Pages

Monday, October 12, 2015

Robot: Người Bạn Tốt Trong Tương Lai Của Nhân Loại? - Minh Anh

Robot giúp bạn làm việc nhà, chơi đùa hay kể chuyện cho trẻ con, giúp trẻ tự kỷ học các cảm xúc, hỗ trợ người già hay như có thể trò chuyện, hoặc nhảy múa ... có lẽ không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa. Có ý kiến cho rằng trong tương lai Robot sẽ là người bạn tốt của con người. Nhưng số khác thì lại xem Robot như một kẻ thù, đe dọa công ăn việc làm, thậm chí là kẻ gây họa do chúng được trang bị một trí thông minh nhân tạo ngang ngửa hay cao hơn của chúng ta.


Nhưng đối với Rodolphe Gelin, tác giả sách "Robot, người bạn tốt nhất của con người?", do nhà xuất bản Le Pommier phát hành, thì đó là vì chúng ta đầy trí tưởng tượng, thậm chí in sâu trong não từ sách vở, phim ảnh và truyện tranh khoa học viễn tưởng. Những tác phẩm đưa ra hình ảnh Robot hoặc là như những người bạn hoặc là mối đe dọa đáng sợ.

Phụ trách về nghiên cứu robot của tập đoàn Aldebaran Robotics, Pháp, ông Rodolphe Gelin, trong chương trình "Xung quanh các câu hỏi" của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp ngữ cho rằng robot có thể có ích cho con người trong nhiều lãnh vực. Tập đoàn này phát triển rất nhiều mô hình người máy, chủ yếu là ba dòng chính: NAO, Roméo hay Pepper, với sự cộng tác của hãng Softbank, Nhật Bản. Những robot này được chế tạo với mục đích là để ở gần con người và phục vụ cho từng nhu cầu của họ.

Chính vì mục đích này, mà các dòng robot của Pháp đã được thiết kế và lập trình sao cho chúng có thể cảm nhận các thông tin từ bộ phận cảm ứng, ra quyết định để rồi hành động. Chính nhờ chu trình này cộng với khả năng cử động bên ngoài, tạo nên cái gọi là robot thông minh, khác hẳn với những robot trong công nghiệp.

Robot bạn đồng hành với trẻ tự kỷ
Trong số này, Robot NAO, hiện đang là dòng sản phẩm độc đáo nhất và gặt hái nhiều thành công. Tính từ khi ra đời (2008) cho đến năm 2014, Aldebaran đã bán ra 6000 Robot NAO tại 70 quốc gia, đứng đầu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy ngành Robotics của Pháp sinh sau đẻ muộn, nhưng sự khác biệt về hình dạng cũng như ứng dụng đặc thù đã tạo cho chú robot NAO của Pháp một nét đặc trưng riêng biệt, một cảm giác dễ gần và thích tiếp xúc.

Tại Pháp, NAO được các chuyên gia tâm lý khuyến khích sử dụng như là một công cụ sư phạm để huấn luyện tính tự lập ở các trường học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ. NAO đã giúp các em cải thiện được sự tập trung, biểu hiện cảm xúc không cần phải bắt chước người bên cạnh, hay như cách giao tiếp với những người xung quanh... Nói tóm lại, "NAO tạo động lực cho trẻ tự kỷ. Đối với NAO, các em cố gắng làm những việc mà chúng không làm với giáo viên hay cha mẹ", theo như nhận xét của một người phụ trách Liên đoàn các Hiệp hội Trẻ tự kỷ Không Biên giới (ASF), vùng Vendée, Pháp.

Bởi vì NAO không chỉ là một cỗ máy tự động đơn giản mà nó còn có thể hoạt động tương tác với người đối thoại, theo như giải thích của Rodophe Gelin.
« Chắc chắn rồi, điều mà chúng tôi đang chế tạo gọi là tính tương tác. Tại Aldebaran, chúng tôi chế tạo các robot có phản ứng, hành động tương tác, với những người chung quanh. Nó biết đứng dậy, rồi đi. Điều thú vị NAO đuổi theo trái banh, nắm tay bạn mà đi hoặc như chơi đá bóng. Người ta thấy rõ là nó có quan sát đến những gì xung quanh nó. Đó không phải là một cái hộp nhạc tự động đang chơi một đoạn nhạc, nhắm nghiền mắt lại mà chơi. Ở đây, người ta đưa cho nó một chương trình. Và nó sẽ thích nghi với chương trình tùy theo từng điều kiện mà nó phải thực hiện ».

Đối với Rodolphe Gelin, vì là để làm bạn đồng hành với người, nên Robot của Aldebaran mang dáng dấp của con người nhiều hơn. NAO với thân hình nhỏ nhắn cao chỉ có 58 cm, nhưng chú lại có chiếc đầu thật là đáng yêu, đôi mắt tròn nhấp nháy như đang trò chuyện. Một cách để xóa đi hình ảnh những con robot hung dữ trong các sách hay phim ảnh khoa học giả tưởng.
« Vì sao NAO có hình dáng giống người ư, có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng cái chính ở đây là tạo ra một sự đồng cảm. Như có người đã nói lúc đầu họ rất e sợ robot nhưng khi nhìn thấy NAO đã thay đổi ý kiến. Chúng tôi cố tình thiết kế một cái máy như thế. Một cái máy phải gợi lên được nhu cầu tương tác, giao tiếp.

Ngay khi nhìn thấy NAO người ta muốn đến gần, muốn nói chuyện, muốn chạm vào. Đấy hoàn toàn không phải là một loại người máy lạnh lẽo, đáng lo, và không biết phải đối xử ra sao. Ỏ đây thì ngay tức thì, khi nhìn thấy, người ta muốn đến gần, nói chuyện , muốn biết nó vận hành ra sao và nó làm được những thứ gì. Và thế là họ trở thành người có nhu cầu về robot ».

Robot làm bạn với người già
Cũng chính vì NAO có thể trò chuyện, hoạt động tương tác mà ở Nhật Bản, nơi có tỷ lệ người già ngày càng cao, chính phủ dự định cho thuê robot trợ lý, nhằm mục đích giữ chân hàng triệu người già tại gia với giá thuê chừng vài euro/ tháng. Hay như tại Bỉ, ba viện dưỡng lão đã sử dụng NAO như là công cụ luyện trí nhớ, huấn luyện thể thao và hoạt náo viên.
Thế nhưng, những tiện ích mà những robot thông minh như NAO mang lại cho con người cũng không phải là không gây lo sợ. Triết gia Pháp Eric Sadin lấy làm lo lắng cho sự chuyển mình quá nhanh của ngành Robot học.
« Tôi nghĩ là những Robot hiện nay, mà các ngành khoa học đang nghiên cứu giao nhiều nhiệm vụ đặc thù. Tôi thấy là ở Nhật Bản, có rất nhiều dự án lớn đã được đưa vào sử dụng và đang phát triển , chẳng hạn như hỗ trợ người già, trấn an họ. Thậm chí còn có cả tin học cảm xúc để dò bắt được các cảm xúc, đề nghị các dịch vụ và nhất là có thể báo động được tình trạng suy nhược cơ thể.
Có thể nói nó cho thấy vừa có sự tinh tế trong công nghệ nhưng đồng thời cũng phô bày một hình thức cô độc bởi vì tại Nhật hiện tượng dân số già cũng khá là quan trọng. Vậy thì người ta có thể nói gì về một xã hội phải để cho robot chăm sóc người già? »

Rodolpe Gelin cho rằng đó là cả một vấn đề lớn mà xã hội hiện đại đang bị quá tải. Trong bối cảnh này, ngành robot học ở đây chỉ đóng góp một vai trò nhỏ đưa ra một giải pháp cấp thì giảm nhẹ phần nào trọng trách cho xã hội.
« Chúng ta đang bị quá tải về hiện tượng này. Hiện nay, chúng ta cũng chưa có giải pháp nào khác cho việc chăm sóc người già cô độc. Chúng tôi cũng thường xuyên đặt ra vấn đề này. Người ta có thể đề nghị thay đổi xã hội sao cho mọi người làm việc ít đi để có thể chăm sóc cha mẹ già, ông bà. Đây là cả một vấn đề lớn, nhưng điều đó lại vượt quá sức của chúng tôi.
Với tư cách là nhà nghiên cứu, tôi đề nghị một giải pháp, đương nhiên không phải là người máy, nhưng mà làm sao cho hình dáng càng giống người càng tốt. Để từ đó tạo ra một robot như là cách đảm bảo lúc nào cũng có người bên cạnh, cung cấp cho họ các dịch vụ, để trấn an họ, cũng như là người thân. Bởi vì, có một robot thông minh bên cạnh người già, robot cũng có thể báo cho biết là người đó vẫn mạnh khỏe, ngủ được nhiều tuần này, hay là di chuyển không có nhiều .. »

Trong chiều hướng này, Aldebaran sẽ cho ra đời một dòng robot mới, tên gọi là Romeo. Dòng robot này có kích cỡ lớn hơn và có thể hỗ trợ cho người già nhiều hơn. Ngoài khác biệt về chiều cao, Romeo có thể cử động được đôi mắt. Theo ông Rodolphe Gelin điều đó giúp cải thiện điều kiện tiếp xúc, cuộc đối thoại được diễn ra tự nhiên hơn. Robot sẽ quan sát được người đối thoại và như vậy góp phần làm tăng tính biểu cảm, tạo thuận lợi hơn nữa cho mối liên hệ giữa người và robot.

Thầy hướng dẫn lập trình
Không chỉ thu hút được sự chú ý của trẻ tự kỷ, NAO cũng làm cho các học sinh Pháp thấy hiếu kỳ. Chú Robot bé nhỏ có thể đọc một đoạn thơ bằng một số tiếng nước ngoài, với ngữ điệu và cử chỉ được mã hóa gần giống như người. Khu giáo dục Versailles, trong chương trình phát triển kỹ thuật số, đã trang bị sẵn 5 chú NAO dành cho những cơ sở nào mong muốn cho học sinh làm quen với việc lập trình tin học.

Bởi vì để có thể chế tạo một robot có thể cử động, hiểu các mệnh lệnh, trả lời các câu hỏi thậm chí có thể nói đùa, đòi hỏi sự chung sức của cả một đội ngũ nhà khoa học, nghiên cứu trong nhiều lãnh vực. Rodolphe Gelin ví công việc chế tạo robot chẳng khác nào như là một trò chơi trẻ con đòi hỏi tính sáng tạo tập thể.
« Ngành chế tạo robot hay người máy là ngành khoa học còn non trẻ nhưng dựa trên nền tảng các ngành khoa học cổ điển như cơ khí, điện tử, và cả tin học. Do đó, cần phải thiết kế một tác phẩm, một cách sử dụng mới. Việc một robot phải biết đối thoại, như vậy để lập trình một robot, không chỉ cần phải có kỹ sư tin học, mà cần phải có cả các nhà ngôn ngữ học, những người viết mẫu thoại.

Chúng tôi gần như phải khai phá một cách thức mới, để chế tạo sản phẩm. Và như vậy chúng tôi chẳng khác nào như là những đứa trẻ đang chơi trong hố cát. Chúng tôi sáng chế nhiều thứ mới, nhưng chúng tôi cũng muốn có sự tin cậy, muốn công nghiệp hóa dòng sản phẩm. Chúng tôi muốn làm ra những sản phẩm mới hơn, gây kinh ngạc hơn nhưng đồng thời cũng phải đáng tin cậy hơn. Đương nhiên phải có được chất lượng mà mọi người mong đợi ».

Nhưng Robot vẫn phải là robot
Dẫu sao đi nữa, robot cũng chỉ là một người máy được lập trình sẵn để đáp ứng có hạn định những nhu cầu của con người. Do đó, người sử dụng cũng đừng nên đòi hỏi quá cao để rồi phải thất vọng. Tuy nhiên điều quan trọng mà Rudolphe Gelin muốn gởi gắm trong buổi trò chuyện đó là vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
Ông cho rằng cần phải phân biệt rõ giữa người và người máy. Các nhà thiết kế không nên chế tạo những robot hình dạng như người thật để tránh nhầm lẫn. Đấy cũng chính là nỗi lo sợ của nhiều người trước sự phát triển vượt bậc của ngành robot học.
« Có những robot giống người như đúc đến mức gây nhầm lẫn. Đấy là điều chúng tôi rất muốn tránh, chúng tôi không muốn có sự hiểu nhầm. Robot của chúng tôi thật sự là robot. Chúng là những cỗ máy, không được trang bị nhiều trí thông minh, không có nhận thức, tiềm thức .. Chúng chỉ là những cỗ máy vận hành theo những gì mình yêu cầu ».

Có ý kiến cho rằng một ngày nào đó, robot sẽ thông minh hơn chúng ta và sẽ thống trị con người như trong sách hay phim ảnh thường hay đề cập đến. Rodolphe Gelin về điểm này lại tỏ ra rất khách quan cho rằng đương nhiên, một lúc nào đó các nhà thiết kế cũng có thể tạo cho robot một ý thức nhân tạo tin học, nó có thể suy nghĩ nhanh hơn chúng ta, nhớ hết các số điện thoại của cả hành tinh nhưng robot sẽ không bao giờ có được ý thức riêng.
Hơn nữa theo Rodolphe Gelin, cũng như mọi đồ vật hay như bất kỳ một công nghệ nào trong bàn tay con người, robot cũng có thể trở thành một mối nguy hiểm cho nhân loại. Lửa, xe ô –tô, điện, hạt nhân và ngay cả chữ viết cũng có thể làm hại và làm điều tốt cho con người. Mọi thứ đều lệ thuộc vào những gì mỗi người đang làm. Trong nội tại, bản thân robot không chứa đựng một mối nguy nào cho nhân loại.

Giai thoại người máy nổi dậy chống lại chính người chế tạo ra nó không thể trở thành hiện thực nếu như cha đẻ không bảo nó nổi dậy chống lại ông ta. Nói một cách khác, cho dù được trang bị trí thông minh cực lớn, khả năng tính toán nhanh nhưng chúng không bao giờ có được ý thức riêng. Nếu có đi chăng nữa, thì có ai đó đã lập trình sẵn.

Minh Anh

No comments:

Post a Comment