Pages

Thursday, March 26, 2015

Chị Tôi - Kim Phan

Đây là bài viết dược đăng trong Đặc San Gia Long 2010.
Mỗi năm vào cuối tháng 3,  sau một  mùa đông giá lạnh, tuyết phủ đầy trời thì khí hậu ấm dần, các cây hoa đào ở Washington bắt đầu hé nụ, năm ấy lần đầu tiên mà cũng là lần sau cùng người Chị của chúng tôi và gia đình đi dự Hội hoa anh đào,,  vài tháng sau thì Chị mất.

Bài viết nầy muốn ghi lại khoảnh khắc gia đình sum họp bên nhau, cùng vui với mùa xuân có hoa anh đào nở rộ khắp nơi ở miền Đông Hoa Kỳ, và người người khắp nơi trên thế giới  tựu về đây dự Hội, để cùng  chiêm ngưỡng các công trình vĩ đại của người Mỹ nói riêng và dân tộc Mỹ nói chung , đã xây các hình tượng để ghi dấu các vị tiền nhân gầy nên một nước Mỹ kiêu hùng, đầy lòng nhân ái, luôn san sẽ những thành tựu có được cho thế giới và dang tay đón nhận những người bị bất công , áp bức từ các nơi trên thế giới đổ về.
Kim Phan

Mỗi khi nhìn tấm ảnh , lại nhớ về người Chị kính yêu .

Năm ấy , Chị trở bệnh , sau những đợt làm ki-mô , Chị dưỡng sức , sau đó Chị có phần tỉnh táo hơn . Mùa Xuân năm ấy , cả nhà có ý định đi dự hội Cherry Blossom Festival , nhưng lo là không ai ở nhà trông Chị . Nhưng chính Chị lại đề nghị cho chị đi theo với , cả nhà sững sốt vì không ai có ý định đem Chị theo , nhưng Chị cả quyết  đi được , Chị sẽ không để ai phiền lòng và nhọc công với Chị đâu . Chị bảo là :.
        - Gần 20 năm ở Mỹ , Chị chưa bao giờ đặt chân tới nơi ấy , cho chị theo để chị được nhìn lần đầu và cũng là lần cuối nơi xây những đài tưởng niệm của các vị Tổng Thống Hoa Kỳ .

Thôi thì Chị đã nói vậy thì cả nhà phải đồng ý để cho chị đi. 
Thế là cả nhà ta cùng đi , và thay vì  lấy xe bus thì Ông Xã em , tức em trai của Chị lái xe nhà để tiện cho chị hơn .
Chị phải mang tóc giả vì làm kimô tóc của Chị đã rụng hết rồi , khi đội tóc nhìn Chị không ai biết là Chị vừa qua khỏi lưỡi hái của tử thần .
Khoảng 2 giờ lái xe , phải kiếm mãi mới có chỗ đậu , chỗ parking ở ven bờ hồ nên cũng tiện việc đi lại . 
Đây là môt địa danh nổi tiếng ở Hoa Kỳ .

Chị và Vinh bên bờ hồ Tidal Basin

Vào năm 1912 , thành phố Tokyo ở Nhật đã tặng Thủ đô Washington 3750 cây Hoa Anh Đào , trồng dọc theo bờ hồ Tidal Basin và dọc theo bờ sông Potomac , du khách đến nơi sẽ thấy Đài tưởng niệm Washington nằm bên bờ hồ Tidal Basin , giữa những cây hoa anh đào đang nở.

Đài Tưởng Niệm Abraham Lincoln

Khi du khách đi dọc theo bờ sông qua khu tưởng niệm Cố Tổng Thống Thomas Jefferson , hoa đào lung linh khoe sắc màu dưới ánh nắng trong màu bạch ngọc , nhìn xa xa là khu tưởng niệm cố Tổng Thống Abraham Lincoln .


Ðài Tưởng Niệm Washington ở trung tâm thủ đô Washington DC

Và kia là Tháp bút chì , cao như xé bầu trời , tượng trưng cho sức mạnh của Hoa Kỳ , nổi bật giữa những rừng hoa , đây là tháp tưởng niệm vị Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ .


Suốt 2 tuần lễ cuối tháng 3 , hàng triệu người khắp nơi trên thế giới đổ về để chiêm ngưỡng Hội Hoa Anh Đào và nhà ta hôm nay là một trong số hàng triệu người đến đây , thật là vinh hạnh lắm thay .
Chị vẫn đi bộ loanh quanh như mọi người , có thể là Chị cũng mệt , nhưng Chị nhất quyết không để phiền lòng ai . Em đã chụp vô số hình ảnh để làm kỷ niệm , vì biết rằng những lần sau , sau nữa , không chắc gì có Chị đi cùng với tụi em . 

Trên đường trở về , khi đi ngang qua White House , em đã nói với Chị :
- Chị ơi , Chị có biết , 17 năm về trước , khi Em và chồng em cùng 2 con , vừa qua Mỹ tháng 2 ( 1994 ), có một người bạn qua Mỹ trước 1975 đến chở vợ chồng con cái đến đây xem Lễ Hội Hoa Anh Đào và dừng chân trước Nhà Trắng để chụp hình gia đình em . Sau đó em gửi hình nầy về cho Ba em với lời chú thích :

Đây là Nhà Trắng ( White House )


       - Ba ơi , 29 năm về trước (1965 vào học GL-1994 đi Mỹ ) khi con học ở Gia Long con học tiếng Anh quyển English For Today , có hình Nhà trắng , có bao giờ con dám mơ được thấy tận mắt White House . Vậy mà 29 năm sau , con gái của Ba cùng với gia đình chồng đường hoàng đứng trước ngôi nhà quyền lực nhất thế giới nầy để chụp hình gửi về Ba đây !.

        - Chị biết không, Ba em viết thư cho Em là :
"Nhận được thư con, Ba ra ngồi ở cái ghế sau vườn nhà mình , cầm thư con , Ba đọc đi đọc lại mãi nhiều lần,  rồi Ba khóc một mình, Ba ráng bậm môi ngăn dòng nước mắt , nhưng sao không ngăn được, Ba nhớ con nhiều lắm, đứa con gái yêu của Ba , từ nhỏ con là đứa con ngoan, không bao giờ làm cha mẹ buồn lòng chuyện gì . Ba nhớ lại , thời gian đó, Ba là lính xa nhà, mỗi khi có dịp về phép, Ba giành với Má con đi rước con từ Trường về nhà , Ba đến sớm , đứng nhìn ngôi Trường uy nghi cổ kính , rồi nhiều lần tự hỏi : Sao nhà tui nghèo mà con gái của tui nó được vào học trong ngôi Trường lớn như vầy được hở, học được với những giáo sư giỏi nhất nước , và đầy đủ các môn học, từ Toán, Lý , Hóa , Sinh ngữ , Vạn Vật , Giảng Văn cho đến các môn phụ, vẽ, nữ công, gia chánh, thể thao , để khi ra trường mỗi một học sinh sẽ là rường cột của nước nhà và khi lập gia đình sẽ là người phụ nữ đảm đương mọi việc từ trong nhà, cũng như ra ngoài xã hội. 

Ba đứng trước Trường trông con từng giây, từng phút,  hồi hợp chờ tiếng chuông báo hiệu giờ tan học, Ba tưởng tượng khi cổng trường vừa mở , học sinh ùa ra như bầy ong vở tổ, con sẽ ngạc nhiên và mừng rỡ khi thấy người đón con hôm nay không phải Mẹ con , mà là Ba của con . Nếu gặp người quen hỏi Ba đón ai vậy , Ba sẽ trả lời với tất cả sự hãnh diện , khi khoe với họ là "Tui đón con gái của tui". Và Ba cũng nghĩ rằng tất cả những phụ huynh đến đây đều có cùng tâm trạng như Ba . 

Con ơi , Ba cứ tưởng như Ba đang nằm mơ, khi đọc thư con , gửi về từ đất nước Hoa Kỳ, cách xa quê hương của mình tới nửa vòng trái đất , con tốt với cha mẹ anh em , với mọi người thân , nên Trời cho con đủ thứ , con phải sống sao cho xứng đáng , hãy thương yêu mọi người , nhất là chồng và các con , cùng họ hàng thân thích bên chồng , hãy sát vai cùng chồng nuôi dạy các con nên người hữu dụng cho đất nước Hoa Kỳ , một đất nước với những người dân có trái tim rộng mở , dang rộng cánh tay đón những người bị áp bức từ các nơi trên thế giới đỗ về , đúng là cõi thiên đàng nơi hạ giới .
Tuổi càng già, Ba càng lẩm cẩm. Ba không biết sống được bao lâu, nhưng rất yên lòng và hãnh diện vì con , Ba có chết cũng ngậm cười nơi chín suối".

Vài năm sau đó thì Ba em mất .
Khi nghe em kể lại chuyện nầy , chị cũng bồi hồi xúc động .



Ngồi trên xe, em nắm tay Chị, như muốn truyền hơi ấm, truyền sinh lực cho chị . Các Bác sĩ ở nhà thương thật là tốt,  họ là người Mỹ, mà đối với người di dân Á Châu như mình sao họ tốt quá, họ chiến đấu giành lại mạng sống của Chị trên tay tử thần , để hôm nay Chị có thể đi với tụi em đến thăm những đài kỷ niệm của các Tổng Thống Hoa Kỳ . 

Nhưng có lẽ Chị cũng biết sức của mình, muốn nhìn lần cuối đất nước nầy , nhìn những công trình vĩ đại mà các người Mỹ đến trước, xây dựng cho các thế hệ mai sau chiêm ngưỡng , thán phục và hãnh diện. 

Khi gõ lại những dòng nầy thì mồ Chị đã xanh cỏ, sau khi đi Washington về rồi thì 5 tháng sau Chị mất . Chị mất đi để lại bao nỗi thương tiếc nhớ nhung cho cả gia đình , vì Chị không có gia đình riêng, và Chị đã lo cho các em như người Mẹ chăm lo con cái từ lúc gia đình chưa di cư vào Nam , Chị là cánh tay đắc lực của Mẹ Chồng em , Chị gánh gồng bán buôn với Mẹ , cũng như chăm sóc , cơm nước cho Bố Chồng em và các em, khi vào Nam,  Mẹ mất sớm , Chị đã thay Mẹ nuôi nấng , dạy dỗ các em . Ôi tình Chị đối với các em , sao mà thâm sâu vô bờ bến .

Nghĩa Trang, nơi yên giấc ngàn thu của Chị

Mộ của Chị ở gần nhà nên mỗi tuần thì tụi em đến thay hoa tươi, vài ngày thì vào thay nước . Chị nằm yên dưới hàng cây hoa đào râm mát , mùa xuân hoa nở rực màu hồng , mùa hè tàng cây che bóng , mùa thu lá vàng rực rỡ như cảnh thần tiên , mùa đông tuyết phủ đầy trắng xóa .


Tụi em có làm gì , em có gõ bao nhiêu trang cũng không bày tỏ hết tấm lòng thương yêu các em như trời biển của chị , chỉ cầu xin Trời Phật chứng tri lòng thành của các em gửi đến Chị , mong chị an vui nơi cõi vĩnh hằng.

Mùa Xuân 2014

Kim Phan

2 comments:

  1. Cám ơn Chị NPN, Chị thật là người có tâm huyết, lưu lại những sự kiện đã xẫy ra, đang xẫy ra .....góp phần cho thế hệ tiếng Việt mình ở hải ngoại.
    Tg xin chân thành cảm tạ, tấm hình Chi em trong ảnh Chị Post vào gây cho mình xúc động lạ kỳ, biết bao ý nghĩa về tình chi em, chúc Chị mạnh khỏe để giữ mãi trang Blog nầy.

    Kim Phan

    ReplyDelete
  2. Mình cũng muốn vậy nhưng ở đời không có gì trường cửu, được lúc nào hay lúc đó chị ơi! Chỉ mong sao ngày nào blog này còn tồn tại thì ngày đó còn được bạn đọc bốn phương ưu ái viếng thăm.
    Chúc chị an lạc tuổi chiều.
    NPN

    ReplyDelete