Pages

Wednesday, March 11, 2015

8 "Căn Bệnh" Công Nghệ Mới Sinh Ra Từ Thời Đại Số

Những triệu chứng chỉ xuất hiện trong kỷ nguyên công nghệ là mặt trái của sự hiện đại và Internet đối với đời sống của con người.


Công nghệ hiện đại thực sự đã thay đổi cuộc sống của chúng ta bằng cách mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tiện ích và nhanh hơn. Thế nhưng, không có điều gì là hoàn hảo, mặc dù lợi ích đã lấn át đi một số điểm trừ mang lại, công nghệ cũng đã khai sinh ra không ít những “căn bệnh” mà con người có thể đang mắc phải mà không hề hay biết.

1. Phantom Ringing Syndrome


Đã bao giờ bạn vội vàng thò tay vào túi quần để lấy chiếc điện thoại vì rõ ràng vừa cảm thấy nó rung nhưng khi nhìn vào màn hình thì lại không thấy bất cứ cuộc gọi đến, tin nhắn hay thông báo nào chưa? Nghe thì có vẻ kì lạ nhưng đây lại là một căn bệnh khá phổ biến đối với người dùng điện thoại.
Theo Giáo sư Larry Rosen, tác giả cuốn sách iDisorder, 70% người dùng thường xuyên sử dụng điện thoại thừa nhận mình mắc phải triệu chứng kể trên.

Giáo sư Larry cũng dự đoán thêm, trong tương lai không xa khi những phụ kiện công nghệ mang mặc xuất hiện trên thị trường đại trà. Hội chứng này sẽ nhanh chóng phát triển thêm nhiều biểu hiện khác. Đơn cử như sau một thời gian dài sử dụng Google Glass, rất có thể người ta sẽ có xu hướng nhìn thấy một thứ mà thực ra thứ đó đang không hề ở trước mắt họ.

2. Nomophobia

Triệu chứng: Cảm thấy bồn chồn khi không được tiếp xúc với các thiết bị di động. (Nomophobia là viết tắt của “No-mobile phobia”).

Nomophobia là cảm giác lo lắng tăng lên dần mà một số người mắc phải khi không được ở gần chiếc điện thoại của mình và sự rối loạn này thực sự có thể có những ảnh hưởng tiêu cực khá trầm trọng lên đời sống người mắc phải. Căn bệnh thời đại số kể trên đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm khi ngày càng có nhiều các trung tâm phục hồi mọc lên và phác đồ điều trị được phát triển để xử lý nó.

3. Cybersickness

Triệu chứng: Cảm thấy mất định hướng và choáng váng khi tương tác với một môi trường hay phụ kiện số nhất định.

Trong khi, một số người dùng tỏ ra vô cùng thích thú với giao diện phẳng, rực rỡ và hoàn toàn mới của iOS thì không ít người lại cảm thấy khó chịu, chóng mặt, nôn nao khi tương tác với hệ điều hành mới này. Giải thích cho hiện tượng này, các nhà nghiên cứu cho hay đây là kết quả của các hiệu ứng mới được bổ sung trên iOS 7 như parallax viewing hay hiệu ứng zoom khi mở ứng dụng. Theo đó, đây chính là ví dụ mới nhất của căn bệnh “Cybersickness”.

Cụ thể, căn bệnh này lần đầu tiên được đề cập đến vào năm 1990 để miêu tả cảm giác mất định hướng khi một người tiếp xúc với hệ thống mô phỏng thực tế ảo lúc bấy giờ. Sự nôn nao được cho là đến từ cảm giác chóng mặt do sự di chuyển mà não cảm nhận trong khi ta lại đang đứng yên.

4. Facebook Depression

Triệu chứng: Sự chán nản với căn nguyên đến từ mạng xã hội Facebook

Loài người là một loài sinh vật bậc cao có tính xã hội lớn, do đó, rất nhiều người đã nghĩ rằng tăng giao tiếp trên mạng xã hội sẽ làm con người vui hơn nhưng thực tế thì ngược lại.

Một nghiên cứu của trường Đại học Michigan, Hoa Kỳ đã khẳng định rằng sự thất vọng, buồn chán ở người trẻ tỉ lệ thuận trực tiếp với khoảng thời gian họ dành ra lang thang trên Facebook. Trong đó một lý do có thể đến từ việc mọi người thường có xu hướng đăng những điều vui vẻ, hoàn hảo lên Facebook do đó người khác có thể sẽ lầm tưởng rằng tất cả mọi người đều dường như có một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ hơn họ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nói thêm rằng bạn có thể giải quyết được vấn đề trên bằng cách duy trì cân bằng cuộc sống trên mạng xã hội và cuộc sống ngoài đời thực để hiểu hơn và có cái nhìn đúng hơn về những người bạn của mình.

5. Internet Addiction Disorder

Triệu chứng: Liên tục sử dụng Internet mặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Internet Addiction Disorder (tạm dịch: rối loạn hành vi nghiện Internet) ám chỉ trực tiếp đến thời lượng sử dụng Internet hàng ngày vượt quá mức độ cho phép của một cá nhân. Nói về hậu quả của căn bệnh này, các nhà nghiên cứu cho rằng nó sẽ tác động tiêu cực không ít đến sự tự tin và năng suất làm việc của một người.

6. Online Gaming Addiction

Triệu chứng: Có thói quen chơi game trực tuyến nhiều và không lành mạnh.

Theo một nghiên cứu năm 2000 được thực hiện bởi chính phủ Hàn Quốc, 8% dân số nước này thuộc độ tuổi từ 9 đến 39 mắc phải một trong hai căn bệnh hoặc là nghiện Internet hoặc là nghiện chơi game online. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức họ đã phải cắt kết nối Internet cho đối tượng người dùng dưới 16 tuổi từ nửa đêm đến 6 giờ sáng. Trên thực tế thì rất nhiều các nguồn nghiên cứu đều cho rằng nghiện game là một nhánh nhỏ của nghiện Internet và hậu quả của chúng thì tương tự nhau.

7. Cyberchondria

Triệu chứng: Có xu hướng tin rằng mình bị mắc bất cứ thứ bệnh gì đọc được khi online.

Cơ thể con người là một tập hợp của những bất ngờ và ngẫn nhiên có thể cho chúng ta các trải nghiệm đau, nhức... mỗi ngày. Hầu hết những cảm giác khó chịu đó đều không có gì quá nghiêm trọng và sẽ tự biến mất trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với một số người, mọi chuyện có thể sẽ thành ra rất khác bởi một nguồn kiến thức y học rộng lớn trôi nổi trên Internet.

Bạn bị đau đầu và quyết định sẽ tìm thử xem nguyên nhân là gì. Vô tình , một trang web có đề cập đến đau đầu là triệu chứng u não. Bạn giật mình và bắt đầu lo sợ mình đang mắc phải thứ bệnh trầm trọng này? Đây chính là xu hướng của một người mắc phải hội chứng Cyberchondriac thường tưởng tượng. Năm 2008 thậm chí Microsoft đã tiến hành hẳn một nghiên cứu khá dài hơi về ảnh hưởng của việc tự khám bệnh bằng cách tìm kiếm thông tin trên Internet có thể dẫn đến những kết luận tồi tệ ra sao của người dùng.

8. Google Effect

Triệu chứng: Có xu hướng tự động nhớ ít thông tin hơn bởi mặc định tất cả đều có trên Google sau một vài cú click chột.

Nhờ có Internet, con người có thể nhanh chóng tiếp cận với tri thức nhân loại, tuy nhiên, mặt trái của nó đã làm cho chúng ta trở nên lười suy nghĩ và tư duy hơn.

Theo Giáo sư Rosen, hiệu ứng Google không hẳn là một điều quá tệ, tuy nhiên, trong một vài trường hợp nhất định nó sẽ mang lại những kết quả tiêu cực. Ví dụ như, một đứa trẻ không chịu nghe giảng trên lớp bởi mặc định cậu cho rằng tất cả những điều đó đều có thể nhờ các công cụ tìm kiếm tìm ra được.

TheoCú Mèo / Trí Thức Trẻ

No comments:

Post a Comment