Chàng đi rồi, nỗi thương
nhớ trong lòng Như Kim mới thật sự bắt đầu. Trước kia, cô cũng đã
nhiều phen nếm mùi thương thương nhớ nhớ nhưng những lúc ấy thì chàng còn hiện
diện nơi đây, bất quá thì cô lén má chạy vào trường gặp chàng, nói với chàng
vài câu, nhìn nhau một thoáng là mọi thương nhớ sẽ tiêu tan.
Nhưng giờ đây thì
chàng đã đi rồi, còn ai đâu để thăm viếng chuyện trò làm thuốc giải. Nỗi
tương tư giờ đây như một vết thương bị nhiễm độc hoành hành khiến cô ngày càng
thêm hao mòn sa sút. Đêm thì nằm không ngủ, cứ trăn trở khóc thầm, ngày
thì biếng ăn, chẳng nói chẳng cười, lúc nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, hồn phách
theo chàng gởi tận đâu đâu.
Như
đoán phần nào tâm trạng của cô, một buổi trưa má gọi cô gạn hỏi nguồi cơn tự
sự. Nghĩ rằng không còn có cách nào giải bày hay cho bằng những lá thơ
của chàng hồi trong niên học, cô bèn mượn thơ chàng để thay lời thố lộ.
Cô trao má lá thơ mà chàng đã nói với cô quyết định ra đời rồi lẳng lặng theo
dõi phản ứng của má.
Đọc
xong má không tỏ vẻ gì là giận dữ mà chỉ hỏi cô:
- Rồi con trả lời sao với người ta ?
Cô
ấp úng đáp :
- Dạ…thì con…bằng lòng. Con xin lỗi đã tự ý hứa hẹn với người ta mà không chờ
lệnh ba má. Con chưa dám nói ra vì sợ má rầy la cấm cản thì tụi con sẽ
khổ đau lắm lắm. Bây giờ người ta đã đi rồi và nay mai đây sẽ viết thơ
thăm con thường xuyên, con biết rằng không thể dấu má được nữa nên phải tỏ thật
với má để má định liệu cho tụi con.
Má
chật chật lưỡi nói đang như đang có chàng trước mặt :
- Sao con không khuyên người ta ở lại, rán tu hành cho trót. Không có căn tu
làm sao đi tu cho được tới bây giờ. Dù gì, tu cũng là cội phúc, sống cho
người, phúc đức đời sau.
Cô
mau mắn trả lời :
- Dạ có chớ má, con có khuyên ảnh rồi mà ảnh không nghe. Bữa chiều lại từ
giã ba má, ảnh đã tính thưa thật chuyện này nhưng con bảo khoan vì con không
biết ba má có bằng lòng hay không. Lỡ như ba má phản đối thì ảnh sẽ
buồn rầu thất vọng lắm và sẽ không được yên lòng khi ra đi.
- Ba má đâu khó khăn đến nỗi. Má đã nghi ngờ
từ lâu rồi, từ cái ngày sau Tết khi ông ta tìm trở lại thăm con rồi sau đó còn
cho người lại nhắn con đem bài vào góp. Ngày nghỉ mà bảo học trò góp bài
là chuyện vô lý, má nghĩ đó chỉ là một cái cớ để ông ta gặp con thôi. Má
đã đoán biết hai người chắc hẳn đã có tình ý gì với nhau nhưng má không muốn
ngăn cấm con sợ con sẽ khổ lòng. Tình yêu không thể nào cấm đoán
được. Tuy má học hành chẳng bao nhiêu nhưng má đã đọc nhiều tiểu thuyết
cũng nhận thấy rằng đối với chuyện yêu đương của con cái, bậc làm cha mẹ chỉ
nên đóng vai trò cố vấn, hướng dẫn hay khuyên lơn chớ không nên lấy quyền làm
cha mẹ để ép uổng hoặc cấm đoán mà làm khổ con mình thôi chớ chẳng ích lợi
gì. Má không cản con thương ông thầy của con nhưng má muốn khuyên con
rằng, con đừng quá buồn rầu thương nhớ. Người ta hứa hẹn là hứa hẹn vậy,
con chờ thì cứ chờ nhưng đừng đặt hết lòng tin tưởng người ta. Từ đây cho
tới cái ngày hẹn về còn xa lắc, thời gian dài biết đâu còn có sự đổi
thay. Má không nói tự con người thay đổi mà sợ hoàn cảnh hay số mệnh đưa
đẩy lèo lái con người. Chừng đó con có khóc hận thì má cũng không biết
làm sao mà khuyên nhủ vỗ về con đâu.
Thố
lộ xong chuyện tình với má, cô cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng như vừa trút đi một
gánh nặng ngàn cân hay vừa hoàn thành một sứ mạng nan giải. Từ bấy lâu
nay, cô ngại nhứt là chuyện đối phó với gia đình. Cô không biết phải mở
miệng làm sao, nói sao với má để má không nghĩ xấu về chàng, để má đừng khó
khăn phản đối. Cô cứ nơm nớp lo sợ nói ra sẽ bị má rầy rà cấm
cản nên cứ âm thầm cất dấu riêng mang. Nhưng không ngờ má đã tế nhị
đoán biết và tỏ ra thông cảm chấp nhận một cách dễ dàng như vậy. Cô thật
vui mừng không bút mực nào tả xiết và thầm cám ơn má vô cùng, một người mẹ bao
dung hiểu biết, có đầu óc tân tiến cởi mở mà vô hình chung đã trở thành một bà
tiên hạnh phúc cho đời cô rồi vậy. Bây giờ thì cô có thể yên lòng, điều
làm cô sung sướng nhứt là giờ đây cô có thể nhớ chàng ra mặt, có thể nhắc đến
chàng hay nói về chàng với tất cả mọi người trong gia đình một cách tự nhiên
tha hồ và có thể ung dung viết thơ cho chàng trước mặt mọi người mà không cần
phải che che dấu dấu. Và nếu cần, nếu sợ chàng quên cô vì xa mặt thường hay
cách lòng thì thỉnh thoảng cô sẽ xin phép ba má đi thăm chàng như chàng đã là
hôn phu của cô rồi vậy.
Hơn
một tuần lễ nặng nề chậm chạp trôi qua, hôm nay cô đã nhận được thơ chàng, lá
thơ đầu tiên từ khi xa cô chàng đã gởi về. Cầm lá thơ trong tay, cô mừng
khấp khởi còn hơn bắt được vàng, lòng nghe ấm lại như chàng gần gũi đâu đây.
“Em yêu,
Về đến Sàigòn, ổn định xong mọi việc, anh vội biên thơ về cho
em để em khỏi héo lòng trông ngóng.
Ngày ra đi, chia tay với em xong, chỉ bốn mươi lăm phút sau
anh đã có mặt ở Sàigòn. Anh bước vào lòng thủ đô hoa lệ muôn mặt muôn
lòng này trong cơn nắng hè thiêu đốt với tâm trạng chán ngán rã rời. Nhớ
em nhớ điên cuồng quay quắt, nhớ Sóc Trăng hiền hòa đã bốn năm anh vui sống,
đời an nhàn không hối hả đua chen, nơi có những bình minh thánh thót chim đầu
cành, những chiều yên ả diều say gió, có em trong trắng yêu kiều khiến anh phải
động lòng dừng chân. Anh muốn quay về bên em ngay lúc ấy, muốn trở lại
mái trường xưa để ngày ngày lại xuống lớp, nhìn em đằm thắm dưới bàn hay bên
đám hoa vàng nghiêng ngả ngoài sân nắng mênh mông.
Nhưng tiếc thay ! Làm người ở đời là phải biết chấp nhận,
chấp nhận hiện tại cũng như chấp nhận tất cả, cả những gì mình không muốn không
ưa mà tạo hóa đã đưa đến cho mình và dòng đời đã lôi đã cuốn mình vào. Anh phải nghĩ đến thực tại, đến mục đích của anh. Anh phải chấp nhận đau
khổ xa em, phải chấp nhận ở lại cái thành phố không có chút cảm tình này để tìm
vươn lên, để thực hiện ước vọng tương lai của chúng mình.
Em yêu, về đây hội ý với một vài người bạn, họ cũng đồng ý với
anh, với kế hoạch sau cùng của hai ta là tạm thời anh sẽ ở lại nhà dòng để có
thể tiếp tục việc học. Nếu sự yêu cầu của anh không được chấp thuận thì
anh sẽ vừa dạy vừa tìm thời giờ để có thể tự học riêng. Anh sẽ cố gắng
làm sao để đến kỳ hạn anh có thể trở về với em, với người phương nam yêu dấu
như lời ước hẹn.
Năm năm tuy có lâu dài nhưng yêu nhau ta hãy gắng đợi chờ
nhau, anh sẽ biên thơ cho em thường xuyên để em có cảm tưởng như có anh bên
cạnh. Em đừng quá bi lụy yếu lòng, tiếc nhớ mãi những kỷ niệm đã
qua. Đời không thể chỉ sống cho dĩ vãng mà thôi mà phải thực tế nhìn thẳng
vào hiện tại và hướng về tương lai sắp tới. Nói thế không có nghĩa là anh
bảo em quên đi kỷ niệm vào yêu của chúng mình nhưng tạm thời em hãy để nó ngủ
yên, hãy cất nó lại trong tim chờ khi anh về, anh sẽ cùng em ôn lại chuyện xưa
ngày cũ. Niên học sau em hãy rán học, lấy việc học làm niềm vui để khỏa
lấp đi bao thương nhớ đợi chờ. Rồi đâu sẽ vào đó, thời gian đâu có dừng
lại bao giờ đâu em. Hôn em”.
Cô
xếp lá thơ lại, lòng bùi ngùi nhớ thương chất ngất. Chàng bảo cô đừng
quyến luyến với kỷ niệm nhưng làm sao cô có thể xoá nhòa nguôi ngoai khi cô là
kẻ ở lại, cảnh đó tình đây bắt cô cứ mãi vấn vương. Cô biết làm gì đây
cho hết ba tháng hè trống trải, cho phôi pha niềm thương nhớ, cho qua đi những
ngày tháng đọa đày cách chia.
********************
Thế
là từ đó mỗi tuần một cánh thơ xanh, những cánh thơ xanh màu tình ái đến với cô
thật đều đặn đã thay chàng xoa dịu ủi an khiến cô cảm thấy ấm dạ yên lòng,
chàng tuy xa mà như vẫn cận kề quấn quít. Ba tháng hè, cô để hết thời giờ
vào việc viết thơ và trông thơ, cô không còn biết một niềm vui nào khác hơn để
tự giúp mình vơi buồn vơi nhớ như một con sâu chỉ biết gậm nhấm nỗi sầu mà
không mong gì ngày hóa bướm. Hoặc nếu có thì cô cũng không muốn không
màng như một người thiếu phụ trung trinh từ chối mọi cuộc vui lúc chồng xa
vắng. Cứ một vài ngày là Mai lại đến rủ cô đi chơi, đi dạo phố. Quang, anh bạn hồi trong niên học cũng thường ghé thăm cô ngồi hằng giờ trò
chuyện và thỉnh thoảng mời cô đi ciné nhưng cô vẫn khước từ. Cô chỉ biết
có chàng, vui buồn vì chàng, theo chàng, theo từng bức thơ đón đợi, theo từng
nét chữ nắn nót hồi âm cho người cô yêu nơi phương trời.
Mùa
học lại đến, cô lại cắp sách đến trường. Năm nay các Frères đổi đi gần
hết, chỉ còn sư huynh hiệu trưởng là ở lại với chức vị cũ. Hai “ông nội”
và “ông ngoại” thì hình như đã được cố định ở đây. Nghe nói đã từ nhiều
năm rồi không có lệnh thuyên chuyển cho hai vị sư huynh thâm niên cao tuổi
này. Có lẽ suốt một đời phụng vụ đi khắp nơi làm rạng danh Chúa, giờ đây
đã đến lúc gối mỏi chân mòn, hai Frères đã chọn nơi này làm đất hứa, làm trạm
cuối dừng chân trước khi về yên nghỉ muôn đời bên nhan thánh Chúa…
Frère
phó mà hầu hết các học sinh đều quý mến cũng đổi về Sàigòn để thay vào một ông
già đáng ghét khác, lúc nào cũng cau có khó đăm đăm. Frère dạy Pháp văn
năm nay thì có cái tật lẩm ca lẩm cẩm quên đầu quên đuôi, lại dạy “không có
hồn” làm lớp học buồn tênh chán ngấy. Frère Pascal dạy toán năm
ngoái cũng đã ra đi, được xuất ngoại sang Bỉ. Suốt một niên học qua, lúc
nào cô cũng có mặc cảm là Frère không thích cô vì môn toán cô luôn luôn dưới
trung bình, chẳng có bài nào cô giải coi cho được để Frère hài lòng vừa ý nên
chẳng bao giờ cô đứng lại chuyện trò với Frère như các tay toán “gạo cội” dẫn
đầu. Duy chỉ có một lần, lần đầu và cũng là lần cuối, hôm ấy là ngày tan
trường, trong cuộc liên hoan có mời Frère đến dự, cô đã hát tặng Frère một bản
nhạc mà nghe chàng nói là Frère rất thích, tặng Frère như để tạ ơn, tạ
lỗi và tạ từ. Ơn một năm trời chỉ dạy mà cô chẳng lãnh hội được bao
nhiêu và giờ đây Frère đã sắp sửa ra đi…Frère đã nhìn cô bằng ánh mắt ngời cảm
động mà đến lúc đi rồi còn nhớ viết về cho cô. “… Lúc xưa, tôi đâu
có ghét Kim mà Kim cứ lánh tôi mãi, đợi đến ngày sau cuối mới nói với tôi được
đôi lời. Cám ơn Kim những cử chỉ nhỏ nhặt nhưng rất tế nhị mà Kim đã dành
cho tôi trong buổi học sau cùng ấy. Tôi rất cảm động và
không bao giờ quên…”
Frère
dạy toán mới bây giờ không có giọng nói hiền hòa của một nhà tu và đôi lúc lại
hơi bất bình thường. Chính Frère đã nói thế trong ngày đầu tự giới thiệu
mình với các học sinh. Frère cũng dặn dò rằng nếu anh chị nào có gì thắc
mắc về bài vở thì cứ lên gõ cửa phòng tôi, phòng “Venance” cũ đó. Phòng
của chàng bây giờ đã có một người khác chiếm hữu. Khung cửa sổ không màn
đó giờ đây không còn thấy chàng ra đứng nữa để nhìn xuống sân giờ tan học, nhìn
theo tà áo ai bay đến khi mờ khuất sau đôi cánh cổng trường.
Các
Frères trẻ hình như không một ai được ở yên một chỗ nào hơn bốn năm. Nếu
họ không tự ý xin đổi thì cũng được các đấng bề trên chiếu cố ra lệnh đổi đi để
ngừa hậu hoạn có lẽ, vì các đấng ấy đã sẵn mang thành kiến cho rằng người trẻ
tuổi thường hay có đầu óc cách mạng, nếu cứ cho ở mãi một nơi mọc gốc mọc rễ
thì có ngày họ sẽ gây bè kết đảng chống đối nổi loạn lên. Mỉa mai
thay ! Chính sách điều hành nội bộ trong nhà dòng cũng chẳng khác gì ngoài
quốc gia xã hội mà thời buổi nào cũng có những tay lãnh đạo độc tài, đàn áp bất
công để củng cố địa vị khiến những kẻ bầy tôi dưới trướng thường phải chịu thua
thiệt ngậm hờn.
Ban
giáo sư gần như hầu hết đều là người mới, còn học sinh đa số là những khuôn mặt
quen cũ của năm rồi. Bên lớp đệ nhị, năm nay có một số đã bỏ học ra
đời. Con trai nghe nói hầu hết là vào lính, vì chán ngán sách vở hay vì
thi rớt tú tài kỳ vừa qua. Một cứu cánh thật hay ho và ổn thỏa! Vừa
làm tròn bổn phận trai hùng thời loạn, vừa giải đáp được những bài toán cộng
trừ nhơn chia của cuộc đời, ít ra cho chính bản thân.
Khải
cũng trở lại học nhưng niên học này không còn chung lớp với cô vì Khải đã
chuyển sang ban B thay vì ban A như năm ngoái. Có lẽ Khải muốn làm một
con người thực tế, đem những con số vào đời để nghiệm lại tình cảm cho chính
xác hơn.
Trúc
thì đã theo anh chị dọn đi Sàigòn giữa lúc còn đang bãi trường. Hôm đi
Trúc sang từ giã, hai đứa bùi ngùi dặn dò nhau biên thơ và hẹn nhau còn gặp
lại. Giờ đây sáng sáng không còn ai vui chân sáo hớn hở chạy sang nhà cô
rủ đi học, tíu tít nói nói cười cười hết chuyện này đến chuyện nọ miệng chẳng
lành da non. Bây giờ chỉ còn Mai và cô, Mai đã có người yêu và cô thì
cũng có người để thương để nhớ. Trên con đường đến trường, hai đứa lầm
lũi, mỗi người một ý nghĩ riêng về người yêu của mình, trí óc còn đâu cho sách
vở ! Ôi ! Trường cũ tình xưa, cô chạnh lòng nhớ bao kỷ niệm ! Nơi này
cô với chàng đã gặp gỡ, đã giận hờn, đã yêu thương. Phấn trắng mực đen đã
bắc cầu đưa lối cho duyên thành tình. Sân trước vườn sau mới ngày nào bên
nhau dạo bước, cỏ cây hoa lá đã chứng giám cho hai người lời tình tự yêu
đương. Giờ cảnh cũ còn đây, tình xưa còn đó mà cố nhân đã cách biệt muôn
trùng ! Cô cảm thấy chán ngán sách vở làm sao, việc học đối với cô giờ đây
khó khăn hơn bất cứ một điều gì trên đời…
No comments:
Post a Comment