Pages

Wednesday, April 15, 2015

Đức Phật Dạy Về Lòng Tham Của Con Người - Trầm Lặng


Đức Phật nói những điều đó đều là ác pháp. Nếu con người cứ gần gũi, luôn luôn chạy theo bởi lòng tham muốn này mà không biết tránh xa nó thì rất có thể bị nguy hại cho bản thân. Ngài thường dùng hình ảnh vàng bạc, của báu, tài sản giống như con rắn độc nó sẽ cắn chúng ta chết.

Lòng tham của con người giống như cái túi không có đáy, cái túi không có đáy thì dù có đựng bao nhiêu vàng bạc của quý cũng không thể nào đầy được. Cũng vậy, lòng tham của con người thì vô độ nên không có điểm dừng, không có giới hạn, mà lại vô hạn…
Chính vì vậy con người mãi chạy theo dục lạc để tận hưởng, không bao giờ biết dừng. Giống như con thiêu thân lao mình vào ánh đèn mà không thể nào biết rằng nó sẽ bị nguy hiểm biết dường nào và nó không thể nào biết được khi lao vào bóng đèn thì nó sẽ chết ngay.

Con người không thấy được sự nguy hiểm của lòng tham dục, cho nên càng tham muốn càng khổ nhiều. Lòng tham này được thể hiện dưới mọi hình thức khác nhau.
Có người vì lòng tham mà cố gắng lo làm ăn bằng những nghề nghiệp nuôi sống khác nhau: như làm công cho nhà nước, như làm công ty, như làm ruộng, như buôn bán, như nuôi gia súc gia cầm…vv. Ngày đêm thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả dành dụm để tạo dựng sự nghiệp sinh sống cho mình và gia đình. Nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, khi có được tài sản thì luôn luôn ưu tư suy nghĩ sợ bị mất, sợ bị ăn trộm.

Người giàu sang có tiền của tài sản cũng bị khổ là phải bo bo giữ gìn. Nếu như lỡ may bị trộm cướp, bị lấy cắp, bị tịch thu, bị hỏa hoạn đốt cháy hoặc lỡ bị lũ lụt cuốn trôi thì than van khóc lóc, đấm ngực, mê man bất tỉnh, thì sự nỗ lực vất vả cố gắng gầy công để được giàu có, tài sản nhiều đó cũng hoài công vô ích và không có kết quả gì.
Có người vì lòng tham mà không còn lương tâm lương tri ăn của hối lộ, ăn xén ăn bớt của cải mồ hôi công sức của người khác.
 Có người vì lòng tham mà phải cờ bạc, cá độ để mong được giàu sang có được tài sản, rốt cuộc giàu sang không thấy mà lại cho một kết quả bi thảm đó là tán gia bại sản, của cải không còn, nhà cửa bị tịch thu…

Có người vì lòng tham mà mua vé số, đánh số đề cầu mong trúng số độc đắc để có được nhiều tiền giàu có, kết quả rồi cũng trắng tay tan nhà nát cửa, nợ nần chồng chất…
Có người vì lòng tham mới đầu có chiếc xe đạp, khi có được chiếc xe đạp rồi lại mong muốn có chiếc xe honda, khi có chiếc xe honda rồi lại mong muốn có được chiếc xe hơi…Cho nên, lòng tham không có giới hạn là như vậy.

Khi có được tài sản nhiều thì thường xảy ra mâu thuẫn với nhau. Như dòng họ tranh chấp với nhau, chồng vợ tranh chấp, cha con tranh chấp, mẹ con tranh chấp, anh em tranh chấp, chị em tranh chấp, bạn bè tranh chấp... Con người vì nhu cầu vật chất, tiền bạc, tài sản mà đeo đuổi theo lòng tham lam bỏn xẻn, ích kỷ cho riêng mình. Cho nên chuyện đổ vỡ xung đột gia đình đánh mất hạnh phúc cũng xảy ra từ đây. Nguyên do cũng chính bởi lòng tham này, nên không còn thương yêu nhau, đùm bọc nhau nữa, thường xuyên xảy ra chiến tranh, tranh đoạt, tranh chấp với nhau.

Tất cả những sự tham muốn nêu trên đều mang một kết cục là khổ đau, cho dù lòng tham muốn để được tài sản giàu có, được tạo nên bởi mọi hình thức nào cũng đều mang lại sự thiệt hại, nguy hiểm cho chính mình, cho người thân và cho cả xã hội. Chúng đều là hành nghiệp của ác pháp, của bất thiện được thể hiện trên thân hành, khẩu hành, ý hành của chính mình. Vì trong ý hành thường nghĩ đến chuyện muốn được giàu sang hơn người khác, cho nên thân hành và khẩu hành phải hành động làm hại mình, làm hại người và làm hại chúng sanh.

Những sự việc nêu trên do lòng tham dục sai xử: “Chính dục làm nhân, họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý. Do họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Như vậy là sự nguy hiểm các dục, đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do chính dục làm nhân”.( Kinh khổ uẩn- Trung Bộ)

Đức Phật nói những điều đó đều là ác pháp. Nếu con người cứ gần gũi, luôn luôn chạy theo bởi lòng tham muốn này mà không biết tránh xa nó thì rất có thể bị nguy hại cho bản thân. Ngài thường dùng hình ảnh vàng bạc, của báu, tài sản giống như con rắn độc nó sẽ cắn chúng ta chết.

Nếu con người cứ chạy theo lòng tham muốn này để phục vụ cho đời sống thì cứ phải chịu quả khổ đau mãi và con đường trôi lăn luân hồi sanh tử cũng từ đây. Đức Phật dạy người nào từ bỏ lòng tham lam thì sẽ được giải thoát. Không còn phải chịu quả khổ nữa, vì nhân không tham nên quả không khổ. Khi mọi người biết được do chính lòng tham muốn mà bị khổ, thì hãy đoạn tận, trừ bỏ lòng tham này thì quả vị an lạc, hạnh phúc sẽ hiện diện liền.

Đức Phật dạy rất thực tế: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn”. Đây là câu nói đúc kết sự chứng nghiệm của đức Phật về sự thật  khổ đau của cuộc đời, thường được Ngài sử dụng để khuyên nhắc chúng đệ tử xuất gia cũng như chúng đệ tử tại gia chế ngự các ham muốn giác quan, sống nếp sống thiếu dục tri túc, không còn bị tác động bởi các động cơ dục lạc, thuận tiện cho việc tu tập hướng đến giải thoát hoàn toàn mọi trói buộc khổ đau.

Mọi người nên học đức hạnh ít muốn biết đủ, đừng có tham cầu nhiều. Cho dù có bị nghèo khổ túng thiếu thì mình cũng cảm thấy đủ, không than phiền oán trách, nên không cần cầu Phật trời ủng hộ cho được giàu sang. Còn người giàu có thì cũng nên học hạnh ít muốn biết đủ, đừng ăn chơi xa xỉ, tiêu sài một cách phung phí, tốn hao của cải… Sự bất hạnh đau khổ hay hạnh phúc an vui, giàu hay gièo, sang hay hèn, túng thiếu đói khát hay đầy đủ dư giả, đẹp hay xấu… Tất cả đều do hành nghiệp nhân quả mà mọi người đã tạo ra. Không phải do một thần linh hay một đấng tối cao nào ban phước hay giáng họa cho ai cả, mà chính ta là chủ nhân của bao điều họa phước.

Đức Phật dạy con người muốn được giàu sang thì phải từ bỏ tính tham lam, ích kỷ, keo kiệt, bủn xỉn. Thì sẽ hưởng được phước báu hữu lậu giàu sang. Nhưng khi được phước báu hữu lậu giàu sang phú quý thì đừng hãnh diện kiêu mạn với phước báu đó. Vì sự giàu sang đó là pháp hữu vi, là vô thường, nên đừng chấp thủ vào nó, mà phải học tính buông xả, xa lìa những cạm bẫy của dục lạc để thân tâm luôn được thanh thản, an lành thì đây mới là phước báu vô lậu không còn phải trôi lăn sinh tử nữa.

Kính bút: Trầm Lặng
Nha Trang: 03/03/2015

No comments:

Post a Comment