Pages

Sunday, September 28, 2014

Dùng Dầu Cá Đúng Liều

Hồi tháng 6, tôi thấy trên đùi chân trái tôi có một vết bầm lớn bằng ngón tay cái.  Tôi đi gặp bác sĩ. Bác sĩ hỏi tôi có té hay va chạm vào đâu không, có cảm thấy đau không. Tôi cho bác sĩ hay là tôi không té,  không đụng vào đâu và không cảm thấy đau gì hết.  

Bác sĩ cho tôi đi thử máu ngay, còn gọi điện thoại cho pathology hỏi khi nào có kết quả.  Bác sĩ nói với tôi là đi đến  pathology ngay để thử máu và ngày kia đến gặp bà.  Thường thì  bác sĩ bảo tôi đi thử máu hay X ray, chẳng bao giờ họ gọi điện thoại hỏi bao giờ có kết quả, lần này tôi hãy còn ngồi ở phòng mạch chờ bác sĩ viết order cho pathology, chưa đi tới pathology mà bác sĩ đã bảo họ gởi kết quả ngay.
Hai ngày sau, tôi trở lại gặp bác sĩ để biết kết quả thử  máu,  bác sĩ cười tươi nói không có bệnh gì hết, không bị ung thư máu.  Và bác sĩ bảo tôi : ngưng  uống dầu cá  ngay lập tức. 
Thông tin về dầu cả trong bản tin này có thể tin được.    

Dầu cá chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá bởi được chiết xuất từ cá thu, cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá tuyết…
Do đó, các chế phẩm của dầu cá thường chứa một lượng lớn axít béo omega-3. Ngoài ra, chúng còn có vitamin E, canxi, sắt, các vitamin A, B1, B2, B3, C hoặc D. Nhờ vậy mà dầu cá được sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh, phổ biến nhất là những bệnh liên quan tới tim mạch.
Một số người sử dụng dầu cá để giảm huyết áp hoặc triglyceride (mỡ máu). Dầu cá cũng được dùng để phòng ngừa bệnh tim và đột quỵ.

Bằng chứng khoa học cho thấy dầu cá thực sự làm giảm nồng độ triglyceride và có vẻ giúp phòng ngừa bệnh tim cũng như đột quỵ khi sử dụng theo đúng liều khuyến nghị. Dầu cá khá an toàn đối với hầu hết mọi người, bao gồm phụ nữ có thai và cho con bú, khi dùng với liều thấp (3 g trở xuống mỗi ngày).
Tuy nhiên, dùng quá nhiều dầu cá (trên 3 g/ngày) có thể dẫn đến nguy cơ làm tăng đột quỵ hay những tác dụng phụ khác. Cụ thể:
       - Dùng hơn 3 g dầu cá mỗi ngày có thể khiến máu khó đông và làm tăng nguy cơ bị chảy máu. Mặt khác, khi dùng dầu cá liều cao còn làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, dẫn đến giảm khả năng chống nhiễm trùng.
      - Các tác dụng phụ có thể xảy ra như ợ hơi, hơi thở hôi, ợ nóng, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban và chảy máu cam. Uống dầu cá trong bữa ăn hoặc để lạnh có thể giảm những tác dụng phụ này.
      - Lạm dụng dầu cá còn có thể khiến những người mắc bệnh gan tăng nguy cơ chảy máu. Những người bị dị ứng với hải sản cũng có thể dị ứng với dầu cá. Uống dầu cá có thể làm tăng triệu chứng của bệnh trầm cảm. Sử dụng dầu cá liều cao còn có thể khiến cho việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn.
      - Dầu cá có thể làm giảm huyết áp và khiến huyết áp tụt xuống quá thấp ở những người đang dùng thuốc hạ huyết áp. Đối với người có HIV/AIDS và các bệnh suy giảm miễn dịch khác, dầu cá liều cao có thể làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
      - Một số nghiên cứu cho thấy dầu cá có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim không đều ở những bệnh nhân cấy máy khử rung. Để an toàn, tốt nhất nên tránh các chế phẩm dầu cá. Với trường hợp polyp tuyến có tính gia đình thì dầu cá có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở những người bị căn bệnh này.
     - Với thuốc chống đông máu, dầu cá có thể làm máu khó đông. Sử dụng dầu cá cùng với các thuốc chống đông máu có thể làm tăng khả năng xuất huyết. Các thuốc làm máu chậm đông bao gồm: aspirin, clopidogrel (Plavix), diclofenac (Voltaren, Cataflam), ibuprofen (Advil, Motrin, others), naproxen (Anaprox, Naprosyn), dalteparin (Fragmin), enoxaparin (Lovenox), heparin, warfarin (Coumadin)...

Tóm lại, khi sử dụng dầu cá cần có sự chỉ dẫn của thầy thuốc, không tự ý mua dùng để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. 

Việt Báo (Theo_Alobacsi)

No comments:

Post a Comment