Pages

Wednesday, April 13, 2016

Cuộc Đối Thoại Thú Vị Giữa Mẹ Chồng Châu Á Và Châu Âu


Sự khác biệt văn hóa giữa châu Á và châu Âu .Dưới đây là cuộc đối thoại giữa hai người mẹ chồng điển hình của hai châu lục. Hãy đọc xem họ khác nhau như thế nào nhé.

Mẹ chồng châu Á: Con dâu tôi thật nhẫn tâm.
Mẹ chồng châu Âu: Sao vậy?
Mẹ chồng châu Á: Nó còn dám hỏi tôi có muốn đến sống ở viện dưỡng lão không?

Mẹ chồng châu Âu: Viện dưỡng lão cũng rất tốt ah, bây giờ tôi cũng đang sống ở đó.

Mẹ chồng châu Á: Đó là nơi mà những người già không nơi nương tựa mới đến ở. Tôi đã nuôi nấng con trai trưởng thành nên người như bây giờ, con dâu kết hôn với con trai tôi còn chưa chăm sóc cho tôi được ngày nào lại còn hỏi tôi muốn đi đến nhà dưỡng lão! Nếu tôi đi thì chẳng phải thành trò cười cho bạn bè và người thân sao?

Mẹ chồng châu Âu: Không đúng. Con dâu kết hôn với con trai bà là để cùng nhau chung sống với nó, vậy tại sao lại phải chăm sóc cho mẹ chồng? Nếu như con dâu cần chăm sóc mẹ chồng, vậy thì ai sẽ chăm sóc phụ thân của con dâu đây? Nhất là chúng ta giờ đã ở vào một độ tuổi nhất định, sống ở những căn hộ dưỡng lão là một điều rất thuận tiện. Làm sao mà bị người đời cười được? Nếu bà không muốn đi, có thể trả lời không! Thông cảm và hiểu lẫn nhau mới là điều quan trọng nhất.

Mẹ chồng châu Á: Con bé đã trở thành con dâu trong nhà vậy cũng chính là người nhà, tất nhiên cần phải chăm sóc cho tôi. Tôi đã đến độ tuổi này, nên cùng an hưởng tuổi già và sống vui vẻ cùng với con cháu. Sống trong nhà dưỡng lão, vừa cô đơn vừa trống vắng, chẳng phải quá đáng thương sao?

Mẹ chồng châu Âu: Con dâu kết hôn với con trai rồi sao lại có thể trở thành người của chúng ta? Người ta đã trưởng thành, lại cũng không phải do chúng ta dưỡng thành, cũng không hề tiêu tốn của chúng ta một đồng nào? Hơn nữa cũng đã vất vả sinh cháu cho chúng ta, vậy vì cớ gì lại bắt con dâu phục vụ? Huống hồ bà vẫn sống cùng với con trai? Điều đó không được, tôi mà sống cùng con trai hơn 2 tuần là sẽ không thoải mái, sẽ chịu không nổi.  

Mẹ chồng châu Á: Sống cùng con mình vui vẻ biết bao sao bà lại nói là không thoải mái?

Mẹ chồng châu Âu: Con trai tôi 18 tuổi đã rời nhà sống tự lập. Nó về thăm nhà vài ngày tôi rất hoan nghênh. Nhưng nếu sống ở nhà một thời gian dài, đặc biệt đưa cả vợ và con đến. Cuộc sống của tôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Mẹ chồng châu Á: Tôi không hiểu, sống cùng con cái mình lẽ nào không thoải mái cho được? Chúng ta là bậc trưởng bối, những chuyện của chúng lẽ nào chúng ta không được tham gia?

Mẹ chồng châu Âu: Thứ nhất, con chúng ta đã 18 tuổi rồi, đã là một người trưởng thành, nên biết tự lập. Thứ hai, chúng cũng cần phải  có sự riêng tư, tôi ở cùng với chúng chắc chắn không thoải mái.

Mẹ chồng châu Á: Phương tây các bà thật kỳ lạ, cái này cũng không được, cái kia cũng không được. Vậy lẽ nào cứ phải sống trong nhà dưỡng lão mới là “được”?

Mẹ chồng châu Âu: Tôi có cuộc sống của tôi, con trai tôi có cuộc sống riêng của nó. Nó đã kết hôn và tự có gia đình nhỏ của riêng mình. Tôi chắc chắn không thể làm “người thứ ba” xen vào cuộc sống của chúng.

Mẹ chồng châu Á: Những điều bà nói nghe có vẻ tốt! Nhưng bà nuôi nấng nó lên thành người. Nó kết hôn rồi, chúng cũng nên có hành động nào đó để báo đáp công sinh thành?

Mẹ chồng châu Âu: Báo đáp? Báo đáp như thế nào?

Mẹ chồng châu Á: Tất nhiên là đón chúng ta về sống cùng với chúng, khiến chúng ta có thể yên tâm an hưởng những năm cuối đời. Nhưng dù sao, bà cũng dọn vào nhà dưỡng lão sống rồi, nên bà không nhận được phúc phận này. Thế con dâu bà có đưa tiền cho bà không?

Mẹ chồng châu Âu: Cho tôi tiền? Tại sao?

Mẹ chồng châu Á: Đó là biểu hiện của tấm lòng hiếu thảo!

Mẹ chồng châu Âu: Không, không, không! Tôi không cần con dâu cung cấp tiền cho tôi. Tiền của chúng nên để dành để nuôi dưỡng các cháu. Số tiền đó có thể giúp con trai cùng trả các khoản tiền vay. Nếu có nhiều tiền hơn thì để chúng cùng đi du lịch nghỉ dưỡng, chúng có thể tự lo cho mình là tôi rất hạnh phúc rồi. Tôi không cần chúng phải phụng dưỡng tiền cho tôi.

Mẹ chồng châu Á: Tôi nhận thấy con dâu bà thật thoải mái và dễ chịu, không cần phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.

Mẹ chồng châu Âu: Trách nhiệm? Con dâu không cần phải có bất kỳ trách nhiệm nào với tôi.

Mẹ chồng châu Á: Không có trách nhiệm? Nếu bà không có tiền, bà sẽ không cần con dâu lo cho bà?

Mẹ chồng châu Âu: Tôi có tiền lương hưu, hơn nữa các khoản nợ tôi đã sớm trả xong. Tôi có đủ tiền để dưỡng già.

Mẹ chồng châu Á: Nếu bà mắc bệnh, lẽ nào không cần con dâu giúp đỡ?

Mẹ chồng châu Âu: Nếu tôi bị bệnh, viện dưỡng lão sẽ tự khắc đưa tôi đến bệnh viện.

Mẹ chồng châu Á: Nếu bà phải nhập viện, nếu cần người trông nom, lẽ nào không cần con dâu bà?

Mẹ chồng châu Âu: Người phương tây chúng tôi không có văn hoá con dâu phải trông nom mẹ chồng. Con dâu vốn đã có công việc của riêng mình, lại còn thêm rất nhiều công việc nhà, chỉ cần con dâu đến thăm tôi, thế là tôi đã thấy vui rồi. Tôi sinh con trai, là bởi vì tôi yêu nó, tôi chưa bao giờ hy vọng rằng con trai sẽ lấy một người mà người đó sẽ phải chăm lo cho tôi trong những năm cuối đời. Chúng đang ở giai đoạn phải dốc sức làm việc vất vả nhất trong cuộc đời, có quá nhiều việc để làm như: phải nỗ lực làm việc chăm chỉ, cần phải “chăm sóc” cho gia đình nhỏ hạnh phúc của mình, cần phải tận hưởng cuộc sống.

Mẹ chồng châu Á: Tôi cũng yêu con trai tôi, và tôi cũng biết rằng nó đang phải ở giai đoạn khó khăn làm việc chăm chỉ. Vì vậy, tôi mới muốn sống với chúng, để giúp chúng nuôi dạy con cái nên người.

Mẹ chồng châu Âu: Bà còn chăm cháu! Thật không thể tin nổi!

Mẹ chồng châu Á: Tại sao?

Mẹ chồng châu Âu: Chăm sóc con cái là trách nhiệm của cha mẹ, điều đó có liên quan gì tới bà? Con dâu bà mới là mẹ chúng, con trai và con dâu bà mới có quyền quyết định mọi việc hay tương lai cho cháu.

Mẹ chồng châu Á: Con dâu làm sao có thể hiểu được nuôi dạy con cái như thế nào! Con trai tôi đều do tôi nuôi lớn, do đó việc chăm sóc các cháu tôi chắc chắn phải biết rõ hơn chúng chứ.

Mẹ chồng châu Âu: Bà nói vậy không đúng rồi, hồi xưa khi bà nuôi dưỡng con trai, nếu mẹ chồng của bà xuất hiện và yêu cầu bà phải thế này phải thế kia thì bà có thoải mái không? Cháu là do chúng sinh ra, nên tôn trọng và không nên can thiệp vào cách nuôi dạy của chúng.

Mẹ chồng châu Á: Tôi hiểu rồi – Bà sớm đã đuổi chúng ra khỏi nhà, đến cháu bà cũng không muốn chăm sóc. Bà không có tình người, bà quá ích kỷ, thảo nào bà chỉ có thể sống ở viện dưỡng lão.
Mẹ chồng châu Âu: Tôi chắc là bị bà làm cho hồ đồ rồi. Bà nói bà yêu con trai mình nhưng lại làm phiền cuộc sống của chúng ở khắp mọi nơi. Bà nói rằng bà muốn giúp chúng giảm bớt những áp lực của cuộc sống, nhưng lại muốn chúng phải phụng dưỡng bà. Tất cả điều này có phải chỉ vì chống lại tuổi già?

Bà mẹ châu Âu thở dài, nhìn người mẹ châu Á đang làm mình thành lú lẫn và tiếp tục nói :

1. Con trai chúng ta chỉ là một người đàn ông bình thường, không phải như bà nghĩ rằng nó tuyệt vời nhất. Nó lấy vợ không phải là cô gái đó muốn “trèo” vào gia đình bà, do đó chúng ta cần quý trọng con dâu.

2. Con trai chúng ta lười biếng như thế nào, người làm mẹ như chúng ta lẽ nào không biết? Do vậy đừng lấy lý do con trai của chúng ta bận rộn mà cần con dâu phải làm hết việc nhà. Nó không phải đang bận trò chuyện trên facebook thì là chơi trò điện tử. Chắc hẳn trong tâm bà đều rõ.

3. Đừng để con dâu phải giống như bà, chăm sóc con trai mình. Cậu ấy là con trai bà, là chồng của con dâu bà. Con dâu chỉ có thể coi con trai bà là chồng chứ không thể coi chồng là con để chăm sóc được.

4. Đừng nên nói điều không tốt về con dâu trước mặt con trai bà, nếu bà làm vậy chỉ khiến chúng không thể ngừng các cuộc tranh cãi dường như vô tận. Khi chúng không thể chịu đựng được nữa, vậy kết cục của những cuộc cãi vã này là gì? Chính là ly hôn, nếu như đó là vì bà mà chúng ly hôn, vậy thì chẳng phải lỗi của những bậc làm cha làm mẹ như chúng ta rất lớn ư?

5. Những ngày tháng con dâu sinh và chăm sóc đứa bé, bà có thể không giúp đỡ, cũng có thể nói bà không có nghĩa vụ phải làm vậy. Nhưng hãy nhớ, khi bà cần sự chăm sóc, xin bà cũng đừng nhớ tới con dâu, bởi vì con dâu bà cũng không có nghĩa vụ phải như vậy.

6. Bà cũng đừng nghĩ rằng khi con dâu bà bắt con trai bà phải làm một chút việc nhà, thì là làm tội cậu ấy. Gia đình vốn gồm có 2 thành viên, và cậu ấy có nghĩa vụ phải chia sẻ, gánh vác cùng vợ.

7. Đừng bao giờ kể rằng nhà ai đó có con dâu tốt thế nào, có tốt đến mấy cũng là nhà người ta. Bà cũng không nghĩ, nếu bà muốn có một người con dâu tốt thì trước tiên cần phải làm một người mẹ chồng tốt?

8. Đừng nghĩ rằng bà đối xử tốt với con trai bà, thì con dâu sẽ phải nợ bà. Nếu bà muốn thu hồi nợ, thì cũng phải tìm đúng chủ nợ. Nếu bà hy vọng con dâu nên hiếu thuận với bà, quan tâm đến bà, thì cũng mong bà đối xử tốt với con dâu, dùng tâm đổi tâm. Chứ không phải là mình có nhu cầu, thì đòi hỏi người khác phải thoả mãn yêu cầu của mình.

9. Cũng đừng suốt ngày nghĩ tới nhà bố mẹ đẻ của con dâu có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu nhà đất, có nhiều đến đâu cũng không có liên quan gì tới mình, có quay vòng đến đâu cũng không đến lượt mình.

10. Khi con dâu về nhà mẹ đẻ, mua đồ cho bố mẹ mình, thì bà hãy nhớ đừng nên ghen tị. Bởi vì họ đã phải chi trả rất nhiều cho con dâu bà.
Người phụ nữ khi đã lập gia đình, họ sẽ trở thành khách đối với gia đình mình và thành người ngoài đối với gia đình chồng. Cô ấy sẽ mất đi tất cả, vậy rốt cuộc điều cô ấy nhận được là một người cấp phép cho mình?  
Nếu như bà cũng không yêu con dâu, thương nó, bảo vệ nó, vậy thì có phải nó sẽ trở thành một đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa?

Hơn nữa nếu người chồng thường xuyên nói với vợ mình rằng: hãy đối xử với mẹ anh thật tốt, mẹ đã nuôi anh khôn lớn không dễ dàng chút nào. Nhưng lại không hề có một người chồng nào nói: mẹ ơi, mẹ đối xử với vợ con tốt một chút, vợ con đã phải rời xa bố mẹ cô ấy để đến sống ở nhà chúng ta, đó không phải là một điều dễ dàng chút nào. Do đó chúng ta phải đối xử tốt với cô ấy???

Đến đây thì bà mẹ châu Á không trả lời mà chỉ trầm ngâm suy nghĩ. Nếu là bạn, bạn sẽ có cách nghĩ như thế nào?
Chắc hẳn câu truyện trên đã giải khai rất nhiều khúc mắc trong quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu hiện nay. Hy vọng rằng sau khi đọc được những điều này, sẽ càng có nhiều những gia đình vốn có quan hệ mẹ chồng – nàng dâu phức tạp trở nên đầm ấm và hạnh phúc hơn nữa.

My My/ Epoch Times

2 comments:

  1. .... phản biện vài dòng cho bài “Cuộc đối thoại thú vị giữa mẹ chồng châu Á và châu Âu” vì trong “đời thật” tôi có một bà mẹ chồng châu Âu còn tôi thì làm mẹ chồng châu Á đối với hai cô vợ của hai con trai tôi. Nhưng cái chính, tôi sẽ trình bày sơ về vấn đề văn hóa gia đỉnh Âu Á trên bình diện vĩ mô – tức là đặt trong bối cảnh của toàn xã hội.
    Âu hay Á, giữa mẹ chồng – nàng dâu là chuyện hai người đản bà cùng yêu một người đản ông. Tùy sự “trưởng thành” trong suy nghĩ của các nhân vật trong chuyện – cả ba người – mà liên hệ tốt đẹp hay không.
    Bà mẹ chồng đã nuôi con trai mình lớn khôn, công lao này không ai chối cải. Nhưng con dâu là người mang hạnh phúc đến cho người đàn ông ấy sau đó. Vai trò của cô quan trọng chứ. Đấng nam nhi nào cũng yêu mẹ mình – Bà mẹ là … mối tình đầu của bất cứ đứa con trai nào, Freud gọi đó là mặc cảm Oedipe (dựa theo chuyện Oedipe giết cha và sau đó cưới mẹ), các nhà xã hội học thì bảo sự xã hội hóa của nếp nhà ăn sâu cắm rế chằng chịt đến nổi các đấng ông chồng thường bảo rằng “mẹ nấu cơm ngon hơn vợ” chẳng hạn-
    Tội nghiệp nàng dâu lắm, vì yêu chồng mà phải … cáng đáng giang sơn nhà chồng, trong đó có bà mẹ chồng vốn là nội tướng của giang sơn vậy trước khi nàng về làm dâu. Cứ tưỡng tượng trên lý thuyết mà xem, trong một cái nhà lúc có dâu thành có hai …bộ trưởng nội vụ, vốn lại là hai “tình địch” – tôi vừa viết ở trên đấy vì hai bà này cùng yêu một người đàn ông. Ghen tị nhau, tranh quyền nhau là dĩ nhiên thôi. Xung đột như kiểu cô Loan với bà mẹ của Thân, trong tiểu thuyết Đoạn Tuyệt (Nhất Linh) là thí dụ, có vấn đề “mới cũ” thật nhưng cũng có vấn đề tâm lý ở đó.
    Một cách tổng thể, dù có khác nhau về văn hóa nhưng con người vẫn là con người, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, da vàng hay da trắng ngay bản thể không đơn giản. Trước nhất là vấn đề xung đột thế hệ.
    Thêm vào đó, quan niệm về bổn phận của con cái khác nhau nên liên hệ giữa các thế hệ ở chung một nhà có khác nhau khi ta ở trời Âu hay trời Á. Một bên là hiếu thảo, đền ơn trả ơn còn một bên là tự lập, tự lập cho hai phía, phía cha mẹ già cũng như phía đôi vợ chồng trẻ…
    Nhưng cái chuyện tự lập ở trời Âu mà bài viết chị vừa cho lên trang nói trên cũng hơi quá đáng, chị Kỳ Duyên ạ. Vì, trừ trường hợp ngoại lệ, đứa con nào cũng biết ơn cha mẹ, ngay cả ở trời Âu. Và cha mẹ già nào cũng ngại đi ở nhà dưỡng lão. Cách đây không lâu, dân Âu Mỹ gọi nhà dưỡng lão là “chỗ chờ chết” ấy mà. Hiện bên tôi, các người già vẫn cố gắng ở nhà riêng của mình lâu chừng nào tốt chừng ấy và nhờ các dịch vụ như y tá, người trông nôm, dịch vụ giao bữa ăn đến tận nhà, … Các dịch vụ này bảo hiểm xã hội trả tiền.
    Đúng ra, bên ta bảo “có con nhờ con, có của nhờ của” nên con cái phải lo cho cha mẹ lúc cha mẹ tuổi hạc đã cao. Ta lại thuộc văn hóa gia đình phụ hệ nên con trai – và từ đó, con dâu – phải lo cho cha mẹ (cha mẹ chồng).
    Ngày xưa, tức là trước 1945, chuyện đó cũng hiện hữu bên trời Âu nữa mà. Vì sao? Vì tương trợ xã hội chưa đủ để lo cho người già nên phải cậy trên tương trợ gia đình. Cấu trúc gia đình ở châu Âu lúc đó đa phần còn là gia đình ba bốn thế hệ. Bây giờ thì an ninh xã hội đủ lo cho người già, thành ra “trẻ” … thoát nợ. Gia đình hiện nay bên này là gia đình hạt nhân. Con cái lấy vợ lấy chồng là ra riêng.
    Từ đó văn hóa, cách suy nghĩ, đổi thay là vì thế. Dù rằng từ 1945 tới giờ mới có hai thế hệ thôi mà dân tình quan niệm khác xưa. Con cái không còn phải lo cho cha mẹ già.
    Và tôi tin rằng bên ta cũng sẽ như vậy trong tương lai. Nhất là hiện bên ta vấn đề đô thị hóa và toàn cầu hóa đang tiến triển như vũ bảo.
    Thành ra, “đối chọi” mẹ chồng Tây và mẹ chồng ta là đối chọi hai hoàn cảnh xã hội khác nhau chứ đúng ra hai bà, Tây hay ta, cũng chỉ là hai phụ nữ, quan niệm của họ lệ thuộc vào hoàn cảnh sống và giáo dục mà họ đã nhận được.
    Chúng ta, đa phần là “sản phẫm” của xã hội mà…
    Trong dấu ngoặc và để kết luận, tôi rất “thuận” với mẹ chồng của tôi và tôi rất yêu hai cô con dâu của mình. Hai cô ấy đã cho chào đời và nuôi dạy ba đứa cháu nội của tôi, vừa xinh vừa ngoan.
    Huỳnh Mai (Bỉ)

    ReplyDelete
  2. Cám ơn chị Hùynh Mai đã đọc và cho lời bình rất có gía trị và chí lý. Tôi cũng nghĩ như chị, tùy giáo dục của gia đình và hòan cảnh sống của mỗi người mà liệu cách cư xử với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ sao cho phải đạo làm con chớ không thể nghe theo ai là đúng, ai là sai.
    Dù cho mẹ chồng tây có khẳng định là không mong muốn con trai và dâu chăm sóc mình lúc tuổi già nhưng đó là nói theo tính độc lập tây phương chớ thật ra trong thâm tâm họ sẽ rất tủi thân, chua xót và đau buồn vô hạn khi bị con trai và con dâu "quăng" mình vào viện dưỡng lão.
    Mình cứ thử đặt mình vào hòan cảnh này thì biết. Đành rằng mưa từ trên mưa xuống chớ không mưa ngược lên bao giờ nhưng xưa nay cái lý lẽ "dưỡng nhi đãi lão" ai cũng phải nhìn nhận là đúng.
    NPN

    ReplyDelete