Pages

Wednesday, September 23, 2015

Tiếng Việt Đã Bị "Dị Hoá" - Lâm Nguyễn

Ngôn ngữ chat. Hình minh hoạ

“Mother ui, hum n4i kon hk zia, kon f4i 0 l4i hok th3m.” Đó là một câu trong đề thi Việt văn mà học sinh phải phân tích. Tiếng Việt đây sao?

Thoạt đọc câu này, tôi không hiểu đó là cái gì, cho đến khi đọc được câu đã được ‘dịch’ ở trong ngoặc 
('Mẹ ơi, hôm nay con không về, con phải ở lại học thêm'). Đề thi là: "Bạn trẻ trong tình huống trên đã sử dụng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ teen để nói chuyện với mẹ. Nhận xét về từ ngữ xưng hô và cách sử dụng từ Tiếng Việt. Từ đó em rút ra bài học gì trong giao tiếp?"

Đề thi. Nguồn: dantri.com.vn

Nếu tôi phải phân tích đề văn này, tôi sẽ nói ngay, đó không phải là tiếng Việt! Và thật là hỗn láo nếu con cái nói chuyện với cha mẹ bằng thứ ‘tiếng lạ’ kia (trừ từ ‘mother’, mà trong giao tiếp thì trẻ con bên này hay gọi Mẹ là ‘Mom’, hoặc ‘Mami’). Và tất nhiên, không cần phải phân tích làm gì thứ ngôn ngữ lạ ấy.

Trong khi đó một bộ phận cộng đồng mạng ở VN lại ủng hộ, hưởng ứng cách ra đề thi như vậy vì nó theo chủ trương của Bộ Giáo dục VN là ‘đổi mới phương thức ra đề’ 

Một phụ huynh đọc xong đề thi, nói:”Hết chuyện dạy rồi hay sao mà kêu học sinh phân tích ngôn ngữ ‘chat’?” Theo thạc sĩ ngôn ngữ học Lý Thơ Phúc, giảng viên Trường ĐH Phú Yên, ngôn ngữ “chat” dựa vào sự tiện lợi, ngắn gọn nên học sinh rất thích và sử dụng thành phong trào. Điều lo ngại nhất là thứ ngôn ngữ này đã tràn vào trường học, đặc biệt là các trường phổ thông, ở lứa tuổi học sinh đang hoàn thiện nhân cách cũng như vốn tiếng Việt. 

Mà thế hệ sau này, không phải ai cũng có vốn tiếng Việt hoàn chỉnh. Ngay cả trong làng báo, rất nhiều phóng viên-những người được xem là ‘giỏi chữ nghĩa’, song vẫn viết những câu ...khó hiểu, dùng từ sai nghĩa, bỏ dấu lung tung, nhất là dấu hỏi, dấu ngã.

Những cuộc chat của giới trẻ 8X, 9X nhằm nói theo cách vui nhộn những thông tin riêng tư đồng thời muốn khẳng định mình, sẽ dẫn tới thứ ngôn ngữ chat lạ hóa tiếng Việt, mà xã hội đặc biệt quan tâm và lo lắng chúng làm biến dị tiếng Việt.

Lạ hoá tiếng Việt bình thường theo cách: a) dùng xen tiếng nước ngoài; b) dùng phương ngữ tuỳ tiện; c) dùng những ký tự lạ, biến đổi tuỳ tiện con chữ; d) thay đổi, rút gọn tuỳ tiện âm đầu, thanh điệu, nguyên âm, âm cuối trong một vần. Như: “Pùn nhủ mún chít mà zẫn fải học” (Buồn ngủ muốn chết mà vẫn phải học); “Tua^n` naizz` hum~ koa’ gi` dang’ ke^~… hum~ lum` dc gi` hit” (Tuần này hổng có gì đáng kể… hổng làm được gì hết)…

Cha mẹ có con trong lứa tuổi teen, vì không hiểu chúng nói gì, nên phải học ‘ngôn ngữ’ của chúng, lâu ngày cũng...xài luôn một cách vô thức. Điển hình là trên các trang mạng xã hội, người ta có thể dễ dàng đọc được những comment của người lớn, dùng ngôn ngữ chat.

Ngôn ngữ chat thay đổi hẳn Việt văn: Nguyên âm "ô" được thay đổi bằng âm "u", nguyên âm "ê" thay bằng nguyên âm "i", nguyên âm "ă" thay bằng "é" ví dụ: "một" được viết là "mụt", "chết" viết là "chít", "thôi chết rồi" được viết là "thui chít rùi", "lắm" được viết là "lém".

Với các từ có nhiều nguyên âm thì âm "ô" hay "ê" sẽ bị cắt bớt đi, ví dụ: từ "luôn" viết là "lun"; từ "suốt" viết là "sút", "biết" viết là "bít".
Một số vần như vần "ây" chỉ viết là "i"; vần "yêu" viết là "iu", ví dụ: "bây giờ" được viết là "bi giờ" hay "bi h", "em yêu" được viết là "em iu".
Phụ âm cũng bị ...cắt bớt, như "xong" chỉ viết là "xog", từ "lủng củng" chỉ viết là "lủg củg" từ "mình" chỉ viết là "mìn", từ "rồi" viết là "òi"...Và nhiều kiểu câu chữ... dị dạng khác. 

Học sinh say mê với Internet và thường sử dụng ngôn ngữ chat. Hình minh hoạ. Nguồn: news.zing.vn

Chỉ với vài kiểu ‘chế biến ngôn ngữ’ như trên, đã thấy lỗi chính tả Việt văn hiện nay đang ở mức báo động. Vẫn biết, người lớn dung từ ngữ tuổi teen để...vui là chính, nhưng với lứa tuổi học sinh phổ thong, khi mà tiếng mẹ đẻ của chúng còn chưa rành, đã bị thâm nhập tiếng quái lạ, sau này, văn chương của chúng chắc cũng thuộc dạng ‘quái thai’. Bởi, ngôn ngữ chat không phải là tiếng Việt.

Ảnh hưởng của ngôn ngữ chat đã xảy ra. Trong bài viết "Tràn lan bài thi viết sai lỗi chính tả" đăng trên Tạp chí Giáo dục thủ đô số 10+11 tháng 10/2010 tác giả Lê Nhung đã viết: "Ví dụ, trong kỳ thi vào lớp 10 THPT, có bài làm văn của học sinh như sau: “Bài thơ “Nhớ rừng” của nhà thơ Thế Lữ đã diễn tả rất xâu xắc tâm trạng của tầng lớp thanh niên chí thức lúc bấy giờ”. Hoặc ngay trong bài nghị luận về vấn đề “Học phương pháp học”, một học sinh lớp 12 đã viết: “Em sẽ cố gắng thay đổi cách học bài, dù có pùn ngủ mún chit cũng phải giải quyết hết bài tập...” (!!)

Trong tiếng Anh, cũng có tiếng lóng của giới học sinh (schoolboy slang), nhưng đã viết thành chữ, thành văn, thì không được dùng những từ lóng này.

Tôi là ông giáo về hưu, thấy điều chướng tai gia mắt về chuyện giáo dục xảy ra ở quê nhà thì không chịu được. Tôi tin rằng các cháu nhỏ sinh sống tại Mỹ không bị ảnh hưởng thứ tiếng quái dị này, vì đa số các cháu chỉ biết nói, chứ ít cháu nào biết viết. Nhưng nếu gia đình nào muốn dạy các cháu viết tiếng mẹ đẻ, cũng nên biết đã có hiện tượng này, để mà tránh xa.

Lâm Nguyễn (Seattle)

No comments:

Post a Comment