Pages

Saturday, July 23, 2016

Chỉ Có Con Đường Ngay Chính Mới Là Con Đường Bình An…


Đường đời lắm gian truân khúc khuỷu, con người nhiều khi vì muốn đạt được mục đích mà sử dụng cách thức chẳng thẳng ngay. Nhưng rốt cuộc, chỉ con đường ngay chính, mới là con đường duy nhất bình an.


Gia đình tôi sống trong một ngôi nhà nằm sâu trong một ngọn núi cao. Để đi ra bên ngoài, chúng tôi phải đi qua một con đường núi uốn lượn và gập ghềnh. Người dân trong làng, nhà nhà đều dựa vào hái măng đem bán để kiếm sống. Cứ đến ngày chợ phiên, người lớn, trẻ em ở trong làng đều địu măng, băng qua con đường uốn lượn, gập ghềnh đó để đến chợ bán.

Người dân làng tôi mỗi lần xuống núi đều phải đi qua con đường vừa xa vừa uốn lợn như vậy. Nhưng về sau này, một vài người vì để chiếm được một vị trí tốt, dễ bán hàng ở chợ nên họ liền mở ra một con đường tắt, gần hơn, nhưng độ nguy hiểm thì cao hơn. Biết là nguy hiểm hơn nhưng vẫn có nhiều người nguyện ý chọn đi con đường này.
Cha tôi cũng giống mọi người dân trong làng, cứ mỗi phiên chợ, ông đều địu măng đi bán. Nhưng cha tôi chưa từng đi qua con đường tắt ấy. Mỗi đợt nghỉ hè, tôi lại về quê lên rừng hái măng và đem ra chợ bán cùng cha. Mồi lần đi trên con đường uốn lượn ấy, trong lòng tôi lại dâng lên nhiều cảm xúc.

Về sau, tôi thường xuyên khuyên nhủ cha: “Cha ơi! Chúng ta cũng đi con đường tắt kia đi, chẳng phải sẽ nhanh hơn một chút hay sao?”.
Nhưng cha tôi nghe xong vội vàng lắc đầu, kiên quyết đi con đường cũ. Cứ như vậy, mỗi lần đến chợ chúng tôi đều không tìm được chỗ tốt, những chỗ dễ bán hàng đều bị những người đồng hương đi con đường tắt ngồi mất rồi. Măng của cha con tôi thường bán hết muộn hơn so với mọi người, vì thế, tôi thường sinh ra tâm trách móc.
Cha tôi cơ bản không để ý đến nỗi oán hận trong lòng tôi và cũng từ đó, câu hỏi “vì sao không đi đường tắt, mà cứ phải đi con đường uốn lượn xa tít như vậy?” đã trở thành chỗ khó lý giải nhất trong lòng tôi…

Nhiều năm sau, tôi sinh sống ở thành phố, cách quê tôi hơn ngàn dặm, vì thế tôi đón cha tôi lên ở cùng. Ngày đi, cha tôi không ngồi trên xe, khăng khăng đòi đi bộ trên con đường uốn lượn ngoằn ngoèo ấy. Tôi đành xuống đi bộ cùng cha, cũng muốn nhân cơ hội này cởi bỏ khúc mắc ở trong lòng nhiều năm qua.

Tôi hỏi cha tôi: “Cha! Con luôn muốn biết, vì sao cha luôn muốn đi trên con đường này, mà chưa từng đi trên con đường tắt kia?”.
Cha nghe xong câu hỏi của tôi, lặng im đứng thật lâu và đưa ánh mắt nhìn về phía trước con đường. Bất chợt nước mắt cha chảy dài trên má, rồi cha nói: “Con trai! Bởi vì cha nhất định phải bảo trì sự bình an. Cha dựa vào bán măng để nuôi con khôn lớn và học hành thành tài, mấy chục năm qua, cha luôn bình an vô sự.

Mấy bác mấy chú của con đều đi đường tắt, nhưng con thấy đấy, bác Vương bị ngã gãy tay hai lần, măng không biết rơi mất đi bao nhiêu lần, anh Tư bị nặng nhất, một lần ngã lăn xuống núi rồi qua đời…Những người đi con đường tắt ấy, nào có mấy ai thực sự được bình an vô sự đâu!”.
Những lời nói này của cha khiến tôi trầm tư suy nghĩ: “Đúng vậy! Những người đồng hương đi trên con đường tắt ấy, hoặc ít hoặc nhiều đều gặp nguy hiểm!”.

Cha kéo tôi ngồi xuống bên đường, giọng cha trầm lại nói với tôi: “Con đường này uốn lượn khúc khuỷu nhưng vĩnh viễn là con đường chính xuống núi. Không thể vì một chút lợi ích nhỏ nhoi mà buông bỏ con đường chính của mình. Con đường này là con đường bình an, đi trên con đường này, cả đời sẽ bình an. Con trai! Điểm này con phải khắc sâu trong tim, cha hy vọng nó sẽ chỉ cho con một con đường!”.
Những lời nói của cha đã khiến tôi xúc động. Từ con đường gập ghềnh ấy, tôi cũng hiểu được rất nhiều đạo lý của cuộc đời.
Đường đời cũng tựa như con đường núi này, phải trải qua rất nhiều gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng phương hướng thì không thể sai. Mỗi người đều phải thủy chung đi trên con đường ngay chính, chỉ có đi trên con đường ngay chính thì cuộc đời mới bình an. Con đường này cũng sẽ vì chúng ta đi qua mà hiển lộ ra giá trị của nó, giá trị này cũng chính là giá trị của cuộc đời chúng ta.

Từng có người hỏi nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ bị mù, câm và điếc Helen Keller rằng: “Bà có thể nhìn thấy thế giới này không?”.
Bà Helen Keller trả lời rằng: “Tôi đương nhiên có thể nhìn thấy… Mọi người là dùng con mắt để nhìn, cho nên có thể nhìn thấy thế giới do con người sáng tạo ra. Còn tôi là dùng trái tim để nhìn, cho nên thế giới mà tôi nhìn thấy là do Thượng Đế sáng tạo nên”.

Một người lựa chọn dùng thái độ như thế nào để đối mặt với cuộc đời, đối mặt với chính bản thân mình thì sẽ quyết định bản thân người đó trở thành người như thế ấy. Sinh mệnh chính là một quá trình tích lũy lâu dài và liên tục. Hãy lựa chọn cho mình một con đường ngay chính và kiên trì với nó, bạn nhất định sẽ bình an đi được đến đích!

Theo Daikynguyenvn

No comments:

Post a Comment