Pages

Monday, March 31, 2014

Câu Chuyện Thầy Lang: Dùng Muối Vừa Phải


Muối ăn (NaCl) là những hạt mầu trắng, vị mặn, tách ra từ nước biển hoặc khai thác từ mỏ di tích của biển. Đây là một chất cần thiết cho mọi sinh vật nhưng cũng có nguy cơ gây bệnh nếu dùng quá nhiều.

Muối ăn được dùng từ thuở rất sớm trong lịch sử  loài người. Trước đây, vì khan hiếm, nên muối là nguồn lợi mà nhiều lãnh chúa tranh giành. Ngày nay, nhờ kỹ thuật tinh chế tân tiến, muối được sản xuất dễ dàng, nhiều hơn và rẻ hơn.

Về cấu tạo hóa chất, muối ăn gồm hai phần tử là natri (40%) và chlor (60% ). Natri có  trong nhiều thực phẩm, nhất là trong thực phẩm chế biến và các loại nước uống.
Nhiều người cho là muối biển tốt hơn nhưng thực ra muối từ biển và muối từ mỏ có cùng lượng natri như nhau. Có thể là ở một vài mỏ, muối ít mặn vì nước biển xưa kia cũng nhạt hơn nước biển ngày nay

Vai trò muối trong cơ thể
Trong cơ thể, muối nằm trong các dung môi lỏng (50%), dự trữ trong xương (40%) và 10% trong các tế bào.
Vai trò chính yếu của muối, nhất là natri, giúp giữ cân bằng dung dịch chất lỏng ra vào các tế bào. Ngoài ra, muối còn có các vai trò khác như:
-Kiểm soát khối lượng máu, điều hòa huyết áp;
-Duy trì nồng độ acid/kiềm của cơ thể;
-Dẫn truyền tín hiệu thần kinh;
-Giúp cơ thể tăng trưởng;
-Giúp bắp thịt co duỗi;
-Giúp mạch máu co bóp khi được kích thích hoặc dưới tác dụng của kích thích tố;
-Hổ trợ việc hấp thụ đường glucose và các chất dinh dưỡng khác ở trong ruột.

Công dụng dinh dưỡng
-Muối tạo ra một vị mặn đặc biệt cho thực phẩm.
-Muối làm tăng mùi vị của món ăn. Chỉ với một chút muối có thể làm sự  thơm ngon của miếng thịt lợn nướng chả dậy mùi. Một vài món thực phẩm ngọt mà chêm tý muốicũng đậm đà hơn.
-Muối được dùng để cất giữ thực phẩm, chống lại tác dụng của vi khuẩn, nấm mốc. Với thịt chế biến, muối làm các thành phần của thịt kết liên với nhau. Nhờ muối mà thực phẩm có thể để dành lâu ngày cũng như chuyên trở tới các địa phương xa.
-Muối ngăn sự lên men của thực phẩm. Lên men làm thay đổi hóa chất, hương vị, hình dạng, vẻ ngoài của món ăn.

Về dinh dưỡng, muối có trong thực phẩm tự nhiên và nước uống (20-40%), được cho thêm khi nấu nướng hoặc khi ăn. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là trong thực phẩm chế biến (40-50%). Vì thế, khi mua các loại thực phẩm chế biến, ta cần đọc  kỹ nhãn hiệu thực phẩm để biết hàm lượng muối trong đó. Nước tương tầu, nước mắm, các loại nước chấm xì dầu, mù tạc, ketchup, salad dressing… cũng có nhiều muối.

Nhu cầu
Nhu cầu muối ở người bình thường tùy thuộc vào khí hậu thời tiết, mức độ hoạt động của cơ thể. Mỗi ngày cơ thể mất đi khoảng 120 mg muối qua phân, nước tiểu, mồ hôi…
Các chuyên viên y tế dinh dưỡng đều khuyên là mỗi ngày ta không nên dùng quá 2500mg natri, tương dương với một thìa cà phê muối. Thực ra, cơ thể chỉ cần khoảng 500 mg natri là đủ để duy trì sức khỏe. Số lượng này có sẵn trong các bữa ăn đa dạng và cân bằng các chất dinh dưỡng.

Nhiều người ăn tới 5000- 6000mg natri  một ngày. Họ không thấy ngon miệng đối với món ăn ít muối vì thế mỗi khi ăn lại phải thêm muối vào thực phẩm để tăng khẩu vị. Họ rất thích ăn thực phẩm làm sẵn như khoai mỏng chiên, đậu phọng, hột điều rang trong đó có khá nhiều muối.

Dùng muối nhiều hay ít, mặn hay nhạt là một thói quen, giống như khi ta ăn các món cay, chua, ngọt. Người quen ăn nhạt, độ 250 mg muối mỗi ngày,  rất nhạy cảm đối với muối, và nếu trong thức ăn có thêm một chút muối, họ cũng phân biệt được ngay. Trái lại những người quen ăn mặn, từ 10 đến 20 gr mỗi ngày, thì có cái lưỡi như chai lì với muối, và nếu thức ăn có thêm muối họ cũng không thấy mặn hơn.
Khi có thói quen ăn nhạt thì thưởng thức được hương vị nguyên thủy của nhiều thực phẩm không thêm muối.

Tác dụng trên sức khỏe
Mối quan tâm thứ nhất của nhiều người là sự liên hệ giữa quá nhiều muối với cao huyết áp. Liên hệ này thực ra đã được để ý tới từ hàng ngàn năm nay.
Người Nhật ở Miền Bắc ăn 28 g muối (khoảng 6 thìa cà phê) mỗi ngày cho nên tỷ số người mắc bệnh cao huyết áp cao hơn dân miền Nam ít ăn muối tới 38%.
Thổ dân Alaska ăn ít muối nên ít bị bệnh cao huyết áp.
Người Mỹ ăn từ 10 đến 15 g muối mỗi ngày, tức là gấp đôi hay gấp ba số lượng vừa phải, cho nên tỷ lệ dân chúng bị bệnh cao huyết áp lên tới 25%. Cao huyết áp là một trong nhiều nguyên cơ đưa tới tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và suy thận.

Khi ăn nhiều muối thì sự thăng bằng giữa kali và natri trong cơ thể bị đảo lộn vì natri cao sẽ làm giảm kali trong các mô. Khi cho thêm muối vào các loại rau, đậu thì sự thăng bằng giữa natri và kali trong rau đậu cũng thay đổi.
Ví dụ trong 100 g đậu tươi có 300 mg kali và 2 mg natri. Khi thêm muối vào đậu để đóng hộp thì natri lên đến 236 mg và kali giảm xuống còn 160 mg.

Khi mức thăng bằng giữa natri và kali trong cơ thể bị đảo lộn thì cơ thể bị chứng phù nước. Đây là sự tích lũy bất thường của nước trong khoảng trống giữa các tế bào. Hậu quả là các mô thiếu dưỡng khí và là nguy cơ gây ra nhiều chứng bệnh trầm kha như bệnh suy tim. Đồng thời tim cũng phải làm việc mạnh hơn để đẩy máu vào mạch máu, và huyết áp lên cao.

Người nhậy cảm với muối thì chỉ ăn một phân lượng nhỏ, huyết áp cũng lên quá mức trung bình.
Để biết  có nhậy cảm hay không, có thể thử bằng cách sau đây: Khi huyết áp cao,  không ăn muối trong một tháng rồi đo huyết áp đều đặn. Nếu huyết áp giảm thì có nhiều phần là nhậy cảm với muối và nên giảm tiêu thụ hoặc dùng muối thay thế.

Kết quả các nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có chất natri trong muối ăn natri chlorid mới gây chứng cao huyết áp còn các loại natri khác như natri bicarbonat trong bột nướng bánh, natri citrat trong trái cây chua, natri artrat trong rượu vang đều không có liên hệ gì với bệnh cao huyết áp.
Một người Đức tên là Sebastian Kneipp, sống vào đầu thế kỷ 20, đã làm một cuộc thí nghiệm hi hữu về muối để thỏa óc tò mò.
Ông ta pha thêm muối vào thực phẩm của bò và quan sát phản ứng của con vật này. Kết quả là khi ăn nhiều muối, bò chết sớm. Khi ngưng muối thì bò sống lâu hơn, và cũng không còn đẻ non.
Gần đây có người lại thí nghiệm cho chuột ăn thêm muối. Kết quả là chuột ăn nhiều muối chết trước chuột ăn ít muối vài tháng.

Giảm muối
Thực ra ta không nên và không được loại bỏ muối khỏi món ăn vì cơ thể cần một số lượng tối thiểu. Hơn nữa, dù  muốn bỏ cũng chẳng được vì muối có tự nhiên trong nhiều thực phẩm. Nếu vì lý do sức khỏe mà phải hạn chế thì sau đây là vài gợi ý để giảm muối trong thức ăn:
-Nên dùng thực phẩm tươi, giới hạn thực phẩm biến chế, đóng hộp;
-Không cho thêm muối khi ăn;
-Không cho nhiều muối khi nấu thực phẩm. Khi ăn, thấy nhạt thì dùng thêm. Cho muối khi món ăn nấu đã gần chín, như vậy nước xúp sẽ cho cảm giác mặn hơn.
-Các loại thực phẩm ướp muối cần được rửa nhiều lần với nuớc lã để loại bỏ bớt muối trước khi ăn;
-Không để lọ muối trên bàn ăn, tránh bị quyến rũ .
-Đừng cho muối vào rau luộc, vì muối hút nước từ rau ra, rau sẽ cứng;

Phụ nữ có thai không nên quá tiết giảm sodium để tránh phù nước, vì có thai cũng cần một số sodium có trong món ăn hàng ngày.
Các vận động viên  hoặc người làm việc lao động ngoài nắng, đổ mồ hôi nhiều và mất bớt muối cũng không cần uống thêm natri, vì thực phẩm dùng sau khi vận động đều cung cấp số muối đã mất.

Một số dược phẩm bán tự do cũng có natri: thuốc làm bớt chứng khó tiêu bao tử (loại alkalizer), thuốc ho, thuốc xổ táo bón, thuốc kháng sinh… Do đó, trước khi dùng các loại thuốc này, xin coi kỹ nhãn hiệu và hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên cẩn thận khi dùng những món như mù tạt, nước sốt cà chua, dầu giấm, nước chấm thịt nướng, nước tương, xì dầu, bột ngọt và ngay cả món quốc hồn quốc túy nước mắm của mình, vì chúng có khá nhiều natri. Một muổng canh nước mắm có tới 2000 mg natri.

Kết luận
Ăn nhạt mặn là một thói quen có thể thay đổi được nếu ta muốn.
Nói như vậy không có nghĩa là ta phải ăn hoàn toàn nhạt, trừ khi có khuyến cáo của thầy thuốc. Nhưng giảm thói quen ăn mặn, chỉ dùng một lượng muối vừa phải có thể giúp ta thưởng thức thực phẩm tốt  hơn, vì thực phẩm thêm nhiều muối sẽ mất đi hương vị tự nhiên của nó.
Và sức khỏe cũng được bảo đảm an toàn, không dễ dàng bị Cao Huyết Áp rồi Heart attack, Stroke…xe lăn.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Sunday, March 30, 2014

Làm Sao Hết Cô Đơn ?

Già Ơi, Chào Mi !

 Xưa tê sáu chục đã già,
Bi chừ tám chục vẫn là còn son.
Điện thoại tán gẩu cười giòn,
Tiá lia như thuở trăng tròn mười lăm.
Tại răng ta phải quan tâm?
Chuyện ngồi xe đẩy hay cầm batoong.
Cứ tin mình vẫn còn ngon,
Dù đủ chín chục hay tròn một trăm.
Việc chi khóc kín, than thầm!
Trời cao dù “ sập cái rầm” đã sao?
Bỏ qua những chuyện tào lao,
Dùng InterNet nói khào mua vui.
Hảy yêu đời như tụi tui!
Khi gần nhắm mắt còn cười nhăn răng .
Internet mania,
Thú vui thời đại tuổi già giải khuây.
Ngừa lú lẩn trong tầm tay,
Mại dô các bạn dịp may cuối đời.

















Cách Nấu "Xôi Vò" Cấp Tốc


Xôi vò có thể nói là một món xôi béo bùi thơm ngon nhứt trong các loại xôi ngọt. 

Hồi xưa tôi không nghĩ là sẽ có lúc tôi làm món xôi này vì thấy mất công phiền phức quá mà ăn chẳng bao nhiêu. Cái gì mà phải ngâm nếp, ngâm đậu qua đêm để hôm sau đãi võ rồi nấu xôi riêng, đậu riêng như thế nào đó. Nhưng bây giờ nhiều khi nổi hứng thèm bất tử cái hương vị béo béo ngọt ngọt mằn mặn bùi bùi của miếng xôi vò, tôi đã nghĩ cách làm sao cho dễ và nhanh lẹ. Xôi vò đúng cách thì khi nấu xong sẽ bời rời từng hột nếp chớ không dính bện vào nhau như hình ảnh ở đây. Nhưng nếu thế thì đã không có bài "Xôi Vò Cấp Tốc" hay Xôi Vò dã chiến trong trang nhà hôm nay mà phải qua nhiều giai đọan cầu kỳ mất giờ.     

Món "Xôi Vò" dã chiến này tuy bề ngòai nhìn không đúng điệu xôi vò chính thống (bởi vậy mới viết trong ngoặc kép) nhưng ăn miếng xôi cũng chừng đó hương vị cái ngon. Nếu quý vị nào không đồng ý thì cũng không sao, xin tùy nghi quý vị. Chỉ là muốn chia sẻ cách nấu ăn sao cho nhanh lẹ đỡ mất thời giờ mà vốn rất hiếm hoi với những người phụ nữ vừa phải đi làm hoặc coi cháu, lại vừa phải lo bếp núc cho gia đình. 

Vật liệu :

- 2 chén rưởi nếp
- 1gói đậu xanh cà võ 350 grs
- 1 hộp nước cốt dừa (coconut cream)
- 1 chén đường hoặc hơn tùy người thích ngọt đậm hay ngọt vừa 
- 2/3 muỗng cà phê muối

Cách làm :

Trước nhứt ngâm đậu khỏang nửa giờ, sau đó vo sạch nấu với mực nước săm sắp tới chín mềm. Cho đường, muối và nước cốt dừa vô nấu tiếp lửa nhỏ cho đến khi cạn khô như nấu nhưn bánh ít (nhớ canh chừng quậy liền tay khi sắp cạn nước kẻo dính đáy nồi nhứt là có đường rất dễ khét). Như thế là chúng ta đã có sẵn phần đậu vừa ngọt vừa béo ngậy. Nên nấu đậu cho ngọt gắt để khi trộn vào nếp thì mới đủ ngọt vừa ăn.


Đậu xanh đã nấu chín

Lần trước trong bài "Cách Nấu Xôi Mặn Đơn Giản" đã có chỉ qua cách nấu cơm nếp. Hôm nay trong bài này xin đăng hình lại cho các bạn dễ thực hành. Phải dằn cây muỗng nhỏ hay mũi dao ở nút điện cho nó đừng bật lên trước khi cạn nước bốc hơi, nếu không nếp sẽ không chín.

Mực nước lường cho nếp


Cơm nếp

Khi nếp chín, trộn đậu vô xới đều với nếp. Vậy là xong món xôi vò.
Đầu đuôi chỉ khỏang 2 tiếng đồng hồ. Bới ra đệ nguội, chia từng hộp để tủ lạnh ăn dần dần, 4 - 5 ngày vẫn được. 
Nếu ai thích ăn mè thì rang mè rắc lên. Rang mè cũng nhanh lắm. Không tới 10 phút là xong.


Chúc các bạn thành công!

  Người Phương Nam

Nỗi Khiếp Sợ Của Người Nước Ngoài Khi Tới Việt Nam


Có người đùa rằng, khách Tây khi đến Việt Nam phải... đi học võ trước khi ra đường. Câu nói đùa đó xuất phát từ nỗi sợ hãi của người ngoại quốc khi bị "giăng bẫy từ bề" từ giao thông lộn xộn cho đến tệ nạn "chặt chém", lừa đảo, móc túi.
Đối với người nước ngoài, giao thông nguy hiểm ở Việt Nam được ví như "sát thủ thầm lặng". Nỗi khiếp đảm của họ khi bước chân ra đường phố ở các thành phố lớn là dòng xe cộ quá đông, quá nhiều xe máy.

Ôtô xe máy chung một làn đường mà người ta ví von kiểu hạt lạc kẹp hạt vừng. Thêm vào đó đường đi lại quá hẹp, người tham gia giao thông thường không dừng đúng vạch sơn. Đó là chưa kể tới việc nhiều tuyến đường trong phố cổ, đèn đỏ dường như chẳng có mấy tác dụng khi đường nhỏ, giao nhau nhiều, các phương tiện cứ thế chạy qua khi không thấy bóng cảnh sát giao thông ở đâu.

Người nước ngoài ví mỗi lần băng sang đường giữa dòng xe cộ nườm nợp ở thủ đô là một cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm mà họ chưa từng được "trải nghiệm" ở nước mình. Và trong cuộc phiêu lưu ấy, họ có thẻ trở thành nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông bất kỳ lúc nào. 


Hai khách nước ngoài đi bộ đứng lại và nắm tay nhau thật chặt do các phương tiện khác không chịu nhường đường hay đi chậm lại.

Ví dụ điển hình nhất là vụ ông Blankenstein (46 tuổi, quốc tịch Hà Lan) bị xe đâm vì tuân thủ luật giao thông Việt Nam vào ngày 23/9/2013, trên đường Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM. 

Lúc đó, ông Blankenstein sang đường tại khu vực có vạch kẻ trắng, dành cho người đi bộ. Khi ông Blankenstein ra đến giữa đường thì bất ngờ bị một chiếc xe máy lưu thông theo hướng Bùi Thị Xuân về Cách Mạng Tháng Tám với tốc độ cao tông phải. Lực tông quá mạnh khiến ông Blankenstein văng xuống đường. Tiếp đó, một xe máy khác lưu thông hướng ngược lại không kịp xử lý tình huống bất ngờ nên tông mạnh vào nạn nhân.

Vị khách nước ngoài bị đâm liên tiếp khiến bất tỉnh.

Hai cú tông liên tiếp đã khiến ông Blankenstein bị thương khá nặng, nằm quằn quại trên đường trong đau đớn. Điều đáng nói, mặc nạn nhân nằm đau đớn trên đường, chủ phương tiện đâm đầu tiên thản nhiên cho xe tháo chạy khỏi hiện trường, chỉ còn chủ chiếc xe đâm thứ 2 đã ở lại phối hợp với người đi đường đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu.

Chị Nguyễn Thị Hằng, một người bán hàng trên phố cổ cho hay, chị đã chứng kiến không dưới một lần cảnh người nước ngoài khi sang đường bị xe máy đâm phải dù đi đúng luật. Họ hầu hết đều là khách du lịch hoặc người mới sang Việt Nam, chưa hiểu rõ về tình hình giao thông lộn xộn của Việt Nam. 

Có lần, chị Hằng còn nghe thấy 2 cô gái sau khi suýt đâm vào một ông Tây còn quay sang nói với nhau: "Bọn Tây đi ngu... như bò, sang đường mà cứ cắm đầu đi không nhìn 2 bên". Trong khi đó, người nước ngoài nọ đã đi đúng làn dành cho người đi bộ.

Trước nỗi ám ảnh của người ngoại quốc về giao thông ở Việt Nam, nhiều người thậm chí còn nói đùa: Tây sang Việt mà muốn an toàn khi ra đường thì phải trải qua khóa huấn luyện đặc biệt như "vẫy tay" thật lực để người đi đường để ý, làm biển hiệu cầm sang...

Cứ gặp Tây là "chặt chém" từ đầu tới chân
Có một sự thật mà bất kỳ người nước ngoài nào từng sống ở Việt Nam một thời gian đều hiểu rõ, đó là chính cái mác "ông Tây", "bà Tây" khiến họ luôn trở thành đối tượng bị "chặt chém" từ đầu tới chân theo đúng nghĩa đen. Cắt tóc bị "chém", đánh giày cũng bị "chém". 
Gia đình anh Jimmy (Anh) lần đầu tiên đi tour mở đến Việt Nam và ghé Hội An vào năm 2012. Một lần, anh vào tiệm cắt tóc trên đường Trần Phú cạo sơ cái đầu bóng láng của mình. Chỉ mất vài phút nhưng sau đó anh phải trả 200.000 đồng, trong khi thực tế dịch vụ này cho người Việt chỉ khoảng 30.000 đồng.


Khách du lịch nước ngoài dù mua hàng hóa gì, đi đâu cũng bị “hét” giá trên trời. 

Thậm chí, ngay cả những người đánh giày cũng tụ tập thành tốp để dễ bề bắt chẹt, chặt chém du khách ngoại quốc. Hễ thấy du khách nước ngoài, nhóm đánh giày lao tới, cúi xuống chỉ vào chân rồi dùng lọ keo ấn vào giày... Sau vài động tác, người đánh giày giơ tay ra hiệu và đòi bằng được vài trăm nghìn của khách mới chịu đi.
Theo nhiều người dân khu phố cổ, hiện tượng người đánh giày bắt chẹt khách du lịch nước ngoài khá phổ biến, nhưng không ai dám nói vì sợ "tai bay vạ gió".
Và dịch vụ khiến người nước ngoài phải "lột trái túi" nhiều nhất chính là ăn uống ở nhà hàng. Ngày 26/3/2013, một nhóm du khách gồm 7 người (4 người Nhật và 3 người Việt Nam) vào quán Hương Việt. Với 6,1kg tôm kẹt (tôm hùm loại nhỏ); 3,5kg cua; 1,7kg mực, hàu… nhóm du khách trên phải trả 16,6 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận phản ánh của nhóm du khách, đoàn kiểm tra liên ngành du lịch và dịch vụ Vũng Tàu đã tiến hành xác minh, bên cạnh việc xử phạt quán ăn Hương Việt, chủ quán còn phải bồi hoàn lại cho nhóm du khách 4,8 triệu đồng.

Các thủ đoạn "chặt chém" khách nước ngoài hiện khá phổ biến ở các quán ăn Việt. Khi khách gọi món, họ thường không mang thực đơn ra; hoặc thực đơn ghi mập mờ để gian lận số lượng và chất lượng. Khi tính tiền, nếu khách thắc mắc thì nhân viên mang ra một thực đơn khác với giá cao gấp nhiều lần ban đầu. Khi khách phản ứng, nhân viên quán tỏ thái độ hung hãn, đe dọa khiến nhiều du khách sợ mà ngậm bồ hòn làm ngọt.

Đi bộ thì nguy hiểm, xong nếu người nước ngoài muốn đi taxi cũng phải đối mặt với hiểm họa bị taxi dù chặt chém. Điển hình là vụ việc 3 vị khách nước ngoài (quốc tịch Anh, Mỹ) bắt chiếc xe taxi dán logo Hồng Minh BKS 29A-94449 đi từ đầu phố Hàng Đào sang số 9 Mã Mây (đoạn đường dài khoảng 1km) nhưng lái xe taxi “dù” đã lấy tiền cước lên tới 245.000 đồng


Tình trạng taxi móc túi khách nước ngoài vẫn xảy ra, dù lực lượng chức năng đã có những biện pháp chấn chỉnh.

Phát hiện tài xế “chặt chém” giá cước, những hành khách này đã chụp lại biển số xe và hình ảnh của lái xe, sau đó nhờ lễ tân khách sạn báo đến đường dây nóng của Sở VH-TT&DL.
Sau gần 1 ngày rà soát các hãng taxi trên địa bàn, vào 4 giờ 30 phút sáng 20/3, lực lượng Thanh tra giao thông đã phát hiện và tạm giữ xe taxi “dù” tại khu vực gần ga Hà Nội. Thừa nhận về hành vi sai trái của mình, lái xe Hoàng Triệu Quý (SN 1971) đã ký vào biên bản vi phạm và cùng lực lượng thanh tra mang tiền trả lại cho 3 du khách nước ngoài.

Tệ nạn "chôm chỉa", lừa gạt
Ngoài nỗi sợ giao thông và "chặt chém", khách Tây đến Việt Nam cũng thường phải thủ theo vài "ngón" đặc biệt để đề phòng tệ nạn ăn cắp vặt, móc túi, lừa gạt. Những kẻ xấu rất dễ lợi dụng sự cả tin và bất đồng ngôn ngữ của người nước ngoài để thừa nước đục thả câu.

Có thể kể ví dụ gần đây nhất là vụ một nhóm trộm cắp làm trò nhảy múa để chôm đồ của khách nước ngoài vào ngày 5/2. Phát hiện vợ chồng anh Natthachat Sanyaphan (SN 1970, quốc tịch Thái Lan) đang ngồi trước số nhà 30 Nguyễn Hữu Huân, có để túi xách đựng máy ảnh, nhóm trộm cắp tiến sát để "tác nghiệp". Bọn chúng đã nói chuyện và nhảy múa để thu hút sự chú ý của vợ chồng anh Natthachat Sanyaphan nhằm tạo sơ hở để 1 đối tượng lấy trộm chiếc túi xách và trốn thoát.

Cơ quan điều tra sau đó đã bắt giữ Bùi Văn Anh (SN 1985, ở Lạc Thủy, Hòa Bình), Nguyễn Thị Hồng Nguyên (SN 1983, ở Hà Nội) Nguyễn Tiến Dũng (SN 1966, ở Hà Nội), Nguyễn Thị Hạnh (SN 1975, ở Hoài Đức, Hà Nội) và đang truy bắt những đối tượng còn lại.
Một trong số những khu vực mà người nước ngoài dễ trở thành "mục tiêu" nhất chính là phố cổ Hà Nội vì đây vốn là nơi tập trung đông du khách ngoại quốc. Và hễ bước chân ra ngoài, họ sẽ bị "quây kín" bởi những người bán hàng rong, mà trong số đó, thường trà trộn kẻ xấu, lừa bịp, trộm cắp vặt.
Cuối tháng 7/2012, một số trang mạng đưa tin về một cô gái người Scotland là nạn nhân của một vụ lấy trộm hộ chiếu ở phố cổ Hà Nội. Cô kể, chỉ vừa cầm hộ chiếu trên tay đã bị mất.
“Ai lấy hộ chiếu của tôi vui lòng trả lại hoặc chỉ cho tôi cách nào lấy được. Tôi sẽ đưa thật nhiều tiền” - cô gái vừa khóc vừa giơ cao tờ 100 đô la Mỹ.

Ngay sau đó, một phụ nữ khoảng 35 tuổi bước đến khều nhẹ cô gái ngoại quốc và chỉ tấm hộ chiếu ở trên nắp capo chiếc xe hơi đậu gần đó. Cô gái kiểm tra kĩ càng lại tấm hộ chiếu của mình rồi đưa cho người phụ nữ ấy một tờ 100 USD Mỹ. Câu chuyện về tấm hộ chiếu... 100 đô la Mỹ cho thấy thực trạng đáng báo động về tình hình trộm cắp của người nước ngoài ở Việt Nam.


Một phụ nữ ngoại quốc bị người bán hàng rong đeo bám

Đến Việt Nam, người nước ngoài còn rỉ tai nhau, rằng du lịch ở phố cổ Hà Nội, nên tránh xa mấy người bán hàng rong, để không phải mua đồ giá cắt cổ, cũng như tránh bị móc túi. Cảnh giác hơn, thay vì đeo sau lưng, họ lại đeo balô... về phía trước ngực để khỏi phải bận tâm, sợ mất đồ.

Những ví dụ kể trên quả thực là câu chuyện buồn không chỉ với người nước ngoài mà cả với phần lớn người dân Việt Nam, những người luôn mong muốn và hy vọng làm đẹp hình ảnh đất nước mình trong mắt bạn bè thế giới. 

Nếu như gặp chuyện không may lần đầu tiên, người nước ngoài có thể sẽ dễ dàng bỏ qua bởi có lẽ họ cũng đã lường trước một số bất tiện khi đến một đất nước khác. 
Tuy nhiên, khi họ bị "giăng bẫy" từ bề với đủ các vấn nạn từ "chặt chém" đến "chôm chỉa", thì chắc chắn ấn tượng xấu ấy không dễ bị phai mờ, hình ảnh đất nước hình chữ S sẽ mất đi phần nào sự thân thiện, thú vị. Và việc thay đổi suy nghĩ tiêu cực của họ lúc đó chắc chắn sẽ khó hơn nhiều so với việc gây dựng ấn tượng tốt đẹp ngay từ đầu.


Đăng lại theo bài chuyển của một người bạn