa là sẽ tập trung về cho các tổ chức nhà nước? Hãy nhìn vào sự thật là các tổ chức của chính quyền đã bất lực trước công việc này, thực tế đã chứng minh điều đó. Hơn nữa, giao cho tổ chức nhà nước thường xảy ra tình trạng túi từ thiện không đến đúng nơi, đúng người đáng được nhận, điều mà các nhóm, đội từ thiện làm được một cách dễ dàng. Hơn nữa, kiểu thủ tục rắc rối và đẩy qua đưa lại quả bóng trách nhiệm của các tổ chức địa phương khiến công chuyện chậm trễ và không kịp thời cứu giúp được cho người cần. Và cuối cùng, cũng xin nói thật mất lòng là những người mạnh tường quân, những người làm từ thiện không tin vào các tổ chức của nhà nước nên không chấp nhận tập trung để giao cho" Các tổ công tác đặc biệt”. Hiện nay, địa phương nào cũng thành lập cái tổ này, nhưng chỉ có việc lưu tâm giúp đỡ những F0 cách ly điều trị tại nhà với điều phối mua hàng hộ mà còn rối như gà mắc tóc thì thử hỏi giao thêm cho tổ này chuyện lo oxy, lo cơm cho người nghèo, lo áo quan và đem thiêu cho người chết, thử hỏi tổ công tác đặc biệt này làm có nổi không, hay là rồi bỏ mặc cho dân đói, không có oxy để chết và chết rồi chẳng ai lo? Tước đi việc để cộng đồng góp phần vào công việc chống dịch là một cách làm thiếu suy nghĩ. Cấm các tổ chức từ thiện tham gia bằng cách không cấp cho phép họ đi hoạt động là việc làm thất nhân tâm. Công an thành phố nên chấn chỉnh lại quy định này.

Một tin gây lo ngại cho rất nhiều người là vừa qua Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.


Hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm 2 sản phẩm của Việt Nam là mì tôm chua cay Hảo Hảo và miến Good vị sườn heo - đều do công ty Acecook Việt Nam sản xuất; và 1 sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc - đó là mì Yato vị hải sản. Việt Nam đã là nước dùng mì gói nhiều, đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Đang lúc giãn cách, giới nghiêm hình như nhà nhà đều ăn mì, thùng quà nào cho dân cũng có mì. Tin này làm dân lo là đúng chứ. Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm về thực phẩm cũng như hãng sản xuất phải giải thích tường tận chuyện này. Nếu là thật thì chúng ta đang bị đầu độc tập thể à?


Đọc báo thấy hiện giờ vaccine đã về với số lượng nhiều ở Việt Nam. Dân mong vaccine. Người chưa được chích mong được chích. Người đã chích mũi 1 ngóng chờ mũi 2. Vì ai cũng hiểu chỉ có vaccine thì mới mong dập được dịch dù biết rằng đã tiêm chủng cũng có thể nhiễm bệnh, nhưng sẽ hạn chế được số tử vong. Mà giảm tử vong là điều mà nhà nước và toàn dân mong ước lúc này. Sống chung với dịch là chuyện không thể tránh, nhưng có vaccine, dân an lòng hơn nhiều lắm.

Toàn thành phố đã ghi nhận gần 200.000 trường hợp mắc bệnh dịch, một nửa trong số đó đã được điều trị khỏi, xuất viện về nhà. Cuộc chiến với dịch bệnh dự báo còn nhiều khó khăn, thành phố đang tăng cường các giải pháp phòng chống và hỗ trợ tích cực cho người bệnh.

Tuy nhiên, trong ngày cũng ghi nhận thêm 287 trường hợp tử vong nâng tổng số tử vong vì virus tại thành phố lên 8.097 trường hợp.


Giờ đã là trưa, Sài Gòn vẫn có mưa, bầu trời vẫn một màu u ám. Mong một ngày nắng ráo, dịch bị kềm hãm để được chạy ra phố, nhìn thấy đường chen chúc người hoặc kiếm con đường thân quen, rú ga đến gặp bạn bè. Mong lắm Sài Gòn thân yêu ơi!


28.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi mốt

DODUYNGOC

Người Lính Mỹ - Điệp Mỹ Linh


Thời gian gần đây, những biến động tại Afghanistan khi Hoa Kỳ rút quân khiến nhiều ngòi bút đưa ra sự so sánh giữa miền Nam Việt Nam, tháng Tư năm 1975 và Afghanistan, tháng Tám năm 2021. 

Vâng, tôi thấy vài điểm tương đồng như Cha Mẹ đưa em bé qua hàng rào kẽm gai để em bé được vào vòng tay của người lính Mỹ – chỉ với hy vọng cho con được đến chốn an toàn . Taliban đến từng nhà, tại Afghanistan, treo cổ những người làm việc cho Mỹ. Vài người liều, “đu” theo máy bay, bị rớt, chết; trong số này có một thanh niên thuộc Afghanistan’s youth natonal football team, v.v… 

Ngoài vài điểm tương đồng như trên, tôi còn nhận thấy ba điểm rất đáng chú ý.

1.- Năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam; Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) giữ vững miền Nam cho đến năm 1975.

2.- Năm 2021, Mỹ rút chưa hết quân khỏi Afghanistan mà quân Taliban đã chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan rồi!

3.- Nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có câu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!” thì, tại Afghanistan cũng có câu: “No one trusts anything that comes from the Taliban's mouth.” 

Link: https://www.cnn.com/2021/08/20/asia/afghanistan-taliban-rule-friday-intl/index.html

Riêng tôi, kể từ ngày Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, tôi cứ hồi hộp, lo âu và cầu nguyện để Taliban đừng pháo kích bừa bãi vào đoàn người chạy loạn hoặc pháo kích vào phi trường Kabul – như cộng sản Việt Nam (csVN) đã pháo kích vào phi trường và pháo kích chính xác vào đoàn người cùng dòng máu Lạc Hồng – đang chạy về phía VNCH để được che chở, năm 1975.

Trong khi tôi đang thầm vui vì tưởng rằng Taliban không tàn ác như csVN thì, bảng tin trên CNN, ngày 08-26-2021, làm tôi tức giận.

Trưa nay, 08-27-2021, tôi lại thấy tin bổ túc, lúc 12:36 PM ET: “… a bombing at Kabul's airport killed at least 170 people including 13 US service members {…} More than 200 people were injured in Thursday's attack, an official with Afghanistan's Ministry of Health told CNN on Friday…” Link: https://www.cnn.com/2021/08/27/asia/afghanistan-kabul-airport-attack-update-intl-hnk/index.html

Thì ra, cái ác lúc nào cũng chập chùng trong thế giới này! Tôi ngậm ngùi nghĩ đến những vụn vỡ trong trái tim của người Mẹ, người vợ, người con, người chị/em gái và người tình của người lính Mỹ – tưởng sắp thoát được vùng lửa đạn – phải gục ngã vào giờ phút cuối!

Là một ngòi bút không chuyên nghiệp, không thích và không muốn tìm hiểu về chính trị, tôi chỉ xin được nhìn hai sự kiện Việt Nam 1975 và Afghanistan 2021 từ “lăng kính” của một phụ nữ. Tôi chỉ xin được viết từ tâm thức của một người Mẹ, người vợ, người con, người chị, người yêu hoặc là người em gái của một người lính tác chiến.

Từ vị thế của người vợ, những lần được tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp của Hải Quân VNCH – để viết tường thuật – tôi đã thấy và cảm nhận được sự hy sinh cũng như nỗi đau trong lòng người lính Mỹ khi phải xa quê hương để dấn thân vào cuộc chiến mà chính họ không hiểu được lý do! 

Lần đầu tiên tôi thấy người Mỹ – Hải Quân đại úy Graham, cố vấn trưởng của Duyên Khu II – đổ máu trên chiến trường Việt Nam là năm 1964, tại Vĩnh Hy, Cam Ranh. Thời điểm đó, Hải Quân trung úy Hồ Quang Minh (Bố của các con tôi) là Chỉ Huy Trưởng Duyên Đoàn 26, hậu cứ tại Bình Ba, vịnh Cam Ranh. 

Lần thứ hai, khi Minh chỉ huy Giang Đoàn 30 Xung Phong, tham dự hành quân dài hạn Tam Giác Sắt. Cố vấn của GĐ30XP – Hải Quân trung úy Martin – bị thương nặng, trên chiếc Command.

Lần thứ ba, Hải Quân đại úy Blust – cố vấn của GĐ26XP, hậu cứ tại Long Xuyên – bị Việt cộng “bắn sẻ” trên chiếc Command, trong lúc Minh chỉ huy đoàn chiến đỉnh giang hành trên kinh Trèm Trẹm, để tiếp cứu đồn thứ Chín.

Lần thứ tư, tại xã Hộ Phòng, quận Gia Rai, cũng thời điểm Minh chỉ huy GĐ26XP. Trên con kinh đào rất hẹp, Hải Quân đại úy Taylor – cố vấn của GĐ26XP – bị thương vì Việt cộng bắn B-40 vào chiếc Command.

Lần thứ năm, tại Kinh Ngang, Minh là Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn V Tuần Thám. Khi đoàn PBR – Patrol Boat Riverine, khinh tốc đỉnh – đến khúc cua ngặt, bị B-40, B41 của Việt cộng bắn xối xả. Một B-41 xuyên qua khinh tốc đỉnh chỉ huy. Minh và cố vấn Gronados đều bị thương.

Đối với tôi, cảnh lửa đạn trên sông hoặc dọc bờ sông, vào ban đêm, mang nặng tính chất hào hùng và bi thảm. Nhưng, hình ảnh và tiếng hát nghẹn ngào của Hải Quân đại úy Ashmore – thay thế cố vấn Blust, GĐ26XP – nơi mũi chiếc Command vào một đêm trăng, trên sông Cái Lớn, lại cho tôi hiểu thế nào là thương nhớ, thế nào là cô đơn, thế nào là bơ vơ, lạc lõng của một người lính chiến phải xa quê hương cả nửa vòng trái đất!

Gần nửa thế kỷ qua, không thể nào tôi nhớ được tựa đề của ca khúc mà Ashmore thường hát trên những dòng sông nhuộm máu. Nhưng giọng hát đầy u uẩn và bóng dáng đơn độc của Ashmore nơi mũi chiếc Command thì mãi hoài đọng lại trong hồn tôi!

Mỗi khi nhớ lại giọng hát và hình ảnh của Ashmore, tôi tự hỏi: Từ khi tôi được sinh ra cho đến bây giờ, biết bao nhiêu ngàn lính Mỹ đã “rơi” vào tình cảnh bơ vơ, lạc lõng sau mỗi trận chiến – nếu họ may mắn còn sống? Biết bao nhiêu ngàn lính Mỹ bị tàn tật? Biết bao nhiêu ngàn lính Mỹ đã bị “mất xác”?

Nhắc đến người lính Mỹ bị “mất xác”, tôi xin trích một phân đoạn từ tùy bút Tạ Ơn Mảnh Đất Này, của ĐML, có liên quan đến sự “trở về” của First Lieutenant Paul Magers! 

“… Paul Magers chết khi chàng chỉ 25 tuổi và mới đến Việt-Nam chỉ có hai tuần! Paul biết quê tôi chỉ có hai tuần nhưng thân xác của Paul thì “ở lại” đó đến gần 40 năm! Trong ảnh, nụ cười của Paul rất rạng rỡ, vô tư. Nụ cười đó mà biết hận thù ai! Ánh mắt đó mà muốn bắn giết ai! Bởi vậy mới có một chiến binh Hoa Kỳ – James Lenihan – trong trận Thế Giới Đại Chiến II, đã bắn kẻ thù xong thì gục đầu bên xác kẻ thù mà khóc:

I shot a man yesterday

And much to my surprise,

The strangest thing happened to me

I began to cry.

 

He was so young, so very young

And Fear was in his eyes.

He had left his home in Germany

And came to Holland to die

……

I knelt beside him

And held his hand

I begged his forgiveness

Did he understand?

 

It was the War

And he was the enemy

If I hadn’t shot him

He would have shot me.

 

I saw he was dying

And I called him “Brother”

But he gasped out one word

And that word was “Mother.”… (1) (Hết trích)

Kể từ Thế Giới Đại Chiến thứ II, theo tài liệu trên internet, số thương vong – không kể thương binh – của lính Mỹ trên thế giới là: 

Thế Chiến Thứ II: 461,800.

Việt Nam: 58,220.

Iraq: 4, 431.

Afghanistan: 2,376.

Triều Tiên: Chưa được ghi nhận.

Bị bệnh Posttraumatic stress disorder (PTSD): Chưa được kiểm chứng.

Tự tử sau mỗi cuộc chiến: Chưa được phổ biến.

Một đất nước – the United States of America (USA) – đã đóng góp cho thế giới Tự Do bao nhiêu nhân sự và xương máu, chưa kể tài chánh, quân trạng, quân dụng, khí giới, v.v… mà mỗi lần USA rút quân khỏi một nước nào thì USA cũng đều nhận bị “lên án”, như “đâm sau lưng đồng minh”, “tháo chạy”, “bội ước”, “phản bội”, v.v…

Thế csVN bội ước, xâm phạm bao nhiêu Hiệp Ước ngưng bắn trong cuộc chiến 21 năm trên Quê Hương tôi, để cuối cùng cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, đã ai thẳng thắn, mạnh dạng lên án csVN chưa?

Chưa!

Điều cay đắng và mỉa mai nhất là: Mỗi lần Hoa Kỳ “phản bội”, “tháo chạy”, “bội ước” một nước nào thì chính người lính Mỹ cũng phải canh gác, giữ trật tự, an ninh – nhiều khi phải chết vì những nhiệm vụ sau cùng này, như sáng 26 tháng 08 năm 2021, tại phi trường Kabul – chỉ với mục đích đem được càng nhiều dân địa phương càng tốt về Mỹ để…nuôi, làm người tỵ nạn!

Biết bao nhiêu con cháu của các sắc dân tỵ nạn tại Mỹ đã thành công vượt bực trên nhiều lãnh vực, trong mọi địa hạc; thế mà đã có tổ chức nào của người tỵ nạn thành lập Hội Giúp Đỡ hoặc biết ơn Thương Binh và tử sĩ Hoa Kỳ chưa?

Chưa!

Người lính Mỹ, trong nhân dáng hiên ngang, với những bước chân chắc nịch, đôi mắt nhìn thẳng và kỹ thuật tác chiến tuyệt vời. Nhưng người lính Mỹ cũng có trái tim biết rung động, biết nhớ thương, biết đau khổ như bạn và tôi. Xin đừng “thần thánh hóa” hoặc đòi hỏi những điều mà người lính Mỹ không thể thực hiện được; vì người lính Mỹ còn phải chu toàn bổ phận đối với người hôn phối, gia đình và người thân.

Xin hãy nghĩ đến những trái tim tan vỡ trong mỗi gia đình, khi một người lính Mỹ gục ngã!

Tôi quan niệm, người Mỹ chỉ như người láng giềng tốt bụng. Khi bạn bị té ngoài sân, người láng giềng tốt bụng đó chỉ có thể đỡ bạn dậy, gọi 911 rồi an ủi, phủi bùn đất cho bạn. Thế là bạn may mắn rồi! Đừng buồn trách khi người láng giềng đó không ở lại đàn hát cho bạn nghe trong thời gian bạn dưỡng thương!

Nhưng, khi gia đình bạn nuôi một con thú bất trị, chuyên phá phách trong nhà, sân vườn của bạn, của làng xóm – có khi cắn người thân của người láng giềng tốt bụng – thì người láng giềng tốt bụng đó sẽ không ngại ngùng gì mà không kiện bạn hoặc giết con thú bất trị của bạn.

Sau đó, người láng giềng đó có thể chỉ dẫn cho bạn cách thức làm vườn, trồng những loại hoa đẹp. Thế thôi! Bạn không thể buộc người láng giềng đó phải tự tay chăm sóc vườn hoa cho bạn hoặc “đền” cho bạn con thú khác!

Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời của một cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Iraq.

Veterans Club Founder and CEO Jeremy Harrell, an Army veteran who served in Iraq, said: “I think that’s a really good idea. I’m glad President Biden is keeping President Trump’s idea to bring troops home and to get folks out of Afghanistan.” Link: https://www.wave3.com/2021/04/15/its-time-come-home-kentucky-afghan-iraq-war-veterans-react-us-troop-withdrawal/


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

1.-Hình trong bài của Wonbo Woo, Kate Snow and Tracy Connor – ngày 20-Dec. 2013 – US News.

2.-Washington (CNN) -- What does it feel like to kill a man? James Lenihan of Brooklyn knew. He fought in Europe in World War II and he killed a German soldier during a battle in Holland.

Saturday, August 28, 2021

Lỡ Một Đời Trai Muộn Mất Rồi... Phỏng theo "Hai sắc Hoa Ti Gôn" - TTKH

    

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn

Tới tháng lãnh lương mới hết hồn

Bạn rủ đi chơi, nào có dám

Tôi chờ người tới để…giao lương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng

Xấp tiền lương mỏng, hỏi lung tung :

Rằng lương sao có bao nhiêu đấy?

Chắc“diếm” bớt rồi, phải thế không?


Người ấy thường hay móc bóp tôi

Khảo tiền mỗi lúc bóp tôi vơi

Bảo rằng tôi móc còn hơn để…

“ghệ” móc tiền ông, mới khổ đời


Thuở ấy nào tôi đã biết gì :

Trẻ người, non dạ quá ngu si

Bao nhiêu tiền bạc, tôi “dâng” hết…

Chẳng giữ cho mình được…tí ti


Đâu biết tiền đưa bả tháng này

Là tiền dành dụm bấy lâu nay

Bao nhiêu tiền mặt, “người” chôm hết

Biết lấy gì vui với bạn đây?


Từ đấy thu, rồi thu, lại thu

Lòng tôi còn giá đến bao giờ

“Người kia” đã biết tôi vơi túi

“người ấy” cho nên vẫn hững hờ


Tôi vẫn đi…bên cạnh một người

Dữ như sư tử của lòng tôi

Và từng thu chết, từng thu chết

Vẫn sợ “vợ” hơn cả…sợ trời


Buồn quá, hôm nay xem lại túi

Chỉ còn tiền lẻ để…ăn xôi

Bao nhiêu tiền chẵn, người gom hết

Chỉ tặng cho tôi…một nụ cười


Tôi nhớ lời người đã bảo tôi.

Đưa tiền người giữ khỏi lôi thôi

Đến nay, tôi hiểu thì tôi đã…

Làm lỡ đời trai, muộn mất rồi


Lượm trên mạng