Thói đời ai cũng thích khen để
thỏa mãn lòng tự ái, không ai thích chê, mặc dù ông Tuân Tử đã nói,
“Người ta chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải
là bạn ta…”
Nhưng một khi mình đã không thích lời chê
thì lý trí lu mờ, đâu còn cho đó là lời chê phải nữa, người tự mãn cho
cái gì của mình cũng nhất, cũng phải, ai đó đừng có đụng vào, không khéo
người chê mình chỉ vì lòng ganh tị, có khi là thù nghịch.
Mới đây thôi vào, vào ngày 20 Tháng Mười,
đài VOA loan tin trang mạng “The Guide to Sleeping in Airports” đã xếp
hạng hai phi trường quốc tế lớn nhất của Việt Nam là Tân Sơn Nhất và Nội
Bài là hai phi trường tệ nhất Châu Á trong bảng khảo sát 2014, Nội Bài ở
Hà Nội xếp thứ 5 và phi trường Tân Sơn Nhất ở Sai Gòn cũ giữ hạng 8 vì
các điều kiện cơ sở hạ tầng và phục vụ yếu kém.
Cuộc khảo sát được thực hiện qua ý kiến
bầu chọn của những người du khách, dựa vào các yếu tố chính như vệ sinh
tại phi trường, thái độ phục vụ của nhân viên hàng không, và điều kiện
về cơ sở vật chất tại phi trường. Hai phi trường này quá chật hẹp với số
lượng du khách, bẩn thỉu, ồn ào, thiếu máy điều hòa không khí, hành lý
ra dây chuyền chậm, bị thất lạc và hay bị mất cắp, nhân viên phi trường
hống hách, thiếu thiện cảm.
Lập tức các viên chức của hàng không Việt
Nam giẫy nẩy lên, bác bỏ, cho rằng đây là một cuộc đánh giá không phải
của một cơ quan chuyên môn, thiếu khách quan, không đúng với thực tế.
Đúng là đứa nào chê ta chắc chắn là chê sai và đúng là kẻ thù của ta.
Viên chức, cán bộ hàng không Việt Nam mỗi
năm bỏ ra bao nhiêu tiền để xuất ngoại nghiên cứu học hỏi lối tổ chức
làm ăn của nước khác, nhưng chẳng đem lại ích lợi gì cho đất nước.
Một “kẻ thù” khác là ông Joel Brinkley,
cựu phóng viên New York Times, người từng đoạt giải Pulitzer, sau một
chuyến đi Việt Nam 10 ngày, ông đã nhận xét rằng người Việt thích ăn
sóc, chim chóc và chuột bọ. “Nói chung bạn không thấy bất kỳ loại động
vật nào, cả hoang dã lẫn thú nuôi. Chúng biến đi đâu hết cả? Bạn có thể
sẽ ngạc nhiên khi biết, chúng bị ăn thịt cả rồi.”
Lập tức ông bị các cây bút Việt Nam chỉ
trích Brinkley là “hồ đồ, trịch thượng và phân biệt chủng tộc.” Người ta
đòi đuổi việc Brinkley, đòi ông phải xin lỗi công khai. Những phản ứng
giận dữ đã khiến công ty xuất bản Tribune Media Services phải ra thông
cáo thừa nhận rằng bài viết của ông Joel Brinkley không đạt yêu cầu về
báo chí.
Một cuộc đánh giá khác chắc chắn là thiếu
khách quan, là tạp chí Economist đánh giá chỉ số dân chủ năm 2012, xếp
hạng Việt Nam đứng thứ 144 trên tổng số 167 quốc gia được xếp hạng. Theo
danh sách của tạp chí này, Việt Nam nằm trong nhóm chính phủ độc tài
thiếu dân chủ. Lập tức, bà Nguyễn Thị Doan, phó chủ tịch nước, tuyên bố,
“Dân chủ của Việt Nam ‘cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản!’” Cái
đứa xếp hạng Việt Nam vào hạng dân chủ tồi tệ hẳn là đứa ngu dốt, không
bằng chính trị gia Nguyễn Thị Doan, cũng là chủ tịch danh dự Hội Nữ Trí
Thức Việt Nam, người có cái “lưỡi gỗ” và phải đại trí thức mới có sự so
sánh lẫy lừng như thế. Bà này còn nói thêm, “Người dân chưa hiểu đúng
về dân chủ đi liền với kỷ cương nên một số người đã cố tình lợi dụng dân
chủ để gây rối, chia rẽ làm tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội.”
Trong khi tờ Guardian loan tin mỗi năm, 5
triệu con chó bị làm thịt ở Việt Nam, và Tây phương lên án chuyện ăn
thịt chó là mọi rợ, thì có lập luận cho rằng, “…Sự cấm đoán quốc tế về
vấn đề thịt chó sẽ bị xem như một quyết định của khối tư bản trong mưu
đồ ồn ào muốn áp đặt nét văn hóa Tây phương vào các quốc gia Á Châu!”
Thật hết chỗ nói. Ở đâu cũng có bàn tay tư bản thò vào! Vậy thì chúng ta
là Cộng Sản Á Châu, chúng ta tiếp tục ăn thịt chó!
Khách du lịch Tây phương đến Việt Nam thường than phiền và không muốn trở lại thăm viếng một lần nữa. Ông Matt Kepnes trên www.twitter.com/nomadicmatt
đã than phiền: “Không ai muốn trở lại một nơi mà họ cảm thấy bị bạc
đãi. Khi tôi ở Việt Nam, tôi đã bị liên tục làm phiền, bán quá đắt, bị
lường gạt và bị ngược đãi. Tôi đã gặp người bán hàng trên đường phố liên
tục nâng giá. Có người phụ nữ bán bánh mì không trả tiền lẻ cho tôi;
người bán thức ăn bắt tôi trả gấp ba trong khi tôi thấy những người khác
trước mặt tôi chỉ trả một phần; người tài xế taxi gian lận đồng hồ đếm
km trên đường đến trạm xe buýt. Trong khi mua áo thun ở Hội An, ba phụ
nữ đã cố gắng giữ cho tôi trong cửa hàng của họ cho đến khi tôi mua một
cái gì đó, thậm chí họ còn níu áo sơ mi của tôi.”
“Trên một chuyến đi Vịnh Hạ Long, các nhà
điều hành tour du lịch đã không cung cấp nước trên tàu và họ đã lấy
khách quá tải, khiến cho người trả tiền cho phòng một người đột nhiên
thấy mình với người lạ cùng phòng … đôi khi trong cùng một giường!”
Một nhân viên thuộc ngành du lịch Nhật có
dịp viếng Sài Gòn, ông Shimata, phẫn nộ, “…nói tới Việt Nam thì đấy là
quốc gia xấu xa tồi tệ nhất và nỗi bất mãn trong tôi sẽ tăng lên tới mức
150%. Tôi ghét Việt Nam. Mà nói đúng ra thì tôi ghét người Việt Nam hơn
là ghét Việt Nam. Tôi căm ghét thứ văn hóa ‘móc được cái gì thì móc’
của người Việt.”
Nếu ngành du lịch ở Việt Nam yếu kém, thì đó không phải là lỗi con người mà lỗi vì tiền.
“Tổng Cục Du Lịch thiếu kinh phí, thiếu
tiền để làm những clip quảng cáo cho du lịch Việt Nam” như ông Nguyễn
Mạnh Cường, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, nhiều lần
khẳng định.
Quỹ Kinh Tế Mới (NEF) đánh giá Việt Nam
là một dân tộc hạnh phúc thứ nhì của nhân loại, trong bảng xếp hạng chỉ
số Hành Tinh Hạnh Phúc (HPI) của năm 2012. Nhưng thông thường để đánh
giá một quốc gia hạnh phúc hay không, có phát triển về chất lượng sống
hay không, thì cần căn cứ vào cách xếp hạng và chỉ số phát triển con
người của Liên Hiệp Quốc. Đó là chỉ số HDI (Human Development Index).
HDI bao gồm mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố
khác của một quốc gia. Ngay cả GDP (tổng sản phẩm quốc nội) cũng chỉ là
một chỉ tiêu để đánh giá HDI quốc gia đó. Theo chỉ số phát triển con
người, thì quốc gia có HDI cao nhất là Na Uy (2009), còn Việt Nam đứng
thứ 116. Đó mới có thể coi là chỉ số hạnh phúc!
Việt Nam chỉ thích loại đánh giá “giá trị” như NEF, nhưng bất mãn về sự đánh giá của Liên Hiệp Quốc xếp Việt Nam vào hạng 116.
Trái với Nam Hàn, sau 40 năm bị chia cắt,
Việt Nam với 40 năm thống nhất đất nước vẫn là một quốc gia trì trệ,
lạc hậu và bị mọi người khinh ghét, tự mãn với “đỉnh cao trí tuệ,” “rừng
vàng biển bạc,” “đã đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ,” không muốn học hỏi
và mở mắt. Bị chia cắt từ năm 1945, chỉ trong vòng 40 năm, Nam Hàn đã
tiến những bước tiến dài. Từ một quốc gia lạc hậu nghèo đói, Seoul dã
hãnh diện đăng cai tổ chức Olympic 1988. Kỹ nghệ xe hơi, gắn máy, hóa
chất, kỹ nghệ đóng tàu, phim ảnh, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng của Nam Hàn đã
nổi danh thế giới. Ngày nay, Nam Hàn có những ông chủ thuê chuyên viên,
công nhân của thế giới làm việc cho mình, chứ không phải cậy cục đi xin
việc làm thuê, ở đợ cho các nước khác trên khắp thế giới như Việt Nam.
Học hỏi nền giáo dục và tinh thần dân tộc từ Nhật, kỹ nghệ điện ảnh từ
Hollywood, khoa học, kỹ thuật của Tây phương, ngày nay các thương hiệu
Hyundai, KIA, GM Daewoo, Samsung… có thể cạnh tranh với xe cộ, máy móc
hàng hóa Nhật, vốn được cả thế giới yêu chuộng.
Truyền hình Nam Hàn có trường “dạy làm
người” và “dạy làm ăn” thì Việt Nam chỉ có truyền thống rỉ tai “dạy ăn”
cho nên cán bộ đảng, viên chức cao cấp, người nào cũng giàu có, sống xa
xỉ, vương giả mà nhân cách càng ngày càng sa sút.
Trong khi người Nam Hàn yêu nước, ủng hộ
và tiêu dùng hàng nội hóa để phát triển kinh tế, thì Việt Nam đua đòi
tiêu dùng hàng hóa cao cấp, đắt tiền của ngoại quốc để khoe mẽ sự giàu
sang của dòng họ hay cá nhân mình như xe hơi cao cấp, điện thoại đời
mới, mỹ phẩm đắt tiền. Nếu có ai phê bình đến đất nước và con người Việt
Nam thì sĩ diện hão, đem tự ái dân tộc ra để tránh né, chúi đầu vào
cát, chê trách hay miệt thị người khác.
Không uống được chén thuốc đắng, làm sao hết được bệnh tật.
Huy Phương
No comments:
Post a Comment