Pages

Friday, July 17, 2015

Lá Cờ Mỹ ‘Made in China’


Mùng bốn tháng 07 năm nay lại về . Với người Mỹ, đó là một ngày lễ lớn trong năm. Bởi đó là Sinh Nhật của Hoa Kỳ. Với cộng đồng người Việt, và những sắc dân khác nữa, ngày 04 tháng 07 không chỉ đơn thuần là một ngày nghỉ. Song đây là ngày họ cảm thấy rất thiêng liêng, như thể đây là ngày mang một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống sinh hoạt của họ. Ngày độc lập của quê hương thứ hai. Happy Birthday to USA.

Những đợt bắn pháo bông long trọng và trang nghiêm được các thành phố khắp đất nước Hoa Kỳ tổ chức, nhất là những thành phố có hồ nước. Đêm bắn pháo bông sẽ diễn ra đầy rực rỡ. Bầu trời đêm rực rỡ ánh sáng. Dưới mặt hồ vẻ đẹp phản chiếu những đợt pháo bông đầy màu sắc lung linh. Những trang hoàng rực rỡ. Những dịp mua sắm – thể hiện một hình thức chào đón khá thực tế. Những chuyến đi chơi xa được tổ chức trong gia đình. Hầu như nhà nào cũng có những buổi tiệc nướng thịt barbecue ngoài trời…

Hãng xưởng cho nhân viên nghỉ lễ. Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ. July Fourth. Independence Day. Không những tất cả người đi làm được nghỉ có lương là luật liên bang. Điều đáng nghĩ tới là niềm tự hào của người dân sống trên đất Mỹ.

Nói đến ngày độc lập của Hoa Kỳ, người ta nghĩ đến lá cờ. Không chỉ có những lá cờ, mà màu cờ cũng được người ta quý trọng. Tinh thần dân tộc của người Mỹ rất lạ. Rất khác với những nơi khác trên thế giới. Họ thể hiện niềm tự hào dân tộc thiên về tính thực tế. Lễ đến là mua sắm. Nên ngành thương mại Mỹ cũng đáp lại người tiêu dùng những đợt khuyến mãi rầm rộ. Có người nói do hệ thống quảng cáo thương mại tại đây đã giật dây. Nên đi đâu vào dịp Lễ Độc Lập người ta cũng dễ thấy ngay ba màu chủ đạo của Quốc Kỳ Mỹ: Xanh dương – Đỏ – Trắng (Blue – Red – White) hầu như gắn liền với mọi sản phẩm bày bán trong các siêu thị. Từ ly cốc uống nước. Khăn giấy. Cờ. Quần ngắn, áo thun. Dù che nắng. Mũ đội đầu. Hoa giấy. Ngay cả những tiệm nails của người Việt cũng trộ hẳn lên những tiếng mời chào vẽ móng với những kiểu dáng (design) mang biểu tượng tinh thần dân tộc. Patriotism! Lá cờ nghen. Những thiết kế vẽ sọc trắng, sọc đỏ. Ngôi sao. Màu sơn xanh đậm – dark blue…

Và nói đến lá cờ Mỹ, người ta đã không giấu được niềm tự hào. Làm một cuộc trắc nghiệm bỏ túi tại gia đình anh bạn. Đó là một bữa tiệc gia đình với gần ba chục người tham dự. Hỏi xem lá cờ của nước nào đẹp nhất? Có đến hơn 80% cho biết lá cờ của Mỹ đẹp và oai hùng nhất. Có người nói lá cờ Mỹ mạnh mẽ. Có người nói Quốc kỳ Mỹ sang trọng, xứng đáng là lá cờ của một đại cường quốc. Có người nói nhìn lá cờ Mỹ tung bay, nhất là tại những kỳ Olympic – lòng họ luôn thấy dạt dào xúc động, nhất là khi lá cờ Hoa Kỳ được kéo lên với điệu nhạc của bản Quốc ca hùng tráng vang lên.

Nhưng một điều khiến người ta suy nghĩ, nếu như họ biết được một sự thật về những lá cờ của Hoa Kỳ tung bay phất phới trên bầu trời của xứ sở tự do này. Những lá cờ thiêng liêng ấy không được sản xuất tại Hoa Kỳ. Chúng được sản xuất tại một đất nước xa xôi khác, hoàn toàn xa lạ và không có cùng những giá trị xứng đáng với lá cờ Mỹ. Bởi lẽ lá cờ của Hoa Kỳ là lá cờ của tự do và dân chủ, bảo vệ và tôn trọng các quyền của con người. Còn đất nước sản xuất những lá cờ Mỹ này chỉ là một đất nước có những triết lý sống và hành động rất khác. Đó là đất nước Trung Quốc.

Năm 2013 – bạn có cảm tưởng gì khi biết Huffington Post cho biết năm 2012 có tới 94% những lá cờ Mỹ tung bay trên bầu trời Hoa Kỳ được nhập cảng từ Trung Quốc. Số cờ này trị giá tới 3.1 triệu Mỹ kim. Vẫn biết tại Hoa Kỳ các hãng chế tạo cung cấp cờ và những sản phẩm có nội dung tinh thần dân tộc như Lễ Độc Lập, Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ, Ngày Veteran vẫn giữ vị trí chủ yếu. Theo các con số còn ghi chép lại được, số doanh thu (năm 2007 – năm cuối cùng các tài liệu còn lưu lại được) các sản phẩm cờ và hàng hóa có tinh thần dân tộc lên tới 300 triệu Mỹ kim. Theo nhiều người cờ Mỹ nhập cảng từ Trung Quốc (tuy chưa bá chủ thị trường Mỹ) vẫn có thể sẽ là mối đe dọa – a real risk – đối với kỹ nghệ sản xuất cờ tại Hoa Kỳ. Bởi so với năm 2013, doanh số nhập cảng cờ lên đến 3.1 triệu Mỹ kim. Trong khi đó vào năm 2010 con số đó chỉ khoảng 2.8 triệu Mỹ kim.

Theo ý kiến chung, càng ngày cờ Hoa Kỳ chế tạo tại Trung Quốc càng có xu hướng lấn lướt, tấn công vào thị trường Mỹ mạnh mẽ và khốc liệt hơn. Nếu không có những biện pháp mạnh, cờ Mỹ made-in-China sẽ giết chết những cơ sở sản xuất quốc kỳ Mỹ trên đất Mỹ. Không có gì khó hiểu cả. Lòng tham và tâm trí của những người Mỹ hám lợi sẽ không từ bỏ bất cứ cơ hội kiếm tiền nào. Kể cả chuyện phải để cho lương tâm họ bị cắn rứt. Cơ hội kiếm tiền sẽ khuynh đảo suy nghĩ của họ. Màu xanh lá cây của đồng tiền sẽ khiến cho họ mờ mắt. The green color of the dollars will blind their eyes.

Niềm tự hào về lá cờ Mỹ do người Mỹ chế tạo đã bị tấn công. Người có những móc nối trong kỹ nghệ và đường dây phân phối mặt hàng đầy tính biểu tượng này sẽ coi những lá cờ Mỹ thuần túy là những món hàng. Những containers chở cờ Mỹ chế tạo tại Trung Quốc sẽ vượt Thái Bình Dương đến với Hoa Kỳ. Hóa đơn và hợp đồng với những khoản lãi. Những xưởng may cờ hối hả của Trung Quốc nơi điều kiện làm việc đa số thường rơi vào cảnh bạc đãi. Họ chỉ biết mình đang may cờ Mỹ. Rất có thể sẽ là những lá cờ của các quốc gia giàu có khác. Nhưng tình cảm và suy nghĩ của họ hoàn toàn xa lạ với những lá cờ họ đang may. Họ tuyệt nhiên không nghĩ về vinh dự được may những lá cờ Mỹ như người Mỹ; hoặc làm sao họ có được cảm xúc như chúng ta – những người đang sống trên đất Mỹ.

Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật cấm các cơ quan công cộng của Hoa Kỳ sử dụng cờ Mỹ sản xuất tại nước ngoài. Các cơ quan công quyền này phải sử dụng cờ Mỹ có ít nhất 50% chất liệu và công đoạn sản xuất tại Mỹ. Nhưng theo nhiều người thì chuyện này nói để cho có chứ việc thực hiện kiểm tra thì không thể. Hơn nữa chuyện nhìn thấy những lá cờ Mỹ tung bay chỉ cho người ta cảm giác tự hào hãnh diện, chứ mấy ai nghĩ đến chuyện xuất xứ của những lá cờ đó!

Tháng 02 năm 2014, luật Mỹ nghiêm cấm Quân đội Mỹ sử dụng Quốc kỳ Hoa Kỳ chế tạo tại Trung Quốc. Đây là một hành động có ý nghĩa rất lớn. Hãy tưởng tượng, lá cờ Tổ Quốc là niềm kiêu hãnh và là động lực của người lính. Đã là lính, ai cũng mang trong lòng mình niềm kính trọng và tinh thần chiến đấu. Không chỉ có những lá cờ tung bay trên các cột cờ doanh trại quân đội phất phới. Mỗi ngày đều có nghi thức thượng kỳ và hạ kỳ rất trang nghiêm mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Một hồi còi báo cất lên. Tất cả xe cộ trong doanh trại đang chuyển động sẽ dừng lại. Mọi quân nhân, bất luận trong quân phục hay trong đồng phục thể thao, thậm chí khi mặc quần áo dân sự đang đi bộ sẽ đứng lại trong tư thế nghiêm, hướng về phía cột cờ (dù có thể lúc đó họ ở xa không nhìn thấy). Và họ trang trọng đưa tay lên chào cờ.

Rồi khi một người lính nằm xuống. Lá cờ Tổ quốc một lần nữa, lần cuối, tiễn đưa người con hy sinh cho đất nước trong cách phủ quan tài thật trang nghiêm. Sau đó được xếp gọn, trao cho thân nhân của tử sĩ. Lá cờ chứa đựng biết bao cảm xúc và ý nghĩa của đất nước đối với người đã xả thân vì Tổ Quốc. Lá cờ thiêng liêng và ý nghĩa hơn tất cả những giá trị đền bù khác; lá cờ tượng trưng cho vinh dự cao quý nhất của người nằm xuống vì Tổ Quốc.

Chính vì thế, lá cờ dành cho người chiến sĩ nằm xuống không thể mang bất cứ một tì vết nào, càng không nên được làm ra từ những nơi các giá trị lý tưởng tự do và dân chủ bị chà đạp; trong khi đó những người lính Hoa Kỳ đã chiến đấu và bảo vệ bằng xương máu của mình cho những giá trị lý tưởng cao đẹp ấy.

Để có được một lá cờ Mỹ thuần Mỹ, bạn có thể mua lá cờ ấy với một chứng chỉ cờ Mỹ (American made certification) ghi rõ ràng xuất xứ của lá cờ mình mua về. Cần biết thêm, mua một lá cờ rất khác với chuyện mua những món hàng khác. Hiệp hội Cờ Chế tạo tại Mỹ – FMAA (The Flag Manufacturers Association of America) đã cấp “Certified Made in the USA” cho các lá cờ được làm ra tại Mỹ với sức lao động của người Mỹ. Và việc mua những lá cờ này cho thấy tinh thần yêu dân tộc của mỗi người. Thay vì vội vã ra Walmart để mua về những lá cờ made-in-China một cách đầy tiện nghi.

Cuối cùng thì ngày Lễ Độc Lập sẽ qua. Niềm tự hào khi nhìn lên lá cờ Mỹ đem lại cho bạn những cảm xúc như thế nào chắc vẫn còn nguyên đó, bạn nghĩ gì? Rung động và xao xuyến? Tri ân và hãnh diện. Nhưng có khi nào bạn đặt câu hỏi: Lá cờ ấy đến từ đâu? Còn chuyện giá trị và ý nghĩa biểu tượng tinh thần dân tộc, chắc khỏi cần phải nói, tất cả chúng ta đều hiểu rất rõ về ý nghĩa thiêng liêng của lá cờ Mỹ như thế nào rồi.

Nguyễn Thơ Sinh
Nguồn: Thoibao 

1 comment: