Pages

Monday, September 28, 2015

Phạm Tội Song Hôn - Phó Tế Nguyễn Mạnh San


Chắc mọi người đều nhận thấy rõ vấn đề nam nữ bình quyền tại Hoa Kỳ được người dân bản xứ triệt để tôn trọng tới mức tối đa. Những người đàn ông nào thuộc gốc Á Châu nhiều lúc cảm thấy quyền người nữ ở đây có vẻ lấn áp (dominate) quyền người nam quá nhiều, nhất là nhìn vào kết quả của những vụ án ly dị (divorce) hay ly thân (separation) qua những phán quyết của tòa, thì chúng ta sẽ thấy rõ bên nam giới bao giờ cũng lãnh đủ mọi thứ thiệt thòi. Ấy vậy mà người phụ nữ Mỹ vẫn đòi hỏi phải cho họ bình quyền với nam giới hơn nữa (equal rights amendment).

Chúng ta thường nghe nhiều người nói một cách mỉa mai là sống ở Hoa Kỳ thà làm một con vật được nuôi trong nhà còn sướng hơn làm một thằng đàn ông. Họ cho rằng luật bảo vệ nhân quyền của Hoa Kỳ được chia ra làm 4 loại ưu tiên: Ưu tiên thứ nhất là bảo vệ trẻ em, thứ hai là đàn bà, thứ ba là súc vật nuôi trong nhà, và chót hết mới là đàn ông. Điều đó trên thực tế có đúng hay sai còn tùy theo sự xét đoán và quan niêm sống khác nhau của từng độc giả.

Phải nói rằng một phần lớn vì nền tảng căn bản của Luật bảo vệ nhân quyền (Bill of Rights) trong vấn đề nam nữ bình quyền mà Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận chế độ đa thê. Điều đó công bằng và hợp lý mà mọi người đều phải công nhận là đúng. Bởi vì một vợ chưa chắc người chồng đã làm tròn bổn phận của mình, nói chi đến hai hay ba vợ thì chỉ có nước điên cái đầu, xin vào nhà thương điên nằm còn sướng hơn.

Song hôn hay đa thê là một trọng tội đối với luật pháp Hoa Kỳ. Người ta có thể lấy vợ hay lấy chồng nhiều lần khác nhau, không hạn chế, nhưng không thể có nhiều vợ hay chồng cùng một lúc. Muốn lấy vợ khác hay chồng khác thì phải dứt khoát hẳn với chồng trước hay vợ trước bằng một bản án ly dị của tòa án. Nghĩa là có thể lấy vợ hay chồng bao nhiêu lần cũng được trước pháp luật, nhưng luật pháp cấm ngặt không cho phép bất cứ ai có quyền lấy hai vợ hay hai chồng cùng một lúc. Nếu ai vi phạm luật pháp này, kể cả vị nguyên thủ quốc gia như Tổng Thống Hoa Kỳ chẳng hạn, cũng đều bị truy tố ra tòa về tội hình và phải lãnh án tù. Theo luật Tiểu ban Oklahoma, người phạm tội song hôn có thể lãnh án tối đa 5 năm tù ở.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến những trường hợp phạm tội song hôn xảy ra trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Thành thật và khách quan để nói rằng hầu hết những trường hợp như vậy đều do hoàn cảnh xã hội quá đặc biệt lẫn bất ngờ đối với đồng hương chúng ta, vốn là những người đã phải rời bỏ quê hương, rời bỏ vợ con đến sống đơn độc trên xứ lạ quê người. Nơi đây có biết bao nhiêu sự quyến rũ tội lỗi bao quanh họ đã xô đẩy họ phạm tội song hôn do hoàn cảnh chứ không chủ mưu hay cố tình phạm tội song hôn. Để chứng minh cho nhận xét khách quan này, chúng tôi xin kể lại một trường hợp sau đây để quý độc giả tự nhận định xem ai là kẻ trong cuộc đã chủ động không muốn giải quyết vấn đề song hôn.

Ông A định cư tại Hoa Kỳ gần hai năm thì nhận được tin là bà mẹ vợ và cô em gái vợ đã đi vượt biên thoát và đang ở trong một trại tị nạn Pulau Bidong của Mã Lai chờ nhân thân ở Mỹ bảo trợ cho vào Mỹ định cư. Ông A bèn đến nhờ một họ đạo Tin Lành làm giấy tờ bảo trợ cho mẹ vợ và em vợ vào Mỹ đoàn tụ với ông. Chỉ vài tháng sau, hai người được bảo trợ đã được vào Mỹ.

Để cho đỡ tốn kém tiền bạc, bà mẹ vợ cùng cô em vợ đã về sống chung với ông A. Hàng ngày ông A làm tài xế đưa đón cô em vợ đi học nghề uốn tóc trong một thời gian kéo dài 6 tháng. Các cụ xưa thường nói “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” và câu nói này đã nghiệm đúng một trăm phần trăm trường hợp này. Vì vừa mãn khóa học uốn tóc thì cô em vợ xinh tươi cũng đã mang một bầu tâm sự, khiến bà mẹ vợ chỉ còn biết đấm ngực than rằng “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Bà ân hận nếu biết xảy ra cớ sự thế này thì bà đã không thèm hà tiện ở chung ở chạ với thằng rể, đã đi thuê nhà riêng mà ở. Rồi đây biết ăn nói làm sao với vợ nó còn đang ở quê nhà chờ cơ hội đến Mỹ nay mai.

Nhưng rồi chuyện đã lỡ, cho lỡ luôn. Thời gian trôi qua, thấm thoát đã hai năm mỗi năm một đứa con ra đời thật kháu khỉnh, trông giống cả bố lẫn mẹ. Theo ông A kể lại thì do áp lực quá mạnh của cô em vợ, vào một ngày đẹp trời hai người đưa nhau đến một tòa án địa phương để ký giấy giá thú, và cùng hai nhân chứng khác ngay ngày hôm ấy đã đến trước mặt quan tòa để được tuyên nhận chính thức là vợ chồng theo pháp luật.

Thế rồi một thời gian sau, do sự thúc đẩy tích cực của bà mẹ vợ, ông A đã lập hồ sơ tiến hành việc bảo lãnh cho người vợ và 4 con còn ở Việt Nam sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Một năm sau vợ và 4 con của ông A đã được nhập cảnh Hoa Kỳ. Khi đứng trước thực tế phũ phàng này, người chị đành thực thi câu “Em ngã chị nâng”, đành chấp nhận cảnh chị em ta chung chồng, chung sống một nhà cho giữ được tinh chị em máu mủ ruột rà, nhất là để cho 4 đứa con chị, 2 đứa con em cùng cha khác mẹ, là những mái đầu xanh vô tội được có một cuộc sống ổn định vật chất cũng như tinh thần bên cạnh người cha chung. Đấy là ý nghĩa cao đẹp mà người vợ cả (chị) đã tâm sự với chúng tôi. Nhưng rồi “Cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng”, chỉ hai tháng ở chung nhà, chung chồng, cô vợ hai (em) bắt đầu lấn áp vợ cả (chị), ra lệnh cho ông A phải đưa hết tiền lương cày hai jobs cho cô ta, dành quyền chi tiêu quán xuyến mọi việc trong nhà, cho chị cả ngồi chơi xơi nước, lại còn cấm chỉ ông A từ nay không được phép có hành động thân mật nào với “Chị Cả” khi “Chị Hai” có mặt ở nhà. Một phần vì là chị ruột, phần khác do bản tính hiền lành, nhẫn nhục nhường nhịn em, cho nên chị vợ cả chịu đựng tất cả cho êm cửa êm nhà. Khổ nỗi ông A cũng lại là người bản tính quá nhu nhược nên cũng nín thinh chịu đựng tình trạng đen tối như địa ngục trần gian trong gia đình. Đã có lúc ông A muốn đưa “vợ cả” và 4 đứa con ra ở riêng nhà khác, nhưng “vợ hai” nhất định chống đối và còn đe dọa nếu không nghe lời cô ta sẽ tố cáo chồng cho đi ở tù về tội song hôn. Đồng thời còn dọa sẽ kiện ông A ra tòa dân sự để đòi tiền trợ cấp hàng tháng cho cô ta (Alimony) và cho hai đứa con của cô ta nữa (Child support). Trước sự đe dọa này, ông A rất lo sợ khi được người ta cho biết là ông ta có thể đi tù về tội song hôn theo luật pháp Hoa Kỳ. Được thể cô vợ hai ngày một lộng quyền, hành động độc đoán, chẳng còn biết nể sợ ai trong gia đình. Nhưng sức chịu đựng có hạn, nên một hôm trong lúc cãi vã với cô vợ hai này, ông A quyết định vay tiền bạn bè đi thuê nhà khác cho vợ cả và 4 đứa con ra ở riêng. Đồng thời ông thuê một luật sư tiến hành thủ tục xin phế bỏ (Annulled) bản giá thú thứ hai với người vợ hai đi và cũng nhờ luật sư này bào chữa cho tội song hôn của ông. Chúng tôi vừa dùng chữ “phế bỏ” (annulled)  mà không dùng chữ ly dị (divorce) ở đây là có lý do về mặt pháp lý xin được giải thích ở phần nhận định dưới đây.

NHẬN ĐỊNH
Qua diễn tiến các sự kiện của câu chuyện vừa kể, chúng ta phải nhìn nhận rằng cô vợ hai (em vợ cả) của ông A quả là một người đàn bà tinh quái, nhưng đã khôn mà không ngoan, vì:
  1. Trước tiên chúng ta nên hiểu rằng giá thú đầu tiên nếu chưa được hủy bỏ bằng án lệnh ly dị của tòa, thì giá thú thứ hai trở đi đương nhiên tự nó bị triệt tiêu (annulled) và vô hiệu lực mỗi khi có sự tranh chấp pháp lý giữa đôi bên.
  2. Khi giá thú thứ hai bị triệt tiêu và vô hiệu lực rồi, thì việc mọi quyền lợi đòi hỏi phải chu cấp như cho một người vợ bình thường sẽ bị tòa xét lại toàn diện và tùy theo quyết định của tòa dựa trên các thực trạng hiển nhiên (facts) của cả đôi bên đương cáo cũng như bị cáo để chấp thuận hay không chấp thuận những đòi hỏi đó, chứ tòa không cần phải căn cứ trên những án lệ đã xử trước kia cho những vụ ly dị (divorces) mà đương cáo được hưởng những quyền lợi đòi hỏi tối đa của một người phối ngẫu danh chính ngôn thuận hợp pháp (Legitimate spouse).
  3. Nếu đem áp dụng luật có yếu tố pháp lý đương nhiên (Common law) vào vụ ông A thì không thể được, vì ông A đã có vợ và giá thú đầu tiên còn hiệu lực. Hơn nữa ông A không xa lạ gì với cô vợ hai này vì ông A là anh rể của cô ta trước kia, nên không thể đổ lỗi cho ông A là đã dụ dỗ và nói dối cô là còn độc thân. Thêm vào đó, tuổi đời gần 30 cái xuân xanh, đâu còn thơ ngây gì để bị ông anh rể lừa dối. Do đó, trong trường hợp này, không ai dụ dỗ ai mà cả hai theo luật đều là những kẻ đồng phạm tội song hôn ( Action of mutual agreement for bigamy).
  4. Vấn đề có nên truy tố ông A về tội song hôn hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào văn phòng công tố viện (District attorney). Có thể vì nhiều yếu tố vừa tình cảm lẫn pháp lý quá đặc biệt của trường hợp ông A, để có rất nhiều lý do chính đáng (good reasons) và thực trạng (facts) để cho luật sư bào chữa hiệu quả cho ông A trước tòa, nếu ông bị truy tố về tội song hôn. Chẳng hạn như ông A đã không liên lạc được với vợ con sau 5 năm do mối bang giao Mỹ-Việt gián đoạn, ông A đang sống trong tình trạng một thường trú nhân chưa phải là công dân Hoa Kỳ, chưa am tường về luật pháp thường thức Hoa Kỳ, sự sống cô đơn của một người đàn ông đang ở tuổi xuân thì không biết đến bao giờ mới gặp lại vợ con, chưa kể áp lực cô em vợ ép ông phải lập hôn thú với nàng, với mưu toan giữ chặt ông không cho cùng vợ con ra ở riêng, bằng những lời đe dọa sẽ tố cáo cho ông ở tù vì tội song hôn.
  5. Giả dụ ông A có bị truy tố ra tòa về tội song hôn thì ông A có quyền xin tòa xử bằng bồi thẩm đoàn (trial by jury) và qua sự trình bày các dữ kiện của luật sư bênh vực và hoàn cảnh đặc biệt nào đã thúc đẩy ông A phải xin tiêu hủy bản giá thú thứ hai… thì theo kinh nghiệm của chúng tôi về các phiên xử của bồi thẩm đoàn, nhiều trường hợp ngựa về ngược, nghĩa là kết quả trái với dự đoán của mọi người nếu căn cứ trên pháp lý. Chẳng hạn trường hợp của ông A, bồi thẩm đoàn sau khi nghe trình bày tình lý và pháp lý có thể cảm động (shock), nhất là khi thấy ông A có lúc muốn quay về sống riêng trở lại với người vợ cả nhiều tuổi năm xưa và 4 đứa con, chứ không phải muốn bỏ rơi cô vợ hai để bắt bồ với người đàn bà trẻ đẹp khác. Ông A sẽ nhận được đa số phiếu bênh vực bỏ cho ông để được tòa tuyên bố khoan hồng hay tha bổng…
Đến đây chúng tôi cũng xin thử đặt ra một giả định, nếu như ông A chỉ ăn ở với một cô gái khác trên tuổi vị thành niên, mà không làm hôn thú với cô ta, không có con với cô ta. Nay vợ của ông A qua Mỹ sum họp, ông A bỏ rơi cô tình nhân này trở về với vợ con. Cô nhân tình này nổi máu Hoạn Thư cho rằng ông A đã lừa dối cô, nói là còn độc thân, đòi truy tố ông A ra trước tòa để đòi bồi thường quyền lợi như một người phối ngẫu hợp pháp (legitimate spouse). Trong trường hợp bị truy tố như vậy, ông A vẫn có thể tự bào chữa bằng những lý do xác đáng cho một cuộc thuận mua vừa bán: Một đằng cần giải quyết vấn đề sinh lý, một đằng muốn kiếm số tiền đều đặn hàng tháng một cách dễ dàng. Nếu tòa xác nhận những lý do viện dẫn đó là đúng sự thật, thì cả ông A và cô nhân tình có thể bị tòa ghép vào tội đồng phạm mua dâm và bán dâm, và cả hai người có thể bị tống giam.

Phó Tế Nguyễn Mạnh San

3 comments:

  1. Tác giả bài này có sự nhầm lẫn về việc sử dụng tiếng Việt, nhờ blogger góp ý chỉnh sửa:
    Không có tuổi nào là TRÊN TUỔI VỊ THÀNH NIÊN cả (trích: một cô gái khác trên tuổi vị thành niên), chỉ có 2 độ tuổi là THÀNH NIÊN (major) hoăc VỊ THÀNH NIÊN (minor) chứ không có trên hay dưới gì cả! Trong nhiều bài khác, tác giả đã dùng DƯỚI TUỔI VỊ THÀNH NIÊN. Trời ơi! Làm ơn tìm giùm tôi con ngưới TRÊN hoặc DƯỚI tuổi vị thành niên là ai? Cũng như "vị hôn phu" hoặc "vị hôn thê" là chồng hoăc vợ chưa cưới (vị hôn = chưa cưới, bổ nghĩa cho "phu" hoặc "thê")nên nếu nói "hôn phu" hoặc "hôn thê" là vô nghĩa. Có lẽ tác giả không nắm được nghĩa từ Hán-Việt của "vị" nghĩa là "chưa". Xin mạo muội góp ý để sử dụng tiếng Việt trong sáng.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Thành Phố Gió đã góp ý, thấy được chỗ sai. Tiếc rằng tôi không biết địa chỉ của tác giả để liên lạc cho tác giả biết. Vậy thôi cứ để y vậy, ai đọc bài này thấy comment của bạn thì cũng sẽ đồng ý với bạn.
    NPN

    ReplyDelete
  3. Lại có thêm một từ mà tác giả này dùng không chính xác, đó là "đương cáo". Từ này không có nghĩa và không dùng trong luật pháp mà tác giả là người chuyên viết về đề tài pháp luật lại sáng tạo ra. Trong một vụ kiện chỉ có nguyên cáo (plaintiff) và bị cáo (accused) hoăc gọi tắt là bên nguyen và bên bị.

    ReplyDelete