Pages

Thursday, March 19, 2015

Bốn Mươi Năm Kể Từ Đó - Thu Tâm


Kỷ niệm 40 năm Việt Nam miền Nam rơi vào tay cs. TT xin mời quý Thầy Cô và quý anh chị, bạn cùng TT hồi tưởng lại một đoạn đời gian truân và
đau thương khó quên.
Thu Tâm.

Đã bước qua năm thứ bốn mươi sau khi cuộc chiến xâm lấn tương tàn trên quê hương kết thúc, sao tôi vẫn ngậm ngùi khi thời gian trôi dần đến ngày kỷ niệm đau buồn ấy ! Bốn mươi năm và còn bao lâu nữa để xóa nhòa ? Bốn mươi năm hận tủi cho người Việt Tự Do tha phương và cũng bằng ấy năm đau khổ cho người còn mang trong lòng chút tình yêu thương đất nước. Cứ đến thời gian này là chuyện năm xưa, hình ảnh bi thương cũ cứ như cơn ác mộng lại sống lại, tưởng chừng chuyện mới vừa xảy ra hôm qua đây thôi!


ÁC MỘNG KINH HOÀNG  

Thứ Sáu 14  Tháng Ba –1975, hai Samsonite quần áo đã sẵn sàng cho cả  gia đình . Chúng tôi đang chờ chuyến máy bay khởi hành ra Nha Trang để thăm bà Cô đang hấp hối. Đêm ấy anh ở lại trực trong Quân Đoàn, tôi nằm đọc sách đến gần mười hai giờ khuya mới tắt đèn, đang mơ màng thiếp đi thì bật choàng tỉnh hoảng hồn bởi tiếng đập cửa dồn dập cùng tiếng chồng tôi gọi lớn bên ngoài . Tôi run bắn người không biết chuyện gì xảy ra, nhưng cửa vừa mở anh thì đã mang theo cả cơn gió lạnh thổi bay vào nhà vừa đi vừa lên tiếng hối thúc:

       - Thành phố mất rồi, phải di tản ngay. Bạn anh đã lo được máy bay, em chuẩn bị quần áo và sắp xếp đồ đạc cần thiết cho hai mẹ con, lấy thêm mấy hộp sữa bỏ vào va- li, mặc thêm áo lạnh vào. nhanh lên  kẻo không kịp!? Để anh lo việc khác !...


Nhìn theo chồng đang nhanh tay gỡ hình ảnh trên bàn thờ gói lại bỏ vào vali, tôi lùng bùng cả hai tai đứng chết lặng. Tôi hiểu anh, vốn dĩ là người con rất có hiếu nên nếu không phải là việc hệ trọng thì không bao giờ anh dẹp bỏ bàn thờ Cha Mẹ như thế.  Sự bất ngờ làm lòng bấn loạn cả lên, tôi cuống cuồng quên đầu quên đuôi không biết đang làm gì… chùm chìa khóa vừa mới cầm đây lại lạc mất nơi nào tìm không ra, mở cánh tủ ra lại đóng vào vì không biết mang gì đi theo mà bỏ vật gì lại ! Tôi tiếc ngẩn ngơ bộ khuôn bánh đủ loại vừa mới sắm định sẽ làm thử đãi bạn cuối tuần, chiếc tủ đầy sách quý hai vợ chồng đã dành dụm chọn lọc bao công lao trong mấy năm trời , đã khiến bạn bè từng trầm trồ và mượn đọc nhiều lần … Tôi quyến luyến biết bao nhiêu căn nhà với vườn cây nhỏ đầy trái trĩu cành đang mùa chín, và dưới cây bơ tươi tốt xanh um kia đã chôn chiếc nhau của đứa con trai đầu lòng …Tất cả phải bỏ lại vĩnh viễn sao ! 

         Thấy tôi ngơ ngác như người mất hồn, anh lại hối :

       - Nhanh lên bế con ra xe đi em, để anh xách vali đồ đạc cho.


Ôm đứa con  mới hai tuổi đang khóc vì còn ngái ngủ, tôi mở cửa trước ra và giật mình khi thấy đèn pha của mấy chiếc xe jeep đang chiếu sáng cả một góc sân. Cư xá chúng tôi ở chỉ có chín căn, mọi người đang hấp tốc hối hả chất cả gia đình cùng đồ đạc cần thiết lên xe, tiếng dục dã gọi nhau í ới càng khiến tôi luống cuống thêm. Bước lên xe, gặp Mẹ, em gái và cháu ngồi đầy band ghế sau, tôi thật bất ngờ và cảm động. Dù biết xưa nay chồng tôi luôn là một người rất chu đáo và có tình nghĩa, nhưng lần này tôi lại vô cùng cám ơn anh khi đã làm được chuyện mà ngay cả tôi là con ruột cũng không hề nghĩ ra trong hoàn cảnh bối rối . Thì ra trước khi chạy về nhà , chồng tôi đã đến đón Mẹ tôi, cô em gái cùng đứa con nhỏ một tuổi. Trên xe bây giờ đầy đủ tám người kể cả cô bé con nuôi mười ba tuổi của vợ chồng tôi. Chúng tôi cùng ba gia đình bạn của anh nữa chất lên bốn chiếc xe jeep khởi hành đi về hướng phi trường .


Trời Pleiku nửa đêm vào tháng Ba còn lạnh, sương giá núi rừng len vào tận xương tủy khiến tôi ôm sát thêm đứa con nhỏ . Nhìn Mẹ tôi, mái tóc xơ xác bạc trắng với đôi mắt thất thần làm tôi thấy quặn lòng vì thương Mẹ . Cũng chiến tranh đã cướp Bố tôi đi, bỏ lại đàn con thơ bảy đứa khiến Mẹ tôi từ một thiếu phụ xinh đẹp biến thành bà già trong có vài năm. Mẹ một mình bươn chải vất vả , bỏ ngoài mọi sự cám dỗ để nuôi con ăn học khôn lớn. Mẹ lại âm thầm chịu đựng sự cô đơn khi các con chắp cánh bay đi hết, căn nhà lớn và ngôi vườn tuổi thơ đầy các loại cây ăn trái của chúng tôi đã vắng ngắt tiếng chơi đùa, cãi cọ của anh em chúng tôi từ bao giờ !  Mẹ vào ra quạnh quẽ âm thầm, dù vợ chồng tôi cố gắng mỗi tuần đều bế con về thăm, thấy Mẹ cười vui và đùa với cháu ngoại tôi cũng vui theo. Nhưng nhìn ánh mắt mẹ thăm thẳm khi đến giờ từ giã khiến lòng tôi mãi ray rứt …

         - Ầm !

Tiếng nổ lớn cùng nháng lửa chói lòa xóa tan màn đêm đen trước mắt . Tim tôi đập mạnh muốn rớt ra ngoài. Mọi người nhao nhao không dấu được vẻ kinh hoàng trên nét mặt.

       - Pháo kích rồi !


Chồng tôi vừa la to vừa đạp thắng gấp làm mọi người ngả nghiêng, mấy đứa nhỏ khóc thét lên vì bị giật mình sợ hãi. Không biết có phải may mắn hay Phật Trời phù hộ, trái đạn pháo kích rơi ngay sau lưng chỉ cách chiếc xe cuối cùng khoảng hơn mười mét nhưng chệch vào phía bụi cây to bên đường. Đám đất bị xới lên , cây cối bị chặt ngang vung vãi chung quanh ! Không hiểu sao, gần thế mà miểng đạn lại né tránh chúng tôi! Tuy vậy cũng đủ để khiến đám đàn bà và trẻ con run cầm cập. Hú vía, may mắn không ai bị gì cả! Chỉ mất mươi phút khựng lại xem xét rồi đoàn xe lại nối nhau chạy tiếp trên con đường trải nhựa đầy ổ gà nhấp nhô. Một thời gian căng thẳng không biết bao lâu nữa trôi qua, bọn trẻ con bắt đầu nằm thiêm thiếp ngủ. Chúng tôi ngồi im nhưng trong lòng bồn chồn, thấp thỏm, Mẹ và tôi nhắm mắt lâm râm lời cầu nguyện . 


Đêm Cao Nguyên đầu tháng Hai Âm lịch bầu trời tối đen như mực, chỉ có những ánh sao đêm mờ nhạt trên cao tít thỉnh thoảng nhấp nháy như trêu chọc chúng tôi. Đêm đen luôn đồng lõa với hiểm nguy, mọi điều bất trắc đang rình rập chung quanh sẵn sàng bủa vây nhóm người nhỏ bé yếu đuối. Ánh đèn pha của xe sáng quắc xé màn đêm , nhưng lại làm tăng thêm nỗi lo sợ trong lòng tôi lúc này. Tôi cố căng mắt nhìn vào chiếc kim của đồng hồ đeo tay, gần một giờ sáng,  không biết bao giờ mới đến được chỗ máy bay đậu!. Con đường từ nhà ra phi trường chỉ độ mấy cây số mà sao đi lâu thế! Tôi muốn buột miệng nêu thắc mắc với chồng tôi, nhưng nhìn nét mặt căng thẳng nghiêm trang của anh tôi lại không dám cất lời.

         - Ầm !  


Mặt đất như bị rung chuyển, ngực tôi tức muốn nghẹn thở, lại thêm một màn mưa đất đá với cây cối phủ ngập trên mui vải của chiếc xe jeep. Chiếc xe thứ nhất vừa vượt qua một đoạn nên thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc, nhưng chiếc xe thứ hai của đoàn thì gần như dập nát hết, văng miểng tứ tung khiến chúng tôi một phen khiếp vía đến cứng người. Trái pháo lần này cày tung mặt đường thành một lỗ hổng lớn phía trước. Một sự thần kỳ may mắn đã cứu thoát cả gia đình người bạn và ngay cả gia đình tôi nữa. Trước lúc đó mấy phút, xe người bạn bị trục trặc máy phải dừng lại và tất cả bốn người trên đó đã bước xuống hết, chia nhau đi về phía xe của vợ chồng tôi chỉ cách mươi mét cùng chiếc xe hàng cuối cùng để ngồi chung . May mà chồng tôi chưa cho xe khởi động, ai nấy thẫn thờ xanh mặt, đám trẻ  thức giấc mắt mở to không dám khóc .Nhưng tất cả người lớn chúng tôi, những người vừa thoát qua một cuộc sinh tử kề bên đã xúc động rơi nước mắt . Cảm tạ ơn Trên ! 


Trước đây sự hiểu biết còn mơ hồ khi nghe trong Radio hay đọc trong báo chí về sự tàn phá của chiến tranh, Nhưng bây giờ tôi mới cảm nhận được phần nào về sự khốc liệt của bom đạn đang ở bên cạnh mình. Đúng là thực tế lúc nào cũng hơn hẳn sách vở vì được tận mắt chứng kiến. Tôi đã cảm nhận được sự sợ hãi làm tê điếng cả thần kinh và thể xác. Trong nỗi xúc động, tôi thấy vô cùng cảm phục và yêu quý, kính trọng hơn những người lính Việt Nam Cộng Hòa ngoài chiến trận. Họ đã can trường âm thầm hy sinh cả mạng sống để bảo vệ đất nước cùng sự yên bình cho người dân lành, ngày đêm chấp nhận đối diện với hiểm nguy, gian khổ… Tôi chợt ngộ ra, nằm giữa cái sống chết mới thấy cuộc đời thật vô thường!  Không thể đi tiếp được vì mặt đường đã hư hại khó mà vượt qua trong đêm tối như thế này! Hơn nữa người già ,trẻ con đã quá mệt mỏi và kinh hoàng vì chưa đầy nửa tiếng đã có hai lần xuýt chết vì bị pháo kích. Chúng tôi đành bỏ cuộc.


Về tới nhà đã gần hai giờ sáng, tôi thiếp đi trong mệt mỏi, hơn nữa cái thai hành khiến tôi bủn rủn cả tay chân không đứng vững nổi. Khi tỉnh dậy thì chồng tôi đã đi từ lúc nào. Tôi lo cho con ăn và thay quần áo vừa xong thì anh về, báo cho tôi một tin mới qua cuộc họp khẩn cấp. Họ đã quyết định : Dời cả BộTư Lệnh Quân Đoàn II về Nha Trang, thành phố Pleiku sẽ bỏ ngỏ từ hôm nay !!!, Vali sắp vội vàng vài thứ từ hồi đêm còn đó, tôi ngẩn ngơ mở ra rồi đóng lại! Trong tâm trạng rối bời. tôi thẫn thờ vào ra trong căn nhà thân yêu để ngậm ngùi, cố ghi vào trí óc hình ảnh cuối cùng nơi vợ chồng tôi đã sống những ngày hạnh phúc ngắn ngủi. Lòng thêm quặn thắt khi chồng tôi cho biết anh được lệnh phải ở lại với một vài Sĩ Quan khác vì một nhiệm vụ đặc biệt: phá hủy toàn bộ tài liệu. Rồi sau đó tự lo liệu bản thân !? Trong khi các ông lớn và cấp trên đã lẳng lặng cùng bầu đoàn thê tử bay từ hôm qua ra Nha Trang hết rồi !  Tôi cố kềm dòng nước mắt uất nghẹn vì thương chồng !Có phải đây là kỷ luật bắt buộc phải chấp hành của đời quân ngũ, dù vô lý và bất công?

Nhìn anh lăng xăng tỏ vẻ bình thản, nhưng tôi biết trong lòng anh cũng đang bấn loạn.  


Chín giờ sáng Thứ Bảy 15 -3 – 75. Cuộc chia ly đầy bất trắc không hẹn được ngày gặp lại trong ngậm ngùi thinh lặng, anh im lặng lái xe đưa mẹ con tôi lên máy bay, nhưng lần này đi hướng khác. Sau đó tôi mới được biết vì để tránh sự chú ý của đám đông nên nơi hẹn ở một bãi cỏ nào đó chứ không ra phi trường. Chiếc vận tải Chinook như con cá voi to lớn kềnh càng nằm lẻ loi giữa nắng nhạt, các cánh quạt đang quay vù chờ đợi. Vào lọt trong khoang rồi tôi mới hoàn hồn ngó ra, nghe nhói trong lòng khi không còn nhìn thấy chồng tôi cùng cảnh vật bên ngoài nữa. Lòng máy bay rỗng tuếch, chỉ có bảy gia đình bạn của anh và mấy mẹ con tôi, toàn đàn bà trẻ con với hành lý nhẹ tênh vài túi xách hay vali nhỏ đựng ít quần áo…Lời anh dặn dò vẫn văng vẳng bên tai , tôi gục đầu trên cánh tay để tự thấy mình đầy nỗi thương cảm. Nước mắt cứ tuôn không ngừng, tôi thấy thương chồng và thương con quá. Đứa bé mới hai tuổi đầu dù không  biết được chuyện gì đang xảy ra với mẹ , nhưng khi thấy tôi khóc nó lấy bàn tay bé xíu lau nước mắt cho tôi và ngọng nghịu dỗ :

         - “Mẹ nín đi , ai làm mẹ khóc vậy , con mua kẹo cho mẹ ăn nha !?”

Tiếng của con dại càng khiến tôi nghẹn ngào, nước mắt càng chảy dài không ngưng được. Ôm con trong tay,tôi cảm nhận được hơi ấm truyền qua như một sức mạnh giúp tinh thần tôi vững lại.


Về đến Nha Trang, Bác tôi – đổi từ Nha Động Viên II Saigon ra mấy năm trước  - ra đón trong vẻ mặt lo âu khi thấy có mấy mẹ con tôi . Có lẽ Bác sợ tôi buồn nên không nhắc đến tên chồng tôi. Thu xếp chỗ ở cho mọi người xong, Bác điện thoại liên lạc khắp nơi dò hỏi tin tức, nhưng cả tuần lễ vẫn không biết được gì hơn. Chồng tôi vẫn chưa thấy tăm hơi, còn mất! Hiện tại không còn chuyến máy bay nào từ Pleiku ra Nha Trang nữa, không biết làm xong nhiệm vụ anh xoay sở làm sao !Pleiku đã bỏ ngỏ, thành phố tràn ngập người hỗn loạn từ khắp nơi đổ về và trộm cướp hoành hành, anh có bình yên trong hỗn loạn ,có thoát ra được khỏi thành phố khi phương tiện di chuyển đã bị cắt hết ? Ruột tôi nóng như lửa, mỗi ngày thấp thỏm ngồi bên Bác chờ điện thoại!


Tạ ơn Trên, anh về đến vào ngày thứ tám, lái xe qua bao nhiêu chặng đường nguy hiểm, và năm ngày sau người em rể của tôi cũng về tới. Nghe hai người kể lại chuyến đi hãi hùng cận kề thần chết, từ con sông Ba xác người bập bềnh che kín mặt nước, từ tỉnh lộ Bảy máu chảy thành sông...Tại đây, cả dân lẫn quân không biết đã bao nhiêu ngàn người bị Cộng Sản bắn xối xả khi đang trên đường chạy nạn, xác chết chất thành đống hai bên đường ! Của cải ,bao bì ngổn ngang nằm phơi dưới nắng trước những thân xác không hồn… Có những đứa trẻ thơ một mình gào khóc bên xác mẹ đầy ruồi nhặng bu đen ! Đứa khác thì thân xác xơ giữa nắng bụi mù, máu lửa cố tìm chút sữa trên bầu vú xám ngoét khô đét của mẹ  vì cơn đói!. Đứa thì lạc hết người thân đang gào la kêu gọi ! Đứa nằm chết với đôi mắt kinh hoàng mở to …. Đoạn đường lịch sử mang tên “ Đại Lộ Kinh Hoàng ”này, cộng thêm cái chết tức tưởi của gần chục ngàn người dân vô tội trong cái Tết Mậu Thân 1968 ở Huế đã đánh dấu thành tích khát máu đáng ghê tởm, sự dã man tàn bạo của con người Cộng sản Việt Nam.    


MÁU VÀ NƯỚC MẮT

Nhưng chiến sự nào đã yên, tin dồn dập về Nha Trang thất thủ, Thành phố biển cũng bắt đầu hỗn loạn không kiểm soát nổi!   Sau hai tuần lễ tạm dung, nỗi mừng vì sự đoàn tụ chưa vơi, chúng tôi phải một lần nữa bỏ lại tất cả những gì mới sắm sửa cho cuộc sống để gạt nước mắt chia tay người ở người đi..Chồng tôi là quân nhân nhất là trong thời chiến, nhiệm vụ ràng buộc khiến anh không thể vì gia đình mà quên trách nhiệm! Đã biết bao người   cùng chịu cảnh ly tan và vất vả hơn nhiều trong thời gian này khi chạy loạn bằng đường bộ, chúng tôi còn may mắn hơn được sắp xếp lên một chuyến bay . Tôi chợt nghĩ, nếu lúc đó phải chạy giặc bằng đường bộ, có lẽ mình không còn có mặt trên dương thế để ngồi đây viết những hàng chữ này ! 


Và đây phi trường Nha Trang buổi sáng 29 - 3 -75 . Lần đầu tiên tôi thấy cảnh ghê rợn bày ra trước mắt mà đến mãi mấy mươi năm sau khi nhớ lại còn rùng mình. Trên đường vào cổng, người ta đông chưa từng thấy chen lấn xô đẩy hầu như đạp lên nhau để vượt qua, dẫm bừa lên trên những vũng máu rải rác đây đó của người vừa bị trúng đạn pháo kích. Tiếng kêu khóc gào la rên rỉ lẫn lộn tạo thành âm thanh khủng khiếp, người cứu thương không xuể, hơn nữa chính người có nhiệm vụ giờ này cũng phải lo cho gia đình mình , đâu còn đủ tâm trạng để làm việc xã hội!  Sự sống còn đã khiến con người phải trở nên nhẫn tâm đối với đồng loại có phải là tự nhiên trong bản năng ?! Tiếng đạn pháo kích không ngưng và người bị trúng thương ngã thêm tới tấp với máu đổ lênh láng đến chóng mặt. Cảnh vật trước giờ phút này mới đau thương làm sao! Tôi hoa mắt, đúng run rẩy, với sức khỏe này làm thế nào mình có thể vượt qua đám người kia chứ đừng nói lên được trên máy bay! Nhìn về chiếc vận tải bốn động cơ C-130 đồ sộ mà có người đã từng ví là  “Hercules” ngập bóng người, cửa sau máy bay như cái miệng há to của con quái vật đang ngoạm ngấu nghiến đám người không nhận ra hình thù một ai. Chung quanh trên dưới đều bị bu kín như kiến, ai cũng cố gắng tìm cho mình và cho người nhà một chỗ bám nên càng hỗn loạn hơn. Kẻ mạnh luôn thắng thế, phía cửa sau đuôi máy bay nhiều người bị xô đẩy rớt xuống mặt đường ngã chồng lên nhau, tiếng thét lẫn tiếng chửi rủa inh ỏi. Người phi công bạn hợp cùng chồng tôi đã dùng hết sức vẹt đám đông đang đeo cứng ở cửa trước mới đưa được toàn bộ gia đình gồm Mẹ tôi, gia đình cô em thêm hai mẹ con tôi, với cô con nuôi cả thảy bảy người lên an toàn. Lòng khoang đã chật như nêm, khó khăn để len chân vào phía trong hơn nữa, nhưng gần cửa may mắn còn được đủ chỗ để đặt mấy chiếc va-li,  mọi người mồ hôi mồ kê nhễ nhại đành nhường nhau ngồi tạm trên đó. Tôi mệt nhoài thở dốc, nhìn quanh thấy mình lọt thỏm giữa lố nhố người kẻ đứng người ngồi. Ngồi chết cứng một chỗ rồi tôi mới thảng thốt sực nhớ chưa kịp nói lời từ biệt với chồng, ngay cả lời dặn dò cũng quên luôn!  Tôi cố ngoái đầu nhìn ra cửa tìm, anh đã mất hút đâu đó giữa rừng người ?! Phút chia ly đầy bi kịch không thể ngờ có được trong đời, biết bao giờ gặp lại nữa đây? Đạn pháo thì vô tình, mẹ con tôi đã thoát nhưng riêng anh và đồng đội đang còn nhiệm vụ đâu thể bỏ đi! Thương chồng, tôi lại bỗng dưng đầm đìa nước mắt xót xa…


Tiếng động cơ ồn ào hòa lẫn tiếng người la hét, máy bay quá sức tải nên khó khăn để cất cánh lên được. Trong khoang người người đứng ngồi ép chặt vào nhau như cá hộp xếp lớp, mồ hôi ướt dầm mặt mũi áo quần nồng nặc khó thở, lồng ngực tôi muốn nổ tung vì bị ngộp, tôi cố ngóc đầu lên cao để lấy hơi …Máy bay rung chuyển, đám đông vẫn treo toòng teng ở cửa sau, cửa trước không chịu rời bỏ tay, người này bị gạt xuống thì người khác lại bám lên. Cảnh tượng hỗn độn chen lấn không dứt và người ta vẫn cố dù biết không thể nào …nhưng cuối cùng chiếc C-130  cũng nặng nề rời khỏi mặt đất được , nhiều người bị bỏ lại, số người đeo bám sau đuôi bị hất mạnh xuống đường, mặc cho tiếng khóc la vang trời. Máy bay lên cao rơi thêm vài người nữa, chắc lại có số người bị thương nặng !  Kẻ đi người ở lại, lạc mất nhau rồi cha mẹ anh em ơi, biết làm sao để tìm gặp lại mai này!!  Sức chứa so với trọng lượng đã vượt tầm cho phép quá xa, vì an toàn nên dù không muốn cũng khó mà tránh được sự nhẫn tâm! Tôi xót xa khóc không lên tiếng , thương cho số người kém may mắn đang lăn lộn gào thét ở dưới mặt đất kia, nửa đang trên cùng chuyến bay với tôi. Ai đã gây ra cảnh chia ly tang tóc cho người dân của tôi đây? Những người dân miền Nam hiền lành chân chất yêu thanh bình , bây giờ đang chịu cảnh đọa đầy trần gian !     


Gió thổi lồng lộng qua khung cửa mở, bốn cánh quạt quay hết tốc độ và máy bay nặng nề lên cao dần bỏ lại thành phố Nha Trang một thời yên ả nên thơ. Một vùng đất kỷ niệm yêu dấu ngày nào, tất cả đang xa dần nhỏ dần rồi mất hút trong tầm mắt nhạt nhòa của tôi … Saigon vẫn náo nhiệt trong không khí thanh bình khi tôi về đến nơi, phố xá vẫn tấp nập trong ánh đèn sáng choang và thanh niên thiếu nữ tươi cười chở nhau bát phố dập dìu.  Lòng tôi rối như tơ. Hình ảnh bất cứ người mặc quân phục nào cũng khiến tôi liên tưởng đến người chồng đang tròng vòng nguy hiểm. Trú tạm trong nhà anh trai ở đường Minh Mạng, nhưng mỗi ngày tôi bế con lên nhà Bác ở Trương Minh Giảng -  nơi gia đình anh chồng tôi cũng chạy từ Tuy Hòa vào tá túc – để cùng hỏi thăm và chờ mong tin tức. Ngày qua ngày trong sự cồn cào lo sợ, trong căng thẳng nặng nề, tôi tưởng chừng thời gian như đứng lại, phần bị thai hành nên tôi không ăn uống gì được.Đứa con trai bé bỏng của tôi thật là đáng thương, không quấy phá nhưng vì nhớ cha mấy ngày nên luôn gọi “Bố ơi!” Tiếng gọi vô tình như nhắc nhở của con dại tăng thêm bồn chồn và làm tôi mất ngủ thêm. Trời Saigon đầu tháng Tư oi bức lạ thường , mặc dù từng sống ở đây nhiều năm trước khi theo chồng về vùng Cao Nguyên, nhưng tôi vẫn cảm thấy không quen được với không khí ngột ngạt khó thở này. Cái thai đang lớn dần từng ngày và chân tay đứa bé mỗi lúc một hoạt động mạnh hơn khiến tôi khổ sở. Đêm đến đằng sau lưng tôi là đống chăn gối chất cao để dựa. Giấc ngủ đến thật khó khăn vì đủ thứ lý do!       


Chập choạng tối ngày 7 tháng Tư, cơm chiều đã xong và mọi người đang quân quần xem TV trong nhà. Một mình tôi ra balcony ngồi cho mát. Tôi bàng hoàng nghẹn lời khi nhận rõ ra dáng đi cùng khuôn mặt quen thuộc đen sạm nắng gió của anh đang đến gần, tuy bộ quân phục vẫn ngay ngắn  trên người nhưng toàn mồ hôi và bụi bậm. Tôi nấc lên từng hồi trong vòng tay ôm của người chồng thân yêu.  Anh không nói gì chỉ vỗ nhẹ trên lưng tôi như dỗ dành.  Mới hơn một tuần lễ mà trông anh ốm hẳn đi, khuôn mặt hốc hác với hai hố măt sâu hoắm, Người nhà nghe tiếng đổ ra quây chung quanh hỏi thăm, lúc đó tôi mới hoàn hồn và lắng nghe anh nói. Câu trả lời vắn tắt nhưng tôi hiểu rõ chuyến đi của anh đã trải qua nhiều gian nan mới tới nơi được. Anh là người chuyên lo cho người khác còn bản thân thì xem nhẹ , tôi đã nhiều lần khóc hết nước mắt vì cái tính đó của anh. Mấy ngày sau anh mới nói riêng với tôi, tình hình trở nên lộn xộn không kiểm soát được khi cả thành phố Nha Trang rơi vào tay CS, anh đã cùng mấy người bạn tìm tàu chạy ra Phú Quốc, mọi người rủ nhau cùng thoát đi luôn ra hải phận Quốc Tế. Nhưng anh không muốn để lại gia đình và vợ con nên một mình tự tìm xe về Saigon .Tôi không biết nói sao, chỉ biết nhìn chồng rươm rướm lệ vì cảm động.


Hai hôm nữa, sau khi anh đi trình diện đơn vị về tôi nhận thấy ở anh nét buồn và lo âu dù anh không hé lộ. Hóa ra quyết định rời Nha Trang về Saigon đã khiến anh bị thêm một tội nặng khác, mà ông xếp lớn tên Vân của anh đã hăm dọa:  Nếu mọi sự trở lại yên bình, chồng tôi và số anh em bị ở lại sau cùng sẽ bị cho vào tù vì tội rời bỏ nhiệm sở khi chưa được phép?! Buồn cho đất nước mất, mà cũng buồn cho ông xếp này vì đã không còn dịp để ông ta ra oai với cấp dưới ! Và càng đáng trân trọng các vị chỉ huy liêm khiết một đời sống chết với quê hương và đồng đội anh em đến giờ phút cuối. Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vĩ, Chuẩn Tướng Lê văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần văn Hai, Thiếu Tướng Phạm văn Phú. Năm vị Tướng kiêu hùng đáng kính nể lần lượt dung súng tự kết liễu cuộc đời. Ngoài ra còn có Đại Tá Đặng sĩ Vinh cùng toàn thể gia đình bảy người đã tự vẫn chỉ sau hai tiếng khi lệnh buông súng được ban ra.. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn anh dũng chiến đấu tới giờ phút sau cùng , không chịu đầu hàng và cuối cùng bị bắt và xử bắn . Những khẩu súng oanh liệt một thời trong tay những vị tướng tá tài ba, nay trong cơn bất biến lại quay ngược lại tự kết liễu cuộc đời của chủ nhân!. Có phải đây đúng là câu “Sinh nghề tử nghiệp” mà ông bà xưa đã nói.? Những vị tướng tá thà tự sát , không chịu rơi vào tay kẻ thù , hay cúi đầu khi thất trận… Đây mới là những anh hùng xứng đáng được nêu danh và sống mãi trong lòng người dân Việt.


Sáng 27 - 4, Bác tôi từ Nha Trang về đến Saigon , khi gặp chúng tôi liền nói :

       - Ngày mốt 29-4 này còn chuyến bay. Hai vợ chồng cháu có cùng Bác đi qua Mỹ thì chuẩn bị. Nếu hai cháu có đi thì Bác mới đi …


Mấy anh em nhìn nhau ngầm hỏi ý kiến, anh suy nghĩ vì không muốn rời xa Cha Mẹ già, anh em. Và cuối cùng là quyết định: Sống chết cùng nhau! Thế là toàn bộ đã ở lại . Điều này làm tôi ân hận mãi khi cả Bác tôi cùng toàn thể anh em trong gia đình người ra Bắc vào tù khổ sai cộng sản từ tám năm đến mười ba năm, người trong Nam bị giam cầm khổ nhục từ ba đến chín năm …Cộng sản có các danh từ lừa đảo, mị dân là  “tập trung cải tạo”. Tất cả chiến sĩ VNCH, kể cả nhân viên hành chánh được gọi là “Ngụy quân, ngụy quyền” đều vào tù để  trả “nợ máu với nhân dân” !?        


Những ngày cuối tháng Tư Saigon lộn xộn hẳn, mọi người hối hả xôn xao… Đài Phát Thanh báo tin giữ mỗi giờ cho biết các tỉnh miền Trung lần lượt rơi vào tay CS Bắc Việt. Dân chạy loạn từ khắp nơi về mang theo đủ mọi tin mới làm kinh hoàng thêm. Người dân Saigon đã nghe được âm thanh tiếng đạn pháo thật gần. Chồng tôi cùng bạn đồng ngũ mỗi ngày đều ra ngoài nghe ngóng tin  tức, tình hình mỗi ngày một xấu thêm. Người ta chỉ lo chạy lấy người nên bây giờ xe hơi, xe máy vô chủ vất ngổn ngang đầy đường không ai thèm để ý. Nhà bỏ hoang vô chủ khắp nơi…Tòa Đại Sứ hàng hàng lớp lớp người chờ đợi ngoài cổng, ai cũng đành bỏ hết của cải nhà cửa tranh nhau tìm cách nhanh chóng để rời khỏi quê hương mình. Tại sao Cộng Sản đi đến đâu là người dân phải bỏ chạy đến đó? Năm 1954 cả triệu người đã chạy từ Bắc vào Nam, bây giờ cả miền Nam cũng không còn được yên ổn nữa rồi, còn nơi nào để dung thân ? Thương cho người dân Việt ngàn đời vất vả, nạn cộng sản càng làm cho người Việt thêm khốn cùng !


BA MƯƠI THÁNG TƯ,  

Tiếng Trung Tướng –Tổng Thống một ngày -  Dương văn Minh mồn một trên đài phát thanh kêu gọi toàn chiến sĩ buông súng khiến chúng tôi bàng hoàng. Thế là hết ! Không ai ngờ trước được miền Nam Việt Nam sẽ mất hoàn toàn vào tay cộng sản một cách vô lý đến thế. Sự hy sinh của biết bao chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh suốt nhiều năm đã trở thành vô nghĩa sao! Mấy anh em ngồi nhìn nhau buồn rũ rượi, không khí trong căn nhà nhỏ vốn đã trầm lắng lại càng ảm đạm hơn. Dù trong chiếc Radio tiếng đàn tiếng hát của Trịnh công Sơn đang rộn rã bài ca chiến thắng, nhưng tai tôi như ù đi chẳng còn nghe thấy gì …


Ba mươi tháng Tư, ngày chấm dứt chiến tranh đất nước, cũng là ngày khởi đầu của nỗi đoạn trường cho người dân miền Nam Việt Nam .Thời gian đáng ghi nhớ đó đứng lại cũng như tờ lịch lịch sử 30 – 4 - 75 đã vĩnh viễn nằm sâu trong tâm khảm mọi người. Với tôi, đó tựa như cơn hồng thủy máu và nước mắt đã bất ngờ ập xuống cuốn phăng đi tất cả những gì đẹp nhất, đáng quý nhất, chỉ để lại toàn đổ nát tan thương không thể cứu vãn kể cả tình người lẫn đạo đức con người! Cơn lũ bạo tàn đã và vẫn hoành hành ngày một nặng hơn suốt bốn mươi năm qua khiến quê hương tôi càng thêm tả tơi rách nát, lem luốc. Mỗi lần nghĩ đến, sao nghe nặng trong tim một nỗi đau, nỗi nhớ…nhưng lại ngần ngại bước chân quay về ! Mỗi năm, có một ngày Ba mươi Tháng Tư đứng nghiêm trang dưới lá Quốc Kỳ Vàng bay phấp phới trong nắng mai ,để ngậm ngùi tưởng nhớ một thời dĩ vãng vừa hùng tráng vừa đau thương, để có đôi phút nghẹn ngào mặc niệm cho những người đã tử chiến vì Tổ Quốc, Và cũng để mặc niệm cho những người đã vì  hai chữ Tự Do mà bỏ mình trên khắp nẻo đường , sông biển. Ôi! Một vết thương sâu không bao giờ lành miệng, một vết thương âm ỉ rướm máu gây nhức nhối một đời… Việt Nam ngày nay vẫn còn, trong băng hoại và ngày một nhỏ dần ,nhưng trong tôi quê hương thân yêu từ dạo đó đã là một nơi chốn xa lạ, lạc loài …

Thu Tâm

Mùa Quốc Hận 2015

No comments:

Post a Comment