Pages

Sunday, September 6, 2015

Hóa Chất Không Dính: Teflon - Mai Thanh Truyết & Đỗ Hiếu, RFA


Cho đến nay, hầu hết dân chúng trên thế giới đều biết đến hóa chất Teflon đặc biệt là trong các công việc bếp núc. Tính chất đặc thù của hóa chất nầy là không làm thức ăn dính vào nồi niêu soong chảo sau khi đã được phủ một lớp mỏng bên trong

Nhưng trong những năm gần đây, tại Hoa Kỳ đã xảy ra những vụ kiện của dân chúng về những tính độc hại của Teflon. Để tìm hiểu thêm về loại hoá chất đặc biệt này, Đỗ Hiếu hỏi chuyện Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, trong khuôn khỗ chuyên mục Khoa học & Môi trường của Đài Á Châu Tự Do.


Teflon là gì?

Đỗ Hiếu: Trước hết xin Tiến sĩ cho biết Teflon là hóa chất gì và được tung ra thị trường như thế nào?

Ts. Mai Thanh Truyết: Teflon là tên thương hiệu của một chất polymer do nhà khoa học Roy Plunkett (1910 – 1994) khám phá vào năm 1938. Sản phẩm nầy được hãng DuPont tung ra thị trường từ năm 1946. Đây là một hóa chất hữu cơ chứa fluor, có tính chất chịu nhiệt và không kết dính.

Khoảng 50 năm về trước DuPont đã bắt đầu sản xuất đủ loại sản phẩm dùng trong nấu nướng có phủ một lớp Teflon. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng nấu nướng làm cho dịch vụ nầy được thực hiện dễ dàng và thâu ngắn thời gian làm bếp của những ông bà nội trợ.
Các dụng cụ bếp núc mới tiếp tục ra đời, ngay cả lò nướng và soong chảo bằng điện. Hiện tại, 70% dụng cụ nấu nướng ở Hoa Kỳ là thuộc loại không dính.

Đỗ Hiếu: Tại sao chất Teflon là một chất không dính, ông có thể giải thích thêm cho thính giả của Đài RFA được rõ?

Ts. Mai Thanh Truyết: Chất Teflon không dính là do một tính chất đặc biệt của hóa chất nầy. Teflon chỉ là một tên thương hiệu dùng để gọi thay thế tên hóa chất của một loại polymer polytetrafluoroethylene viết tắt là PTFE.

Đặc tính độc đáo của PTFE là hệ số cọ sát (coefficient of friction) của chất nầy thấp nhất đối với tất cả các kim loại hiện diện trên trái đất. Do đó nó có thể được dùng như một lớp áo tráng bên trong nồi niêu trong kỹ nghệ nấu nướng.

Độ nóng chảy của PTFE là 3270C. Vì hệ số cọ sát thấp, PTFE còn được dùng trong kỹ nghệ không gian và trong kỹ nghệ tinh luyện uranium, áo giáp chống đạn, vật cách điện v.v... Bốn năm sau khi tung ra thị trường từ năm 1950, hãng DuPont đã sản xuất trên 500 tấn PTFE tại cơ xưởng ở Virginia.


Nguyên nhân gây kiện tụng

Đỗ Hiếu: Với những tiện lợi trong việc nấu nướng, nhưng tại sao lại có những vụ kiện trong vài năm trở lại đây, thưa TS?

Ts. Mai Thanh Truyết: : Thưa Anh. Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa là khi áp dụng một hóa chất nào trong đời sống, chắc chắn chúng ta sẽ phải chấp nhận nhiều điểm thuận lợi và cũng có những bất lợi kèm theo sau. Trường hợp của Teflon cũng không là một ngoại lệ nào cả.

Từ những ứng dụng trên đặc biệt trong kỹ nghệ nấu nướng, nếu các chảo không dính được đun ở nhiệt độ cao, khí độc có thể bốc lên tùy theo nhiệt độ đang đun. Khí nầy có thể là một vũ khí có thể giết chết chim chóc, và ảnh hưởng lên con người qua cảm giác như bị bịnh cúm (flu-like), làm cơ thể bị nóng sốt trong vòng một tuần lễ tùy theo cung cách và cường độ bị tiếp nhiễm.

Việc tiếp nhiễm có thể xảy ra khi chảo Teflon vẩn còn trên bếp nóng ở trong một gian nhà bếp nhỏ, không thoáng khí và không có máy hút khói. Trong trường hợp hệ trọng, nghĩa là lớp Teflon bị nun nóng quá độ, Teflon sẽ bị phân hủy và khí thoát ra có thể gây tử vong cho người. Teflon bắt đầu bị phân hủy từng phần ở khoảng 5000F (tương đương 2600C), và bị phân hủy hoàn toàn ở nhiệt độ 6600F (3500C).

Để có thể có một khái niệm để so sánh, dầu mỡ hay bơ bắt đầu chảy và sôi cùng ra khói vào khoảng 3920F (2000C), còn thịt bị cháy khi được nun nóng đến khoảng 400 – 4500F (200 – 2300C).
Chúng ta cũng cần nên nhớ rằng khi đạt đến các nhiệt độ kể trên thì nhiệt độ của đáy chảo sẽ cao hơn khoảng 300F, nghĩa là lớp Teflon có thể đã bắt đầu phân hủy rồi.
Đỗ Hiếu: Các cơ quan y tế Hoa Kỳ có lên tiếng về những nguy cơ TS vừa nêu ra hay không?

Ts. Mai Thanh Truyết: Dạ có, thưa anh. Năm 2005, Hội đồng Cố vấn Khoa học (SAB) của Cơ quan BVMT HK (USEPA) đã khám phá rằng hóa chất perfluorooctanoic acid (PFOA), một hóa chất dùng để điều chế Teflon là dường như gây ra ung thư (likely carcinogen).

Suzan Hazen, Phụ tá Hành chánh của EPA, sau khi nhận được một báo cáo khoa học công bố rằng đã có chỉ dấu của hóa chất PFOA trong máu của 90% người Mỹ, tuyên bồ rằng: “Mặc dù nguồn gốc của sự tiếp nhiễm nầy còn mơ hồ, nhưng các dụng cụ nấu nướng không dính đang là một nghi vấn lớn”.
Và EPA cũng đã nghiên cứu vấn đề nầy để có thể đem ra thảo luận trong các hội nghị chuyên đề sắp tới.


Ảnh hưởng đối với con người

Đỗ Hiếu: Còn các vụ kiện tụng do ảnh hưởng của hóa chất PFOA như thế nào, TS có thể cho biết một vài trường hợp điển hình.

Ts. Mai Thanh Truyết: Có hai trường hợp chúng tôi muốn nêu ra đây, đó là việc ảnh hưởng lên súc vật và người của hóa chất vừa kể trên. Vào tháng 6, 1999 tại West Virginia, gia đình Tennent đã kiện hãng Dupont vì đã làm chết 280 con bò của gia dình nầy do hóa chất PFOA phế thải vào bãi rác lộ thiên, không độc hại ở gần nơi cư trú của gia đình.
Nước rỉ của bãi rác trên đã đi vào rãnh nước xuyên qua khu đất nuôi bò. Vụ kiện đã được dàn xếp nội bộ, nhưng số tiền bồi thường không được công bố.
Đỗ Hiếu: Còn trường hợp xảy ra cho con người như thế nào thưa ông?

Ts. Mai Thanh Truyết: Vào năm 2004, DuPont đã phải trả 300 triệu Mỹ kim để dàn xếp một vụ kiện khác do các cư dân sống chung quanh nhà máy sản xuất Teflon ở Ohio và West Virginia căn cứ vào nguồn nước ngầm ở hai nơi nầy bị ô nhiễm vì hóa chất trên, và một số người dân bị tiếp nhiễm và sức khỏe bị ảnh hưởng cũng như có một số chỉ dấu liên quan đến mầm móng ung thư.

Đỗ Hiếu: Như TS đã trao đổi ơ phần trên, Cơ quan EPA HK vẫn chưa có một quyết định dứt khoát nào về hóa chất PFOA nầy, lý do tại sao? Vì chưa có những bằng chứng khoa học hay vì một lý do nào khác như áp lực kinh tế chẳng hạn?

Ts. Mai Thanh Truyết: Theo ý kiến chúng tôi, sở dĩ HK chưa quyết định dứt khoát là vì các cơ quan y tế và nghiên cứu chưa thu thập đủ dữ kiện để kết luận tính chất ung thư của hóa chất nầy. Sự thận trọng nầy rất cần thiết và áp dụng cho mọi trường hợp.

Ngoài ra chúng tôi không nghĩ là có những sức ép nào khác ngoài có thể ảnh hưởng lên các kết luận của cơ quan y tế Hoa Kỳ ngoài vấn đề ảnh hưởng lên sức khỏe và môi trường.
Cho đến nay 2006, hóa chất nầy vẫn chưa được EPA liệt kê vào danh sách hóa chất có nguy cơ gây ra bịnh ung thư. Báo Washington Post ngày 23/12/2005 có loan tải tin tức như sau: “EPA đang cứu xét sự kiện hóa chất PFOA có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe con người và phải được qui định thành luật.

Hóa chất nầy là một trong những hóa chất hữu cơ sinh tụ và không phân hủy (bio-accumulative persistent organic pollutants), liên quan đến bịnh ung thư và phát sinh dị hình dị dạng nơi thú vật; do đó, có thể gây ra ung thư cho con người”. Như vậy chúng ta đã thấy EPA Hoa Kỳ rất thận trọng trong lãnh vực làm luật.


Trách nhiệm của nhà sản xuất?

Đỗ Hiếu: Trở qua trách nhiệm của những nhà sản xuất, TS thấy lương nghề nghiệp của họ như thế nào nhất là trong một xã hội lấy vật chất làm đầu như xã hội chúng ta đang sống ở đây?

Ts. Mai Thanh Truyết: Trong trường hợp hãng DuPont, ngoài hóa chất PFOA, hóa chất dùng để sản xuất Teflon, hãng nầy còn sản xuất một hóa chất rất nổi tiếng là CFC viết tắt của tên hóa chất chlorofluorocarbon.
Đây là một hóa chất dùng trong kỹ nghệ lạnh và là một hóa chất gây ảnh hưởng đến tầng lớp ozone của bầu khí quyển, còn gọi là hiệu ứng nhà kính.

Trong quyết định của 189 nguyên thủ quốc gia ở kỳ nhóm họp tại Montreal năm 1989, Nghị định thư Montreal ra đời với kết luận là phải chấm dứt việc sản xuất hóa chất CFC vào năm 2006. Chính hãng DuPont vào năm 1992 cũng đã tuyên bố là sẽ chấm dứt việc sản xuất chất CFC càng sớm càng tốt. Nhưng hãng nầy vẫn tiếp tục tung ra thị trường hóa chất trên.

Tiếc thay, điều nầy nói lên được sức ép của những thế lực tư bản ở đất nước nầy, và các thế lực trên có khả năng khuynh đảo những luật lệ đã được quốc tế đồng thuận.

Trở qua việc sản xuất PFOA, kể từ đầu năm 2006, hãng DuPont, công ty duy nhất sản xuất chất PFOA tại HK, chiếm 25% mức sản xuất trên thế giới đã đồng ý tiết giảm dần dần sự phát thải của chất nầy vào môi trường và hứa chấm dứt vào năm 2015. Hãng cũng hiện đang nghiên cứu một loại hóa chất khác để điều chế Teflon như tổng hợp trực tiếp fluor và ethylene.
Chúng ta cũng khó biết hãng nầy có giữ được lời hứa hay không, hay cũng giống như trường hợp của chất CFC.


Người sử dụng cần biết

Đỗ Hiếu: Câu hỏi sau cùng. Tiến sĩ có lời khuyên nào đối với người xử các dụng cụ nấu nướng có lớp Teflon.

Ts. Mai Thanh Truyết: Như chúng tôi đã trình bày trên đây, các dụng cụ nấu bếp có Teflon đem lại nhiều tiện lợi trong việc nấu nướng; tuy nhiên những thuận lợi đó có thể mang lại cho chúng ta phiền não nếu xử dụng không đúng cách.

Trong cung cách nấu nướng của Việt Nam, chúng ta thường hay nấu ở nhiệt độ cao, và chưng hay hầm thức ăn trong một thời gian dài. Điều nầy có thể làm cho lớp Teflon bị phân hủy mà chúng ta không nhận biết được. Do đó ảnh hưởng lên sức khỏe có thể xảy ra trong một thời gian dài ít người để ý đến.

Vì đây là những chất hữu cơ bền vững, không bị phân hủy theo thời gian, sẽ tích tụ trong cơ thể chúng ta. Một khi liều lượng đã đạt đền mức gây nhiễm độc, khả năng được chửa trị lành sẽ rất thấp.

Vì vậy chúng tôi đề nghị trong công việc nấu nướng, cần thận trọng khi xử dụng các dụng cụ có lớp Teflon, cũng như không nên dùng lại các dụng cụ trên khi thấy có những vết trầy hay lớp Teflon trên mặt không còn trơn láng nữa. Điều sau nầy nói lên mức độ phân hủy của Teflon rất cao vì không còn có lớp bảo vệ trên mặt nữa.

Đỗ Hiếu: Cám ơn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết. 

No comments:

Post a Comment