Pages

Wednesday, March 2, 2016

Giá Trị 1 Con Người Đáng Giá Bao Nhiêu Tiền?

 


Mỗi chúng ta sinh ra có thể xác và tâm hồn. Vì vậy mỗi chúng ta không ít thì nhiều đều có giá trị. Và bạn có nghĩ rằng giá trị đó phải được người khác tôn trọng không? Bạn sẽ trả lời là có. Vì ai cũng đáng được tôn trọng cả.


Nếu để so sánh 2 giá trị đó hẳn bạn sẽ chọn giá trị tâm hồn, đó cũng là điều khiến chúng ta khác so với động vật, con người cần có lòng nhân ái và phẩm chất của con người thì mới xứng là “anh linh của vạn vật”.

Nhưng sau khi đọc bài viết này bạn sẽ thấy giá trị kia cũng không hề nhỏ vì thực tế nhiều người đã phải bán máu để sống. Vậy nên không có tội ác nào kinh hoàng hơn khi lấy đi cả 2 giá trị cốt lõi này của 1 con người.

1. Giá trị tâm hồn
Một kẻ bần hàn, lang bạt có thể trở thành triệu phú trong 1 đêm nhưng tuyệt đối anh ta không thể bỗng chốc biến thành một người tao nhã, ăn nói văn vẻ…Tiền có thể làm cho người ta giàu có, vui vẻ nhưng chỉ nó thì không thể làm cho người ta trở nên cao thượng. Với những phẩm chất đặc biệt cần phải được hình thành trong một thời gian dài thì sự thay đổi càng khó khăn hơn.

Người ta có thể dùng những trang sức đắt tiền để làm cho ngoại hình của mình trở thành quý tộc. Nhưng không thể hóa trang cách ăn nói, khí chất và tâm hồn của mình cùng với tướng mạo trong một đêm để bước sang một thế giới mới. Trang sức chỉ tồn tại tạm thời, còn phẩm chất là bản chất vốn có. Vật chất có thể đột biến nhưng phẩm chất thì phải xây dựng dần dần. Vật chất dễ dàng mất đi nhưng phẩm chất luôn được mở rộng và phát triển.

Phẩm chất và khả năng thành công trong sự nghiệp của mỗi người không thể hiện rõ nét khi mới lập nghiệp, hay sau khi thành công, mà chính là trong những thời khắc khó khăn cam go nhất. Phẩm chất, tính bền bỉ và nghị lực của con người sẽ bộc lộ đầy đủ trong những thời khắc ấy.

Thực tiễn chứng minh, để có thành công lớn trong sự nghiệp không có ai chưa từng trải qua khó khăn và đau khổ. Thành công không phải là một sớm một chiều mà là cả một chặng hành trình đầy gian nan và thử thách.

Nhưng nếu như bạn sợ những điều đó mà không dám hành động, không dám đương đầu thì có lẽ… bạn vẫn sống. Nhưng chẳng nhẽ bạn lại làm như vậy? Trong khi bạn biết rằng phần thưởng sau thử thách là rất lớn và vẫn luôn chờ đợi bạn.
Trong con người bạn đã có những phẩm chất cần thiết?
Trong con người bạn chưa có những phẩm chất cần thiết?
Điều đó không quan trọng, quan trọng là bây giờ bạn nghĩ gì, và định làm gì.
Vì giá trị đích thực của bạn là những gì mà bạn sẵn sàng cố gắng dù chỉ là một chút.


2. Giá trị đong đếm bằng khoa học
Giá trị của con người được cân đo bằng nhiều cách khác nhau. Một nhà khoa học Mỹ đã phân tích các yếu tố trong con người và đánh giá như sau:
Trong con người có một số nước đủ để giặt một cái khăn bàn.
Máu chứa đựng một lượng sắt (Fe) đủ để làm ra 7 cái đinh đóng móng ngựa.
Một số vôi (Canxi) đủ để quét được một bức tường nhỏ.
Một số than (Các-bon) đủ để làm được 60 cây bút chì.
Và một lượng phốt phát (P) đủ để làm một hợp kim và một số muối khoảng một muỗng cà phê.

Trị giá của tất cả những yếu tố ấy dĩ nhiên không quá 1 USD, nhưng cũng trong một cách lượng giá hoàn toàn vật chất ấy, một chuyên gia nguyên tử lại ước tính rằng: Năng lượng nguyên tử trong mỗi một người có thể lên đến 11 triệu kw. Nghĩa là bình quân cứ mỗi giờ, mỗi một kilô sức nặng trong thân thể con người có thể sản xuất được 400.000 kw. Như vậy, mỗi người có thể trị giá đến 85 tỉ USD.


3. Giá trị được đo lường trên thị trường “chợ đen”
Đây là một giá trị mới phát sinh cùng sự phát triển của khoa học đã cho phép cấy ghép tạng. Ban đầu nó thể hiện hành động nhân văn khi 1 người hiến tặng cho người khác giúp họ kéo dài tuổi thọ. Việc đó không làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người hiến tạng, thậm chí có thể hoàn thành tâm nguyện người đã khuất.
Tuy nhiên, giá trị nhân văn ấy đã bị biến chất khi du nhập vào những quốc gia mà đạo đức con người đã bị tha hóa trong tình cảnh khốn cùng của cuộc sống.

Tại đây, khi giá trị một món hàng nội tạng tăng lên, thì giá trị tâm hồn con người bị tụt dốc nhanh chóng.
Song song với thoái hóa và biến chất trong lương tri còn là sự rẻ mạt của nhân mạng, tính mạng con người chẳng là gì khi so với món lợi khổng lồ thu được từ nội tạng của họ. Những đối tượng buôn người trở thành những tay đồ tể vô tri cắt vào da thịt đồng loại.

Một điều đáng nói khác là khi truyền thông đang phát triển như vũ bão trên các trang mạng xã hội thì các giá trị vật chất hư ảo được không ngừng cường điệu tôn vinh đã làm lu mờ giá trị của lương tâm.
Người ta quan tâm hơn về những “hot boy, hot girl”, những cô ca sĩ chân ngắn, chân dài với những mối tình “ngày nắng đêm mưa”, để rồi họ phớt lờ trước tội ác đang diễn ra chung quanh, thậm chí đang cận kề họ.

Con người đáng sợ nhất không phải khi họ tiểu nhân hay là ác nhân mà chính là khi họ trở nên vô tâm và sống trong vô minh. Bị lừa lọc dối trá và đủ thứ dẫn dụ, họ đã không còn biết đâu là đúng, đâu là sai.

Nhân đây, cũng xin gửi lời cảm ơn đến những người vẫn thầm lặng nói cho thế giới biết về những tội ác vẫn đang diễn ra, cảm ơn những con người không ngần ngại khó khăn và bất chấp hiểm nguy để nói cho nhân loại về những sự thật tàn nhẫn.

Đó có thể là những con người lặng thầm điều tra để vạch trần “bà thầy” Maria Duval, kẻ đã lợi dụng tín tâm của những người già và bệnh tật để lường gạt hàng trăm triệu USD trong suốt 20 năm qua.
Hay cũng có thể là những luật sư nhân quyền lên tiếng trước những bất công xã hội tại Trung Quốc và các nước Hồi giáo cực đoan, hoặc Hiệp hội bác sĩ chống mổ cướp nội tạng (DAFOH) đang tích cực điều tra và truy tìm bằng chứng vạch trần tội ác kinh doanh tạng người bất hợp pháp của chính quyền Trung Quốc.

Và những người đẹp đáng giá khác, dẫu không rực rỡ về nhan sắc nhưng lại đủ lan tỏa trong cộng đồng sức mạnh của dũng khí để chiến đấu với cái ác. Đó là cô hoa hậu Thế giới Canada Anastasia Lin đã bất chấp những đe dọa từ Trung Quốc để thực hiện sứ mệnh “vẻ đẹp vì công lý”. Hay người đoạt giải Nobel hòa bình năm 2014, cô nữ sinh Pakistan Malala Yousafzai, 19 tuổi, đã khiến thế giới phải nhìn lại tình trạng khốn khổ mà trẻ em nước cô hay tại những nước nghèo khác phải đối mặt.

Hay chính tại Việt Nam, bạn có thể bắt gặp hình ảnh vị luật sự Võ An Đôn gầy còm dám đối mặt với những hăm dọa nhiều bề, để tìm lại công lý cho những người thấp cổ bé họng chịu án oan sai.
Và còn nhiều lắm những con người dám đối mặt và lên tiếng trước những bất cập và bất công trong xã hội mà chẳng bao giờ được lên mặt báo. Đối với xã hội, họ là vô giá.

Sự hào nhoáng của truyền thông mà bạn đang đắm mình chính là liều thuốc tê khiến bạn quên đi nỗi đau cắt da cắt thịt. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thuốc tê quá liều có thể khiến bạn không bao giờ tỉnh lại.

Nguồn: tinhhoa net 

No comments:

Post a Comment