Pages

Friday, February 26, 2016

Ôi Đàn Bà! - Nguyễn Thị Cỏ May


“…Là chỉ mình lẽ phải, các ông thua... 
Là hỏi gì không nói, gọi không thưa… 
Là ngoài trời vừa nắng lại vừa mưa 
Là cãi cọ, các ông vẫn là thua thiệt 
Là vắng nhà một bữa đã nhớ mong… 
Tạ ơn trời đàn bà vẫn còn đó... 
Chỉ đàn ông? Ôi chi bằng tận thế!” (*)  

Mấy vần thơ dân gian giản dị trên đây đã giúp nhận diện khá rõ nét các bà với những đặc tánh hoàn toàn phụ nữ bất biến với thời và không gian. Đời là “vô thường”, nhưng những đặc tánh này thì không bao giờ là “vô thường” hết cả.  

Trước giờ, khi đề cập tới các bà, người ta chỉ nói các mặt tiêu cực về địa vị xã hội của các bà theo đó các bà luôn luôn là nạn nhơn của những vụ bạo hành trong gia đình và cả ngoài xã hội. Tình trạng bất bình đẳng về nghề nghiệp, lương bổng, và về nhiều quyền lợi khác như quyền trước công lý, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được đi học,... làm cho đời sống người phụ nữ vì đó bị nhiều khó khăn hơn đối với các ông, tuy luật pháp đã ban hành bảo đảm sự bình đẳng cho cả hai giới, xử lý nghiêm khắc những vi phạm.   

Nói về các bà chỉ nói về địa vị xã hội thôi cũng là điều đã phải nói nhiều những vẫn chưa xong, chưa kết thúc. Đã vậy, ở các bà còn những điều ít ai để ý tới vì nó không thuộc về “nữ quyền” mà đó là những chuyện khá đặc biệt về các bà, của các bà, và chỉ có ở các bà mà thôi! Cỏ May xin sơ lược vài chuyện lượm lặt được đây đó, qua báo chí, sách vở nói riêng về các bà.  

Trước nhứt, xin nói về ưu điểm chói lọi của các bà. Dân Tây của Cỏ May đã phải ngã nón bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thán phục Bà Julia Gillard, Thủ tướng Liên bang Úc châu, đã hơn một lần lớn tiếng xác định đường lối chánh trị của Bà "vì nước Úc" là trên hết. Không vì lá phiếu kiểu chánh trị mị dân (la politique politicienne) biết rằng Úc là nước đa văn hóa và đa sắc tộc. Không như nước Pháp hay nhiều nước ở Âu châu. Bà bày tỏ cùng quan điểm với vị tiền nhiệm John Howard về di dân Hồi Giáo cực đoan:   
"Nơi đây là xứ sở của chúng tôi, đất đai của chúng tôi và phong cách sống của chúng tôi. Và chúng tôi đem lại cho các bạn cơ hội thụ hưởng tất cả các thứ đó. Nhưng nếu các bạn thấy không hài lòng, các bạn thấy quốc kỳ của chúng tôi, đường lối chánh trị, tín ngưỡng Thiên chúa giáo, hoặc tập quán xã hội văn hóa của chúng tôi làm cho các bạn khó chịu, tôi khuyến khích các bạn nên sử dụng ngay một thứ quyền tự do lớn khác của nước Úc vốn từ lâu dành cho các bạn, đó là "Quyền đi khỏi nơi đây".  

Dư luận Pháp đã không ngần ngại tán dương Bà Thủ tướng Julia Gillard của Úc xứng đáng là "Nữ Hoàng thế giới" (La Reine du monde).  

Chỉ vì "đàn bà" 
Câu nói của Bà Simone de Beauvoir, triết gia tài hoa của Pháp và cũng là chiến sĩ nữ quyền của thời đại, thật bất hủ "Người ta sanh ra không phải là đàn bà, mà chính xã hội đã biến người đó trở thành đàn bà". Thật vậy, khi người phụ nữ trở thành "đàn bà" thì đúng là lúc người phụ nữ phải gánh chịu những bất hạnh dường như đã được xã hội dành sẵn cho họ.  

Ở xứ Tàu, cái nôi văn hóa Khổng Mạnh, công lý của chánh quyền cộng sản ngày nay đã xử phạt một người phụ nữ với tội danh "một người đàn bà mang sắc diện thiếu thẫm mỹ", tức một người "đàn bà mang tội xấu". Báo Huffington Post chạy tít của bản tin đó "Người ta có thể bị kết án vì ngoại hình bất hạnh? Công lý của xứ Tàu đã làm".  

Ở Tàu, cậu Jian Feng yêu tha thiết người vợ xinh đẹp của mình. Sau đứa con đầu lòng, nhan sắc của người đàn bà bỗng nhiên trở thành tàn tạ. Anh chồng dựng cớ đứa con không giống cha, cho rằng đứa con do ngoại tình, để đòi ly dị. Người vợ thú nhận đã chi 75 000 mỹ kim nhờ giải phẫu thẩm mỹ thay đổi dắc diện hoàn toàn, nay vì sanh đẻ, những khuyết tật xưa tái xuất hiện. Anh chồng nhứt định đưa ra Tòa ly dị và đòi tiền thiệt hại. 
Tòa xử người vợ đã cố tình che giấu dung nhan xấu để gạt anh chồng, chấp nhận đơn xin ly dị và dạy người vợ phải bồi thường anh chồng 100 000 Mỹ kim thiệt hại.  

Anh là một nước dân chủ, văn minh, Tòa án vẫn phạt người phụ nữ vì những lý do vớ vẩn không khác gì xứ cộng sản độc tài và lạc hậu như Tàu. Bà Julie Griffiths bị tòa án nước Anh xử phạt 500 bảng anh về tội "bà lớn tiếng la mắng ông chồng, làm ầm ĩ cả xóm". Thật ra tội danh chánh thức ghi trong bản án là "có hành vi chống lại xã hội". Theo cáo trạng, Bà Julie Griffiths làm việc 12 giờ mỗi ngày trong nhà máy bị nhiều căng thẳng và bực bội. Khi về tới nhà, thay vì chửi chó mắng mèo, ném chén quăng dĩa cho hạ hỏa, bà cứ nhằm ông chồng mà quần. Bà chửi mắng quá to tiếng khiến lối xóm không ngớt than phiền trong suốt ba năm dài như vậy. Sau cùng, để giải quyết sự khiếu nại của lối xóm, cảnh sát đem máy đo âm thanh đặt tại hai nhà láng giềng. Quả thật lời quát mắng chồng của bà đã vượt quá mức cho phép. Sau nhiều lần cảnh cáo, cảnh sát đành phải lập biên bản và đưa bà ra Tòa. Tòa còn ra lệnh cấm bà la lớn trong 5 năm. Nếu vi phạm sẽ bị phạt 500 bảng Anh nữa và thêm 5 năm tù ở. Có người nghĩ không biết ông Tòa phạt Bà Julie Griffiths thật tình vì "có hành vi chống lại xã hội" hay đây chỉ là cơ hội ngàn năm một thuở để phục hận theo kiểu "giận cá chém thớt"? Phần lớn các ông khi đọc được tin này đếu lấy làm phấn khởi trong lòng, không dám để lộ ra trên sắc diện. Và cũng từ hôm ấy, Sở di trú Anh đón nhận khá nhiều hồ sơ xin di dân qua nước Anh giống như hồi sau 30/04/75, nhiều gia đình Việt nam tới xin tỵ nạn chánh trị vậy. 

Cũng đàn bà 
Ai cũng bảo các bà là vô cùng bí hiểm. Mò kim đáy biển còn dễ hơn tìm hiểu các bà. Thật ra các bà thường có đời sống tâm lý khá phức tạp. Có những phản ứng khó đo lường hoặc khó giải thích tại sao. Ở Pháp, hiện có tới 1/5 phụ nữ tìm cách giấu kích thước của thân thể. Không phải giấu với người ngoài, mà giấu sự thật đó với ngay chính mình. Thật ra, nói cho chính xác, có hơn 1 phụ nữ trên 5, tức 21%, thừa nhận là đã tự nói dối với mình về kích thước (taille/size) quần áo. Các bà đi mua quần áo cho chính mình với kích thước nhỏ hơn rất nhiều (kết quả điều tra của CodesPromotion.fr công bố hôm 31/10/2012). Nhu cầu có dáng vẻ mảnh khảnh hơn và mang ảo tưởng cho mình có tầm vóc một con người lý tưởng, đó là động cơ thúc đẩy các bà nói dối về kích thước thật của mình. Trong số 21% các bà nói dối, có 63% nhìn nhận nói dối là để tự tạo niềm tin, còn 29% tự tạo cho mình cảm giác dể chịu khi qua "két" trả tiền. Quần thường, quần Jean và sú-cheng là ba món đối tượng cho các bà nói dối. Trước tâm lý phức tạp này của các bà, thử hỏi Ngọc Hoàng Thượng Đế có giáng lâm liệu Ngài có thể hiểu nổi không?  

Một trường hợp khác, người ta kể, ở Pháp có một người đàn ông bị đi tù sáu tháng vì tội đánh vợ. Mãn hạn tù về chưa đầy một tuần lễ, anh ta đã khăn gói đến xin Ban Quản đốc nhà tù cho được tiếp tục ở tù thêm. Hỏi vì sao không ở nhà mà lại muốn vào tù? Anh ta thú thật, tuy ở tù chẳng sung sướng gì nhưng còn hơn ở nhà, vì ở tù không phải nghe vợ phát thanh liên tục bên tai suốt ngày đêm!   

Một cuộc điều tra xã hội học ở Trung Quốc trên 1.027 đàn ông ở nhiều vùng dân cư khác nhau với câu hỏi: “Vợ anh có thói xấu gì khó chịu nhất?”, thì đến 82% trả lời "đó là tật nói nhiều". Hóa ra, ai cũng sợ cái tánh nói nhiều, nói dai của các bà vợ. Nỗi sợ này có nguồn gốc sâu xa từ thuở nhỏ, các cậu bé đã bị mẹ mắng mỏ nhiều quá. Đàn ông lẩn tránh các “lời khuyên” của vợ cũng giống như khi còn nhỏ họ lẩn tránh lời dạy dỗ của mẹ. Thực tế “phái mạnh” luôn luôn là nạn nhơn chung thân của “phái yếu”. Ta thử kiểm điểm lại: lớn lên một chút bị chị mắng. Lớn hơn chút nữa, bị người yêu trách. Lấy vợ, bị vợ cằn nhằn, đay nghiến, quát tháo... Về già cũng chưa yên. Có cụ ông khi tiễn cụ bà về nơi an nghỉ cuối cùng đã tưởng từ nay mình được yên thân cho tuổi già. Nào ngờ, cụ lại phàn nàn: “Con gái tôi bây giờ cũng nói nhiều chẳng kém gì mẹ nó!”.  

Tại sao đàn ông, cả những người từng can trường, coi thường Việt Cộng mà lại sợ các bà nói và chỉ có nói mà thôi? Nói đâu có nguy hiểm chết người như quân địch vũ trang đầy người? Các ông sợ bà vợ nói nhiều vì nói làm cho người ta khó chịu đến mức có thể ăn không ngon, ngủ không yên, cứ chợp mắt là bị ác mộng giựt dậy, sức khỏe thể chất và tinh thần cùng suy thoái dần, chẳng bao lâu làm sinh bệnh mà... chết.  

Kết quả điều tra với các ông chồng, có đến 95% những bản văn của các bà vợ đều giống nhau! Nhiều ông chỉ thoáng nghe câu đầu đã biết toàn bộ nội dung của bản văn tuy chưa tới hồi kết thúc. Theo các nhà tham vấn gia đình thì trên đời khó có ông chồng nào thoát khỏi bị vợ chê. Đó là một thực tế khá đau buồn. Chồng bác sĩ thì bị vợ la rầy máy giặt ở nhà hư, chữa không được. Chồng làm nhà báo nói (Phát thanh và Phát hình) bị vợ phàn nàn suốt ngày chỉ nói chuyện không đâu mà không nói đươc một câu có ý nghĩa thực tế làm cho vợ hài lòng... Tóm lại là anh đã lấy vợ thì không cách gì mà anh có thể tránh khỏi bị vợ chê, không chuyện này thì chuyện khác. Xưa nay phụ nữ ít khi chịu khen chồng. Chỉ có so sánh chồng mình với người khác để chê trách. Nhưng liệu hồn nếu ông nào vì nổi nóng bảo bà ấy hãy ưng người đó đi, thì không phải bà ấy chỉ giẫy nẫy từ chối mà còn sấn tới cho biết tay bà nữa là khác!  

Vậy khi mới quen nhau hay mới yêu nhau, người phụ nữ có như vậy không? Thưa chắc chắn là không ạ. Các bà, các cô hiền và mềm nhũn như con chi chi. Chỉ từ lúc lên ngôi Bà thì nanh vuốt mới bắt đầu mọc, và dài ra và bén nhọn. Đã có những nghiên cứu tìm hiểu tại sao phụ nữ nói nhiều? Các nhà khoa học phát hiện nguyên nhân chính là do đàn ông. Vì hiện nay, người phụ nữ đã được luật pháp bảo đảm cho họ quyền bình đẳng với nam giới vậy mà hầu hết việc nhà, các bà vẫn còn phải đảm trách phần lớn như chăm sóc con cái, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa,... thì giờ dành cho các bà nghỉ ngơi vẫn còn quá ít so với số thì giờ của các ông được hưởng. Vậy muốn giúp các bà bớt la hét cho êm cửa, êm nhà, các ông có thể ăn ngon, ngủ yên, sức khỏe sung mãn, không có cách gì khác hơn là các ông đi làm về xông vào lo hết mọi chuyên ở nhà, từ dọn dẹp, cơm nước, chén bát, để các bà không có việc gì phải làm hết.  

Chắc chắn trong một lúc nào đó, các bà sẽ năn nỉ  các ông xin làm lại việc nhà. Vì sẽ cảm thấy phải chăng mình không còn phải là đàn bà nữa!  

Nguyễn thị Cỏ May   
(*) Rất tiếc không biết tên tác giả  

No comments:

Post a Comment