Pages

Friday, July 3, 2015

Đi Ăn Đám Cưới – Bút Xuân Trần Đình Ngọc


Liếc nhìn đồng hồ, tôi thấy đã bảy rưỡi. Mấy người đàn ông ngồi chung bàn với tôi thỉnh thoảng cũng ngó đồng hồ. Các bà vợ những ông này đang nói chuyện về thẩm mỹ. Câu chuyện hút mỡ đùi, mỡ mông, mỡ mí mắt, mỡ bắp tay khá hấp dẫn làm các bà – và cả chúng tôi – quên được cái thời gian chờ đợi vô vị này. Chúng tôi đã được mời vào bàn này ngồi từ 6 giờ 45 sau khi chụp hình với cô dâu chú rể.

Trên thiệp mời, đám cưới mời sáu giờ ba mươi, khoảng bảy giờ người đến đã đông mà bây giờ đã hơn bảy rưỡi vẫn chưa thấy nhúc nhích. Nhạc “chết” vẫn rỉ rả chơi, người vẫn đi đi lại lại, bố mẹ chú rể vẫn đứng ở cửa vào đón khách, cô dâu chú rể vẫn chụp hình chung với từng cặp và từng vị khách, cuốn sổ lưu niệm vẫn có người ký…Thế thì bao giờ mới nhúc nhích đây?

Rất may vừa đúng tám giờ thì cô MC lên micro thông báo sẽ sắp bắt đầu. Sẽ thôi chứ cũng vẫn chưa. Cô cũng nhã nhặn xin lỗi bằng tiếng Việt và tiếng Anh – vì có dăm, bảy người Mỹ – rằng đã bắt đầu hơi trễ. Dầu sao, đa số thực khách cũng thở phào …nhẹ nhõm vì giờ mong đợi sắp tới.

Phải mười lăm phút sau, lễ “nghênh rước” cô dâu, chú rể mới bắt đầu. Ði đầu là sáu chú phù rể và sáu cô phù dâu, đôi nào đôi ấy cặp tay từ ngoài cửa thong thả tiến vào sân khấu. Rồi đến bốn cháu trai, bốn cháu gái tuổi từ bảy tám đến mười, mười hai. Các cháu gái thỉnh thoảng lại vãi “confetti” hoặc các cánh hoa rời trông rất vui mắt. Sau cùng là chú rể, cô dâu.

Sau khi đám “rước” này lên sân khấu, cô MC liền mời cha mẹ đôi bên, cả những người quan trọng như chú bác, cô dì, đã được để sẵn trong danh sách. Những vai vế kém vào hàng cháu, bạn v.v… thì chỉ đứng lên ngay tại bàn khi duợc giới thiệu. Tiếp là bài “diễn văn” của ông P., cha chú rể, người chủ hôn. Ông cám ơn đi cám ơn lại những anh em đồng ngũ với ông khi xưa đã “vị tình chứ không vị thực” mà đến với ông. Tình huynh đệ chi binh xưa kia vẫn khắng khít keo sơn cho dến nay ở nơi đất khách quê người này thật là đáng quí xiết bao!

Thưc khách bên dưới có người ngồi nghe, thỉnh thoảng nhón một hột lạc; có người bần thần nét mặt vì thấy ông quảng diễn quá, e còn lâu mới bắt đầu được.
Cũng may ông chủ hôn chỉ nói chừng hơn mười phút vì bà vợ đứng cạnh có lẽ đã nhột vì khai diễn quá trễ, hai lần bà thầm thì vào tai ông cái gì đó.

Lúc ông chấm dứt, một tràng vỗ tay thật to, tôi nghe có mấy tiếng thở phào… nhẹ nhõm ngay tại bàn tôi và có lẽ cũng cả của tôi. Dăm vị khách giơ chiếc li chỉ mới có dá cục lên mời nhau, như cái kiểu ta bắt đầu được rồi đó.

Nhưng chưa mừng được mấy giây thì cô MC lại giới thiệu “đáp từ” của ông sui gia nhà gái, ông bố cô dâu. Ông này không mặc com-plê mà mặc quốc phục, khăn đống áo gấm xanh chữ thọ coi xa như ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, vua Bảo Ðại. Ông thò tay vào túi cầm ra một xấp giấy như kiểu đọc sớ Táo Quân. Hắng giọng hai, ba lần cho trong trẻo, ông mới bắt đầu:
Kính thưa quý cụ trưởng thượng
Kính thưa….

Tôi thực không còn nhớ ông đã dùng từ “Kính thưa…” bao nhiêu lần. Có thể là tôi vốn có tật háu đói, thường ở nhà sáu giờ dã ăn cơm tối, con tì con vị phèo phổi dạ dày lá lách nó đã quen, nay tám rưỡi rồi mà còn ngâm tôm chúng nên chúng hành lại là mắt không hoa lắm nhưng tai nghe lùng bùng không rõ, nhất là thực khách đã ào ào nói chuyện, mạnh ai nấy nói, chảng kể gì ông bố cô dâu đang đọc từng hàng chữ viết rất trịnh trọng từ nhà.

Sau khi ông bố cô dâu cúi đầu chào, MC lại giới thiệu chú rể, rồi cô dâu có đôi lời với cha mẹ. Ðại để “Ba má đã sinh ra, nuôi dạy chúng con để chúng con có ngày nay. Chúng con có lầm lỗi gì xin ba má tha thứ vv và v.v…”
Cô dâu nói đến đây mủi lòng rơi lệ.
Phần trình diện trên sân khấu đã xong, đoàn người theo nhau xuống chỗ ngồi. Ðây mới là lúc đáng liên hoan: tôi liếc nhìn đồng hồ: 8 giờ 30.

Dĩ nhiên các món ăn bắt đầu được bưng ra. Thực khách mời chào nhau ăn vì ai cũng thấy đã quá trễ. Ban nhạc bắt đầu chơi, có lẽ các nhạc công nghĩ đa số thực khách tai nghễnh ngãng nên mở “volume” tối đa. Ðã có kinh nghiệm nên hễ được sắp xa sân khấu – tức xa ban nhạc – tôi và bà xã mừng vô cùng. Bởi nếu ngồi gần, đôi tai sẽ chịu trận ba tiếng đồng hồ, đinh tai nhức óc, tới lúc về nhà vẫn còn cảm giác khó chịu.
Cũng không phải chỉ chúng tôi mà thấy ai cũng kêu nhạc mở lớn quá.
Ca sĩ hát – hay hét – trên sân khấu cùng với những tiếng nhạc dập dình thật lớn, nhưng quả tình 90% thực khách không “chịu” thưởng thức âm nhạc. Họ còn đang bận ăn. Hai mẹ con một bà “mệnh phụ” quần áo quá sang nên không dám đụng tay vào món tôm hùm. Tôm hùm mà không dùng tay thì ăn không xong. Ðôi đũa gắp lên nó chỉ trượt đi, mút mát lấy lệ rồi bỏ xuống. Có khi cả dĩa tôm hùm còn nguyên vì thực khách sợ lem tay, lem miệng bởi món sốt, người nhìn thiếu thẩm mĩ. Nhưng nếu thiếu món đó thì lại bị chê là “cheap”, thức ăn không ra gì. Rốt cuộc chỉ nhà hàng có lợi.

Sau đó, hễ đã đi qua món khác, bồi bàn không cần biết tình trạng đĩa tôm mấy chục đô-la này ra sao, còn y nguyên chưa ăn miếng nào cũng kệ, cứ trút thẳng vào thùng rác cho được việc trong khi có mấy người homeless đang ngồi xó xỉnh ngoài kia, cả ngày chưa có miếng bánh mì bỏ bụng.

Hình như có một số phụ nữ, tuổi sồn sồn và tuổi trẻ, đi dự đám cưới là chỉ cốt đi khoe thân người và áo quần, kim cương. Tôi và nhà tôi đã từng ngồi với những người đàn bà, cả bữa tiệc chỉ ăn uống chút chút, lát lại lấy gương ra soi xem mầu môi có lợt, mầu phấn có phai và lại vội vàng thoa lên một lớp son lớp phấn mới. Câu chuyện có khi đi đến chỗ ồn ào vì những chiếc nhẫn kim cương, bà này khoe sáu li, bà kia không kém, sáu li rưỡi, nước D, nước G, nước H đủ thứ danh từ chuyên nghiệp của thợ kim hoàn.

Vừa ăn được vài món thì cả bàn phải sửa soạn để đón tiếp cô dâu, chú rể, cha mẹ cô dâu, cha mẹ chú rể và vài cô phù dâu, vài chú phù rể đến chào bàn.

“Gia đình chúng tôi muốn đến từng bàn để cám ơn quý vị đã đường xa dặm thẳng đến đây với gia đình chúng tôi và các cháu trong bữa tiệc cưới hôm nay.” Bố chú rể đi bàn nào cũng một ca khúc đó – thực ra chẳng có gì khác để nói – mà nào có ít, có đám cưới mời đến 50 bàn tức 500 người, xoàng xoàng cũng 30 bàn, tức 300 người. Có những người chủ trương mời thật đông cho thêm long trọng. Với họ, đám cưới chỉ lèo tèo một, hai trăm người thì kém vui và kém bề thế. Các cô dâu thời nay chính là những người thích mời cho đông. Có những người, chỉ biết nhau chứ không hề qua lại, chơi với nhau, cả năm không gọi nhau một cú điện thoại, nay bỗng nhiên tấm thiệp cưới thật đẹp và thật trịnh trọng được gửi tới nhà. Có người nghĩ, thôi họ đã nghĩ tới mình, phải sửa soạn đến mừng để tỏ ra lịch thiệp. Thêm một người bạn cũng quý. Nhưng những vị cao niên ăn tiền già ba cọc ba đồng, cái kiểu không quen lắm cũng đi, tháng vài ba đám cưới thì cũng kẹt. Ấy là chưa kể phải nhờ vả phương tiện xe cộ người khác vì ban đêm đâu còn xe bus. Mặt khác, những thức ăn của nhà hàng phần nhiều là thích hợp cho các người trẻ, khoẻ không có những chứng bệnh cao máu, cao mỡ, tiểu đường v.v… Một ông bạn già của tôi đi ăn một đám cưới về, đêm đó phải vào nhà thương bằng xe “ambulance” với tình trạng “emergency”. Ông vốn có bệnh tiểu đường, thấy thức ăn ngon, lại đói vì nhịn từ chiều, vui với bạn quá, ăn vào, uống vào, đường lên quá cao, xỉu. Một bà vợ của người bạn khác thì không phải dùng “ambulance” nhưng đêm đó không ngủ được vì bụng cứ “lẩm rẩm” đau cho tới ngày hôm sau.

Trở lại vụ chào bàn, người viết bài này cũng đã đề nghị nên có đám cưới để một cái thùng ngay cửa vào như hòm tiền nhà thờ hoặc nhà chùa, dán hàng chữ: ”Quý vị muốn mừng cho cô dâu, chú rể xin bỏ bao thư vào thùng này. Các gói quà để cạnh.” Nhưng đến giữa bữa tiệc, người nhà kiểm soát thấy không có bao nhiêu bao thư, hoảng hồn giục cô dâu chú rể đi chào bàn gấp.

Có những đám cưới, đi theo cô dâu chú rể là mẹ chú rể hoặc mẹ cô dâu, xách theo một cái túi lớn. Khi người đại diện bàn vừa trao các bao thư cho cô dâu hoặc chú rể thì bà này đỡ ngay lấy bỏ vào trong bị cho chắc ăn. Ðám cưới thành ra một vụ thu thuế thân để trả cho những gì thực khách đã, đang và sẽ ăn. Nhìn hình thức bề ngoài, nó có vẻ hơi “trắng trợn” không được đẹp mắt.

Có những đám cưới quá đông bàn, thí dụ 50 bàn, vừa phần vì lối đi quá chật, vừa phần “phái đoàn“ đi chào bàn quá đông, ít nhất cũng 8 người, đi mỗi nơi lại còn mời mọc nhau “zô, zô” chú rể say túy lúy, rồi còn giới thiệu, đáp từ, chụp hình và sau khi đi hết mọi bàn thì cũng mất khá thời gian. Ðám cưới vì vậy quá kéo dài.

Sau khi chào bàn rồi, tức là thực khách đã làm xong nhiệm vụ quan trọng, có nhiều thực khách rải rác bỏ ra về vì đã đến từ đầu giờ mời, mất cả bốn tiếng đồng hồ rồi. Nên lúc cắt bánh, nhiều đám chỉ còn lèo tèo người nhà mặc dù cô MC nói luôn miệng trên micro xin quý vị ở đến phút chót. Cũng phải để ý cái mất thì giờ một phần lớn từ các cô dâu. Có cô thay quần áo đến hai hay ba lần, mỗi lần 15 phút thì tổng cộng đã mất bao nhiêu ấy là chưa kể son phấn trang điểm lại từ sợi tóc! Tôi có đi dự đám cưới Mỹ nhưng không thấy họ làm như vậy bao giờ!

Bỗng nghe tiếng la (đây là chuyện có thực, người viết bài này chứng kiến):
“Thằng B thằng C đâu? Chúng mày không đến đây mà coi người ta đánh chết bố mày đây này!”
Cùng với tiếng la của bà P – mẹ chú rể – là tiếng hai người đàn ông đang đấu khẩu dữ dội:
“Mày ăn ở như thế thì chó nó chơi với mày à, hả P? Tao nghĩ tình anh em cùng trong quân ngũ ngày xưa, lái xe một ngày mới tới để ăn cưới con mày. Tao vừa bảo với mày hai tháng nữa, tao cũng cưới con, mời vợ chồng con cái mày đến, mày lại bảo không biết lúc đó mày có ở nhà không hay đi chơi xa. Mày ăn ở như thế thì chó nó chơi với mày à?”

Người đàn ông tên T. cứ thế mà chửi, mà rủa thậm tệ sau khi đã đấm vào mặt ông P. mấy cái sưng cả mồm. Ông ta cũng bị ông P. thoi vào mạng mỡ hai cái ê ẩm hết cả “huynh đệ chi binh” là gì đó anh Hai?.
Khi B. và C. con ông P. tới để hỗ trợ bố thì phía ông T. hai, ba anh con trai cũng đứng ngay kế nghinh chiến. Hai bên gầm gừ tính đánh nhau.
“Nó đến ăn cưới con người ta mà nó lại gây sự, chửi rủa như hàng tôm hàng cá. Có đời thuở nào bạn bè như thế không?” Một người đàn ông hùng hổ nói.
“À, mày lại bênh thằng anh mày hả? Sao mày không bảo thằng anh mày, có đi có lại mới toại lòng nhau. Tao ăn ở với vợ chồng nó như bát nước đầy, bố con vợ chồng tao cất công đến đây, vì tình chứ không vì thực, lại mừng rỡ tử tế mà tao vừa bảo hai tháng nữa tao mời vợ chồng nó đến ăn cưới con tao thì nó đã chối đây đẩy là bận, không biết đi chơi xa, có nhà không. Ăn ở như thế thì chó nó chơi với à?”

Một người nào dó trong bàn tiệc sợ có đổ máu bèn gọi cho Cảnh sát nhưng khi Cảnh sát đến thì vợ chồng ông T. và con cái “giông” mất dạng rồi.
Rút tỉa những kinh nghiệm về đám cưới ở Hoa kỳ, người viết xin đề nghị thế này:
– Giản dị hóa đám cưới, nhất là dùng vừa phải thời giờ của khách được mời.
– Người Âu – Mỹ thường tổ chức đám cưới trong vòng thân mật, họ chỉ mời thân thuộc trong gia đình và những bạn hữu thật thân thiết. Tránh mời những người chi quen biết mà không có giao hảo, qua lại hàng ngày, cả tháng không một cú điện thoại thăm hỏi.
– Ðám cưới năm, bảy chục người, đôi ba chục người mà thân tình, có lồng cái tinh thần trong đó thì vẫn hơn đám cưới năm, ba trăm người nhưng chỉ là để trình diễn và tệ hơn, thu tiền.
– Thời nay, ở đâu thời giờ cũng quý vì thời giờ đồng nghĩa với tiền bạc và sức khoẻ. Mời sáu giờ thì tối đa sáu rưỡi khai mạc, chỉ nửa tiếng du di. Không thể để cả trăm người chờ đợi một vài người dù người đó có quan trọng đến đâu cho bữa tiệc. Cô dâu chú rể là hai người quan trọng nhất đã có mặt rồi là cứ theo giờ khắc đã định mà thi hành. Có thể có những người, vì lý do gì đó đi trễ như kẹt xe, xe hư trên freeway chẳng hạn, dù cách nào cũng là lỗi đi trễ, nên lẳng lặng ngồi vào bàn. Không nên làm mất thêm thì giờ của những người khác nhất là của gia chủ.

Bút Xuân Trần Đình Ngọc 

1 comment:

  1. Văn hóa VờNờMờ là thế. Mời 6.30, mình cứ cộng thêm 2 tiếng nữa, đến là vừa đúng!

    ReplyDelete