Pages

Friday, September 9, 2016

Đám Cưới, Khi Thầy Tu Cưới Vợ


Nói tới đám cưới thì người ta sẽ nghĩ ngay đến hai bên gia đình, một bên là đàng trai và một bên là đàng gái, gia tộc đàng trai sẽ qua đàng gái rước dâu và gia tộc nhà gái phải đưa con gái về nhà chồng. Nhưng ở đây, cái đám cưới này không có chuyện rước dâu, không có chuyện "cô dâu từ giã mẹ cha, bước đi một bước lệ sa mấy hàng" như những cô dâu khác mà vẫn ở nguyên nhà cha mẹ ruột như từ khi mới lọt lòng mẹ chào đời. Ngược lại chàng rể tạm thời phải theo về nhà vợ ở rể bởi vì chưa tìm đâu được  một túp lều lý tưởng hay một mái thảo trang thơ mộng ưng ý để rước nàng "về dinh" như bao chàng rể trên đời.  

Chuyện là như vầy. Chàng rể tên Nguyên, nguyên là một thầy tu xuất, một môn đệ Ki tô đã đánh mất niềm tin phụng vụ đang tập tễnh làm quen với tục lụy đời trần. Vốn liếng vào đời chỉ có mớ văn bằng chữ nghĩa còn tiền của thì một xu dính túi cũng không bởi vì thầy đã nguyện làm tôi tớ Chúa sống khó nghèo từ bao nhiêu năm qua. Sở dĩ thầy hòan tục là vì căn tu thầy đã hết hay nói đúng hơn ở trong chăn mới biết chăn có rận. Thiên hạ bên ngòai, có lẽ ai cũng tưởng rằng  tu viện, giáo đường là nơi truyền bá đức tin, là nền tảng căn bản của đạo đức, bác ái và công bằng nhưng có biết đâu thực tế bên trong thì lắm chuyện phũ phàng, chướng tai gai mắt chỉ vì những kẻ bề trên đã lạm quyền ỷ thế bất công trong cách hành xử đối đãi với sư huynh đệ dưới trướng. Thầy đã quá bất mãn chán chường nên quyết định dẹp quách chiếc áo nhà tu nhập cuộc với đời thường cưới vợ cho xong. Thầy có thể hy sinh dâng cả cuộc đời mình cho Chúa nhưng không cam lòng bị hiếp đáp triền miên tháng này qua năm nọ. Thà làm người thế gian sống cuộc đời bình thường như bao nhiêu người trần tục khác, miễn sao lương thiện ngay lành giữ trọn mười điều răn là đã đẹp ý Chúa chớ cần chi khóac áo tu hành sớm kinh chiều kệ nhưng trong bụng một bồ dao găm luôn nghĩ cách hãm hại người, miệng nói giáo lý giáo điều nhưng lòng dạ như rắn rít.

Cô dâu là Kim Châu, con gái lớn của ông bà tài phú nhà máy lúa gạo người Tiều minh hương. Cô không thuộc lọai người đẹp, chỉ được cái là mặt mày sáng láng trắng trẻo dễ thương nên đã làm xao xuyến trái tim côi của ông thầy dòng xưa nay vốn chỉ biết một lòng yêu mến trung thành thờ phượng Chúa. Cô gặp thầy rất ngẫu nhiên như định mệnh dun rủi khi vào học trường dòng nam bốn năm về trước. Lúc ấy thầy dạy  môn sinh ngữ Pháp lớp cô. Suốt niên học, mỗi giờ Pháp văn, người trên bục giảng, kẻ dưới bàn học, cả hai thường bắt gặp ánh mắt trìu mến len lén trao nhau. Lời tuy chưa tỏ nhưng  lòng đã nghe cảm giác  thân quen từ kiếp nào để rồi kịp lúc tan trường thầy  đã thề ước chuyện trăm năm,  hẹn vài năm sau sẽ trở về xin cưới cô làm vợ. Chuyện tình lúc bắt đầu tưởng đã ngang trái bất thành bởi đạo đời ngăn cách nhưng kết cuộc định mệnh đã cho hai người một happy ending bằng một cái đám cưới "một chiều" không giống ai  thời bấy giờ.  

Lúc rời khỏi nhà dòng, thầy Nguyên như một vị quan liêm chính hồi hưu không của cải, không cửa không nhà, chỉ võn vẹn  một túi xách tay đựng vài bộ quần áo với mấy quyển sách học làm người đắc nhân tâm (có lẽ vì trong nhà dòng thầy chỉ biết nếm mùi thất nhân tâm) và 5000 đồng (thuở đó lương giáo sư cấp hai khỏang ba mươi lăm ngàn đồng một tháng) của bề trên ban cho  làm vốn vào đời. Trong lúc thất sở thân sơ đó, thầy phải tá túc  nhà bà chị cả vài tuần đầu trong thời gian chờ nộp đơn xin về quê vợ lập nghiệp, cái nghề dạy học cố hữu  của thầy nhưng phen này đi dạy nhứt định là lãnh lương hẳn hoi chớ nếu "dạy chùa" thì lấy gì mà nuôi sống bản thân và đồng thời còn phải dành dụm để sắm sửa cưới vợ mua nhà.

Khi ấy là đang mùa nghỉ hè, nếu như còn trong dòng thì thường khi học trò bãi trường, các thầy tu phải đi cấm phòng, cầu nguyện, tịnh tâm ở một nơi nào đó tùy bề trên giám tỉnh chỉ định cũng kiểu như những cao thủ võ lâm tới thời kỳ nhập thất bế môn luyện công vậy. Nhưng bây giờ thì thầy đã hòan tòan tự tại thong dong như chim được xổ lồng, như cá được thả về sông mặc tình bay lượn theo ý muốn, không còn lo sợ bề trên áp bức, bề dưới sàm tấu thưa gởi gì nữa. Thầy xuống vườn trái cây mấy chục mẫu của bà chị ở Cái Mơn nghỉ ngơi một tuần, trèo lên cây hái trái chín  ăn cho thỏa thích, họăc cùng mấy đứa cháu đi câu tôm tát đìa bắt cá, hít thở không khí tự do bỏ những khi bị gò bó buộc mình tuân theo những quy luật khắt khe quá đáng của nhà dòng. Vườn nhà bà chị trồng đủ lọai trái ngon giống tốt, cam, dâu, xòai, mít, sầu riêng, măng cụt, bòn bon, chôm chôm nhãn. Mỗi mùa trái cây thu họach mấy chục triệu đồng đến nỗi không dám gởi ngân hàng mà phải dấu vào những hộp biscuits treo trên ngọn cây dừa.    

Kế đó thầy xuống Sóc Trăng thăm cô bồ và luôn tiện tìm nhà  trọ để mai mốt khi về đây dạy mới có nơi ăn chốn ở. Thầy tìm đến dì Sáu, bà bếp nấu ăn trong trường dòng khi xưa nhờ tìm một nơi trú ngụ. Dì Sáu giới thiệu thầy với dì Ba, chị của dì. Dì Ba có hai người con đã lớn, con gái thì đã theo chồng ra riêng, còn con trai đi lính đóng quân ở tận Bảo Lộc nên nhà cửa rộng rãi dư phòng. Có người xin ở trọ, kiếm thêm được chút lợi tức, dì Ba vui vẻ chấp thuận ngay vô điều kiện.        

Tưởng rằng mọi việc sẽ suông sẻ diễn tiến theo dự tính của thầy, nào ngờ đâu thầy dọn vào ở nhà dì Ba chưa nóng chỗ nằm thì một buổi chiều dì Ba nhận được tin con tử trận. Dì vật vã khóc lóc thảm thiết và dị đoan cho rằng chính thầy Nguyên đã đem cái xui xẻo  đến cho gia đình dì khiến con dì mất mạng. Thật là phi lý hoang đường! Con người sinh ra ai cũng có sẵn số mệnh đặt để, một khi đã tới số thì cho dù có trốn trong nhà cũng nhào lăn ra chết bất đắc kỳ tử huống chi mang thân làm lính vào sanh ra tử nơi chiến trường đạn lạc tên bay. Súng đạn đâu có mắt có tròng, trúng ai thì người đó nấy chịu. Cái chết của con dì đâu có mắc mớ tới thầy mà chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng dì Ba đã nghĩ vậy thì thầy cũng không còn lòng dạ nào ở lại nhà dì thêm nữa.

Cạnh nhà dì Ba là nhà một anh chàng thiếu úy văn phòng. Anh thiếu úy này tên Lộc còn độc thân, con một gia đình khá giả quê quán Cần Thơ nhưng vì nhiệm sở ở Sóc Trăng nên phải đóng đô ở Sóc Trăng. Biết tình cảnh của thầy Nguyên, Lộc hào hiệp rủ qua ở chung cho có bạn. Hai tuần sau khi  thầy Nguyên dọn vào, nhân được ngày phép cuối tuần, Lộc rủ thầy  thứ bảy tới đi tắm biển ở bãi Mỏ Ó (bãi biển có hình dạng mỏ ó) với nhóm bạn của anh ta. Thầy Nguyên đã nhận lời, hẹn sau khi đi Saigon bổ túc hồ sơ hõan dịch xong trong vòng ba ngày sẽ về đi chơi với Lộc. Nhưng không hiểu số mạng khiến xui thế nào mà thay vì nghỉ phép ngày thứ bảy như đã nói với thầy, Lộc lại nghỉ ngày thứ năm trong lúc thầy  còn đang lo giấy tờ ở Saigon. Do vậy, Lộc và mấy người bạn gồm ba anh sinh viên và một ông thầy chùa trẻ kéo nhau đi tắm biển trước ngày dự định.

Chiều tối thứ sáu, thầy Nguyên trở về từ Sàigòn, về tới nhà thầy muốn mở cửa vào tắm rửa nghỉ ngơi nhưng  không mở được. Lấy làm lạ, thầy chạy qua tìm  bà hàng xóm kế bên dọ hỏi:
            - Bác Hai à, làm ơn cho tôi  hỏi thăm. Anh Lộc có nhắn gì với bác không? Sao tôi mở cửa nhà không được, hình như có ai đã thay ổ khóa rồi thì phải?
Bác Hai rầu rầu nói :
            - Cậu mới ở Saigon về nên không hay thiếu úy Lộc đã chết rồi. Sáng hôm qua cậu ta ra cửa còn gặp tôi chào vui vẻ nói bữa nay được nghỉ phép đi tắm biển xả hơi một bữa. Vậy mà hồi sáng này, người nhà của cậu ta đã tới lấy hết đồ đạc đem về Cần Thơ và đổi ổ khóa nhà. Tôi chạy qua hỏi có chuyện gì thì họ cho tôi biết cậu Lộc đã bị Việt cộng phục kích bắn chết hôm qua ngòai bãi biển Mỏ Ó. Thiệt không ngờ, tội nghiệp hết sức! Còn trẻ quá mà.!
Thầy Nguyên không tin nổi những gì mình nghe,  hỏi lại như hỏi chính mình:
            - Có thật không bác? Anh Lộc có hẹn với tôi ngày mai mới đi biển mà sao lại bỏ đi trước như vậy chớ.
Bác Hai thở dài lắc đầu bảo :
            - Phần số con người biết sao mà nói cậu ơi! Nếu biết trước thì cậu ấy đã không chết. Chắc  nhờ mạng cậu lớn nên trời xui đất khiến Lộc thất hẹn với cậu đi trước để cậu khỏi chết chung đó mà, hay  đúng hơn là số của cậu Lộc chỉ  hưởng dương tới đây thôi. Người nhà đã đem xác cậu ấy về quê chờ chôn cất. Cậu có muốn đi thăm cậu ấy lần cuối thì ngày mai cũng còn kịp. Thôi, tối nay nếu cậu không vào nhà được thì qua ở tạm nhà tôi đi rồi sáng mai hãy tính.

Sáng sớm hôm sau, sau khi cám ơn lòng tốt của bác Hai cho ngủ nhờ qua đêm, thầy Nguyên vội vã đi Cần Thơ tìm đến gia đình Lộc chia buồn và hỏi thăm tự sự. Người nhà của Lộc kể lại rằng hôm sáng thứ năm Lộc cùng ba anh bạn sinh viên và một ông thầy chùa  đi chơi biển Mỏ Ó. Sau khi tắm xong nhảy lên xe jeep đề máy định về thì máy xe không nổ vì bình xăng đã bị ai đổ cát vào.  Liền khi ấy Việt cộng núp gần đâu đó trong những lùm cây rậm rạp bắn ra hàng lọat súng xối xả khiến ba người chết liền tại chỗ là Lộc, một anh sinh viên và một ông thầy chùa . Còn hai anh bạn kia may mắn nhanh chân phóng xuống biển lội trối chết mới thóat thân còn mạng trở về báo tin cho gia đình Lộc.

Thầy Nguyên bùi ngùi đến trước linh cữu của Lộc thắp lên ba nén nhang khấn nguyện cho vong linh người bạn vắn số sớm được siêu thóat yên nghỉ, người bạn tuy chỉ sơ giao nhưng rất phóng khoáng nhiệt tình đã giúp đỡ thầy trong cơn lỡ bước bơ vơ không nơi tá túc.  Hình ảnh trẻ trung với nụ cười ngạo đời của Lộc còn hiển hiện rành rành trước mắt như mới hôm qua mà giờ đây đã âm dương cách biệt khiến thầy không khỏi xúc động bi ai. Quả thật vô thường!
Thôi thế thì anh trước  tôi  sau
Lẽ tử sinh ai tránh được nào
Anh đi trước có tôi đưa tiễn
Tôi đi sau ai tiễn ai chào

Thế là thầy Nguyên lại trở về tình trạng cù bơ cù bấc không cửa không nhà. Thầy kể lại mọi việc  với gia đình cô Châu. Ba má cô Châu nghe vậy mới bàn tính với nhau hay là cho thầy về ở chung trong nhà mình cho rồi, chớ mà cứ để thầy đi lang bang hết chỗ này đến chỗ nọ, đi tới đâu người ta chết tới đó, đành rằng là do số mạng  nhưng rủi thay lại nhè lúc thầy đang ở trọ trong nhà họ, nếu đồn ra ngòai thì chắc sẽ mang tiếng là sát chủ chớ chẳng chơi.

Riêng cô Châu, cô cũng nơm nớp lo sợ người yêu của cô nếu cứ đi lòng vòng bên ngòai, nay tắp nhà này mai đậu nhà kia, với bản chất thật thà dễ tin,  không biết gì là cạm bẫy cuộc đời, biết đâu có ngày thầy bị người ta "vớt" hay gài  cho một cái bầu như anh chàng Điệp trong chuyện tình Lan và Điệp thì cô chỉ có nước đi tu như Lan mà thôi. Thế nên, thấy ba má  dễ dãi cô mạnh dạn nói tọac ra nỗi lo âu của mình, đôn đốc ba má cô đem thầy về "cất" ở nhà mình luôn cho chắc ăn. Nhưng mà thầy với cô chưa có lễ nghi gì chính thức ra mắt bà con chòm xóm, nếu để thầy khơi khơi vào nhà thì e rằng sẽ bị thiên hạ đàm tiếu dị nghị. Do đó, ba má cô  mới bảo thầy về quê mời người lớn trong gia đình  tới làm lễ hỏi ra mắt  bà con ở đây chiếu lệ trước rồi từ từ mới coi  ngày lành tháng tốt làm đám cưới cho danh chánh ngôn thuận sống chung nhà.   

Trong lúc thầy Nguyên về quê mời người nhà qua hỏi vợ thì ở đây ba má cô Châu lo đặt thèo lèo, bánh mứt và chuẩn bị sẵn những lễ vật mà đáng lẽ phía nhà trai cần phải "đi mâm" mang qua nhà gái cầu hôn. Nhưng vì biết chắc trăm phần trăm là thầy Nguyên không thể nào hiểu nổi ba cái tập tục rình rang phiền phức này nên hai ông bà phải sắp xếp dàn dựng mọi thứ giùm cho thầy. Đồng thời hai ông bà cũng đi mời bà con thân tộc và xóm giềng chung quanh đến dự lễ hỏi của con gái mình. Chỉ là một tiệc trà đơn sơ, bánh bao xíu mại, cà phê sữa nóng để trình làng chàng rể tương lai với họ hàng là thầy Nguyên có thể ung dung xách đồ đạc dọn vào ở chung một nhà mà không sợ thiên hạ dèm pha.

Và cũng sau đám hỏi thì ngày tựu trường cũng đã tới để thầy từ đây có thể bắt đầu tạo lập cuộc đời của riêng mình. Với mớ văn bằng và kinh nghiệm sư phạm bao năm, thầy tin rằng mình sẽ làm nên một tương lai tươi sáng, hạnh phúc hơn sau những tháng năm dài dấn thân  phụng vụ cho một lý tưởng thiêng liêng mà tới đây thầy nhận thấy đã đủ để chuyển hướng đời. Hai hôm đầu đi dạy, vì chưa đủ tiền mua xe nên thầy phải đi bộ hoặc nếu nhằm giờ dạy ở trường quận thì phải đón xe lam. Ông già vợ tương lai thấy vậy "coi không được" nên mới mua liền cho thầy một chiếc Honda 50 cc làm chân để thầy chạy tới chạy lui cho khỏi tủi thân với đồng nghiệp bạn bè. Nhờ vậy mà thầy mới có thể đi dạy hai ba trường kịp giờ trong cùng một ngày. Thời gian đó, cũng nhờ ăn ở trong nhà vợ sắp cưới, tiền lương mỗi tháng của thầy dư trọn vẹn không mẻ một xu nào cho nên mỗi tháng thầy mua  một cây vàng để lên. Tích trữ thứ gì khác thì cũng có thể hư hao phá giá chớ vàng y thì bốn mùa tứ quý đều thích dụng, bất cứ lúc nào cũng dễ mua  dễ bán. Tính như thầy vậy thiệt là chắc cú an tòan.

Rồi một ngày đẹp trời, gia đình cô Châu tổ chức lễ cưới cho hai người. Dù đám cưới này không có rước dâu nhưng ông cậu bà con đang trấn nhiệm chức vụ tỉnh trưởng Sóc Trăng thời bấy giờ cũng hào sảng cho mượn chiếc xe riêng của ông làm xe hoa đưa cô dâu chú rể đến nhà thờ. Sau nghi thức hôn phối ở nhà thờ, về nhà là tới cái màn nhóm họ đàng gái, đãi đằng bà con chị em phía cô dâu. Tiếng là nhóm họ đàng gái chớ thật ra là hai đàng nhập một bởi vì chú rể đã ở trọ trong nhà hằng mấy tháng. Nhà cô dâu hôm nay được che lều dựng rạp treo đèn kết hoa và đặt bàn ghế  ra tận giữa đường lộ để bà con khách khứa có đủ chỗ ngồi ăn uống chung vui. Bữa tiệc nhóm họ đêm đó có nhiều món lai rai như bì cuốn, bún chả giò, bánh mì cà ri, cháo gà xé phay do mấy chị em bạn dì giúp làm rất hợp khẩu mấy ông bợm nhậu, nhứt là những ông  đồng nghiệp của thầy Nguyên, uống sao mà như hũ chìm. Nhà ba má cô Châu ở cạnh bên Ty cảnh sát nên mấy ông cảnh sát trực đêm hôm đó cũng được chủ nhà chơi đẹp mời nhấm nháp vài ly hả hê phê đời. 

Và ngày kế tiếp hôn lễ mới chính thức cử hành trong gia tộc. Thầy Nguyên rời nhà đi tu từ khi còn rất nhỏ nên đã bị người nhà lãng quên theo thời gian, cả đời không ai đếm xỉa tới thầy đang làm gì, ở đâu hay sống ra sao. Anh chị em thầy cộng lại có hơn một tá nhưng chẳng ai bận tâm tới chuyện thầy ra dòng cưới vợ. Vì thế bên nhà gái phải chủ trì mọi việc từ A tới Z, từ đôi bông tai, chiếc nhẫn cưới cho đến sính lễ mâm quà, nhứt nhứt đều do đàng gái sắp đặt. Thiệt tình! cũng vì thông cảm cho hòan cảnh đon chiếc của thầy, có người nhà như không, không ai lo giúp chỉ dẫn cho nên bên nhà gái phải gánh hết trong việc hợp thức hóa cuộc chung sống cho con mình. Mình tốt với rể thì sau này nó sẽ tốt lại với con mình chớ có lỗ lã gì đâu. Chuyện vợ chồng là chuyện trăm năm, quan trọng là tình nghĩa một đời chớ sá gì vật chất chi ly trước mắt. 

Bà dì và má cô Châu cũng khéo tính, đã mượn nhà một bà hàng xóm thân tình làm nhà đàng trai để từ đó bưng mâm qua nhà đàng gái chiếu lệ. Lễ vật cả thảy là tám mâm  gồm có heo sữa quay, trầu cau, bốn chai rượu, bốn hộp trà, hai mâm trái cây, một mâm bánh bía, một mâm biscuits hiệu Lu của Pháp. Đàng gái nhận lễ vật và mời đàng trai (cũng do đàng gái đạo diễn) vào nhà, lên đèn cưới rồi  chào ra mắt bà con từ già tới trẻ cho dù đã biết rành nhau quá xá nhưng cũng phải diễn tuồng cho đủ lễ bởi vì: 
Thói đời hay chuộng bề ngòai
Làm cho đẹp mặt đẹp mày mới cam
Làm lễ xong, cả đám kéo nhau đến nhà hàng dự tiệc. Ba cô Châu là người làm lúa gạo nên đa số khách mời là bạn làm ăn. Bên thầy Nguyên thì chỉ cần một bàn là đủ cho các thầy giáo chung vui quắc cần câu với thầy. Ai uống rượu uống bia gì thì uống, còn thầy chỉ uống nước ngọt hay nước lã cầm cự chớ xưa nay chưa từng  uống giọt rượu hay biết đến điếu thuốc bao giờ. Người thì nói cô dâu có phước gặp được người chồng có học thức lại đàng hòang chân chỉ không biết rượu chè bài bạc hút sách chi chi. Người thì cho là chàng rể tốt số cưới được con nhà tử tế  hiền lành nề nếp. Và mọi người đều xúm nhau cụng ly chúc phúc cho đôi tân nương tân lang. Ôi thôi! Biết bao là lời tán tụng đẹp đẽ ngọt ngào đầu môi không ngớt. Tốt số hoặc có phước hay không thì phải về lâu về dài mới biết chớ bây giờ trước mắt mọi người thì hẳn nhiên là một họat cảnh hạnh phúc nhứt trong các màn kịch của cuộc đời. 

Hôn nhân là một cuộc hành trình lâu dài suốt kiếp mà đám cưới chỉ là  bước khởi đầu cho cuộc hành trình đó. Và rủi thay, "hôn nhân là mồ chôn ái tình", là phản diện của tình yêu. Sau ngày cưới, sau tuần trăng mật, chung sống bên nhau hằng ngày mới biết chân tướng của nhau. Đường dài thăm thẳm,  tương lai ai biết được, là một con đường được trải thảm hoa êm ả đẹp như trong truyện cổ tích hay đầy đá sỏi gập ghềnh, đất bằng dậy sóng?!  Có đi trọn đường tình được hay không còn tùy ở sự nhẫn nhịn hy sinh và biết chia sẻ cảm thông với nhau của mỗi cặp vợ chồng…   

 Người Phương Nam                                                                                                         

9 comments:

  1. Bài này hay hết xẩy chị ơi ! chi PN viết văn thơ gì cũng cừ hết, bravo chị NPN.
    Hthúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Hồng Thúy quá khen, chỉ là nghĩ sao viết vậy thôi. Thời buổi internet thịnh hành, người viết nhiều hơn người đọc, trăm hoa đua nở, mình chỉ mong được bạn đọc đón nhận chớ chẳng dám trèo cao.
      Thân mến.
      NPN

      Delete
  2. Đọc bài này tôi có những cảm xúc lẫn lộn... Có những sự trùng hợp "chết người" đáng sợ !Cuộc đời có những ngõ ngách không ngờ do AI đó đã khéo tạo, đưa hai tâm hồi lại gần nhau. Và sau đó là "một cuộc hành trình lâu dài suốt kiếp" đầy chông gai thử thách. Để có được Hạnh Phúc và bảo vệ nó thì hai người phải nhìn cùng một hướng bằng càch chia sẻ suy nghĩ và tâm tư với nhau. Không nhất thiết là đồng ý mà là đồng tâm.
    Câu văn giản dị và hấp dẫn buộc người đọc phải đi từ đầu đến cuối.
    Cầu chúc Anh Chị luôn Hạnh Phúc bên nhau.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có lẽ anh Vĩnh Hà là người hiểu rõ nhứt vì sao có cái đám cưới này.
      Cám ơn anh Vĩnh Hà đã đọc và đồng cảm.
      Tình thân.
      KT

      Delete
  3. Cám ơn em cho xem bài hay quá, qua 2 việc xui xẻo trước, nên hồi họp coi lẹ cho hết thấy kết cuộc "còn chờ" giống như bao nhiêu người khác trên đời. Hy vọng cuộc tình nầy tốt đẹp, hạnh phúc bù lại sự bất hạnh của cuộc đời thầy và lòng nhân hậu của gia đình bên vợ.
    Marian Tran

    ReplyDelete
  4. Cám ơn nị đã gửi bài cho đọc. Bài viết rất thật và lời văn chơn chất. Đọc sao thấy ngờ ngợ, hình như mình biết hai nhân vật chính trong truyện.

    ReplyDelete
  5. Mình dđọc mà hồi hợp vô cùng, cứ sợ ô Thầy tu nầy vô nhà ai là có nguoi " bị chết ". Mình thở phào nhẹ nhổm vì ô Thầy vô nhà vợ tương lai ở..... mà cả nhà khg sao, mình cứ lo phen nầy tới phiên ổng chết vì nếu lỡ gặp cô vợ cao số hơn. Truyện hay và có hơi hồi hợp . Chi NPN lắm tài đủ cả Văn, Thơ. Chúc chi vui tươi, mạnh khỏe.

    ReplyDelete
  6. Hơi ngại vì đọc thấy toàn là những lời khen , nhưng riêng ý kiến mình thì lại. ...chê . Không phải chê lời văn , câu cú . Mà chê vì phần kết : hôn nhân là mồ chôn ái tình ,là phản diện của tình yêu , sống với nhau lâu rồi sẽ dần nhận ra chân tướng của nhau .... Nghe mà sợ quá , hết muốn lấy chồng .Nhưng thực tế , hôn nhân đâu có " khủng khiếp " vậy đâu , bằng cớ là mỗi ngày , mỗi giờ đều có bao nhiêu cặp đôi hạnh phúc đưa nhau đăng ký kết hôn , đưa nhau vào nhà thờ xin Chúa chúc lành cho tình yêu của họ .
    Thì ra , hạnh phúc thực sự cũng không khó lắm , chỉ cân nhìn vào nhau để biết sống trọn cho nhau . Biết chấp nhận vợ ( hay chồng ) vì bởi là chính họ , chứ không phải vì những gì họ " Làm Cho Mình " . Biết trân quý nhau vì đấy chính là sự chọn lựa của mình . Chấp nhận nhau vì tất cả vốn cũng chỉ là những cái Tôi bất toàn , cần sự nương tựa bên nhau mà vui sống . Nó không hẳn là sự " hy sinh ", nghe to tát quá . Đơn giản nó là sự Yêu Thương và Chấp Nhận ..........

    ReplyDelete
  7. Cám ơn ý kiến đóng góp của bạn.
    Theo tôi, một cuộc tình mà đi đến hôn nhân tất nhiên đã bao gồm thương yêu và chấp nhận. Người ta đám cưới nhiều mà ly dị cũng nhiều là vì sao nếu không phải là vì khi chung sống mới nhận ra được những dị biệt trong đời sống hằng ngày, từ tánh ý, sở thích tới lời ăn tiếng nói, khó mà hòa hợp. Bởi vậy nếu không hy sinh, chịu đựng nhường nhịn được thì sẽ khó mà sống với nhau trọn kiếp.
    Chúc bạn hạnh phúc viên mãn.
    NPN

    ReplyDelete