Pages

Thursday, May 14, 2015

Tấm Thẻ Xanh Và Cô Dâu Mạng - Phương Hoa


Chàng là một viên chức Mỹ. Nàng là người đẹp Trung Hoa. Cuộc hôn nhân là kết quả của mạng chít chát Thượng Hải-Cali. Chuyện tình gay cấn mà có thật được kể bởi Phương Hoa, một nhà giáo tại Marysville, California, giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.

Tôi quen biết nhân vật chính của câu chuyện này cũng ngay vào sáng mồng Một Tết con Ngựa, năm Nhâm Ngọ 2002, tính đến nay là vừa tròn “một con giáp.”

Sống trên đất Mỹ, dù Tết đến vẫn phải đi làm, tụi nhỏ vẫn đi học, nhưng chúng tôi luôn chuẩn bị ăn một cái Tết truyền thống Việt Nam để mấy đứa con nhớ về nguồn cội. Những cái Tết trước đây, sáng mồng Một nào tụi nhóc cũng dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề đến bàn thờ lạy mừng tuổi ông bà. Tiếp theo là chúc mừng năm mới ba mẹ và nhận tiền lì xì. Nhưng Tết năm ấy, con cái lớn đi làm, đi học xa, nhà chỉ còn hai vợ chồng,

Sáng hôm đó vợ chồng tôi dậy sớm, nấu cơm chay cúng ông bà rồi chuẩn bị trái cây đem đi cúng tiệm, chúng tôi vừa sang lại chưa lâu.

Sau khi bày bánh mứt, các loại trái dừa, đủ, xoài, thêm trái thơm “dư” ra bàn thờ ông Địa và cắm cành lộc vào bình hoa, tôi chưa kịp thắp hương thì một người đàn ông Mỹ bỗng đẩy cửa bước vào. Người khách tự giới thiệu anh là người láng giềng tên Mark ở gần bên, đến để “chúc mừng Tết Mặt Trăng cho hàng xóm mới,” anh nói. Mark còn mang tặng chúng tôi một chùm tám trái quít chín đỏ ối và nói anh học được phong tục này từ người Á Châu, trái quít là trái “lucky” và số tám là số may mắn.

Tôi biết trái quít và con số tám may mắn cho ngày Tết mà anh nói thường là sự tin tưởng của người Hoa, người Việt mình thì “mặn mà” hơn với con số chín, nhưng tôi rất cảm động và cám ơn anh rối rít. Dù Mark không phải là khách hàng đến để đem tiền vào, tôi cũng mừng vui vô cùng vì đầu-năm-có-Lộc.

Mark vào khoảng chưa tới năm mươi, là một công chức cấp cao, làm việc cho một cơ quan quan trọng tại thành phố lớn đã hai chục năm rồi. Người trông lịch lãm, ăn nói nhỏ nhẹ, và đặc biệt, Mark có nụ cười rất tươi và hiền giống như nụ cười của pho tượng ông Lộc. Mark kể anh có một cô con gái vừa vào đại học và cậu con trai đang học năm thứ hai, tụi nhỏ ở nội trú nên anh sống một mình. Chuyện trò một lát, trước khi đi anh đưa tôi tấm danh thiếp, dặn nếu có gì cần giúp thì gọi cho anh bất cứ lúc nào. Nhà tôi nhìn theo anh và nói “Quả là ông hàng xóm tốt bụng!”

Mark đi làm suốt ngày, xem ra bận rộn, nhưng về nhà anh lại có vẻ rất cô đơn. Anh là người sống có tình cảm với xóm giềng. Hàng ngày, mỗi khi ra xe đi làm, anh vẫy tay chào chúng tôi, tối nào chuẩn bị đóng cửa mà gặp anh thì anh chúc ngủ ngon. Cuối tuần nếu thấy tiệm vắng khách, anh thường tạt vào trò chuyện. Anh đã giúp đỡ bọn tôi hết lòng. Khi nghe tôi định lắp hệ thống Alam phòng ngừa trộm cắp, anh cản:

- Đừng bắt Alam cho tốn tiền! Tối nào tôi cũng dạo quanh khu phố một vòng trước khi đi ngủ, tôi sẽ giúp trông chừng cửa tiệm cho anh chị.

Và quả thật trong gần mười năm chúng tôi kinh doanh ở đó rất yên ổn, không bao giờ có lộn xộn hay trộm cắp xảy ra. Chắc bọn tội phạm nể mặt Mark, nên không dám quậy phá ở khu này.

Dù thành công trong nghề nghiệp, Mark chẳng may mắn lắm trong tình trường. Một lần ly dị, mấy lần mất người yêu. Ở xứ này tiêu chuẩn của cánh phụ nữ là phải luôn luôn được cung phụng, cưng chiều. Nhưng Mark luôn luôn bận rộn. Anh thường đi công tác xa nhà nhiều ngày, bỏ người đẹp bơ vơ. Nên chỉ sau một thời gian yêu nhau là anh mất nàng vào tay kẻ khác.

Mark rất thương con, nhất là cô con gái xinh đẹp tên Jina. Mỗi khi cô bé về nhà đều được cha đưa qua tiệm tôi làm đẹp. Rồi anh nghe bạn bè kháo nhau, có nhiều người Mỹ qua Á Châu kiếm bạn đời vì phụ nữ bên ấy xinh đẹp dịu dàng. Chẳng những họ hiền thục mà còn thủy chung, chăm sóc gia đình, thương chồng con hết mực. Anh cũng muốn “thử thời vận” nên vòng vòng trên mạng. Sau một thời gian “chít chát” từ Thái Lan, Việt Nam, đến Trung Hoa, anh dừng lại với một cô tên Cheng khoảng ngoài 30 tuổi, ở Thượng Hải.

Hình ảnh trao qua, email bay lại, từ Thượng Hải đến Cali. “Chat room” của Yahoo bận li bì với cặp khách hàng Hoa lục, Mỹ quốc. Nhìn những tấm hình cô Cheng tạo dáng đủ kiểu đứng ngồi không thua gì “hoa hậu thế giới,” đọc những câu đối thọai bằng tiếng Anh lưu loát dí dỏm khi “chat” trên yahoo, và những email lời lẽ ngọt ngào, Mark bị lâm vào “mê hồn trận.” Anh bèn xin nghỉ phép một tháng, khăn gói đi Trung Quốc cưới vợ.

Nhưng khi đến nơi gặp Cheng, sém chút nữa Mark…té xỉu giữa phi trường. Cô dâu tương lai của anh không hề biết một chữ tiếng Anh nó tròn hay méo! Tất cả sự việc diễn tiến trong thời gian qua chỉ là màn kịch dưới sự đạo diễn tài tình của người thông dịch viên từ một công ty môi giới ở Thượng Hải. Họ chuyên gán ghép hôn nhân qua mạng. Những lời đàm thọai ngọt ngào trao đổi trên chatroom, trong email, cách ăn mặc điểm trang, chụp hình kiểu mẫu gửi qua email cho Mark, đều do người của công ty thực hiện. Việc của Cheng chỉ là để cho người ta trang điểm thật đẹp, đến đó ngồi nhìn vào màn hình, “nhóp nhép” cái miệng, và mỉm cười!

Cười không đặng mà khóc cũng chẳng xong, Mark định “cuốn cờ” về Mỹ ngay lập tức. Nhưng rồi thấy cô Cheng xinh đẹp hiền lành, cộng với sự thuyết phục miệng lưỡi tài tình của anh chàng nhân viên dịch vụ, Mark cuối cùng đồng ý ở lại tiến hành đám cưới.

Một lễ cưới truyền thống Trung Hoa được tổ chức với những thủ tục lỉnh kỉnh nhiêu khê ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh. Cheng không phải là người Thượng Hải, cô lên thành phố để “kiếm chồng ngoại.” Trong đám cưới, đại diện họ nhà trai chỉ có chú rể và người nhân viên dịch vụ. Nhưng cần gì Mark chỉ việc xì đô la ra là mọi chuyện đều “ô kê.” Hôm ấy, cô dâu khoát áo thụng đỏ lê thê kiểu “Hoàng Châu Các Các.” Mark cựa quậy đến tội nghiệp, mồ hôi vã ra trong bộ áo mão “Đại A Ca.” Anh thất thểu bước thấp bước cao theo sau cô dâu làm nhiều cuộc lạy ra mắt. Hết xá bên ni rồi lại quì bên tê, Mark lạy theo Cheng đến vẹo cả cổ.

Rồi Mark cũng “sống sót” được sau đám cưới và rước cô dâu mới về khách sạn hưởng tuần trăng mật. Thời gian một tháng ở Thượng Hải, hàng ngày anh dạy tiếng Anh cho Cheng. Dù không biết tiếng Anh, người vợ mới cũng tỏ ra hết lòng chìu chồng. Cô nàng chăm sóc Mark từng li từng tí, ép anh ăn uống, giúp anh thay áo quần, thậm chí còn làm cả công việc mang giày vớ cho anh nữa. Mark cảm thấy mình là một quân vương. Anh rất hạnh phúc nghĩ mình đã quyết định đúng khi đi Trung Quốc. Về lại Hoa Kỳ, anh kể hết mọi việc cho chúng tôi nghe và khoe về cô vợ mới cưới từ bên kia trái đất. Nhưng anh than thở là khá vất vả để hiểu nhau vì cô không biết tiếng Anh. Tôi nói đùa:

- Như vậy cũng đâu có sao, vì đỡ phải cãi lộn.

Sau đó Mark bảo lãnh vợ. Thủ tục của Trung Quốc khó khăn nên phải đợi đến hai năm, anh đi Thượng Hải đến lần thứ ba mới rinh được nàng sang Mỹ.

Khi Cheng đến Hoa Kỳ, Mark đưa vợ đi ra mắt hàng xóm. Cheng quả là một cô gái đẹp.

Dáng người thanh mảnh, mái tóc đen dài xỏa phủ bờ vai, mắt phượng mày ngài, môi hồng má phấn. Thảo nào Mark chẳng bị đảo điên. Ai cũng trầm trồ khen cô dâu xinh đẹp và chúc mừng cho Mark. Khi gặp tôi, Cheng không nói được câu nào ngoài tiếng “Hi” rồi đứng cười cười. Ngày xưa ở Nha Trang tôi chơi thân với mấy đứa bạn người Việt gốc Hoa. Tụi nó có dạy tôi những câu tiếng Phổ Thông dùng trong hàng ngày tôi vẫn còn nhớ lõm bõm nên cầm tay cô hỏi để “lấy le” với Mark:

- “Nị hảo ma?” Bạn có khỏe không?

Tưởng tôi biết tiếng Tàu, Cheng mừng quýnh tuông ngay một tràng dài làm tôi…ngọng tuốt.

Tuy ít nói vì không biết tiếng Anh, nhưng trước mặt mọi người Cheng đã dạn dĩ tỏ ra là một người vợ rất thương chồng, như âu yếm sửa lại cổ áo cho Mark, phủi mấy sợi tóc còn vươn trên vai áo anh khi cùng anh đi cắt tóc về ghé lại chỗ tôi. “Nụ cười ông Lộc” của Mark bây giờ rộng đến mang tai, anh luôn miệng nói rất hạnh phúc vì Cheng yêu và chìu chuộng anh mọi điều. Một lần tôi đưa Mark xem cái tự điển điện tử Anh/Việt của tôi và khuyên anh nên mua cho Cheng một cái Hoa/Anh tự điển để cô học tiếng Anh. Mark đi mua ngay lập tức. Anh còn hỏi thăm chỗ mua đồ chay vì Cheng theo đạo của Thiền sư Thanh Hải nên không ăn thịt. Tôi chỉ cho anh những ngôi chợ Á Châu, các nhà hàng chay ở xa như Sacramento, San Jose, San Francisco, Mark mừng vui nói với vợ:

- Không cần biết xa đến cỡ nào, ngày mai anh đưa em đến đó ăn đồ chay và mua để dành.

Những ngày kế tiếp, cặp vợ chồng này thường đi ngang qua shop, tay trong tay trông rất âu yếm. Khoản một tuần sau đó, buổi tối khi tôi chuẩn bị đóng cửa ra về, thình lình Mark hớt ha hớt hải chạy vào:

- Chị Linda, không biết sao mà vợ tôi ra cửa đứng khóc suốt từ nãy đến giờ, chẳng chịu đi ngủ. Tôi đã dỗ dành hết cách, giờ không biết tính sao. Chị hãy làm ơn khuyên cô ấy dùm. Nói xong anh vội chạy đi, như thể chậm chân thì người vợ mới của anh sẽ biến mất.

Tôi bước ra thấy Cheng đang đứng tựa cửa, nước mắt lưng tròng. Mark thì đi qua đi lại, xính va xính vính như “gà mắt đẻ.” Tôi hỏi Cheng tại sao khóc, vừa hỏi vừa múa máy tay chân đủ kiểu, nhưng cô vẫn cứ lắc đầu. Tự nhiên tôi nhớ lại được một câu tiếng Tàu:

- “Nị xạng che ma?” Bạn nhớ nhà phải không?

Như nước vỡ bờ, Cheng ôm chầm lấy tôi òa lên khóc nức nở. Mark thấy vậy cũng mếu máo khóc theo. Anh cứ nói luôn mồm, “Oh my God!” -Trời ơi! Anh biết làm gì cho em đây?” Đàn ông mà sao lại “yểu xìu” như vậy hả trời. Tôi nghĩ thầm, nhưng lại thấy tội nghiệp cho anh chàng si tình nên không dám lên tiếng. Khi tôi nói Cheng vì nhớ nhà mà khóc, Mark mới yên tâm và đỡ bối rối. Tôi và Cheng đứng ôm nhau thật lâu, tôi đợi cô ngừng thổn thức rồi giao cho Mark đưa cô vào nhà.

Từ đó mỗi chiều đi làm về Mark chở vợ đến lớp tiếng Anh cho người lớn và ngồi học chung với cô đến khuya. Anh đưa cô lại tiệm tôi làm móng tay móng chân mỗi hai tuần, đích thân chọn màu và những kiểu vẽ trên móng, dắt cô đi mua sắm áo quần, đi nhà hàng ăn cơm chay, mua thức ăn về rồi cuối tuần cùng cô nấu nướng. Anh còn mua điện thoại cầm tay cho Cheng, dặn nếu có gì cần không gọi được anh thì gọi cho tôi. Anh gửi gắm:

- Tôi đi làm, Cheng ở nhà một mình, nếu cô ấy cần gì nhờ chị giúp đỡ.

Tiếp xúc thường xuyên, tôi nhận ra tiếng Anh của Cheng ngày càng lưu loát hơn. Một hôm Cheng đến khoe với tôi cô đã thi đậu bằng viết. Rồi Mark tập cô lái xe. Mỗi khi chạy ngang qua tiệm lúc nào cô cũng chậm lại, nhấn còi inh ỏi, cười toét miệng và vẩy tay khoe với chúng tôi. Cuộc sống của Cheng xem ra rất tốt, vì chưa bao giờ tôi nghe cô than phiền về Mark điều gì.

Sau khi Cheng đậu bằng lái, Mark giao cho chiếc xe nhỏ để chạy còn anh dùng chiếc xe truck để đi làm. Biết tôi đang học college, anh đưa vợ lại hỏi thăm thủ tục nhập học rồi đưa cô đi ghi danh, mua sách vở, và đồ dùng. Từ khi Cheng bắt đầu học college, tôi thấy cô thường đi chung với một người bạn cũng là người Hoa, hai người tỏ ra rất thân thiết. Cheng kể với tôi cô quen người bạn Trung Quốc nói tiếng Phổ Thông (Mandarin) này ở trường college. Mark cũng nói anh rất mừng vì Cheng có bạn nói cùng ngôn ngữ để cô tâm sự cho đỡ buồn.

Cheng đi học được một thời gian, ngày kia cô gặp tôi và cười hớn hở:

- Em báo cho chị một tin mừng. Ngày hôm qua em đã lấy được thẻ xanh thường trú mười năm, thay thế cho tấm thẻ xanh hai năm tạm thời trước đây.

- Ồ, tốt quá, chúc mừng em nghe! Mới đây mà em đã ở Mỹ được hai năm rồi, vậy là ba năm sau em sẽ thi quốc tịch Mỹ. Tôi nói, nghĩ cô ấy giống trường hợp của tôi ngày xưa.

- Không đâu! Cheng trả lời một cách chắc chắn, vẻ mặt có chút kênh kiệu, điều mà tôi chưa hề thấy trước đây. - Chỉ một năm nữa thôi, vì chồng em là US Citizen, Mỹ chính gốc mà chị, em sẽ được thi vào quốc tịch sau ba năm ở Mỹ!

Thì ra cô bây giờ không còn là cô Cheng khờ khạo khóc kể nhớ nhà hai năm về trước, tôi thầm nghĩ. Cô đã có tất cả, biết lái xe, biết tiếng Anh, đi học college, có bạn đồng hương, và bây giờ thì có tấm thẻ xanh thường trú với thời hạn mười năm.

Một tuần sau đó… Đó là một buổi chiều cuối mùa hè.

Làm xong móng tay cho bà khách quen, tôi giúp đem cái bóp và chìa khóa ra nổ máy xe cho bà, vì nước sơn chưa khô sợ bà đụng lung tung mất công sơn lại. Đến bãi đậu xe, tôi bỗng thấy vô số xe cảnh sát chớp đèn xanh đỏ, nhấp nháy sáng lóa cả một vùng, lớp đã dừng, lớp đang tới tấp chạy đến đậu bao quanh căn nhà của Mark. Tôi vội bước lại xem. Mấy người chủ cơ sở kinh doanh gần đó cũng ra chỉ trỏ xầm xì. Một cô hỏi thăm người cảnh sát quen thì anh cho biết:

- Cheng gọi 911 kêu cứu vì Mark muốn giết cô!

“Oh my God!” Chúng tôi cùng kêu lên, rồi vụt chạy ra sau nhà Mark. Tôi không thể tin vào mắt mình! Dưới ánh nắng chiều vàng vọt, giữa rừng hào quang nhấp nháy muôn màu từ đoàn xe cảnh sát đậu cạnh những cây cam trĩu quả vàng của nhà hàng xóm, Cheng ngồi chễm chệ trong một chiếc xe tuần cảnh nhìn ra, tay chỉ trỏ vào nhà, miệng “xì xồ” điều gì đó. Và tại nơi cửa sau của chính nhà mình, Mark đang bị ba bốn người cảnh sát đè xuống còng tay, trong khi nhiều người khác thì lăm lăm súng chỉa vào anh, y hệt như họ đang bắt một tội phạm hung dữ.

Tôi há hốc mồm nhìn Mark. Nét mặt anh trông giận dữ nhưng anh không hề chống cự hay thốt lời nào. Còng tay anh xong họ áp giải ra xe, rồi vào nhà anh lục soát. Sau đó tất cả chạy đi, mang theo nhiều thứ, kể cả người hàng xóm tốt bụng của chúng tôi và “cô dâu mạng” của anh, cặp vợ chồng mà trong hai năm qua cả khu phố đều chứng kiến và ngưỡng mộ vì họ “rất hạnh phúc.”

Một bà đứng cạnh tôi bỗng chép miệng:

- Tội nghiệp Mark! Trong số cảnh sát đó có vài người quen. Tôi thấy thỉnh thoảng họ đến nhà anh, vậy mà bây giờ khi làm nhiệm vụ, họ bắt anh không một chút nương tay!

Tôi đứng trông theo cho đến chiếc xe cảnh sát cuối cùng lăn bánh mà lòng ngẩn ngơ. Tôi gật đầu với người hàng xóm:

- Đúng thế! Dù gì Mark cũng là một người làm việc trong ngành quan trọng, vậy mà khi hữu sự thì các ngài bắt người cái rẹt một cách không thương tiếc!

- Thương tiếc! “Are you kidding?” - Chị đùa hả? Một người khác lên tiếng. –Luật pháp là luật pháp, họ phải chấp hành thôi. Làm lớn làm nhỏ gì, quen biết hay không cũng thế!

Quả là luật pháp Mỹ không chừa một ai, làm gì có chuyện “nhứt thân nhì thế” chứ. Ngay cả tổng thống, nếu phạm sai lầm dù là chuyện bé xíu cũng lo sốt vó chứ chẳng phải chơi. Chúng tôi còn túm tụm lại bàn tán một hồi vì mọi người đều bị “shock” về chuyện đã thấy. Ai cũng nói chẳng đành lòng nhìn Mark, người được mọi người quí mến phải vướng vào vòng lao lý. Tôi không biết Mark bị tội gì, nhưng khi tôi kể cho người bạn hàng xóm nghe việc Cheng khoe với tôi cô đã có thẻ xanh thường trú cách đó mấy ngày, và hiện cô đang đi học college, thì một người nói:

- Chắc là cô ả lấy được thẻ xanh rồi nên bây giờ trở mặt đấy thôi! Và chị ta cười lớn: -Gì chứ vợ mà gọi 911 thì chồng bị “hốt cốt” ngay thôi! Ha…ha…

Câu nói của chị ta làm tôi nhớ lại câu nói của một bà bạn thân ngày trước, “Ở đất nước này một khi vợ gọi 911 thì chồng “không chột cũng què.” Chính con bà cũng đã bị vợ gọi 911. Cách đó mấy năm, vợ chồng thằng con trai của bà chị này, tạm gọi là Thế và Ly, có chuyện lục đục. Thế ra ngoài nhậu nhẹt về nhà bị Ly cự nự, sẵn có hơi men cậu ta nổi dóa thưởng cho cô vợ một bợp tai. Ly bèn gọi 911, và cảnh sát đến còng tay Thế “bắt bỏ bót” trong tình trạng áo thun quần cộc. Tại đồn cảnh sát, Thế bị nhốt vào một phòng trống và bị tạt một sô nước lạnh vào người, ướt như chuột từ đầu đến chân “để cho hạ hỏa,” người ta nói. Suốt đêm trường lạnh lẽo trong tù, Thế đâm ra hận cô vợ nhẫn tâm. Ngày xưa anh đã gặp và yêu Ly trong trại tị nạn Palawan Phillipines khi nằm chờ thanh lọc. Cuối cùng Thế đậu, nhờ ăn theo diện tị nạn chính trị của cha. Ly bị “đá” nên nước mắt chan hòa tiển người yêu lên đường đi Mỹ.

Ở Hoa kỳ, Thế đi làm kiếm tiền gửi qua cho cô xài. Thấy Ly nằm lại Phi thật lâu cũng chả có kết quả, Thế kêu cô tình nguyện hồi hương để anh về cưới và bảo lãnh. Sau một thời gian vất vả với thủ tục giấy tờ, hai lần về nước, cuối cùng Thế cũng đem được vợ qua đây khi Ly vừa mang thai đứa con thứ nhất. Bấy giờ họ đã có một trai một gái, cuộc sống ổn định, chồng đi làm cho Dealer xe hơi, vợ làm thợ uốn tóc. Càng nghĩ thấm, Thế càng “tức khí.” Từ cái cảm giác xấu hổ bị vợ cho ở tù trong khi mình luôn là một công dân tốt, đến tức giận vì bị nhốt và tạt nước ướt nhèm nhẹp lạnh lẽo suốt đêm, Thế thề là sẽ trả thù “cái đồ vô ơn bạc nghĩa.” Mình đã vất vả để đem cô ta qua đây, mà bây giờ “qua cầu rút ván.”

Khi được thả, Thế làm thật những gì anh nghĩ trong khi bị nhốt. Ly dị. Dù cha mẹ hai bên kể cả bạn bè thân cận của họ như vợ chồng tôi hết lời khuyên giải cũng đều chẳng đi đến đâu. Cả hai đều cứng đầu nên khó lòng hoài giải. Việc ly hôn đã làm xẻ nghé tan đàn, hai đứa con một sống bên cha, một ở cạnh mẹ. Sau đó Thế lại về Việt Nam cưới một cô vợ trẻ, nhưng bảo lãnh qua đây rồi cũng chẳng hạnh phúc gì, và Ly thì nghe đâu yêu đương rả rít tùm lum, cho đến giờ vẫn chưa đình đậu.

Nhớ đến đó tôi đâm ra lo cho Mark vô cùng. Cuộc gọi 911 của một “phó thường dân” mà đã làm tan nát cả một gia đình như thế. Chuyện của Mark có thể còn tệ hơn, vì dù gì anh cũng làm một cái job quan trọng. Tôi bần thần bước vô lại tiệm thì nghe được bản tin nóng từ TV địa phương. Họ cho biết, “Cảnh sát vừa giải thoát một ‘cô dâu mạng’ được cưới đến Hoa Kỳ, bị người chồng vũ phu giam cầm bỏ đói và hành hạ suốt hai năm qua, bây giờ còn định giết cô ta.”

Đúng là một tin giật gân! Mới đầu, tin này làm náo động khu phố và thành phố chúng tôi. Nhưng đến chiều thì khu vực xung quanh nhà Mark bỗng nhiên nhốn nháo. Ký giả báo chí từ các nơi ào ạt đổ về, nhật báo, tuần báo, tạp chí, truyền thanh truyền hình, địa phương và các nơi xa đều cử người đến. Khu phố tràn ngập đủ loại xe lớn xe nhỏ, người vác máy quay phim, kẻ lăm lăm máy ảnh, anh thì ôm tập, chị cầm máy ghi âm… Nhiều chiếc máy quay phim to đùng có chân cẳng đặt sau nhà Mark, ống kính chỉa thẳng vào nhà để phục kích. Một số người khác rảo vòng quanh xóm, thấy ai lấp ló thò thụt dòm ra là nhào đến phỏng vấn.

Tôi hụt hẫng, chẳng biết hư thực thế nào, và không tin Mark muốn giết vợ. Làm sao mà cả hai người lại đóng kịch tài tình như vậy đến những mấy năm kia chứ? Cheng thân với tôi hơn bất cứ người hàng xóm nào, và cô chưa bao giờ tỏ vẻ phiền lòng hay kể tôi nghe chuyện gì xấu về Mark. Nhưng “không có lửa làm sao có khói,” tôi cũng có chút dao động, bán tín bán nghi. Cho nên mỗi lần thấy có ký giả sắp bước vào tiệm là tôi kéo ông xã chạy vội ra đàng sau, sợ rủi lỡ lời “phát ngôn bừa bãi” sẽ làm hại một trong hai người họ. Tôi nhờ khách nói với ký giả là người trong tiệm đã ra ngoài, khách thì ở xa đến nên không biết gì về sự việc. Nhiều lần chạy trốn như vậy, tôi suy nghĩ, sắp xếp lại mọi điều, và chợt nhận ra mình không thể lặng im. “Giam giữ và hành hạ người phối ngẫu” là một tội không nhỏ trên đất nước này. Báo chí nói Mark đang hưởng tiêu chuẩn “vắng mặt vì công vụ,” trong khi chờ điều tra, nhưng tôi hiểu nếu anh bị kết án ở tù, việc làm rất tốt gần hai chục năm của anh, hai đứa con đang ăn học, nhà cửa…có thể anh sẽ mất tất cả. Và tôi quyết định phải làm cái gì đó để may ra có thể giúp anh phần nào.

Cuối cùng, tôi không chạy trốn nữa mà tiếp ký giả của một tờ báo lớn. Tôi kể họ nghe “những điều trông thấy” nhưng chẳng có “đau đớn lòng” tí nào cả, vì đôi vợ chồng này luôn tỏ ra rất mực yêu nhau. Mark đã chiều chuộng Cheng như thế nào, dạy vợ lái xe ra sao, đưa đi học tiếng Anh, và cho vào college. Trong mắt những người hàng xóm như chúng tôi thì cặp vợ chồng này thật là hạnh phúc.

Báo chí, radio, TV đồng loạt đưa tin, theo dõi diễn biến vụ “cầm giữ và hành hạ cô dâu mạng.” Luật sư của Mark, các ban ngành liên quan, và nhiều nhà điều tra khác lần lượt đến khu phố để tìm hiểu. Khi những người đại diện cấp trên của Mark đến gặp tôi để tìm hiểu sự việc, tôi cũng kể lại những gì tôi biết và giới thiệu để họ hỏi thêm vài người hàng xóm gần tôi, những người cũng quen biết Mark. Đây là “chuyện lớn” trong thành phố nhỏ, nên người ta bàn tán hàng ngày. Họ cho rằng Cheng vì tấm thẻ xanh mà làm hại Mark. Rồi một tháng sau khi Mark bị bắt vô tù và Cheng biến đi đâu mất, thành phố chúng tôi lại sôi động, báo chí một lần nữa hâm nóng tin tức về vụ của Mark. Nhưng lần này là tin vui. Mark người chồng bị kết tội “bắt cóc giam giữ vợ” đã được thả vì trắng án!

Mark ghé lại chỗ tôi vào một buổi tối. Tôi gần như không nhận ra anh. Người đàn ông lịch lãm oai phong ngày nào bây giờ trông phờ phạc, mắt thâm quầng, nhiều nếp hằn vắt dọc ngang qua cái trán bóng. Mái tóc nâu của anh giờ đã thành trắng phếu. Anh giống như một người trở về từ địa ngục, mang vẻ mặt của một cái “bánh bao chiều.”

Mark kể chúng tôi nghe về sự đớn đau anh đã chịu đựng khi ở tù và những kinh nghiệm anh có được qua việc này. Mark cho biết anh tồn tại là nhờ quyển kinh Thánh anh giữ bên mình hàng ngày để tìm bình an cho tâm hồn. Một chuyện thật thú vị Mark kể là có lần anh bị khủng hoảng tinh thần nên ôm lấy quyển Kinh Thánh cầu nguyện rồi mở ra, ngầm “bói một quẻ” xem lành dữ thế nào. Thì ra Mark cũng có sự tin tưởng như mấy đứa bạn Việt Nam ngày xưa thời còn đi học của tôi, “bói Kiều.” Ngày ấy chúng tôi thường dùng quyển truyện Kiều của cụ Nguyễn Du để bói trong tất cả mọi tình huống, “yêu-không yêu, ghét-không ghét, tốt-không tốt.” Chẳng biết có phải là cụ Tiên Điền linh thiêng hay không, mà thuở ấy bọn tôi thường bói trúng phóc.

Mark nói anh đã mở đúng chapter “Daniel 6” trong quyển Thánh Kinh, mà nội dung là câu chuyện của một người tên Daniel bị kết tội oan và bị ném vào hang sư tử, nhưng Chúa đã cứu ông ấy bằng cách cho thiên thần bịt mồm thú dữ. Chính đó là niềm tin, là hy vọng cho anh. Cũng theo Mark, bài học rút ra từ sự đau đớn lần này là anh có nhiều niềm tin hơn vào Thượng Đế, và anh đã nhận ra trong công việc của mình, anh phải cẩn thận nhiều hơn nữa để tránh những vụ oan ức làm người khác bị khổ đau.

Trong khi chuyện trò, thỉnh thoảng đôi mắt anh để tận đâu đâu, trông khổ sở như cố kềm nén những giọt lệ uất ức. Nhìn anh như thế, tôi thấy giận Cheng vô cùng. Nhớ lại lời những người hàng xóm, tôi hỏi:

- Cheng thật lạ kỳ! Cô ấy làm cho anh sém chút nữa mất hết tất cả. Giờ anh tính thế nào?

Anh có định khiếu nại lên sở Di Trú để họ trục xuất Cheng về nước không? Tôi nghe mấy người hàng xóm nói như vậy đó. Mark lắc đầu, giọng anh buồn thật là buồn:

- “No!” Tôi sẽ không làm vậy đâu! Trong thời gian ở Trung Quốc, tôi đã nghe thấy rất nhiều điều. Người dân ở đó lúc nào cũng mắt la mày lét, sống không có tự do, nên ai cũng muốn thoát khỏi cái nơi địa ngục đó. Tôi biết Cheng bằng lòng lấy tôi cũng là để được sang Mỹ nên tôi sẽ không tìm cách để họ trục xuất cô ấy đâu. Nhưng trên tất cả, là tôi yêu Cheng và cũng từng có những tháng ngày hạnh phúc với Cheng. Cô ấy đã lo lắng chăm sóc tôi như một người vợ hiền thật sự. Giờ tôi chỉ mong cô được sống tốt là tôi vui!

Mark rời khỏi từ lâu mà tôi vẫn còn ngồi ngẩn ngơ suy nghĩ về câu anh nói. Nhớ lại những tháng ngày đã từng hạnh phúc bên nhau. Phải rồi. Tại sao người ta lại không thể nhớ lại những ngày tháng hạnh phúc để tha thứ cho nhau kia chứ. “Nhân vô thập toàn” mà. Ai cũng có lúc lỗi lầm, tại sao lại cứ phải nhớ mãi những lầm lỗi để cắn đắng nhau. Tôi chợt nhận ra có lúc tôi cũng tệ lắm. Mỗi lần có vấn đề với “nửa kia,” tôi thường cố moi móc lôi ra những chuyện không vui từ xửa từ xưa để mà càm ràm, chì chiết. Phải chi tôi có được cái tâm của Mark, để chỉ nhớ những điều tốt ông ấy từng làm, điều hay ông ấy từng có, hoặc là nhớ lại “cái thuở ban đầu lưu luyến” đầy mộng đầy mơ ấy mà bỏ qua mọi việc, thì những trận cãi nhau đó đã không có dịp hình thành. Và nếu cô Ly dâu của bạn tôi ngày ấy bình tâm hơn một chút, và cậu Thế cũng đừng mang nặng ý nghĩ trả thù, thì gia đình họ đã không tan nát.

Mark đi làm trở lại và mọi việc rồi cũng bình thường, tuy anh ít ra ngoài như trước.
*

Khá lâu sau, một buổi tối khi tôi chuẩn bị đóng cửa thì thấy một chiếc xe màu trắng tấp vào đàng trước và một phụ nữ rất đẹp mở cửa bước xuống vẻ vội vàng.
- Có khách vào trễ rồi, phải nán lại thôi! Tôi nói với nhà tôi.

Người phụ nữ mặc bộ váy sát nách màu hồng, ngắn-ơi-là-ngắn, để lộ cặp giò trắng nõn nà và đôi cánh tay trần mướt rượt, bước đi nhún nhẩy trên đôi giày gót cao. Vừa bước vào tiệm, cô ta chạy vội lại ôm chầm lấy tôi:

- Chị Linda! Em nhớ chị quá trời luôn!

Tôi bị bất ngờ đến sững sờ khi nhận ra đó là Cheng.

- Trời ơi! Là Cheng hả? Dạo này em đẹp quá làm chị nhận không ra! Lâu nay em ở đâu?

- Chuyện dài lắm! Em sẽ kể chị nghe.

Cheng cho biết cô đã một mình lái chiếc Honda Civic này suốt cả ngày từ Los Angeles lên đây. Cô cũng kể về những vất vả trên đường lưu lạc, trôi dạt xuống Nam Cali sau khi bỏ chạy. Làm thuê làm mướn đủ thứ nghề trong một thời gian, rồi có người bày cô đi học lấy bằng “Massage Therapy,” và hiện cô đang làm việc cho một trung tâm xoa bóp, chỉnh hình dưới LA. Mark đã tìm ra cô và xuống thăm thường xuyên từ ngày anh biết nơi cô sống. Cheng tỏ vẻ rất hối hận về những gì cô đã làm:

- Em cũng không biết tại sao ngày đó em lại làm vậy nữa. Có lẽ vì tinh thần em bị khủng hoảng, vì quá nhớ nhà, nên chuyện bé đã bị em “xé ra to.” Cô chép miệng, lắc đầu:

- May mà Mark không bị ở tù lâu. Em rất xúc động vì anh ấy chẳng những không hận thù em mà trái lại, vì tình yêu chân thật anh đã tha thứ cho em. Rồi cô cười rất tươi, rất hạnh phúc:

- Chúng em huề rồi!

- Trời đất! Tôi trợn mắt – Cô chơi cái kiểu gì ác quá vậy? Cô có biết là thiếu chút nữa thì sự nghiệp của Mark tiêu tùng không? Tôi nói mà trong bụng rủa thầm.

- Em biết chứ Cheng cúi mặt, hai chân dí dí đôi giày cao gót vào nhau như muốn phủi đi bụi bẩn, những bụi bẩn mà cô đã từng đổ ập xuống đầu người chồng tội nghiệp.

- Nhưng thôi, bây giờ như vậy là vui rồi! Tôi thấy áy náy nên nói đỡ.

Chúng tôi trò chuyện một hồi thì Mark đến. Mặt mày anh tươi hơn hớn, một vẻ mặt tôi đã không nhìn thấy từ rất lâu, và “nụ cười ông Lộc” đã xuất hiện trở lại trên môi anh, rộng đến mang tai. Mark nói anh không cho biết trước việc trở về của Cheng vì muốn dành cho chúng tôi một bất ngờ. Tôi khen Cheng có chiếc xe mới toanh quá đẹp, Mark cười hì hì hãnh diện:

- Tôi đã mua cho Cheng hồi tháng trước đó chị. Khi tôi xuống dưới LA thăm cô ấy!

Nói xong anh âu yếm choàng vai Cheng:

- Mình về thôi em! Để cho anh chị ấy đóng cửa.

Nhìn theo hai người, tôi cảm thấy lòng vui khôn tả. Cuối cùng thì “gương vỡ lại lành.”

Đối với Mark, tình yêu thật sự và lòng tha thứ đã đem hạnh phúc trở lại cho anh, niềm hạnh phúc mà anh tưởng đã “tiêu tùng” sau cái ngày đen tối ấy. Còn đối với Cheng, “cô dâu mạng” của anh, nhìn cô vui vẻ thế này, tôi biết giờ đây tấm thẻ xanh đối với cô chẳng còn giá trị nữa. Vì cô đã có một “tấm chồng” biết tha thứ và yêu cô bằng cả trái tim với cái đầu độ lượng..

Phương Hoa

No comments:

Post a Comment