Pages

Monday, May 19, 2014

Thư Của Con Gái Đi Làm Ở Saigon Gửi Cho Ba Má Ở Quê!


Ba má thân yêu!

Lần trước con gửi thư về ba má đã nhận được chưa? Ở thành phố rất bận ba má ạ, ai cũng quay cuồng suốt ngày nên có thời gian để ngồi viết một bức thư không phải dễ, con không hứa sẽ viết nhiều được đâu.
Trong thư đầu tiên, con đã kể với ba má con đã nhận được công việc ở 1 công ty karaoke. Sở dĩ như thế vì ở thành thị cái gì cũng gọi là công ty hay trung tâm, chả ai kêu “quán” hay “sạp” cả.
Công ty không đòi hỏi bằng cấp, chỉ hỏi các số đo và tuổi. Tuổi mình có thể khai gian còn các số đo mình cũng thể làm tăng lên bằng nhiều cách, do đó rất dễ được vào biên chế.

Hôm nay con muốn kể thêm cho ba má một số điều kỳ lạ mà nếu không công tác chỗ này, chắc chả ai hiểu được. Đó là đàn ông nhìn khỏe mạnh, cường tráng là thế, nhưng vào đây hầu như ai cũng mắc vô số bệnh nan y mà chắc xã hội và đặc biệt là vợ con họ ở nhà không sao biết được. Đó là:

Bệnh liệt:

 Chỉ cần bước vô phòng là ông nào ông nấy mềm nhũn cả ra ba má ạ. Chả còn sức nhấc nổi chân tay. Đến những công việc rất đơn giản như xé khăn lạnh, khui bia, rót bia, lau mặt bọn con cũng phải làm giúp họ hết. Nhiều cô phải dùng hai tay nâng ly bia lên tận miệng họ mới uống được. Đậu phộng hay kẹo cao su cũng phải bóc, đưa cho họ vào tận mồm. Chả ai đủ sức khỏe để ngồi thẳng hết, ai cũng nửa nằm nửa ngồi trên ghế, thế mới kỳ lạ.

Bệnh trùng tên:

 Chả biết họ làm nghề gì, chả biết tuổi tác bao nhiêu và chả hiểu Việt hay Pháp nhưng đã vào đây thì bọn con phải gọi là anh tuốt. Mười tám tuổi cũng anh và tám mươi tuổi cũng anh. Lỡ kêu là chú hay bác thì bị đuổi việc tức khắc.

Bệnh nóng:

 Dù là sáng hay trưa, dù là mưa hay nắng, dù mùa đông hay mùa hè, cứ vào phòng là họ thi nhau bỏ bớt áo quần, đến mức nhiều ông sẵn sàng chỉ mặc mỗi quần đùi. Họ luôn khuyến khích bọn con làm theo, đứa nào mặc nhiều đồ họ sẽ đuổi ra ngoài, họ gọi những cô không bị nóng là không nhiệt tình.

Bệnh đồng tính:

 Nhiều ông khi bước vào phòng mặt mũi rất nghiêm trọng, cử chỉ với nhau rất khách khí nhưng chả hiểu sao cứ ở trong phòng nửa ngày là họ bá vai bá cổ nhau, gọi nhau là anh em, là bạn bè, thề ở bên nhau, nhớ nhau trọn đời. Khi ra ngoài, rất nhiều ông khoác tay nhau. Có ông còn khóc, nói rằng hôm nay mới hiểu được tấm lòng bè bạn.

Bệnh trẻ con:

 Nhiều ông dáng vẻ đường bệ, tác phong cực kỳ nghiêm túc vô đây tự nhiên cứ như đứa trẻ, làm nhiều trò bọn con không bao giờ tưởng tượng được. Ông thì leo lên bàn, ông thì múa may trước ti vi, ông thì đòi bế, ông thì đòi đút cơm, có ông không tự mình mặc được quần áo, phải nhờ bọn con giúp, nhiều ông hát líu lo như con chim khiến cả phòng rất vui.

Bệnh sợ nghe điện thoại:

 Khách vô chỗ này ai cũng có điện thoại đắt tiền, nhưng nhiều ông lập tức tắt máy. Nếu ông nào còn để máy mở thì khi cần gọi hoặc có ai gọi tới đều vào toilet nói thì thầm hoặc bắt tất cả bọn con phải im lặng. Nói chung hễ cứ thấy chuông điện thoại là họ nhăn nhó và chả hiểu sao họ cứ hay nói với phía bên kia là họ đang họp, hóa ra ở thành phố, họp và hát nhiều khi là một ba má ạ.

Bệnh độc quyền trả tiền:

 Có vài khách quen, cử chỉ rất tự nhiên và thoải mái nhưng mỗi lần vô lại đi với vài khách lạ khác nhau và lúc nào cũng vậy, chỉ những khách quen ấy trả tiền thôi, có chết họ cũng không dám để cho kẻ khác trả. Con không bao giờ hiểu lý do. Thậm chí đến tiền “bo” cho nhân viên mấy ông đó cũng trả luôn. 

Bệnh xin số điện thoại:

 Hễ nhân viên nào trẻ đẹp là khách luôn hỏi xin số điện thoại, nhưng luôn được dặn là để họ gọi, đừng có gọi trước.

Bệnh cô đơn: 

Đây là căn bệnh phổ biến nhất, trầm trọng nhất mà tất cả những người đàn ông vô đây đều mắc phải ba má ạ, từ những người đàn ông cả đẩn đến những tay chơi lịch lãm. Họ luôn bảo với các nữ nhân viên là mình cô đơn, mình tuy có tiền nhưng tiền chả còn ý nghĩa gì hết.

Tóm lại, sau một tháng làm việc ở công ty karaoke, con phát hiện ra đàn ông thành phố, nhất là các ông từ Pháp, Mỹ, Úc..v..v.., sức khỏe kém xa dưới quê mình. Họ bị nhiều thứ bệnh rất giống nhau và đều có vẻ rất khó chữa, và bọn con là niềm hy vọng duy nhất cho những người đàn ông tội nghiệp này.
Ba má cứ yên tâm về con và nhớ giữ gìn sức khỏe, nhất là ba cố sao đừng để mắc những căn bệnh kể trên, ba phải yên tâm cuốc đất và trồng trọt chứ đừng bày đặt đi karaoke làm gì, nhà ta chả có tiền đóng viện phí đâu!

Con của ba má

Lê Thị Tũn.

Phước Dung 

No comments:

Post a Comment