Pages

Friday, September 30, 2022

Thế Nào Là Một Người Trí Thức - Hoàng Mạnh Hải

 

Đề tài này tôi đã viết rải rác mấy lần, hôm nay muốn tổng hợp lại và post lên. Các bạn thử tham khảo và kiểm tra lại bản thân xem mình có phải là một “Chân trí thức” không, nếu xét trên ba điểm quan trọng: Kiến thức, Tư cách và Trách nhiệm với đất nước.

1. KIẾN THỨC:

Kiến thức chuyên môn tự nó không có nhiều ý nghĩa, đó chỉ là thứ để giúp ta kiếm cơm hàng ngày. Muốn biết có phải là người trí thức hay không, ta phải xét kiến thức của mình về về bốn lĩnh vực Chính trị, Xã hội, Kinh tế và Văn hóa. Ta có biết cấu trúc quản lý của một quốc gia; có biết vai trò của chính phủ, quốc hội, tòa án; có biết vai trò của người dân; có biết 30 quyền con người; có biết thế giới đang theo đuổi những chuẩn mực, giá trị nào không. Và như một thước đo của EQ, bạn có kiến thức khá về ba môn Văn, Sử và Triết không.

Người trí thức là người có chân tài thực học, biết dùng kiến thức để lý giải sự việc, biết phân biệt đúng sai. Người trí thức dùng tài học của mình để tạo ảnh hưởng tích cực lên môi trường xung quanh, nơi mình làm việc và sinh sống. Một cách hiển nhiên, người trí thức chân chính không cần tới những đồ trang sức như bằng cấp hay chức vụ. Họ tỏa sáng bằng sự tự tin với thực lực của mình, bằng sự tin tưởng mọi người gửi gắm cho mình.

2. TƯ CÁCH:

Yêu cầu về tư cách đối với người trí thức còn cao hơn yêu cầu về kiến thức. Xã hội đòi hỏi ở giới trí thức cách hành xử đàng hoàng, lịch thiệp xứng với đẳng cấp của mình. Nói hơi ví von một chút, người ta kỳ vọng người trí thức phải chính trực như những người quân tử trong Nho giáo vậy. Chính trực (integrity) là một “đại tính cách”, rất khó đạt được vì nó tổng hòa từ ba đức tính Trung thực (Honesty), Can đảm (Courage) và Khiêm nhường (Modesty). Có một trong ba thì còn dễ, hai trong ba đã khó, được cả ba là rất khó. Không chú tâm rèn luyện thì hầu như không thể đạt được tính cách này.

3. TRÁCH NHIỆM VỚI ĐẤT NƯỚC:

Sau hết, trí thức chỉ là trí thức khi có sự công nhận của công chúng, của người dân. Sự công nhận đó không phải bởi mấy tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Càng không phải là chức danh giáo sư hay chức vụ bộ trưởng. Sự công nhận đó chỉ có được khi ta biết dùng sở học của mình để nói thay tiếng nói của người dân, cái nguyện vọng sâu kín của họ. Nếu người dân bị bất công khốn khổ mà ta im hơi lặng tiếng, nếu giặc đến sát bên hè nhà mà ta vẫn im thin thít, thì dù có trong tay rất nhiều bằng cấp, ta vẫn không phải là một người trí thức.

Trong xã hội văn minh, chính quyền thường rất đau đầu với giới trí thức. Tuy vậy, họ không trù dập hay thù ghét nhóm người rất đặc biệt này, vì họ cũng từ trí thức mà ra. Họ bước chân vào chính trường không chỉ là để theo đuổi một nghề mà còn để thỏa chí bình sinh giúp đời. Ralf Dahrendorf nói: “… all intellectuals have the duty to doubt everything that is obvious, to make relative all authority, to ask all those questions that no one else dares to ask" (… tất cả các bậc trí thức có bổn phận phải nghi ngờ những thứ đang được coi là rõ ràng, phải làm cho tất cả các loại thẩm quyền hóa thành tương đối, phải hỏi tất cả những câu không ai dám hỏi).

Như vậy, nhìn vào các khía cạnh Kiến thức, Tư cách và Trách nhiệm xã hội thì không khó để chúng ta nhận ra ai thật ai giả trong hàng ngũ trí thức này. Thực tế, tầng lớp trí thức chỉ chiếm vài phần trăm dân số. Khi tìm hiểu một xã hội nào đó, người ta tiếp xúc với giới trí thức trước tiên. “Mặt tiền” của đội ngũ này là văn nghệ sĩ và các chính khách, kế đến là giới luật sư và các vị làm trong ngành giáo dục. Những người có học thức cao như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư thì không phải “mặt tiền”. Họ thường được tiếp xúc sau, khi cần phỏng vấn về những khía cạnh khác của xã hội một cách cụ thể, chuyên sâu.

Ngược lại với trí thức không phải là tầng lớp bình dân hay lao động chân tay. Ngược lại với trí thức là ngụy trí thức. Có rất nhiều dạng ngụỵ trí thức nhưng ta chỉ điểm qua vài loại chiếm đa số trong hàng ngũ này:

• Dạng “Mũ ni che tai”: Chưa rõ từ bao giờ thành ngữ này được dùng trong tiếng Việt. Ý ban đầu của nó là “Biết gạt bỏ chuyện thị phi ở đời thì mới tu được” nay đã chuyển sang ý thường dùng là “Bịt tai bịt mắt lại, xem như không có gì” trước những chuyện chướng tai gai mắt để được yên thân.

Đó là thái độ an phận thủ thường, ranh giới hiền hòa nhất có thể khi chọn lối sống “ẩn cư”, nhưng thật đáng tiếc vô cùng. Xã hội thiếu vắng sự tham gia của giới trí thức trong mọi lĩnh vực thì không thể hy vọng ở tương lai. Nguyên nhân làm cho họ chọn cách sống mũ ni che tai này khá nhiều, nhưng nói chung là không nằm ngoài sự nhiễu nhương của xã hội mà họ không có cách nào vượt qua. Trước khi sống theo lối bịt tai bịt mắt, họ cũng từng đóng vai trò phản biện xã hội.

• Dạng “Gió chiều nào che chiều ấy”: Những người này chưa đến nỗi yếm thế, thu mình như nhóm an phận đã nói bên trên, nhưng vẫn là những người có chí khí thấp. Họ chọn đường lối ít hoạt động và đã xuất hiện thì phải an toàn. Cũng vì chủ trương này mà ta thấy nhiều lúc họ như con lật đật, chạy tới chạy lui mà không làm được gì nhiều. Họ không nhất quán, thay phe đổi chủ để luôn được đứng bên phía an toàn. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của sự sợ hãi, một thứ vừa mang tính di truyền vừa có tính tập nhiễm. Sự sợ hãi di truyền vì con người có thói quen nghĩ về tương lai bất định. Sự sợ hãi tập nhiễm là do người ta trải qua những thất bại hoặc đau khổ trong đời. Họ đáng thương nhiều hơn đáng trách nhưng vẫn phải xác định rõ ràng: Đó chính là cái đang tầm thường hóa giới trí thức.

• Dạng “Con buôn cao cấp”: Là những người học hành nhiều, từng đi nhiều nơi trên thế giới, biết cả chuyện trên kiến trúc thượng tầng lẫn chuyện dưới cơ sở hạ tầng. Có điều, họ dùng tất cả những hiểu biết đó để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Những người này coi tiền là trên hết, hơn cả quyền cao chức trọng vì họ đã từng dùng tiền để thao túng những người có chức quyền. Ta thấy hạng người này thường thành công, đa số bằng cách kinh doanh, trong rất nhiều lĩnh vực. Họ có quan hệ rất rộng, quen biết với nhiều người nổi tiếng và có địa vị xã hội cả ở trong và ngoài nước.

Tuy rất ham cảnh giàu sang nhưng nhóm này vẫn muốn được biết đến như là người trí thức. Vì thế nên sau khi dư dả về tiền bạc, ưu tiên kế tiếp của họ là một tấm bằng tiến sĩ để ghi vào danh thiếp, để được xướng lên trong lời giới thiệu của MC khi họ tham dự một buổi lễ nào đó. Các chức vụ như Tổng giám đốc hay Chủ tịch HĐQT xem ra chưa lấy làm thỏa mãn.

• Dạng “Đạo đức giả”: Sở dĩ họ trở thành đạo đức giả là vì rất hay dùng tiêu chuẩn kép. Tiêu chuẩn kép là luôn thủ sẵn hai tiêu chuẩn trong người và dùng cái có lợi nhất cho mình. Chẳng hạn, khi ủng hộ cho người có ý kiến trái chiều với một chính sách nào đó thì gọi là “phản biện xã hội”, nhưng khi muốn trù dập ý kiến phản biện thì coi đó là “chống phá nhà nước”. Những kẻ này thường thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ là kinh tế. Họ có thể là nhà văn nhà thơ, có thể là kỹ sư bác sĩ, hay những người làm trong hệ thống chính quyền. Những người này có xu hướng xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông để tô vẽ cho hình ảnh của bản thân.

Một trong những nỗi khổ lớn nhất của tôi là thấy bản thân nằm trong đám trí thức hèn nhát, không dám làm cái việc quan trọng nhất của giới trí thức - cất tiếng nói thay cho đa số người dân không có nhiều hiểu biết như mình. Chúng ta không thể không biết rằng sở dĩ mình có được cuộc sống trung lưu là vì có hàng triệu nông dân/công nhân đang phải làm việc và sinh sống ở phân đoạn tạo ra giá trị thấp. Chính vì họ nhận mức lương thấp nên mình mới có mức lương cao. 

Cho nên, bổn phận của giới trí thức là phải nói thay cho họ, để người nông dân có thể bán nông sản với giá cao, để người công nhân được nhận mức lương đủ sống. Vai trò đó được gọi tên là "phản biện xã hội". Làm việc này cần nhiều can đảm nên Aristotle mới nói: "Courage is the first of human qualities because it is the quality which guarantees the others" (Can đảm là đức tính phải có trước tiên vì nó bảo đảm cho các đức tính khác).

Thỉnh thoảng tôi cũng đọc được một vài bài viết trên mạng và rất khâm phục khi nhận ra những người trí thức thật sự. Có người nói lên nguyện vọng của dân, có người từ chối một lời mời danh dự đến một sự kiện khi nó được tổ chức trong một tòa nhà mà họ cho là đã được xây trên đau khổ của người khác. Những vì tinh tú ấy quá hiếm hoi, cô độc giữa đám đông hỗn tạp.

Rất may là nhân loại vẫn đi theo dòng chảy lớn, đi về phía văn minh. Giống như tất cả các dòng sông đều hướng ra biển dù phẳng lặng hay thác ghềnh, tất cả các quốc gia dù muốn hay không muốn thì cuối cùng cũng sẽ đi về phía văn minh và trong dòng văn minh đó, không thể thiếu bóng dáng của người trí thức...


Nguồn: FB Hoàng Mạnh Hải

Chuyện Xứ Vệ - Mui Thi Mai


“Đàng Ngoài” Phải Leo Lên Khỏi Miệng Giếng….

Tại sao câu chuyện phân biệt vùng miền không bao giờ đi đến hồi kết? Vì người Bắc không bao giờ leo lên khỏi miệng cái giếng mà CS đã nhốt họ gần 100 năm nay.

Ngày còn bé tôi thường nghe mấy cô mấy bà Bắc kỳ chê phụ nữ miền Nam vụng về, lười biếng. Ngày ấy chẳng hiểu sao cứ có cuộc hôn nhân nào trai Bắc gái Nam là mấy bà mấy cô xầm xì, nhiếc móc, chê bai, miệt thị đủ kiểu. Mấy cô ít lời thì “Hết người để lấy đi lấy ngay con đĩ miền Nam”. Mấy bà mất gà thì “Tổ tông nhà này mất phúc hay sao để nó rước ngay con đàn bà chỉ biết nằm ngửa về họ nhà này”. Thím nào có nhẹ lời lắm cũng kết một câu “Khổ cái con này nó người Nam”. 

Rồi tôi gặp rất nhiều phụ nữ miền Nam. Họ cũng lau nhà, cũng nấu cơm, giặt quần áo, chăm con. Giỗ chạp nhà chồng nếu là dâu trưởng họ cũng đứng ra chợ búa, nấu đồ cúng, đãi khách, dọn bàn. Đi họp phụ huynh cho con có cả cha lẫn mẹ chứ không như phụ nữ nông thôn miền Bắc phó thác hết cho chồng hoặc bị tiếm quyền, mọi việc cắt đặt trong nhà đều do đàn ông.

Nếu ai đã ăn bánh xèo và tìm hiểu cách làm mới biết nó kỳ công đến nhường nào, ngâm gạo, xay bột (thời xưa phải xay bằng cối đá), chuẩn bị tôm, thịt, đậu xanh, giá, rau sống, rau thơm, làm đồ chua từ củ cải và cà rốt bào sợi, pha nước mắm. Tráng bánh sao cho giòn mà không khô, rìa bánh giòn nhưng ruột bánh còn vị béo của bột. Mặt ngoài của bánh có thể hơi xém nhưng bên trong con tôm, miếng thịt, giá và đậu xanh vẫn giữ được nguyên vị. Vụng về và lười biếng sao có thể làm được bánh xèo?

Nồi chè của người Bắc chỉ có đậu và đường. Người Nam họ nấu chè mệt lắm. Trèo lên hái trái dừa khô, tước vỏ ngoài, bổ đôi sọ dừa ra dùng bàn nạo nạo phần cơm dừa rồi lại mang đi vắt nước cốt. Nước dão bỏ vào nấu trước cho thấm với đậu. Nước cốt đặc lúc ăn bỏ vào sau. Nồi chè của họ thơm thơm mùi lá dứa, béo béo vị cốt dừa, hạt đậu mềm nhừ. Lười biếng, vụng về sao dám nấu chè?

Các bạn miền Bắc dùng internet, Google, Facebook để làm gì? Khi chưa có Facebook tôi cũng bị các bà mất gà nhồi sọ rằng đàn bà miền Nam chỉ biết ăn chơi, không biết làm. Đúng! Khi nhà tôi vào đây 1985 tôi thấy rất nhiều phụ nữ móng tay sơn đỏ chót, gương mặt trang điểm cầu kỳ, váy áo thướt tha. Khi ấy nhiều nhà còn ăn khoai độn nhưng họ vẫn phong lưu, đài các, mùi nước hoa thơm phức cả một bán kính mấy mét. Và mấy chục năm trời tôi cũng vẫn đinh ninh phụ nữ miền Nam là loại hư hỏng, biếng nhác. Ở đâu ra loại phụ nữ ấy? Facebook nói cho tôi biết họ là vợ, là mẹ, là con của những tên lính Ngụy ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc Mỹ đó. Một ông đi lính cả nhà ngồi ăn theo. Một ông bố làm nuôi được cả nhà thì việc gì phụ nữ phải lam lũ, phải tằn tiện, chắt mót. Rồi một ngày xấu trời, thời thế đảo điên, họ mới thành loại đàn bà vụng về, lười biếng trên cửa miệng quý bà phe thắng cuộc.

Người miền Nam tồ toẹt, ngu ngốc, sống ngày nay không biết ngày mai, ăn tiêu bạt mạng. Vì sao vậy? Vùng đất của họ có bao giờ mất mùa mà họ phải dành dụm. Buồn buồn vác cái lờ ra sông là cả xóm chiều hôm đó có cá kho tộ, canh chua, cá nướng trui. Cây trái trong vườn có bao giờ bán vì nhà ai cũng đầy vườn. Lúa mùa tiếp mùa có bao giờ đói mà phải ăn dè. Lâu dần hình thành cái tính vô lo. Bởi có thiếu đói bao giờ mà phải lo. Tồ toẹt là vì chẳng ai lừa ai việc gì phải phòng hờ. Ngu ngốc là vì họ nghĩ ai cũng thật bụng như họ. Điều kiện sống hình thành nên tích cách. Huế là đất vua chúa nên phụ nữ đằm thắm, ý tứ, e ấp, đàn ông thì kiểu cách, gia trưởng, và có truyền thống ham học. Khúc Năm Eo chó ăn đá gà ăn sỏi thì người ta căn cơ, cần kiệm. Bắc bộ  mưa lũ thiên tai, mất mùa triền miên hình thành cái tính ăn bữa nay lo bữa mai, cái ăn chưa đủ nhưng nhà phải thật kiên cố. Có kiên cố thì mới chịu nổi gió cấp 11-12. Làm một mùa đói 3 mùa thì phải ăn dè uống sẻn. Phải hiểu như vậy mà bớt cái miệng miệt thị lại.

Gái miền Tây giờ trôi sông, lạc chợ, bán bia ôm, làm đĩ, ở đợ, lấy Hàn Quốc, Đài Loan là có thật. Trai miền Tây thất học đi làm culi, cửu vạn, thợ hồ cũng là có thật. Dân miền Tây trai gái uống rượu như điên cũng là có thật. Nhưng trước 1975 đất miền Tây có như vậy không? Bạn có biết Cần Thơ đã từng một thời là Tây Đô không? Chính sách, chủ trương, đường lối nào đã bần cùng hóa một vùng gạo trắng nước trong? Tại sao những con đường kết nối vựa lúa của cả nước với các tỉnh vừa bằng cái dạng háng nhưng các con đường ra biên giới với thằng bạn vàng 4 tốt lại thênh thang rộng mở? Các bạn dùng internet, Google, facebook để làm gì? Chắc không chỉ để xem phim sex và mua hàng online đó chứ?

Và làm ơn bớt bớt cái sự thượng đẳng, cao quý của mình lại. Tôi đố bố nào vác cái nồi phở toàn mì chính vào miền Nam mà trụ được tôi đi bằng tứ chi. Người Nam họ nêm đường vào nước lèo. Vậy thì cứ bỏ vài thìa đường vào mà bán cho khỏe thôi. Chứ đừng giương cổ lên mì chính mới là tinh túy, tinh hoa. Người ta ăn cà pháo muối dầm ớt, tỏi, riềng có thêm mấy con tôm chua thì đó là kiểu ăn của người ta. Còn mình ăn vài quả nén cà với tí nước muối cũng đừng vội vênh mặt ăn vậy mới là tinh tế. Bắc có bún dọc mùng Nam có bún nước lèo. Bắc có bún thang Nam có bún mắm. Bắc ăn mẻ Nam ăn me. Bắc ăn dấm Nam ăn chanh. Vạn sự chỉ là sự khác biệt. Xin nhắc lại đó là sự KHÁC BIỆT. Nó cũng như Tây mũi lõ Việt mũi tẹt, Tây da trắng Việt da vàng vậy đó. Căn cứ vào cái gì tự nâng tầm mình lên rồi đạp người ta xuống thành hạ đẳng? Kệch cỡm lắm, buồn cười lắm, trẻ con lắm, thiếu hiểu biết lắm ấy ơi.

Người Sài Gòn giờ ra sao? Người Sài Gòn sau phỏng giái chết ở vùng kinh tế mới, chết trong tù, chết trên biển một mớ. Một mớ giờ tứ tán khắp các quốc gia. Mớ còn lại ở Sài Gòn. Xin thưa 2 cái mớ còn sống đó người ta không có đói đâu ạ. Cái mớ ở lại thì cũng thuộc thành phần cự phách tiền ăn 3 đời chưa hết. Mà có hết thì cái mớ tứ tán lại bơm về cho nên chữ “đói” không bao giờ có trong tự điển của bọn người Sài Gòn đâu. 

Người đói mà các chúng ông, chúng bà thấy là những người Ở SÀI GÒN. Làm ơn phân biệt người Sài Gòn và người ở Sài Gòn. Người ở Sài Gòn là những người nhập cư từ mọi miền đất nước. Cứ tự hỏi sao dịch bùng ở SG chỉ thấy người ta túa về các tỉnh mà Hà Nội có dịch thì chả thấy ai chạy ngược vào Nam là đủ hiểu. Người Sài Gòn là những người từ đầu mùa dịch đến nay đổ cơm đổ gạo ra cho người ở Sài Gòn giữ lấy mạng sống hai tháng nay đó ạ. Còn, nói xin lỗi, người Sài Gòn nó có đói cái cc nó. Nếu dân SG đói thực sự chắc mấy bữa nay đâu cần ùn ùn kéo quân vào đâu ha. Ở đời có câu mạnh vì gạo bạo vì tiền. Đối phó với thằng nhà nghèo dễ lắm. Gặp thằng có tiền là mệt à! Vì mệt nên phải xài tới bạo lực đó các chúng ông thượng đẳng.

Bớt coi phim sex và mua hàng online lại. Chịu khó đọc nhiều, đặt câu hỏi và suy nghĩ tìm cách nhảy ra khỏi miệng giếng. Chứ ở dưới đó hoài cứ thủ dâm ngôi vị thượng đẳng của mình miết không chán sao?


Mui Thi Mai

Nhớ Người - Hàn Thiên Lương

 

Lá vàng lác đác trên sân

Lòng tôi bất chợt bâng khuâng nhớ người

Người đi xa khuất bên trời

Tôi ngồi đếm lá thu rơi một mình.

Chung quanh vắng vẻ lặng thinh

Nhớ sao nhớ quá!- nhớ Mình khôn nguôi!

Ngày xưa chung bước mà vui

Khi trên bãi biển , khi đồi hoàng hôn

Giờ đây lá đổ thu buồn

Tôi đang  lỡ bước giữa đường vàng thu!


28-9-2022

Hàn Thiên Lương

Lục Bình - Nguyễn Thạch Giang

 

Thi rớt vào đại học, tôi lấy chồng. Bởi làm thân con gái, trước sau gì cũng có chồng, tôi lấy chồng cho rồi. Nếu là một tài tử điện ảnh, tiêu chuẩn kén chồng của tôi sẽ theo thứ tự ưu tiên như sau: Thứ nhất, chàng phải đẹp trai (tôi luôn luôn mê kép đẹp). Thứ nhì, chàng phải có học thức, và có địa vị cao trọng trong xã hội. Sau cùng, chàng phải có nhiều tiền. Đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Mẫu người đàn ông lý tưởng của cô như thế nào?”

Nhưng thực tế, tôi chỉ là một đứa con gái tầm thường, thi rớt lên rớt xuống. Nên chồng của tôi chỉ là một Thiếu úy Pháo binh. Chàng là dân “đề lô”. Chàng của tôi không cao, không thấp, không mâp, không ốm. Không xấu, không đẹp. Không nghèo hèn mà cũng chẳng giàu sang. Nói tóm tắt, chàng là người trung bình về mọi phương diện.

Lấy chồng lúc 20 tuổi, thuở đó tôi cứ tưởng mình đã đủ khôn lớn, để có chồng. Giờ đây, đôi lúc ngồi tính sổ lại đoạn trường… hiến binh, tôi cứ tiếc cho tuổi trẻ, và cứ tự hỏi tại sao tôi có thể lấy chồng ở cái tuổi “con nít trân” như vậy cho được chứ.

Tôi quen chàng sơ sơ rồi lấy đại làm chồng. Tôi quyết định có hơi vội vàng, một phần cũng vì áp lực của ông già, bà già dữ quá! Không phải ba má tôi muốn gã tôi cho chàng. Không, ổng bả muốn tôi lấy một người bạn của gia đình: “Chú Hùng”. Ông chú này là bạn của Ba Má tôi. Tuổi của ổng không nhỏ hơn tuổi của Ba tôi bao nhiêu. Được một cái chú Hùng có rất nhiều tiền. Chú lại là người có học thức (nghe đâu cử nhân Luật gì đó). Chú lại có địa vị trong xã hội. Nhưng than ôi! Cái tuổi trẻ khờ dại của tôi chỉ “yêu” được mấy chàng thanh niên trẻ tuổi, đẹp trai. Còn tiền bạc, tôi chẳng màng, dù đôi khi tôi chẳng có một đồng xu dính túi.

Cái số của tôi rất kỳ cục. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao nó có thể ngộ nghĩnh đến như vậy được. Tôi chưa từng thấy đứa bạn gái nào giống như tôi cả. Tôi thường được -hoặc là- mấy đứa con nít nhỏ tuổi hơn mình chọc ghẹo, nếu không, thì cũng mấy ông xồn xồn theo tán tỉnh. Điều này đôi lúc làm cho tôi tức tối ghê lắm. Hồi tôi học lớp 6, lớp 7, chuyên môn bị mấy anh chàng lớp 11, lớp 12 ghé mắt xanh. Chừng tôi học lớp 12, mấy đứa con nít lớp 9, lớp 10 gửi thư tình. Trong khi tôi phải lòng một tên học trò cùng lớp, thì có ít nhứt hai ông già muốn hỏi cưới tôi làm vợ! Trời đất! Thật là tréo ngoe, tréo cẳng ngỗng.

Chú Hùng là bạn của ba tôi, mỗi khi chú đến nhà, tôi lễ phép vòng tay chào hỏi. Đôi lúc tôi rót nước trà, có khi tôi mời chú một miếng mứt, miếng bánh tôi vừa mới học được của con nhỏ bạn. Tôi nhiều chuyện kể chú Hùng về một bài thơ nào mà tôi thích, tôi hát chú Hùng nghe một bài ca nào tôi yêu. Chú Hùng ăn bánh, ăn mứt của tôi làm. Chú Hùng nghe tôi hát. Chú “mê” tôi hồi nào không ai hay. Tới chừng chú ngỏ ý muốn cưới tôi làm vợ, cả nhà bật ngửa. Vậy mà Ba, Má tôi cũng chịu. Ba tôi nói, thời buổi này tìm đâu ra được người đàng hoàng, tử tế như chú Hùng.

Tôi tức giận cho cái số phận oái ăm của mình. Tôi muốn thách thức với ông tơ, bà nguyệt. Tôi bạo gan cải số trời. Tôi lấy thiếu úy Trần, một người tôi vừa quen khi đi coi phim “La fille de Ryan” (có Robert Mitchum đóng) chiếu ở Mini Rex. Chú Hùng buồn bã, xin đổi về làm việc ở Cần Thơ, sau này chú Hùng lấy vợ. “Vợ chú không trẻ hơn tôi mấy. Chú cưới về cho đỡ lạnh lùng.”

Đám cưới xong, chúng tôi chưa kịp hưởng tuần trăng mật, trăng đường gì cả, chàng phải trở ra đơn vị, bởi chàng là lính tác chiến. Một câu thơ nào đó của Hữu Loan muôn đời vẫn có ý nghĩa cho nhiều cặp vợ chồng son trong thời chinh chiến. “Cưới nhau xong là đi”.

Tiểu đoàn của chàng đóng tại một địa danh nào đó bắt đầu bằng chữ “Lệ” ở tỉnh Pleiku. Chàng nói lúc ông Diệm nắm chính quyền, Ngô tổng thống đưa dân miền Trung lên cao nguyên khai hoang, lập ấp, lập Khu Dinh Điền, Khu Trù Mật. Bà Nhu đã mang chữ lót tên “Lệ” của bà đặt cho nhiều nơi ở ngoài ấy. Lệ Trung, Lệ Thanh, Lệ Ngọc, Lệ Kim, Lệ Minh… chàng nói lúc Dinh Độc Lập bị dội bom, một đứa con gái nhỏ của bà Nhu tử nạn. Bà mang xác đứa con đó chôn tại một nơi mang tên người con vắn số của bà. Tôi hỏi làm sao chàng biết. Chàng cười hì hì, nghe người ta kể như vậy.

Đơn vị chồng tôi đóng quân tại một nơi đèo heo hút gió, nên chàng bỏ tôi ở lại Sàigòn. Thành ra, mang tiếng có chồng, tôi vẫn phòng không gối chiếc. Thời giờ trống trải chẳng biết làm gì, tôi đi học Anh văn ở trường Nguyễn Ngọc Linh. Hàng ngày tôi thường mặc mini jupe thật ngắn, mang giày bata trắng, khi tan trường về, tôi ôm cặp bước đi nhún nhảy như một con chim non. Má tôi quở, coi bộ tướng con Phương Huệ, có chồng rồi cứ như con nít.

Khi tan học, tôi thường ghé qua ăn bánh cuốn, bánh chả, uống đậu đỏ bánh lọt ở mấy xe bán thức ăn dọc lề đường Trần Quý Cáp. Một hôm đang mút cà rem cây, tôi bắt gặp một thằng nhỏ ngó mình lom lom, thằng bé này khoái tôi dữ. Tôi đi bộ, ôm cặp nhún nhảy trên lề đường, nó dẫn xe đạp đi kè kè một bên mông. Nó làm thinh đi theo tôi cho tới khi tôi về đến nhà. Đôi lúc nó láp giáp một điều gì đó bên tai, tôi không trả lời và cố nín cười. Nó xưng tên Trí, học lớp 11 trường Pétrus Ký. Nó hỏi còn Huệ, lớp mấy, trường nào. Chúa ơi! Sao nó biết tôi tên Huệ. Cái kiểu nói chuyện xưng tên của nó nghe sao mà dễ thương, bé bỏng hiền lành quá đỗi. Chắc nó tưởng tôi cũng cỡ lớp 10, lớp 11 là cùng chứ gì.

Thằng Trí bắt đầu gửi thư tình. Tôi chìa bàn tay có đeo nhẫn nhận thư. Ngón tay tôi đeo nhẫn sờ sờ vậy mà nó không chịu thấy. Mà sự đời có nhiều chuyện éo le. Thiếu khối gì người có gia đình mà họ có bao giờ chịu đeo nhẫn cưới đâu. Trong khi mấy đứa con gái độc thân, hàng trăm, hàng vạn đứa thích đeo nhẫn ở ngón áp út. Chiếc nhẫn ấy thực sự chẳng nói lên một điều gì rõ ràng cả.

Thư tình của thằng Trí mùi tận mạng. Chữ viết hoa hoè, hoa sói, bay nhảy như chim, như bướm. Lời lẽ ướt nhẹp như văn chương Quỳnh Dao. Tôi kể cho chồng tôi biết, tôi gửi thư tình của nó cho chàng xem đỡ buồn lúc hành quân. Tôi nghĩ chàng sẽ không nghi ngờ… gì cái tiết trinh của tôi. Nhưng chàng viết thư trả lời bảo dẹp cái vụ ấy đi, tội nghiệp thằng nhỏ.

Tình hình chiến sự trở nên sôi động, Trần điện tín bảo tôi ra “ở” với chàng. Tinh thần chồng tôi có hơi xuống thấp. Chàng cần một “người vợ” ở kề cận để chia sẻ mùi chiến tranh. Nhưng khi có tôi ở một bên, chàng càng khó tính, khó lo liệu hơn nữa.

Vừa xuống phi trường Cù Hanh, Pleiku thì cũng vừa có lệnh tạm ngưng các chuyến bay của hàng không Việt Nam. Tôi đến với Trần khi đơn vị chàng bị vây tứ phía, suốt ngày ở dưới hầm chờ pháo kích. Sau cùng, chàng liều mạng xách xe đưa tôi về thị xã Pleiku, đúng lúc thành phố đang xôn xao di tản chiến thuật.

Thế là tôi và Trần nhập vào đoàn người lội suối, băng rừng theo con lộ 7 kinh hoàng tìm đường xuống Tuy Hòa. Khi không đang ở Sài Gòn yên lành, tôi bay ra thăm chàng, để cùng chạy giặc. Thật là hết chỗ nói.

Chúng tôi về đến Sài Gòn chưa đầy một tháng thì mấy “ổng” vào tới. Chàng bị “Giải Phóng” vào tù mút chỉ. Tôi về sống với Ba, Má ở đường Lê Văn Duyệt, chờ ngày chàng trở lại.

Nhưng chàng không bao giờ trở lại với người vợ bé bỏng, nhỏ nhen này. Lúc Trung Cộng tấn công sang biên giới Bắc Viêt, chàng mất hẳn liên lạc với tôi từ đó.

Sau khi bị “đổi đời” anh em chúng tôi xúm nhau về nhà cha mẹ ăn bám. Thời buổi khó khăn, tiền làm không ra mà mấy anh, mấy chị tăng gia sản xuất dữ quá. Chỉ mới mấy năm mà Ba Má tôi cháu ngoại, cháu nội lũ khũ. Lúc đầu còn cưng chiều, săn sóc, riết rồi chịu hết nổi, ổng bả bỏ bò lăn bò lóc. Đồ đạc trong nhà bắt đầu đội nón ra đi. Chúng không có chân, có cẳng mà đi ra thật lẹ. Nặng như cái tủ lạnh, mà nó cũng đi cho được. Cái hôm biết Má tôi bán cái tủ lạnh, tôi buồn hết năm phút. Bởi vì tôi luôn luôn uống cái gì cũng kiếm cho được nước đá bỏ vào. Trời Sài Gòn nóng nực, uống nước đá lạnh thấy cũng khoẻ.

Cuối năm 1978, Ba Má tôi chịu đời không thấu, bán nhà về quê nội ở Cao Lãnh làm ruộng. Đành cam từ giã Sàigòn. Hôm Ba Má tôi về quê, hôm bán nhà ở cái xóm Lê Văn Duyệt - Trần Quý Cáp, tôi buồn muốn chết, mà khóc không nổi. Anh em tôi mạnh ai nấy lo. Tôi bám víu ở lại thành phố. Cuộc đời thả trôi từ đó. Tôi chẳng khác nào cánh lục bình, nước lớn trôi vào sông rạch, nước ròng trôi ra biển. 

******

Tôi quen chị Năm Chà khi đi cầm đồ ở nhà Dì Hai. “Năm Chà” vì chị đen như Chà Và. Lớn hơn tôi 6 tuổi, nhưng hai đứa tôi đi chơi với nhau như bạn bè. Sau này khi về ở chung, đôi lúc tụi tôi gọi nhau mày tao nữa chứ.

Ở góc đường Phát Diệm - Nguyễn Cư Trinh, có một con hẻm lớn, bà con bày hàng quán, buôn bán dọc theo con hẻm. Lâu ngày trở thành một cái chợ, chợ Xả Rác. Tôi đi hỏi bà con từ đầu hẻm tới cuối hẻm, không ai biết vì sao lại “Xả Rác”. Tới chừng đi hỏi chị Năm Chà, bị bả làm cho một trận: 

- Con nhỏ này ưa hỏi lôi thôi, người ta gọi “Chợ Xả Rác”. Đi thắc mắc làm gì mấy cái tên gọi cho mất thì giờ. 

Bả làm một hơi, tôi nín khe.

Đi sâu vào con hẻm chợ, qua chừng một chục lần quẹo phải, hai chục lần quẹo trái thì tới nhà Dì Hai. Nhà Dì Hai vách gạch, mái lợp tôn. Đứng bên ngoài ngó vào, có thể nghĩ chủ nhân chẳng giàu có gì. Bước vào trong, căn nhà hơi tối, bày biện đơn sơ. Một căn phòng rộng vừa là phòng ngủ của Dì Hai, vừa là phòng khách, một góc có để bàn ăn và một cái bếp nấu ăn. Xéo góc trái là nhà tắm, cầu tiêu. Dì Hai có cho cất thêm một cái gác lửng bằng ván để Dì lập bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên.

Dì Hai sống bằng… viện trợ Mỹ. Đứa con gái và hai thằng con trai của Dì đều ở Mỹ. Thành ra Dì Hai khoẻ ru, lâu lâu đi lãnh quà ở Tân Sơn Nhứt một lần. Dì Hai cũng gần 60, nhưng da dẻ hồng hào, tướng người mạnh dạn, Dì Hai làm việc loay hoay cả ngày; Dì quen hoạt động, nên ở không hoài cũng thấy buồn. Sẳn có tiền dư chút đỉnh, Dì cầm đồ, cho tiền góp và chơi hụi.

Dì Hai ăn trầu bỏm bẽm, lúc Dì xỉa thuốc, có cảm tưởng như bà Túy Hoa đóng vai bà Hội Đồng. Nhưng thực sự, Dì Hai hiền hơn nhiều. Đôi lúc dì ăn nói rổn rảng, lại có khi nói dai nhách, nhưng bụng dạ Dì rất hiền, rất tốt. Dì ăn chay một tháng 8 ngày và thường nhờ chị Năm Chà chở Dì đi chùa. Thỉnh thoảng Dì cạo đầu trọc lóc, tóc ra lún phún như tân binh ở quân trường.

Hằng lớn hơn tôi hai tuổi, là cháu gọi Dì Hai bằng Dì. Có nhà có cửa đàng hoàng ở miệt Phú Lâm, xa cảng miền Tây, nhưng thích đi hoang, bỏ nhà xuống ở với Dì Hai. Năm Chà thì lý lịch không ai biết, (mà ai cắc cớ hỏi bả, lớ quớ bị xì-nẹc) cũng trôi sông lạc chợ như tôi, tấp vào nhà Dì Hai tá túc.

Tôi đến nhà Dì Hai hỏi tiền góp, con nhỏ Hằng và chị Năm Chà chịu tôi liền. Hai bà dẫn tôi ra quán chị Thanh, ở đầu đường ăn hủ tiếu và uống cà phê đá. Năm Chà hút thuốc lá… như Mỹ. Hai bà biết tôi lang thang… như đóa hoa lục bình, bèn rủ rê về nhà Dì Hai ở cho có bạn, cho có bè, có lũ. Từ đó ba đứa tôi trở thành ba con yêu - thường gọi đùa là yêu nữ - phá làng, phá xóm, quậy đục cái xóm chợ nhỏ ở đường Nguyễn Cư Trinh - Phát Diệm.

Chị Năm Chà chuyên nghề mánh mun. Lấy đồ người này, đem bán người khác ăn lời. Nhờ trời thương, bả trúng mánh đều đều. Dẫn tôi đi ăn sáng, uống cà phê. Tôi mang bịnh ghiền cà phê đá từ cái năm bả hên, tiền vô như nước, dẫn tôi và con nhỏ Hằng đi quán lia chia. Cũng có khi bả gặp nhằm năm cùng, tháng tận. Áp phe cứ trật vuột hoài, đói meo, tụi tôi phải “hỏi vay” Dì Hai xài đỡ. Ăn trước trả sau, vốn là sự thường tình của ba con yêu nữ nhà này. 

Hằng đã ngoài 30 tuổi, mà sắc đẹp vẫn còn mặn mà như con gái. Mới nhìn thoáng qua cứ tưởng bả là Trang Bích Liễu. Có nhiều bữa bả ngắm nghía, săm soi trong gương, bả nhìn nghiêng qua bên trái rồi lại nghiêng qua bên phải. Rồi bả chạy đến chiếc gương lớn ở tủ kính, cầm chiếc gương nhỏ để một bên, nhìn vào gương lớn xem ảnh nhìn ngang của bả ra sao… Con nhỏ Hằng than van, phải chi sóng mũi của mình cao hơn một chút, mình sẽ đẹp như… Phương Hồng Ngọc… Tôi thiệt là chán chê cho cái cảnh già mà còn làm điệu của bả, tôi nói đẹp cỡ như bồ… ra đường thiếu gì đàn ông dòm ngó. Tại bà chẳng chịu đá lông nheo với ai đó thôi! Bả cười khoái chí khi nghe tôi khen bả đẹp.

Con nhỏ Hằng không biết buôn bán, mánh mun, chợ trời, chợ đất gì cả. Nhưng bả có tài nịnh, bả gọi Dì Hai bằng Má… nghe ngọt còn hơn đường phèn. Nhiệm vụ của nó là đi thâu tiền hụi, tiền góp cho Dì Hai. Thường thường nó ưa mượn và không hề nhắc. Khi nào có thì trả lại cho Má Hai ăn trầu. Dì Hai cho tiền góp, một trăm ngàn góp thành trăm mốt. Mỗi tháng góp mười ngàn, góp 11 tháng thì dứt. Dì quen gọi tiền theo... chế độ tiền cũ. Một trăm ngàn của Dì tương đương với hai trăm đồng tiền Bác Hồ. Lối cho vay của Dì thấy cũng ham, nhưng tính kỹ ra... lỗ quá trời. Một trăm ngàn của Dì, lúc cho vay, mua được một chỉ vàng. Chừng thâu xong cả vốn lẫn lời, mua được chừng sáu, bảy phân là cùng. Nhưng ai trong nhà đừng có tài lanh giảng nghĩa cho Dì biết. Ba cái từ “leo thang”, “lạm phát” thiệt là rắc rối. Tính đơn giản như dì, một trăm ngàn bỏ ra, thâu vào trăm mốt là được quá rồi chớ gì.Dì Hai lại tu hành ăn chay nằm đất, giúp đỡ cho bà con lối xóm mà tính quá vậy con. Trời đâu có cho. Sống như Má Hai, tà tà... không sức mà ăn. Dì Hai nói cũng phải, tính toán quá làm gì. Còn tôi, miệng nói tôi thì giỏi, nhưng tôi có làm ra được đồng ten, cắc bạc nào đâu. 

 

*****

Tôi không có tài cán gì cả, nhờ “có duyên” chút đỉnh nên thường được đàn ông bảo bọc. Hằng làm mai “anh Chiến” cho tôi. Gặp nhau ảnh chịu tôi liền. Tôi còn hơi dụ dự vì nghi ông này đã có vợ. Chị Năm Chà và con Hằng xúi tôi “chịu đại”, bắt địa xài đỡ. Có ai biểu bà làm hôn thú đâu mà ngại. Anh Chiến cứ đến o bế tôi hoài, thằng chả tung tiền thật nhiều, cố tình mua tôi cho bằng được. (Sau này chả nói với Dì Hai, thấy tôi đỏng đảnh khó ưa. Chả “cua” tôi cho thỏa lòng tự ái. Trời ơi, nghe qua tôi nổi giận đùng đùng. Muốn bỏ chả cho chả thấy tôi cũng có lòng tự ái như ai - nhưng dây nhợ dính líu tùm lum... lỡ rồi... gỡ làm sao cho ra).

Lúc đầu, tôi chỉ “bắt địa” anh Chiến. Lâu ngày, xài tiền của ổng quen tay, tôi đâm ra ghiền tiền của ổng, như người ta ghiền thuốc phiện. Thành ra, cứ dính líu hoài, già nhân ngãi mà non vợ chồng.

Trên căn gác xép của Dì Hai, một bên là bàn thờ Phật, bàn thờ ông Ngoại, bà Ngoại. Phía cửa sổ là cái giường để tôi và Hằng ngủ chung. Năm Chà thì tình nguyện ngủ dưới ván. Nhứt là từ khi có sự hiện diện của anh Chiến, chị Năm Chà chê cái giường của tôi đầy mùi u ám, mùi tục lụy... bả không chịu nằm.

Tôi mua vải bông may thành một tấm riđô để khi có ông bồ của tôi tới thăm, hai đứa tôi kéo màn hát cải lương. Chàng đến bất thình lình, rảnh giờ nào tới giờ đó không có thời khóa biểu gì cả. Có hôm sáng tinh sương chả vác mặt mo đến gõ cửa, nhỏ Hằng còn say ngủ, bị tống xuống nhà dưới, vừa đi vừa cằn nhằn, làm ăn gì hừng sáng vậy cha nội.

Lúc đầu tôi có hơi ngượng, nhứt là khi có sự hiện diên của Dì Hai ở nhà. Cái gì mà giữa trưa, chúng tôi đang ngồi chơi vui vẻ, ổng từ đâu tới, dẫn tôi lên gác kéo ri-đô nói chuyện tâm tình. Cái cảnh này diễn ra hoài, riết rồi nhàm. Tôi chai đá, coi như đó là một sự thường tình xã hội, chẳng có gì xấu phải mắc cở. Hằng, Năm Chà riết rồi cũng coi như pha. Cả đến Dì Hai nữa trời ạ! Một hôm tôi và chàng ở trong màn, Dì Hai đứng bên ngoài bảo làm giùm Dì một bài toán - đại khái tiền lời, lỗ… con khỉ gì đó. Có lúc nhỏ Hằng cần tiền gấp, đứng bên ngoài hỏi tiền. Nó tỉnh bơ đứng bên ngoài chờ đợi, tôi móc tiền vén màn đưa cho nó. Thật là chẳng coi đạo đức ra gì cả. Ba con yêu nữ… xóm chợ nhỏ này.

Tôi đi lại với Chiến khá lâu mà thật tình không thể nào yêu chàng nổi. Anh ta thuộc “tuýp” người tôi thích: chàng là người rộng rãi, có lòng tốt với mọi người. Chiến chưa bao giờ nói với tôi là chàng đã có gia đình hay chưa. Mà chàng cũng không hề hỏi cưới tôi làm vợ. Nhưng tôi không mong đợi điều đó. Chàng hiền lành tử tế, nhưng dưới mắt tôi, đôi lúc, cù lần quá. Chàng lại ăn mặc xuề xòa, đi dép lệt bệt. Tôi muốn, bồ của tôi, lâu lâu cũng phải ăn diện một chút chớ. Nhất là khi đi phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Nhưng điều mà chàng làm tôi nản hơn hết là cái mùi… “mồ hôi” của ổng. Có hôm trưa nắng, chàng đến người đầy mồ hôi nhễ nhại. Sờ vào thân hình rin rít của chàng, tôi có cảm giác hơi gớm. Vì vậy tôi thường là người thụ động, cứ để mặc chàng muốn làm gì thì làm.

Chiến thích được vuốt ve, âu yếm. Tôi cũng thích được vuốt ve, âu yếm. Nhưng tôi không thích làm cái chuyện đó với chàng. Chiến thích hôn môi, nhưng tôi cố tránh, vì không thích mùi thuốc lá quá nặng. Răng của thằng chả cũng không được đẹp, đôi lúc dính thịt gà, thịt vịt... thật khủng khiếp. Cho nên tôi luôn xoay mặt tránh chỗ khác. Chàng có hơi bực với thái độ hờ hững này…

Một hôm, trong lúc đang ăn ổi với Hằng và Dì Hai thì chàng đến. Ổng lôi tôi lên giường, tôi để mặc chả muốn làm gì thì làm còn tôi tiếp tục ăn ổi. Hôm đó chắc bị bà xã xì-nẹc sao đó, ổng nổi sùng cầm trái ổi tôi đang ăn vụt mạnh xuống sàn đụng đồ kêu rổn rảng. Dì Hai ở nhà dưới quở, cái gì vậy tụi bây. Chàng nói với tôi:

- Bà làm thiệt là giống mấy em ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. 

Tôi nổi nóng nói:

- Ông tới thiệt là bất tử, bất thình lình, làm như tôi lúc nào cũng sẵn sàng ứng chiến trăm phần trăm. 

Chàng hầm hầm mặc quần áo đứng dậy bỏ đi không nói một tiếng với Dì Hai. Tôi tiếc rẻ trái ổi đang ăn dở dang.

Năm Chà trở về rủ chúng tôi đi coi “Dưới Hai Màu Áo”, ba con yêu nữ thả bộ tà tà đến rạp Hưng Đạo. Phương Hồng Quế hát mở màn, đẹp như hoa hậu. Con nhỏ Hằng khều tôi nói nhỏ, ê Lệ Thu đi nữa rồi đó. Năm Chà nói thích Thanh Tuyền hát bài “Đất Đỏ Miền Đông”. Tôi nói Lê Hành hát bài này hay hơn. Nhỏ Hằng nói riết rồi ca sĩ hay đi ráo trọi. Hai bà xúm nhau hả họng cười khi Kim Cương, một cô gái bán hột vịt lộn, được ăn mặc sang trọng, đi guốc cao gót té lên té xuống. Lúc đầu mới xem, tôi cũng cười. Nhưng coi mãi đâm ra nhàm.Tôi rủ hai bà về nhà ngủ sướng hơn, nhưng mấy bả đòi ở lại coi cho tới vãn. Tôi buồn bực bỏ ra đứng trước cửa rạp hát ngó ông đi qua, bà đi lại.

Có một thanh niên đang mua thuốc lá gần chỗ tôi đứng. Chàng nhìn tôi cười cầu tài và sau đó bước đến hỏi có phải Phương Huệ, nhà ở chợ Xả Rác. Thật tình tôi không biết hắn là ai, nhưng thấy hắn có vẻ dễ thương, nên đi bộ tà tà nói chuyện. Trên đường trở về, nhà hắn ở gần tiệm cơm Thanh Sơn. Lúc đi ngang, hắn rủ tôi vào... chơi. Hai đứa ngồi nói chuyện ở phòng khách, đèn chong mờ mờ không để đèn sáng. Hắn bắt đầu đụng chạm, tay chân táy máy. Tôi cũng chịu đèn nên làm thinh. Sau đó hắn dẫn tôi vào phòng tắm. Trời đất ơi! Phòng tắm chớ không phải phòng ngủ. Tôi ngoan ngoãn đi theo như một người bị thôi miên. Khi hai đứa đang ôm nhau mùi mẫn thì có tiếng gõ cửa giựt giọng: 

“Anh Ba ơi! Mở cửa cho em đi cầu một chút coi, quýnh quá rồi nè!” 

Tôi cài nút áo và nói hắn mở cửa cho thằng nhỏ vào kẻo nó “ể” trong quần. Hắn kéo màn tắm vào bảo tôi đứng yên đừng thở mạnh.

Không biết thằng nhỏ ăn cái giống gì mà tôi chịu đựng gần... bể cái lỗ mũi. Khi đã xả bầu tâm sự, thì thằng bé bước lại gần hỏi anh làm gì trong này vậy anh Ba. Con nít Sàigòn thiệt là khôn, nhứt là kể từ khi nó được giải phóng, phỏng dái.

Tôi về đến nhà thì bị Năm Chà và con nhỏ Hằng xúm lại chửi rủa. Quỷ ơi! Bà đi đâu mất tiêu, mất dạng vậy. Tôi chu cái miệng nói nhõng nhẽo:

- Dạ em bị một người nam thôi miên dẫn em vô bụi rậm. 

Tôi hỏi: 

- Ê Hằng, bà có nhớ thằng cha ngó bà cười lúc Thái Châu hát bài Lá Đỏ không? 

Nhỏ Hằng chớp mắt lia lịa:

- Đàn ông, con trai ngó tôi cười mím chi cọp thiếu gì. Bà nói kiểu đó, ai mà nhớ cho ra. 

Tôi nói tôi bị thằng cha đó thôi miên, tôi đi theo hắn về nhà. Nhỏ Hằng tiên đoán, rồi chàng dẫn bà vào phòng ngủ phải không? Tôi nói không phải phòng ngủ, phòng tắm. Năm Chà trợn mắt:

- Ở trong nhà tắm? Rồi bà đứng ngồi, nằm ở chỗ nào?

Tôi nói tỉnh queo, tôi ngồi tựa lên lu nước. Năm Chà dang tay lên trời:

- Chúa ôi! Con nhỏ này chết xuống mười tầng địa ngục. 

Tôi chấp tay nói: 

- Mô Phật, khi em chết em chỉ thích xuống địa ngục. 

Ba con yêu nữ cười vang vang rung rinh căn gác xép.

Chiến giận tôi vụ “trái ổi” chàng không đến thăm. Cả tuần... cho tới khi tôi nằm nhà thương. Một hôm người bần thần uể oải, tôi với tay lấy chai thuốc đau lưng nhức mỏi của Dì Hai. Ngờ đâu chai thuốc đó kỵ đàn bà có thai. Mà tôi có bầu lúc nào tôi cũng chẳng biết. Uống thuốc được một buổi thì tôi bị đau bụng dữ dội, sau đó ra huyết phải vào nhà thương. Cô y tá nói với nhỏ Hằng, trễ chút nữa là trời cứu! Năm Chà mặt mày buồn xo như nhà có đám ma.

Chiến hết giận đến thăm tôi mang theo một bịch cam. Chàng nói lỡ rồi, phá làm chi. Tôi làm thinh không giải thích. Mà có nói đâu ai hiểu cho tôi. Chính nhỏ Hằng và Dì Hai còn tưởng là tôi cố tình tống khứ cái của nợ đó chứ. Chiến ra về nhét dưới gối năm trăm. Tôi vẫn thường nhận tiền của chàng, nhưng lần này tôi thấy tủi thân. Tôi ứa nước mắt, thương cho thân phận lục bình. Tôi đã quá bệ rạc. Bệ rạc thân xác mà bệ rạc luôn cả linh hồn.

Tôi buồn muốn đi xem bói. Tôi muốn hỏi thầy bói vì cớ gì mấy năm qua tôi đều gặp chuyện xui rủi, chằng rây. Chiến đưa tôi đến nhà bà Tám ở đường Trần Bình Trọng – Bà Tám chuyên coi chỉ tay, bói bài. Bà còn biết xem bốc dịch, đoán tử vi và lên đồng nữa chứ. Bà thờ xác cô, xác cậu nào đó. Nghe nói nhập vào bà, tiên đoán mọi việc trúng phong phóc.Dân chúng Sài Gòn đổ xô đến tìm bà Tám nhờ xem chuyện gia đạo, giải tai nạn, giải xui... đông như kiến.

Nhà bà Tám thầy bói thuộc loại xưa, cột bằng gỗ to tròn màu đen, mái lợp ngói âm dương. Trong nhà hơi tối lại bày thêm bàn thờ tổ... nên trông có vẻ lạnh lùng ma quái. Bà Tám dành một phòng riêng để tiếp khách.Căn phòng ngó ra sân vườn phía sau nhà. Tôi thật kinh ngạc và không thể tưởng tượng nổi ở giữa Sài Gòn hoa lệ này lại có một khu vườn với đầy đủ cây ăn trái như thế này.

Bà Tám khoảng 50 tuổi, người trắng trẻo, bới tóc ăn trầu bỏm bẽm, nhìn qua có vẻ hơi quê mùa. Theo lệ thường, các thầy hỏi người đi xem muốn xin quẻ gì, tình duyên, gia đạo, công việc làm ăn hay là theo một việc rất thời sự... chuyện vượt biên. Đằng này bà Tám không cần hỏi tôi muốn gì, vừa ngồi xuống ghế bà xem tướng của tôi liền. Chiếc mũi tốt không lo nghèo, ngặt lỗ mũi hơi trống tiền vô nhiều mà ra cũng lẹ. Cặp môi đầy đặn, người chân thật, chơi với bạn không lừa lọc, xảo trá. Gương mặt phúc hậu, không sợ yểu mạng. Cuộc đời thường gặp nhiều may mắn, có người tử tế giúp đỡ. (Nghe qua tôi cũng vững lòng. Ừa phải rồi, đời tôi có nhiều lúc thật khổ, nhưng rồi đâu cũng qua, cũng êm xuôi). Bà Tám bảo tôi xoè bàn tay cho bà xem, thấy không, bà la lớn, có rất nhiều đường may mắn. Bà bảo tôi nắm bàn tay lại, đường tình duyên cũng lận đận, phải hai ba đời chồng. (Trời đất ơi! Chi nhiều dữ vậy! Tôi có phải là đào hát Hồ Ly Vút đâu?) Bà thầy bói thình lình bảo tôi đưa bàn chân cho bà xem, bà nói tôi có đường xuất ngoại. Chắc chắn số tôi phải sống xa nhà. Ông bồ của tôi đưa tay che mặt, cười diễu cợt. Tôi cũng không nhịn được cười vì có vẻ tiếu lâm khôi hài quá.

Bà Tám vói tay lấy bộ bài trên bàn thờ tổ. Bộ bài ny-lông mới tinh. (Tôi thắc mắc, đồ của “Mỹ Ngụy” sao còn tàn tích tới giờ này). Bà bảo tôi thầm khấn vái điều cầu nguyện. Tôi vái ông thần, bà thần bài cào có linh thiêng ứng vào quẻ bài cho tôi biết chừng nào tôi trúng số cá cặp. Bà Tám bảo tôi xào bài và bắt hai lá, tay mặt một lá, tay trái một lá. Tôi rút bài mà thầm van vái cho nhằm lá ách chuồn. Giờ phút này tôi yêu tiền hơn bao giờ hết. Quẻ bài không xấu không tốt. Tôi muốn biết khi nào tôi có tiền, bài lên toàn chuyện mà tôi không cần biết. Bà nói tôi có được một người đàn ông trẻ tuổi thương mến, si mê, theo đuổi. Tôi sẽ bị một người đàn ông khác lường gạt (nếu đã bị rồi thì thôi). Tôi nhìn Chiến, thằng chả nhăn mặt, trề môi ý chừng không phải tui đâu à nhe. Tôi có số may mắn, có người âm theo độ mạng. Tôi suy nghĩ ai vậy ta, không lẽ ông chồng của tôi. Trời ơi! Chàng đã chết thật rồi sao! Quẻ bài còn nói tôi bị nhiều chuyện tai tiếng, xui rủi, nhưng không sao vì con ách bích chỉa mũi dùi sang hướng khác.

Thằng con của bà thầy bói bước vào nói: 

- Má ơi có thím Năm qua mượn đỡ một trăm, chừng tối chồng thím về sẽ trả lại. 

Bà Tám bước ra ngoài tiếp khách, con trai bà Tám khoảng hơn 20 ngoài. Tôi hỏi:

- Em có biết coi bói không? Khi nãy má em nói con ách bích không chỉa thẳng ngay chị là sao, chị không hiểu. 

Thằng nhỏ cầm con bài xoay ngược chiều, mũi nhọn chỉa thẳng vào con đầm cơ. Tôi à một tiếng, hỏi nó:

- Em cũng biết coi bói nữa hả? 

Nó nhún vai:

- Bả dạy em hoài để mai sau có nghề kiếm cơm. Nhưng em ghét bói toán, đồng bóng lắm. Coi làm chi, việc gì sẽ tới, biết trước tương lai, hồi hộp thấy bà. 

Tôi nói:

- Sướng chưa! Thiên hạ đem tiền tới cho má em nuôi em. 

(Mà nó ăn nói như vậy đó!)

Bà Tám trở vào móc 20 đồng cho thằng con, dặn nó đi chơi chiều nhớ về ăn cơm. Bà xếp bộ bài lại, để ngay ngắn trên bàn thờ. Bà bảo tôi ra vườn hái một chiếc lá. Tôi thấy có hai đóa hoa lài vừa hé nụ, ngắt đại vào cho bà xem. Bà Thầy Tám cầm đóa hoa đưa qua đưa lại, ngắm nghía:

- Sướng chưa! Bảo đi hái lá lại đi hái hoa. Cái này là rõ ràng tại cô. Số trời chạy đâu cho khỏi. Màu trắng tượng trưng cho cung ly, mùa hè tới cô sẽ gặp người đàng hoàng, tử tế, sẽ có đôi có cặp. Hai đóa hoa vừa chớm nở, thơm ngát, con nhà lành đó nghe. Tôi rầu rĩ ngó ông bồ của tôi, định hỏi bà Thầy. Vậy chớ còn cái ông thần thừ đó bỏ cho ai? Thằng chả mặt nhăn như khỉ vì ngồi chờ lâu quá.

Tôi cám ơn và hỏi tiền quả bao nhiêu. Công coi chỉ tay, chỉ chân chẵn hai chục. Bói bài 20. Xem bốc dịch 20. Bớt 10 đồng, lấy 50 thôi. Anh Chiến móc túi đưa tờ “Bác Hồ nhìn thẳng” màu đỏ. Tôi bước ra ngoài nói:

- Bà Tám sống khoẻ ru. Thời buổi này, biết được một thứ là sống nhàn hạ, đằng này bà Tám làm đủ thứ. Bốc dịch, lên đồng, bói bài, xem chỉ tay rồi con xem chỉ bàn chân nữa chứ. Gì chứ món này khỏi sợ ai cạnh tranh. Đi khắp Sài Gòn-Chợ Lớn, chưa có ai biết xem chỉ bàn chân như bà. 

Anh Chiến nói:

- Thiệt là tào lao ông địa, vậy mà bà cũng tin. Hồi nãy tôi nghe bả nói mai mốt gì đó bà sẽ được con trai nhà lành hỏi cưới, tôi nhịn cười muốn chết. Bà mà đi lấy chồng, tôi tình nguyện dọn dẹp, rửa nhà, rửa chén ba ngày ba đêm. 

Tôi cười hí hí nói:

- Ai mà biết được chuyện ngày mai!

Năm Chà và con nhỏ Hằng nghe tôi kể chuyện đi coi bói tụi nó cười muốn vỡ bụng. Tưởng sao hai bà biểu tôi dẫn đi xem (mình ngu mà có đứa ngu hơn). Năm Chà khoái cái vụ xem chỉ bàn chân, bả lo tu hành còn mơ chi ba cái vụ vượt biên, vượt biển. Ra xứ ngoài biết có chùa mà đi lạy Phật không đây. Nhỏ Hằng thì khoái cái vụ bốc dịch. Nó phân bì với tôi sao cái số của bà gặp hết người này tới gặp người khác. (Nó làm như chuyện thiệt!) Tôi dặn nó khi nào bà Tám thầy bói bảo hái cái lá, thì hái đóa hoa. Mà nhớ lựa hoa còn búp. Không chừng sẽ gặp con trai đồng trinh.

Ba con yêu nữ lại cười muốn vỡ nhà.

Mấy tuần sau chúng tôi trở lại nhà bà Tám thầy bói để cho Năm Chà và Hằng “thoả mãn” vì nó cứ rủ rê, rù rì một bên tai. Hèn gì nhà bà Tám lúc nào cũng đông... khách thập phương.

Rủi thay hôm đó, bà không có nhà. Chỉ có thằng con lớn đang đứng nấu cơm, kho cá. Thằng nhỏ cũng bặt thiệp dữ, xưng tên Danh và mời mấy chị ngồi chơi, chờ Má em, chắc cũng gần về rồi đó. Tôi không chịu ngồi một chỗ mà đi vòng quanh xem cái này, ngó cái kia. Tôi bước lại gần xem thằng Danh làm bếp. Chà, nấu canh chua cá lóc ngon dữ. Nó biết lấy trứng cá cá lóc để vào chén, dầm cho nát ra rồi bỏ vào nồi, nổi lên mặt vàng óng... thấy thèm. Tôi đứng gần, chắc lưỡi hít hà:

- Con trai mà giỏi quá vầy nè. Mai mốt đố khỏi làm mọi cho vợ. 

Thằng nhỏ chẳng vừa, đáp lễ:

- Vợ mình mình làm mọi, chớ có làm mọi vợ ai đâu mà sợ. 

Năm Chà và con Hằng cười rúc rích. Hai bả đang lấy bộ bài của bà Tám binh xập xám.

Thằng Danh hỏi tôi:

- Cái anh hôm trước đâu sao không thấy? Có phải chị là vợ của ảnh? 

Tôi nói:

- Phải, nhưng chị chỉ làm vợ thuê, vợ tháng mà thôi. 

Thằng nhỏ có vẻ không hiểu rõ. Tôi nói thêm, nghĩa là ảnh bỏ tiền ra thuê chị làm vợ, giống như người ta thuê người làm vậy đó. Nhỏ Hằng nghe vậy nói:

- Vừa phải thôi chứ bà, lên đây binh xập xám nè. 

Thằng Danh nghe vậy lật đật chạy lên phòng riêng của Má nó, mặt mày xanh lét:

- Trời đất ơi! bộ bài của má em để dành coi bói. Bả về thấy được chửi ba ngày chưa dứt. 

Năm Chà lẹ tay xếp gọn để vào chỗ cũ. Tôi đùa dai, làm bộ đến chấp tay xá xá, nói xin ông thần bài cào tha tội cho ba con yêu nữ này. Thằng Danh hỏi tôi sao gọi yêu nữ. Tôi nói với nó, một cách rất nghiêm trang:

- Yêu nữ nghĩa là người nữ rất đáng yêu.

Ngồi chờ bà Tám từ lúc thằng con trai bà nấu cơm.. cho tới khi cơm chín, cá kho canh chua bay mùi thơm phức mà bà cũng chưa về. Thằng con trai cũng bặt thiệp, sẵn bữa mời ba chị dùng cơm nhà nghèo với tụi em. Ba chị chỉ chờ có thế, nhào vào ăn liền một cách rất tự nhiên. Nhỏ Hằng nói: - Mình đi ăn chực, ngon thì thôi!

Cơm nước no nê, Năm Chà bắt đầu thèm thuốc lá. Bả ngó tới gói Samit để trên bàn thờ tổ lom lom, nhưng còn kiêng dè sợ phạm thánh. Tôi thì thèm cà phê đá, rủ mấy bả đi về cho rồi, bữa khác trở lại coi bói. Thằng Danh ham vui, đòi đi theo, nó nói em cũng ghiền cà phê đá nhứt nhà.

 

******* 

Một buổi sáng Chiến xách xe Honda rủ đi Vũng Tàu. Tôi bỏ hai bộ quần áo vào cái túi xách đi theo chàng, không kịp cho Dì Hai biết tin.

Đến Cấp đã quá trưa, chúng tôi ghé vào quán ăn cơm và sau đó tìm mướn khách sạn. Chiến uống bia người mệt mỏi nằm ngủ say vùi. Tôi bỏ chàng nằm chèo queo trongphòng, xuống biển tắm một mình. Khi trở về lại khách sạn, Chiến tỉnh giấc, chàng ôm tôi hôn lấy hôn để và đòi làm tình. Tôi nói ông đi tắm rửa sạch sẽ tôi mới cho yêu. Chàng ngoan ngoãn bước xuống giường đi vào phòng tắm.

Sau đó tôi và Chiến đi ăn cơm tối, Chiến lại uống rượu. Tôi nói:

- Sao bữa nay ông hứng uống dữ vậy? 

Chàng nói: 

- Buồn quá!

Chúng tôi trở về khách sạn, chàng ôm ấp tôi một hồi mà không đủ sức làm tình, quay ra ngủ như chết. Tôi buồn bã một mình lang thang về phía biển.

Tôi ngồi dưới gốc cây ở vệ đường bãi trước ngó về phía ngoài khơi xa thẳm. Đêm không trăng, biển Vũng Tàu tối âm u, gió từng cơn làm cho tôi thêm u buồn. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy cuộc sống của mình thật bấp bênh. Liên hệ với Chiến chẳng đem lại cho tôi một chút an ủi nào. Đời sống của chàng và tôi càng ngày càng có nhiều trái ngược. Nghĩ đến cảnh chàng đang nằm ngủ vùi trong phòng khách sạn, tôi thấy tôi thật không hợp với chàng một chút nào cả.

Tôi định đứng lên bước ra về thì bất chợt gặp Danh, thằng con trai bà Tám thầy bói. Vừa lúc nó gặp tôi, nó mừng rỡ gọi chị Huệ, chị Huệ. Nó rủ tôi vô một cái quán ở bãi trước ăn khô mực, uống la ve. Tôi nói:

- Em mà cũng uống la ve nữa hả?

Nó than:

- Buồn quá! 

Tôi nhớ lời Chiến than hồi chiều: buồn quá! Danh hỏi tôi khi xa Vũng Tàu có buồn không? Tôi nói sống ở một phố biển là điều tôi ước mơ. Nhưng Sài Gòn là nơi tôi có nhiều kỷ niệm nhứt. Khi nào xa Sài Gòn, chắc tôi sẽ nhớ ngôi chợ Xả Rác đến ốm o gầy mòn. Danh uống thêm một hớp rượu và than buồn quá. Tôi thấy nó hình như có một điều gì muốn giấu diếm.

Trời đã khuya, bãi biển bắt đầu vắng người. Tôi đứng dậy nói:

- Thôi về đi Danh ơi, con nít uống rượu nhiều không tốt. 

Danh hỏi:

- Chị ở đâu? 

Tôi chỉ về khách sạn ở phố ngang nhà lồng chợ. Danh nói:

- Em phải về Long Hải ngay bây giờ, chắc thằng Trí và con Liên đang trông em dữ lắm. 

Tôi hỏi:

- Tụi em làm gì ở bên đó? 

Thằng nhỏ nhìn tôi buồn bã, giọng của nó còn buồn hơn:

- Chắc em không có dịp gặp lại chị nữa đâu. 

Tôi chợt hiểu, và một nỗi buồn man mác chợt dấy lên trong lòng.

Danh dẫn tôi đến chỗ nó gửi chiếc xe Honda. Thằng nhỏ nổ máy mà còn luyến tiếc chưa muốn đi. Tôi nói:

- Chúc bình an. 

Danh bỗng dưng rủ tôi đi với nó về Long Hải và không hiểu sao, tôi leo lên yên sau ôm eo ếch nó cứng ngắt. Thằng Danh phóng xe như bay trong đêm tối.

Đến Long Hải lúc gần nửa đêm, trời tối đen, đâu đây tiếng chó sủa làm tôi rùng mình. Danh đưa tôi đến nhà chủ ghe, nơi có 2 đứa em nó ở đó chờ từ mấy ngày nay. Vừa bước đến cổng, tôi đã có linh cảm không ổn. Hai, ba tên phường đội cầm súng đứng phía trước nhà. Danh khôn hồn nắm tay tôi vọt lẹ. Chừng một khoảng đường mấy trăm thước, Danh lủi vào một căn nhà ở mé biển, tôi run sợ đứng khép nép ở ngoài hiên.

Một người đàn bà bước ra nói:

- Trời ơi! Danh mày đi đâu mất tiêu vậy, tao tưởng mày dính rồi chớ. Thằng Danh hỏi:

- Hai đứa em tôi có sao không bác Tư?

Người đàn bà nói nho nhỏ:

- Không có sao, chẳng có ai bị gì cả! Bà ta nhìn tôi có ý muốn hỏi chị này là ai đây. Tôi hiểu ý, mỉm cười nói:

- Thiệt may quá.

 Người đàn bà đó dẫn tôi và Danh đi đến một cái chùa ở gần đó, bà ta nói: - Mầy ở tạm đây đi, yên ổn hơn đằng nhà tao.

Tôi và thằng Danh được đưa vào hậu liêu của một ngôi chùa lánh nạn. Đây cũng giống như nhà bếp, nhưng có đặt thêm một chiếc đi-văng bằng gỗ, ở chính giữa nhà có đặt bàn thờ Phật, góc trái có đặt bàn thờ ông Quan Thánh Đế Quân.

Chùa không có điện. Một ngọn đèn dầu lù mù trên bàn Phật. Không có ai ở dưới hậu liêu này, bốn bề im vắng thật dễ sợ. Tôi và Danh ngồi trốn ở một góc phòng, hồi hộp chờ đợi. Tôi nghĩ chuyến đi đã bị bể, chủ ghe bị bắt và chẳng mấy chốc công an sẽ đến đây tóm cổ cho mà xem. Nghĩ đến Chiến đang nằm chèo queo ở Cấp, bể chuyện ổng sẽ chửi tôi thậm tệ. Thằng chả sẽ nói đáng kiếp cho đồ phản bội. Thật là oan ơi ông Địa. Khi không vướng vào cái vụ kỳ cục này. Người ta đi vượt biên bị bắt đã đành, còn tôi đi theo chơi bị bắt thiệt là hết chỗ nói.

Tôi kề tai Danh nói nhỏ:

- Có sao không? chị hồi hộp quá! Danh nắm tay tôi trấn an:

- Không sao đâu, số của em may mắn lắm. Em có số vượt biên, má em coi ngày, coi tuổi cho mấy tụi em rồi mới cho đi chớ. 

Bàn tay Danh nắm tay tôi một cách rất đàn ông. Nó nói:

- Chị có mệt, dựa lên vai em mà nghỉ. Tôi tựa sát vào người nó, một hơi hướm đàn ông thật dễ chịu.

Thằng Danh không ngồi im mà cựa quậy. Người nó ấm dần. Tôi nghe tiếng nó thở dồn dập một bên tai. Nó bắt đầu đưa bờ môi mơn trớn vành tai của tôi. Tới chừng nó nhẹ đưa đầu lưỡi chạm vào lỗ tai thì tôi chịu hết nổi. Tôi đẩy nó ra bảo:

- Đừng Danh! 

Nó ngồi im được một chút xíu rồi lại bắt đầu cái mửng cũ. Tôi xô nó ra nói: - Thôi mà, làm ở trong chùa tội chết. Nhưng thằng nhỏ giờ phút này còn có biết gì nữa, công an nó còn chưa sợ, sợ gì tội. Tôi ngó lên bức hình ông Quan Công trên bàn thờ, tôi nói:

- Coi chừng cái ông cầm cây Thanh Long đao kìa. 

Danh bước đến thổi tắt phụt ngọn đèn dầu. Trong phòng bỗng tối mực. Danh đã cởi áo tự hồi nào. Nó kéo tôi nằm ngữa ra nền xi-măng. Bóng tối như đêm làm cho dạn dĩ hơn, không còn mặc cảm tội lỗi nữa, tôi ôm Danh với tất cả ham mê. Thằng nhỏ tuổi trẻ mà tài cao. Nó làm tình như giông, như bão.

Tôi hối thằng Danh mặc quần áo vào. Công an đến bắt tụi mình phạm hai tội một lượt. Nó ôm tôi hôn lên gáy nói thương quá, thương quá, cử chỉ thật đàn ông.

Tôi nghe tiếng chân người đi, trống ngực đánh thình thịch. Số tui xui lắm, rớ vô ông nào ông đó thân bại danh liệt. Tôi chắc mẽm sẽ bị công an tới bắt dẫn về bót cho mà coi.

Cánh cửa phòng nhẹ mở, một giọng nói nho nhỏ:

- Danh, Danh. 

Thằng Danh đứng dậy nắm tay tôi đi theo người đàn bà ban tối. Chúng tôi âm thầm đi với nhau trong đêm len lỏi qua xóm nhà dân chài bờ biển Long Hải. Một chiếc ghe nhỏ đậu chờ sẵn. Người đàn ông trên ghe nói với người đàn bà:

- Ba anh em thằng này thôi phải không? Còn cô kia, đi cách nào vậy? Tôi bỗng cảm thấy thừa thải, trơ trọi. Bị bỏ lại trong hoàn cảnh này hơi tủi thân dù ba cái chuyện đi đứng tôi chưa bao giờ mong tới. Thằng Danh nói với tôi cứ nhẩy xuống ghe đại, không có sao đâu. Ở đầu mũi chiếc ghe có úp một chiếc thúng rất lớn, Danh bảo tôi nhẩy xuống ghe nằm trốn trong đó. Bỗng đâu có khoảng bảy, tám người từ trên bờ chạy đến canh me. Người đàn ông la lối om sòm. Hắn chửi thề ỏm tỏi. Hắn dọa ra khơi sẽ thảy xuống biển cho cá mập làm thịt. Thừa lúc lộn xộn thằng Danh thảy tôi xuống ghe. Nó lấy cái thúng úp tôi lại. Tôi nằm im lặng, lâu lâu hé miệng thúng để thở... chút không khí ngoài trời. Biển đêm tối như mực, tiếng ghe chạy êm ru giữa vùng vắng lặng. Ghe chạy độ hơn một giờ thì đến điểm hẹn. Chiếc ghe lớn đậu sẵn chờ rước khách. Tại đây, xảy ra một cảnh hỗn loạn hơn khi trước. Rất đông người đi canh me. Họ chờ chực, canh từ ghe con qua ghe lớn. Thằng Danh lo cho tôi và hai em nó chu toàn. Con tàu từ từ tiến vào biển Đông trong màn đêm.

Khi mặt trời lên cao, tàu chúng tôi đến được hải phận quốc tế. Chiều tối hôm đó con tàu đi ngang Côn Sơn. Thủy thủ cố tránh, lái thật xa. Danh chỉ tôi nhìn về phía trong kia xa thẳm, nó nói Côn Sơn. Tôi chỉ thấy trời mây bát ngát.

Một tuần lễ sau tàu chúng tôi đến được một chùm đảo nhỏ thuộc Nam Dương. Bước lên trại Kuku người tôi còn say sóng đi đứng lạng quạng. Đầu óc cũng chưa tỉnh táo hẳn. Chẳng khác nào một giấc chiêm bao. Mấy đêm liền tôi cứ mơ thấy về Việt Nam. Tôi thấy Dì Hai, Năm Chà và con nhỏ Hằng. Trong giấc chiêm bao, tôi thấy như đang đi trong chợ Xả Rác thân quen. Có lúc tôi thấy như đang về thăm nhà cha, mẹ ở Cao Lãnh. Có khi tôi thấy bị công an Việt Cộng bắt. Tỉnh dậy tôi vẫn còn bàng hoàng, khi thấy thằng Danh nằm ngủ cạnh một bên mới biết là mình đang ở Indonesia.

Thật là tức cười. Khi không vượt biên. Nghĩ đến cảnh Chiến nằm ngủ một mình ở khách sạn, chàng sẽ nghĩ gì về tôi. Tôi sẽ nói thế nào với con nhỏ Hằng và Năm Chà về cái vụ này. Rời Việt Nam tôi để lại hai tháng hụi chết chưa đóng. Còn thiếu Dì Hai ba trăm đồng. Ngoài ra còn tài khôn đi cầm dùm con Diễm chiếc nhẫn xoàn 4 ly. Đi Vũng Tàu với Chiến, tự nhiên tôi mất tích. Chẳng ai biết sống chết ra sao. Chắc tụi nó xúm lại làm thịt ông Chiến. Đâu có ai ngờ tôi đang ngồi rầu rĩ tại một hải đảo xa xăm này đây.

Đảo Kuku có một trại tạm trú cho phần đông người vượt biển đến được Nam Dương. Nơi đây chỉ là chỗ ở tạm, nhà cửa ọp ẹp thô sơ. Chúng tôi chiếm một căn nhà nhỏ, gần bệnh xá. Mái nhà lợp lá đã cũ, mục nát. Có nhiều đêm mưa to gió lớn, nước mưa rơi xuống mặt, xuống chân lộp bộp. Chúng tôi xin được hai cái mùng cũ, tôi ngủ một mình, Danh và hai em nó ngủ chung. Hai cái mùng giăng kề nhau trên một chiếc chõng làm bằng những thanh cây nhỏ.

Thằng Danh nằm cạnh tôi. Nó thường thò chân, thò tay qua chỗ tôi nằm. Tôi mang mặc cảm tội lỗi từ cái đêm làm bậy, làm bạ ở trong chùa nên không muốn cảnh đó tái diễn.Để ngăn ngừa, tôi cho phép thằng Danh mỗi lần chỉ được xâm phạm biên giới một món mà thôi. Nếu cái đầu ló qua, thì bàn tay bàn chân phải ở vị trí cũ. Thường thường thì Danh tôn trọng cam kết lúc đầu hôm. Tới chừng giữa khuya, khi hai em nó đã ngủ mê, nó xé thỏa ước chun qua mùng tôi luôn. Và thường thì chừng đó tôi đã hết mặc cảm tội lỗi, tôi phó mặc chuyện gì tới.. cứ việc tới. Trời lại mưa gió ầm ỉ.. thằng Danh nằm trong mùng tôi cho tới sáng bét... mới chịu trở về. Vậy mà hai đứa em nó cũng chẳng hay, chẳng  biết.

Cái vụ này kéo dài hoài không dứt được. Càng gần gũi, Danh càng mê, càng ghiền. Nó đang sức lớn, khỏe như voi. Khi rời đảo Kuku, chuyển qua trại Galang, thằng Danh sắp xếp cho tôi ở một góc kẹt của barrack. Dĩ nhiên nó cũng giăng mùng nằm kế cận.

Anh chàng đóng kịch rất tài. Ban ngày nó xưng em và gọi tôi bằng chị. Tôi với nó cứ chị chị, em em mà tối nào cũng ôm ấp yêu thương. Vướng vào cái vụ tình cảm này, tôi rầu ghê. Tôi đã nói trước rồi, cuộc đời tôi luôn luôn gặp chuyện tréo cẳng ngỗng. Tiếu lâm hơn nữa là Danh lại khoái làm lớn. Hằng đêm, ở trong mùng, nó gọi tôi là cưng và xưng anh. Đối với nó, hễ làm đàn ông... là làm anh.

Tôi gửi thư về cho Dì Hai, Năm Chà và con Hằng. Tôi chỉ nói đại khái tôi đã ra đi một cách rất tình cờ. Nhưng tôi giấu, không cho biết đi với ai. Làm sao tôi có thể thú thiệt với họ là tôi đi theo thằng con bà thầy bói đây hở trời! Tôi gửi lời thăm Chiến, mong chàng sớm quên... một đoá hoa lục bình. Giờ đây đã ra biển lớn... trôi về một phương trời xa thẳm. Tôi nhờ Năm Chà đóng dùm tôi 2 tháng hụi và lo tiền chuộc chiếc cà rá cho con Diễm. Khi nào sang Mỹ, tôi sẽ gửi trả lại... có tiền lời đầy đủ.

Lúc gần đi định cư tôi nhận được thư nhỏ Hằng. Nó đại diện cả nhà, viết thư chúc mừng tôi... đã tới được thiên đường.Mở đầu thư, nó sĩ vả tôi trước. Nó nói bạn bè thiệt là xấu, có gì ngon giấu ăn một mình. Nó nói tôi tính vượt biên, sao không rủ rê bà con với. Nó bảo ông Chiến rầu rĩ tới mấy tháng trời... ổng sợ bà nhẩy xuống biển tự tử. Tới chừng được tin bà bình an ở xứ người, ổng than không dè bị bà đá đít. Đau còn hơn bị thiên sắc thiến. Nhỏ Hằng nói cở này ông Chiến trúng áp phe lia chia. Tiền vô như nước. Ngày nào ổng cũng xuống chở nó đi ăn nhậu. Nó còn phán một câu, số bà thiệt xui, dính vô ông nào, ông đó mạt rệp. Coi nó ăn nói như vậy đó. Nhỏ Hằng cho biết nó có trở lại nhà bà Tám xem bói. Nó nói cố làm theo lời tôi dặn, lúc bà bảo nó ra vườn hái cái lá - nó cố tìm một đóa hoa còn búp - nhưng rủi hôm đó trong vườn chỉ còn mỗi một đoá hoa đã nở rồi. Nó hái đại, có còn hơn không - hoa cũng còn sắc, còn mùi thơm. Tôi nghĩ đến ông Chiến. Tôi chưa bao giờ mong đợi điều này. Nhưng biết đâu chừng nó sẽ đến. Cái gì mà tôi không mong.. nó cũng đến. Sau cùng Năm Chà có vài lời nhắn gửi, mừng cho tôi. Số bà coi vậy mà hên lắm đó nhe. Chị ta bảo tôi đừng lo ba cái vụ nợ nần, tính xong rồi. Chỉ mong sang Mỹ đừng quên, lâu lâu gửi về một thùng quà là được.

Đọc thư tôi thấy vui vô cùng. Nhớ dễ sợ cái xóm nhỏ ở chợ Xả Rác. Tôi đi rồi, hai con yêu kia chắc sẽ lo tu tỉnh làm ăn. Tôi thì kể như rồi đời, có muốn quậy cũng không được.

Tôi đã mang bầu hai tháng. Lúc này phải mặc áo rộng để tránh sự tò mò của bà con trong trại ưa dòm ngó. Danh khoái chí sắp lên chức. Buổi tối nó chun vô mùng tôi sớm hơn thường lệ. Không còn đợi đến nửa đêm thanh vắng như trước. Nó làm cái điệu “cha của đứa con tôi” không bằng.

Danh tuổi còn nhỏ, nhưng tư cách rất đàn ông. Nó có nhiều điều rất hợp với tôi. Lâu dần tôi cảm thấy... thương nó ghê. Nhất là kể từ khi tôi có bầu.

Tôi tựa đầu lên vai Danh âu yếm:

- Nữa mình đặt con tên Việt Nam hay tên Mỹ?

Nó mỉm cười hiền hỏi:

- Em muốn thế nào? 

Tôi hỏi nó: 

- Có cho Ba Má bên nhà hay chưa? Danh nhìn tôi cười:

- Chưa. Ai dám, biết được ổng bả dủa chết. 

Và chừng như sợ tôi buồn, nó xoay ngang ôm tôi hôn. Danh luồn nhẹ bàn tay lên bụng tôi. Nó nói:

- Thương cục cưng này lắm à nhe. Nó an ủi:

- Mà ổng bả biết cũng chẳng có sao. Ở tuốt bên Việt Nam xa lắc làm gì được mình! 

 

NGUYỄN THẠCH GIANG

Thursday, September 29, 2022

Thất Thập Khổ Như Ri!! - Hoàng Xuân Tụng



Thời buổi bây giờ lứa tuổi các cụ 70 không còn là của hiếm nữa. Nhưng cái tuổi 70 rất lạ. Trước đó nhiều người còn thấy khá dẻo dai, khỏe mạnh tưởng chừng cứ thế mãi đến lúc ra đi. Vậy mà bước sang 70, cứ như một bước ngoặt lớn. Nhiều người nghiệm thấy đến cái tuổi này bỗng dưng cảm thấy rõ những biến đổi trong cơ thể hơn bao giờ hết.

Ngày xưa chân nhảy lò cò, vỉa hè sân gạch, tung tăng, giờ có những lúc liêu xiêu khi đứng một chân, xỏ quần, xỏ giầy thấy loạng quạng. Chắc ai cũng có cảm giác đến cái tuổi này bỗng nhức đầu, chóng mặt bất tử. Ngồi lâu đứng dậy, tê cứng lưng, chân, thành đi lòng khòng. Các khớp chẳng cần trở trời cũng long sòng sọc, kêu khùng khục, răng rắc nghe chối cả tai. Mà cái tai nào có chịu thua, nghe tiếng được tiếng không, chữ tác tưởng chữ tộ. Đôi mắt ngày xưa trong veo, tuổi trẻ mơ màng, giờ mơ huyền. Trước đọc liền hàng trăm trang sách không mỏi, giờ loạng quạng bấm phím chữ díu vào nhau, muốn viết thế này nó lại thành thế khác, người ta đọc không hiểu nổi ý mình.

Đến tuổi này, có người thì gầy đi, càng ngày càng teo, có người thì càng ngày càng phình, mà lại phình những chỗ không mong muốn mới chán ��. Cổ cao ba ngấn còn có ngấn rưỡi. Hai mí mắt bỗng mất tiêu mất một, còn cái cằm giờ lại thành hai, làm khuôn mặt trở nên phúc hậu một cách bất ngờ ��. Quá tuổi sinh đẻ từ lâu mà lúc nào bụng cũng cứ như bụng bà bầu, 4, 5, 6 tháng tùy theo, chẳng giấu được ai ��.

Rồi bệnh nọ tật kia kéo đến ầm ầm. U cục mọc lung tung, trong ngoài phát ra như nấm độc. Cả đời đã ngấm bao đắng cay, chua chát, vậy mà bây giờ ngọt ngào phát sợ, ngọt đến tận máu. Không tin xin cứ thử đường huyết, nó tăng cao không ngờ ��! Ngày xưa nhẫn nhịn thế, xếp hàng mua hàng tem phiếu hàng tiếng đồng hồ không sao, bây giờ hơi tí là bốc hỏa, mặt đỏ tía tai, nhưng chẳng làm gì được ai mà chỉ có nước ngồi... thở và uống thuốc... hạ huyết áp! Trái tim khó bảo, chẳng vì một bóng hồng hay một trang nam tử nào, mà chỉ sau một gắng sức nho nhỏ cũng cứ đập loạn lên ��.

Tiền "bạc" rất yêu, màu đen tăm tối chẳng mấy ai mê, vậy mà tóc " bạc" không ai thích, cứ muốn nó mãi đen nhánh. Dùng hết phẩm nọ màu kia mà các chân tóc cứ ngoi lên sáng trắng ��. Còn tóc để nhuộm là may. Có những người đầu cứ bị phát quang mãi đến lúc thành sân vận động. Mái tóc bồng bềnh, mượt mà hay gợn sóng một thời, nay chỉ còn trong những tấm ảnh kỷ niệm.

Lại nhìn lớp da nhăn nheo mà phát buồn. Chân chim chân cò, rãnh dọc rãnh ngang, những dấu vết thời gian chỉ ngày càng rõ nét hơn. Đôi bàn tay mịn màng bất chấp mọi loại kem dưỡng, chúng cứ gân guốc dần, khẳng khiu dần. Và cái đầu nhớ nhớ quên quên, nhìn mặt quên tên, nhớ tên quên mặt, đi chợ được dặn mua 7 thứ quên 3, suốt ngày đi tìm chìa khóa và kính!!!

Hỡi ôi! Thất thập khổ như ri, bát thập, cửu thập còn như thế nào nữa. Hu hu ����.

Hoàng Xuân Tụng