Pages

Wednesday, November 30, 2022

Ai Cần Hơn Ai?




Huỳnh Chiếu Đẳng (Quán ven đường)

Bến Nghé Ngày Xưa

Phố người Hoa ở Sài Gòn khoảng năm 1930. (Ảnh: adoc-photos/Corbis via Getty Images)

Đất Chợ Lớn xưa là Saigon - Saigon xưa gọi là Bến Nghé !

Chữ Ba Tàu, Các Chú hoặc Chệc. tờ Gia Định Báo giải thích:
“…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v… Từ Ba-Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu…”.

…Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-Nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy…”.

“…Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An-Nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu, cô, chú, bác thì kêu tâng là chú là cậu vân vân. Người An-Nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc …”

Cách giải thích thuật ngữ nói trên của Gia Định Báo từ thế kỷ thứ 19 được coi là tạm ổn vì đây là một trong những tài liệu xưa có xuất xứ từ miền Nam. Theo Lê Ngọc Trụ trong Tầm nguyên Tự điển Việt Nam, chệc hay chệt là tiếng Tiều gọi chữ thúc, nghĩa là “em trai của cha”. Người bình dân gọi Chệc để chỉ chung người Hoa. Người Quảng Đông cho là gọi như thế có ý miệt thị, người Triều Châu trái lại, chấp nhận vì họ được tôn là chú. Ở miền Nam, “các chú” Quảng làm ăn buôn bán khá hơn “các chú chệc” người Tiều lam lũ trong nghề làm rẫy, tằn tiện nên không biết có phải vì vậy mới có câu:

Quảng Đông ăn cá bỏ đầu
Tiều Châu lượm lấy đem về kho tiêu!

Người Tiều lại chê dân Quảng không biết ăn cá. Họ nói món cháo cá Tiều khi ăn có vị ngọt đặc biệt nhờ chỉ rửa sạch bên ngoài, giữ lại nguyên si vảy, đầu và cả ruột! Dân Tiều ở miền Nam “chuyên trị” những món cá chim hấp, bò viên, tôm viên, ruột heo nấu cải chua… và nhất là món hủ tíu Tiều Châu. Người ta còn dùng các từ như Khựa, Xẩm, Chú Ba… để chỉ người Tàu, cũng với hàm ý miệt thị, coi thường. Tuy nhiên, có sự phân biệt rõ ràng trong cách gọi: phụ nữ Tàu được gọi là thím xẩm còn nam giới thì lại là chú ba.(1955-1963) đã có một quyết định khá táo bạo, buộc tất cả Hoa kiều phải nhập quốc tịch Việt Nam, nếu không sẽ bị trục xuất. Thương nghiệp tại miền Nam sau thời Pháp thuộc phần lớn nằm trong quyền kiểm soát của Hoa kiều. Vì vậy, chính phủ cố tạo sức mạnh cho doanh nhân Việt bằng cách hạn chế quyền lợi của người Hoa. Đạo luật 53 cấm ngoại kiều (nhắm vào Hoa kiều) tham gia 11 nghề liên quan đến thóc gạo, điền địa, buôn bán thịt cá, than đá, dầu lửa, thu mua sắt vụn… được ban hành vào tháng 9/1956. Đạo luật này đã làm xáo trộn kinh tế trong nước nhưng đã có tác động mạnh đến nền công thương nghiệp của người Việt vào thời kỳ đó. Đa số người Hoa đã nhập tịch Việt, tính đến năm 1961, trong số 1 triệu Hoa kiều ở miền Nam chỉ còn khoảng 2.000 người giữ lại Hoa tịch.

Người Tàu kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện… và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường. Cũng vì thế, ở Sài Gòn có câu mỉa mai: “Sống phá rối thị trường, chết chật đường chật xá” để ám chỉ người Tàu khi còn sống lũng đoạn nền kinh tế và đến lúc chết lại tổ chức những đám ma một cách rình rang. Cũng như người Tàu ở Hồng Kông và Macao, người Tàu ở miền Nam đa số nói tiếng Quảng Đông (Cantonese) chứ không nói tiếng Quan Thoại(Mandarin) mà ngày nay gọi là tiếng Phổ Thông. Cũng vì thế, ngôn ngữ Sài Gòn xưa vay mượn từ tiếng Quảng Đông được khoảng 71 triệu người Hoa trên khắp thế giới xử dụng.

Người Sài Gòn thường ví những người “ăn nói không đâu vào đâu” là “nói hoảng, nói tiều” thực ra là “nói tiếng Quảng Đông, nói tiếng Triều Châu”. Điều này cho thấy tiếng Quảng Đông xuất hiện rất nhiều trong ngôn ngữ miền Nam trước năm 1975, kế đến mới là tiếng Triều Châu. Trên thực tế, người Tàu có đến 5 nhóm Hoa kiều, được gọi là Ngũ Bang tại miền Nam: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (người Hẹ). Trong lĩnh vực ăn uống của Sài Gòn xưa, ảnh hưởng của người Tàu gốc Quảng Đông rất đậm nét. Người ta thường nói về 4 cái thú: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật Bản, đi xe Huê Kỳ”. Bên Tàu lại ví von: “Thực tại Quảng Châu, Y tại Hàng Châu, Thú tại Tô Châu, Tử tại Liễu Châu” (Cơm ngon ăn tại Quảng Châu, Áo đẹp may vải Hàng Châu, Vợ xinh cưới ở Tô Châu, Hòm chết chôn không bao giờ mục ở Liễu Châu ). Quảng Châu chính là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông.

Kết hợp ý nghĩa của hai câu nói Việt-Trung ở trên ta có thể kết luận: ăn uống theo người Tàu gốc Quảng Đông là hết xảy hay số dzách (số một), những từ ngữ đã quá phổ biến trong xã hội miền Nam. Về sau, vào thời chiến tranh Việt Nam, “số dzách” được cải biên theo kiểu Mỹ thành “nâm-bờ oăn” (number one)! Hành trình của ngôn ngữ xem ra rất thú vị. Nói cho công bằng, bên cạnh số đông các tửu lầu, cao lâu của người Tàu gốc Quảng Đông, ở Sài Gòn Chợ lớn cũng có lai rai một số tiệm Tàu khác như tiệm Hủ tíu Triều Châu ở đối diện Chợ Lớn Mới, Cơm Gà Hải Nam ở Chợ An Đông...Nổi tiếng tại Sài Gòn xưa có các nhà hàng Đồng Khánh, Arc-en-ciel (sau này đổi tên là Thiên Hồng), Soái Kình Lâm, Bát Đạt, Á Đông, Đại La Thiên, Triều Châu… Tại đây còn phục vụ loại “ăn chơi” theo cung cách nhất dạ đế vương. Quả thật người viết bài này chưa bao giờ được “làm vua một đêm” nên đoán trong những bữa tiệc như thế phải có mỹ nữ hầu tửu, thực đơn chắc chắn phải có nhiều món huyền thoại danh bất hư truyền về cái chất bổ dương khích dục đi đôi với các thứ rượu quí như whisky, cognac và Mao Đài tửu

Cơm chiên Dương Châu cũng là món ăn du nhập từ Quảng Đông. Nhiều người rất khoái cơm chiên nhưng ít người biết từ khởi thủy đây chỉ là món tổng hợp các thức ăn dư thừa được chế biến lại. Này nhé, cơm vốn là “cơm nguội” nấu dư từ hôm trước, các phụ gia khác như jambon, trứng tráng, đậu Hòa lan, hành lá…còn dư được xắt lát rồi trộn với cơm mà chiên lên!


Cũng thuộc loại thức ăn dư thừa có món tài páo (bánh bao). Bạn không tin ư? Nhân bánh bao là thịt vụn được xào lên, trộn với lạp xưởng và trứng (sau này được thay bằng trứng cút kể từ khi dịch cút lan truyền khắp Sài Gòn, nhà nhà nuôi cút, người người ăn trứng cút). Vỏ bánh bao được làm bằng bột mì, sau khi hấp chín bột nở phình ra trông thật hấp dẫn. Có người bảo cơm chiên Dương Châu và bánh bao thể hiện tính tằn tiện và tiết kiệm của người Tàu, không bỏ phí thức ăn thừa! Nói cho vui vậy thôi chứ từ cơm chiên, bánh bao đến các loại sơn hào hải vị như bào ngư, vi cá, yến sào… đều đòi hỏi cách chế biến, đó là nghệ thuật nấu ăn. Các tiệm “cà phê hủ tiếu” của Tàu lan rộng ra nhiều nơi chứ không riêng gì trong Chợ Lớn. Khắp Sài Gòn, Gia Định rồi xuống đến Lục Tỉnh đi đâu cũng thấy những xe mì, xe hủ tiếu, chỉ nhìn cách trang trí cũng có thể biết được chủ nhân là người Tàu. Họ có kiểu cách riêng biệt với những chiếc xe bằng gỗ, thiết kế một cách cầu kỳ. Phần trên xe là những tấm kính tráng thủy có vẽ hình các nhân vật như Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi, Triệu Tử Long… trong truyện Tam Quốc.


Ăn điểm tâm thì có mì, hủ tíu, bánh bao, há cảo, xíu mại…Khách thường gọi một ly xây chừng, đó là một ly cà phê đen nhỏ hay tài phế (cà phê đen lớn). Cà phê ngày xưa còn có tên “cá phé vớ (dzớ)”, pha bằng chiếc vợt vải nên còn được gọi là “cà phê vợt” tựa như chiếc vớ (bít tất). Cà phê đựng trong “dzớ” phải được đun nóng trong siêu nên còn có tên là “cà phê kho”, có điều “kho” nước đầu thì có mùi cà phê nhưng những nước sau có vị như… thuốc bắc. Sang hơn thì gọi phé nại (cà phê sữa) hoặc bạt sửu (nhiều sữa nhưng ít cà phê) với sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ hoặc Con Chim . Có người lại dùng bánh tiêu hoặc dầu-cha-quẩy nhúng vào cà phê để ăn thay cho các món điểm tâm đắt tiền.


Người bình dân còn có lối uống cà phê trên đĩa. Mỗi tách cà phê thường được để trên một chiếc đĩa nhỏ, khách “sành điệu” đổ cà phê ra đĩa, đốt điếu thuốc Melia chờ cà phê nguội rồi cầm đĩa lên… húp. Nhà văn Bình-nguyên Lộc trong Hồn Ma Cũ mô tả cách uống cà phê của người xưa: “…Người cha đứa bé rót cà phê ra dĩa cho mau nguội, rồi nâng dĩa lên mà uống”. Đây là cách uống của một số người Sài Gòn vào những thập niên 50-60, đa số họ là những người lớn tuổi, “hoài cổ” nên vẫn duy trì cách uống đặc trưng của Sài Gòn xưa. Vào một quán nước bình dân trong Chợ Lớn ta có thể gọi một ly suỵt xủi và người phục vụ đem ra một ly đá chanh mát lạnh. Có người gọi nước đá chanh là “bất hiếu tử” vì dám cả gan “đánh cha” nhưng nói lái lại là… đá chanh! Tại các tiệm “cà phê hủ tiếu” luôn luôn có bình trà để khách có thể nhâm nhi nhậm xà (uống trà) trước khi gọi phổ ky đến để thảy xu (tính tiền). (Nhậm xà còn có nghĩa là tiền hối lộ, tiền trà nước). Người sành điệu còn “xổ” một tràng “broken Cantonese”: “Hầm bà làng kỵ tố?” (Hết thảy bao nhiêu tiền?).

Những từ ngữ vay mượn của người Tàu dùng lâu hóa quen nên có nhiều người không ngờ mình đã xử dụng ngôn ngữ ngoại lai. Chẳng hạn như ta thường lì xì cho con cháu vào dịp Tết hoặc lì xì cho thầy chú (cảnh sát) để tránh phiền nhiễu, cũng là một hình thức hối lộ. Lạp xưởng là một món ăn có nguồn gốc từ bên Tàu, tiếng Quảng Châu là lạp trường: ngày lễ Tất niên và ruột heo khô. Cũng vì thế vào dịp giáp Tết các cửa hàng nổi tiếng như Đồng Khánh, Đông Hưng Viên trưng bày la liệt các loại lạp xưởng, nào là lạp xưởng mai quế lộ, lạp xưởng khô, lạp xưởng tươi…

Chế biến lạp xưởng là nghề của các Chú Ba trong Chợ Lớn. Lạp xưởng được làm từ thịt heo nạc và mỡ, xay nhuyễn, trộn với rượu, đường rồi nhồi vào ruột heo khô để chín bằng cách lên men tự nhiên. Lạp xưởng màu hồng hoặc nâu sậm vì chắc hẳn có thêm chút bột màu. Lạp xưởng ở Sóc Trăng thuộc miền Lục tỉnh cũng rất nổi tiếng cùng với món bánh pía, một món đặc biệt của người Tiều gốc từ Triều Châu. Đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh lột da, thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu theo kiểu Tô Châu nhưng khác với loại bánh trung thu mà ta thường thấy. Đây là loại bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn thịt mỡ.

Bánh pía do một số người Minh Hương di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 mang theo. Trước đây, việc làm bánh pía hoàn toàn mang tính thủ công và phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình. Bánh pía ngày trước cũng khá đơn giản, vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân, lớp da ngoài dày thường để in chữ, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo chứ không có lòng đỏ trứng muối và các loại thành phần khác như ngày nay. Do thị hiếu của người tiêu dùng mà các lò bánh mới thêm các thành phần hương liệu khác như sầu riêng, khoai môn, lòng đỏ trứng muối… Tại Sóc Trăng hiện có gần 50 lò chuyên sản xuất bánh pía. Tuy nhiên, số lò bánh và cửa hàng buôn bán tập trung đông nhất tại thị tứ Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) nơi được xem là khởi thủy của làng nghề bánh pía.

Vịt quay Bắc Kinh và vịt quay Tứ Xuyên là những món “đặc sản” nổi tiếng của Tàu. Đặc trưng của món vịt quay là da vịt mỏng, giòn, màu vàng sậm. Tại miền Nam, vịt quay và thịt heo quay cũng được người Quảng Đông đưa vào danh sách ẩm thực. Bí quyết gia truyền của các món này là ướpngũ vị hương rồi quay sao cho da giòn tan trong khi phần thịt vừa mềm lại vừa thơm. Vịt quay hoặc heo quay theo đúng kiểu Tàu là phải ăn với bánh bao chay (không nhân) nhưng người Việt cũng chế thêm món bánh hỏi thịt quay ăn với các loại rau, chấm nước mắm cho hợp với khẩu vị. Ngày xưa, trong Chợ Lớn, nổi tiếng về heo quay, vịt quay có khu vực đường Tôn Thọ Tường, ở Sài Gòn thì khu Chợ Cũ có vài tiệm heo quay của người Tàu. 

Hết “ăn” giờ lại sang đến “chơi” trong ngôn ngữ vay mượn của người Tàu. Chuyện cờ bạc trong ngôn từ của người Sài Gòn xưa đã xuất hiện không ít những từ ngữ từ tiếng Tàu. Tài Xỉu (phiên âm từ tiếng Tàu có nghĩa là Đại – Tiểu) là trò chơi dân gian có từ rất lâu. Chỉ cần 1 cái đĩa, 1 cái bát và 3 hạt xí ngầu cũng có thể lập sòng tài xỉu nên còn có tên là sóc đĩa. Hột xí ngầu có sáu mặt, mỗi mặt có từ một đến sáu chấm, tương đương từ một đến sáu điểm. Khi ráp sòng, người ta để cả ba hột lên chiếc đĩa sứ, chụp bát lên trên rồi lắc. Tổng số điểm của ba hột từ mười trở xuống gọi là xỉu, trên con số mười là tài. Sau khi chủ sòng lắc đĩa, người chơi đoán hoặc tài hoặc xỉu mà đặt cược. Chuyện thắng thua trong tài xỉu tùy thuộc vào tay nghề của người xóc đĩa, còn được gọi là hồ lỳ. Xác suất chủ sòng là từ 60 đến 70% thắng nhưng vì lỡ mang kiếp đỏ đen nên con bạc vẫn bị thu hút vào sòng xóc đĩa.

Các loại bài và hình thức chơi bài cũng có xuất xứ từ tiếng Tàu. Binh xập xám (13 cây) có những thuật ngữ như mậu binh (không cần binh cũng thắng), cù lủ (full house) là 3 con bài cùng số và một cặp đôi, ví dụ như 3 con chín + 2 con K (lớn nhất là cù lủ ách (ace), nhỏ nhất dĩ nhiên là cù lủ hai), thùng (flush) là 5 con cùng nước (suit) mà không theo trật tự liền nhau, ngược lại là sảnh (straight) là 5 con theo trật tự liền nhau nhưng không cùng nước. Kho từ vựng trong xập xám còn có xám chi (3 con cùng loại – three of a kind), thú (two) hay thú phé (two separate pairs) là 2 cặp và 1 con bất kì nào khác. “Thứ nhất tứ quý (4 con bài cùng số) thứ nhì đồng hoa (cùng một nước như cơ, rô, chuồn, bích)” là một trong số cả rừng từ ngữ của dân binh xập xám.

Nghề nghiệp được xếp thấp nhất của người Tàu là nghề lạc xoong hay nói theo tiếng Việt là mua ve chai, người miền Bắc gọi là đồng nát. Chú Hỏa (1845-1901), người Phúc Kiến, xuất thân từ nghề này nhưng về sau lại là một trong 4 người giàu nhất Sài Gòn xưa: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. Bốn triệu phú ngày xưa gồm các ông Huyện Sỹ (Lê Phát Đạt), Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương), Bá hộ Xường (Lý Tường Quan) và Chú Hỏa (Hui Bon Hoa hay Hứa Bổn Hòa). (Xem Triệu phú Sài Gòn xưa)

Một số người Tàu hành nghề bán chạp phô với các mặt hàng thuộc loại tả pín lù nhưng sẵn sàng đáp ứng được mọi nhu cầu hàng ngày của người lao động trong xóm. Tiệm chạp phô chỉ có mục đích lượm bạc cắc từ cây kim, sợi chỉ đến cục xà bong Cô Ba, quả trứng, thẻ đường. Người Tàu kiên trì trong công việc bán tạp hóa, ông chủ ung dung đếm tiền mỗi tối và ẩn dưới tiệm chạp phô là cả một gia tài được tích lũy. Người ta chỉ phát hiện điều này khi có phong trào vượt biên. Tính rẻ “3 cây một người” thế mà cả gia đình chủ tiệm chạp phô vẫn thừa sức vượt biển để tìm đến bến bờ tự do.

Cao cấp hơn là những xì thẩu, những người thành công trong kinh doanh mà ngày nay ta gọi là „đại gia“. Điển hình cho giai cấp xì thẩu là Trần Thành, bang trưởng Triều Châu, với hãng bột ngọt Vị Hương Tố rồi các mặt hàng mì gói Hai Con Tôm, nước tương, tàu vị yểu đã chinh phục thị trường miền Nam từ thập niên 60 để trở thành “ông vua không ngai trong vương quốc Chợ Lớn”. Xì thẩu Lý Long Thân làm chủ 11 ngành sản xuất và dịch vụ, 23 hãng xưởng lớn: hãng dệt Vinatexco, Vimytex, hãng nhuộm Vinatefinco, hãng cán sắt Vicasa, hãng dầu ăn Nakyco, hãng bánh ngọt Lubico, Ngân Hàng Nam Việt, Ngân Hàng Trung Nam, khách sạn Arc en Ciel, hãng tàu Rạng Đông…

Xì thẩu Lâm Huê Hồ được nhiều người gọi là “chủ nợ của các ông chủ”. Ông là người giữ nhiều tiền mặt nhất miền Nam, số tiền ông có tay bằng vốn của nhiều ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ như Nam Đô, Trung Việt gộp lại. Lâm Huê Hồ còn nổi tiếng là vua phế liệu, chuyên thầu quân cụ và võ khí phế thải rồi bán lại cho những doanh nhân trong ngành luyện cán sắt hay bán lại cho Nhật Bản. Người Sài Gòn thường nói: “Trần Thành, Lý Long Thân chỉ có Tiếng nhưng Lâm Huê Hồ lại có Miếng”.

Xì thẩu Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng kem Hynos, là một người có óc làm ăn cấp tiến. Ông là người có rất nhiều sáng kiến để quảng cáo sản phẩm trên các cửa hàng ăn uống, chợ búa, hệ thống truyền thanh và truyền hình. Ông cũng là người đầu tiên biết vận dụng phim võ hiệp và tình báo kiểu Hồng Kông vào quảng cáo. Người dân miền Nam không thể quên hình ảnh tài tử Vương Vũ giải thoát các xe hàng do đoàn bảo tiêu hộ tống thoát khỏi quân cướp: mở thùng ra chỉ toàn kem đánh răng Hynos! Có rất nhiều xì thẩu được Sài Gòn xưa phong tặng danh hiệu Vua. Trương Vĩ Nhiên, “vua ciné”, là chủ hãng phim Viễn Đông và gần 20 rạp ciné tại Sài Gòn – Chợ Lớn: Eden, Đại Nam, Opéra, Oscar, Lệ Thanh, Hoàng Cung, Đại Quang, Palace, Thủ Đô…; Lý Hoa, “vua xăng dầu”, là đại diện độc quyền các hãng Esso, Caltex, Shell phân phối nhiên liệu cho thị trường nội địa; Đào Mậu, “vua ngân hàng”, Tổng giám đốc Trung Hoa Ngân Hàng (một trong hai ngân hàng châu Á lớn nhất tại Sài Gòn cùng với Thượng Hải Ngân Hàng).

Không biết tác giả

Tuesday, November 29, 2022

Dấu Chân Trên Cát - Trần Văn Khang


(Danh tánh các nhân vật trong câu chuyện nếu có sự trùng hợp ngoài đời, chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết)

1
Anh là một họa sĩ nghèo, 23 tuổi, mới tốt nghiệp trường Mỹ Thuật được một năm. Anh chưa có tác phẩm nào được sự chú ý của những người sưu tầm tranh hay của giới hội họa. Những bức tranh anh vẽ, được bán với giá khiêm tốn tại các tiệm tranh, các phòng trưng bày tại Sài Gòn. Anh sống trong một xóm nghèo thuộc thị xã Biên Hòa.

Anh tên Triều, yêu mến biển cả, nên dùng bút hiệu Hải Triều ghi dưới những bức tranh của mình. Mùa Hè năm ấy, anh dùng chiếc xe gắn máy đã cũ, mang theo hành trang nhẹ, thêm dụng cụ cùng giá vẽ loại có thể xếp gọn, một mình đến Bãi Sau của Vũng Tàu. Anh mướn một góc nhỏ trong căn nhà đơn sơ của một ngư phủ nghèo, rồi hàng ngày ra bờ biển, vẽ tranh... Anh chú ý đến một thiếu nữ, nàng hay đi biển với mấy người em. Đôi khi vào buổi chiều, nàng thong thả dạo bước một mình trên bờ cát. Là một họa sĩ, anh quan sát nhân dáng nàng. Khuôn mặt thanh tú, ngây thơ học trò. Chiếc cổ dài và thon. Đôi chân đẹp, hai bàn chân gót nhỏ. Anh liên tưởng đến thơ văn người xưa, thường ví bước đi của người phụ nữ đẹp là những bước trổ ra những đóa hoa sen. Với chân không, cô gái đi với dáng đẹp dịu dàng trên bờ cát, rồi trên vùng cát nhỏ bên ghềnh đá. Anh thầm ước ao được nàng làm người mẫu cho một bức tranh của mình.

Thế rồi một buổi còn chút nắng chiều, nàng dạo biển. Một làn gió làm bay chiếc nón rơm rộng vành che nắng của nàng. Chiếc nón đẹp tình cờ dừng ngay bên giá vẽ của anh. Vì thế anh và nàng quen nhau. Nàng ngắm nhìn bức tranh đang được anh phác họa và khen tranh đẹp. Nàng hỏi, giọng ngây thơ:

- Là họa sĩ, anh thích vẽ những gì?

Anh trả lời, thật vui vì có dịp nói về lãnh vực của mình với một cô gái đẹp dễ thương, anh may mắn được quen:

- Tôi yêu mến biển, mùa hè ra đây để vẽ tranh. Vẽ cảnh biển lúc sáng ban mai. Vẽ dân chài thuyền lưới ra khơi. Ghềnh đá xanh, với mây trời, chim hải âu... Cảnh sinh hoạt nơi bờ biển. Một hai em bé chơi cát. Vài thiếu nữ dạo biển đó đây. Hoàng hôn trên biển... Nhưng nơi phòng vẽ tranh tại nhà, tôi vẽ cả tĩnh vật và chân dung... Tôi không có xu hướng vẽ tranh trừu tượng, tranh lập thể hay tranh theo trường phái tượng trưng.

Anh khen nàng có dáng đi và đôi chân thật đẹp.

Quen nhau ít ngày, Triều được biết nàng có tên là Ngọc Quỳnh. Cha nàng là một doanh nhân ở Sài Gòn. Nàng mới đậu xong Tú Tài, được cha mẹ cho đi nghỉ Hè cùng các em một tháng tại đây. Mấy chị em đang cư ngụ tại một phòng rộng có bếp núc, trong một khách sạn của một người bạn cha nàng. Có cả một chị giúp việc tin cậy đi theo, nấu ăn và săn sóc cho mấy chị em. Mấy ngày sau, anh dùng bút than đen, nhanh chóng vẽ tặng nàng một phóng ảnh chân dung, và vẽ sơ một bức nữa, hình ảnh nàng, anh giữ để làm kỷ niệm. Anh ngỏ ý, có dịp về Sài Gòn, xin nàng làm người mẫu cho anh vẽ một bức tranh thiếu nữ, tranh sẽ công phu hơn. Nàng nhẹ nhàng:

- Ba mẹ em nghiêm túc lắm, ít muốn em quen với bạn trai. Anh lại để tóc dài, hút thuốc lá hoài, em không dám để cha mẹ biết đâu, nói gì đến việc em làm người mẫu. Em hẹn anh, bỏ tóc dài đi, đừng hút thuốc nữa. Hè sang năm vào đầu tháng bảy, em sẽ gặp lại anh ở đây. Ba Mẹ nói có thể cả nhà sẽ cùng ra đây nghỉ Hè năm tới.

Hôm chia tay, anh và nàng dùng nước dừa trong một quán nước bên bờ biển. Một đôi vợ chồng người Âu, còn trẻ tuổi ngồi một bàn gần bên. Họ có hai đứa con, còn nhỏ chừng bốn năm tuổi, đang đùa chạy quanh mấy bàn trống trong quán. Ông chồng dáng dấp thể thao, gọn gàng. Bà vợ khuôn mặt đẹp nhưng khá đầy đặn, mập mạp, bà phải cân nặng trên 80 ki lô. Ngọc Quỳnh nói rỡn với anh:

- Anh Triều, nếu cô này làm người mẫu, anh có chịu không?

Triều kín đáo nhìn người phụ nữ ngoại quốc rồi nói:

- Nhiều người mập cũng có những nét đẹp riêng, như Dương Quý Phi của Đường Minh Hoàng ngày xưa. Nhưng cho hình ảnh phụ nữ đẫy đà, đem vào tranh nghệ thuật, khó có thể hấp dẫn người thưởng ngoạn.

Nàng không cho anh địa chỉ hay điện thoại để liên lạc, lấy cớ gia đình rất khó. Anh về Biên Hòa, cắt tóc ngắn, bỏ thuốc hút. Anh đổi bút hiệu là Triều Hoài Ngọc. Tranh anh vẽ ngày càng tiến bộ và bán khá hơn. Trong ba năm liền, vào tháng bảy Mùa Hè, anh lại ra Bãi Sau Vũng Tàu một tháng, vẽ tranh. Anh vẫn trông tìm lại hình bóng người thiếu nữ đẹp, gặp gỡ mùa Hè năm ấy. Nhưng ba năm qua rồi. Chờ mong, mỏi mòn. Anh không gặp lại nàng! 

(Xin mời nghe tâm sự của người họa sĩ trẻ tình si qua bài nhạc Dấu Chân Trên Cát với các nối kết Music Video:   http://www.youtube.com/watch?v=xJaakLq1p0E
mp3, Music scores:    http://hathaykhongbanghayhat.org/node/8332  )
 
Dấu Chân Trên Cát

Hôm nao, em đi bước nhẹ
Trên bờ cát êm
Đôi chân gót nhỏ
Gieo từng đóa sen.

Hôm nao, em đi bước nhẹ
Bên ghềnh đá xanh
Đôi chân gót nhỏ
Ghi từng bước em

Hôm nao, em đi bước nhẹ
Khi chiều sớm buông
Đôi chân gót nhỏ
Anh còn vấn vương

Biết bao người đã bước trên bờ cát ấy
Sao anh tìm lại được dấu chân em
Biết bao người đã đến bên ghềnh đá đó
Lớp rêu xanh cũng đã nhạt mờ

Hôm nay, anh quay bước lại
Trên bờ cát xưa
Đôi chân đã mỏi
Mấy mùa nắng mưa

Hôm nay, anh quay bước lại
Bên ghềnh đá quen
Đôi chân dẫu mỏi
Vẫn tìm dáng em

Đôi chân dẫu mỏi
Vẫn tìm..., vẫn tìm... dáng em.

2

Ngọc Quỳnh sau mấy tuần nghỉ Hè thật vui năm ấy, nàng về Sài Gòn, ghi danh vào Đại Học Khoa Học. Nửa năm sau, nàng được cha mẹ sắp xếp cho đi du học tự túc tại Pháp Quốc, cùng với một người chị họ. Sau một năm sống tại Pháp Ngọc Quỳnh quen rồi được gia đình đồng ý, cho phép thành hôn với một kỹ sư cơ khí trẻ tuổi, cũng người Việt, đang làm việc cho một hãng sản xuất xe hơi tại Pháp. Hôn lễ tổ chức tại Paris. Song thân Ngọc Quỳnh và các em đều sang Kinh đô Ánh Sáng tham dự. Trong gần bốn năm, nàng sanh được hai em bé rất dễ thương. Nàng sống thật hạnh phúc bên chồng, bên con.
Nhưng cuộc đời "không đẹp mãi như thơ". Gặp rủi ro trong một tai nạn xe hơi, Ngọc Quỳnh thoát chết nhưng bị tàn tật, hư hại nhiều nơi chân trái. Nàng đi đứng không bình thường nữa!

3

Sáu năm sau dịp gặp và biết Ngọc Quỳnh, Triều đã trở thành một họa sĩ có tên tuổi. Tranh của anh được trưng bày và bán với giá cao tại nhiều phòng triển lãm. Khách mua họa phẩm của anh thường là những người giàu có trong nước và cả khách ngoại quốc. Những nhà sưu tầm thường tìm kiếm tranh có những đường nét sáng tạo mới lạ. Triều chỉ ra Bãi Sau Vũng Tàu vào ba mùa Hè kế tiếp, sau khi quen biết Ngọc Quỳnh, để vẽ tranh. Không gặp lại người xưa. Những mùa Hè sau đó, một phần vì thất vọng, một phần muốn tìm quên lãng và tìm cảnh vật khác, anh ra Nha Trang, Mũi Né và Phú Quốc...

Hè năm nay, anh dự định đi Đà Nẵng vẽ những cảnh biển đẹp tại đây và vùng phụ cận như Lăng Cô, Sơn Trà, Mỹ Khê, Hội An... Mấy ngày trước khi lên đường, anh ghé lại một phòng bán tranh đường Lê Lợi, rồi qua một cửa tiệm trưng bày khác tại đường Lê Thánh Tôn, hai nơi có nhiều họa phẩm của anh. Cô Bích Liên, người tiếp viên duyên dáng của phòng tranh sau, vừa gặp anh đã vui mừng báo tin:

- Anh Triều! Hôm qua có một bà từ nước ngoài mua luôn hai bức tranh của anh. Bức Bên Ghềnh Đá và bức Trên Bờ Cát. Bà ấy có vẻ ngưỡng mộ tranh của anh lắm. Bà còn định mua thêm bức họa Hoa Quỳnh. Ông chồng bà có lẽ không phải là dân sưu tầm tranh. Ông ấy nói hành lý nhiều rồi, đem theo tranh nặng nề thêm. Ngày mai hai vợ chồng còn đi Vũng Tàu.

Triều vội hỏi:

- Bà ấy người ra sao?

- Bà ấy đẹp, đi cùng với chồng, có cả hai đứa con còn nhỏ, thêm một bà giữ trẻ đi theo.

Từ khá lâu Triều biết Bích Liên, cô tiếp viên phòng triển lãm tranh này, có nhiều cảm tình với anh. Mấy tháng trước, anh vẽ tặng cô bức họa Thiếu Nữ Bên Hồ bằng phấn màu. Bức tranh có cô gái, bên một hồ sen, rất nghệ thuật. Bích Liên hãnh diện trưng bày bức họa tại phòng tranh này. Vài người hỏi mua, nhưng cô không bán, vì là tranh kỷ niệm. 

4
Triều bỏ dự định đi Đà Nẵng, Hội An. Ngay hôm sau anh đi Vũng Tàu. Bây giờ Triều đã có chiếc xe hơi nhỏ. Anh vẫn ở Biên Hòa nhưng đã có nhà, khang trang hơn trước nhiều. Tới Vũng Tàu, anh mướn phòng ngắn hạn tại một khách sạn, gần bên biển, tại Bãi Sau.

Triều đặt giá vẽ ở nơi có kỷ niệm gặp gỡ năm xưa. Anh vừa phác họa tranh, thỉnh thoảng lại nhìn biển khơi, nhìn bờ cát. Anh lại có ý trông tìm một hình bóng..., tuy biết có thể là vô vọng. Đây là bờ cát, với nhiều dấu chân mới. Kia là ghềnh đá quen, chênh vênh, vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Chỉ khác là cảnh cũ, nhưng không thấy hình bóng người xưa.

Khá đông người đứng phía sau Triều, coi anh vẽ tranh. Vài người bàn tán nhỏ, đôi lời khen ngợi. Triều không phân tâm nhìn về phía sau. Chuyện những người du khách, dừng chân, xem họa sĩ vẽ tranh, đối với anh thường rồi. Nhưng Triều không biết rằng trong đám đông đang theo dõi đường nét vẽ của mình, có vợ chồng Ngọc Quỳnh. Bây giờ Ngọc Quỳnh chợt nhớ lại cuộc gặp gỡ người họa sĩ năm xưa. Ngày ấy, vì bận chuẩn bị gấp đi du học, rồi lấy chồng, Ngọc Quỳnh đã vô tình quên người họa sĩ và quên lời hẹn năm nào! Lời hẹn mà nàng đã vô tâm coi như một chuyện thoáng qua. Nàng thích tranh đẹp, yêu mến nghệ thuật hội họa nên ngày đó có đôi chút cảm tình với người nghệ sĩ tình cờ gặp gỡ. Năm xưa ấy, nàng chưa có một lời nói, một cử chỉ nào xa hơn tình bạn. Nhưng là con gái, thường rất tinh tế, nàng cảm nhận được tình cảm có vẻ thiết tha của Triều . Ngày đó, nàng còn quá trẻ, mới mười tám tuổi, chưa muốn vướng bận, phân tâm về tình yêu, khi chưa gặp "đối tượng" làm mình rung cảm, chưa gặp "người trong mộng". 

Sau này, nàng được những người bạn yêu hội họa ca tụng những tác phẩm của họa sĩ Triều Hoài Ngọc. Nàng chợt nghĩ tới người họa sĩ. Hôm qua, khi tìm mua tranh, Ngọc Quỳnh được cô bán hàng cho biết người họa sĩ Hải Triều, tác giả mấy bức tranh, đã đổi bút hiệu cả năm, sáu năm về trước. Nàng thấy bồi hồi. Nhưng nàng không hỏi thêm nhiều về người họa sĩ. Ngọc Quỳnh cũng không kể chuyện quá khứ, đã sáu năm qua đi, với chồng. Giờ đây, thấy người nghệ sĩ, tóc hết để dài, không còn hút thuốc, thoáng có nét phong trần già dặn hơn xưa, cô đơn ngồi vẽ, nàng bồi hồi hơn! Ngọc Quỳnh định đến hỏi han và trò chuyện ít câu cùng người quen ngày trước. Nhưng nàng ngập ngừng, suy nghĩ. Rồi nàng lặng lẽ cùng chồng, chậm chạp tiếp tục đi trên lối nhỏ, bên cạnh các hàng quán. Ngọc Quỳnh tự nhủ thầm. Bây giờ đã có gia đình. Một chân vì tai nạn, khiến đi đứng không bình thường. Còn đâu nữa dáng đẹp ngày xưa! Sanh đẻ hai lần, lại ít vận động vì tai nạn, hiện tại nàng đã nặng trên 60 ki lô. Thôi, chuyện xưa đã qua rồi! Nên để cho người nghệ sĩ giữ nguyên vẹn những hình ảnh đẹp, còn mãi trong tâm hồn... 

5
Ánh sáng quan trọng trong hội họa. Khi mặt trời đã khuất, sau những hàng cây xa xa phía sau, Triều thu xếp giá vẽ và dụng cụ. Anh trở về khách sạn của mình.

Chiều tối hôm đó trời mát. Ngọc Quỳnh gửi con cho người giúp việc. Nàng vịn một bên tay chồng, đi chậm chạp từng bước bên bờ biển. Những dấu chân trên cát của nàng không còn đều đặn như xưa, không đẹp như xưa. Vì tật nguyền, lại thêm cân nặng, những dấu ấn của bàn chân bên phải sâu và đậm hơn bên trái...

Khoảng chín giờ sáng hôm sau, Triều lại ra chỗ cũ vẽ tranh. Thỉnh thoảng anh nhìn ra bờ cát xưa. Những dấu chân hôm qua đã được sóng biển và thủy triều ban đêm dâng lên, xóa hết. Lại có những dấu chân mới, sáng hôm nay, in trên cát. Rất vô thường. Đẹp hay không đẹp, vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ..., trong cuộc sống "chuyện gì rồi cũng qua đi", như những dấu chân trên cát. Triều nhìn những làn sóng lớn nhỏ, hàng hàng lớp lớp, hết đợt này tới đợt kia, xô vào bờ cát, rồi tan! Kể cả những bọt nước trắng xóa tung lên cao hay rất li ti dưới chân ghềnh đá. Anh tự triết lý với mình: những chuyện to tát hay nhỏ bé trong cuộc đời, cũng như những đợt sóng kia, rồi cũng vào quá khứ, vào quên lãng...

Triều chợt nhìn thấy Bích Liên, cô tiếp viên của tiệm trưng bày tranh đường Lê Thánh Tôn Sài Gòn. Cô đang cùng bà mẹ và người em gái nhỏ đi bên bờ biển. Anh nhận ra Bích Liên cũng có thân hình và dáng đi đẹp, đôi chân thon gót nhỏ...

Triều qua cơn mê tình cảm. Ít nghệ sĩ như anh,"si" lâu đến thế. Anh đã ngộ, nhận ra hạnh phúc nhiều khi ở gần bên, trong tầm tay, đâu cần chờ mong tìm kiếm xa xôi...

 

Trần Văn Khang

Niềm Tin Trong Chữa Bệnh - TS.DS Nguyễn Hữu Đức


Trong quyển sách Nơi không có bác sĩ (Where there is no doctor, ở VN có tựa đề: Chăm sóc sức khỏe), bác sĩ David Werner, tác giả cuốn sách, đã kể lại một trường hợp: “Có lần tôi thấy bệnh nhân nhức đầu dữ dội. Một phụ nữ đưa anh ta miếng khoai, bảo rằng đây là thuốc giảm đau rất mạnh. Anh ta tin lời ăn nó và kết quả là khỏi đau nhanh chóng”.


“Thuốc vờ” hay giả dược

Trong một số nghiên cứu đúng bài bản khoa học, người ta đã chứng minh chỉ cần dùng “thuốc vờ” (tức thuốc giả và người bệnh tin là thuốc thật) có thể giúp người bệnh giảm đau không khác gì dùng thuốc giảm đau Paracetamol với tỉ lệ xấp xỉ 50%.

Ở đây, yếu tố tâm lý của người bệnh đã được tác động để phát huy tác dụng tích cực của nó. Khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải là thuốc, nhưng nếu người đó có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc thật, dùng chất đó và khỏi bệnh, hiện tượng đó được gọi là “hiệu ứng placebo”.


Trong chừng mực nào đó, có thể ghi nhận “hiệu ứng placebo” để giải thích những vụ việc liên quan việc chữa bệnh “kỳ lạ” mà nhiều người cho rằng khoa học khó có thể giải thích được.

 “Placebo” có nguyên nghĩa là “Tôi làm vui lòng”, ý nói bác sĩ sẽ tác động đến tâm lý của người bệnh, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng để mau hết bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh, thầy thuốc thường khai thác tối đa yếu tố tâm lý để giúp quá trình bệnh diễn tiến tốt.

Bác sĩ có mối quan hệ tốt với bệnh nhân, cung cách khám chữa bệnh đúng mực, nói năng nhẹ nhàng, thân tình, giải thích rõ ràng, cặn kẽ sẽ giúp bệnh nhân ổn định về mặt tâm lý và giúp việc điều trị bằng thuốc hoặc bằng phương thức trị liệu nào đó sẽ nhanh và tốt hơn. Không hiếm trường hợp đã xảy ra chỉ vì một lời nói của bác sĩ mà làm tình trạng bệnh của bệnh nhân thêm nặng hơn.

Có một số phương thức điều trị không dùng thuốc mà dựa hẳn vào yếu tố tâm lý như thôi miên, tự kỷ ám thị, thiền định... để ổn định tâm lý và từ đó người bệnh khỏe hẳn.

Trong quá trình điều trị bệnh, bác sĩ điều trị có thể cho một thứ thuốc để khai thác hiệu năng placebo. Thí dụ, bệnh nhân bị rối loạn không cần dùng đến thuốc nhưng lại có tâm lý không thể cưỡng là phải được dùng thuốc, bác sĩ có thể cho dùng vitamin để khai thác tác dụng tích cực của yếu tố tâm lý. Và thuốc trong trường hợp này là chất không có tác dụng chữa bệnh thật sự, được gọi là placebo. Người bệnh dùng placebo do tin tưởng đó là thuốc chữa bệnh thật sự và có thể khỏi bệnh.

Y học thực chứng

Tuy nhiên, ta cần xem việc chữa bệnh bằng yếu tố tâm lý chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế tất cả phương thức trị liệu của nền y học chính thống. Cũng như theo y học chính thống, thuốc phải là những chất có tác dụng thật sự dùng để điều trị, phòng bệnh và chẩn đoán bệnh.

“Có tác dụng” nghĩa là thuốc có tác dụng vật chất, hấp thu vào trong cơ thể, sau đó được chuyển hóa bài tiết để đạt hiệu quả chữa bệnh, phòng bệnh, chẩn đoán, chứ không phải chỉ dựa vào sự tin tưởng nào đó, tức không dựa vào yếu tố tâm lý không thôi, mà khỏi bệnh.

Trong y học chính thống, trong quá trình nghiên cứu nhằm tìm ra và công nhận để sản xuất một thuốc mới, người ta phải loại bỏ hoàn toàn yếu tố tâm lý trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc. Để loại trừ yếu tố tâm lý, người ta thường sử dụng phương pháp mù đôi (double blind study).

Trong phương pháp mù đôi, những người bệnh tham gia nghiên cứu được chia làm hai nhóm ngẫu nhiên và giống nhau ở một số đặc điểm (như tuổi tác, giới tính…), một nhóm sẽ được điều trị bằng thuốc cần được thử nghiệm trong nghiên cứu, nhóm thứ hai được điều trị bằng placebo có hình dạng, kích cỡ, màu sắc, mùi vị giống như thuốc thật.

Thuốc mới thử nghiệm chỉ được đánh giá là có tác dụng thật sự khi nhóm 1 có tỉ lệ tính theo thống kê là khỏi bệnh, trong khi nhóm 2 (nhóm placebo) có tỉ lệ được xem là không khỏi bệnh. Tỉ lệ khỏi bệnh ở nhóm 1 không nhất thiết 100%, chỉ cần 60-70%, nhưng quan trọng là hơn hẳn nhóm placebo. Gọi là “mù đôi” vì cả người bệnh lẫn bác sĩ chỉ định thuốc không biết thuốc nào là thuốc thật, thuốc nào là placebo.

Khi tìm hiểu để sử dụng một thuốc, bác sĩ chỉ tin cậy thông tin theo y học thực chứng, tức bác sĩ chỉ tin dùng các thuốc đã chứng minh tác dụng hiệu quả thật sự khi trải qua các thử nghiệm lâm sàng đúng quy cách khoa học và được thông tin từ các y văn đáng tin cậy.

Như vậy đối với người bệnh, đặc biệt bệnh ung thư, “tin để khỏi bệnh” là việc có khi cần nhưng không phải là tất cả. Người bệnh cần tỉnh táo, đừng quá tin vào phương thuốc hay một phương thức điều trị nào đó chưa được chứng thực về mặt khoa học mà chối bỏ phương pháp điều trị theo y học chính thống. Nhiều bệnh được điều trị theo kinh điển vẫn hiệu quả miễn không có sự chậm trễ. 


Nguyễn Hữu Đức      

Sám Hối - Sỏi Ngọc


Như ngày hội hoa đăng, ngày nhập học tại trường nam trung tiểu học Lasan Taberd, tất cả các nam sinh đều mặc quần dài xanh đậm, áo trắng còn thơm mùi vải mới cắt, giày bata trắng, tụm năm, tụm bảy cười đùa náo nhiệt, tâm sự kể cho nhau nghe những chuyện trong ba tháng hè vừa qua đã làm gì. Lác đác trong góc sân trường có những bạn lạc lõng đứng yên lặng đưa mắt nhìn quanh tìm một gương mặt quen biết trong số hàng mấy trăm học sinh …

Các frères đứng trên bục cao nhận học sinh cho năm học mới. Ai cũng mặc áo dài màu đen đến tận gót. Họ phấn khởi nhìn từng đoàn học sinh tuy huyên náo nhưng thật vô tư thánh thiện trong những chiếc áo trắng học sinh giữa sân trường.

Tất cả các em trung tiểu học đứng xếp hàng thật ngay ngắn dưới cột cờ theo lớp của mình sau khi tiếng chuông reo báo hiệu giờ tập trung, yên lặng nghe vị giám hiệu của trường, mái tóc hoa râm, với đôi kính trắng trễ xuống mũi, dõng dạc nói lời chào mừng những học sinh mới vừa ghi danh cho năm học mới và hân hoan đón những người cũ tiếp tục theo học trường.

Tôi từ Đà Lạt chuyển xuống Saigon theo gia đình, bố tôi được nhậm chức vị mới cao hơn ở Saigon, hòn ngọc Viễn Đông, thủ đô miền Nam Việt Nam.

Tôi bước vào trường với những bước chân lưỡng lự bỡ ngỡ vì tôi biết cuộc đời mình sẽ hoàn toàn thay đổi ở thành phố lớn này, tại ngôi trường mới với những bạn bè và sinh hoạt mới so với thành phố nhỏ bé yên lặng và êm đềm của Đà Lạt.

Chúng tôi theo hàng vào lớp. Lớp tôi nằm ở cuối hành lang.

Gọi là vào trung học, tưởng đã trưởng thành nhưng khi nhìn sang bên cạnh, tôi bắt gặp một cặp mắt tròn to lóng lánh, rất lạ với mái tóc ngắn à la garçonne, khuôn mặt mang một chút nét... con gái, chiếc mũi thẳng cao, chiếc miệng vuông vắn; hắn đang nhìn về phía tôi và rút trong cặp ra con gấu bông trắng thật xinh, dụ tôi:

- Thích không?… giữ đi!

- … Cho mình sao?

- Ừm… tặng đó!... tên gì?

- Thiêm… Còn bạn?

- Tuệ Khanh…

- Con gấu trắng bông, thật đẹp quá, mình rất thích! Cám ơn Tuệ Khanh nhe.

- Thiêm… không phải là học sinh cũ của trường phải không? từ đâu vào vậy?

- Mình từ Đà Lạt…

- Ah!... hèn chi đôi má lúc nào cũng hồng hồng, đẹp ghê…

Tôi bỗng đỏ mặt thêm:

- Saigon, con trai da nâu ngăm ngăm trông thật mạnh khỏe!

- Tuệ Khanh rất thích nhìn... đôi má hây hây... Chút nữa giờ ra chơi... mình cùng đi ăn chung nhe.

Mới nhập học, tôi chưa kịp quen ai trong lớp, đã gặp Tuệ Khanh, hắn quấn lấy tôi từ đầu đến cuối giờ, hết tặng tôi con gấu lại lấy đồ ăn trưa cho tôi ăn chung. Cái nhìn chăm chú kỳ lạ của hắn làm tôi cảm thấy không mấy an toàn, nhưng nghĩ lại hắn chỉ muốn làm thân với tôi thôi, tại sao tôi lại có ý nghĩ nghi ngờ về lòng tốt của hắn chứ, nên cố gắng xua đuổi ý nghĩ ấy ra khỏi đầu.

Tình bạn chúng tôi bắt đầu từ đó, hắn hay bảo tài xế đến đón tôi đi học cùng với hắn, nhưng hôm nay tôi muốn làm một bất ngờ cho hắn! Bố mẹ tôi đã đi làm từ sáng sớm, tôi cố ý đạp xe qua nhà hắn trên con đường Trần Quý Cáp để rủ hắn đi học.

Không hẹn gì cả, tôi muốn dành một ngạc nhiên cho hắn nên giấu chiếc xe đạp ở một nơi hơi xa nhà hắn rồi đi bộ lại phía sau nhà, tôi tưởng tượng khuôn mặt hắn với chiếc miệng há hốc ngạc nhiên vì sao tôi lại biết địa chỉ nhà hắn mà đến đúng phóc!

Từ xa, ngôi nhà hắn sừng sững rộng lớn, 3 tầng, chắc phải là nhà giàu, trong sân có 2 chiếc xe to một đen và một trắng, chiếc màu đen tôi đã thấy tài xế thường chở hắn đến trường rồi, thỉnh thoảng ba hắn cũng đến đón hắn bằng chiếc này.

Vòng ra phía sau nhà để nấp cho kín, tôi nghe tiếng ba hắn nói thật to:

- Bà đừng có thương chiều nó quá nhe, nó sẽ hư cho mà xem, cứ mua ba cái thứ đồ gì đâu cho con mặc à…Nó là con trai đó!!

- Nó thích vậy mà ông!

- Thích thì thích chứ, giống gì phải ra giống đó, nửa nạc nửa mỡ là tôi đánh cho chết đó! Tôi không chứa mấy thứ đó đâu!

- Thôi thôi, ông đừng có la nữa... mới sáng sớm cho con ăn uống rồi đi học đi, rồi tối về mình từ từ dạy nó…

- Mới sáng ra đã thấy nó ăn mặc mấy thứ đó là tôi sẽ… đem đốt hết!

Tôi nghe tiếng ông hứ giận dữ bỏ lên lầu.

Bỗng mẹ hắn đi về phía sau nhà, thấy bóng tôi lấp ló, bà gọi to:

- Cháu… là bạn của Tuệ Khanh phải không? Đi học hả cháu? Để bác gọi nó!

Bà bước lên vài bậc cầu thang:

- Khanh à, có bạn con tới rủ đi học nè!

- Vâng ạ! Con xuống ngay!

- Thay đồ đi hãy xuống nhe, mẹ có để bộ đồng phục ủi thẳng ngay cửa tủ đó con.

- Dạ, con thấy rồi!

Bà quay sang tôi hỏi :

- Con đến hồi nào sao không bấm chuông đi cửa trước mà…

- Con xin lỗi bác, con tính làm ngạc nhiên cho bạn Khanh….

- Ừm… không sao đâu, lần sau đi phía trước để Tuệ Khanh ra đón con vào chơi nhe!

- Dạ vâng!

- Nhà con có gần đây không?

- Dạ nhà con trên đường Sương Nguyệt Ánh ạ!

- 2 đứa đi xe đạp cẩn thận, ngoài đường xe như mắc cửi…

- Thưa bác con đi!

Tuệ Khanh với mái tóc mượt đen mun, dài che lỗ tai, cắt ấp vào khuôn mặt, với đôi hàng lông mi dài rậm, cong lên trông giống như con búp bê không hơn không kém; hắn đạp xe trước tôi thật nhanh nhẹn, dáng người dài thon, lâu lâu ngoái lại nhìn chừng xem tôi có lạc hắn không vì tôi là dân mới vào thành phố đông đúc nên chưa biết đường nhiều bằng hắn.

Chúng tôi cùng nhau đi học như thế được nửa năm, tình bạn thắm thiết hơn, hắn lo cho tôi và để ý đến cách ăn uống của tôi, biết tôi thích những món gì, hắn mang đồ theo buổi trưa cho tôi ăn, không thích tôi chơi với các bạn khác, hắn kiếm chuyện khi thấy tôi đứng nói chuyện lâu với một người bạn nào đó trong lớp; có lúc tôi giải thích lâu về một bài toán cho một bạn ngồi cạnh...cũng bị hắn cằn nhằn một chập.

Tôi rất quý hắn, nhưng tính tôi không thích giải thích dài dòng, hay trầm ngâm, thích đọc sách, tuy ít nói nhưng vẫn thích có người bạn ngồi cạnh, Tuệ Khanh lúc nào cũng thao thao bất tuyệt, kể đủ thứ chuyện, từ lúc đầu giờ học đến cuối buổi, đến nỗi khi thấy tôi có vẻ lơ là nghe hắn nói là hắn kéo khuôn mặt tôi lại đối diện với khuôn mặt hắn, hắn châu môi dí sát vào mặt tôi:

- Có nghe Khanh nói không hở? sao cứ đọc sách hoài vậy? trong sách có gì hay chớ!

Tôi chưa kịp đối đáp, hắn đã giằng quyển sách khỏi tay tôi, tôi nhấc mặt lên, hắn xuýt đặt lên môi tôi… một nụ hôn!!

Tôi giật mình, hắn lấy tay bụm miệng lại, tôi lùi lại phía sau, quyển sách bất thần rơi xuống đất, hai mắt căng to ngạc nhiên, tôi chưa kịp nói câu gì, hắn đã tiến lại sát tôi, một tay bịt miệng tôi, một tay ôm qua người tôi, cặp mắt van lơn:

- Thiêm…. Đừng… đừng… la!... mình rất thích bạn!

- Khanh… nói gì vậy?

- Khanh nói thật… Thiêm đừng cười, đừng xua đuổi mình nhe, cũng đừng sợ mình, ai cũng tránh né mình cả, mà thực ra mình đâu có bệnh gì đâu chứ, chỉ là… mình… mình…

Khanh bỏ tay ra khỏi miệng tôi, nhìn xung quanh xem có ai nhìn chúng tôi không, xong không thấy gì, hắn có vẻ yên tâm, kéo tôi ngồi lại xuống ghế. Trong cơn hoảng loạn, tôi ngồi tuột ra đầu ghế cách xa hắn gần 2 thước vừa đưa hai tay xô hắn ra.

Nước mắt hắn bắt đầu nhỏ giọt, vừa bị chạm tự ái lẫn tổn thương vì hành động xua đuổi của tôi, hắn chậm nước mắt liên hồi để những bạn khác không thấy cảnh kỳ quặc của 2 đứa con trai ngồi nói chuyện bên nhau mà có 1 đứa đang khóc giống như cảnh đôi trai gái đang giận hờn vậy.

Lúc này tôi mới nhìn hắn thật kỹ, mái tóc ngắn bum bê ôm sát với khuôn mặt, cặp mắt với ánh nhìn thật ướt át, dưới cặp lông mi cong dài như con gái, dáng người mình dây, chả lẽ hắn là… là… con gái sao? mà giống… con gái hơn là con trai! Nhưng mà… ngồi trước mặt tôi là… đứa con trai cơ mà, tôi không hiểu nổi tại sao tôi lại có ý nghĩ kỳ quặc như thế nữa! Nếu hắn là con trai thì tại sao hắn lại muốn… hôn tôi lúc nãy?

Tôi bàng hoàng, chờ cho tim bớt đập mạnh, lên tiếng:

- Khanh…Khanh… hãy nói cho Thiêm biết…

- Khanh là….

- …

- Khanh không phải là… con trai!

- Vậy… Khanh là….

- Là… con gái!

Theo phản xạ tự nhiên, tôi bật dậy khỏi chiếc ghế đá, đứng ra phía sau và dựa người vào ghế cho khỏi té, tôi nhìn xung quanh xem có ai nghe được mẩu đối thoại của chúng tôi không,… Còn những ai như thế nữa trong sân trường này đang giấu diếm thân phận của mình không? hay trong nghìn người mới có 1 như... Khanh?

Chuyện gì vậy? chuyện gì đang xảy ra vậy? tôi không thể tin được vào đôi tai của chính mình nữa! Người cùng tôi đi học mỗi sáng, cùng tôi làm bài chung, ăn chung cùng mâm, có lúc nằm lăn ra giữa bãi cỏ, gối lên chân nhau, mặc chung một chiếc áo mưa… tại sao bỗng nhiên biến thành một người khác… phái vậy? tôi muốn bịt tai lại để khỏi nghe câu chuyện hoang đường từ miệng hắn!

Trong khoảnh khắc thực tại, tôi cảm thấy thật bất mãn, thật ghét hắn, hận hắn và thấy hắn đã giả dối, lợi dụng tình bạn đẹp đẽ bao lâu nay của tôi để rồi ném cho tôi cái kết quả đã rồi! Nếu tôi chơi với hắn tiếp tục nữa thì có phải là tôi… cùng chấp nhận cái giới tính kỳ quặc của hắn không chứ! Rồi tôi sẽ bị các bạn nam khác tẩy chay, kể cả phái nữ cũng không muốn gần tôi nữa!

Bất giác tôi vụt bỏ chạy như ma đuổi vào lớp, không thèm quay nhìn lại hắn, tôi cảm thấy thật ghê tởm hắn! Tim đập thình thịch trong lồng ngực, tôi xấu hổ vì hắn, xấu hổ vì tình bạn đã cho hắn cả nửa năm qua. Chạy vào toilet nam, tôi soi khuôn mặt tôi trong gương, không biết có dính chút nước miếng nào của hắn trên khóe môi hay không, tôi vội vàng mở vòi nước thật to, để nước chảy ồ ạt thật mạnh trên mặt để làm trôi đi sự kinh tởm nhơ nhuốc ấy.

Những ngày tiếp theo đến trường, tôi không thèm để ý đến hắn, không thèm nhìn về phía chỗ hắn ngồi xem hắn có mặt hay không nữa, trong tôi như khối núi lửa đang phun nham thạch, bất mãn cái hình hài hắn vừa tuyên bố với tôi, tôi cảm thấy mình khinh bỉ hắn quá! Tôi mong hắn đừng bao giờ xuất hiện trước mặt tôi nữa!

Một tuần trôi qua, tôi không thấy bóng dáng hắn đến trường, có lẽ vì tự ái hay vì xấu hổ đã không dám vào lớp. Một chút lo lắng thoáng qua trong đầu, không biết hắn có bị gì không? Đầu óc tôi quay cuồng với những ý nghĩ không hay về hắn! Mặc dù đã nói mặc kệ hắn, khinh bỉ hắn, nhưng sao tôi cứ bị dằn vặt vì những kỷ niệm đẹp của tình bạn hơn nửa năm qua…

Đang đạp xe gần đến đầu đường nhà, bất giác tôi nghe tiếng gọi nhỏ:

- Thiêm… Thiêm…

Tôi quay đầu ngoái lại, hắn xuất hiện từ một gốc cây, trông khuôn mặt có vẻ hốc hác hơn trước, hắn dắt xe đạp lại gần tôi:

- Có thể… nghe Khanh nói một chút được không?

Tôi vội nhìn quanh mình… hắn trấn an tôi:

- Ở đây không có ai rình mình đâu, cũng chả có bạn nào trong trường đi qua đây vào giờ này đâu, Thiêm đừng lo… Khanh hỏi thật Thiêm, có phải Thiêm giận và ghét Khanh lắm không? Khanh xin lỗi Thiêm nhe, thật tình Khanh cũng không muốn để Thiêm biết thân phận của mình lúc này, nhưng không hiểu sao Khanh lại làm vậy nữa, cũng chỉ tại vì Thiêm thật dễ thương, từ ngày quen Thiêm, Khanh chỉ muốn sau này được làm…người yêu của bạn mà thôi! Khanh nói thật đó!.. Khanh biết Thiêm không thể chấp nhận.. nhưng Khanh.. muốn nói sự thật này cho Thiêm biết, không muốn giấu diếm, cũng không muốn tránh né thực tế nữa…

- Vậy gia đình bạn đã biết… chuyện này chưa?… Có đồng ý không?

- Có! ở nhà mẹ đã biết Khanh là con gái, bà vẫn rất yêu quý và tôn trọng sự lựa chọn của Khanh, nhưng ba thì... không chấp nhận, ông vẫn cứ nói là Khanh bị ma nhập, là Khanh chỉ muốn đóng kịch giả vậy thôi, rồi theo thời gian sẽ trở thành con trai. Thiêm biết đó, gia đình của Khanh chỉ có mình Khanh thôi, nếu Khanh mà có bị gì thì mẹ không thể sống nổi đâu!.. còn ba... thì mẹ đang thuyết phục ba chấp nhận!

- Tại sao ngay từ đầu Khanh không nói chuyện này cho Thiêm biết? Khanh đã lừa dối mình, lừa dối tình bạn đẹp đẽ… để rồi bây giờ mới nói thật cho mình biết!

- Hãy hiểu cho Khanh, Khanh không thể nào nói chuyện này cho ai nghe được đâu, trừ khi người đó là… người yêu của Khanh…

Vừa nói đến đó, những giọt nước mắt nhỏ xuống má Khanh, làm ướt cả quyển sách hắn ôm trước ngực. Lòng tôi nặng xuống theo từng giọt nước mắt của người bạn thân, tôi nghĩ hắn bị bệnh hơn là chấp nhận thực tế con người của hắn, tôi ái ngại nói:

- Bây giờ Thiêm đã hết… giận Khanh, nhưng không muốn… mình tiếp tục làm bạn nữa, hãy về… chữa bệnh đi, đến khi nào hết... thì hãy đến gặp Thiêm!

Tôi quay đầu xe đạp và định đạp đi, hắn nắm chặt xe tôi:

- Thiêm! Đừng bỏ Khanh... Khanh sẽ chết nếu bạn bỏ mình!

- Xin lỗi Khanh!

- … Đừng hối hận sau này đó!

Trong lòng tôi đầy dằn vặt, vừa tức tối, vừa thương, giận… Tôi cắm đầu đạp xe và không muốn nghe lời trần từ nào nữa từ chiếc miệng bệnh hoạn kia!

Sau lần đó, chúng tôi không gặp nhau nữa, tôi nhất quyết xin đổi trường!

Miền Nam Việt Nam cùng lúc có vấn đề chính trị thật gây cấn, những đường phố đều bị ngăn cấm, hoàn cảnh sôi sục vào lúc ấy; dân quân kẻ ở người đi, cả một đất nước rối tung lên lẫn với máu và nước mắt!

Gia đình tôi cùng nhau rời khỏi quê hương trong vội vã hoảng loạn không để lại lời giã biệt cho một ai…

Qua đến Canada, bố mẹ tôi bắt tay vào tìm việc, tôi phải tiếp tục học lại, cuối tuần phải làm thêm một chân chạy bàn ở những nhà hàng để phụ tiền nhà cho bố mẹ. Tôi không còn thì giờ để nhớ đến một ai nữa vì khi nằm xuống mỗi đêm là hai mắt nhíu lại không cho phép tôi nhớ đến quá khứ hay mộng mị…

Như chiếc thoi đưa... 20 năm trôi qua...  

Phải chật vật lắm tôi mới học xong ngành dược, giờ đã 34 tuổi, may mắn tôi làm dược sĩ cho pharmacie do chính tôi làm chủ; bố mẹ tôi sắp về hưu và cứ mãi hối thúc vợ chồng tôi sanh con để ông bà có cớ về hưu trông cháu. Vợ chồng tôi mới lấy nhau được 1 năm thôi nên chưa tính đến chuyện con cái, chúng tôi còn muốn đi chơi đây đó trước khi thực sự bận rộn chuyện gia đình.

Vợ tôi làm bác sĩ phụ khoa nên thời gian với gia đình còn hiếm hơn tôi, nhưng lúc nào cũng rất chu đáo. Nàng phone tôi dặn dò:

- … Hôm nay em lại phải có hẹn với khách, sẽ về nhà trễ, nếu anh đói thì ăn trước đi nhe!

- Không! anh sẽ chờ em về cùng ăn … em trễ nhiều không?

- Cái hẹn cuối của em là 5:00pm

- Ok không sao, anh cũng xong khoảng 5:00 hơn, sẽ mua đồ làm sẵn rồi về nhà chờ em về luôn…

- Nếu anh đói cứ ăn trước…

- Ừm được mà… cẩn thận em nhé!

- Vâng, bye anh!

Nàng và tôi quen nhau khi cả hai cùng học đại học, nàng như con mọt sách suốt ngày trong thư viện, tôi cũng không thua gì nên cả 2 đã gặp nhau vào một ngày cuối tuần trên sân thượng của thư viện, nơi mà chẳng có ai lên đến cả, rất xa phòng đọc chính và thật yên ổn không ai làm phiền!

Chúng tôi mỗi đứa một chồng sách cao ngất, học từ sáng đến chiều khi mặt trời đã lặn, ánh sáng tự nhiên không đủ để đọc sách nữa thì chúng tôi mới cùng giao nhau ở đầu cầu thang dẫn xuống phòng đọc chính, những câu chào hỏi thông thường mỗi tuần đã làm chúng tôi xích lại gần nhau, nhất là những tách café nóng hổi vào mỗi sáng thứ bảy tôi bất chợt mua đến cho người cùng yêu sách cạnh tôi... không ngờ lại làm nàng cảm động và như nàng thường nói với tôi là tuy đôi mắt để trên trang sách nhưng trái tim thì đập cùng nhịp với chàng, 4 mắt ngồi cách đó không xa. Bố mẹ nàng không có mặt ở Canada nên nàng xem tình yêu thương của gia đình tôi đối với nàng thật trân quý mỗi lần tôi dắt nàng về nhà ăn cơm với gia đình….

Tình cảm dần nẩy nở từ một tình bạn bình thường đến thành vợ chồng một cách nhẹ nhàng và đơn giản như thế.

Ngày nàng ra trường bác sĩ chỉ mình gia đình tôi là người gần gũi nhất, đến chúc mừng với nàng, nàng đã cảm động và ôm chặt cổ tôi, mặc cho những dòng nước mắt chảy ướt cổ áo trắng tinh mà tôi đã định mặc để cho buổi lễ đăng quang của tôi sau đó….

Chúng tôi đã thành vợ chồng được 1 năm nay, nghĩ lại giống như một câu truyện cổ tích khó tin mà có thật!

Mới 5 giờ thôi nhưng nhìn ra đường đã thấy xụp tối, tôi nghĩ chắc nàng đang có cuộc hẹn với khách, tôi ghé vào chợ mua ít đồ ăn về làm bữa tối rồi chờ nàng về dùng cơm luôn, cũng tiện trên đường về nhà.

Lúc ra trả tiền ở quầy, 1 cô gái chạy theo đưa tôi chiếc khăn quàng:

- Anh… anh làm rơi chiếc khăn quàng ở đàng kia…

- Cám ơn cô!

Tôi nhận lại chiếc khăn quàng đã đánh rơi lúc nãy ở quầy bánh mì, ngước mặt nhìn cô gái vừa trả lại cho tôi. Cô có mái tóc dài thật mượt dài ngang lưng rất đẹp, chiếc miệng vuông vắn, khuôn mặt có vẻ như quen quen mà tôi không thể nào nhớ ra đã gặp ở đâu.

Cô ta cũng nhìn lại tôi thật lâu, bất ngờ trong đôi mắt lộ vẻ vui mừng, rồi lại cúi đầu xuống như che giấu cảm xúc. Một chút lính quýnh trong hành động…

Bỗng cô vụt bỏ đi thật nhanh về hướng cửa ra khỏi chợ, bỏ lại cả chiếc xe đầy đồ ăn đã chọn từ lúc nãy!

Tôi ngoái lại nhìn giỏ xe hàng của cô ta, một quyển sách bị bỏ quên nằm hờ hững trên những gói đồ trong lúc quá vội vàng bỏ đi.

Tôi nhanh tay với lấy quyển sách, tung người chạy theo cô ra ngoài cửa để trả; nhưng vừa ra khỏi cửa thì thấy chiếc xe hơi trắng của cô lao vút thật nhanh qua mặt tôi như sợ trễ hẹn…hay… lẩn trốn!

Tôi quay lại chợ, suy nghĩ mông lung về cô gái với những hành động lạ lùng ấy, trả tiền hàng hóa và ôm luôn cả quyển sách của cô gái về nhà một cách vô thức….

Vừa chờ nồi thịt chín, vừa tiện tay tò mò lật vài trang sách của cô gái lạ mặt lúc nãy để quên, từ trong ấy rơi xuống đất một tấm hình, tôi nhặt lên…

Tuệ Khanh! Tuệ Khanh đây mà…. Người bạn học dưới trung học với tôi hồi lớp tám ở Taberd, không thể nào tôi quên được! tại sao tấm hình này lại rơi ra từ quyển sách này?? khuôn mặt bầu bĩnh thật trẻ với đôi mắt trong sáng, với hàng lông mi thật dài như con gái, khuôn miệng rộng hơi vuông vắn nhất quyết làm gì cũng phải đạt mục đích, mái tóc cắt úp ôm lấy khuôn mặt con gái! Tấm hình còn thơm mùi giấy mới cắt... hình như mới rửa in lại ngày hôm nay, tôi thầm nghĩ:

- Bây giờ bạn ra sao? bạn khỏe không?... mà sao cô con gái mảnh khảnh hồi chiều lại có tấm hình này của bạn?... bạn là gì của cô ta? Nếu tính về tuổi tác từ thuở đó đến bây giờ thì bạn không thể làm con được vì cô ta cũng không lớn tuổi hơn để làm mẹ! tôi cũng biết bác gái mẹ của bạn, không phải là cô gái hồi chiều...vậy bạn là gì của cô ta? Em trai? Hay... một người bạn trai?... mà hồi xưa bạn đâu muốn làm con trai? Bạn còn muốn làm… người yêu của tôi mà!

Tôi lắc đầu không hiểu nổi tấm hình này có quan hệ thế nào với cô gái hồi chiều nữa!

Nhưng phải công nhận cô gái ấy có nụ cười y hệt Tuệ Khanh!... chả lẽ….

Ngay lúc ấy, tiếng khóa lách cách mở cửa,vợ tôi xuất hiện, nàng hít hít ngửi:

- Anh đang làm món gì mà ngon thế? Em ngửi thấy mùi thơm bay ra tận ngoài cửa..

- Em đói chưa?

- Dĩ nhiên đói lắm rồi, mình ăn đi anh.

Nàng lại gần bếp nhìn vào nồi thịt kho của tôi, bên cạnh là quyển sách còn mở toang và tấm hình của Tuệ Khanh cũng còn mở trên trang sách ấy.

Nàng nhặt thật nhanh tấm hình lên, mắt dọ hỏi tôi:

- Anh… anh lấy từ đâu tấm hình này?

Tôi còn đang ngạc nhiên chưa trả lời thì nàng tiếp lời:

- Cô… bệnh nhân của em đã… tìm kiếm tấm hình này khá lâu…

- Hình này có quan hệ gì với cô bệnh nhân ấy?

- Là… em đã hứa không thể nói chuyện này ra được đâu!

- Tại sao phải hứa?... bộ quan trọng lắm sao?

- Phải!... rất quan trọng!

Tôi thấy nàng có vẻ nhìn về xa xăm như đang nhớ về một chuyện gì đó, có vẻ không muốn nói cho tôi nghe, nàng cất tấm hình vào bóp một cách gọn lỏn:

- Em... xin được giữ nó, cho em xin nhé!

Nàng kiễng chân lên, đặt lên cạnh môi tôi một chiếc hôn ấm áp, như trả giá cho việc mua tấm hình, với tay lấy chiếc bóp và đi thẳng vào buồng tắm!

Tôi thừ người nhìn theo dáng nàng, không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong đầu vợ tôi, và cũng chưa kịp giải thích lời nào về bức hình đó cả, không biết nàng có biết tôi đã rất thân với người trong ảnh hay không, sao nàng không tìm hiểu thêm về mối quan hệ quá khứ của tôi với người ấy, mà... lẳng lặng cất tấm hình như thế chứ!

Tôi hơi bất ngờ vì hành động của nàng, cũng... đang chờ câu hỏi của nàng, thế mà… cả 2 vẫn cứ yên lặng. Bộ nàng quen biết thân với người ấy? vậy... nàng và Tuệ Khanh có quan hệ gì? So với số tuổi thì Tuệ Khanh bằng tuổi tôi, tức là hơn nàng 2 tuổi. Tôi bóp trán suy nghĩ.. Nàng có liên hệ ra sao với Tuệ Khanh? Nàng chưa muốn nói hay muốn giấu tôi luôn? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập vẫn không có câu trả lời.

Từ xưa đến nay chúng tôi sống bên nhau rất yêu thương hạnh phúc, chưa bao giờ nàng giấu tôi điều gì, nhưng đặc biệt những hồ sơ bệnh nhân thì nàng cũng chưa từng hé lộ cho tôi biết về ai… Nàng làm việc rất nguyên tắc, tôn trọng sự bảo mật cá nhân của khách hàng, và tôi rất tôn trọng điều ấy!

Vợ tôi cầm tách café uống ngon lành và tỉnh bơ sau bữa cơm tối, tay lật tờ báo xem tin tức... Tôi phát tức, muốn tra hỏi về chuyện tấm hình, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Sao nàng lại ung dung tự tại, bình tĩnh như thế chứ? Sao nàng không hỏi tôi làm sao tôi có tấm ảnh đó? Sao nàng không nói cho tôi nghe tí gì về sự quen biết với Tuệ Khanh?

Không thể nào ngồi yên lặng chờ đợi nàng bật mí, và cũng không thể kềm chế được sự tò mò, tôi bèn đi thẳng vào vấn đề:

- Nói cho anh biết, em quen thế nào với người trong tấm ảnh vừa rồi vậy? Xin lỗi em, anh thật sự muốn biết…

Nàng ngước mặt nhìn tôi, trong đôi mắt đầy vẻ ngạc nhiên của nàng như muốn nói với tôi là tại sao tôi lại muốn biết chuyện đời tư quá khứ của ai đó, mà nàng không tiện nói!

Nàng đứng lên bỏ đi, đứng dựa người vào thành cửa sổ, tư lự. Vẫn giữ im lặng.

Bỗng nàng lên tiếng :

- Có bao giờ... anh kể cho em nghe chuyện anh quen với... cậu bé trong hình chưa?

- ...Ưm... cậu bé trong hình là chuyện xưa cũ hồi anh còn ở Việt Nam đi học thời trung học... Mà anh không thấy quan trọng nên không kể em nghe, với lại bạn bè lớn lên xa nhau... là chuyện thường mà… đâu có gì để kể!

- Vậy anh cũng đâu cần biết lý do tại sao em đã cất giữ nó!

- Anh... không hiểu em muốn nói gì cả!

- Người con gái anh gặp hồi chiều…

- Anh không hề quen… anh đánh rơi chiếc khăn, cô ta nhặt trả lại tình cờ thế thôi!

- Anh… không nhận ra cô ta sao?

- … Không! anh… không hề quen!

- Hãy từ từ suy nghĩ đi!

- Thật mà! Anh chưa hề... mà hình như khuôn mặt khá quen thuộc, anh không biết đã gặp ở đâu!

- Để em nhắc cho anh nhớ nhé!

Tôi há mồm ngạc nhiên… nghe nàng kể lể:

- Hãy nhìn tấm hình này và cô gái hồi chiều... có điểm nào giống nhau không?

Tôi cố gắng nhìn thật kỹ, từng điểm, từng nét trên khuôn mặt của Tuệ Khanh và liên kết với cô gái hồi chiều…. Hình như… Tôi thảng thốt kêu lên:

- Chả lẽ…. không lẽ….

- Phải!

Vợ tôi bắt đầu giải thích cặn kẽ:

- Hồi cậu học trò ấy còn trẻ đã rất ao ước biến thành nàng công chúa xinh đẹp, muốn sống với chính bản thân mình, nhưng gia đình cấm đoán không cho. Bố cậu bé đã coi như đây là một căn bệnh khó trị, đem cậu đi chạy chữa thầy pháp, lên đồng, gọi hồn, cậu bị họ đánh đập để đuổi quỷ ma và cho uống những thứ thuốc trừ tà mà khi uống vào là nằm vật vờ mấy ngày ói mửa…

Đến năm 15 tuổi với sự giúp đỡ của người mẹ lúc nào cũng gần gũi và hiểu thấu sự mong mỏi của con, bà đã dắt người con trai ấy sang Thái Lan... đổi hệ. Sau hơn 1 năm ròng rã khám và mổ...  người con trai Tuệ Khanh ấy biến thành nàng con gái xinh đẹp mà anh đã gặp hồi chiều!

- Sao em lại biết chuyện này? Em làm sao quen được Tuệ Khanh?

- Em không những là người em họ rất thân mà khi chị ấy và mẹ qua Thái sinh sống một thời gian đã từng ở nhà ba mẹ em để chữa bệnh, mà còn là một người bạn thân cho chị ấy trút bao muộn phiền, tự ti, đau khổ của bản thân…

Còn anh là mối tình đầu của chị ấy khi vừa biết yêu. Bị anh ruồng bỏ, tuôn ra những lời phũ phàng và tránh chị ấy bằng cách qua trường khác học, là một trong những nguyên nhân chính thôi thúc chị chuyển giới! Chị muốn thực sự là con gái để được người đối diện tiếp nhận, sống thực với con người mình, và không lừa dối người mình yêu! Chị đã khóc rất nhiều, rất khổ sở khi bị anh khước từ. Những chuyện này chị kể cho em nghe sau khi mình cưới nhau, trong một dịp em gởi hình đám cưới mình đến cho chị ấy xem, thì chị nhận ra anh, khóc sướt mướt và kể cho em nghe chuyện chị ấy đã quen anh từ trung học…

- Còn bây giờ… cô… ta sống ra sao?

- Thật tội nghiệp! kiếp sống người chuyển giới thật mong manh, nhạy cảm; ông Trời không cho họ sống lâu trong một thân phận của kẻ khác… chị đang vướng một bệnh khó chữa, và chị cũng không muốn thực sự chữa chạy, chị muốn chấm dứt cuộc sống khó khăn này, không muốn chịu đựng những câu nói cay nghiệt chua chát làm chị suy nghĩ ngày đêm, tránh mọi cái nhìn thiếu thiện cảm của người chưa chuyển giới, tự ti mặc cảm chính bản thân mình… Chị ấy thật đáng tội nghiệp chứ không như anh nghĩ chỉ là một căn bệnh!! hay là… nửa người nửa ngợm như những người lớn tuổi thường trách móc! Khi biết được em và anh lấy nhau thì chị buồn ghê lắm, như mất đi một thứ quý giá mà cả đời tìm kiếm chưa ra, khi tìm ra thì bị người khác cuỗm mất! em rất hiểu thứ tình cảm ấy của chị, nhưng biết làm sao để thay đổi được hoàn cảnh!

Tôi tiến lại nắm lấy cánh tay bé nhỏ của vợ, dắt nàng cùng ngồi xuống chiếc sofa:

- Anh thật hối tiếc những gì mình đã làm hồi xưa một cách vô ý thức… không ngờ lại đưa đến những hậu quả như vậy! Thời này, ai cũng có cuộc sống riêng, họ suy nghĩ rộng rãi hơn về vấn đề chuyển giới, anh nghĩ nếu… cô ấy muốn sống một cách tự nhiên, đi làm và lo cuộc sống thì xã hội cũng không khe khắt đâu. Hãy thuyết phục cô ta chữa bệnh nhé!

- Chị đã quyết định bỏ uống thuốc cả nửa năm nay rồi, em sợ… sẽ không lâu nữa đâu!

- Sao anh gặp cô ta… có vẻ khỏe mạnh và rất ok mà!? Chỉ có hơi xanh xao thôi!... còn những tấm hình còn nhỏ này…

- Những tấm hình thuở xưa khi cho anh... chị ấy muốn rửa lại để nhớ về kỷ niệm một thời tuổi thơ thật đẹp ấy trước khi…. ra người thiên cổ, chị ấy nói với em vậy đó!

- Anh… có thể gặp cô ta được chứ?

- Em cũng không biết có sao không nữa!… em sẽ chuyển lời của anh, sẽ cho anh biết sau. Khoảng 1 tuần sau em mới gặp lại chị ấy, vì bây giờ chị đã đi thăm mẹ ở Mỹ 1 tuần rồi…

Tôi đang làm việc ở pharmacie, nghe tiếng phone reo, tiếng thảng thốt của vợ tôi bên kia đầu dây, vừa nói vừa khóc:

- Anh à! Mình đã… không kịp rồi, chị đã mất rồi!

Tiếng khóc nàng thê lương, càng to hơn nữa… tôi sững sờ, cả người như băng đá, đánh rơi cả hộp thuốc đang cầm trên tay, miệng mấp máy không thành lời, và tôi cũng đoán nạn nhân là ai:

- Sao em biết? em… đang ở đâu?…em chắc chắn chứ?

- Anh à!… em thật hối hận đã không theo chị về thăm bác gái!… đã không nghĩ ra là chị đã muốn kết liễu đời mình… Lỗi tại em…. anh à!

- Em! Đừng tự dằn vặt mình, anh sẽ đến! em ở đâu?

- Ở trong nhà xác của nhà thương X, họ gọi em đến để nhận dạng, chị đã mất một mình trong ấp của chị, không ai bên cạnh, chị tự kết liễu đời mình bằng cả một hộp thuốc ngủ an thần…chị đi trong giấc ngủ nhẹ nhàng an bình mà trên tay còn giữ chặt tấm hình của cậu bé Tuệ Khanh hồi trung học! chắc chị thất vọng vì cuộc đời đã không dành những phần ưu tiên ngọt ngào cho chị! Em… hối hận lắm!... Hôm nay đến thăm chị ấy em định hẹn cho anh gặp chị, để nói tất cả mọi thứ một lần cuối cho chị hiểu, thế mà… Chị đã dối em, nói về thăm mẹ cả tuần, nhưng thực ra chị chỉ ở nhà, nấp mình trong bóng tối, nghĩ lại hồi ức xa xưa, tự dằn vặt mình, cuối cùng là kết liễu cuộc đời trong cô độc!

- Mẹ của chị đã biết chưa?

- Bác cũng mới biết đây thôi, bác đau khổ lắm vì chị là con một, chị muốn gì bác gái cũng chiều cả!... Chuyện vậy mà em cũng không đoán ra! Em có một phần lỗi trong việc này….

- Anh sẽ đến, chờ anh nhe!

- … Thôi… anh đừng đến!

Tôi ba chân bốn cẳng bay ra parking, nhảy lên xe…

Tìm mãi không ra chùm chìa khóa xe, tôi lại phải quay vào phòng để tìm kiếm; lục tung hết ngăn kéo, trên mặt bàn vẫn không thấy, lúc sờ tay vào túi áo trong thì chùm chìa khóa nằm ngay ngắn ở trong ấy, mà sao lúc ở ngoài garage tôi đã lục túi áo mà vẫn không thấy chúng! Thật lạ! Tôi tự nhủ chắc phải có điềm gì!

Quay lại nơi để xe thì đúng vào giờ ra về của các nhân viên, xe đông như mắc cửi làm tôi không thể nào chạy nhanh hơn được nữa, cứ chờ đợi hết chiếc này đến chiếc kia trước đầu xe tôi.

Lúc ra được tới bên ngoài, điện thoại của vợ tôi gọi:

- Anh à! Thôi đừng đón em nữa, em đi quá giang với một người bạn về rồi đây, giờ đóng cửa của nơi chị nằm ở nhà thương rồi…

- Nhưng anh…. Chưa gặp được chị ấy mà!

- … Cả đời đã không có duyên thì... phút cuối cùng này đâu còn quan trọng nữa!

- Sao em lại….

- Vâng! Chị ấy để lại một bức thư cho em, có nói là không muốn gặp lại anh nữa, không muốn anh nhìn cảnh chị mất đi trong thất vọng đau khổ… chị muốn được thiêu và rải tro trên đồi, chị chỉ muốn ra đi thảnh thơi và không vướng mắc gì nữa cả!

- Nhưng mà….

- Em nghĩ… chị đã tha lỗi cho anh rồi… anh và chị ấy không đủ duyên gặp nhau…

Vợ tôi khóc sưng mắt mấy tuần liền mỗi lần nhìn thấy hình Tuệ Khanh, tự trách, tự trừng phạt bằng cách nhốt mình trong 4 bức tường mỗi ngày cuối tuần để nhớ về người chị quá cố; nàng không còn muốn cùng tôi đi dạo hay ra ngoài mua sắm nữa!

Con đường về nhà hôm nay hình như dài hơn bao giờ hết!

Những lời đe dọa của Tuệ Khanh từ thời trung học còn vang vọng bên tai “đừng bao giờ hối hận nếu bỏ em đi…” Tôi vẫn không màng đến những lời nói của “nàng” khi xưa! Tôi cứ cứng đầu cho đó là mối tình bệnh hoạn, tôi phũ phàng quăng nó vào sọt rác không tiếc thương! Đâu ngờ đó là 1 tình yêu sớm nảy nở trong trái tim người bạn gái mang vóc dáng người nam! Thật trớ trêu thay!

Giờ tôi hối hận cũng đã muộn màng! Tuệ Khanh hận tôi cũng phải, nàng đã bị dằn vặt với những kỷ niệm không đẹp đó cho đến lớn; sau khi chuyển giới, nàng vẫn không dám đặt niềm tin vào người đàn ông nào cả, sợ họ giả dối và nhất là sự tự ti trong nàng mãi đè nặng…

Từng chiếc lá vàng của mùa thu rơi xào xạc trên con đường dẫn về nhà, tôi thật buồn, xót xa cho một người bạn vắn số, trách mình thật vô tâm, một hành động hay lời nói vô tình làm tổn thương người khác sẽ gây ra bao thứ chuyện mà cả đời này ăn năn cũng không bù đắp được!

Từ phía xa, sương phủ mờ xuống phía trước mặt, lan tỏa rộng ra cả lối đi, không thấy rõ đường trước mặt để bước, cơn gió nhẹ của mùa thu lành lạnh đôi vai, tôi rảo bước nhanh về nhà… Bỗng ngay phía trước mặt tôi thấy hiện ra cái bóng thật mờ đứng quay lưng lại với mái tóc đen dài ngang lưng, người con gái ấy lấy hai tay chặn lối không cho tôi tiến lên.

Đang trong cơn bối rối, bàng hoàng, cùng lúc ấy tôi nghe tiếng thắng xe rít trên mặt đường.

Một người đàn ông bước xuống xe tức giận to tiếng với tôi:

- Ông nhắm mắt đi hay sao mà không nhìn đường vậy?… Cũng may có cái ổ gà trước mắt mới làm tôi thắng xe lại, chứ không thì cái mạng của ông cũng đi đoong rồi!

Hoàn hồn, tôi vội vàng xin lỗi ông ta, tiếp tục nhanh chân về nhà…

Bây giờ tôi mới tin vào thế giới thứ ba, sau cái chết còn có sự sống của phần hồn, chắc chắn phần hồn của Tuệ Khanh đã hiểu trái tim tôi, đã tha lỗi cho tôi nên mới cứu tôi qua khỏi cái chết vừa qua!

Tôi tự hứa với lòng sẽ cùng vợ đọc lễ cầu siêu cho Tuệ Khanh sớm siêu thoát về cõi bình an, cũng như từ đây trở đi sẽ xem nàng như một phần tử trong gia đình để mỗi năm có thể làm giỗ, tưởng nhớ đến nàng, như một chút lòng sám hối của tôi…./.

 

Sỏi Ngọc