Pages

Monday, July 13, 2015

Người Việt Hay Chê - Lm.Jos Tạ Duy Tuyền


Người Việt có thói xấu là hay chê. Đây là lối ứng xử đáng trách của người Việt. Dường như thói hay chê đã trở thành một văn hóa xấu của người Việt Nam. Văn hóa chê đã ăn sâu vào trong ý thức của người Việt. Thấy là chê. Chê cho thích. Chê cho bõ ghét. Lý do hay chê là vì không muốn ai hơn mình, nên khi thấy ai làm được gì là chê. Nhất là những người cùng cơ quan, cùng đoàn thể dù họ có thiện chí mấy cũng bị chê. Phải chăng “Bụt nhà không thiêng” hay người Việt “xấu xí”, nhiễm văn hóa chê bai, định kiến, thích “dìm hàng”?

Có một em học sinh khi nhận được giấy khen vì có thành tích học tập xuất sắc. Em vui mừng "up" lên facebook nhưng ngay sau đó, em bị một số bạn nhảy vào bình luận không tiếc lời: “vậy mà giỏi gì”, “âu cũng là do hên” …


Cô hoa hậu Kỳ Duyên do ngủ say mà có tư thế ngủ không mấy đẹp, cũng bị chê. Mặc dầu chẳng ai ngủ mà có thể khẳng định được mình luôn giữ tư thế đẹp!

Có một bạn trẻ còn tâm sự: "Mình đi thi và đạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát học sinh - sinh viên. Khả năng ca hát của mình được hội đồng giám khảo có uy tín khẳng định.

 Tuy nhiên,  mình vừa bước từ trên sân khấu xuống đã có ý kiến bảo "hay cái quái gì mà hay. Chẳng qua đẹp trai nên lấy được cảm tình của ban giám khảo. Những lời lẽ như thế làm mình buồn lắm".

 Lý giải về thói xấu "thích vạch lá tìm sâu" của người Việt, các chuyên gia cho rằng, đây là một hiện tượng có thật trong đời sống. Văn hóa chê là biến tướng của sự đố kỵ, ganh ghét, ích kỷ… Không hài lòng bất kỳ điều gì, không muốn thừa nhận ai, không muốn ai hơn mình, mà chỉ thích phê phán, phê không được thì tìm cách “dìm”, thể hiện “cái tôi” hẹp hòi, thiển cận.

Xem ra Chúa Giê-su cũng không qua được những thị phi của người đời. Ngài cũng bị chê, bị trách, bị dìm. . . Ngài cũng bị người đồng hương xem thường. Nhưng Chúa chẳng quan tâm. Ngài vẫn tiếp tục sống cho sứ vụ của mình. Ngài vẫn làm công việc của mình. Ngài không để cho tiếng khen lời chê làm ảnh hưởng tới công việc của mình. Ngài luôn làm việc vì Chúa Cha và vì lợi ích các linh hồn. Cho dù những tiếng thị phi người đời muốn cản trở công việc, nhưng không vì thế mà Ngài bỏ cuộc hay lẩn tránh. Ngài vẫn sống phục vụ cho dù phải trả giá bằng đớn đau cực hình do người đồng hương ganh ghét gây nên.

Xem ra Chúa Giê-su cũng là một nạn nhân của văn hóa hay chê. Vì ganh ghét, vì thiếu khiêm tốn mà người đồng hương đã loại trừ người công chính. Sự kiêu căng đã khiến họ không thể đón nhận tin mừng mà Chúa Giê-su loan báo.

Cuộc sống sẽ hay hơn nếu chúng ta khiêm tốn chấp nhận cái hơn của người khác. Cuộc đời sẽ không có những thị phi nếu chúng ta không đánh hội đồng anh em bằng sự a dua nói hành, nói xấu, bỏ vạ cáo gian nhau. Thiết nghĩ trong mỗi cá nhân chúng ta, cũng nên “uốn lưỡi” nhiều lần trước khi mở miệng chê điều gì, chê ai…?

Văn hóa chê sẽ làm cho xã hội kém phát triển vì mất tính sáng tạo, làm nhụt khí của người làm việc. Văn hóa khen mới làm cho xã hội thăng tiến, mới khích lệ nhau sáng tạo không ngừng để xây dựng xã hội ngày một giầu đẹp hơn.

Xin cho chúng ta biết học nơi Chúa luôn khiêm tốn trong cuộc sống, biết đón nhận mọi lời khen chê, không phải để tự cao hay tự ty mặc cảm mà để sống tốt hơn. Và xin cho chúng ta đừng vì cái tôi của mình mà nói xấu, bỏ vạ, cáo gian hại người, nhưng luôn nghĩ tốt và sống tốt với mọi người. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

No comments:

Post a Comment