Pages

Friday, June 12, 2015

Anh Tám Tui - Nguyễn Thị Thêm


Nhân ngày giỗ cha, tui ngồi nhìn ba tui trên bàn thờ. Ông dường như đang cười với tui.
Tui lại nhớ những ngày còn bé, Năm anh em tui thường được ba tui kêu lại dặn dò. Trong các người anh, tui gần gũi nhất là anh Tám tui. Ảnh sinh ra trước tui 3 năm. Tui tên Thêm ảnh tên Thôi. Sở dĩ ảnh có tên đó là vì má tui sinh vào lúc chạy giặc, ba má tui oải quá, te tua quá nên móc nghéo với nhau:
- Thôi nghen ông
- Ừa thì thôi. Nhịn.
- Vậy nó tên?
-Thôi.
Thế là anh Tám tui mang tên Thôi vào đời.
 Ảnh đẹp trai và có thời là ông thầy giáo trong mộng của biết bao cô gái mới lớn. Ảnh mang mộng làm võ sĩ nhưng đời đã lôi ảnh lên khán đài dần cho te tua nên mộng đành gát mộng. Anh Tám tui gia nhập Biệt Động Quân và bôn ba trên nhiều vùng hỏa tuyến. Cuối cùng gát kiếm, chèo xuồng về làm rễ đất Hóa An, Biên Hòa.
Ảnh nói năng thao thao bất tuyệt như.... thầy giáo. Tui nghĩ ảnh mà đi đúng đường thì phải chọn nghề luật. Có lẽ vì thế mấy cháu tui con trai học võ cũng đoạt nhiều giải cấp tỉnh. Con gái lại học luật để cầm bằng cấp treo coi cho vui.

Có điều sau này anh tui giỏi nhất là nhậu. Ảnh có thể nhậu bất cứ lúc nào. Cái gì chua chua, ngọt ngọt ảnh cũng làm mồi nhậu ngon ơ.
Thằng con rễ tui một lần về VN nó kể lại.
Mới sáng sớm, con ngủ chưa thẳng giấc vì khác múi giờ thì đã nghe gỏ cửa.
Cậu Tám hiện ra rủ đi uống cà phê. Mà trên tay cầm xị rượu. Trời đất, mới sáng sớm mà ổng súc miệng bằng nước lọc này thì chỉ có từ chết tới bị thương.

Mà thiệt lạ, mấy ông nhậu rất thảo nghen. Tui nhớ một lần, tui tới nhà thăm ảnh. Ảnh tuyên bố.:
- Hôm nay cô Chín mày dìa chơi. Tao nghỉ ra ruộng một ngày. Tao ở nhà. Rồi ảnh la to.:
-Mấy đứa đâu, bắt con gà mái tơ làm thịt đãi cô Chín mày.
Thế rồi, cây chuối non chặt xuống bào mỏng, rau trong vườn lặt sạch. hành ngoài thổ nhổ vào. Thức ăn dọn lên bộ ván thô sơ,  Cháo trong nồi bốc khói thơm lừng, Gỏi gà trộn bắp chuối coi rất hấp dẫn. Anh tui để chai rượu đế với cái ly lên bàn  hỏi:
-Cái đầu gà đâu bây? Lấy cái dĩa lên đây cho ba.
-Trời ơi! ăn trong gia đình mà quây đầu gà gì anh? Tui nói và kêu mấy cháu ngồi vào.
Thế nhưng tui chưa ngồi yên vị thì hai ba chiếc xe đạp trờ vào sân. Anh Tư, Cậu Năm, cậu Bảy ...cũng vào tới.
-Hổng dấu gì mấy anh, hôm nay em gái tui lên thăm. Nó thứ 9.
-Cô Chín mới lên chơi?
-Dạ! Chào chị Chín.
-Cô Chín có phẻ không?
Thế là bầy cháu tui tuột xuống, mỗi đứa vô nồi múc một tô cháo lui ra sau kiếm chỗ ngồi ăn.
Tui cũng chẳng biết nói gì, ăn qua loa vài miếng rồi cũng rút êm. Cô cháu tui ra nhà sau còn nghe -Dô! Dô anh Tám. Chúc mừng anh Tám nghe....100% nè anh Tám.

Như vậy con gà mái tơ đãi cô Chín mày bỗng chốc thành mồi nhậu. Thằng cháu trai phải mấy dạo đạp xe đi mua thêm rượu và nước đá chửa lửa. Tàn cuộc, anh tui tiển bạn ra về chân thấp chân cao. Mấy ông bạn đẩy xe đạp ra về nghiêng nghiêng suýt té.
Anh nhìn tui cười cầu tài.
- Hôm nay cô Chín mày dìa anh vui quá xá.
Và anh lên võng đánh một giấc ngon lành. Trên bộ ván bãi chiến trường ngổn ngang chai ,ly, và những mẫu xương gà.
Chị dâu tui phân bua:
-Cô Chín thấy đó. Ảnh là vậy, có cái gì ngon là gọi bạn tới liền.
Tui nhìn anh tui nằm ngáy, nhìn bà chị dâu lui cui dọn dẹp tui thấy thương chị quá. Tui cũng  thương mình nữa bởi ông xã tui cũng học một trường, một quyển sách nhậu với anh Tám tui. Mấy ổng y chang nhau trong lãnh vực này.

Mà cũng thật vui nghen. Mấy ông sui của anh tui cũng rất hợp gout với ảnh. Sui gia gặp nhau chén thù chén tạc đắc ý vô cùng. Mỗi khi tàn cuộc để tiển khách ra về thì kéo dài cả tiếng đồng hồ vẫn còn lè nhè " Anh em mình thiệt tình nghen anh sui.... Dô ly này đi rồi mình tạm biệt...... Dô nè anh sui...... Mà tui uống rồi còn anh cũng phải 100% chớ... Rồi nghen anh sui. Một ly nữa hẹn ngày tái ngộ.... Dô nè anh sui" Cả một nhóm người đứng chờ hai ông sui dô dô, tạm biệt rất tiếu lâm.

Anh tui chơi với bạn rất rộng rãi, hào phóng nên rất nhiều bạn. Chị tui và các cháu luôn bị anh dặt vào tình thế đôi khi dở khóc dở cười. Nhưng dường như đàn bà VN quen rồi những việc làm trật đường rầy của chồng nên đâu cũng vào đó. Người anh hào hoa đẹp trai của tui đã biến thành một người khác. Những thay đổi chính sự dường như làm anh tui có một sự chống đối ngầm trong con người. Thời buổi VN chưa mở cửa mọi người thường lận lưng hai gói thuốc. Khi cần tiếp xúc để ngoại giao người ta lôi ra mời thuốc  555. Nhưng khi mời bè bạn thì lôi Vàm Cỏ ra .

Nhiều lần gặp người quen. Họ thân tình lôi thuốc ba số ra mời anh tui. Anh vui vẻ cầm lấy và mời cả bàn hết gói thuốc thơm. Khổ chủ chỉ biết ngậm ngùi cầm bao thuốc còn lại mà cười gượng. Tui đã nhiều lần nói với anh đó là hành động thiếu tế nhị. Anh cười ngất thoải mái:
-Bạn của mình thì phải quý hơn cán ngố chớ. Anh ghét mấy đứa coi đồng tiền như cái bánh xe bò.

Bởi vì anh coi đồng tiền chỉ là một đồng xu nên suốt đời anh cứ nghèo. Nghèo nhưng vẫn vui, vẫn phong lưu thoải mái, rau cỏ qua ngày. Vẫn cái quần đùi vải có pha chất  nylon rút lên teo tới háng, cái lưng trần giơ bộ xương cách trí. Anh tui giống như lão già Ba Tri ngang tàng dễ thương và có nhiều mẫu chuyện tiếu lâm.

Sau khi má tui mất, các cháu tui đã tương đối trưởng thành có thể tự lo cho mình. Tui đã theo chồng xuất ngoại. Anh giao nhà cửa lại cho vợ và về quê nhà phụng dưỡng cha già. Anh về coi sóc nhà từ đường, vườn tược và cơm nước cho ba tui. Anh thật chí hiếu lo cho ba tui cần mẫn. Nhưng, đời có chữ nhưng quái ác. Cái tính ham vui bạn bè vẫn còn nên anh cũng hay bỏ nhà đi nhậu. Ba tui giận lắm, cơm anh Sáu tui nấu bưng qua ba nhất định không ăn. Ba tui nói:
-Để thử coi thằng Tám mấy giờ mới về cơm nước cho ba.
Anh 8 tui về, chân thấp chân cao nhưng nhìn thấy ba tui chưa ăn cơm là anh hết hồn. Anh xuống bếp lo dọn cơm bưng lên và quỳ xuống lè nhè năn nỉ.:
-Con mời ba ăn cơm. Con có lỗi nhiều lắm, tại bạn bè nó mời, kéo dứt ra không được.
Ba tui hỏi:
-Vậy con coi bạn bè hơn ba sao?
-Dạ đâu có. Con coi ba là số 1.
Ba tui còn chưa đụng đủa, anh vội nói:
-Con xin lỗi ba, ngàn lần xin lỗi ba, con chừa không đi nhậu nữa. Nhưng bi giờ con xỉn quá rồi. Ba ăn xong cứ để đó cho con. Mai con tính.
Và anh đi vào giường đánh một giấc tới sáng hôm sau.

Đó! Anh Tám tui là vậy đó, rất dễ thương mà cũng rất dễ giận. Tui và anh đã nhiều lần cãi lý về vấn đề bạn bè và nhậu nhẹt. Anh thường nói:
-Cô Chín mày là đàn bà con gái biết gì. Không dễ gì có người bạn tâm đầu ý hợp. Uống rượu mà không phải người đúng gout thì một ly là chán, còn gặp tri kỹ thì  không biết mấy chai.
Tui thì không tin điều đó vì khi ngồi vào bàn nhậu, la lối um sùm thì dường như ai cũng là tri kỷ vì vài hôm sau lại có độ tiếp theo.

Dường như nhà tui có duyên với ông thần men nên mấy anh tui ông nào cũng khoái nhậu. Má tui hồi còn sống bả hay ngồi bó gối than thở:
-Hổng biết uống rượu nó bổ béo gì mà mấy đứa con đứa nào cũng nhậu.
Tui cười cười chọc quê má tui:
-Ai biểu ngày xưa má nấu rượu để bán làm chi. Ông thần men vẫn còn lưu lại ở nhà mình cho đến bây giờ.

Mấy anh tui rất đoàn kết với nhau về mục nhậu này lắm. Chỉ cần có món gì ngon, câu được một con cá lớn, buồn buồn bắt con gà làm thịt và gọi nhau. Thế là tình thương mến thương thể hiện rõ ràng. Mấy ảnh ngồi với nhau cụng ly nói cười ỏm tỏi, các bà chị dâu tui thì bực mình  lắm mà vẫn chạy lên chạy xuống phục vụ tận tình.

Ba tui vốn là Phật tử thuần hành. Mỗi khi có lễ lớn ông hay thỉnh chư tăng về giảng pháp và cúng dường trai tăng. Những ngày đó con cháu đều phải về đầy đủ và phải hết sức tôn trọng tăng ni. Ba tui quỳ lạy tôn kính và cả nhà tui phải ăn chay thanh tịnh. Thế nhưng mấy ông anh của tui được dịp về đầy đủ thì dễ gì mấy ổng tịnh trai. Mấy ổng bàn tính bí mật với nhau. Khi chư tăng vừa ra về thì không hề thấy bóng dáng các ảnh ở đâu. Tất cả đều xuống cuối vườn, dưới gốc chôm chôm cạnh bờ suối. Một chiếc chiếu trải xuống đất và mấy ổng cụng ly. Đồ nhậu là gà vịt trong nhà, mấy chị dâu tui đã chuẩn bị sẳn sàng.

Anh ba tui ( Ông anh cô cậu) rất kỵ chuyện lễ mễ lạy chư tăng của ba tui. Nhưng tôn trọng dượng rễ nên ảnh phải ăn chay và cung kính bái lạy. Ảnh tuyên bố:
-Nói thiệt với mấy đứa, chứ khi chết xuống âm phủ không biết anh và mấy ông thầy chùa này ai tội nhiều hơn ai. Anh ăn thịt mà nói ngay, còn mấy thầy kia ăn chay nhưng đôi khi nói láo.

Khi biết chuyện ba tui chỉ còn có nước lắc đầu thở dài rồi ngồi niệm kinh sám hối.

Tui nhớ năm đó ba tui bị đau nặng, chúng tôi vội vã về thăm. Anh Tám tui đã đưa ba tui về Hóa An để chăm sóc và tiện bề đi Bác Sĩ cũng như bệnh viện Tỉnh.
Anh để ba tui nằm trong phòng khách thoáng mát, còn anh kê một ghế bố kế bên để ngủ. Mọi việc chăm sóc cho ba tui anh tỉ mỉ tận tình giống như má tui ngày xưa. Cơm nước cho Ba tự tay anh nấu và mọi việc tiêu tiểu vệ sinh cá nhân của ba tui anh cũng vui vẽ làm và luôn nói tiếu lâm để chọc ba tui cười.

Mỗi sáng đứa con gái thứ nhì đi làm ghé chích thuốc cho ông nội và coi lại thuốc men. Mấy cháu ngoại đi học ,buổi sáng đều ghé nhà thưa ông cố rồi mới tới trường. Anh mua kẹo, bánh hay vài vật dễ thương để sẳn cho ba tui. Khi cháu tới "Thưa Cố con đi học" thì ba tui lấy quà cho. Do đó mỗi khi mẹ cháu thấy trễ giờ không ghé ông thì chúng không chịu. Tan trường cũng đòi mẹ ghé cố để kể chuyện ở trường cho cố nghe.

Anh luôn dạy con cái về cách đối xử với cha mẹ, ông bà và thân tộc. Cho nên các cháu tui rất yêu kính nội và hết lòng thương yêu cha mẹ.

Ba tui bỏ xứ ra đi từ thuở còn rất trẻ. Ông thề chỉ trở về khi thật giàu và con cái thành đạt. Tuổi gần đất xa trời niềm thương nhớ quê vẫn ấp ủ mà đường về ông rất ngại vì không còn sức. Anh Tám tui đã ngày đêm năn nỉ và quyết đưa ba tui một chuyến về quê.
Nhờ anh hết lòng chăm sóc trên suốt cuộc hành trình, ba tui được một lần về viếng mộ tổ tiên. Ông thăm bà con thân tộc, lo cho mồ mã tổ tiên tươm tất và yên lòng đi vào chuyến viễn du cuối đời. Nhờ chuyến đi đó, các cháu tui tìm lại cội nguồn. Hảnh diện về gia tộc và mỗi năm đều tìm cơ hội về thăm quê cha đất tổ.

Anh tui là một người rất thức thời. Anh cởi mở và có cái nhìn thực tế. Anh là một người cha nhưng cũng là một người bạn của con. Bất cứ chuyện gì các cháu đều có thể đem ra bàn luận. Trong nhà lúc nào cũng có tiếng cười và những câu chuyện tếu để chọc nhau. Mỗi người đều có một nick name tùy theo cá tánh của mình. Tuy nhiên không phải như vậy mà không có tôn ti trật tự. Anh dạy các con phải biết yêu thương và giúp đở lẫn nhau. Đứa lớn có quyền và có bổn phận sai bảo dạy dỗ đứa nhỏ. Cho nên chị ngã em nâng, các cháu tui rất yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Có lẽ sự nghèo khó, cơ cực đã dạy cho chúng bài học về cuộc sống sau này.

 Anh là một người hoạt bát và biết nhiều nghi thức lễ nghi cưới gã. Do vậy trong gia đình tui ai lo dựng vợ gã chồng cho con đều nhờ anh đứng ra nói chuyện. Anh vui vẽ làm tới nơi tới chốn. Lần cuối, đứa em bạn dì gả con. đến nhờ anh đại diện họ đàng gái. Anh vui vẽ nhận lời. Rồi trong lúc đang nói cười vui vẻ bàn bạc cho ngày trọng đại đó thì anh ngã xuống ghế và ra đi mãi mãi không về.
Anh ra đi miệng còn nở nụ cười. Anh đã làm xong nhiệm vụ một con người trên dương thế.

Anh là ông anh tui thương nhất. Mỗi lần nhớ tới anh tui không khỏi mỉm cười rồi ngấn lệ lại rưng rưng.
Mỗi người trong gia đình tui có tính tình riêng. Mỗi anh em tui là câu chuyện của một đời người. Anh Tám tui là câu chuyện mà mỗi khi có dịp về thăm quê hương, tui và các cháu tui đều ngồi nhắc lại từng kỷ niệm mà thương quá là thương.

Hôm nay bên này đã bước vào tháng Sáu. Tháng của Cha. VN mình không có ngày lễ Cha cho các con gần gũi và tỏ chút lòng hiếu kính. Người cha của anh em tui là một nghiêm phụ. Ít khi nào chúng tui dám nói đùa với ông. Còn anh tui, anh luôn cho cả nhà những nụ cười hóm hỉnh. Anh thật là hư vì tội nhậu nhưng cũng là một người cha tuyệt vời.

Trong gia đình tui, người dám ngồi đấu lý với anh chỉ có tui. Vì vậy khi anh mất, tui thấy mình thật trơ trọi, trống vắng và nhớ anh vô cùng.

Anh Tám ơi! Con nhỏ Chín ngày xưa của anh tóc cũng tóc rồi. Con cháu đầy đàn và cũng đang bước lần vào tuổi 70.

Bên này tháng Sáu trời đã nóng, mùa hè đã sắp về, các cháu ngoại của em đang chuẩn bị những ngày nghỉ hè thật hấp dẫn. Có lẽ cuộc sống bên này đầy đủ quá nên thiếu đi một cái gì rất chân quê đầy kỷ niệm. Chúng không có những ngày dang ngoài đồng thả diều, đá banh. Chúng không ra sau nhà dựng lều rồi chơi trò cắm trại như anh em mình ngày còn bé. Chúng không chơi bắn bi hay tạt lon như anh em mình ngày xưa. Chúng không có cái cảnh anh cõng em trên lưng chơi nhảy lò cò đá gà với mấy đứa bạn trang lứa của anh. Khi thua anh té lăn kềnh, còn em mặt mũi đầy đất về méc má cho anh bị đòn.

Nhà chỉ có mình em là con gái. Nhưng sống chung với các anh em nghịch ngợm chẳng thua ai. Em nhớ mỗi lần tháng 7 cúng cô hồn, chúng mình là một nhóm giựt đồ cúng rất ...cô hồn không phe nào qua mặt được. Em chỉ có nhiệm vụ là ngồi canh me một món nào đó. Khi chủ nhà hô giựt là em chộp món đó chạy ra ngoài rồi ngồi giữ đồ cho các anh giựt tiếp.
Về nhà năm nào cũng bị má la cho một trận vì anh nào cũng bị cháo chè làm ướt chèm nhẹp quần áo.
Mùa mưa vườn mình ngập nước, dế cơm ngoi lên khỏi hang đậu tràn lan trên những nhánh chôm chôm lòa xòa. Anh 6 và anh xuống bắt cả thùng về nhét hột đậu phụng vào bụng dế rồi chiên dòn ăn thiệt ngon. Út 10 ăn ghiền luôn, nên nó còn có tên là "10 con cưỡng đậu trên cây Thông" Vì nó tên 10 Thông mà lại thích ăn dế cơm.

Mùa hè mấy anh em mình xuống vườn ăn trái cây thỏa thích. Anh thường trèo lên cây ổi và quăng xuống cho em những trái thật ngon. Chôm chôm anh hái từng chùm rồi phủi kiến tách ra cho em  cái ruột trắng tinh ngọt lịm. Và anh biết không, cái cây chôm chôm cuối vườn, cạnh con suối, nơi các anh hay bày trò nhậu nhẹt. Bây giờ con suối bị lở đã khoét sâu vào sát gốc cây. Có lẽ chỉ vài mùa mưa nữa, cây chôm chôm đó cũng sẽ không còn, như các anh đều đã ra đi theo ba má.

Ôi! Từng tuổi này mà em còn nhớ những chuyện đâu đâu thời xa xưa. Giá mà anh còn sống, anh sẽ lướt Web rồi chát hay Face Time với em thì hay quá.
Em sẽ đùa với anh:
- " Thôi đi ông Tám Dế!
Cuộc đời có nghĩa gì đâu.
Bia lon, bia mộ một câu chung vần.
Bia chai, bia rượu hết cần.
Chỉ còn bia đá chần vần... nghĩa trang.

Nguyện ở một nơi nào đó bình an anh đọc được và em tin chắc anh sẽ cười thật vui khi nhớ mình ngày xưa cũng một thời ngang dọc vẫy vùng trên...bàn nhậu.


Nguyễn thị Thêm

1 comment:

  1. Xin cám ơn chị NPN đã chuyển bài cho mọi nhà đọc.
    Chị Chín ơi, hồi trước mà tui biết chị, rồi biết Anh Tám Tui, tui đạp xe lên nhậu với ảnh. Đường xa có hơn cây số hà. Chợ Đồn, Hóa An, tuy gần mà xa phải không chị. ĐCL

    ReplyDelete