Pages

Friday, May 6, 2016

Bàn Tay Mẹ... - Đằng-Giao/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV) - “Vì Thượng Đế không thể có mặt ở mọi nơi nên Ngài đã tạo nên những người Mẹ.”
God could not be everywhere, and therefore he made mothers.
Rudyard Kipling

Từ hồi lớp Năm tiểu học, đoạn văn mở đầu truyện ngắn 'Tôi Đi Học' của nhà văn Thanh Tịnh đã in sâu trong tâm khảm tôi.
“Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.” (Thanh Tịnh)
Năm ấy lớp Năm cuối tiểu học, cô giáo cho tóm tắt đại ý đoạn văn mở đầu này, cả lớp gần như được điểm trên trung bình, kể cả Nguyễn TT, người “dốt văn kinh niên” toàn trường, chỉ riêng tôi là bị cô gọi lên, xoắn tai một cái đau điếng và bắt phải viết lại. Cô cau mặt: “Dốt gì mà dốt thế! Cái đại ý nó nằm sờ sờ ở ngay cái tựa mà còn không thấy thì còn thấy được gì?
Dĩ nhiên tôi về sửa bài lại cho vừa ý cô nhưng trong lòng, tôi hậm hực lắm. Chẳng qua là vì tôi cảm nhận rằng đoạn văn trên chỉ nói về người mẹ.

Sở dĩ cậu bé có được buổi sáng bàng bạc như bài văn ngày hôm ấy, sở dĩ cậu bé có được những ký ức thơ mộng tuyệt vời ngày hôm ấy, sở dĩ cậu bé có được bút pháp ngày hôm nay để mà viết về ngày hôm ấy, tất cả đều nhờ người mẹ. Không có người mẹ ngày hôm ấy đưa cậu bé đến trường thì làm gì có văn sĩ Thanh Tịnh viết Tôi Đi Học cho chúng ta đọc hôm nay?

Ngắn gọn hơn, không có mẹ thì không có thế gian này. Mẹ là đại diện của Thượng Đế. Thế mà bà cô giáo lại nỡ lòng xoắn tai tôi một cái đứng tim.
Đêm ấy tôi nhớ ơi là nhớ lần đầu mẹ dẫn đi mẫu giáo. Làm sao tôi quên được lời mẹ cứng rắn mà ân cần trước cửa lớp: “Cố học giỏi mai mốt mẹ già, con nuôi mẹ.”
Trời Sài Gòn không được thơ mộng như ở xứ Huế của Thanh Tịnh, buổi mai Sài Gòn không đầy “sương Thu và gió lạnh” mà chỉ đầy bụi bặm và ồn ào xe cộ. Thế mà lòng tôi vẫn lạnh căm căm sợ hãi. May thay có bàn tay mẹ tôi nắm chặt tay tôi như ngầm bảo: “Có mẹ đây, con cứ an lòng.” Làm sao tôi quên được ngày hôm ấy? Làm sao tôi quên được bàn tay ấy
Đêm ấy tôi trằn trọc mãi dến 5 giờ sáng mà vẫn ngủ không được.
Phần tai vẫn còn rát, phần vì xấu hổ với con bé Tuyết Lê má lúm đồng tiền và đôi mắt nâu nâu lúng liếng biết cười.
Nhưng quan trọng nhất là tôi cảm thấy mình bất lực, không đủ can đảm để mà bênh vực cho người mẹ trong tuyện. Vì chính bản thân tôi cũng được mẹ cầm tay dẫn đến trường mỗi đầu niên khóa mới, từ Mẫu giáo đến lớp Hai.

Năm lớp ba, mẹ tôi không dẫn tôi đi học nữa chẳng phải vì mẹ nghĩ tôi đã lớn mà chỉ vì năm ấy bố tôi qua đời, mẹ trở thành góa phụ, phải đi dạy để nuôi một mẹ già và năm đứa con thơ dại, tôi lớn nhất mới tám tuổi và đứa em út mới lên hai. Mẹ tôi thì vừa vặn 33 tuổi.
Tôi tuy đi học một mình nhưng lòng luôn luôn ấm áp và chân bước vững vàng vì bên tôi, tôi vẫn cảm thấy hơi hướm mẹ hiền. Có mẹ bên mình, tôi chả có gì để mà e ngại nữa cả.

Rồi bập bềnh nổi trôi theo mệnh nước, năm lên 20, tôi từ biệt mẹ rời quê hương lên đường vượt biên vì nếu ở lại thì tôi chắc chắn sẽ phải bị cưỡng bức đi “nghĩa vụ quân sự” phải cầm súng sang Cambodia bắn giết dân địa phương để “bảo vệ” Việt Nam.
Năm ấy là 1982.
Biết mình vốn yếu lòng nên trước giờ chia tay, tôi không dám đến gần mẹ và bà ngoại để mà cầm tay hai vị mà chào vì sợ khi nhìn sâu vào mắt hai vị, tôi sẽ không đành lòng mà ra đi được.

Phải nhớ là hồi 1982, ai ai cũng nghĩ rằng một khi đã vượt biên thì coi như là tử biệt, sinh ly rồi. May mắn mà đi thoát thì trọn đời cũng sẽ không bao giờ mẹ con được nhìn nhau nữa đâu.

Lần ấy tôi chỉ dám nhìn mẹ và bà tôi qua khung cửa sổ, không dám nói gì vì tai vách mạch rừng, công an khu vực mà biết thì chỉ có nằm tù dài hạn. Mẹ con nhìn nhau nghẹn ngào quặn ruột, nuốt vội nỗi xót xa vào bụng. Mở mắt thật to để ghi nhớ hình ảnh hai người đàn bà thân yêu nhất đời tôi vào tâm khảm mà lạ lùng sao, hai gương mặt ràn rụa của bà và mẹ tôi cứ nhạt nhòa rồi mờ dần, mờ dần.
Hôm ấy tôi bỏ gia đình, bỏ mẹ hiền, bỏ quê hương. Hôm ấy tôi ra đi.
Hôm ấy mẹ không cầm tay mà dẫn tôi đi được. Tưởng rằng tôi sẽ chẳng bao giờ cần mẹ dẫn đi đâu nữa.

Năm ấy là 1982. Tôi 20 tuổi.
Thế nhưng suốt cuộc hành trình đầy bão giông sóng cả, có lúc tưởng đã bỏ mạng giữa biển Đông mà sao lòng tôi không hề mảy may sợ hãi. Vì trong tim tôi, tay mẹ tôi vẫn ấm áp dẫn dắt. Trong tôi luôn có mẹ.
Rồi năm tháng trôi đi... trôi đi...
Năm 1992, tôi bảo lãnh được gia đình tôi, bà ngoại, mẹ tôi và 4 người em sang đây theo chương trình đoàn tụ ODP.
Rồi năm tháng lại tiếp tục trôi đi... trôi đi...

Năm nay là 2015.
Tôi 53 tuổi đời thì mẹ đã 77 Xuân qua.
Tiết sớm mai Cali hôm nay, Thứ Hai, 4 Tháng Năm, 2015, tuy không có sương Thu và gió lạnh như cái không gian nhẹ nhàng thơ mộng Huế của văn sĩ Thanh Tịnh và ở cái tuổi ngoài năm mươi rồi, nhưng lòng tôi bất chợt thấy ngút ngàn cái nao nức xôn xao như cậu bé trong truyện ngắn này.

Từ góc đường Beach-Warner, tôi lái xe xuống phố Bolsa mà nghe lòng hồi hộp lạ lùng. Con đường quen thuộc hàng ngày từ bao nhiêu năm nay sao mà lạ lẫm làm sao ấy. Và lòng tôi, một người đàn ông ngũ tuần tưởng đã chai lì cảm xúc sao hôm nay lại luống cuống bồi hồi như đứa bé lần đầu tiên đi học trên con đường làng của cái thời xa xưa ấy.

Con đường vẫn đông đúc xe cộ như mọi hôm; người ta vẫn tất tả ruổi rong qua lại như hàng ngày mà sao tôi lại thấy cảnh vật chung quanh, từ hàng quán đến cây cối thật xa lạ, thật ngỡ ngàng. Ấy chỉ vì hôm nay lòng tôi rộn ràng thèm được mẹ cầm tay dẫn đi: Hôm nay tôi đi làm.
Hôm nay là ngày đầu tiên tôi nhận việc ở nhật báo Người Việt, tờ báo đầu tiên và là niềm hãnh diện của cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Mẹ tôi vì dang dở việc kinh kệ, phải tụng niệm ở chùa suốt tám tuần như đã khấn hứa nên sáng nay không thể ngồi bên tôi, cầm tay tôi như thuở nào. Nhưng trong tôi, dù lái xe một mình vẫn phải tự trấn tĩnh sự hồi hộp trong tâm bằng bàn tay mẹ trong tim.
Mãi đến hôm nay, ở tuổi 53, tôi mới biết rằng tôi chưa bao giờ đủ khôn, đủ lớn để có thể không cần bàn tay mẹ. Hôm nay tôi mới biết chắc rằng bàn tay mẹ từ năm mẫu giáo đến nay, tôi vẫn nắm chặt và ngay cả lần vượt biên năm ấy, tôi cũng chưa hề buông ra. Tay mẹ vẫn dẫn dắt con trọn đời.

Người ta hay nói rằng dù có bao nhiêu tuổi đi nữa thì con cái vẫn không thể lớn khôn dưới mắt mẹ cha. Tôi thì nghĩ rằng con cái CÓ khôn lớn; nhưng dù khôn lớn đến đâu thì con cái vẫn mãi cần mẹ cha.
Mother's Day. Lễ Mẹ. Ngày của Mẹ. Chung quanh tôi, người ta đang nô nức mua quà cáp, hoa to, hoa nhỏ hoặc đặt tiệc ở nhà hàng để trọng đãi mẹ họ.

Tôi thì không. Hôm ấy tôi sẽ không làm gì khác cả.
Tôi không đợi đến ngày Chủ Nhật Thứ Hai của tháng năm để mà nghĩ về mẹ.
Sự tri ân sâu xa ấy, tôi vẫn dành cho mẹ tôi hàng ngày.
Mẹ ơi, mẹ chưa già đâu, nhưng con xin được phụng dưỡng mẹ hàng ngày vì mọi ngày đều là ngày của mẹ.
Và bàn tay mẹ sẽ luôn luôn, mãi mãi dẫn dắt và bảo vệ con

Đằng-Giao/Người Việt

No comments:

Post a Comment