Pages

Friday, November 20, 2015

Chủ Nghĩa Khủng Bố - Quái Thai Của Lịch Sử Nhân Loại - Ngọc Việt

Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang reo rắc nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Ảnh: AP.

Chống chủ nghĩa khủng bố bằng các hoạt động quân sự là cần thiết, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn và rất khó khăn vì khủng bố biến thể liên tục như...

Vụ khủng bố kinh hoàng ngày 13/11 tại Pháp đã một lần nữa làm rung động cả thế giới. Những gì vừa xảy ra tại Paris làm cho dư luận bàng hoàng, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã phải thốt lên: “Nước Pháp đang có chiến tranh”, theo Reuters. 

Hàng loạt lãnh đạo các quốc gia trên thế giới lên án khủng bố, cam kết đứng bên cạnh người dân Pháp tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống F.Hollande tuyên bố sẽ tấn công tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở mọi nơi, sau khi bọn chúng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Quyết tâm của thế giới trong cuộc chiến khủng bố đã được thể hiện từ lâu với những tuyên bố dứt khoát của lãnh đạo các quốc gia và những cuộc tấn công quy mô lớn của liên minh các nước vào những nơi được gọi là sào huyệt của chủ nghĩa khủng bố hiện nay. 

Hoạt động khủng bố như virus biến thể liên tục. Với sự những gì xảy ra trong thời gian gần đây thì có thể thấy lực lượng khủng bố không hề yếu đi, mà thậm chí chúng còn mạnh lên với những thủ đoạn tàn bạo hơn, cách thức tấn công đa dạng và nguy hiểm khó lường hơn nhiều trên phạm vi toàn thế giới.
"Chúng tôi biết rằng các cuộc tấn công khác đang được chuẩn bị, không chỉ chống Pháp mà còn đối với các nước châu Âu khác", Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói với RTL Radio. "Chúng tôi sống với mối đe dọa khủng bố này trong một thời gian dài."

Điều gì tạo nên tư tưởng cực đoan liều chết của chủ nghĩa khủng bố?
Tại sao chủ nghĩa khủng bố lại có thể ra đời và có sức sống mạnh mẽ trong thời đại văn minh của nhân loại ngày nay? Hầu hết ý kiến cho rằng xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, xung đột chính trị, nghèo đói và bất ổn xã hội là căn nguyên cho sự ra đời của khủng bố. Cá nhân người viết tin rằng điều đó chỉ đúng một phần.

Bởi lẽ trong lịch sử, xung đột sắc tộc thường gây ra nội chiến, chiến tranh sắc tộc, xung đột tôn giáo thì gây ra chiến tranh tôn giáo, xung đột chính trị thì gây ra đảo chính, thủ tiêu chính trị hay tạo ra các cuộc tổng tuyển cử, còn nghèo đói và bất ổn xã hội thì gây ra biểu tình, bạo loạn lật đổ.

Qua những vụ khủng bố có tổ chức, mà đỉnh điểm là vụ 11/9 tại Mỹ, và gần đây là sự ra đời của IS, có thể thấy nguyên nhân rất quan trọng đối với sự xuất hiện chủ nghĩa khủng bố – đó là chủ nghĩa cường quyền và tư tưởng, cách hành xử áp đặt vượt trên luật pháp và công lý của các "ông lớn" toàn cầu trong các hoạt động cạnh tranh lợi ích địa chính trị - địa kinh tế - địa chiến lược ở những địa bàn giàu tài nguyên.
Và các nước nhỏ trong khu vực nghiễm nhiên trở thành nạn nhân cho các cường quốc xâu xé lợi ích. Trung Đông, Bắc Phi ngày nay đang là một ví dụ điển hình.

Người ta có thể tùy tiện can thiệp với một cái cớ nào đó do họ tạo ra để bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài, bất chấp chủ quyền, an ninh quốc gia và cuộc sống người dân quốc gia đó bị đe dọa. Cường quốc nào cũng có cái lý của mình, chỉ có người dân các nước bị xâu xé là khổ. Điều đó cứ diễn ra hết năm này đến năm khác.
Trên phạm vi toàn thế giới, bá quyền sẽ gây nên chia rẽ giữa chính thể quốc gia và chủ quyền dân tộc, thổi bùng ngọn lửa của tư tưởng dân tộc cực đoan, vùng lên phản kháng.

Cả thế giới giật mình khi biết cố vấn hoạch định chiến lược tấn công khủng bố của IS là Ibrahim al-Douri, cựu Phó Tổng thống Iraq thời Saddam Hussein và “IS nhận trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công phối hợp hôm Thứ Sáu và cho rằng đó là trả đũa cho sự tham gia của Pháp trong cuộc không kích của Mỹ tại Iraq và Syria”, theo Reuters.

Trong phạm vi quốc gia, cường quyền sẽ gây nên bất bình và nung nấu trả thù. AFP dẫn lời ông Tần Quang Vinh, Bí thư tỉnh ủy Vân Nam thời điểm xảy ra cuộc tấn công khủng bố ngày 1/3/2014 tại nhà ga Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc làm 29 người chết, 143 người bị thương: "8 kẻ này ban đầu muốn tham gia thánh chiến".
Theo AFP thì hành động thảm sát của nhóm này là để trả thù việc những người đồng hương của họ ở Tân Cương bị giết chết trong những cuộc đụng độ với cảnh sát và chính quyền.

Khi khủng bố chỉ mới là những nhóm, những tổ chức đơn lẻ thì có những tiêu chí và cách hoạt động riêng biệt, thậm chí còn xung đột với nhau, nhưng chủ nghĩa cường quyền, bá quyền đã phát đi một lời cảnh báo hữu hiệu cho những kẻ khủng bố là phải thay đổi tính chất hoạt động.  
Tìm hiểu cách thức tổ chức những vụ khủng bố gần đây, có thể thấy khủng bố lúc này chỉ cần thông đạt tư tưởng và có vũ khí là có thể hành động. 

Và dường như chủ nghĩa khủng bố đã chính thức thành hình với nền tảng chủ thuyết của nó là tư tưởng cực đoan, cổ vũ giải phóng con người khỏi bất công bằng biện pháp sử dụng vũ lực và cái đích cuối cùng là được về với đấng cứu thế trong vinh quang. 

Máy bay Nga ném bom khủng bố IS tại Syria, ảnh: New York News & Polistic.

Vì vậy, chủ nghĩa khủng bố hiện nay không còn nơi gọi là sào huyệt để người ta có thế tấn công, tóm gọn, nó đã lớn mạnh và có liên kết toàn cầu thông qua chủ thuyết được rao giảng bằng các tiện ích của phương tiện truyền thông hiện đại, chủ yếu nhờ mạng Internet.

Reuter dẫn lời Tổng thống Pháp F.Hollande cho biết: "Hành động tấn công hôm Thứ Sáu đã được quyết định và lên kế hoạch tại Syria, chuẩn bị và tổ chức tại Bỉ và thực hiện trên lãnh thổ của chúng ta với sự đồng lõa của một số công dân Pháp". 
IS và al-Qaeda bây giờ chỉ là những tổ chức khủng bố hoạt động với mục đích gây thanh thế và cổ vũ tinh thần cho những kẻ khủng bố trên toàn thế giới.

Chủ nghĩa khủng bố đang được nuôi dưỡng như thế nào?
Có thể thấy rằng, hiện nay chủ nghĩa khủng bố không cần lãnh địa, lãnh thổ cụ thể và cố định để tồn tại mà chỉ cần có điều kiện để tư tưởng cực đoan của nó bám rễ và phát huy tác dụng. Với những cách thức mà người ta đang giải quyết xung đột, bất công, bất ổn ở hầu khắp các nơi trên thế giới thì cho thấy mảnh đất cho chủ nghĩa khủng bố còn rất màu mỡ.

Người ta kêu gọi ngăn ngừa khủng bố mà vẫn giải quyết bất ổn bằng những hành động bắt đầu cho những bất ổn mới sấu sắc hơn. Diễn biến tại Syria, Yemen cho thấy người ta giải quyết tình hình bằng việc khoét sâu thêm mâu thuẫn, tạo những bất ổn mới.

“Mỹ bảo vệ thế giới, chống lại những kẻ cuồng tín hai mươi bốn giờ một ngày và dũng cảm ngăn chặn đổ máu, nhưng quân đội Mỹ chiến đấu cuồng tín như các chính trị gia đang nhanh chóng để có một cái gì đó nhiều hơn?”, Islam Daily đã viết như vậy.
Người ta kêu gọi liên minh chống khủng bố mà vẫn giải quyết xung đột bằng sức mạnh quân sự, gạt bỏ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc, từ đó làm cho xung đột càng sâu sắc hơn. 

Người ta kêu gọi tiêu diệt khủng bố mà vẫn giải quyết bất công theo những cách thiên vị, hầu hết những nguyên tắc của công bằng xã hội đều bị chối bỏ. Hàng trăm lần Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về tình hình giữa Israel và Palestine bị phủ quyết để dung túng cho sự ngang ngược của Israel.
“Theo hiệp định hoà bình Oslo năm 1993, khu vực Bờ Tây và Dải Gaza hình thành một nhà nước Palestine. Tuy nhiên, sau nhiều năm Israel tiếp tục cướp đất và làm các điều kiện liên tục xấu đi, dân Palestine nổi dậy.

Hàng ngàn người Palestine gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em được bị giam giữ tại các nhà tù Israel và một số họ đã được thử nghiệm một cách hợp pháp về lạm dụng thể chất và tra tấn thường xuyên”, If Americans Knew viết.

Chủ nghĩa khủng bố có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tại Urumqi, Tân Cương, ảnh: Reuters.

Khi quyền con người không được chú trọng, chủ quyền quốc gia không được tôn trọng, lợi ích dân tộc không được bảo đảm thì những tư tưởng cực đoan không thể mất đi và đó là cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố thâm nhập và lớn mạnh.

Có các biện pháp hòa bình, có các căn cứ pháp lý như “rành rành định phận ở sách trời” nhưng vẫn không được các "ông lớn toàn cầu" vận dụng giải quyết mâu thuẫn. Cái mệnh đề “Chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh” đang được chứng minh một cách hùng hồn ở mọi nơi trên thế giới.

Đứng sau chủ nghĩa khủng bố là các tay lái súng tầm cỡ quốc tế?
Người ta khẳng định sức mạnh bằng vũ lực và tạo ra sức mạnh bằng vũ lực. Và là vũ khí là một trong những thứ để người ta khẳng định sức mạnh của mình và tạo sức mạnh cho kẻ khác. Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc là những cường quốc sản xuất và xuất khẩu vũ khí cho những quốc gia xung đột hay đưa vũ khí tới những khu vực mà họ cho là đang cần phải giải quyết bằng sức mạnh của vũ lực.

Hàng tỷ đô la thu về từ việc xuất khẩu vũ khí làm cho họ trở thành những siêu cường, thì cùng với đó là nghèo đói và bất ổn ở các quốc gia khác, ở các khu vực xung đột. Hiện tượng di cư, tránh đói nghèo đã là mầm mống cho bất công, xung đột nảy sinh và lại tạo cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố xâm nhập và có chỗ đứng. 

Khủng bố là quái thai của lịch sử nhân loại, nhưng lại là nguồn sống cho các tay lái súng của những siêu cường quốc tế. Ông Putin, Tổng thống Nga hôm qua đã tiết lộ IS kiếm tiền được từ 40 quốc gia, bao gồm cả các thành viên G20.

Tuy nhiên chưa thấy ai đề cập đến việc kẻ nào đã bán vũ khí cho chúng.


Bởi lẽ những vụ đánh bom liều chết, xả súng, tấn công vào cộng đồng dân cư nào đó để gây thanh thế như vụ thảm sát tại Paris vừa rồi thì không cần quá nhiều vũ khí mà cần có thừa tư tưởng cuồng tín, cực đoan, tử vì “đạo”. Nhưng xác định thủ phạm là IS thì hãy nhìn lại bọn chúng đã bành trướng ở Iraq, Syria ra sao? 


Quân chính phủ 2 nước này với vũ khí tối tân do Mỹ, Nga viện trợ và chi viện thêm bằng các hoạt động không kích cũng không đỡ nổi các đòn tấn công như vũ bão của IS, chiếm lãnh thổ đến đâu chúng cài đặt bộ máy cai trị hà khắc cực đoan đến đó. 

Có thể thấy, đã có những tay lái súng đứng sau hốt bạc để cung cấp vũ khí cho lực lượng này. Mà trên thế giới, những nước nào, tập đoàn nào có khả năng sản xuất vũ khí không khó để tìm ra. Cũng không khó xác định nguồn gốc cũng như chủng loại vũ khí mà IS đang sử dụng. Bọn chúng không thể tự chế tạo hàng loạt vũ khí hiện đại cho các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ ở Iraq, Syria để thiết lập cái chúng gọi là Nhà nước Hồi giáo.

Năm 2015, khi lượng người di cư ồ ạt, người ta mới đề cập nhiều đến khủng bố sẽ theo lực lượng này vào Châu Âu, nhưng thật ra từ năm 2008, Trung tâm Thống kê Eurostat đã nghiên cứu và có những số liệu về khó khăn của các quốc gia đối với vấn đề nhập cư vì nghèo đói.

Tư tưởng cực đoan phát sinh từ những cách giải quyết mâu thuẫn cùng với vũ khí có được khi giải quyết mâu thuẫn, đã giúp cho chủ nghĩa khủng bố có đủ điều kiện để hiện thực hóa giá trị chủ thuyết của nó. Và đương nhiên, nó sẽ hướng về nơi của cường quyền, bá quyền phát xuất.


Theo Reuter, chính Tổng thống F.Hollande phải cay đắng cho biết ông sẽ tăng thêm 5.000 nhân viên an ninh, thêm 2.500 nhân viên cai ngục và tránh cắt giảm chi tiêu quốc phòng trước năm 2019. Ông thừa nhận điều này sẽ phá vỡ quy tắc ngân sách EU, nhưng cho biết an ninh quốc gia là quan trọng hơn. 

Làm gì để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố?
Với những gì đang diễn ra hiện nay, chủ nghĩa khủng bố không chỉ còn hướng hành động tấn công về trung tâm của thế giới văn minh nữa, mà tất cả mọi điểm nóng trên thế giới gắn với bất công, xung đột và chủ nghĩa bá quyền đều là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố ngóc đầu trỗi dậy.

Nếu như lâu nay Trung Đông được xem là thành trì của chủ nghĩa khủng bố, Mỹ và các siêu cường là nơi chủ nghĩa khủng bố tấn công, thì nay khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đang trở nên hết sức nguy hiểm với những mầm mống của chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống lại cường quyền và bá quyền thời hiện đại.

Những bất ổn chính trị tại Thái Lan, Campuchia, Malaysia hay những tranh chấp chủ quyền, quyền và lợi ích hàng hải ngoài Biển Đông đang là những vấn đề hết sức nóng bỏng và không loại trừ chủ nghĩa khủng bố sẽ hướng mạnh về khu vực này, thậm chí nó có thể tự phát sinh nảy nở bởi bàn tay của thế lực đen tối nào đó.

Những gương mặt "lạ" len lỏi kích động đám đông tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái biến thành bạo động, đập phá các doanh nghiệp nước ngoài đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Nếu không kiểm soát và khống chế kịp thời, không biết tình hình sẽ đi đến đâu.

Chủ nghĩa khủng bố gắn liền với tư tưởng cực đoan, cuồng tín, thù hận mà các tổ chức khủng bố thường đội lốt, giả danh tôn giáo để mê hoặc, phát triển đội ngũ. Trong khi đó lại có rất nhiều thanh niên, trí thức ở các nước phát triển như Liên minh châu Âu lại tự đem thân đến nộp cho khủng bố, đầu quân cho chúng. Điều này chứng tỏ cuộc sống hàng ngày của họ đang ngày càng bế tắc nhiều hơn. 

Akil Awan, Phó giáo sư về lịch sử hiện đại, bạo lực chính trị và khủng bố tại Đại học Royal Holloway, chia sẻ với Middle East Eye: “Sự hấp dẫn chính của tư tưởng cực đoan thường không phải là sự gắn kết hợp lý hoặc vượt trội của Hồi giáo, mà các yếu tố khác quan trọng về xã hội, tâm lý và chính trị như sự tha hóa xã hội, phân biệt chủng tộc, sự gia tăng của phân biệt đối xử giữa con người với nhau, từ đó dẫn đến một sự xói mòn nghiêm trọng lòng tự trọng, và làm tăng sự thất vọng. Tất cả những điều ấy gây ra một cảm giác tuyệt vọng vì thiệt thòi và từ đó có cảm giác giận dữ mà không có lối thoát rõ ràng”.

Bởi vậy việc các nước trên thế giới đoàn kết chống chủ nghĩa khủng bố bằng các hoạt động quân sự là cần thiết, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn và rất khó khăn vì khủng bố biến thể liên tục như virus.

Về lâu dài, mọi hành xử trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia cũng như trong xã hội mỗi nước cần phải đề cao thượng tôn pháp luật, kiểm soát vũ khí, giải quyết các mâu thuẫn, bất công nảy sinh trong lòng xã hội kịp thời và thỏa đáng mới có thể ngăn chặn, hạn chế được tư tưởng khủng bố, cực đoan. Bởi đã còn con người là còn thiện - ác, tốt - xấu. Vấn đề còn lại là làm sao xiển dương được cái thiện trong mỗi người, hạn chế những cái xấu, ác.
Khi “chưa nhổ tận gốc” được thì phải tập trung “cắt cái ngọn” của chủ nghĩa khủng bố để nó không còn khả năng vươn xa, tác oai tác quái. Lực lượng khủng bố ở rải rác nhiều nơi nhưng nó vẫn luôn gieo rắc kinh hoàng mỗi khi hành động.

Điều mà ai cũng có thể thấy ở chủ nghĩa khủng bố là sự đoàn kết và tính kỷ luật – hai yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh. Vì vậy, liên mình các lực lượng chống khủng bố muốn chiến thắng thì phải đoàn kết và hành động dựa trên quy định của luật pháp và công lý. 
Theo Reuters: “Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi Hoa Kỳ và Nga tham gia lực lượng để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo sau khi chúng thực hiện các cuộc tấn công hôm thứ Sáu qua tại Paris, và công bố một loạt các biện pháp chống khủng bố của Pháp”. 
Chúng ta hy vọng trong đau thương, mất mát, sự đoàn kết của toàn thế giới xung quanh người dân Pháp sẽ tạo nên sức mạnh, có thể chiến thắng chủ nghĩa khủng bố, đảm bảo cuộc sống thanh bình trong một thế giới văn minh.   . 

Ngọc Việt
Nguồn: giaoduc.net.vn

No comments:

Post a Comment