Pages

Saturday, February 6, 2016

Bữa Cơm Chiều 30 Tết


Bữa cơm cuối cùng của năm cũ là khoảng khắc sum vầy ấm áp nhất, là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình, tỏ lòng thành kính với gia tiên. Bởi thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt không ai là không nhớ đến bữa cơm chiều 30 Tết...

 Người Việt rất coi trọng bữa cơm chiều 30 Tết, bữa cơm cuối cùng của năm cũ. Mọi thành viên trong gia đình đi làm, đi học xa, dù còn nấn ná bận tới tận 29 Tết thì cũng cố gắng về tụ họp với đi đình trong khoảnh khắc quan trọng này. Vậy nên người ta thường gọi mâm cơm chiều cuối cùng của năm cũ là bữa cơm đoàn viên, là khoảng khắc đáng trân trọng nhất trong cả năm dài.

Bữa cơm tất niên là khoảnh khắc ấm áp và thiêng liêng (Nguồn: internet)

Công cuộc sắm sửa Tết đã bắt đầu từ nhiều ngày trước, nhưng đến 30, không khí tất bật chừng như vẫn còn hiện hữu. Ai cũng tranh thủ những giờ phút còn lại ngắn ngủi của năm cũ để mong chu toàn 3 ngày Tết. Các mẹ đi chợ sắm sửa nốt những thứ cần thiết như cau trầu, gia vị, hoa tươi; các ông, các bố thì chăm lo cho bàn thờ đón gia tiên về ăn Tết bên con cháu; trẻ nhỏ lăng xăng quét nhà, lau thêm bàn ghế…Nhưng trên hết là chuẩn bị bữa cơm tất niên đủ đầy, đầm ấm.


Bữa cơm tất niên là bữa ăn cuối cùng của năm cũ nên thường được thực hiện vào chiều 30 Tết. Lúc đó, mọi công việc chuẩn bị Tết cơ bản đã hoàn thành, nhà cửa trang hoàng, bàn thờ đã ngay ngắn, đầy đủ, nhang mời tổ tiên được trịnh trọng thắp lên, cũng là mời ông Công, ông Táo tiếp tục về cai quản bếp núc. Bữa cơm tất niên, bữa cơm đoàn viên có ý nghĩa thiêng liêng mà trọng đại, là sợi dây vô hình kết nối các thành viên, các thế hệ mỗi độ xuân về. Gia đình nào bữa cơm ấy càng đông, càng nhiều thế hệ quây quần càng chứng tỏ gia đình đó hạnh phúc, viên mãn, là niềm tự hào của mỗi thành viên trong gia đình.

(Nguồn: internet)

Trong không khí ấm áp, khói trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ… con cháu thành kính báo cáo với ông bà, cha mẹ những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa hay cả những luyến tiếc, những điều chưa hoàn thành và niềm hi vọng về một năm mới thuận lợi, bình an…Ông bà cũng không quên nhắc nhở con cháu phải phát huy truyền thống quê hương, gia đình, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng người, trong đó có việc phải đến chúc tết, thăm hỏi những cụ cao niên trong họ.

Bữa cơm tất niên kết thúc, cũng là lúc mọi người chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là nhằm xua đi những điều xấu, dở của năm cũ, đón lấy điều mới mẻ, tốt lành của năm mới. Lễ thường được tổ chức tại gia đình và tại chùa, đình, miếu mạo. Sau lễ cúng giao thừa, các gia đình thường tổ chức một bữa tiệc nhỏ để con cháu chúc phúc ông bà, cha mẹ, người lớn cũng dành những đồng tiền lẻ còn mới để mừng tuổi con trẻ, mong chúng ngoan ngoãn học hành giỏi giang, tiến bộ.

Dù đã ở bất kỳ độ tuổi nào, mỗi khi xuân về, cảm giác hồi hộp, thiêng liêng, phấn chấn khi được dự bữa cơm tất niên và đón năm mới giữa những người thân cũng đều vẹn nguyên các giá trị. Điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, kể cả những người Việt xa xứ, đang sống cách chúng ta nửa vòng trái đất mỗi khi Tết đến, xuân về.

Theo Mask Online

No comments:

Post a Comment