Pages

Sunday, July 12, 2015

Việt Nam Nên Học Tập Thomas Jefferson - Thạc Sĩ Nguyễn Tiến Trung


Những ngày này, truyền thông hoàn toàn tập trung vào một sự kiện hy hữu, đó là việc lần đầu tiên Tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người không hề có một chức danh nhà nước nào, được chính phủ Hoa Kỳ tiếp đón.

Chiều 6/7 tại Washington, nghĩa là sáng 7/7 theo giờ Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm Nhà tưởng niệm Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson.

Cần nhắc lại sơ qua sự nghiệp của con người vĩ đại Jefferson, ông là một trong những người cha sáng lập ra nước Mỹ, là vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, là tác giả chính của Tuyên ngôn độc lập lừng danh đã ảnh hưởng đến cả nhân loại, trong đó có cả Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 của Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi họp báo với Tổng thống Obama cũng công nhận “Hoa Kỳ là một đất nước tươi đẹp”. Như vậy, hẳn ông cũng có ý muốn học hỏi từ Thomas Jefferson cách thức xây dựng nước Mỹ trở thành một siêu cường số 1 thế giới và là một quốc gia tươi đẹp, đáng sống, điểm đến định cư, học tập mơ ước của các công dân từ nghèo đến giàu ở mọi quốc gia, trong đó có cả các nước cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam.


Bình đẳng

Hãy bắt đầu từ những câu văn bất hủ của Jefferson trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ 1776 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích lại trong Tuyên ngôn độc lập 1945: “Người ta sinh ra có quyền bình đẳng; Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền đó, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Quyền “bình đẳng” này cũng đã được cụ thể ở điều 16 hiến pháp Việt Nam 2013: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”

Thế nhưng, với tuyên bố “không chấp nhận đa nguyên đa đảng” bấy lâu nay của các lãnh đạo cộng sản, đạo lý “bình đẳng” hiển nhiên này đã bị chà đạp. Lãnh đạo đảng cộng sản đã tự đặt mình lên trên tất cả, kể cả đứng trên Hiến pháp để dập tắt, đàn áp những người có chính kiến khác, niềm tin tâm linh khác, thuộc các chính đảng khác.

Chính Jefferson đã khẳng định: “Sự đa dạng ý kiến [đa nguyên] dẫn đến những câu hỏi. Những câu hỏi dẫn đến Chân lý.” Các lãnh đạo đảng cộng sản không chấp nhận đa nguyên là đang từ chối Chân lý.

Nhân dân làm chủ


Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận có đa đảng 

Trong thư gửi John Cartwright năm 1824, Jefferson đã khẳng định “…tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, rằng họ có thể tự mình thực hiện quyền lực đó trong tất cả các trường hợp mà họ tin rằng họ có đủ năng lực (chẳng hạn như trong việc bầu ra các viên chức hành pháp và lập pháp, và quyết định bởi một bồi thẩm đoàn của chính họ trong tất cả các trường hợp tố tụng liên quan đến bất kì việc gì), hoặc họ có thể hành động thông qua các đại diện, được lựa chọn một cách tự do và công bằng;… và rằng họ có quyền tự do cá nhân, tự do tín ngưỡng, tự do sở hữu tài sản, và tự do báo chí”.

Bằng việc tự cho mình đương nhiên có quyền lãnh đạo quốc gia, bằng việc tự bổ nhiệm các viên chức hành pháp, lập pháp, và tư pháp qua “cơ cấu”, “quy hoạch” cán bộ, các lãnh đạo đảng cộng sản đã tiếm quyền làm chủ được bầu cử, ứng cử của dân, đưa người dân trở lại thân phận nô lệ, bội ước với những điều đã cam kết với dân trong Tuyên ngôn độc lập 1945.

Hãy nhìn vào quyền sở hữu tài sản để thấy Jefferson sáng suốt như thế nào. Ở Việt Nam, người dân có thể bị tước đoạt đất đai, nhà cửa, thành quả lao động mồ hôi nước mắt của mình bất cứ lúc nào bởi các “đại gia”, quan chức có tiền và thế lực. Tầng lớp dân oan bị cướp đất liên tục đông lên và biểu tình trên cả nước đang dẫn đến bất ổn chính trị sâu sắc.
Jefferson đã nói về hiện tượng này như sau: “Nền dân chủ chấm dứt tồn tại khi bạn lấy [của cải] từ những người sẵn sàng làm việc để đưa cho những ai không làm việc.”

Lấy thêm ví dụ về quyền tự do báo chí, Jefferson cho rằng: “Chỉ có sai lầm mới cần đến sự bảo trợ của chính quyền. Chân lý tự nó có thể đứng một mình.” Thế thì việc chủ nghĩa Mác Lênin cần đến một hệ thống báo chí của đảng cộng sản, nhà nước để “bảo trợ”, ngăn cấm báo chí tư nhân, đàn áp các tiếng nói khác biệt có phải tự bản thân nó đã cho thấy chủ nghĩa Mác là một sai lầm hay không? Và cũng cho thấy người dân Việt Nam không hề có quyền tự do báo chí hay không?
Rõ ràng rằng quyền làm chủ đất nước của dân còn chưa có thì những quyền khác chỉ là ảo tưởng.


Pháp luật chuẩn mực

Từ nhận xét các lãnh đạo đảng cộng sản đang đứng trên hiến pháp ở trên, bản thân chức danh Tổng bí thư cũng không hề được quy định trong hiến pháp, ta thấy rằng luật pháp chuẩn mực không tồn tại ở Việt Nam, mà luật pháp đã bị biến thành công cụ của giai cấp thống trị để áp bức cả dân tộc. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác về luật pháp.
Thế nhưng Jefferson nghĩ khác hẳn: “Luật trở thành luật pháp bởi vì đó là ý chí của quốc gia”, cụ thể hơn là luật phải do một quốc hội dân cử soạn thảo chứ không phải do quốc hội thao túng bởi một đảng.

Jefferson cũng cho rằng: “Nguy hiểm lớn nhất cho nền tự do của Hoa Kỳ là một chính phủ xem thường hiến pháp.” Và Việt Nam trở thành một ví dụ tuyệt vời cho nhận định này, vì hiến pháp chỉ quan trọng thứ hai sau cương lĩnh của đảng cộng sản như tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì quyền tự do của công dân bị xâm phạm là điều tất yếu.
Ông cũng lý luận: “Tự do đúng đắn là những hành động không bị cản trở theo như ý chí của chúng ta nằm trong giới hạn đặt ra bởi quyền bình đẳng của những người khác. Tôi không thêm vào “trong giới hạn của luật pháp” bởi vì luật thường chỉ là ý chí của bạo chúa, và luôn là như vậy khi nó xâm phạm các quyền của cá nhân.”

Các quyền tự do của người dân Việt Nam được công nhận trong Hiến pháp đều bị thòng thêm câu “do pháp luật quy định”, pháp luật này lại được làm ra bởi quốc hội độc đảng toàn trị, điều đó có phải dẫn đến việc xâm phạm các quyền của người dân hay không? Jefferson đã sớm có câu trả lời.


Bí quyết hóa rồng

Sau một vài khảo sát nhanh tư tưởng của Jefferson, ta có thể thấy bí quyết để nước Mỹ trở thành một siêu cường không có gì là bí hiểm. Đó là hãy đảm bảo tám chữ vàng “Nhân dân làm chủ, Pháp luật chuẩn mực” và để đạo lý “bình đẳng” thấm đẫm tám chữ này.
Không thể có chuyện “Nhân dân làm chủ” mà pháp luật không chuẩn mực, và ngược lại, không thể có chuyện “Pháp luật chuẩn mực” mà nhân dân bị tước quyền làm chủ. Đó là hai mặt của một đồng xu.

“Nhân dân làm chủ” chính là cái nền của nước Mỹ, và “pháp luật chuẩn mực” chính là cái khung của xã hội Mỹ. Từ cái nền và cái khung vững chắc do Jefferson đặt ra đấy, nhân dân Mỹ đã xây dựng quốc gia của họ trở thành một tòa nhà vĩ đại và lộng lẫy hào quang, cũng như tượng Nữ thần tự do giương cao ngọn đuốc ở New York.
Có được cái nền “nhân dân làm chủ” và cái khung “pháp luật chuẩn mực” vững chắc đấy, ai làm tổng thống hay đảng nào chiếm đa số trong quốc hội đã không còn quá quan trọng, quốc gia cứ thế vận hành, mọi người cùng nhau xây dựng đất nước tiến lên phía trước.


Trời còn để có hôm nay

Biết đâu sau chuyến đi này, trở về nước Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hoan hỉ kêu lên như cụ Hồ năm xưa: “Eureka, tìm ra con đường cứu nước rồi.”

Về thiên thời, như phó tổng thống Joe Biden đã lẩy Kiều, các cường quốc dân chủ sẵn sàng chìa tay ra với đảng cộng sản Việt Nam. “Sương đầu ngõ” đã tan, “mây giữa trời” đã được “vén”.
Về địa lợi, Trung Cộng gây xáo trộn ở biển Đông, chiếm biển đảo của Việt Nam, xâm phạm đến an toàn hàng hải vốn là lợi ích của nước Mỹ, Nhật, Hàn… Việt - Mỹ có cùng lợi ích địa chính trị.
Về nhân hòa, theo khảo sát mới đây của Viện khoa học xã hội, gần 90% người Việt được hỏi có cái nhìn lạc quan về Mỹ. Nghĩa là lòng dân đa số đều hướng về Mỹ.

Nhân dân làm chủ thì phải để cho dân chọn đại biểu quốc hội chứ không thể do đảng cộng sản chọn được. Chỉ từ xuất phát điểm đó, dân sẽ bầu ra một Quốc hội lập hiến soạn thảo hiến pháp mới theo ý dân.

Để tận dụng được thiên thời - địa lợi - nhân hòa, tôi nghĩ lời khuyên này của Jefferson rất phù hợp cho các lãnh đạo của đảng cộng sản: “Chính trực là chương đầu tiên của quyển sách khôn ngoan”.
Nghĩa là đã có Hiến pháp thì phải làm cho thực chất chứ đừng vặn vẹo nó theo ý đồ của đảng cộng sản. Trong Hiến pháp có gì thì cứ thực chất mà làm: Nhân dân làm chủ thì phải để cho dân chọn đại biểu quốc hội chứ không thể do đảng cộng sản chọn được. Chỉ từ xuất phát điểm đó, dân sẽ bầu ra một Quốc hội lập hiến soạn thảo hiến pháp mới theo ý dân.

Chính chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng muốn đi cùng với Hoa Kỳ nhưng Tổng thống Truman đã bỏ lỡ cơ hội đó, nhưng nay Tổng thống Obama đã chìa tay ra. Vậy thì các lãnh đạo đảng cộng sản hãy làm tiếp điều dang dở đó: học tập Hoa Kỳ, bắt tay với Hoa Kỳ để trở thành cường quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đó Việt Nam mới đủ sức bảo vệ quốc gia trước hiểm họa xâm lược từ Trung Cộng.
“Trải qua một cuộc bể dâu” từ năm 1945 đến nay, liệu các lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam có còn muốn lặp lại “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” hay không?


Hãy làm theo tư tưởng… Jefferson

Nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố “vượt qua khác biệt” để bắt tay với cựu thù Mỹ, tổ chức đối thoại nhân quyền hằng năm với Mỹ thì càng cần thiết và cấp bách hơn nữa là tổ chức đối thoại với các nhân sĩ, trí thức độc lập, những người dân chủ ở trong nước.

Dù có chính kiến khác biệt nhưng lãnh đạo đảng cộng sản và những người dân chủ đều là người Việt Nam máu đỏ da vàng. Tại sao lại không thể trở thành bạn của nhau được như đảng cộng sản đối với chính phủ Mỹ? Vì như Jefferson đã nói: “Tôi không bao giờ cho rằng sự khác biệt ý kiến trong chính trị, tôn giáo, triết học, là lý do để không còn là bạn bè.”

Với mọi người dân Việt Nam, tôi lại nghĩ lời khuyên này của Jefferson là phù hợp. Đó là “Nếu bạn muốn điều gì mà bạn chưa bao giờ có, bạn phải dám làm những điều bạn chưa bao giờ làm.”
Nếu chúng ta muốn nhân dân làm chủ qua nhà nước cộng hòa chính danh, nếu chúng ta muốn tạo dựng một xã hội công bằng qua luật pháp chuẩn mực, nếu chúng ta tin vào đạo lý bình đẳng giữa người với người, chúng ta cần sẵn sàng vượt thắng sợ hãi để cùng nhau lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, của dân tộc mình.

Hoạt động cho những giá trị phổ quát về quyền con người, cụ thể thông qua pháp luật chuẩn mực là những hoạt động cho nền tảng chính trị của quốc gia, không phải cạnh tranh chính trị, không phải đối lập với ai, mà giúp tạo lập cho Việt Nam đích thực là nhà nước cộng hòa, nhân dân làm chủ, và ai cũng có nghĩa vụ tham gia làm hậu thuẫn.
Bởi vì “Tất cả những gì mà nền chuyên chính cần để thắng thế là sự im lặng của những người có lương tâm tốt” (Thomas Jefferson).

NTT

No comments:

Post a Comment