Pages

Tuesday, November 18, 2014

Đại Kỳ Con Tim Và Lời Trăn Trối - Tự Truyện - Tâm Phương Đăng


1.
Một buổi chiều cuối tháng 06/2014 vừa qua, vợ chồng tôi được mời tham dự Party nhảy đầm. Thông thường chúng tôi chỉ nhảy những vũ điệu ít người thích nhảy như Valse, Tango …Bởi vì ít người nhảy thì sàn nhảy rộng, dễ dàng cho mình lã lướt hơn…
Lần này, một bản valse hấp dẫn nhưng tôi chỉ nhảy được nửa bài, tự nhiên cánh tay trái bị tê mỏi không nhấc lên nổi. Ngực như bị vật gì đè lên, rất khó thở và một phần sau đầu cũng bị tê. Toàn thân không còn giữ được thăng bằng. Bà xã hỏi:
-Có sao không Anh ?.
Tôi gượng đứng lại trả lời:
-Có lẽ tuổi già đã tới. Anh mệt quá, chắc phải về nhà.
Bà xã không được vui nhưng cũng ráng chìu chồng, lái xe đưa tôi về nhà.
Qua một đêm nằm ngủ, sáng thức dậy bình an.
Như thường lệ đã mấy chục năm nay, mỗi sáng thức dậy, tôi chạy khoảng 02 miles, về tắm rửa, ăn sáng rồi đi làm, đều đặn không bỏ sót buổi sáng nào. Nhưng đặc biệt sáng nay chỉ chạy được một đoạn đường ngắn là mệt lã người, phải ngồi xuống bên lề đường để thở. Xong từ từ đi bộ quay về nhà, vừa đi vừa suy nghĩ: Lạ thật ! Xưa nay mình tự hào là Thể tháo gia, ngày xưa đại diện Trường Hải quân tham dự chạy bộ, đã từng đoạt giải chạy mười cây số với trường Không quân, trường Đồng Đế, Thanh niên Khánh hòa. Ngoài ra có những buổi sáng chủ nhật đã từng bơi dọc theo bờ bìển Nha trang vài ba giờ đồng hồ, không cảm thấy mệt. Đặc biệt hơn nữa, mình là một trong số 15 SVSQ/HQ đã được ông James Crosses chọn để huấn luyện bơi đường trường trong ba tuần lễ mùa Đông tại biển Nha trang. Ông James Crosses là Huấn Luyện Viên bơi lội người Anh. Ông đã từng bơi qua eo biển Manches dài 34Km nối liền hai nước Anh và Pháp. Nhân tiện ông ghé thăm Trường Hải quân Việt nam nên có nhã ý huấn luyện giùm một lớp bơi lội 15 người.
Tóm lại tuổi trẻ của tôi là một thanh niên đầy đủ sức khỏe, tuy có hút thuốc và uống rượu lai rai không đáng kể. Nhưng từ năm 1975 sang Mỹ thì bỏ hẳn hoàn toàn thuốc lá và rượu để giúp trí nhớ việc học hành. Đúng hạn kỳ 6 tháng là đi check up. Tất cả đều tốt, không cao máu, không tiểu đường, không có mỡ trong máu. Trước khi triệu chứng này xảy ra một tháng, tôi đã được Bác sĩ gia đình tái khám và xác nhận sức khỏe rất tốt. Mặt khác, đã gần 40 năm nay, chưa bao giờ vào điều trị bất cứ bệnh gì ở bất cứ Bệnh viện nào. Có lẽ bây giờ tuổi già đã đến, như có lần tôi đã viết trong một truyện ngắn: Đời người đã đến lúc Năm năm, Sáu tháng, Bảy ngày. Bây giờ mình đã vào bảy bó thì cũng chỉ tính bằng ngày mà thôi.
Đi bộ về nhà, tôi không nói gì cho bà xã biết. Mãi đến chiều khi cùng bà xã đi công chuyện, tự nhiên tình trạng như đêm qua lại xảy ra: Tê mỏi cánh tay trái, ngực như có vật gì đè nặng, một phần phía sau đầu bị tê. Hít thở rất khó khăn. Không thể lái xe được nữa, tấp xe vào lề đường để bà xã lái về nhà.
Về đến nhà, bà xã lo lắng, gọi Bác sĩ gia đình hỏi tại sao. BS bảo bà xã lấy 03 viên Asperine 81mg đưa cho tôi uống và gọi xe cấp cứu đưa tôi vào bệnh viện gấp vì đó là triệu chứng của Heart attack. Tôi cự nự nhất định không đi, lý do giống hôm qua, tôi nằm nghỉ chốc lát sẽ khỏe trở lại mà thôi.
Gần nửa giờ sau BS gia đình gọi lại hỏi đã đưa tôi vào Bệnh viện chưa ? Ông ta đã gọi cho BS trực Emergency bệnh viện O’Connor thông báo bệnh nhân của ông sắp sửa đến. Đồng thời con gái lớn của tôi đang học Y khoa ở LA cũng gọi về hối thúc “ Ba phải đi, bệnh viện có đầy đủ y-cụ check up, nếu không có gì thì họ cho Ba về thôi, tại sao lại không đi ? “ Chẳng đặng đừng, tôi thay áo quần để bà xã chở đi chứ không cho gọi xe cứu cấp.
Vào đến Bệnh viện đã hơn 10:00 giờ đêm. Không biết BS gia đình đã thông báo những gì, nhưng khi bà xã đem tôi vào, vừa nói tên là BS trực và hai y tá đẩy chiếc giường cấp cứu ra đỡ tôi lên nằm và đưa qua phòng quang tuyến thử nghiệm trong khi bà xã ở ngoài làm thủ tục nhập viện.
Gần một giờ sau, Bs mang hồ sơ bệnh lý của tôi vào phòng và giải thích tình trạng bệnh tim cho tôi và bà xã biết kết quả:
-Hiện tại 04 van tim tôi bị nghẽn trên 90% bởi vì Coronary Artery Disease. Từ đêm nay phải ở lại Bệnh viện để sáng mai BS sẽ làm thông tim. Đêm nay tạm thời cho tôi uống Nitrostate ( Nitroglycerine ) làm dãn nở mạch máu tim.
Sáng hôm sau, đúng lịch trình, một BS Việt nam có trên hai mươi năm kinh nghiệm về tim mạch, BS Nguyễn X.N. đến làm thông tim cho tôi với sự hiện diện của BS gia đình Đoàn A..
Hơn một tíếng đồng hồ sau, BS Nguyễn X.N. lắc đầu và quyết định:
-Phải Open Heart Surgery để làm by-pass chứ không thể thông tim như thường lệ được, bởi bên trong tim mạch bị nghẽn cứng.
Khi đưa tôi về phòng điều dưỡng nằm chờ ca mổ, bà xã xin thêm một giường nhỏ di động kê phía dưới để bà ngủ lại đêm. Đồng thời đây cũng là nơi làm việc, nào là computer, nào là hồ sơ khách hàng. Ban ngày khi có khách gọi thì bà đi, xong việc bà trở về, mặc dù y tá ở đây thường xuyên ra vào chăm sóc tôi. Bà xã làm nghề tự do, buôn bán nhà cửa đã gần 30 năm nay nên có thì giờ theo dõi và chăm sóc chồng, với tôi bây giờ thật là một điều may mắn và hạnh phúc.
Lịch trình mổ tim của tôi là 07 giờ sáng July 04, 2014. Tức còn hơn 02 ngày nữa. BS phụ trách ca mổ và làm by-pass là BS Lee S., người Đại hàn, đã có trên 15 năm kinh nghiệm mổ tim và làm by-pass.
Trong hơn hai ngày đợi chờ, đã có rất nhiều bạn bè thuộc Quân chủng Hải quân VNCH và thân hữu thuộc các Hội đoàn Thiện nguyện tấp nập đến thăm. Đặc biệt là Ông Bà Cựu và Tân Hội trưởng Hội Ái hữu An Giang vùng Bắc Cali. và các Anh Chị em trong Ban Chấp Hành thường xuyên thăm viếng. Nổi bật hơn nữa là phái đoàn gồm 11 vị sư Tây tạng, dẫn đầu là Thầy Gyalrong Khentul Rinpoche thuộc Tu Viện Drepung loseling, được bà Mẹ kết nghĩa của bà xã bảo trợ từ Canada sang Mỹ chu du thuyết giảng Phật pháp. Nhân cơ hội này họ tình nguyện đến Bệnh viện cầu an cho tôi. Đồng thời họ sẽ hoãn ngày trở về sau ngày July 04, để khi tôi lên bàn mổ, họ sẽ đến nhà tôi tiếp tục cầu an.
Các y tá và nhân viên Bệnh viện rất ngỡ ngàng vì thấy người thăm viếng quá đông bèn hỏi bà xã:
- Bộ chồng bà là người nổi danh trong cộng đồng hay sao ?
Bà xã lắc đầu trả lời:
-Không phải, ông ta chỉ là một kỹ sư đã về hưu, nhưng mấy năm qua, chúng tôi làm nhiều công tác từ thiện cho nhiều Hội đoàn thiện nguyện nên quen biết nhiều người.
Cảm động nhất là buổi họp mặt gia đình vào chiều July 03, khi tất cả sáu đứa con đã trở về sum họp quanh giường bệnh. Hai đứa lớn đang công tác tại Nhựt và Hồng kông cũng đổi vé máy bay trở về Hoa Kỳ sớm hơn lịch trình.
Các BS phụ trách ca mổ cho tôi vào sáng ngày mai, gồm BS mổ và làm By pass, BS gây mê, BS thông tim và BS gia đình đã đến giải thích cho tôi, bà xã cùng tất cả các con hiện diện nghe những điều quan trọng của việc mổ tim. Sau khi mổ cần tránh cho tôi những gì có thể có hại cho tim như không cho tôi nghe biết những gì quá buồn, quá vui hay những gì làm cho tôi bị shock hay kích thích bất thình lình v.v… Đặc biệt tuần lễ này đang tranh tài chung kết bóng đá thế giới Soccer World Cup. Họ cũng cho hay sự thành công có thể đạt đến 95% nhưng cũng có 5% risky rủi ro như cơ thể bị phản ứng thuốc hoặc tim ngừng đập trong khi mổ v.v…
Khi tất cả BS ra khỏi phòng, chỉ còn lại các con các cháu, bà xã lặp lại:
- BS nói chỉ có 5% risky, nhưng nếu rơi vào trường hợp đó thì anh có điều gì trăn trối cho em và các con bây giờ không ?
Tôi nằm im nhắm mắt suy nghĩ. Thực sự trong số bạn bè, rất ít người được hạnh phúc và mãn nguyện như tôi bây giờ. Các con dù chưa công thành danh toại 100% nhưng sự chăm chỉ học hành của chúng đã làm tôi hãnh diện vô cùng.
Hai đứa con với bà vợ trước là những kỹ sư giỏi, nay đã ra đời và nên bề gia thất, có nhiều nhà cửa tài sản và 03 cháu nội.
Bốn đứa với bà vợ bây giờ thì con gái lớn nhất đang học Y khoa, con trai thứ vừa xong 04 năm khoa học xã hội, bắt đầu vào trường Luật, đồng thời làm việc cho văn phòng Luật ở San Francisco.  Con gái thứ ba đang học năm thứ nhì dự bị Y khoa theo chân chị nó, đặc biệt năm 16 tuổi ( 2011 ) đã thắng 02 giải Hoa hậu của National Asia và năm 18 tuổi ( 2013 ) đã thắng giải Queen của National Asia, đồng thời tháng 08/2014 vừa qua thắng thêm giải Herritage Fashion Việtnam tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia. Gia đình rất hãnh diện. Con trai út bắt đầu năm thứ nhất Đại học nên bây giờ vợ chồng tôi không còn gì lo lắng.
Riêng với bà xã, những năm trước có lúc vui đùa bên nhau, bà thường hỏi:
- Anh lớn hơn em nhiều nên chắc là về với Ông Bà trước. Anh có cho phép em lấy chồng nữa hay không ?.
Tôi nghiêm mặt trả lời:
- Không được. Nếu em lấy chồng thì hồn ma của anh sẽ hiện về quấy rầy em mỗi đêm.
Nhưng bây giờ, có sự hiện diện tất cả các con, và có thể đây là lời nói cuối đời, tôi sẽ nói những gì phát xuất từ đáy lòng tôi: Kể từ nay, dù Anh còn sống hay đã chết, em có toàn quyền làm bất cứ điều gì mà điều đó làm em cảm thấy sung sướng hạnh phúc cùng với con cháu và phù hợp với Từ Bi Hỷ Xã của Phật cũng như Luân thường Đạo lý người đời.
Câu trả lời này cũng là kết tinh sự thấm nhuần giáo lý Đức Phật về Duyên và Nợ trong Nhân quả Luân hồi. Được biết Duyên chỉ tồn tại khi ta còn duyên nợ và Nhân quả ân oán kiếp trước theo duyên đến kiếp này. Em và anh đến với nhau để trả nợ duyên nhau. Nếu nợ duyên trả xong rồi, dù chúng ta còn sống thì cũng chia tay mà thôi. Giống như lần hôn phối thứ nhất của anh, chỉ tồn tại hơn ba năm là hết duyên nợ, đành phải chia tay và rất nhiều cặp vợ chồng khác mà ta quen biết, họ yêu thương nhau thắm thiết, nhưng vài năm sau gặp lại mới hay họ đã chia tay, bởi không còn duyên nợ. Hay là trường hợp đặc biệt vợ chồng ông anh ruột: Gặp nhau, yêu nhau, cưới nhau chỉ trong vòng một tháng. Bây giờ đã hơn ba mươi năm vẫn sống với nhau hạnh phúc cùng đàn con.
Điều này có thể hiểu khi có nợ duyên với nhau, dù chỉ gặp nhau một lần cũng cảm nhận được sự gắn bó. Hoặc có trường hợp vợ bị chồng hành hạ ngày này qua năm nọ nhưng vẫn sống với nhau mấy chục năm nay, không thể bỏ nhau được. Nếu không phải là còn duyên nợ thì làm sao có sự gắn bó lâu dài ?
Khi mở mắt ra thấy bà xã và các con vẫn đứng quanh giường im lặng như đợi chờ tôi nói điều gì. Tôi mỉm cười nhìn quanh tất cả mọi người rồi bắt đầu lên tiếng:
- Ba đã đọc được một điển tích của Phật nói rằng ngày xưa có lần Đức Phật hỏi một môn đệ giỏi nhất: " Đời sống con người trên thế gian dài bao lâu ?"  Sau một lúc suy nghĩ, môn đệ trả lời: "Đời sống con người chỉ dài bằng hơi thở". Do đó, sự sống của Ba bây giờ cũng xác định bằng hơi thở mà thôi. Ngày mai lên bàn mổ, nếu may mắn thì tiếp tục được thở, nếu không may, không được thở, thì Ba vĩnh biệt mọi người.
Các con đứa nào cũng thút thít khóc, bà xã với hai hàng nước mắt nói:
-Không, Anh sẽ sống. Anh đã được các Sư sãi và mọi người câu an. Ngày mai lên bàn mổ, các Sư sải và Gia đình sẽ tiếp tục cầu an cho Anh. Anh phải nhớ khi thuốc mê đưa Anh vào trạng thái sắp xuất hồn, nếu có ma quỉ đến lôi kéo anh đi thì phải trì kéo từ chối và thường xuyên Niệm Phật. Chắc chắn Anh sẽ sống.
Chưa bao giờ thấy bà xã vững niềm tin tuyệt đối vào sự cầu an như bây giờ làm cho tôi quyến luyến sự sống hơn một hai ngày trước, và bình thản nói:
-Đã biết sự sống chết của con người do kiếp số, nếu số Anh đã tận thì bắt buộc phải ra đi thôi. Nhân tiện đây Ba muốn nói với các con một điều: Dù sống trong bất cứ xã hội nào, muốn có đời sống sung túc bằng hoặc hơn người thì bắt buộc phải học những điều bổ ích. Học từ Trường học, học từ Trường đời, học từ Gia đình, học từ bè bạn. Điển hình là cuộc sống của Ba. Nếu không có kiến thức học vấn, chắc chắn từ cuộc sống chăn trâu sẽ tiến lên cuộc sống của một nông phu chân lấm tay bùn, cày sâu cuốc bẩm, quanh quẩn bên ruộng lúa nương khoai suốt đời.
Nói đến đây, tôi lại nhớ về dĩ vãng tuổi ấu thơ ở làng quê nên không cầm được nước mắt, làm bà xã và các con cũng sùi sụt khóc theo ……
2.
Mặc dầu vẫn nhớ lời bà xã dặn: “ Khi thuốc mê đưa Anh vào trạng thái sắp sửa xuất hồn thì phải luôn Niệm Phật không ngừng nghỉ “ nhưng tình trạng tim tôi phải làm 04 bypass, mất nhiều thời gian nên BS gây mê đã tiêm vào một lượng thuốc mê cực mạnh. Tôi mê man ngay tức khắc, không trải qua trạng thái nào như bà xã suy đoán.
Không biết tôi đã hôn mê bao lâu. Bây giờ đang ở trạng thái mơ màng, mắt vẫn nhắm nghiền không nhướng lên nổi, miệng đang ngậm ống plastic lớn hơn ngón tay cái, thọc sâu vào cổ họng, nối với cái bình nhựa để bên cạnh giường. Hai lỗ mũi nối liền hai ống Oxy của máy thở Life support. Phần bụng phía dưới rốn được mổ một lỗ cho ống thủy tinh đường kính 1 inch nối với chiếc bình plastic để ở chân giường. Ngay khuỷu cánh tay trái chích cái kim lớn nối với các ống dây chằng chịt để chuyền nước biển và các loại thuốc tim mạch, thuốc giảm đau …. Tay phải bị buộc chặt vào thành giường, sợ tôi ngứa ngáy, cựa quậy rồi bứt ống bứt dây…Đi tiểu thì được nối một ống dài xuống cái bình dưới gầm giường.
Tóm lại, tôi phải nằm im như chết, không được trở mình cựa quậy cho dù có bị ngứa ngáy cũng phải chịu đựng. Thân xác tôi bây giờ như một Robot đang được chế tạo tại xưởng nên vẫn còn nối liền với các dây ống chằng chịt từ mặt mũi đến tay chân.
Thuốc gây mê từ từ giảm, tôi cảm giác có bàn tay đang nắm lấy tay tôi, rồi mơ hồ nghe tiếng nói:
-Nếu Anh hồi tỉnh thì bóp nhẹ tay cho tôi biết.
Tôi nghe biết và muốn bóp nhưng chưa điều khiển được bàn tay. Nằm im chừng mười phút, tôi cử động được các ngón tay nên ráng bóp nhẹ. Rồi nghe được tiếng nói có vẻ vui mừng của cô y tá:
-Ông ta đã hồi tĩnh được 50% rồi.
Sau đó nghe tiếng BS giải phẩu căn dặn y tá:
- Bây giờ tôi ra thông báo cho thân nhân ở phòng đợi, khoảng hai giờ sau tôi sẽ trở lại để check xem ông ta có thở được một mình hay không rồi sẽ quyết định tháo gỡ Life support, nhớ thường xuyên theo dõi.
Mặc dầu không biết đã mấy giờ, nhưng cũng đoán được là đã chiều tối.
Thuốc mê đã giảm nhiều, hầu như gần hết. Tâm trí tôi từ từ sáng suốt trở lại nhưng chỉ có tai nghe chứ tất cả mọi bộ phận đều như bất khiển dụng: Miệng không nói được, mắt vẫn nhắm, tay chân và toàn thân bi trói chặt vào giường không thể cựa quậy.
Đầu óc đã tỉnh táo hẳn, bắt đầu cảm thấy đau nhói con tim. Tôi rên hư hử, cô y tá chích thêm lượng thuốc giảm đau, làm tôi rơi vào giấc ngủ trở lại.
Khi tỉnh dậy thì hai mắt đã mở được. Ống Nylon từ miệng được lấy đi. Cổ họng bị khô nhưng nói được rất nhỏ và khàn khàn. Đúng lúc BS Lee S. đi vào với nụ cười tươi nói:
- Xin chúc mừng Anh đã hồi phục nhanh chóng. Bây giờ Anh đã tự thở được một mình, không cần máy thở giúp sức. Nếu không gì trở ngại thì ngày mai đưa Anh sang phòng ICU ( Intency Care Unit ), ở đó thân nhân có thể lần lượt từng người vào thăm viếng.
Trưa hôm sau, khi mở mắt thức dậy sau giấc ngủ dài, tôi cảm thấy quá đau nhức lồng ngực bởi hoàn toàn hết thuốc mê. Lần này y tá cho uống thuốc viên giảm đau thay vì chích vào mạch máu, do đó ít buồn ngủ hơn.
Bà xã bước vào với nụ cười nói:
- Cám ơn Trời Phật, Anh đã qua được cơn nguy hiểm rồi. Hôm qua Anh đã tắt thở trên bàn mổ bởi bị phản ứng thuốc. BS dặn từ nay về sau, nếu vào nằm Bệnh viện thì nhớ nói cho họ biết không được dùng cho Anh thuốc Protamine. Thuốc này đã làm áp huyết Anh xuống zero và tim ngưng hoạt động. BS phải cấp cứu hơn nửa tiếng đồng hồ mới tiếp tục làm bypass, do đó cuộc giải phẩu kéo dài hơn 06 giờ đồng hồ mới hoàn tất. Suốt ngày hôm qua em và các con ngồi ở phòng đợi để cầu nguyện, cho đến khi BS ra thông báo tin vui mới giải tán ra về. Kể từ nay là thời gian tịnh dưỡng, anh thường xuyên Niệm Phật và đừng suy nghĩ bất cứ điều gì. Chuỳện nhà cửa và các con đã có em lo.
Tôi mỉm cười và yếu ớt nói nhỏ:
- Cám ơn em …
3.
Bà xã ra khỏi phòng, tôi nhắm mắt cầu nguyện nhưng lạ thay, khi nhắm mắt lại chỉ thấy toàn là những hình ảnh ma quỉ nhăn răng há miệng đầy máu me ghê sợ, kéo nhau đi trong bóng đêm đen tối, bắt buộc tôi phải mở mắt ra.
Tôi cố tiếp tục nhắm mắt nhiều lần thử xem, nhưng lần nào cũng thế. Không thể có không gian tĩnh lặng để cầu nguyện theo ý mình được, đành phải mở mắt nằm chờ giấc ngủ.
BS Lee S. vừa vào, tôi gật đầu chào và hỏi tại sao khi tôi nhắm mắt thì thấy nhiều hình ảnh ghê sợ. BS trả lời có lẽ dùng nhiều thuốc giảm đau, để ông bảo y tá giảm bớt liều lượng.
Rồi ông giải thích thêm:
- Trong thuốc giảm đau Hydrocodone /Acetaminophene 5-325mg có chứa nhiều Opium (Á phiện ), nên tâm trí không kiểm soát và tự chủ, thần kinh như bị tê liệt, để khỏi cảm nhận được cơn đau nhức.
Qua ngày hôm sau, thuốc giảm đau được dùng bớt lại nhưng khi nhắm mắt, thay vì nhìn thấy hình ảnh ghê sợ thì lần lượt xuất hiện hình bóng những người thân thương đã qua đời. Nhất là hình ảnh ba người bạn thân đã ra đi cùng ngày tháng trong trận Hải chiến Hoàng sa, 19 tháng 01 năm 1974.
Người thứ nhất là Vương Thương, cùng quê cùng làng cùng lớp và cùng Trường Tiểu học. Là người Việt gốc Hoa, mảnh khảnh trắng trẻo, rất chăm chỉ học hành và hiền hậu dễ thương. Gia đình Ba mất sớm, chỉ có Mẹ con đơn chiếc. Khi xong Trung học thì Mẹ lâm trọng bệnh, Thương phải bỏ học để nuôi Mẹ. Vài năm sau Mẹ mất. Vì kẹt tuổi động viên, Thương vào học Hạ Sĩ Quan Hải quân. Một thời gian sau thuyên chuyển lên chiến hạm định mệnh HQ.10. tham dự trận chiến và chìm tại Hoàng Sa. Thương là T/Sĩ Giám-lộ nên lúc nào cũng ở trên Đài Chỉ Huy để quan sát và báo cáo cho Hạm trưởng, Hạm phó. Xui xẻo thay, một Hỏa tiển từ chiến hạm Trung cộng bắn trúng ngay Đài Chỉ Huy. Hạm trưởng Tr/tá NVThà tử thương cùng một số Sĩ quan, Hạ Sĩ Quan và Thủy thủ, trong đó có Vương Thương.
Hạm phó HQ.Th/tá N.T.Trí, bị thuơng nặng. Khi chiến hạm sắp chìm, Trí ra lịnh Thủy thủ đoàn xuống bè cao-su đào thoát. Trí là bạn cùng khóa Hải quân, nhưng từ lúc ra trường, chúng tôi chưa một lần gặp lại nhau cho đến khi nghe được hung tin Trí bị thương nặng, được nhân viên thuộc cấp đưa xuống bè cao su bơi ra biển khơi tránh vùng giao chiến. Nhân viên thuật lại vì vết thương quá nặng, mất máu nhiều nên sau gần hai tuần lênh đênh, phơi nắng cùng sương gió vì bè không có mui che, sóng biển từng đợt nhồi bè lên cao xuống thấp, lại không còn thức ăn nước uống, Trí đã trút hơi thở cuối cùng. Nhân viên sống sót trên bè làm Thủy táng cho Hạm phó Trí về lòng biển mẹ.
Người thứ ba vừa là bạn vừa là học trò của tôi. Thời gian Bộ TL/HQ biệt phái tôi lên Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt để đảm trách một môn dạy, Sinh Viên SQ / NV Đồng học năm thứ tư và xin qua Quân chủng Hải quân. Mỗi cuối tuần, Đồng hướng dẫn tôi làm quen với phố núi sương mù Đà lạt trong các nhà hàng ăn, quán café, hoặc dạo xem danh lam thắng cảnh nên xem nhau như anh em. Khi ra trường Đồng được thuyên chuyển đến Tuần Dương Hạm HQ5, đảm trách Sĩ quan Trọng pháo, tham dự trận Hoàng Sa và tử thương sau vài phút giao tranh.
Nghĩ tới những bạn bè thân thiết qua đời một cách đột ngột, tức tưởi, lại còn quá trẻ, người nào cũng chỉ trạc tuổi đôi mươi, tôi không cầm được nước mắt. Dầu sao bây giờ nếu tôi từ giã dương gian cũng còn hơn các bạn Thương, Trí, Đồng rất nhiều bởi đã nói được lời trăn trối với vợ con và bạn bè thân thuộc. Lời trăn trối với tôi chỉ là những điều căn dặn người thân ruột thịt còn sống, của một người sắp sửa không còn hiện hữu trên cõi đời này. Tuy nhiên, cái chết biết trước và có sửa soạn bao giờ cũng bình thản hơn chết đột ngột, chết oan, chết khi cuộc đời còn tràn đầy nhựa sống. Trong ba mươi năm nội chiến VN, đã có hàng triệu người chết oan như các bạn Thương-Trí-Đồng.
Bà xã trở vào phòng thấy tôi đang khóc, hỏi:
- Có phải Anh đau nhức lắm, chịu không nổi hay sao?
Tôi lắc đầu nói:
- Đã qua cơn đau rồi.
Không hỏi gì thêm, Bà thông báo:
- Chiều nay y tá sẽ tập cho Anh ăn xúp thật lỏng. Khi nào ngồi dậy, bước đi được thì sẽ cho ăn thức ăn đặc và chuyển ra phòng điều dưỡng bình thường. Bây giờ Em phải ra ngoài để các con lần lượt vào thăm Anh. Nên nhớ BS dặn Anh không đươc suy nghĩ gì nhiều, nhất là những chuyện buồn, chuyện quá vui, làm kích thích tim mạch...

Tâm-Phương-Đăng
( Viết sau khi chết đi sống lại )

  
Ghi chú:
Vài hàng giúp ai chưa hiểu rõ Hải quân VNCH qua những danh từ Đại-kỳ và Tiểu-kỳ mà các thủy thủ thường hay nói tới.
Hầu hết chiến hạm Hải quân VNCH được Hoa kỳ viện trợ để hoạt động trong cuộc chiến Việt nam trước tháng tư năm 1975. Tất cả các chiến hạm này được đóng và xử dụng từ thời Đệ nhị Thế chiến nên đã cũ kỹ và lỗi thời, mặc dù đã được sửa chữa và tân trang phần nào trước khi viện trợ cho Hải quân VNCH. Do đó, thủy thủ đoàn trên chiến hạm ngoài bổn phận tuần tiểu đánh giặc trong sông rạch hay ngoài biển khơi, hằng ngày phải chăm lo việc bảo trì sửa chữa các trang cụ để xử dụng được hiệu quả. Khi việc bảo trì ngoài tầm tay, có nghĩa nhân viên chiến hạm không thể làm được, bắt buộc chiến hạm trở về Hải quân công xưởng Sài gòn để sửa chữa.
Ngoài ra hàng năm theo lịch trình nếu hư hỏng ít thì sửa chữa vài ba tuần tại Hải quân Công Xưởng Sài gòn gọi là Tiểu kỳ.
Nhưng nếu hư hỏng nhiều, phải sửa chữa một hai tháng ở Hải quân Công Xưởng Hoa kỳ tại Guam Philippines gọi là Đại kỳ.
Quan niệm riêng tôi, đối với thân thể con người cũng thế, những việc chữa trị Tim, Thận, Gan Phèo Phổi nhẹ được xem như Tiểu kỳ, việc chữa trị nặng hơn cần giải phẩu để thay Tim, đổi Thận là Đại kỳ.
 
TPĐ.

No comments:

Post a Comment