Pages

Wednesday, January 14, 2015

Fast Food Đang Chạy Ngược…- Vũ Thế Thành

Bánh hambuger (hoặc đùi gà chiên) + khoai tây chiên + ly nước ngọt có gas được xem là khẩu phần hoàn hảo của cái gọi là “fast food”. Các nhà dinh dưỡng thường ái ngại với chất béo và đồ ngọt. Tổ chức WHO đầu năm 2014 đã nhập cuộc với khuyến cáo, cần thắt chặt hơn nữa đối với quảng cáo fast food, nhất là quảng cáo nhắm vào trẻ em.

Thích nghi luôn c quy đnh lng lo

Fast food mà dịch ra tiếng Việt là “thức ăn nhanh” chẳng khác nào nước mắm dịch ra tiếng Anh là fish sauce. Fast food ban đầu được xem loại thức ăn được chế biến và phục vụ nhanh. Khái niệm này theo thời gian cũng thay đổi, người ta xem đó là món ăn chế biến sẵn ở nhà hàng, chỉ cần đóng gói và “take away” (mang đi). Hiểu theo kiểu này thì Việt Nam có vô số cửa hàng fast food, chẳng hạn ra quán mua phở, bún bò, hủ tíu,…”take away”. Trong bài này chỉ đề cập đến fast food chế biến theo kiểu công nghiệp đến từ chuỗi nhà hàng của các đại gia KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King, McDonalds,…


Về an toàn thực phẩm rất khó “soi mói” fast food, vì họ có cả mô hình quản lý chất lượng rất bài bản, kiểm soát “trước đầu vào và sau đầu ra” (các nhà hàng trong nước nên học cách làm việc của họ), nhưng dinh dưỡng fast food lại là một vấn đề.

Điều e ngại nhất đó là chất béo trong fast food. Đa phần đó là chất béo no, và tệ hơn nữa là chất béo trans có trong dầu chiên. Miếng thịt bò bằm trong hambuger, đùi gà cánh gà, khoai tây… được chiên ngập dầu. Dầu chiên này được pha chế riêng và được xem là bí quyết của mỗi công ty, và không loại trừ pha cả mỡ bò (beef tallow) để bảo đảm được bảo quản và hương vị, cái mà họ gọi là ”hương vị tự nhiên” (natural flavor) . Mỡ từ con bò mà, chứ có phải tổng hợp đâu mà không được gọi là ”tự nhiên”.

Các đại gia fast food không chỉ thích nghi với văn hóa ẩm thực của địa phương, mà còn thích nghi luôn với quy định lỏng lẻo của địa phương đó. Thành phần dầu chiên của cùng 1 hãng khác nhau ở mỗi nước, và do đó trans fat tìm thấy trong cùng loại sản phẩm mỗi nơi mỗi khác.

Fast food VN ngon nhất thế giới nhờ trans fat?

Thông tấn xã AP trong bài báo năm 2006, dẫn nguồn từ tạp chí Y học New England Journal of Medicine, nghiên cứu về mức trans fat ở khoai tây chiên và gà chiên của 2 hãng McDonalds (McD) và KFC ở các nước khác nhau. Đan Mạch là một trong những nước đầu tiên có quy định giới hạn trans fat, nên hàm lượng trans fat thấp nhất, còn ở những nước khác thì…vô tư. Điều này cho thấy thành phần dầu chiên của cùng 1 hãng fast food khác nhau tùy địa phương.
Việt Nam chưa có quy định hạn chế trans fat, thậm chí cũng chưa có quy định dán nhãn trans fat. Tha hồ mà múa nhé! Không chừng fast food hambuger, đùi gà chiên của Việt Nam thuộc loại ngon nhất thế giới cũng nên.


Hầu hết các loại fast food đều rất ít chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Fast food cung cấp năng lượng khủng, trong đó gần 50% đến từ chất béo. Lấy 1 trio của McDonalds làm thí dụ gồm : 1 hambuger big Mac + 1 large khoai tây chiên + 1 lon Coca. Khẩu phần này cung cấp 1.250 Calo (nhu cầu 1 người cần khoảng 2.000 -2.500 Calo), trong đó 480 Calo đến từ chất béo, 210 đến từ nước ngọt, phần còn lại từ hambuger.

Tiếp thị của các hãng fast food cũng rất độc đáo và độc… địa. Mua hàng combo bao giờ cũng rẻ hơn từng món rời, và chiêu quá khổ (supersize) mới làm nhức nhối khách hàng, chẳng hạn, một hambuger gồm 2 lát sandwich kẹp 1 lát thịt giá 50.000 đồng, nhưng Big mac gồm 3 lát sandwich và 2 lát thịt, giá chỉ có 60.000.

Người ta chạy đi, mình chạy tới

Thị trường Việt Nam thật béo bở. Đối tượng  nhắm tới không phải là giới trung niên hay giới già. Loại này thì bảo thủ về ẩm thực hết thuốc chữa rồi. Người ta nhắm vào thanh thiếu niên, nhất là các cô cậu du học sinh. Giới trẻ vừa ăn fast food, vừa uống Coke, vừa bấm facebook hay xem phim. Chúng sẽ cảm thấy hiện đại, đúng gu, đúng điệu, như thế mới hội nhập vào cái gọi là văn hóa toàn cầu.

Rõ khổ! Khi các nước giàu đang cố gắng chuyển dần từ fast food sang các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, thì các nước đang phát triển lại tích cực chạy ngược, tiếp nhận nhiều chuỗi thức ăn nhanh từ những nước giàu.Người ta chạy đi, mình chạy tới.

Trong bản tường trình đưa ra hồi tháng 2 năm 2014, tổ chức WHO đã khuyến cáo các chính phủ cần có biện pháp mạnh hơn (firmer) để ngăn chặn dịch béo phì mà hậu quả lâu dài là tiểu đường, tim mạch và ung thư. WHO đặc biệt nhấn mạnh đến những nước có khẩu phần chính là ngũ cốc (như Việt Nam ăn gạo) lại đang dịch chuyển dần qua thực phẩm nhiều chất béo và đường.

Tuyệt diệu hảo từ

PR của các hãng fast food phát biểu: Không có thực phẩm tốt hay xấu, chỉ có khẩu phần ăn tốt hay xấu mà thôi. Tuyệt diệu hảo từ! Chỉ có bậc thầy về ngụy biện mới nghĩ ra được một câu tuyệt vời như thế. Quả banh đã chuyển qua người tiêu dùng.

Người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình. Cách tự vệ tốt nhất là “lạnh mặt” với quảng cáo. Các chiêu khuyến mãi bao giờ cũng khai thác lòng ham rẻ. Hàng tăng thêm gấp 3, tiền chỉ tăng thêm 1, khách cứ ăn cho đã, béo phì tim mạch tính sau.

Fast food ăn chơi thì được, nhưng ăn hoài thì rất phiền cho sức khỏe. 

Vũ Thế Thành

No comments:

Post a Comment