Cuối tuần này cả nước Mỹ bước vào lễ
hội Halloween. Một lễ hội mà trẻ em rất thích.
Người lớn ở Mỹ cũng tham gia rất nhiệt
tình trong lễ hội này. Từ đầu tháng 10 nhiều nhà đã trang trí những con ma bị
treo cổ lủng lẳng trên cành cây. Những nghĩa trang rất dễ sợ trước nhà. Những
hình ảnh ghê rợn, làm người yếu bóng vía có thể giật mình té ngữa.
Tôi tham gia lễ ma đầu tiên sau chưa
đầy một tháng đến Mỹ. Tôi suýt ngất xỉu khi tình cờ dẫn con bước vào một ngôi
nhà đèn lù mù chớp tắt. Bỗng từ trong góc tối một bóng ma lao ra hú lên kinh
hãi. Chưa kịp định thần, cửa căn nhà mở ra, một mặt nạ khiếp đảm nhô ra hai tay
đầy máu cầm một thau kẹo đầy. Hai thằng con bấu chặc vào tôi và tôi vận dụng
hết can đảm lấy vài cục kẹo cho con rồi cám ơn bước ra khỏi nhà.
Lễ ma chỉ tạo cho người ta một chút hồi
hộp, kinh hãi và sau đó thì cười thoải mái vì biết đó là giả chứ không thật. Đó
là trò chơi của con người đem ma quái ra đùa vui với nhau.
Người Việt Nam ta thì khác, rất tin ma
quỷ là có thật, sợ hãi và đôi khi đùa chơi với những vong hồn đó. Họ nối kết âm
dương một cách tự nhiên, vô tư và rất kính cẩn.
Các bạn không tin ư?
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về chuyện
ma. Chuyện có thật và ngay tại căn nhà tôi ở ngày xưa.
Ngày đó quận lỵ Long Thành chưa phát
triển như bây giờ. Nhà còn thưa thớt và rất nhiều gò mả. Con đường từ quận lỵ
cạnh con suối, có cái cầu ván để đi vào xã Lộc An ngày xưa có thể là một khu
nghĩa địa thật lớn. Nhà tôi nằm trong khu nghĩa địa đó.
Nghĩa địa có từ lâu đời và dường như
những thân nhân người chết cũng không hề đoái hoài hay họ cũng ra người thiên
cổ.
Nhà dì ghẻ tôi nằm sau những dãy
nhà mặt tiền đối diện con đường lớn. Phía sau nhà là lô cao su thuộc sở Ship.
Lúc tôi học tiểu học , người ta che nhà ở tạm trong đó, giữa hai cây cao su .
Những người dân cạo mũ phải lách qua những căn nhà để lấy mũ. Rồi thì lô cao su
lần lần bị lấn chiếm. Từng cây, từng cây bị đốn âm thầm . Nhà mọc lên càng
nhiều và biến thành một xóm.
Những căn nhà ban đầu sơ xài rồi từ từ
lớn ra đẹp đẻ, kiên cố hơn. Tôi nhớ nhà Trung Anh cũng trong lô cao su đó. Bây
giờ nơi đâylà một khu phố san sát, tôi về lại không thể nhận ra.
Tôi nói nhà dì Ba tôi nằm trong khu
nghĩa địa. vì bên hông, sau nhà đều là những ngôi mộ kiên cố. Xung quanh nhà
hàng xóm cũng rải rác những ngôi mộ cổ kiên cố nằm trong sân nhà. Nền nhà có lẽ
là những ngôi mộ cũ theo thời gian đã bị lấp bằng. Khi tôi xong Trung học. Ba
tôi cất cho tôi một căn nhà nhỏ sát bên nhà dì ghẻ tôi. Căn nhà đầu đời của tôi
được gọi là căn nhà màu tím vì tôi trang trí các màn cửa bằng màu tím mà lúc đó
tôi rất thích.
Sát bên hông nhà tôi là 3 ngôi mộ vừa
vừa và phía trước là một ngôi mộ lớn được xây kiên cố. Chắc của một người nào
giàu có hay có chức quyền thời xưa. Ba tôi rào lại không đụng tới, nên nhà tôi
thụt lại một chút vì né nó. Nói chung là nguyên cái xóm nhà được cất trên một
nghĩa trang ngày xưa, xưa lắm chẳng còn thân nhân.
Cho nên nhà có ma là cái chắc. Bên hông
nhà tôi là nơi lý tưởng để chơi trò xây chò, chơi cầu cơ hay gọi hồn ma.
Cái thời học Trung học nhiều thi cữ gay
go để lấy bằng. Thi Tiểu học, Trung Học Đệ Nhất cấp, Tú Tài Một, Tú tài
Hai và những lần thi đó thường đặt người học trò trước bao nhiêu lo
âu và tin vào may rủi. Thế là cứ gần tới ngày "Mỗi năm đến hè lòng man mác
buồn" là học trò tìm đến những trò xây chò, cầu cơ hay bói toán.
Các em con dì ghẻ tôi rất mê chơi trò
xây chò. Các bạn có biết xây chò là như thế nào không?
Ngày xưa trên bàn thờ ông bà ta thường
có một cái đế chưng dĩa bằng gỗ ba chân chạm trỗ khá đẹp . Dĩa trái cây được
đặt trên đó vừa cao vừa trang trọng. Cái đó dùng để xây chò. Tôi
không hiểu tiếng chò từ đâu ra, hay cái chưng trái cây đó gọi là chò. Ban đêm,
ra ngay chỗ mả, lựa một chỗ đất bằng hay để trên một miếng ván. Vì chò có 6
chân, ba chân ở dưới để đứng, ba chân ở trên để đặt dĩa trái cây ở giữa tóp vào
để làm kiểu. Cho nên phải có 3 người mới chơi xây chò được. Đặt cái chò trên
mặt bằng, ba người để nhẹ ngón tay trỏ lên ba chân ở trên, đốt nhang khấn vái .
Đại loại khấn tên tuổi của người chơi và đặt câu hỏi :
-Nếu hồn về xin hồn khua ba tiếng.
Thế là tự dưng cái chưn chò nhấc lên gõ
nhịp xuống đất ba cái lộp cộp.
Sau đó thì muốn hỏi gì thì hỏi nhưng
dấu hiệu là tiếng gõ của chò.
Thí dụ:
Nếu hồn là đàn bà thì gõ ba cái, đàn
ông gõ hai cái, còn nhỏ gõ 4 cái.
Cái chân gỗ lại gỏ theo câu hỏi của
người chơi. Người đặt tay vào không thể đè vì như vậy sẽ tạo một cái lực đè 3
chân kia xuống đất. Tay chỉ để nhẹ lên như chuyền khí dương vào gỗ và chân chò
tự động nhịp trong sự điều khiển vô hình.
Nói chung liên lạc với hồn ma theo
tiếng gõ của chân chò không mấy hấp dẫn và không đi vào chi tiết. Nếu đặt câu
hỏi dài, hồn ma không nói được nhiều.Tuy nhiên, đêm hôm khuya khoắt, ngồi bên
mả chơi với ma, biết họ nam hay nữ, chết như thế nào, bao nhiêu tuổi... nghe
tiếng gỏ lộp cộp vô hình thì cũng ớn da gà lắm.
Còn cách thứ hai là chơi cầu cơ.
Cầu cơ chứ không phải là lên đồng, có
nghĩa là người chết sẽ điều khiển bàn tay người chơi chỉ vào những chữ A, B,
C...và ta nối kết những phụ âm và nguyên âm đó thành một câu trả lời. Cho nên
dụng cụ chơi là một miếng giấy ghi đủ chữ cái, các con số và một
miếng ván nhỏ hình con cơ ( Tức hình trái tim). Miếng ván này nếu lấy từ một
mảnh ván hòm đã chôn người chết được bốc mộ thì càng linh. Có khi chỉ là một
miếng giấy dày cắt hình con cơ. Chứ ván hòm làm sao mà tìm được ở lứa tuổi học
trò.
Khi chơi, ta cũng chọn nơi thật yên
tỉnh, vắng vẻ. Ở gò mả càng hay. Ban đêm rất thích hợp cho cơ mau lên. Nhưng
đôi khi người nhẹ bóng vía ban ngày điều khiển cơ cũng chạy ro ro. Trải tờ giấy
lên bàn. Một người ngồi đặt tay lên miếng cơ. Đốt nhang và thành tâm khấn vái .
Khi hồn người chết hiện về thì ngón tay sẽ di động chỉ trên những chữ cái theo
câu hỏi của người chơi.
Thí dụ ta hỏi hồn Nam hay nữ. Cơ sẽ
chạy chữ n , chữ ữ là nữ.
Khi ta hỏi điều gì, ngón tay đè lên cơ
sẽ chạy theo những chữ trên bàn và cho mình câu trả lời. Nếu không thể trả lời
câu hỏi, ngón tay sẽ chạy ra chữ không biết hay không thể nói.
Tôi có một người bạn thân, em cô ta
chơi cơ rất mau lên. Dường như cô ta rất hạp với những vong hồn. Ban đầu cô ta
chơi cầu cơ một cách say sưa thích thú . Nhưng sau đó chỉ cần cô ta đặt tay lên
tấm ván cơ là cơ chạy liền. Đến nỗi đôi khi ngồi trong lớp, ngón tay đặt lên
bàn cũng chạy chỉ chữ như đang cầu cơ. Sợ quá cô ta ngã bệnh luôn. Một thời
gian mới bình phục.
Viết tới đây, tôi nghĩ không biết tây
phương có chơi cầu cơ không, nên tôi search trên Google và tìm ra bài này. nếu
các bạn muốn tham khảo thì hãy vào:
http://khoahoc.tv/khampha/1001-bi-an/40465_sang-to-bi-an-ban-cau-co.aspx
Đó là những trò đùa chơi với hồn ma.
Riêng tại căn nhà dì ghẻ tôi thì có ma thật sự. Bất cứ ai ngủ lại trong nhà đều
bị ma nhát. Ông anh tôi có hôm ghé lại ngủ đêm. Anh tôi đã bị ma kéo cẵng, lôi
xềnh xệch giành chỗ ngủ. Chỗ ngủ là bộ ván đặt ngay phòng khách dùng nơi ngủ
tạm của khách ghé thăm. Anh tôi bị ma kéo tay, kéo giò, lôi xềnh xệch cả đêm.
Sáng dây anh phờ phạc , kinh hồn, nói không ra lời . Bị mấy lần, ảnh sợ quá nên
sau đó anh không bao giờ ghé ngủ lại. Nhưng rất lạ, ba tôi ngủ thì không sao. Mà
hể có khách lạ thì y như rằng bị ma lôi giò, kéo tay giành chỗ.
Sau này khi chiến tranh khốc
liệt, ba tôi đào hầm trú ẩn để tránh pháo kích của Việt Cộng. Đào ngay bộ ván
đó thì có bộ xương người. Ba tôi đem chôn cất đàng hoàng rồi lên chùa nhờ Sư
trụ trì tụng kinh cầu siêu.
Các bạn hỏi tôi có sợ ma không và có
thấy ma không? Nói thiệt tôi chưa hề thấy ma. Lúc nhỏ đi học, nhiều khi trời
mưa hay bị trễ xe tôi cũng hay ngủ lại trên bộ ván đó. Lần đầu tiên tôi thấy
người rất lạ. Bềnh bồng, khó chịu, la không được mà nói cũng không được. Tôi cứ
nghĩ là bị mộc đè. Tôi về kể lại với má tôi. Anh tôi mới nói nhà đó có ma, ảnh
bị nó kéo giò rồi. Tôi lên nói lại với Sư Cô bổn sư. Bà truyền cho tôi niệm
Phật, niệm chú và bấm ấn trước khi ngủ. Thế là tôi không bị gì nữa hết. Đến lúc
ba tôi cất nhà cho tôi sát bên, tôi ở một mình đi dạy rất bình an, không bị ai
quấy rầy.
Mỗi khi mấy em tôi chơi xây chò hay cầu
cơ, tôi đưa tay lên để chơi, thì chò đứng im mà cơ cũng không chạy. Người ta
nói tại tôi nặng bóng vía nên ma không nhập được.
Tôi kể chuyện này như kể về kỷ niệm
thời còn đi học. Tin hay không tin có ma là tùy mỗi người. Tôi theo đạo Phật
nên tin con người có linh hồn. Linh hồn đó được về đâu sau khi chết tùy phước
báo của mỗi người. Hồn ma là những vong hồn chưa được siêu thoát hay đi đầu
thai vì lý do gì đó. Tôi không tin dị đoan là hãy kêu gọi nhờ vã hay liên kết
với những âm hồn đó. Bởi họ có đời sống ở cõi âm khác chúng ta. Nên để họ yên
bình sinh hoạt trong thế giới vô hình. Đừng lợi dụng hay chọc phá tới họ không
tốt cho cả hai bên.
Nhân mùa lễ Halloween, tôi kể lại
chuyện này như một kỷ niệm thời đi học. Tin hay không tin tùy các bạn.
Chúc các bạn có một ngày lễ thật vui
với con cháu.
Nguyễn thị Thêm.
Halloween 2015.
Tuổi học trò là cái tuổi khám phá tìm hiểu, chuyện gì cũng tò mò muốn biết, nhứt là chuyện hồn ma thế giới bên kia rất hấp dẫn. Hồi đó em cũng có chơi cầu cơ nhưng mà chơi trong nhà, nhà ở gần chợ mà sao hồn cũng lên. Ngón tay để hờ trên miếng cơ mà sao cơ đi vù vù. Cũng hơi ghê ghê ớn ớn. Không biết có thiệt là hồn người khuất mặt điều khiển miếng cơ hay là tại mình tưởng tượng.
ReplyDeleteCám ơn chị Thêm bài viết lý thú này.
NPN
Bai viet rat gan gui voi tuoi tre cua chung ta, nhung ai da lon len trong cung thoi gian do.
ReplyDeletecam on Chi Them nhieu.
Em Doan Viet can