Pages

Thursday, June 30, 2016

Hành Thiện Mà Không Cầu, Tự Nhiên Được Báo Đáp


Hành thiện mà không cầu báo đáp sẽ khai mở thiện tâm của người khác và giải được khổ nạn của bản thân. Dưới đây là một câu chuyện như vậy.


Vào thời nhà Thanh có một thương nhân họ Trương vượt sông Dương Tử từ phía bắc tới phủ Giang Ninh (hiện gọi là Nam Kinh), để thu nợ.

Ông dự định sẽ trở về nhà vào dịp Tết Nguyên đán ngay trước khi kết thúc năm cũ. Cùng với hành trang trên vai, ông đã rời nhà từ rất sớm, nhưng phải ngồi ở dưới mái hiên của một ngôi nhà trong chợ để chờ cổng thành mở.
Sau khi chờ một lúc, ông Trương mệt mỏi đến mức phải bỏ cuộc, đặt chiếc túi vải đầy bạc xuống, rồi ngồi lên nó, và nhắm mắt nghỉ ngơi. Khi cổng thành mở, ông vội vã chạy ra cổng cùng với hành trang trên vai, nhưng quên mất chiếc túi vải mà ông ngồi lên. Khi ông phát hiện ra mình không mang túi theo, thì ông đã đi xa hơn 1 dặm. Ông lập tức hớt hải chạy lại chỗ cũ, nhưng lúc này chợ đã đông kín người và túi của ông không còn ở đó nữa.

Ông Trương chau mày lo lắng và tìm xung quanh, hy vọng ai đó sẽ gửi lại cho mình chiếc túi. Một cụ già đến và hỏi xem có chuyện gì. Cụ lắng nghe rồi mời ông Trương về nhà nói chuyện: “Lão thấy có một cái túi ở trên mặt đất khi mở cửa sáng nay. Lão không biết liệu đó có phải của ông không”.
Ông Trương đáp: “Trong túi có hai phong bao, mỗi cái có một số lượng thoi bạc. Cái lớn hơn là của ông chủ tôi, còn cái nhỏ hơn là của tôi”. Ông lão kiểm tra các món đồ trong túi, quả nhiên đúng như ông Trương mô tả. Do đó, ông lão đã trả lại túi cho ông Trương.

Ông Trương cảm động đến rớt nước mắt và muốn cảm tạ ông lão bằng thỏi bạc của mình. Ông lão cười và đáp: “Nếu lão thích tiền đến vậy thì lão đã không nói với ông về cái túi đó. Ông hiểu chứ?”. Ông Trương hỏi tên ông lão và trở về nhà.
Khi ông Trương đợi phà qua sông, một cơn gió mạnh bỗng nổi lên. Nhiều thuyền đã bị lật, và nhiều hành khách đang bị chết đuối. Chứng kiến cảnh tượng hãi hùng này, ông Trương xúc động: “Hôm nay mình đã bỏ quên túi bạc phải quay lại tìm. Không nhờ có việc đó, thì mình có thể đã chết. Mình thực sự đã được tái sinh”.

Ngay lúc đó, ông đã dùng toàn bộ số tiền của mình để thuê người cứu những người đang bị chết đuối. Vài chục người đã được cứu nhờ thiện tâm của ông.
Tất cả những người sống sót đều đến cảm tạ ông Trương đã cứu họ. Trong số đó, thật tình cờ lại có một người chính là con trai của lão nhân mà đã trả lại chiếc túi bạc cho ông Trương; anh đang trên đường trở về nhà sau chuyến buôn bán ở khu vực phía bắc sông Dương Tử.
Ông Trương đã rất ngạc nhiên về điều này. Sau đó ông kể câu chuyện của mình cho những người có mặt ở đó, và mọi người đều ngạc nhiên trước sự việc kỳ lạ này. Họ cảm nhận được rõ ràng thiên lý về hành thiện đắc thiện quả. Về sau, hai gia đình này cũng đã trở thành thông gia của nhau.
*****
Trong câu chuyện này, vị lão nhân đã không bị mê muội bởi tiền tài và cũng không đòi báo đáp. Ông không chỉ cứu ông Trương trong khổ nạn mà còn gieo mầm thiện trong tâm của ông Trương, do vậy đặt định được cơ duyên để con trai ông được cứu sau này.
Bạn có thể hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vị lão nhân đó bị mê muội bởi tiền tài không? Ông Trương có thể sẽ tự vẫn vì bị mất số tiền lớn, và tiếp đó, sẽ không có cơ hội để cứu nhiều người khỏi chết đuối, trong đó có cả con trai của lão nhân đó. Ngay cả khi ông Trương không chết và có lòng trắc ẩn đối với những người đang bị chết đuối, thì ông cũng sẽ không có tiền để thuê người cứu họ.
Mặt khác, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu như ông Trương không quan tâm gì đến những người đang chết đuối kia.

Cổ nhân thường nhắc nhở rằng: “Hành thiện mà không cầu báo đáp sẽ khai mở thiện tâm của người khác và giải được khổ nạn của bản thân; cứu người trong lúc khốn đốn sẽ giúp họ tích lũy của cải để hành thiện và nhận được sự giúp đỡ của người khác”.
Cuối cùng, xin có lời khuyên như sau: “Thà làm chút điều thiện để tích phúc cho tương lai còn hơn ngán ngẩm trước tha hóa đạo đức; thà hàng ngày giúp người để gieo trồng cơ duyên giải trừ khốn đốn còn hơn ngán ngẩm trước đạo đức suy đồi”.

(Câu chuyện được trích từ cuốn Hi Triều Tân Ngữ của Từ Tích Linh và Tiễn Vịnh)

Theo minhhue.net

Tại Sao Obama Hấp Dẫn Giới Trẻ? - Ngô Nhân Dụng


Ba tuần lễ sau khi Tổng Thống Mỹ Barack Obama rời Việt Nam, nhiều người vẫn phóng lên Internet những bức chân dung ông, do các họa sĩ Việt Nam đưa lên mạng. Những chân dung rất giống, được chuyền tay khắp các diễn đàn. Hình vẽ Obama của họa sĩ Bùi Anh An được sáu ngàn người bấm “like (thích) trên Facebook, hàng trăm người viết lời bàn. Cô Nguyễn Túy Nguyệt, 21 tuổi, sinh viên Kiến Trúc ở Thủ Dầu Một tâm sự: “Obama là thần tượng của mình từ lâu.” Tại sao có những bạn trẻ thích vẽ chân dung ông tổng thống nước Mỹ? Tại sao hàng ngàn người khác chuyển những bức họa này cho bạn bè coi? Tại sao giới trẻ Việt Nam lại hào hứng về chuyện ông Obama ghé thăm nước mình như vậy?

Nói như Giáo Sư Trần Ngọc Vương ở Hà Nội, ông Obama đã “chạm tới trái tim” của tất cả mọi người, những người được thấy hình ảnh ông, được nghe ông nói. Ông Nguyễn Quang Chơn nhận xét trên mạng: “...đối với người dân Việt, cái mà ông Obama đem đến chính là phong cách của ông, con người của ông.”

Có người coi các bức chân dung Obama xong đã viết: “ông đến đây cho chúng tôi một niềm vui lẫn hy vọng...” Một người ngoại quốc lần đầu tới nước mình mà biết dẫn hai câu thơ ân cần hò hẹn của Nguyễn Du (câu 455 và 456 trong Truyện Kiều)! Lại biết trích dẫn bản tuyên ngôn độc lập “Nam quốc san hà Nam đế cư” của Lý Thượng Kiệt! Nếu gặp một người Ðức, người Mỹ, người Nhật hay người Uganda như vậy ở trong quán phở hay đang cùng đứng chờ xe buýt, mình đã muốn bắt tay kết bạn rồi. Nữa là một ông tổng thống một cường quốc!

Trong phong cách Obama, bài diễn văn của ông ở Hà Nội đã “chạm lòng người” ngay tức khắc! Không phải những điều ông đề cập trong nội dung mà ngay cách trình bày của ông đã động tới trái tim người nghe. Tiến Sĩ Ðinh Hoàng Thắng, một cựu nhân viên cao cấp Bộ Ngoại Giao Việt Nam, nhìn thấy cung cách Obama trong bài diễn văn khác hẳn những gì người Việt Nam vẫn thấy trong giới lãnh đạo: “Nó ấn tượng ở chỗ, loại diễn văn như thế thường được viết và đọc lại bằng một thứ ngôn ngữ 'gỗ,' khô không khốc. Nghe xong cứ như nước đổ đầu vịt. Không nhớ cái gì cả. Thi thoảng có chỗ nào ‘lên gân’ thì biết ngay là rởm (không phải hàng thật).”
Những người bị bắt buộc “ăn cá gỗ” bao nhiêu năm, giờ được nếm cá tươi, ai chẳng ngạc nhiên cảm động?

Nhưng cuộc chuyện trò của Tổng Thống Obama với các thanh niên, sinh viên ở Sài Gòn gây ấn tượng mạnh và lâu bền hơn bài diễn văn chính thức ở Hà Nội. Có lẽ thính chúng hôm đó trong đời chưa bao giờ nhận được nhiều ý kiến và hiểu biết mới mẻ như vậy trong vài tiếng đồng hồ. Họ có thể ngồi coi lại phim video chiếu cảnh gặp gỡ đọc lại bản dịch ra tiếng Việt các câu đối đáp, để ôn lại những bài học đáng nhớ suốt đời. Mà người trao cho họ những hành trang tinh thần đó không có vẻ lên lớp, không mang giọng thầy giáo, kẻ cả, bề trên. Không tự quảng cáo bằng cấp, địa vị, quá khứ, thành tích ghê gớm của mình, dù chỉ gợi ý bóng bẩy cũng không. Người nói còn tỏ ra khiêm cung, tự hạ mình một cách thành thật, nghe có thể tin được ngay.

Như khi ông Obama tâm sự với với giới trẻ ở Sài Gòn, “...khi còn trẻ như các bạn, tôi sống không kỷ luật, không được giáo dục và không hiểu biết như các bạn bây giờ. Khi còn trẻ tôi là thằng lông bông không coi học hành là quan trọng. Lúc đó tôi chỉ thích bóng rổ và nghĩ đến các cô gái. Các bạn khá hơn nhiều.” Những điều này không thể nói dối được, ai cũng có thể kiểm lại trong các cuốn tự truyện của Obama.

Khi bàn chuyện chính trị, Obama cũng giữ giọng khiêm cung, thành thật, Không một lời tuyên truyền hoa mỹ khó kiểm chứng. Ông thú nhận: “...tôi biết rằng, nhiều quốc gia nhìn vào hệ thống bầu cử của Mỹ và cho rằng, đó là một mớ hỗn tạp. Tuy nhiên, cuối cùng mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp... Ðôi khi chính trị không biểu hiện được hết bản chất tốt đẹp của một người.” Nhưng ông tin tưởng dân chúng nước ông, tin vào thể chế dân chủ: “...thường thì người dân đi bỏ phiếu vẫn chọn đúng ứng viên thích hợp, vẫn bảo vệ được thể chế dân chủ.” Ông không quảng cáo chế độ dân chủ như một lý tưởng hoàn hảo; nhưng chỉ như một phương thuốc để chữa trị những lầm lẫn: “Một trong những điều vĩ đại của nước Mỹ là ngay khi phạm sai lầm, chúng tôi vẫn thích nghi, thay đổi đúng lúc, vạch ra đường lối mới để sửa chữa, và đi những bước hoàn toàn khác.” Nói “chúng tôi” ở đây tức là tất cả mọi người dân, không phải đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa vĩ đại, quang vinh! Làm cách nào 300 triệu dân Mỹ có thể sửa chữa các sai lầm? Họ dùng lá phiếu tự do. Quốc Hội của họ không phải chỉ là bọn đầy tớ, tay sai, gọi đâu dạ đó!

Ông Obama không nói về chính mình, nhưng cuộc đời ông là bằng chứng cho thấy thể chế tự do dân chủ đưa tới những kết quả thế nào. Nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Ðà Lạt, không có mặt trong phòng trực tiếp nghe ông Obama nói, cũng nhìn thấy “tính ưu việt của nền dân chủ Mỹ,” như lời ông viết: “Tôi tin rằng người dân (Việt Nam) ý thức rất rõ: Một chàng trai gốc Phi Châu có tên Barack Obama xuất thân bình dân, trở thành tiến sĩ luật, thành nghị sĩ rồi làm tổng thống Mỹ chính là biểu hiện tính ưu việt của nền dân chủ Mỹ mà bất cứ ai, bất cứ thế lực nào dù ác ý đến đâu cũng không thể tìm cách gì hạ thấp.” Trong bài viết với tựa đề đầy đủ “Thân Mỹ, chống bành trướng, chống độc tài, cứu nước, cứu nhà, cứu mình!” nhà thơ dùng từ “tính ưu việt” nghe rất “kêu,” chắc vì còn nhớ những câu tuyên truyền một chế độ “ưu việt gấp trăm ngàn lần chế độ dân chủ tư sản!” Thực sự, những người đã chọn và sống trong chế độ dân chủ đều rất khiêm tốn: Dân Chủ là thể chế chẳng ra cái gì cả! Có một điều, so với các thể chế chính trị đã dùng thử trên trái đất này, thấy nó đỡ tệ hại nhất!
Ông Vũ Tú Thành, một cựu nhân viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam diễn tả rõ hơn: “Chúng tôi nhìn về phía nước Mỹ - Mình cũng có thể giống như vậy! Ông Obama là biểu tượng cho những giá trị mà người Việt Nam rất yêu quý.” Hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam ngồi coi và đọc lại cảnh Obama đối đáp và những lời ông nói, chắc cũng nghĩ như thế: “Nước mình cũng có thể giống như vậy!”

Nhiều bài học giới trẻ tiếp nhận được từ ông Obama nghe rất thực tế. Tương lai mình ra sao? Obama khuyên họ hãy tìm xem mình thích điều gì rồi hết sức thực hiện: “Các bạn cần phải mang niềm say mê một điều gì đó... Ý tôi muốn nói là, nếu bạn thực sự say mê công việc mình làm, dần dần, bạn sẽ phát triển và mọi người sẽ kính trọng những gì mà bạn làm được... Rất nhiều những người mà tôi gặp đều rất thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau, họ đều là những người rất yêu công việc của mình.”

Lời khuyên trên, nếu thực hiện, có thể sẽ giúp một người trẻ tuổi thành công, họ có thể thành người lãnh đạo. Obama nêu thí dụ một người ai cũng biết, để minh chứng lời khuyên của mình: “Khi Bill Gates thành lập Microsoft, ông ấy không hề nghĩ rằng mình sẽ là tỷ phú. Ông ấy chỉ nghĩ rằng, tôi rất thích máy tính và tôi muốn tìm cách viết những phần mềm tiện dụng nhất.” Rồi Obama tự kể: “Bản thân tôi lúc đầu cũng không nghĩ rằng mình sẽ là tổng thống Mỹ.” Việc công ích đầu tiên mà ông say mê “khi tôi không còn muốn lông bông,” là đi giúp những người da đen nghèo khổ ở Chicago, tạo cơ hội cho họ vươn lên. Ông chỉ nghĩ đến việc tranh cử khi thấy rằng nếu có quyền trong tay mình sẽ làm được nhiều điều ích lợi hơn. Chính trị không phải mục đích mà chỉ là một phương tiện để thực hiện “điều mình say mê muốn làm.” Ông Obama không nói rõ như thế, nhưng thanh niên Việt Nam ai cũng có thể tự hiểu được. Obama kể chuyện Bob Moses và John Lewis, hai người trợ lực của Mục Sư Martin Luther King mà ít người biết tới: “Họ là những người giúp đỡ dân nghèo, thúc đẩy những người này trở thành các cử tri đi bỏ phiếu, giúp họ tham gia ngày một sâu hơn, tích cực hơn vào đời sống xã hội. Họ là những nhà lãnh đạo vô danh nhưng là những nhà lãnh đạo làm chúng ta kinh ngạc. Dù họ không bao giờ có những bài diễn thuyết tuyệt vời trước những quần chúng lớn.”

Ông đã gieo những hạt giống lý tưởng, vị tha trong lòng những bạn trẻ còn sống với lý tưởng vị tha: “Nếu các bạn quan tâm đến mạng xã hội hay đến việc mở công ty, hãy tập trung vào việc đó. Nếu các bạn quan tâm đến việc chăm sóc y tế cho người dân tại các làng xã Việt Nam, hãy tập trung vào việc đó. Nếu làm tốt việc của mình, dĩ nhiên, bạn sẽ trở thành người đứng đầu và bạn sẽ có cơ hội để làm những điều lớn lao hơn trong tương lai.” Chắc các bậc cha mẹ, các huynh trưởng Hướng Ðạo ở nước ta cũng chỉ mong có người khuyên con em mình những lời như vậy. Khác hẳn những khẩu hiệu tuyên truyền lừa dối đã quen tai.

Một đoạn ứng khẩu lý thú của ông Obama, có thể thành đề tài suy nghĩ cho các thanh niên Việt Nam cũng như những người lớn tuổi, là khi ông trả lời câu hỏi thực tế: “Làm cách nào để các sinh viên du học sẽ trở về nước làm việc?”

Obama trả lời thắc mắc này: “Tôi cho rằng, cách tốt nhất để giữ chân nhân tài là các quốc gia phải đảm bảo được rằng, nhân tài phải được tưởng thưởng xứng đáng. Và cách chính để tưởng thưởng họ, là cho họ sống trong một xã hội có tinh thần thượng tôn pháp luật đầy đủ; một hệ thống giáo dục tốt (khi muốn lập một doanh nghiệp, bạn không chỉ cần chính bạn được giáo dục tốt mà còn phải tuyển dụng được những người cũng được giáo dục tốt); một môi trường giúp nhà kinh doanh dễ mở xí nghiệp; ...Khung cảnh đó sẽ khiến các tài năng trẻ thấy rằng, nếu trở về nước mình sẽ có cơ hội tốt nhất.”

Trong câu trả lời trên, Obama không nhắc tới đồng lương tương xứng, không nói tới các điều kiện làm việc, nhưng nhấn mạnh đến khung cảnh xã hội, chính trị một quốc gia. Tất cả thính chúng nghe ông nói sẽ phải suy nghĩ. Ông còn nói một điều cụ thể hơn: “Những nước mất nhiều nhân tài nhất là những nơi nạn tham nhũng hoành hành. Bởi vì ở đó, dù có làm việc chăm chỉ đến mấy, bạn vẫn phải hối lộ, bạn vẫn phải tuyển dụng người thân của một ai đó để được cấp giấy phép làm cái gì đó.” Không một lời chỉ trích chính quyền Cộng Sản, ông Obama chỉ gợi ý cho giới trẻ suy nghĩ. Cũng như khi bàn về môi trường sống, một đề tài gan ruột của Obama, ông vẫn gợi ý: “Tại đồng bằng sông Cửu Long có những nơi chịu hạn hán gay gắt, trong khi những nơi lại chịu cảnh lụt lội.”

Tại sao nhiều họa sĩ trẻ tuổi vẽ chân dung Obama? Tại sao hàng ngàn người đưa các chân dung đó lên mạng? Vì ông đã chạm vào trái tim họ. Họ có thể nhìn Obama như một huynh trưởng cho mình nghe những lời khuyên thực tế mà chính “đàn anh” đã thí nghiệm bằng cuộc đời mình. Họ có thể thấy ông phác họa hình ảnh một xã hội đáng sống, với “những giá trị mà người Việt Nam rất yêu quý!” Những lời ông nói sẽ còn được giới trẻ suy ngẫm rất lâu.

Ngô Nhân Dụng

Tiệc Cưới Độc Đáo* - Giang Hà


Lễ thành hôn màu cờ sắc áo
Huỳnh Công Thuận + Thanh Hải cô giáo
Chúc trăm năm tuổi thọ kết lâu
Mừng hạnh phúc đời nhiều con cháu
Trai tài trí dũng gốc dân oan
Gái sắc kiên cường nguồn chiến đấu
...Forever... sông núi nước Nam
Hởi hồn thiêng tiệc cưới độc đáo...

  Giang Hà
Melbourne   29/06/2016
*Cảm tác theo Fb. Huỳnh Công Thuận
Sài Gòn Lễ thành hôn màu cờ sắc áo 25/06/2016.
Tại nhà hàng Forever

Wednesday, June 29, 2016

Ảnh Đẹp Về Ruộng Bậc Thang Của Nhiếp Ảnh Gia Nga Yury Pustovoy

Qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nga Yury Pustovoy, những thửa ruộng bậc thang ở Tây Bắc Việt Nam hiện lên đẹp như thiên đường nơi hạ giới.

Hình ảnh được nhiếp ảnh gia Yury Pustovoy đăng tải trên trang 500px.com.




















Theo KIẾN THỨC

Kịch Bản Giả Định Về Tương Lai Việt Nam - VietTuSaiGon


Hiện tại, khói lửa chiến tranh Việt - Trung có vẻ như đang bén. Nhưng, cũng có khả năng sẽ không có cuộc chiến tranh nào giữa Việt Nam và Trung Quốc và nếu có súng nổ chăng nữa thì đó cũng là những phát súng thí tốt để hợp thức hóa những thứ đã ký kết trong hội nghị Thành Đô giữa đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) và đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến đây, có hai tình huống: Giả sử có chiến tranh Việt - Trung xảy ra thì như thế nào? Nếu có những phát súng hợp thức hóa diễn ra thì ra sao?

Nếu có chiến tranh Việt - Trung xảy ra, thì chắc chắn khả năng mất thêm đất liền và mất toàn bộ biển đảo trên biển Đông là có thật. Bởi khác với cuộc chiến năm 1979 một trời một vực. Nếu như năm 1979, quân đội CSVN bị bất ngờ bởi các cuộc tiến công vào chiến trường Đông Bắc và Tây Bắc. Nhưng sự bất ngờ đó chỉ diễn ra trong chớp nhoáng thì phía quân đội CSVN đã kịp đưa quân tăng cường từ các đơn vị đồng bằng để ứng cứu. Và lò lửa chiến tranh chỉ cháy duy nhất ở chiến trường biên giới phía Bắc.

Ngược lại, nếu có chiến tranh trong đất liền hiện tại thì mọi chuyện hoàn toàn khác, phía Trung Quốc đã có sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng từ trên rừng cho đến đồng bằng và biển đảo. Những khu tự trị của Trung Quốc nằm rải rác khắp ba miền đất nước sẽ là những vệ tinh cần thiết để vừa nắm bắt thông tin, điều phối tấn công và điều hợp quân lương, quân cụ cũng như quân nhu... Đó là chưa nói đến lực lượng tại chỗ của người Trung Quốc quá đông, họ là những công nhân trá hình, những người lao động trá hình và thậm chí những kĩ sư trá hình…

Đổi lại, sức mạnh quân đội CSVN có thể rất mạnh về kĩ năng, hình thức tổ chức nhưng ngược lại rất yếu về mặt tư tưởng. Nếu như những năm trước 1990, quân đội CSVN vẫn giữ được sức mạnh tư tưởng, mỗi người lính trong quân đội có thể tận hiến sinh mệnh, sức mạnh cũng như ý chí của họ để chiến đấu vì lý tưởng bảo vệ đất nước… Thì hiện nay, trong một thế giới phẵng, người lính không còn bị mù mờ thông tin và họ dễ dàng đối chiếu những thông tin với thực tại đời sống nhà binh, có nhắm mắt họ cũng thấy các cấp chỉ huy của họ là những quan tham, những kẻ ăn trên ngồi trốc bằng mồ hôi của đám lính bên dưới.

Lý tưởng hoàn toàn mất đi, tư tưởng cũng không có bởi người lính thừa biết mình đang chiến đấu cho chế độ, bảo vệ đảng Cộng sản chứ không phải bảo vệ quốc gia, dân tộc. Ngay cả Chủ tịch quân ủy trung ương, người nắm vị trí tối cao trong quân đội chính là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng cũng là kẻ có quá nhiều hành vi mập mờ trong vấn đề đối ngoại với kẻ xâm lăng Trung Quốc, thậm chí thỏa hiệp ra mặt… Nếu có kỉ luật quân đội thì tất cả những thứ tưởng như là kỷ luật ấy trong lúc chiến đấu chỉ dừng ở mức họ sợ thứ kỷ luật thép và sợ con mắt soi mói của những chính trị viên. Nhưng đây lại là vấn đề đe dọa nghiêm trọng đến sức mạnh quân đội. Có thể biến thành con dao hai lưỡi khi có biến cố chiến tranh.

Bên cạnh đó, hình ảnh cũng như cung cách của các tướng lĩnh quân đội CSVN phải nói là quá tệ, họ chưa thể hiện được dũng khí của nhà binh, thậm chí với dáng dấp nục nịch, nói năng thiếu oai phong và chỉ riêng việc mang tấm thân để chạy không thôi cũng là một vấn đề quan ngại, thành tích tham nhũng thì ông nào cũng cao ngất, chẳng có ông nào là sạch sẽ, thanh liêm… Vấn đề sức mạnh quân đội CSVN là một vấn đề nan giải trong lúc này! Chính vì vậy, khả năng thỏa hiệp và chấp nhận trở thành một tỉnh lị của Trung Quốc thông qua vài phát súng, vài cuộc chiến giả tạo để hợp thức hóa hội nghị Thành Đô là rất cao. Đó là không muốn nói đến một chuyện khác, người lính CSVN đã bị tẩy não và nhồi sọ ngay từ đầu về tinh thần đặt Trung Quốc làm trung tâm và khiếp nhược chiến tranh.

Một câu hỏi nữa, nếu như Việt Nam thành một tỉnh lị của Trung Quốc thì việc gì sẽ xảy ra? Có hai việc rất căn bản phải xảy ra, đó là người dân Việt Nam sẽ dần bị Hán hóa theo con đường phổ hệ. Mọi ngõ ngách từ thành phố đến thôn làng, bản buôn của Việt Nam sẽ đầy rẫy người Trung Quốc và họ sẽ nhanh chóng cấy giống Trung Hoa trên khắp đất Việt. Những tộc họ miền xuôi và tộc người miền núi sẽ nhanh chóng đổi màu.

Nhưng trước đó, sẽ có một cuộc thanh trừng chính trị, vì đây là thông lệ của Trung Quốc. Chiêu bài chống tham nhũng sẽ được mang ra áp dụng trên đất Việt Nam. Tất cả những tài sản của giới chóp bu CSVN sẽ được nhắm đến và trung ương Cộng sản Trung Quốc sẽ đứng ra phân xử, sẽ cho bắt dần bắt mòn hết mọi tay tướng tá, quan lại thái thú Cộng sản Việt Nam vì tội tham nhũng và sau đó sẽ cho thay thế những người “thanh liêm hơn, có đầu óc lãnh đạo và vì dân hơn”. Đương nhiên, những kẻ lên nắm quyền thay thế phải là người Trung Quốc.

Chiêu bài này đã có sẵn trong lịch sử bành trướng Trung Quốc cả ngàn năm nay, có tên hẳn hoi, đó là “cưu trư đắc thục”, nghĩa nôm na là nuôi heo lấy thịt. Nghĩa là trước khi xâm lăng, việc đầu tiên mà chính quyền đại Hán làm là đầu tư và nuôi một bầy heo ở nước sắp bị xâm lăng. Bầy heo này chính là những tên bán nước. Chúng sẽ được tuyển làm gián điệp, đầu tư từ tài chính cho đến đường hướng để lên nắm chức quyền, leo lên vị trí cao nhất. Để khi chính bọn này nắm vận mệnh đất nước thì tự trao cho đại Hán. Và khi mọi việc đã thành tựu, việc đầu tiên cần làm chính là thịt những con heo đại Hán đã nuôi bấy lâu nay. Thường những lần thịt như vậy đều nhân danh công lý và lẽ phải!

Trong tình trạng Việt Nam. Nếu có chiến tranh Việt - Trung thực sự thì chính những con heo Tàu nuôi mấy chục năm nay sẽ là gánh nặng cho quốc gia, dân tộc. Và đáng sợ nhất là chiến tranh trên biển, với kỹ thuật, khí tài cũng như yếu tố tư tưởng con người đang có thì chắc chắn quân đội CSVN không bao giờ là đối thủ của quân đội CSTQ. Và trên bộ, Việt Nam cũng khó mà giữ chân quân Trung Quốc khi mọi ngõ ngách của Việt Nam đã có nội ứng Trung Cộng.

Khả năng lớn nhất có thể diễn ra là một cuộc chiến hợp thức hóa hội nghị Thành Đô. Và tiếp theo đó sẽ là hành động của người Trung Quốc, logic của nó sẽ là tiêu diệt hệ thống thái thú Việt Nam bằng con đường chống tham nhũng (làm thịt những con heo đã nuôi). Tiếp theo là xây dựng đội ngũ quan lại Trung Hoa trên đất Việt, đồng hóa dân Việt. Kịch bản này có khả năng mạnh nhất, bởi chưa bao giờ số lượng thái thú Tàu cài cắm trong bộ máy cầm quyền Việt Nam nhiều như hiện tại, nó có mặt từ trung ương đến địa phương, từ giới thương nhân đến người nông dân, từ trí thức đến kẻ không có hiểu biết, từ việc lớn cho đến việc nhỏ đều đậm chất thái thú phản động.

Và chỉ có một cửa sinh duy nhất cho Việt Nam hiện tại. Đó là năng lượng phản tỉnh tổng lực Việt Nam. Nghĩa là khi nhân dân tỉnh thức kịp thời, đứng dậy, giới quan lại gồm cả những thái thú tỉnh thức kịp thời, để tránh bị giết thịt sau này, góp công, góp tài sản đã tham nhũng vào công quỹ quốc gia để đối phó với chiến tranh. Một khi giới quan lại Cộng sản Việt Nam có được động thái này, sức mạnh toàn dân sẽ như vũ bão, và lúc đó, các nước tiến bộ sẽ có hành động kịp thời để giúp đở cho Việt Nam bởi họ có lý do chính đáng để giúp đỡ, để xem Việt Nam là đồng minh của họ.

Vợ Chồng Yêu Thương Nhau, Hãy Cứ Giả Khờ Mà Bao Dung Hết Thảy…


Vợ chồng tốt đều sẽ luôn giả ngu giả khờ với nhau, chính là bao dung cho nhau. Nếu như có thể bao dung hết thảy ưu điểm và khuyết điểm của người kia, thí đó mới là tình yêu thật sự!

Đã là vợ chồng thì chớ có làm khó dễ đối phương, chớ có bắt bẻ đối phương, chớ có chỉ trích đối phương! Hãy cứ làm vẻ ngốc nghếch mà đi cùng đường với nhau.

Ngốc nghếch, là bởi bản thân đã quyết định rồi, nhận định rồi, thì chính là không có gì cần phải tìm hiểu nữa, biết đến nữa, trau dồi nữa, hoàn thiện nữa! Có tiến bộ, thì ta hãy chấp nhận, còn nếu như không có, thì ta cũng nên chấp nhận! Tình yêu, chính là ở chỗ đó!
Suốt một đời nếu như có thể tìm được một người yêu thương chân thành, thì thật tốt đẹp biết mấy! Chớ có suy nghĩ hủy hoại, chuyện lớn đến đâu cũng đều không đáng để bạn làm như thế.

Đàn ông nổi nóng là chuyện bình thường, nhưng đàn ông có thể nổi nóng với bất cứ ai, chứ đừng nên nổi nóng với vợ. Bởi vì không kể tâm trạng bạn tốt xấu thế nào, người khác đều có thể quay lưng rời khỏi bạn, nhưng chỉ có người vợ sẽ luôn ở bên bạn, cùng bạn vượt qua những lúc tâm tàn ý lạnh.

Một đời này bạn có thể mất mát rất nhiều, nhưng người theo bạn đến cuối đời lại chỉ có một người. Trời lớn đất lớn, đều không vĩ đại bằng người phụ nữ bên cạnh bạn.

Mỗi một người chỉ có thể từ từ mà lĩnh ngộ thôi, bởi vì không có được mấy người có thể làm được tốt, vậy nên đừng có làm người chỉ biết nói mà không biết làm!
Vợ chồng đồng lòng tát biển Đông cũng cạn. Chuyện không có đúng sai, chỉ có hòa thuận hay không, gia đình hòa thuận mới có thể “vạn sự hưng”!

Gia đình là nơi nói những lời yêu thương, không phải là nơi nói lý. Nơi nói lý chính là ở chốn quan tòa.
Gia đình là nơi có gốc rễ và linh hồn, gốc rễ và linh hồn là do người phụ nữ nắm giữ.
Sức mạnh vĩ đại nhất trên đời này chính là tình yêu, vũ khí có sức mạnh nhất cũng chính là tình cảm thương yêu!

Lớn tiếng không rời bỏ, cãi vã không chia xa, mới là tình yêu thật sự!
Không phải mệt mỏi liền chia xa, không phải không hợp nhau liền rời bỏ. Mà là dẫu có mệt mỏi hơn nữa cũng muốn ở cùng nhau, dẫu có không hợp nhau cũng cũng cố gắng bên nhau. Mệt mỏi là bởi để mắt đến, không thích hợp là vì chưa đủ tình cảm yêu thương, tình yêu thật sự không có nhiều lý do như vậy.

Hai người ở cùng nhau thời gian lâu khó tránh khỏi cãi vã, người phụ nữ trong lúc giận dữ, lời nói ra đều mang tính sát thương, mà người đàn ông vẫn chịu ở lại và cãi nhau với bạn, cũng không muốn rời khỏi bạn nửa bước mới là người yêu thương bạn thật sự!

Khi bạn chê bai người phụ nữ bên cạnh không đủ xinh đẹp, bạn có từng nghĩ rằng có rất nhiều người đàn ông đều đang ngưỡng mộ tình cảm một lòng một dạ mà cô ấy dành cho bạn.
Khi một người phụ nữ trao cho bạn hết thảy mọi thứ, bạn nên biết rằng, điều cô ấy coi trọng không phải là vẻ ngoài đẹp trai của bạn, cũng không phải bạn có bao nhiêu tiền, mà là cô ấy đã chuẩn bị tinh thần đồng cam cộng khổ trọn đời với bạn.

Khi bạn chê bai người đàn ông bên cạnh bạn không được ưu tú, bạn có từng nghĩ rằng anh ấy làm việc không quản ngày đêm chính là vì để cho bạn (người mà anh ấy yêu thương hết mình) có được điều kiện sống khá hơn.
Khi một người đàn ông chịu gắng sức kiềm tiền vì bạn, thì bạn nên biết mãn nguyện, điều mà anh ấy coi trọng vốn không phải là vẻ đẹp của bạn, cá tính của bạn, mà là anh ấy không muốn làm khổ người phụ nữ bên cạnh mình.

Sống cùng nhau lâu rồi dần dần sẽ biến thành tình thân, cứ cho rằng hai người ở cùng nhau lâu rồi thì không còn mặn nồng như lúc ban đầu, vậy xin đừng quên rằng vẫn còn có cảm tình trong đó. Khi bạn muốn buông tay từ bỏ, thì có từng nghĩ rằng lúc đầu là điều gì đã khiến bạn cùng người ấy đi đến ngày hôm nay.
Ở bên nhau lâu rồi, cứ cho rằng không còn tình yêu thương như lúc ban đầu, thì cũng cần phải lựa chọn được ở gần nhau, điều này bạn đã làm được với đối phương chưa?
Phụ nữ biết yêu thương chăm sóc, đàn ông biết thông cảm quan tâm, mới là vợ chồng tốt luôn biết nghĩ cho nhau.

Vì người yêu thương bạn và người bạn yêu thương, hãy luôn nghĩ rằng cơ hội vụt đi thì cũng không nên nói những lời tổn thương nhau, cầu phải hiểu nhau hơn, chứ không nên luôn nghĩ đến chuyện từ bỏ!

Theo Secretchina

Rời Xa Chốn Thị Thành, Cặp Vợ Chồng Trẻ Lên Núi Ẩn Cư, Sống Như Trong Phim Kiếm Hiệp

Vốn cứ nghĩ rằng những vị tu sĩ, cao nhân lên núi ở ẩn chỉ có trong tiểu thuyết kiếm hiệp, ai ngờ ở trên núi Võ Đang thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc lại thật sự tồn tại một gia đình 3 người lựa chọn sống ẩn dật, không màng đến thế sự y như trong phim vậy.


Có lẽ bất kỳ người nào từng đọc truyện kiếm hiệp cũng đều không khỏi ngưỡng mộ các vị tu sĩ, cao nhân đã lựa chọn rời xa thế sự để sống một cuộc sống ẩn cư an nhàn, không một ai biết đến. Ở nơi thâm sơn cùng cốc tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, công việc hàng ngày của những vị cao nhân này chủ yếu là luyện kiếm, thổi sáo, đánh đàn hoặc đi hái hoa, hái thuốc trên núi... Ôi, cuộc sống ấy tuy giản đơn nhưng tự do tự tại biết bao nhiêu!


Vốn cứ nghĩ rằng những điều này nếu không xảy ra trong tiểu thuyết hoặc phim ảnh thì cũng là chuyện từ thời xa lơ xa lắc về trước. Ấy vậy mà giữa thế kỷ 21, ở trên núi Võ Đang thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc lại thật sự tồn tại một gia đình "cao nhân" sống ẩn dật y như trong truyện kiếm hiệp đấy.

Ngay từ khi còn nhỏ, anh Ngô đã đam mê kiếm hiệp và dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về các vị cao nhân, hảo hán trong truyền thuyết. Anh luôn ao ước sau này sẽ trở thành một cao thủ võ lâm với lối sống tiêu diêu, chẳng màng đến sự đời giống như các nhân vật mà anh thầm thần tượng.

Phải chăng đây là poster của một bộ phim kiếm hiệp sắp sửa ra mắt?


Sau này, anh Ngô có cơ hội lên núi Võ Đang tầm sư học đạo và trở thành truyền nhân đời thứ 13 của phái Tùng Khê. Môn phái này tuy có nhiều đệ tử nhưng chủ yếu lại là học sinh tranh thủ lên núi luyện tập trong kỳ nghỉ hè nên võ đường thường xuyên để không. Vì vậy, anh Ngô đã nung nấu ý định lên núi trông coi võ đường và sống ẩn cư giống như giấc mơ khi xưa.
Anh đem ý tưởng nghe rất hoang đường này nói với vợ mình, không ngờ chị lại lập tức tán thành. Thế là từ đó, vợ chồng anh Ngô đã chuyển hẳn lên núi sinh sống, trở về với cuộc sống tự cung tự cấp thời xưa.

Cô con gái nhỏ của anh Ngô đã hơn 1 tuổi.

Rời xa chốn đô thị phồn hoa để về Cầm Nhân Cốc tận hưởng bầu không khí trong lành, cuộc sống bình yên của anh Ngô và vợ cứ thế trôi đi. Cô con gái đầu lòng Ngô Chiếu Nghê Mặc ra đời khiến cho gia đình hạnh phúc của họ càng thêm mỹ mãn.

Ở trong ngôi nhà đẹp như trong tranh giữa lưng chừng núi Võ Đang, trên vùng đất cao 800m so với mực nước biển và cách đỉnh núi 8km, "Cốc chủ" họ Ngô vô cùng mãn nguyện với cuộc sống mà ít người tưởng tượng được của mình.

Gia đình hạnh phúc của "Cốc chủ" họ Ngô.


Hàng ngày, ngoài việc luyện võ, luyện kiếm, anh Ngô tự cày cuốc, trồng rau làm nguồn lương thực chính cho gia đình. Còn vợ anh phụ trách việc chăm con, dọn dẹp nhà cửa và may quần áo cho cả nhà.
Những lúc rảnh rỗi, họ thường cùng nhau tận hưởng cuộc sống thần tiên y hệt như các vị cao nhân trong phim kiếm hiệp. Nhìn vào khung cảnh vợ ngồi đánh đàn còn chồng đứng bên thổi sáo hay múa kiếm, người ta cứ ngỡ như mình vừa mới lạc vào một xứ sở diệu kỳ nào đó.

Khung cảnh thường xuất hiện trong các bộ phim nay được họ tái hiện ngoài đời thực.


Kỳ thực, ngoài vợ chồng anh Ngô ra, ở quanh khu vực Cầm Nhân Cốc còn có khoảng 10 "cao nhân" trẻ tuổi khác nữa, tuy nhiên họ sống biệt lập, bình thường rất ít giao du với người khác.

Chắc sẽ có rất nhiều người không thể "cảm" nổi cuộc sống tẻ nhạt của gia đình "Cốc chủ" họ Ngô, nhưng đối với những người trong cuộc, đôi khi hạnh phúc chỉ là những điều giản đơn, cuộc sống bình lặng, không bon chen mới là điều mà họ luôn hướng tới.



Cô con gái nhỏ và ông bố đam mê võ hiệp.



Hàng ngày "Cốc chủ" có rất nhiều việc phải làm: anh tự cày cuốc, trồng rau làm nguồn lương thực chính cho gia đình và không bao giờ quên luyện võ, luyện đàn.



Cuộc sống thần tiên chẳng khác nào trong các bộ phim mà chúng ta vẫn thường xem.



Các "cao nhân" sống biệt lập và rất ít khi giao du với người ngoài.


Một số hình ảnh về ngôi nhà của "Cốc chủ".


Cuộc sống đơn giản đôi khi lại chính là cuộc sống hạnh phúc nhất.

Theo Đình Đình / Trí Thức Trẻ