Pages

Saturday, January 9, 2016

Đừng Cả Nể, Hãy Biết Nói Không Khi Cần

Có những người mà bạn càng làm nhiều điều cho họ, họ càng làm ít cho chính mình. Hãy biết nói KHÔNG với những lời nhờ vả, để ai cũng có cơ hội được tự đứng trên đôi chân của chính mình.
Ông cha ta có câu “ôm rơm rặm bụng” chính nhằm ám chỉ sự đa mang, vơ việc của người khác vào mình, đã chẳng sung sướng gì mà còn gây vất vả phiền phức cho mình. Hay như cách nói dễ hiểu hơn, thì đó có thể được gọi là sự “cả nể”.

Tôi là một kẻ có tính cả nể. Trước giờ tôi vẫn nghĩ mình có thể giúp thì giúp, người khác không làm được thì mình làm vậy, cũng chả nghĩ nhiều. Cho đến một ngày mẹ tôi hỏi tôi “con làm như vậy là hại bạn, cứ giúp mãi như vậy thì bao giờ bạn con mới biết làm và tự động làm?”, tôi mới thần người ra.

Bạn giúp ai đó là chuyện thường tình, bạn bè thấy nhau khó khăn thì giúp đỡ, chia sẻ, có thể cùng chung tay kéo ai đó ra khỏi hoạn nạn, đó là chuyện nên làm. Nhưng nếu ai đó quá dựa dẫm vào bạn, cái gì cũng nhờ bạn giúp đỡ từ những việc nhỏ nhất, hay đùn đẩy cho bạn những nhiệm vụ mà họ được giao, mà bạn vẫn ôm vào làm hết, thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác.

Việc “cái gì cũng giúp” thực chất xuất phát từ lòng tốt nhưng nếu vận dụng không đúng cách thì lại gây ra tác hại rất lớn cho cả bạn và cả đối phương. Bạn thử nghĩ mà xem, nếu bạn cứ luôn giúp đỡ bạn của mình, làm hộ công việc của họ thì khác nào bạn đã tiếp tay cho tính lười biếng, trì trệ của đối phương? Bên cạnh đó, nó sẽ khiến bạn vừa mệt mỏi, vừa phải lo công việc của mình lại phải vừa lo công việc của đối phương, gồng gánh quá nhiều sẽ khiến bạn căng thẳng, ức chế, đôi khi còn ức chế tâm lý khi vừa làm vừa tự trách mình “sao mình lại cứ ôm đồm hết thế này?” để rồi kết quả có thể không tốt hay không kịp tiến độ. Việc giúp đỡ này cũng khiến cho đối phương ngày càng “vô trách nhiệm” với những cam kết, nhiệm vụ mình được giao phó, để rồi đối phương sẽ nảy sinh dựa dẫm vào bạn, sự ỷ lại tăng dần lên, và sau này khi bạn gặp trường hợp khó khăn không thể giúp được, đối phương biết xoay xở làm sao, và thậm chí lúc đó đối phương có thể giận dữ với bạn và cho là bạn làm khó họ thì bạn biết ứng xử như nào? Hay nếu không có bạn thì hẳn đối phương sẽ rơi vào sự khủng hoảng cũng như chới với không thể hoàn thành được công việc giao phó.

Trong tình cảm, việc cả nể cũng tai hại không kém. Như việc chỉ vì thấy người ta tốt với mình, tuy chỉ coi họ là bạn nhưng vì không nỡ làm họ tổn thương mà bạn chấp nhận khi đối phương bày tỏ tình cảm. Việc đó sẽ làm cho bạn rơi vào một mối quan hệ không thực, dễ dàng tạo tổn thương cho cả hai bên sau này.Hoặc như việc bạn đã có người yêu chẳng hạn nhưng vì ai đó quá tốt với bạn mà bạn không nỡ từ chối, vẫn tiếp nhận tình cảm mà không vạch ra ranh giới hạn định rõ ràng, sẽ rất dễ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có, làm đối phương ngộ nhận, làm người bạn yêu đau đớn, và làm cho chính bạn rơi vào một mối tình tay ba rắc rối.
  
Hoặc nếu như bạn rơi vào những trường hợp khó xử như bị ép uống rượu, hay bị ép đi chơi, hay bị rủ rê làm điều gì đó bạn không thích, bạn không muốn, bạn hoàn toàn có thể từ chối bằng cách này hay cách khác, nhưng vì cả nể nên bạn lại gật đầu, để rồi khiến chính bản thân mình không thoải mái.

Trong cuộc sống này, có nhiều lúc bạn phải học cách từ chối. Không phải vì bạn không tốt, mà là bạn muốn để cho đối phương học cách tự lập, bươn trải. Từ chối giúp những việc mà bạn bạn có khả năng làm cũng chính là biểu hiện tôn trọng họ. Ai rồi cũng phải lớn, ai rồi cũng phải tự thân tự lập một mình. Bạn sẽ không thể theo ai đó suốt đời để chăm lo cho họ được. Như cha mẹ cũng vậy, không thể mãi mãi bao bọc con cái mà đến một lúc nào đó con họ cũng phải rời tổ để tự sải cánh bay.

Hãy để cho mình “thở” một chút, hãy tập trung làm tốt công việc của mình. Hãy giúp đỡ người khác khi có thể, hãy sẻ chia nhưng hãy biết cách “chọn lọc”. Hãy biết nói KHÔNG với những lời nhờ vả, để ai cũng có cơ hội được tự đứng trên đôi chân của chính mình bạn nhé.

Nguồn: langnhincuocsong

No comments:

Post a Comment