Pages

Friday, October 23, 2015

Người Chết Không Ăn - Hồ Thủy


Vừa mới sáng sớm, bên nhà người láng giềng đã nhộn nhịp chuẩn bị làm đám giỗ chung cho cả ông bố và bà mẹ; nghe nói chết cũng đã chục năm nay, và năm nào cũng làm đám giỗ thật lớn, mời xóm giềng, bạn bè, người thân rồi còn anh em bà con…đông lắm, đâu chừng mười bàn lận đó.
     
     Gia đình tôi dọn về đây chưa tới một năm, nhà tôi sát ngay bên phải nhà “cố cựu” mà hôm nay có đám giỗ; ông bà chủ nhà tên là Hướng, mẹ tôi thường nói :
     - Bà con xa không bằng láng giềng gần.
     Rồi mẹ còn dạy thêm một câu:
     - Bán anh em xa mua láng giếng gần.
     Vì vậy khi vừa mới dọn về mẹ đã qua làm quen, chào hỏi và dần dần thân thiện với nhà bên ấy.
     Hôm qua bà Hướng mời cha mẹ và luôn cả mấy chị em tôi trưa nay qua nhà bà “ăn đám giỗ”, sáng nay mẹ đi chợ mua một giỏ trái cây loại ngon nhất và sai tôi đem qua trước để cúng, mẹ dặn dò tôi:
     - Con phải thắp nhang vái lạy cung kính trước bàn thờ Ông Bà, rồi về nhà phụ với mẹ nấu cơm cho các em, biết rằng người ta mời cả nhà mình nhưng mình cũng phải giữ ý giữ tứ, mẹ qua bên ấy phụ với bác gái, chừng cha đi làm về thì qua sau, cón các con thì ăn cơm ở nhà.
     
      Nhà bác ấy khá rộng, có hai tầng lầu, đám giỗ đãi mười bàn, phía trong phòng khách kê được sáu bàn, còn bốn bàn thì kê nhờ trước hiên nhà của hai bên hàng xóm. Thời đại mới này; hơn nữa lại ở Sài Gòn thì cái chuyện người nhà phải lo nấu nướng mỗi khi có đám tiệc là coi như:-“xưa rồi Diễm”, chỉ cần Alô cho dịch vụ nhóm nấu ăn là được đáp ứng ngay, món gì cũng có, tùy theo túi tiền của gia chủ mà ngon nhiều hay ngon ít.

     Tôi không còn nhỏ, cũng chưa hẵn là lớn, nhưng trí óc thì cũng đã biết nhận định được nhiều điều phải và không phải. Mang trái cây sang nhà bác và đặt trước bàn thờ ông bà cụ, tôi thắp ba cây nhang rồi cung kính vái lạy ba cái như lời mẹ dạy, khói nhang nghi ngút làm cay sè chảy nước mắt, nhưng tôi cũng ráng cố gắng nhìn lên mặt hai cụ, bởi vì tôi có tánh xấu ưa tò mò quan sát nọ kia, mặc dù tôi là con gái, hình hai ông bà cụ được lộng chung vào một cái khung viền vàng lộng lẫy, trong hình không ai cười mà nét mặt lại rất nghiêm nghị, ánh mắt có vẻ buồn. Trước bàn thờ của ông bà cụ đã bày sẵn một cái bàn; trên bàn bày biện rất nhiều thức ăn ngon, lạ, nhìn thôi cũng đủ thèm, thật là hấp dẫn, lại có thêm một bình trà, rượu và ly tách chén bát bông hoa, trái cây…không thiếu thứ gì.
     
     Hình như hai cụ…khóc thì phải?... hình như tôi thấy trong bốn khóe mắt của hai cụ long lanh bốn giọt nước?…và hình như nó sắp sửa…rơi ra?... Tự nhiên tôi nổi da gà, lạy hai cụ thêm một lạy và chạy nhanh ra khỏi phòng thờ. Có mấy người đang đi vào thắp nhang xá xá mấy cái. Không biết có ai thấy điều tôi vừa thấy? Hay tại tôi tưởng tượng mà ra?

     Người đến “ăn” đám giỗ của hai cụ đông quá trời, đàn ông đàn bà ai nấy cũng quần là áo lượt, cũng son phấn chưng diện ngất trời, xịt nước hoa thơm phưng phức…đến ăn giỗ của người chết mà như đi ăn đám cưới của người sống vậy đó, mọi người nói cười rôm rã, họ đang cố nhớ ra một kỷ niệm nào đó đã có với người chết; vui hay buồn gì cũng được, miễn là có để kể cho nhau nghe, nhưng mà ông bà cụ già lắm rồi – ngoài bà con, con cháu và một số rất ít người hàng xóm biết về hai cụ - còn những người khác khi được mời đến ăn giỗ thì phần đông họ còn trẻ, hoặc mới dọn đến như gia đình tôi, câu đầu tiên khi nhắc hoặc kể về hai cụ hầu như đều bắt đầu bằng ba chữ: “ - Tui nghe nói…”.
Đám giỗ vui thật, rất ồn ào náo nhiệt, tôi nghĩ thầm trong đầu: mỗi năm nên làm một lần để nhớ đến người đã khuất bóng, nhưng mà…
     Mẹ tôi qua nhà bác, thật giản dị trong cái áo bà ba và quần xoa đen, mẹ đẩy tôi về nhà, mắng nhỏ vào tai tôi:
     - Về nhà mà ăn cơm với các em, đứng chi ở đây đặng mà nhiều chuyện. Để mẹ vào phụ với bác gái.
     Thật tình thì mẹ cũng biết rỏ là tôi ham đông vui. Nhưng sao hai giọt nước trong hai khóe mắt của các cụ cứ ám ảnh tôi mãi.

     Tôi và hai đứa em lóng ngóng nhìn qua nhà bác Hướng, phê bình khách này khách nọ đẹp xấu…lung tung, có một bà sồn sồn trắng trẻo sang trọng, hình như là Việt kiều thì phải, bà ta ngồi gần mẹ tôi, nói cười thật rôm rã và hào hứng, tôi nghe câu được câu mất nhưng nếu gom góp lại thì cũng biết chút chút…
     Những người đàn ông cùng nhau nâng ly lên, “hồ hỡi phấn khởi” mà hét to:
    -…Dô…”chăm” phần “chăm”…dô…uống hết à nghen, không hết là bị phạt à nghen…dô…
     Mặt người nào người nấy trông đỏ như gấc. Bia rượu khui ra không tiếc tay, thức ăn ê hề phủ phê. Một sự thừa mứa không nên có.
     Em gái kế tôi nói :
     - Chị Hai nè, nhà bác ấy làm đám giỗ lớn quá ha, em thấy nhà mình cha mẹ có bao giờ làm đám giỗ cho ông bà nội ngoại lớn như vậy đâu, năm nào cũng chỉ đãi chừng hai hoặc ba bàn thôi hà, mà chỉ toàn là bà con…
     Em trai út ngây thơ trả lời thay tôi:
     - Tại cha mẹ đâu có nhiều tiền như nhà bác ấy…chị Hai nhỉ. Mà sao làm đám giỗ hai người cùng một ngày?
     Tôi không trả lời, tôi nghĩ không phải tại cha mẹ tôi không có nhiều tiền để làm đám giỗ to, cũng như tôi không biết tại sao hai cụ cùng được giỗ chung một ngày.
     Tàn đám giỗ mẹ tôi lại phụ bác gái dọn dẹp nhà cửa. Nhờ được mời “ăn giỗ” hôm nay nên mẹ tôi biết được rất nhiều chuyện bên nhà bác Hướng; vì đây là lần đầu tiên mẹ tôi được bác mời qua nhà (ăn đám giỗ).
       
       Bốn giọt nước trong bốn khóe mắt của hai ông bà cụ rơi xuống, lọt ra ngoài khung hình rồi nhập lại thành một giọt nước to đùng, giọt nước ấy lăn tròn… lăn tròn… nhảy nhót lưng tưng như trái pingpong dội trên nền xi măng, lúc đầu nó tròn vo sau đó thì méo mó biến dạng, nó bám theo chân bàn rồi trườn lên những dĩa thức ăn đặt trước bàn thờ, nó luồn lách, lùng sục, ngọ ngoạy và ngoáy sâu vào kẻ hở của tất cả những món ăn, hết đĩa này nó lại bò qua đĩa khác; không bỏ sót một dĩa nào, rồi từ dưới lòng những dĩa thức ăn đó nó laị rướn mình chui ra để leo lên ly rượu, và như một cái lưởi dài nó liếm quanh miệng ly; quậy sâu xuống đáy ly, sau đó thì nó bò qua dĩa trái cây, biến dạng thành hình lưỡi dao nhọn để chui vô trong ruột của từng trái, cuối cùng thì nó lảo đảo ngả nghiêng té nhào vào tách nước trà…Giọt nước mắt rong chơi trên mâm cơm cúng chừng như cũng đã thỏa thuê, nó quay lại bò lên bàn thờ, tách ra làm bốn giọt nước nhỏ như trước rồi trườn lên khung hình để trở về vị trí cũ, nơi nó đã thoát ra: đó là bốn khóe mắt của hai ông bà cụ…

     Tôi giật mình tỉnh dậy, trán đẩm mồ hôi, thì ra đây chỉ là giấc mơ, một giấc mơ kỳ quặc hết sức nhưng cũng làm tôi sợ điếng người. Các em tôi đã ngủ say, tôi lần mò trong bóng tối để xuống bếp kiếm nước uống…
     Có tiếng nói chuyện của cha mẹ tôi, dù rất nhỏ nhưng trong đêm khuya thanh vắng tôi nghe thật là rõ…
    - Mình à, ông bà cụ nhà bác Hướng tội nghiệp ghê vậy đó. Em nghe kể mà thương.
     - Úi chà, em lúc nào mà chẳng thương vay khóc mướn.
     - Anh kỳ quá đi…em nghe kể chuyện về ông bà cụ ấy mà xót xa, anh để yên nghe em kể lại…
     …Cụ có ba người con, hai gái một trai, hai người con gái ở nước ngoài, thay nhau mỗi người về một lần vào dịp đám giỗ, mà lạ lắm anh, cụ bà mất trước cụ ông một năm nhưng ngày mất thì xê xích nhau chút đỉnh nên chi gộp chung lại làm đám giỗ hai ông bà một ngày cho tiện.
     Cha tôi cười:
     - Hì hì…em đúng là bà tám…
     - Đã nói im nghe người ta kể…
     - Kể ngắn gọn thôi, anh buồn ngủ lắm rồi đó nghen…
     - Ừ, thì nghe tiếp đây, lúc còn trẻ hai cụ nghèo khổ lắm. Ông đạp xích lô còn bà bán ve chai, nhờ chịu khó với lại cần kiệm nên từ từ tích cóp được ít tiền mua một cái nhà rách trong hẻm, rồi lại chịu thương chịu khó cần kiệm để dành tiền phá cái nhà rách xây được ngôi nhà nhỏ…nói chung hai ông bà giỏi tiết kiệm, dè xẻn từng đồng, lại chịu khó lo làm lụng vất vã nuôi con ăn học, từ từ bán nhà trong hẻm, mua nhà mặt tiền đường rồi mở cửa hàng buôn bán, ngày càng giàu. Bác Hướng là con trai lớn có cấp bằng cử nhân lận đó anh, bác vừa ra trường là có việc làm và ngay lập tức bác cưới vợ, ông bà cụ cho ra riêng nhưng vợ bác ấy làm ăn thất bại, họ bán nhà quay về xin ở chung với hai cụ để gọi là “phụng dưỡng cha mẹ già”...
     - Chuyện bình thường thôi, có gì đâu mà tội nghiệp ông bà cụ?
     Mẹ tôi gắt:
     - Anh này, yên nghe em kể tiếp…còn hai cô con gái lấy chồng rồi theo chồng ra nước ngoài; người thì vượt biên, người thì đi theo diện đoàn tụ, hai bà này cũng thương bố mẹ, bảo lãnh cho hai cụ qua định cư ở Mỷ, vì vậy hai cụ giao hết nhà cửa cho anh trai lớn. Nhưng qua Mỹ buồn quá chịu không nổi vì suốt ngày phải ở trong nhà, cứ luân phiên tháng này thì ở nhà đứa này, tháng sau qua nhà đứa khác…như con thoi, mà qua nhà người nào đi nữa thì cũng chỉ ở trong nhà, đâu dám ra đi ra đường, một tiếng Mỹ cắn đôi cũng không biết, gặp thằng Mỹ nào hỏi gì thì chỉ gật gật lắc lắc: - ô kê… ô kê… dét… dét…nô…nô…
     
      …Cuối cùng hai ông bà về lại VN, ở lại trong chính căn nhà của mình nhưng nay là nhà của con trai và con dâu. Anh à, em đâu ngờ chị Hướng mà ghê gớm đến như vậy, còn anh Hướng thì quá nhu nhược và sợ vợ. Hai ông bà cụ ở chung mà ăn riêng đó nghen, cái phòng của hai cụ bị dời lên trên lầu, ông bà cụ nhờ khéo chắt chiu dánh dụm, cất dấu nên có được một ít tiền rồi đem gởi tiết kiệm, lấy lời hàng tháng để tiêu xài, không ngữa tay xin xỏ con cái. Thời gian đầu họ cũng có chăm lo cho ông bà cụ, nhưng từ từ những bữa cơm trở nên trễ nải, lắm khi hai cụ phải chờ đợi,chầu chực…còn về phần thức ăn thì…nghe nói tội lắm anh, con dâu nấu gì ăn đó, đôi khi vợ chồng con cái bác ấy ăn đâu ngoài đường toàn là thứ ngon, nhưng về nhà chỉ luộc cho ông bà cụ cái hột vịt dằm với nước mắm…Thời gian sau cô con dâu lấy cớ bận rộn nên không nấu nướng cơm nước hầu hạ bố mẹ chồng được, thôi thì ai ăn người đó nấu cho tiện, vậy nên chi trên lầu, ngoài phòng hai cụ có thêm cái bếp…từ đó hai ông bà già lụm cụm lủi thủi lo cho nhau…
      
       Bây giờ thì có tiếng thở dài của cha tôi, mẹ tôi kể tiếp:
     - Bà cụ bịnh rồi mất, nghe đâu lúc mất cũng bảy sáu tuổi, một năm sau thì ông đi theo bà…Em nghe nói đám ma của cụ ông lớn lắm anh à, tốn hết mấy cây vàng lận đó.
     Cha tôi thở hắt ra thật mạnh nên tôi nghe thật rõ:
     - Sống không cho ăn uống đàng hoàng đầy đủ, chết rồi thì làm đám ma cho lớn, đám giỗ linh đình mà chi, người đã chết rồi nào có ăn được gì đâu, trước tiên là để cho ruồi bu kiến đậu, sau đó tới phiên mình ăn… Người già khi còn sống cũng chẳng ăn được nhiều, chừng hai lưng chén cơm là cùng, khi chết rồi…khỏi ăn được luôn.
     Mẹ tôi nói một cách mĩa mai:
     - Có lẻ bác ấy nghĩ rằng phải lo hầu hạ…một năm đến ba trăm sáu mươi lăm ngày thì…mệt, thôi thì dồn lại để dành đến lúc chết, mổi năm chỉ lo một ngày Giỗ thôi, vậy nên phải làm cho linh đình để mọi người biết mình có hiếu với cha mẹ.
     Cha tôi tiếp lời:
     - Em…cũng “bà tám” thật đó, nhưng thôi, anh khuyên em không nên qua lại nhiều với nhà bác ấy, cũng như không nên “tám” chuyện với hàng xóm láng giềng, dễ sinh mích lòng, mình chỉ nên sơ giao thôi em à. Chuyện thị phi nói mấy cũng không vừa bụng thiên hạ, ai thì cũng ưa bới móc cái xấu của nhau ra để hạ bệ nhau…”Đèn nhà ai nấy sáng”, biết đâu họ cũng xấm xì bươi móc chuyện nhà mình?...anh sợ nhất những bà ưa ngồi lê đôi mách…đốt nhà người ta cháy như chơi…
     - Em biết rồi…anh nè, cũng may lúc Tứ Thân Phụ Mẫu của tụi mình còn sống, anh thì lo cho cha mẹ em đầy đủ nên được tiếng là “Rễ thảo”, còn em thì lo cho cha má anh chu đáo nên được khen là “Dâu hiền”, tụi mình đều không để cho cha mẹ hai bên phải thiếu thốn thèm thuồng…
     Mẹ hỏi cha một câu làm cho tôi phát ớn sau gáy:
     - Anh có để ý hình của cha mẹ hai đứa mình không? Đôi con mắt của các cụ lúc nào cũng vui, mỗi lần nhìn vào là em thấy như các cụ đang cười. Còn đôi mắt của hai ông bà cụ bên ấy…lúc lên thắp nhang…em thấy mắt các cụ ướt như là muốn khóc, nó buồn rười rượi ghê vậy đó; anh à.
     Cha tôi trở mình trên giường và trả lời mẹ:
     - Người già rất nhạy cảm và thường dễ tủi thân, mà ai thì cũng phải già…mà thôi…ngủ đi em, khuya lắm rồi.
     Mẹ tôi cố nói thêm một câu cuối cùng nhưng rất quan trọng:
     - Làm con phải để chử Hiếu lên hàng đầu, trả Hiếu cho cha mẹ thì phải trả lúc cha mẹ còn sống, không chỉ là “cơm bưng nước rót” mà còn là cách đối xử có đạo nghĩa hay không? Có làm vừa lòng đẹp ý cha mẹ hay không?. Đạo Chúa hay Đạo Phật cũng dạy con người ta phải “ làm tròn chừ Hiếu mới là Đạo con”, đừng nên lấy sự bận rộn ra mà làm cái cớ để trốn tránh bổn phận làm con…thôi, em ngủ đây.

     Tôi thức một đêm để suy nghĩ, câu chuyện cha mẹ nói trong đêm khuya mà tôi tình cờ nghe lóm được, nó như một thông điệp gởi đến cho tôi, rồi từ nơi tôi nó sẽ đến với các em của tôi. Tôi thật sự rất xúc động và vui mừng. Sẽ không muộn màng khi tôi biết được điều mình CẦN, NÊN và PHẢI làm đối với cha mẹ lúc NGƯỜI còn sống.
     Gần sáng tôi mới viết xong một lá thư gởi cho cha mẹ đọc, lá thư tôi đẩy vào khe cửa phòng ngủ của cha mẹ, thế nào cha mẹ tôi cũng đọc nó trước khi ra khỏi phòng. Thư rằng:

     “Cha mẹ kính yêu, con biết con phải làm gì để báo hiếu cho cha mẹ rồi, con sẽ làm cho cha mẹ vui lòng đẹp ý. Cầu xin Chúa Mẹ ban cho cha mẹ có được nhiều sức khỏe để sống lâu với tụi con, con cũng sẽ dạy hai em con biết giữ tròn chử HIẾU ngay lúc cha mẹ còn sống. Mai sau khi cha mẹ qua đời, đến ngày giỗ của cha mẹ chúng con sẽ không làm cho lớn đâu, vì khi đó cha mẹ chết rồi, đâu có ăn được. Bây giờ chúng con sẽ cố gắng học thật giỏi, giúp đỡ cha mẹ công việc nhà…Mai này khi học xong đi làm có tiền con sẽ không để cha mẹ phải thiếu và thèm cái gì hết.
     Con thương cha mẹ vô cùng.”

     Không cần viết tên tôi vào đó, vì cha mẹ tôi đâu còn lạ gì nét chữ của tôi, chữ tôi viết không đẹp cho lắm nhưng rất rõ ràng, dễ đọc.

2 comments:

  1. BÀI ĐỌC RẤT HAY ! Và rất thực tế ! Muốn tròn chữ Hiếu thì nên làm tròn bổn phận khi cha mẹ còn sống.
    Đợi khi cha mẹ đã qua đời rồi thì tiệc tùng lớn làm chi !

    ReplyDelete
  2. Tình cờ được biết tác giả Hồ Thủy từ trần ngày Chủ nhật 26 tháng 7 năm 2015 hưởng dương 63 tuổi.
    Xin cầu chúc chị yên giấc ngàn thu nơi quê trời.
    NPN

    ReplyDelete