Pages

Friday, December 23, 2016

Đêm Thánh Vô Cùng - Trường Sơn Lê Xuân Nhị


12 giờ trưa, "Cọp đen" Nguyễn văn Trọng, trung úy đại đội trưởng đại đội 45 trinh sát đứng trên ngọn đồi 1034, đảo cặp mắt "diều hâu" nhìn một vòng chung quanh đồi rồi nói với người đại đội phó:

- Mình đặt bộ chỉ huy đại đội trên ngọn đồi này. Ông cho chúng nó đào hầm hố bố trí chung quanh đồi...

Thiếu úy Hoàng gật đầu, sửa lại sợi dây ba chạc, xoay người vừa rảo bước đi thì Trọng gọi hắn lại, chỉ vào một ngọn đồi đối diện, thấp hơn một chút xíu:

- Khoan, hay là thế này. Ông để thằng 1 và thằng 2 (trung đội 1 và 2) nằm ở lưng chừng đồi bên này với tôi, ông dắt thằng 3 và 4 qua ngọn đồi bên kia mà bố trí...

Đưa tay chỉ vào con đường đất nhỏ xa xa phía dưới, Trọng tiếp:

- Cho chúng nó đặt cây M-60 vào ngày cái chỗ trống trãi gần con đường mòn này cho tôi. Rải thêm chốt hình chữ "V" từ hai trên đồi xuống tới đó. Tôi thấy đó là chỗ duy nhất mà chúng nó có thể mò ra được.

Thấy người đại đội phó hoang mang, Trọng tiếp tục:

- Nếu có chuyện gì cũng đỡ, mình cẩn thận vẫn hơn...

"Cẩn thận vẫn hơn...", ông như thế là quá cẩn thận rồi chứ còn gì nữa mà vẫn hơn, Hoàng nghĩ thầm trong bụng nhưng không dám càu nhàu. Chỗ ngày là vòng đai thành phố Kon Tum, Việt Cộng nào mò đến đây được mà phải cẩn thận đến như vậy?

Nhìn khuôn mặt của đại đội phó, Trọng biết hắn nghĩ gì trong đầu. Thật ra, những gì Hoàng nghĩ có lẽ đúng nhưng với cương vị của một cấp chỉ huy nắm sinh mạng của hơn trăm người trong tay, Trọng không thể nào làm khác hơn được. Đánh nhau trên chiến trường, chỉ một tiếng bùm là xong hết. Người chết không biết chuyện gì đã xảy ra cho mình. Nhưng về hậu cứ sau những trận đánh ác liệt những người chỉ huy như Trọng phải trực diện với một thực tế thương tâm kinh khủng. Vợ lính con lính kéo về chật cả sân đại đội. Đuổi đi không nở, năn nỉ không được. "Chồng tôi đâu rồi, ông giết chồng tôi chớ đâu phải giặc nào giết..." Hay là : "Bố cháu đâu chú, chú trả lại bố cháu cho cháu..."

Trọng đã trải qua những cảnh thương tâm như thế này. Nhiều khi, Trọng nghĩ, cái đám vợ con lính mới là những người đáng thương nhất, tội nghiệp nhất. Lính, dù sao, như chàng nghĩ, chỉ một tiếng bùm là xong hết mọi chuyện...

Vì thế, ở chiến trường, dù đánh giặc tới đến độ vang danh là Cọp Đen, là đại đội trưởng đại đội trinh sát tinh nhuệ nhất của sư đoàn với những chiến công táo bạo lừng lẫy tưởng chỉ có thể có trong phim xi nê, ít người biết Trọng coi trọng mạng sống của lính tráng hơn cả của chính mình. Điều này, chỉ có cấp chỉ huy của Trọng biết và lính của Trọng biết. Vậy là đủ rồi...

Thật ra, đối với Trọng, muốn trở nên một người chỉ huy giỏi không khó lắm. Điều thứ nhất, Trọng hiểu biết quy luật bất di bất dịch ngàn đời của tạo hóa: Hễ mình thương lính thì lính thương mình. Thương đúng nghĩa của chữ thương: Sống chết với lính mình. Đi nhảy toán, thường thường, Trọng là một trong những người dẫn đầu đại đội, đặt chân xuống đất đầu tiên. Lúc trực thăng đến bốc, Trọng là một trong những người cuối cùng leo lên tàu bay... Trọng còn nhớ như ngày hôm qua trận Tân Cảnh. Hồi đó, trung đoàn còn do một ông đại tá già vốn xuất thân từ dân lính khố xanh khố đỏ chỉ huy. Hốt hoảng vì bị cấp trên xỉ vả sau khi một tiểu đoàn của ta bị 2 trung đoàn địch vây hãm trong nhiều ngày, ông ta quyết định cho thằng 45 trinh sát của Trọng nhảy vào giữa khu tập trung quân của địch để... gây tiếng vang.

"Đánh giặc ngu như c... mà cũng mang lon đại tá." Trọng lẩm bẩm chửi thề trong bụng. Tuy chưa bao giờ chỉ huy đến cấp tiểu đoàn nhưng Trọng biết tiểu đoàn này tuy bị vây hãm nhưng vẫn có thể cầm cự được lâu ngày nhờ hầm hố kiên cố và tiếp liệu đầy đủ. Trọng biết chắc một điều là nếu đại đội nhảy vào đó thì sẽ bị tiêu diệt trong vòng 15 phút đầu tiên sau khi trực thăng hạ càng xuống. Trọng không lạ gì cái màn này. Trong những trường hợp tuyệt vọng, Trọng sẵn sàng chấp nhận cùng lính nhảy vào chỗ chết để tìm cái sống nhưng trong tình hình không có gì bi đát, không thể thí quân một cách ngu dốt chỉ vì bị một vài tiếng xài xể của cấp trên như vậy được.

Trọng nghiêm nghị hỏi vị chỉ huy:

- Thưa Đại Tá, xin đại tá lập lại nhiệm vụ đại đội tôi nhảy vào đó để làm gì?

Phòng họp hôm đó còn nhiều sĩ quan cấp tá khác nữa, ai nghe cũng muốn nhảy dựng ngừơi lên vì câu hỏi xấc láo của người trung úy trẻ. Trong quân đội, nhất là một đơn vị bộ binh, chưa bao giờ có một đại đội trưởng lại chất vấn trung đoàn trưởng như thế này.

Ông đại tá già khựng người một lát như không ngờ được câu hỏi bất ngờ. Bình thường thì ông ta đã có thể nổi máu du côn lên dùng gậy đập túi bụi vào người sĩ quan trẻ vô lễ này rồi nhưng nhìn thấy ánh mắt toé lửa của Trọng, ông ta không dám. Nó đã dám hỏi như vậy thì nó đâu có sợ mình. Rồi ông trả lời yếu ớt:

- Thì tôi đã nói, để... gây một tiếng vang, cho báo chí biết là chúng ta không có thua.

- Thưa đại tá, là lính, chết chúng tôi không sợ nhưng đại tá nghĩ coi tôi và hơn một trăm người nữa trong đại đội tôi có đáng chết vì một "tiếng vang" vớ vẫn như vậy của báo chí không?

Mọi người trong phòng nghe tới đâu là thấy rúng động tới đó. Cọp mở miệng có khác.

Ông đại tá chưa kịp trả lời thì Trọng ôn tồn đem lời lẻ phải trái ra trình bày cho ông ta nghe. Đây là cố gắng cuối cùng của Trọng, người chỉ huy biết thương yêu lính. Trọng không hiểu mình sẽ phản ứng như thế nào nếu ông già này cứ một hai bắt Trọng nhảy xuống đó. Ý nghĩ kinh hoàng quá đến độ chàng không dám nghĩ đến. Nhưng, tất cả mọi hình phạt từ việc ra tòa án quân sự, nằm quân lao v.v... đều không bằng cái sinh mạng của mấy trăm chiến sĩ can trường. Người ta đi lính để chết cho tổ quốc chứ không để chết cho một thằng ngu nào hết...

Cuối cùng, tạ ơn trời đất, ông ta nghe lới Trọng, hủy bỏ quyết định điên rồ ấy đi.

Chuyện này đồn ra khắp nơi, tiếng tăm của Cọp Đen Nguyễn văn Trọng từ đó vang lừng. Vang lừng nhưng ai cũng hiểu vì sao Cọp Đen không bao giờ móc được cặp lon đại úy trên cổ áo...

Điều thứ hai, muốn chỉ huy có hiệu quả, người chỉ huy phải áp dụng một kỷ luật thật khắc khe nhưng nghiêm minh và công bằng. Dân trinh sát đa số là dân trời đánh không chết, tình nguyện về cũng có mà trị không được bị đẩy về từ các đơn vị khác cũng có. Nhiều thằng lính của Trọng đã từng ở tù quân lao, từng giết người chỉ vì một chai bia. Duy trì kỷ luật với một thành phần hổn tạp như vậy không phải là chuyện dễ. Nhiều khi, rất là nguy hiểm. Trọng học được một điều rất quan trọng của đời binh nghiệp là muốn cho lính nghe lời mình, trước hết nó phải phục mình đã. Nếu lính đã phục mình rồi thì không có chuyện gì mình bảo mà chúng nó từ chối. Điểm then chốt là phải làm sao cho chúng nó phục. Quân đội có thể ban chức tước cùng lon lá cho anh nhưng không thể ban sự kính phục của thuộc cấp cho anh. Đây là tài năng riêng của mỗi người.

Riêng với Cọp Đen Nguyễn Văn Trọng, lính chưa về đại đội đã nghe tiếng chàng rồi. Về dưới quyền chỉ huy của Trọng, chúng nó càng phục thêm.

Trọng hiểu lính và lính hiểu Trọng...

Khi Trung Tá Sang, một sĩ quan trẻ tốt nghiệp trường Võ Bị về nắm trung đoàn thì Cọp Đen Nguyễn Văn Trọng như hổ được trở về rừng. Ngày nhậm chức đơn vị trưởng, ông ta gọi Trọng lên hỏi han tình hình rồi kết luận:

- Anh muốn xin gì tôi không?

Trọng trả lời thẳng thắn:

- Thưa có hai chuyện!

- Chuyện thứ nhất?

- Xin trung tá cho vài xe tôn và ván để tôi tu bổ khu gia binh của gia đình binh sĩ lại. Thấy vợ con họ và họ lui cui trong mấy cái ổ chuột sau những ngày hành quân tôi không nở...

Trung Tá Sang mau mắn gật đầu, quay sang dặn dò người sĩ quan phòng tư rồi hỏi tiếp:

- Chuyện thứ hai?

- Xin trung tá cho bổ sung quân số của đại đội tôi được đầy đủ, cho tôi có nhiều thì giờ một chút để huấn luyện lính tráng cho thuần. Chúng nó thuần rồi thì nếu trung tá có thả tôi ra... Hà Nội, tôi cũng bắt sống được thằng Võ nguyên Giáp đem về đây trình diện Trung tá...

Trung Tá Sang cười hề hề:

- Chẳng hổ danh Cọp Đen. Khẩu khí dân Trinh Sát có khác.

Khi chia tay, ông vỗ vai Trọng cười:

- Tôi rất ngạc nhiên và chịu hai lời yêu cầu của anh, tôi sẽ cố gắng.

Rồi ông bắt tay Trọng, cười cười hỏi:

- Tại sao người ta gọi anh là Cọp Đen?

- Thưa, nước da tôi hơi đen nên chọn danh hiệu truyền tin là Cọp Đen cho nó ngầu. Chẳng ngờ anh em gọi mãi rồi tôi thành Cọp luôn...

Trung Tá Sang giữ đúng lời hứa với Trọng. Mọi chuyện Trọng xin đều được thỏa mãn. Nhờ đó, đại đội 45 trinh sát trở nên một đơn vị thiện chiến nhất của sư đoàn. Nhờ ông trung đoàn trưởng biết xử dụng đúng khả năng bất ngờ và cơ động hầu như chỉ bị giới hạn bởi tầm bay trực thăng nên Trinh Sát của Cọp nhảy xuống đâu là giặc tan ra tới đó. Đã có lần, một trung đoàn xe tăng của địch vừa tới vùng Tam Biên, không kịp để chúng nó có thì giờ co cụm, Trung Tá Sang cho Trọng nhảy ngay vào giữa bộ chỉ huy. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, lính của Trọng bắt sống được 3 chiếc xe tăng của địch ở Võ Định. Trung Tá Sang hớn hở vô cùng, tính gởi một chiếc về Sài Gòn tặng tổng thống Thiệu nhưng cuối cùng đành phải đốt bỏ vì không có phương tiên chuyên chở kịp thời...

Hôm nay, đại đội chàng được điều động về đây sau gần một năm trời hành quân khắp các nơi của vùng II chiến thuật vì một lý do đặc biệt. Đặc biệt đến nổi Trung Tá Sang cho trực thăng ra đại đội bốc chàng về để gặp ông.

Trọng nhớ mãi lời nói thống thiết của ông trung đoàn trưởng bộ binh chiều hôm qua ở bộ chỉ huy trung đoàn. Làm việc với nhau hơn một năm, ông rất quí mến Trọng, coi như em. Trung tá Sang đã cầm hai vai Trọng, giọng rất thành thật: "Tôi biết là tôi đã hứa với anh một tuần lễ "ăn chơi chết bỏ" ở hậu phương. Anh xứng đáng, lính của anh xứng đáng nhận được phần thưởng đó sau một năm trời hành quân cực khổ, nhưng anh biết, chiến trường ở nước ta bây giờ, người ta không còn phần thưởng hay ân huệ để ban tặng cho nhau nữa. Nếu anh biết được những gì tôi biết, anh sẽ thông cảm tôi nhiều hơn. Áp lực của giặc cộng đầy dẫy khắp nơi, trong khi mình hết lính rồi. Anh cố gắng đi. Tôi đã khéo xoay sở lắm mới bốc được anh về nằm làm an ninh vòng đai cho tiểu khu Kon Tum. Khu vực này trước kia do một tiểu đoàn địa phương quân chịu trách nhiệm nhưng tôi đã đề nghị với tiểu khu trưởng Kon Tum rút họ đi chỗ khác vì thấy họ làm việc không có kết quả. Anh dẫn đại đội về nằm đây... chám trổ cho tụi nó, vừa nằm dưỡng quân vừa giữ an ninh và vừa canh giùm mấy cái họng pháo của chúng nó luôn..."

Sao mà lắm "vừa" thế này, Trọng thầm nghĩ. Phép đã không được đi bây giờ còn phải dẫn lính vào rừng nằm vừa làm an ninh, vừa canh pháo vừa trám chỗ v.v... Mẹ kiếp cái cuộc đời của thằng lính bộ binh, thật đen hơn cả mỏm chó. Nhưng câu nói thống thiết "Chiến trường ở nước ta bây giờ, người ta không còn phần thưởng hay ân huệ để ban tặng cho nhau nữa..." của vị chỉ huy trưởng trung đoàn làm Trọng không dám từ chối. Trọng biết trung tá Sang nói thật.

Ông bảo sĩ quan phòng 2 đưa cho Trọng coi một tập hồ sơ về lai lịch của cái làng Thượng. Đọc hết bản tóm tắt, Trọng được biết cái làng Thượng này vốn được một ông linh mục người Pháp già rất khó tánh coi sóc. Theo tin tức tình báo, ông cha Tây này không ưa người quốc gia, thiên cộng nặng. Dĩ nhiên, sống ở một nơi hẻo lánh mà dám thiên cộng và không ai dám làm gì thì phải có vũ khí bí mật. Cái vũ khí đó của ông là sự liên lạc chặt chẻ với các nhóm chính trị thiên tả ngoại quốc và báo chí khắp nơi trên thế giới.

Pháo binh chỉ rớt nổ gần làng một chút là vài ngày sau tòa thánh La Mã, Dinh Độc Lập, toà Đại Sứ Mỹ đều nhận được kháng thơ của ông. Báo chí thế giới, vốn từ lâu đã chẳng ưa gì mình, liền hùa theo làm rầm rộ, tuyên án chính phủ gắt gao...

Dĩ nhiên, bị áp lực nặng nề như vậy, lệnh từ bộ tổng tham mưu ban xuống: "Từ này về sau, đừng động đến chúng nó nữa."

Việt Cộng biết rõ chuyện này hơn ai hết cho nên chúng cứ kéo pháo về gần làng bắn vào thành phố rồi bỏ chạy. Phi pháo ta đành chịu. Để tạm thời giải quyết vấn đề, tiểu khu cho một tiểu đoàn địa phương quân đến đóng ở gần đó để canh chừng. Nhưng quân số càng ngày càng thiếu hụt, tiểu đoàn này đã được rút đi để trám cho những chỗ khác quan trọng hơn. Khu vực trách nhiệm được giao cho trung đoàn 45 bộ binh. Trong lúc hết quân, chẳng biết lấy quân ở đâu để trám vào chỗ này, Trung Tá Sang nghĩ đến Cọp Đen Nguyễn Văn Trọng.

Đây là một vấn đề rất tế nhị, cần một người vừa có khả năng quân sự vừa ngoại giao, vừa chính trị để giải quyết vấn đề. Trong các thuộc cấp của ông, Trọng là người được ông đánh giá cao nhất. Trọng không phải là một "simple" đại đội trưởng. Trong đơn vị, Trọng gây được sự tin tưởng tuyệt đối của thuộc cấp. Nơi chiến trường, địch quân nghe đến tên Cọp Đen là tán đởm kinh hồn. Trong những lần đóng quân gần thôn xóm làng mạc, Trọng lấy được tình thương của dân chúng.

Trọng gấp tập hồ sơ hỏi trung tá Sang:

- Việc tréo cẳng ngỗng như vậy, Trung tá muốn tôi đem lính tới đó làm gì?

- Đọc hồ sơ chắc anh biết rồi. Tôi muốn anh đem lính tới đó đóng quân xa xa, cách làng chừng vài cây số để chúng nó sợ thôi. Coi như đi nghĩ mát vậy mà.

"Coi như đi nghĩ mát vậy mà", Trọng nghĩ đến lời pha trò vô duyên của cấp chỉ huy mình. Nụ cười của Trọng méo mó:

- Nếu tôi phát hiện được súng của chúng nó đặt ở trong đó, tôi kêu pháo binh tới dập được không?

Trung tá Sang dẫy nẩy như người dẫm phải lửa:

- Không, không, dập con khỉ. Anh đọc hồ sơ rồi chắc biết. Cái lệnh này đến từ bộ tổng tham mưu, đừng có cương bậy bạ mà đi tù hết cả lũ.

- Vậy tôi phải làm gì?

- Ngay cả tôi cũng không có quyền quyết định. Anh cứ án binh bất động, nếu phát hiện pháo, anh gọi về cho tôi, tôi sẽ xin chỉ thị sư đoàn. Sư đoàn sẽ xin chỉ thị Quân Đoàn rồi cho anh biết quyết định.

Trọng ngán ngẩm lắc đầu. Chờ lấy được cái quyết định của quân đoàn thì chúng nó đã thu dọn hết súng ống về nhà tắm rửa ăn cơm và nhảy được vài bản "Sol Đố Mì" rồi...

- Tóm tắt, nhiệm vụ của anh là dẫn lính tới đó... cắm trại và nghĩ ngơi. Đừng có lạng quạng mà thân bại danh liệt. Anh ráng nhớ cho kỹ!

Trước khi từ giã để chàng leo lên trực thăng về đơn vị, ông nói lời cuối:

- Anh ráng nghĩ ngơi nhiều chừng nào tốt chừng đó. Không biết tôi sẽ cần đến "thằng trinh sát" của anh lúc nào. Thôi nhé, ráng nghĩ ngơi...

Thế là sau gần một năm trời sống mái với giặc trong khắp "hang cùng ngõ hẻm" của rừng cao nguyên, đại đội trinh sát lừng danh của Trọng lại lóc cóc leo lên xe GMC để được chở tới một điểm hẹn nằm trên quốc lộ 14. Từ đây, người Thường Sơn Triệu Tử Long tân thời của sư đoàn 23 bộ binh lầm lũi dẫn quân mình vào gần buôn Thra, đóng trên một ngọn đồi để "trấn nhậm" khu vực trách nhiệm...

Chân bước đều nhưng đầu óc quyền biến của con cọp chuyển động rất nhanh. Ngoài chuyện phải đi trấn nhậm một vùng đất mà mình không được làm gì cả, chàng còn phải lo tới một vấn đề khác là tinh thần của lính đang xuống rất thấp. Mà thấp là phải. Đánh nhau cả năm trời để rồi cuối cùng được "ăn Noel" bằng cách khăn gói quả mướp vô làm an ninh và canh pháo vớ vẫn nơi một cái buôn Thượng ở chốn rừng sâu núi thẳm như thế này thì ai mà ăn cho nổi. Dù quyết định không phải ở nơi chàng, nhưng Trọng thấy phần nào mình cũng có trách nhiệm. Chính mình hứa với chúng nó là Noel này sẽ về hậu phương "ăn chơi chết bỏ" chứ đâu phải Trung tá Sang.

Bây giờ, nhìn thấy khuôn mặt không được vui tươi cho lắm của đại đội phó, Trọng thông cảm liền. Người mà, ai chả vậy.

Đang còn phân vân thì Hoàng hỏi:

- Còn gì không Trung úy?

Trọng sực nhớ ra một chuyện, bèn nói:

- Bố trí xong, ông kiếm cho tôi một tiểu đội trang bị súng nhẹ để đi theo tôi. Tôi muốn xuống dưới làng Thượng "thăm dân tình" một chút.

Tuy chỉ thị của Trung Đoàn Trưởng rõ ràng như vậy nhưng Cọp Đen Nguyễn Văn Trọng là một cấp chỉ huy quyền biến và táo bạo, đã tìm ra cho mình một quyết định riêng. Cọp đen này chẳng chơi gác ai cả nhưng ai chơi gác Cọp Đen thì không được. Người ta cấm lính không được vào làng nhưng chẳng ai có thể cấm một con chiên bước vào nhà thờ. Nhà Chúa luôn luôn mở rộng cho tất cả mọi người dù người đó là người Tây, người Thượng hay là người Việt Nam. Là người công giáo, chàng quyết định đi thăm ông cha Tây một lần cho biết mặt một người đã từng làm rúng động "cơ quan" quyền lực cao nhất của miền Nam Việt Nam là Dinh Độc Lập.

Hoàng lại xoay người bỏ đi. Trọng nhìn theo cho đến khi bóng Hoàng chìm xuống dưới đồi, suy nghĩ vu vơ...

Trời hôm nay đẹp quá, chỉ lác đác vào cụm mây mỏng trên cao, khí trời lành lạnh của tháng 12 và ánh nắng vàng yếu ớt của vùng trời cao nguyên làm tâm hồn người lính trẻ xa nhà cảm thấy ngất ngây. Đời đẹp như thế này, giang sơn cẩm tú như thế này mà sao nước mình cứ mãi điêu linh nhỉ? Trọng bất giác chợt nhớ đến thân phận mình, thân phận của những người chiến binh như chàng...

Đi một vòng kiểm soát hầm hố của lính tráng và lấy mấy điểm "hoả tập tiên liệu" để báo về trung đoàn xong, Trọng trở về lều chỉ huy ngồi xuống trên một khúc cây, đốt điếu thuốc, nhìn xuống khu thung lũng trước mặt. Xa xa dưới chân chàng là hình ảnh mờ mờ của mấy chục cái chòi thượng từ lâu vang danh là "bất khả xâm phạm". Vài cụm khói nhẹ nhàng vươn lên, hiền hoà, bình lặng. Khung cảnh đẹp và trầm hùng như một bức tranh.

Trọng ngồi im, say sưa nhìn ngắm cái làng với nhiều chuyện bí mật như một con cọp ngồi nhìn một đối thủ để tìm thế tấn công...

Người hạ sĩ mang máy truyền tin của Trọng cũng ngồi xuống bên cạnh ông thầy, cũng mồi một điếu thuốc, cũng nhìn về cùng một hướng với Trọng. Rồi tự nhiên, hắn thở dài:

- Hôm nay là sắp tới "Nô Ên" rồi đó trung úy.

Dù trong thâm tâm đã biết là sắp đến Noel, Trọng cũng thấy nhói trong tim khi nghe người lính nói vậy. Bố khỉ, vậy là thêm một cái Noel nữa trong rừng thẳm. Trọng không còn nhớ đây là cái Noel thứ mấy mình không được đi lễ nửa đêm, không được diện đồ đẹp để đi chơi với đào, không được ăn Réveillon, không được đủ thứ...

Trọng chợt nhớ đến mùa Noel năm xưa, lúc chàng từ giã phố phường, Phượng và tuổi học trò yêu dấu để lên đường đi lính.

Nghĩ đến Phượng, chàng nhăn mặt lại như vừa bị ai đấm vào bụng một quả thôi sơn. Trọng thò tay vào túi áo, tìm gói thuốc...

Bàn tay thọc sâu trong túi áo jacket để tìm cái hộp quẹt, Trọng chợt rờ thấy cái nanh heo rừng của Phượng tặng ngày nào...

Hai người quen nhau lúc còn đi học. Tuy chưa bao giờ giờ cầm tay nhau để thổ lộ tâm tình nhưng cả hai đều biết trời sinh hai đứa để... cho nhau. Đã có một thời Trọng ngây ngô nghĩ rằng mình sẽ... chết nếu thiếu Phượng. Ngược lại, Phượng cũng đã nhiều lần nói với Trọng như vậy. Dĩ nhiên, hồi đó hai người còn trẻ...

Rồi Trọng thi rớt tú tài II. Phượng khóc đến sưng mắt. Trọng miệt mài mấy tháng học lại bài để thi lần hai nhưng vẫn rớt như thường. Phượng linh cảm được chuyện gì không hay, ốm nặng.

Trọng bắt đầu biết uống rượu vào buổi tối hôm đi coi bảng. Chàng lờ mờ nghĩ ra rằng cuộc đời mình kể từ hôm nay sắp bước vào một khúc rẻ quan trọng. Như nhiều người... bình thường khác, chẳng ai muốn bỏ cảnh hậu phương ấm êm để lăn mình vào lửa đạn và sương gió làm gì. Nhưng Trọng nghĩ, nếu mình không được hoãn dịch thì đã làm trai sinh nhằm thời loạn, cũng nên mặc áo nhà binh một lần để làm tròn bổn phận. Chưa chắc đi lính đã là đường cùng...

Vì vậy, sau một tuần lễ nằm dài ở nhà dấu kín cái bản mặt "thi rớt" cho thiên hạ khỏi thấy, Trọng đã làm quen được và chấp nhận số phận của mình. Xuất hiện trở lại, chàng đến nhà thăm Phượng trước tiên.

Người làm Trọng ngạc nhiên đầu tiên là bố Phượng. Ông nhìn Trọng bằng một cặp mắt khác xa lúc Trọng chưa thi rớt. Không thể đoán được nhưng Trọng lờ mờ linh cảm rằng ông ta đã đặt rất nhiều hy vọng nơi Trọng ở trường học. Ông ta mơ tưởng gì nơi mình Trọng không biết nhưng chắc chắn hình ảnh đó phải lớn hơn hình ảnh một thằng lính bộ binh nghèo đói, sống nay chết mai.

Cái giá của sự thi rớt quả thật là kinh khủng...

Phượng khuyên Trọng nên chạy giấy tờ giả để học thêm. Trọng lắc đầu vì chàng biết có muốn chạy cũng chẳng có tiền. Phượng lại đề nghị Trọng đi lính nghĩa quân hay lính... cảnh sát. Trọng chỉ lắc đầu cười cười. Phượng lại khóc đến sưng cả mắt...

Ngày chia tay, Phượng bố trí để gặp Trọng một mình nơi nhà con nhỏ bạn. Nàng muốn tặng Trọng cái quý nhất của đời nàng là thân xác nàng nhưng không hiểu vì sao Trọng đã từ chối món quà vô giá đó.

Trọng nhất định không phải là thánh nhưng từ thuở nhỏ, bản tính của chàng luôn luôn như vậy. Quan niệm sống của chàng là sống trọn vẹn, vui trọn vẹn. Sung sướng gì khi được vui vầy một cách... chụp giựt trong chốc lát để rồi có thể ngày mai có thể sẽ hối hận...

Hai người nằm im bên nhau, Phượng cứ lập lại câu nói: "Ngày mai anh đi rồi, đi thật rồi..." Mắt nàng lúc nào cũng rướm lệ...

Trọng để một tay cho Phượng dùng làm gối, tay kia đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Mắt chàng ngây dại nhìn lên khoảng trống trên trần nhà.

"Ngày mai anh đi rồi, đi thật rồi!" Sao tiếng Việt lại có những câu đơn giản và buồn đến nát người như thế nhỉ, Trọng suy nghĩ...

Rồi Phượng hỏi:

- Sao anh không muốn... Phượng? Phượng dâng hiến cho anh mà!

Trọng xoay người, nhìn thẳng vào mắt Phượng, lời nói như muốn tắt nghẹn:

- Anh cám ơn Phượng nhưng anh không muốn lợi dụng Phượng!

- Nhưng Phượng yêu anh, Phượng muốn cho anh! Mai anh đi rồi.

Trọng lắc đầu, khép đôi mắt lại, lòng chùng hẳn xuống làm như sắp khóc:

- Ừ mai anh đi, nhưng làm vậy có ích gì đâu Phượng? Lỡ có chuyện gì cả ba đứa mình đều khổ.

Nghe Trọng dùng chữ "Ba đứa mình", Phượng không hiểu được nhân vật thứ ba là ai. Nhân vật ấy chưa hề có, chưa bao giờ xuất hiện hay là ai Phượng không biết nhưng cũng chẳng thèm hỏi.

Trọng dụi điếu thuốc, kéo Phượng sát vào người mình. Chàng vừa vuốt tóc Phượng vừa nói nhỏ:

- Đừng nói chuyện "đi" nữa Phượng, chuyện "đi" nghe buồn quá. Mình nói chuyện "về" đi.

- Ừ! Vậy chừng nào anh về?

Trọng nghẹn họng. Khoá sĩ quan Thủ Đức cộng thêm khoảng thời gian ở Quang Trung và các trung tâm chờ đợi sớm gì cũng mất hết một năm. Một năm tức 12 tháng tức 365 ngày vắng bóng Phượng, chỉ nghĩ đến đó thôi Trọng đã thấy tái tê người. Mình mà còn thấy tái tê thì Phượng chịu gì nổi? Trọng đành phịa:

- Vài tháng.

- Vài tháng là mấy tháng hở Trọng?

- Nhiều nhất là 6 tháng.

Phượng ụp mặt vào ngực Trọng, giọng nàng lạc đi:

- Trời hỡi trời, tôi làm gì cho hết sáu tháng trời không có Trọng đây hở trời?

Trọng mím chặt môi. Một cảm giác vừa sung sướng vừa buồn phiền dâng lên trong lòng chàng. Sung sướng vì câu nói ấy chứng tỏ nàng yêu mình hơn chàng nghĩ. Buồn phiền bởi Trọng biết 6 tháng sau chàng cũng chưa thể trở về được.

Rồi Trọng nghe được được tiếng khóc nho nhỏ của nàng...

Không có can đảm nằm nghe Phượng khóc, Trọng vỗ vào vai Phượng mấy cái rồi rút tay ra...

Như một cái máy biết cử động, chàng từ từ đứng dậy mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Thành phố Nha Trang vừa lên đèn. Tiếng xe cộ ồn ào ngoài đường vọng vào phủ kín tâm hồn Trọng. Nghĩ ra một điều gì, chàng nhăn mặt lại. Lạ thật, bao nhiêu năm qua sinh ra và lớn lên ở thành phố này, Trọng có bao giờ thèm để ý đến những thứ tiếng động ồn ào này. Chiều hôm nay, tiếng động vô tri mà sao nghe thấy nó dễ thương chi lạ. Dễ thương và đầm ấm lạ lùng.

Trọng suy nghĩ rồi bỗng gật gù cái đầu. Thì ra là hễ cái gì mình sắp mất cũng đều trở nên quý giá cả. Từ cảnh vật cho đến con người...

Trọng bắt chiếc ghế kê gần cửa rồi ngồi im nhìn ra ngoài đốt thuốc lá. Suốt từ sáng đến giờ chàng đã đốt hết năm gói rồi mà sao vẫn hút được mới là kỳ.

Phượng cũng đã thôi khóc, đứng im sau lưng Trọng không biết từ lúc nào. Nàng nắm chặt lấy tay Trọng như cố truyền vào đó tất cả những nhớ thương của mình trước giây phút chia tay. Trọng quay lại, cố điểm một nụ cười, nhìn thật gần vào đôi mắt long lanh của Phượng:

- Đừng buồn quá Phượng, em phải nhìn vấn đề một cách lạc quan. Biết đâu chừng trong lúc khám sức khoẻ, người ta sẽ tìm thấy một cái bệnh gì đó trong người anh rồi đuổi cổ anh về, không cho đi lính nữa.

Phượng hớn hở:

- Anh mà bệnh gì? Nghĩ ra một chuyện, Trọng bật cười lên:

- Anh nghĩ chắc anh bị bệnh... bất lực.

Phượng có cảm giác là Trọng chỉ đùa với mình, nhưng vẫn nuôi một hy vọng nhỏ trong lòng, hỏi dồn dập:

- Anh bị bất lực thật không, hay anh chỉ đùa?

- Thì em nghĩ xem, nằm gần bên em hấp dẫn và ngon lành như thế kia suốt cả một buổi chiều mà anh không thèm sơ múi gì hết, cái này không gọi là bất lực thì gọi là gì, hì... hì...

Đang buồn nẫu người mà Phượng cũng phải phì cười, đưa tay đấm vào vai Trọng:

- Gọi là... ngu. Anh này hay thật, chết đến nơi mà vẫn còn đùa được...

Có lẽ Phượng yêu Trọng cũng ở cái tính lạc quan yêu đời và hay tếu này.

Trọng tiếp:

- Đùa thôi! Nhưng biết đâu chừng, ra trường rồi anh sẽ được đổi về lại Nha Trang. Hai đứa mình lại xum họp mấy hồi...

Phượng lại cười. Cái nhìn lạc quan thứ hai này coi có thể dễ chấp nhận hơn cái bệnh bất lực vớ vẫn. Ừ, Phượng nghĩ, tại sao mình không nhìn vấn đề một cách lạc hơn nhỉ? Nước mình bây giờ mỗi ngày có hàng trăm ngàn người ra đi, đâu phải ai cũng chết hết.

- Từ lúc nhỏ, anh học được một cách sống rất hay. Đó là trong bất cứ một hoàn cảnh nào, mình cũng phải tìm cách nuôi cho mình một hy vọng. Ngày nào con người còn nuôi hy vọng, ngày đó cuộc đời còn đáng sống, đáng phấn đấu...

Hai người ngồi nói chuyện mãi rồi cũng đến lúc chia tay. Phượng cầm hai tay Trọng, run run nhét vào đó một vật nhỏ bọc khăn mu soa. Trọng dở ra xem, thì ra cái nanh heo rừng. Không biết cái nanh đã cũ bao nhiêu năm nhưng đã lên nước rất bóng loáng.

- Em đào đâu ra được thứ này vậy?

- Nanh heo rừng đó, linh lắm, của bố. Người ta nói ai đeo nanh heo rừng thì đạn sẽ bắn không trúng. Ngày xưa bố đi lính, nhờ nó mà đánh bao nhiêu trận không bị hề hấn gì.

Trọng cười, chàng chẳng bao giờ tin những cái vớ vẫn như vậy nhưng cũng hít hà ra vẻ mừng rỡ để Phượng vui lòng.

- Bố cho anh à?

Phượng lắc đầu, cười:

- Không, Phượng... lấy trộm. Cái này để trên bàn thờ, qúy lắm, sức mấy mà bố cho. Phượng lấy đại để cho anh, mong anh được bình an như bố...

Rồi Phượng khóc. Mới đầu chỉ ấm ức nhưng rồi nàng khóc oà lên. Suốt đời Trọng, chàng chưa bao giờ nghe nhiều tiếng khóc bằng buổi tối hôm đó...

Bây giờ, ngón tay chạm chiếc nanh heo rừng, hình ảnh Phượng ngày nào lại trở về trong trí chàng...

Dặn dò những điều cần thiết với Hoàng xong, Trọng dẫn lính xuống ngọn đồi, tiến về phía làng Thượng. Chàng ngạc nhiên khi nhận thấy lác đác đó đây trên con đường đất đỏ có những đống đá xanh mới tinh vun cao. Tại sao lại có những đống đá xanh mới tinh chất bên đường như thế này, Trọng nhíu mày suy nghĩ.

Tới gần hơn chút nữa, Trọng nhận ra một ngôi thánh đường vươn hẳn lên giữa những dãy nhà sàn lụp xụp. Tuy nhà thờ được cất bằng gỗ và gạch sơ sài nhưng nhìn rất đẹp mắt. Nhất là cây thánh giá trên nóc giáo đường. Nó to lớn vĩ đại như muốn ôm ấp hết cả cảnh núi rừng thanh tịnh ở chung quanh vào lòng mình.

Đang còn suy nghĩ thì Trọng nghe được tiếng đàn hát nho nhỏ vọng ra từ trong làng. Tới gần hơn nữa, Trọng nhận ra tiếng hát đó là của một ban hát hợp ca, và hình như phát ra từ một căn nhà lợp mái tranh ở bên cạnh ngôi giáo đường, gần phía ngoài làng.

Tiếng hát vang lên khi trầm lúc bỗng, khi nhẹ nhàng, lúc dồn dập giữa một nơi đồng không mông quạnh làm mọi người đều thấy thích thú. Thật là một bất ngờ thú vị. Ai lại ngờ có thể nghe được những tiếng hát, mà lại là tiếng Việt Nam phát ra từ trong một buôn Thượng. Bài hát này Trọng nghe thấy quen quen nhưng nghĩ mãi không ra. Rõ ràng điệu nhạc là một điệu giật gân, hình như "cha cha cha" thì phải nhưng lời hát lại là một bài hát đạo. Trọng nghe câu được câu mất nên càng để ý lắng tai nghe...

Cách cổng làng chừng vài trăm thước, Trọng cho lính dừng bước, đứng yên quan sát một vòng. Và những điều Trọng nhìn thấy và ghi nhận từ sáng đến giờ chứng tỏ tình báo của sư đoàn nói đúng. Việt cộng rất có thể kiểm soát ngầm được khu làng này. Trong khi đó, quân ta bị bó tay.

Giờ này làng có vẻ vắng, hình như người lớn đi làm rẩy chưa về. Một đám con nít trần truồng đang nô đùa, nhìn thấy người lạ mặt liền ùa tới nhưng không dám ra khỏi làng, chỉ đứng xa xa ngó. Đó đây, một vài con trâu con bò nằm im lặng một cách nhàn nhã.

Trọng vẫy tay chào bọn con nít rồi quay sang bảo người tiểu đội trưởng đi theo mình:

- Như tôi đã nói hồi sáng với anh em, cái làng Thượng này không giống bất cứ cái làng nào mà mình đã hành quân qua. Các anh mà làm bể một viên gạch thì ngày mai nó kiện tới... Dinh Độc Lập. Bây giờ mấy anh ở ngoài này... chơi, để một mình tôi vào làng thăm cha xứ.

Người tiểu đội trưởng nhìn Trọng ái ngại ái ngại:

- Trung úy nên dắt theo vài người, lỡ có chuyện gì...

Trọng cười, ráng pha trò một câu cho không khí bớt căng thẳng:

- Ông có nghe được tiếng hát lúc nãy không? Chẳng có gì đâu. Việt Cộng đâu có hát hay như vậy được...

Nói xong Trọng cởi giây đeo súng Colt của mình đưa cho người hạ sĩ quan mang máy:

- Ông trực máy ngoài này, có gì chạy vào kêu tôi. Mấy ông cứ tản mát ra đi ngắm trời ngắm đất cho vui, nhưng phải luôn luôn đề cao cảnh giác và nhớ kỹ lời tôi nói, không được động đến một ngọn cỏ của cái làng này.

- Trung úy lặn cây Colt theo cho chắc ăn trung úy.

- Không! Khách lạ đến thăm một nơi mình chưa quen biết mà trang bị súng ống đến tận răng thì khó mà gây được cảm tình. Hơn nữa, nếu có Việt Cộng trong làng thì một cây Colt cũng không bắn lại chúng nó... Rồi bây giờ anh em tản mác ra đi, nhớ đừng có gây sự với ai cả...

Trọng xoay người, ước lượng khoảng cách từ chỗ chàng đứng đến căn nhà tranh có tiếng hát phát ra rồi chầm chậm bước tới. Chàng ráng làm ra vẻ nhàn nhã tĩnh táo như một người du khách đi dạo nhưng tim vẫn đập lên từng hồi, mồ hôi ở trán và ở cổ rịn ra. Trọng ráng không nghĩ đến cảnh ở một căn nhà sàn nào đó, tự nhiên mọc ra một... họng súng A.K., nhắm vào người chàng nổ ròn rã. Chết mà không cầm được cây súng trong tay để bắn lại kẻ thù gọi là chết ngu. Hình ảnh đó làm Trọng giựt mình. Mình ngu thật, hết chuyện làm rồi tại sao lại quyết định khơi khơi vào đây một thân một mình như vậy? Tại sao mình lại có thể ngu dại như thế nhỉ?

Hay bây giờ rút lui cũng còn kịp. Bước chân Trọng trở nên chậm lại với ý nghĩ này. Nhưng đã mang danh là Cọp Đen, ai lại bỏ cuộc nửa chừng như vậy. Lính tráng sẽ đồn rầm lên là "Ông thầy lạnh cẳng, đi nửa chừng đổi ý, không dám vô làng..." Trọng hiểu chuyện mua danh ba vạn bán danh ba đồng xảy ra rất thường. Nhưng làm người, ai lại chẳng sợ chết...

Chàng bị dằn vặt giữa hai quyết định không chọn được nhưng cặp chân vẫn từ từ cất bước. Những bước chân nặng chĩu đúng nghĩa..

Ngay lúc ấy, từ căn nhà mà chàng đang lấy hướng đi tới vẳng ra tiếng hát, âm thanh huyền bí quyến rũ và an hòa như một điệu nhạc đến từ cõi trời cao thăm thẳm: "...Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm..."

Tự nhiên, Trọng thấy lòng mình trở nên nhẹ nhỏm. Một niềm hạnh phúc lâng lâng không cắt nghĩa được từ đâu phủ kín trái tim chàng. Trọng thấy ngất ngây trong tiếng nhạc, chân cất bước mạnh dạn, chẳng còn thấy e dè sợ hãi gì cả...

Càng tới gần, tiếng hát càng trở nên rõ ràng, thanh thoát...

Và Trọng chợt khám phá ra vì sao tiếng hát đã làm cho chàng lấy được sự tự tin, sự bình an trong lòng. Đây là bài hát "Kinh Hoà Bình" của thánh Phan xi Cô mà thuở nhỏ chàng rất thích. Mỗi lần đi lễ nghe người ta hát bài này, lòng Trọng luôn luôn như muốn chảy ra...

Rồi Trọng nghĩ tiếp, quái lạ, bài này là một bài hát chậm, rất chậm, không hiểu ai lại biến chế để hát nhanh như vậy. Hay cả nước bây giờ đang hát mau như vậy cũng nên, Trọng suy nghĩ. Có lẽ Lâu quá mình không đi nhà thờ nên không biết đến những thay đổi...

Trọng đã đứng trước căn nhà phát ra tiếng hát mà không ai hay biết. Từ ngoài nhìn vào, chàng nhìn thấy một người mặc áo chùng đen xây lưng cầm cây đờn đứng giữa một đám thanh thiếu nhiên đứng ngồi ngổn ngang. Trọng lặng thinh theo dõi...

- Nào bây giờ chúng mình vô lại nhé, nhớ nghĩ một temp ở chỗ đó chỗ đó ... Một hai ba bốn năm... một... Lạy chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự chúa trong mọi người... Chát chát... chình chình chình...

Trọng cười. Chàng đã đoán không sai. "Chát chát chình chình chình" là điệu cha cha cha. Tiếng hát tiếp tục vang lên dồn dập:

"...để con đem tin kính vào nơi nguy nan đem trông cậy vào nơi thất vọng..."

Trọng đứng ngây người giữa trời. Gió cao nguyên của buổi trưa mùa đông thổi vi vu nhẹ nhàng như quyện với tiếng hát để phủ kín lấy người chàng, thấm sâu vào trong từng thớ thịt, từng khúc xương, từng tế bào. Một bài hát chậm hát mau mà không ngờ hay như vậy làm lòng chàng như bay vút lên cao...

Tự nhiên, Trọng thấy mình không còn là một Cọp Đen lừng danh đánh giặc tới nhất của sư đoàn 23 bộ binh nữa mà là một cậu học trò Nguyễn Văn Trọng bé bỏng ngày nào của thuở học trò, của những ngày xanh vô tội, của những ngày quê hương còn thanh bình yên ấm.

Tiếng hát lại vọng ra nhịp nhàng, ấm cúng:

"...để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn u sầu..."

Bị lôi cuốn bởi tiếng hát, Trọng từ từ tiến tới đứng sát bên cửa lúc nào mà không hay. Chàng ngạc nhiên khi nhìn thấy người mặc áo chùng đen là một linh mục người Việt Nam rất trẻ, chắc chỉ hơn chàng chừng 5 tuổi là cùng...

Vậy còn ông cố đạo Tây khó tánh đã làm điên đảo Dinh Độc Lập như lời ông trung đoàn trưởng mô tả đâu rồi nhỉ? Trọng thấy mừng vì mình đã quyết định một thân một mình vào đây. Ít nhất, cho đến giờ phút này, chàng thấy làng này cũng bình thường như đa số làng khác...

Nghĩ đến người linh mục trẻ tuổi ở một xứ đạo người Thượng hẻo lánh, Trọng tự nhiên thấy thương ông ta. Trẻ tuổi... hát hay như vậy mà phải chôn đời mình ở một nơi như thế này thì chắc là buồn lắm. Trọng nhớ đến cũng hình ảnh này của các ông cha khác nơi những Vương cung thánh Đường nguy nga đồ sộ, với những ca đoàn viên ăn mặc sang trọng và đẹp như tiên nữ. Những tiên nữ đi tập hát có tài xế chở đi bằng xe Mercedes, xe Hoa Kỳ mới tinh bóng lộn...

Hết bản nhạc, biết có khách đứng ở ngoài, người linh mục nói vài điều với các em ca đoàn rồi bước ra tiếp Trọng. Nụ cười chân thật tươi tắn của vị linh mục nở dưới gọng kiếng trắng dày cộm làm Trọng có cảm tình ngay từ giây phút đầu tiên:

- Chào ông, ơ xin lỗi, chào Trung úy! Tôi là cha Thanh.

Còn biết gọi mình là trung úy thì chắc chưa đến nỗi nào. Trọng đứng nghiêm, chào rồi đưa hai tay bắt tay Cha Thanh:

- Kính chào cha, con tên là Trọng, cha cứ gọi là Trọng. Ca đoàn của cha hát hay quá.

Cha Thanh cũng đưa hai tay ra bắt lấy tay Trọng:

- Anh quá khen, tôi ráng tập cho kịp để chúng nó hát lễ Noel đấy mà.

Trọng dùng bài hát làm đề tài để bắt chuyện:

- Thưa cha lúc nhỏ con đi nhà thờ, cũng nghe hát bài này hoài nhưng người ta hát... khác.

Cha Thanh bước ra khỏi nhà, cười hềnh hệch sảng khoái, rất tự nhiên:

- Anh cũng có đạo à? Thế thì tốt quá. Anh nói đúng, bài "Kinh hòa bình" đúng ra phải hát chậm nhưng các em đề nghị "phan ta di" ra như vậy. Tôi hát thử thấy hay nên tập cho các em hát luôn.

Cha Thanh cởi mở và hồn nhiên thật. Mới nói chuyện mà chàng thấy như hai người đã quen nhau lâu lắm rồi. Trọng cười, hỏi tiếp:

- Cha làm vậy không sợ mất vẻ nghiêm trang à?

Cha Thanh lắc đầu:

- Thiên Chúa quyền uy cao cả, ngài không chấp nhất những chuyện nhỏ mọn.

- Cha hút thuốc?

Cha Thanh tỉnh bơ đưa tay rút một điếu thuốc do Trọng mời, khum người mồi lửa:

- Cám ơn anh. Sáng giờ cũng đang thèm thuốc.

- Cha "đóng" ở đây lâu chưa?

Cha Thanh cười:

- Đúng ra xứ đạo này do một ông cha người Pháp trông coi. Ông ta về Pháp nghĩ lễ hai tháng nên tôi được cử về đây tạm thời thay thế. Nhà xứ tôi cũng ở đây không xa, trong thị xã Kon-Tum.

Mặt Trọng trở nên hớn hở. Thì ra vậy. Một thắc mắc trong đầu Trọng đã được giải quyết thỏa đáng. Cha Tây khó tính vắng nhà, cha Việt Nam... dễ thương thay thế tạm. Vậy thì mình phải khai thác mới được.

Như đọc được những ý nghĩ trong đầu Trọng, cha Thanh cười hỏi:

- Anh đến đây chơi hay có việc gì không?

Trọng không biết trả lời sao. Khó nói quá. Chẳng lẻ lại nói huỵch toẹt là cha biết chúng nó giấu súng ở đâu không, hay làng này có chứa thằng Việt Cộng nào không?

Cha Thanh biết Trọng đang bối rối, bèn hỏi:

- Anh uống cà phê? Nếu rảnh mời anh lên nhà ngủ, tôi mời anh một ly cà phê, mình nói chuyện chơi...

Còn gì bằng, Trọng hân hoan nhận lời.

Đám thanh thiếu niên đoàn hát bây giờ đã ùa ra ngoài. Chúng nó khoảng 10 đứa. Một nửa là Việt Nam, một nửa là Thượng. Trọng để ý thấy đám thiếu niên người Thượng ăn mặc bảnh bao hơn đám Việt Nam nhiều. Đứa nào cũng quần jean áo nhập cảng từ ngoại quốc, còn Việt Nam chỉ mặc quần đen nội hóa với những chiếc áo trắng đã ngã màu.

Cha Thanh bảo chúng bằng tiếng Việt trước rồi phụ đề tiếng Thượng sau:

- Cha có khách tới bất ngờ phải tiếp. Chúng con chuẩn bị xe... bò để chờ cha. Lát nữa cha xuống chúng mình đi.

Cha xứ Tây ở một căn nhà gạch rất tiện nghi với phòng ăn, phòng ngủ và cầu tiêu đầy đủ.

Trọng ngồi nơi bàn ăn chờ cha Thanh pha cà phê. Nhìn đồ đạc bày biện trong phòng, Trọng cảm thấy làm người... Tây phương sướng thật. Không, đúng hơn phải nói làm dân của một nước văn minh sướng thật.

Hai người ngồi trong phòng ăn uống cà phê nhìn ra ngoài. Trọng làm một hớp cà phê:

- Ở trong rừng mà có được một ly cà phê ngon như thế này thì thật là hạnh phúc.

- Cà phê Ban Mê Thuột nổi tiếng thế giới. Tôi ghiền cà phê này đến độ hồi còn học ở bên Pháp, mẹ tôi cứ vài tháng phải gởi sang cho tôi chừng năm ký...

Lại thêm một yếu tố mới làm Trọng ngạc nhiên, chàng bám ngay đề tài:

- Cha đã du học ở Pháp?

- Gia đình tôi gởi tôi đi du học rồi tôi được ơn kêu gọi bên đó. Chịu chức xong tôi xin về nước để phục vụ...

Nói đến đó, cặp mắt của cha Thanh như thoáng lên một chút buồn phiền. Trọng không hiểu vì sao nhưng trong lòng thấy hơi bối rối. Chàng chẳng lạ gì tinh thần thiên cộng của cái đám sinh viên quốc gia được bố mẹ gởi đi du học ở ngoại quốc. Sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, lại ra đi quá sớm, họ dễ bị đạo binh tuyên truyền của Cộng Sản đầu độc. Cha Thanh có phải là một trong cái đám này không, Trọng tự hỏi? Tại sao lại "tình nguyện xin về nước phục vụ?", rồi lại phục vụ đúng ngay trong một cái làng Thượng nổi tiếng là "Việt Cộng" này. Tuy có cảm tình với cha Thanh nhưng chàng cũng thấy hơi ngờ ngợ trong người. Giọng của Trọng có vẻ hơi bớt thân mật đi chút ít:

- Bên Pháp vui không cha?

- Nếu như đi du lịch chừng vài tuần thì nơi nào cũng vui cả. Nhưng ở lâu rồi thì anh mới thấy là không chỗ nào bằng quê mình được, không người nào bằng người mình được, không có tình thương nào bằng tình thương Việt Nam được...

- Ý con muốn nói, thưa cha, là ít nhất, bên đó họ thanh bình, không có chiến tranh. Sống trong một nước hoà bình chắc sướng lắm...

- Tôi nghĩ là hòa bình hay chiến tranh bắt đầu từ ở con người. Con người gây ra được chiến tranh thì con người cũng làm được hòa bình. Một con người hoà bình sống giữa chiến tranh vẫn thấy mình an bình. Ngược lại, một con người háo chiến sống giữa một miền đất hòa bình vẫn không có hòa bình.

Bây giờ thì Trọng thấy khó chịu thật. Giọng điệu này đúng là giọng điệu tuyên truyền ru ngủ mà bọn Cộng Sản thường dùng. Ông cha thiên Cộng này muốn chửi bọn chúng mình là háo thắng đây chăng? Sao ông ta không biết là nếu Việt Cộng rút quân về Bắc, đừng xâm lăng nữa thì đất nước sẽ thanh bình liền...

Nghĩ vậy nhưng Trọng biết chuyện làm của mình. Mình không đến đây để cãi lý hay làm mất lòng một ông nhà tu thiên Cộng trẻ tuổi từ Pháp mới về. Mục đích của chàng là tìm hiểu về cái làng này càng nhiều càng tốt.

Nhìn mặt Trọng, cha Thanh chợt hiểu chàng có điều gì bất mãn nhưng chưa tiện hỏi.

- Hòa Bình, ý con muốn nói là người ta không bị chết bất tử, không bị cháy nhà bất tử, không bị pháo kích bất tử như cái thành phố Kon Tum lâu lâu chẳng biết chúng nó đặt súng ở đâu mà cứ pháo vào thành phố hoài, chúng con kiếm mãi không ra...

Cha Thanh nhìn đăm đăm vào Trọng một lúc rồi gật gù, cười:

- Tôi đã đoán là anh đến đây vì có một mục đích, nhưng không sao, khi nào có dịp tôi sẽ cắt nghĩa cho anh hiểu...

Cha Thanh rót thêm cà phê cho Trọng:

- Anh uống thêm cà phê! Tôi ở đây ít khi gặp người Việt Nam cùng tuổi để tâm sự. Người Việt chỉ có mấy đứa con nít trong hội hát, người lớn toàn là Thượng. Họ nói tiếng Việt rất ít, chỉ nói tiếng Thượng và tiếng Pháp...

Thì ra đã làm người, ai cũng có tâm sự, ai cũng biết vui biết buồn. Cha Thanh cũng không tránh khỏi định luật này. Nói chuyện thêm một lúc, thấy cha Thanh có vẻ thành thật cởi mở, Trọng hỏi:

- Thưa cha, chẳng dám dấu cha, đúng như ý cha đoán lúc nãy, con muốn hỏi thăm cha một điều...

Hình như đã chờ câu hỏi này từ lâu, cha Thanh cười:

- Anh nói đi, xem thử có đúng như những gì tôi nghĩ không?

- Thưa cha, cha ở xa về không biết, cái làng này xưa nay nổi tiếng là một làng "bất khả xâm phạm."...

Cha Thanh cười:

- Bất khả với ai chứ với anh thì chịu. Nếu bất khả thật thì làm sao giờ này anh vào đây để nói chuyện với tôi được?

- Thưa cha, con không biết phải giải thích thế nào nhưng cái làng này có một ông cha Tây khó chịu lắm... Con không muốn đem vấn đề quân sự ra nói chuyện với cha nhưng cha nghĩ xem, Việt Cộng cứ lâu lâu kéo súng về đặt gần làng để bắn đi mà mình không làm gì được. Cha nghĩ xem, họ đã ở trên đất nước mình, chẳng giúp gì được cho mình lại còn đi che chở cho giặc... Cha là người Việt Nam, con nghĩ cha có thể thông cảm được với con...

Trọng nhìn cha Thanh hồi hộp chờ câu trả lời. Giọng cha Thanh nghiêm trang:

- Vậy theo ý anh, chúng tôi phải làm gì?

Hai chữ "chúng tôi" xác định một sự "đoàn kết khắng khít" với nhau mà Trọng rất sợ. Chưa kịp trả lời thì cha Thanh tiếp luôn:

- Trước hết, anh Trọng à, tôi xin xác nhận với anh là làng này không chứa Việt Cộng. Tôi biết cha cố Pierre, ngài cũng không chứa Việt Cộng...

Trọng thấy nhẹ nhỏm trong người. Chàng biết cha nói thật.

- Ngược lại, nói anh đừng buồn, chúng tôi cũng không thể làm tay sai cho chính quyền. Chúng tôi biết Việt cộng thường đem pháo về gần làng để bắn vào thành phố nhưng chúng tôi không thể báo cáo việc này cho ai biết hết. Chuyện không phải của chúng tôi, chúng tôi không để ý đến. Anh nên hiểu cho rằng, vấn đề ý thức hệ, vấn đề quốc gia hay cộng sản không có trong đầu óc những người miền núi dốt nát này. Đối với họ chỉ có vấn đề sống hoặc chết. Anh nghĩ xem, những người dân một cổ hai tròng ở những vùng hẻo lánh như thế này không thể dứt khoát theo một bên nào được. Theo quốc gia thì chết với Việt Cộng, mà theo Việt Cộng thì cũng chết với các anh...

Cha Thanh nói đúng. Người dân ở những vùng xôi đậu luôn luôn chịu một cổ hai tròng. Theo bên này thì chết với bên kia. Nếu mình không bảo đản được an ninh cho họ 100 phần trăm thì cũng đừng mong có sự trung thành 100 phần trăm.

- Tôi cũng đã nghe được những lời than phiền của bên quốc gia mình về linh mục Pierre, ngài hay kiện lên tới toà thanh La Mã những chuyện nhỏ nhặt không đâu. Thật ra, anh phải hiểu cho rằng, sống ở một nơi xa ánh sáng văn minh thì đôi khi cũng phải làm dữ một chút mới dọa được những ông tỉnh trưởng tham nhũng, những cấp chỉ huy lính bê bối. Thành thật mà nói, những chuyện như thế làm sao tránh được trong cuộc chiến....

- Thế Việt Cộng về bắn phá bậy bạ cha Pierre có kiện không?

- Kiện chứ! Kiện đứt đuôi con nòng nọc nhưng anh biết thế giới cộng sản mà. Chúng nó che chở cho nhau không cần biết tốt xấu. Hơn nữa, hệ thống thông tin tuyên truyền của cộng sản ở thế giới tự do rất mạnh, chúng có thể phủ đầu những tin tức bất lợi cho chúng rất dễ dàng.

Trọng nghe đến đâu thì thấm đến đó. Cha Thanh mồi điếu thuốc, nhìn đồng hồ rồi đứng lên hỏi:

- Anh nhìn tôi, anh có thể tin rằng một người như tôi, một người mà gia đình đã bỏ cả quê hương, bỏ cả mồ mả tổ tiên để vào Nam tránh hoạ cộng sản, thì có thể là một người bắt tay hay dung túng bọn cộng sản được không?

Trọng thấy phấn khởi trong lòng và biết là đã đến giờ mình phải ra đi. Chàng đứng dậy, lắc đầu:

- Không bao giờ.

Cha Thanh cùng Trọng bước ra cửa:

- Cám ơn anh đã thông cảm cho tôi và quan trọng nhất, cám ơn anh đã có can đảm vào làng để nói chuyện với tôi. Nghĩ cũng lạ, người ta cứ cho rằng làng này chứa Việt cộng mà xưa nay chưa có một người lính nào dám vào làng này để tìm hiểu. Anh vào đây rồi, anh có thấy một cây A.K. hay một cây B-40 nào giấu trong này không?

Trọng cười:

- Con chỉ thấy... thánh giá và... ca đoàn.

Cha Thanh cười theo. Hai người đứng ngoài bãi cỏ, cha Thanh nói:

- Tôi muốn ở lại hàn huyên với anh lâu hơn nhưng có công chuyện phải ra ngoài làng bây giờ, bọn nhỏ đang chờ. Anh còn đóng quân ở đây, thỉnh thoảng ghé thăm tôi chơi.

Trọng móc bao thuốc lá mời cha Thanh một điếu rồi dúi nguyên cả gói còn lại vào tay ông ta:

- Cha giữ lấy gói thuốc này mà hút, con còn nhiều.

Cha Thanh cầm bao thuốc lá, cười: -Trung úy muốn "mua chuộc" tôi à?

Trọng cũng đùa theo:

- Một trong những điều tâm niệm của người chiến sĩ quân lực VNCH là phải thương dân, giúp đỡ dân và bảo vệ dân mà cha...

Hai cả người cùng cười rồi chia tay nhau.

Trọng bình thản bước từng bước một ra bìa làng, lòng thấy nhẹ nhỏm thư thái. Cuộc mạo hiểm của Cọp Đen coi như thành công ngoài sức tưởng tượng. Lúc bắt đầu bước vào đây, chàng chỉ dám bước vì tiếng hát, chẳng ngờ lại được gặp gỡ cha Thanh và được hiểu thêm nhiều chuyện. Từ đây, cái nhìn của chàng về cái buôn thượng vang danh... Việt Cộng này sẽ khác hơn.

Tới ngoài làng, Trọng cảm động khi nhận ra những ánh mắt lo âu của thuộc cấp. Chàng cười xoà rồi dắt lính đi một vòng phía ngoài làng để nghiên cứu địa thế.

Chàng để ý gần làng có một con suối không lớn lắm nhưng sâu thăm thẳm, muốn leo xuống phải khó khăn vô cùng. Đi hết một vòng quanh làng, trọng thấy tự tin hơn. Địa thế như thế này thì chúng không thể kéo pháo về được, chỉ có thể đem súng cối và hoả tiễn về bắn quấy rối. Cọp đen đứng trên một mô đất suy nghĩ. Cối thì cho chúng mày bắn tới tết ông cũng cóc sợ, chỉ ngán chúng nó kéo hỏa tiễn 122 ly về. Hỏa tiễn 122 ly là một thứ vũ khí khủng bố dân lành vì có tầm bắn xa, dễ cơ động nhưng thiếu chính xác. Nhiều khi hỏa tiễn bay xa mục tiêu cả... chục cây số vì dàn phóng được mấy ông chế ẩu tả cấp tốc bằng tre, cho nổ mười quả một lần để rớt bừa bãi vào thành phố rồi bỏ chạy. Trọng đã từng nhìn thấy cảnh những em bé mất đầu mất tay, những người dân lành vô tội bị chết thảm thiết vì những trái 122 ly này.

Trọng lấy bản đồ ghi chép và đánh dấu những chỗ cần thiết rồi dắt lính về. Trời đã về chiều, gió cao nguyên bắt đầu thổi lồng lộng đem hơi lạnh từ trong núi ra. Ngày đầu tiên như vậy coi như là thành công quá rồi. Trọng đếm từng bước một trên con đường đất, suy nghĩ vu vơ...

"Vậy là sắp tới Nô Ên rồi trung úy," câu nói vô tình của người lính lại trở về với Trọng. Phượng giờ này chắc đang dạo phố phường hay chuẩn bị bánh trái để đón lễ giáng sinh sắp tới. Không biết nàng có nghĩ đến mình không nhỉ. Quái lạ, sau mấy năm tưởng đã quên bẵng người con gái đó, không hiểu tại sao hôm nay mình lại nghĩ đến nàng tới mấy lần. Trọng trầm ngâm suy nghĩ...

Thôi đúng rồi, mình từ giã nàng ra đi vào một mùa giáng sinh. Đúng một năm sau, cũng vào mùa giáng sinh gió lộng như thế này, mình đã trở về...

Mắt chàng thấy cay cay. Phượng ơi Phượng, Phượng đâu hiểu anh vẫn còn yêu Phượng, mãi mãi yêu Phượng như thuở nào trước khi anh đi lính...

Chuyện tan vỡ của hai người thật ra không biết phải đổ lỗi cho ai. Nếu có Phượng tại đây, nàng sẽ nói là tại Trọng. Còn riêng Trọng, chàng nghĩ chính Phượng là người... phải chịu trách nhiệm nặng nề.

Sau ngày từ giã nàng ra đi, những tuần lễ đầu, mỗi tuần Trọng đều viết cho Phượng một lá thơ. Đó là những ngày còn nhàn nhã ở trung tâm tuyễn mộ nhập ngũ chưa vào quân trường. Ở đấy, người ta cho các khoá sinh được sống một cuộc đời tương đối thoải mái để làm quen dần với nếp sống nhà binh.

Hễ nhận được lá thơ nào là Phượng trả lời ngay lá thơ đó. Tình yêu con gái chan chứa, nàng viết có khi dài đến 8, 9 trang giấy học trò.

Rồi Trọng vào quân trường Quang Trung, những lá thơ viết cũng vơi dần theo vì chẳng có dư thì giờ. Thì giờ ngủ còn chưa có lấy thì giờ đâu để viết. Tuy nhiên, Trọng cũng cố gắng mỗi tháng viết cho Phượng một lá.

Phượng là "gái bên song cửa" nên không thể hiểu được cái chuyện khó khăn rất bình thường này của nhà binh. Nàng lại lãng mạng, đo tình yêu bằng những lá thơ nên thấy tự ái mình bị va chạm nặng nề. Những lá thơ trả lời của Phượng vì thế cũng lơi dần đi...

Rồi Trọng vào Thủ Đức, lò luyện thép gian khổ nhất và vĩ đại nhất của giống dân da vàng thời đó, thì giờ càng trở nên eo hẹp. Thậm chí đến việc đi ăn và đi... cầu mà cũng phải chạy vắt giò lên cổ thì làm gì có thì giờ ngồi viết thơ cho Phượng.

Một ngày, Trọng nhận được lá thơ của mẹ già. Mẹ viết: "Hồi con mới đi, Phượng ngày nào cũng đến chơi với các em con và thăm mẹ. Nhưng đã mấy tháng nay mẹ không còn thấy Phượng đến nữa. Mẹ hơi lo xa một chút, con đừng buồn. Mẹ không biết con có làm gì cho Phượng nó buồn không. Con ráng biên thơ thăm Phượng. Mẹ qúy nó lắm, nó rất là dễ thương..."

Trọng đang ngồi ôm cây M-16 gác tuyến một buổi chiều sau giờ học, đọc thơ xong, nhớ nhà, nhớ Phượng, bất giác hai hàng nước mắt rơi lả chả. Đồng thời, vốn là một kẻ ngang ngạnh bất khuất từ lúc nhỏ, Trọng cũng thấy tự ái mình bị tổn thương trầm trọng. Nếu người ta không còn yêu mình nữa thì thôi, mình không thể hạ mình để xin xỏ tình yêu. Nhất là cái thứ tình yêu bạc bẽo chỉ có trên đầu môi chót lưỡi kia...

Vài tuần sau, lá thơ tiếp theo của đứa em gái mới xé nát linh hồn Trọng: "Em thấy thầy Chương dạy toán hay đến nhà chị Phượng chơi luôn. Một lần gặp em chị ấy bảo thầy Chương chỉ là người quen trong gia đình... Em không dám nói gì vì em biết anh là lính xa nhà và nhà mình lại nghèo nữa... Em nói cho anh biết vậy thôi, mong anh đừng buồn và hãy ráng bảo trọng tấm thân..."

Trọng gấp lá thư, cười méo mặt lại: "Con nhỏ này thật ngây thơ. Tin sét đánh như vậy mà bảo người ta đừng buồn..." Nghĩ đến chuyện đã gần ba tháng chưa nhận được thơ Phượng, Trọng quyết định ngưng luôn thư từ với nàng.

Thật ra trong lúc đó, Phượng đang đau khổ vì tưởng Trọng lừa dối mình. Trọng bảo đi học 6 tháng sẽ về, bây giờ gần cả năm rồi mà chưa thấy tăm hơi gì cả. Thư cũng chẳng thèm viết về nữa.

Nhà Phượng quả có ông thấy giáo dạy toán tên Chương hay đến chơi thật nhưng trong nhà chỉ có bố Phượng thích ông này, ngoài ra chẳng ai ưa cả. Phượng biết mình. Phượng biết Phượng chỉ có thể yêu Trọng mà thôi. Nàng thường nói đùa với mấy đứa bạn cùng lớp: "Tao có nói với thầy Chương rằng, cũng như từ một điểm ngoài đường thẳng, người ta chỉ có thể vẽ được một đường thẳng thẳng góc với đường thẳng ấy và chỉ một mà thôi, trái tim tao chỉ có một hình ảnh Trọng và chỉ một mà thôi..."

Tuy yêu tha thiết nhưng vốn được bố mẹ nuông chiều từ thuở nhỏ, Phượng luôn luôn muốn được làm người quan trọng, muốn người ta phải năn nỉ mình, muốn được có quyền uy ngay cả với người mình đang yêu. Vì thế, tuy thư không thèm viết nhưng trái tim Phượng ngày nào cũng như chảy ra khi nghe thấy có tiếng xe Honda ngoài ngõ...

Rồi một ngày gần lễ giáng sinh, mẹ Trọng sang báo cho Phượng biết là: "Thằng Trọng mãn khóa rồi, thứ sáu này ra trường, thứ bảy nó sẽ về đây bằng máy bay quân sự..."

Phượng mừng quá khóc rưng rức. Sáng thứ bảy, nàng "quên hết hận thù" đến nhà bố mẹ Trọng để cùng ra phi trường đón Trọng. Cả nhà chờ mãi đến tối chẳng thấy Trọng đâu hết đành lên xe ra về.

Riêng Phượng, nàng không thể tha thứ cho Trọng cái tội này được. Nhưng nàng không biết rằng sáng hôm thứ bảy sau ngày lễ gắn lon, Trọng hí hửng xách hành lý ra trạm hàng không dân sự Tân Sơn Nhất để nghe một tin chết người: "Vì nhu cầu hành quân, các phi vụ chuyên chở hành khách thông thường đã bị hủy bỏ..."

Đáng lẽ chàng nên ra đón xe đò về Nha Trang liền thì không đến nổi nhưng chàng nán lại, hỏi người hạ sĩ quan hậu trạm về chuyến bay kế tiếp. Hắn bảo có thể chiều nay...

Cái "chiều nay" của hắn kéo dài đến... hai ngày. Có 10 ngày phép quí báu thì đã mất toi hết 2 ngày nằm chết dí một chỗ ở trạm hành không quân sự. Trọng đi ra đi vào lẻ loi buồn khổ như một bóng ma, chẳng ai để ý đến. Hoá ra cặp lon chuẩn úy vàng chóe trên cổ mất cả năm mới giật được đối với thiên hạ chẳng ra cái thá gì cả. Nhưng chàng cũng tự an ủi được phần nào khi nhìn thấy có vài ông trung tá đại tá cũng ngồi chờ méo mặt ra...

Quân đội thật là tàn nhẫn và rắc rối!

Mãi chiều thứ hai, lúc Trọng đã bắt đầu có ý định bỏ đi đón xe đò về thì người ta cho Trọng leo lên chiếc C-119 về Nha Trang.

Nhìn lại thành phố cũ sau một năm đã mừng, nhìn lại căn nhà cũ nơi mình đã sinh ra và lớn lên còn mừng hơn. Trọng bước vào qua hàng rào và chợt đau đớn nhận ra là nhà mình nghèo quá. Điều này phải đi lâu ngày về nhà mới nhìn thấy được. Trong khi các nhà hàng xóm chung quanh mọc lên nào trụ ti vi, nào xe gắn máy mới đậu trước nhà, nhà Trọng nước sơn nước gỗ vẫn y nguyên như từ thuở chàng lên tám.

Mẹ Trọng ngồi ngoài hiên, nhìn thấy con trai liền đứng bật dậy chạy ra cầm lấy tay Trọng vừa khóc vừa nói: "Con ơi, cả năm nay, chiều nào Mẹ cũng ra ngoài hè ngồi chờ con như thế này..."

Thấy nhà hoang vắng quá, Trọng hỏi:

- Bố đi làm chưa về sao mẹ?

- Về rồi chứ, nhưng bố mày phải đi chạy xe Honda ôm kiếm chút tiền để phụ với tao. Chạy xe thì mệt thật đấy và nhục nữa nhưng lương công chức như bố mày thì tiêu làm sao cho đủ...

Hai mẹ con cầm tay nhau bước vào nhà. Chàng thấy đồ đạc trong nhà chẳng có gì thay đổi. Sự nghèo khó thật khó mà giấu thiên hạ. Nghĩ đến bố mẹ chịu bao nhiêu cực khổ để nuôi nấng mình nên người, bây giờ khôn lớn mà chẳng giúp gì được gia đình lại phải sống xa nhà, hai hàng nước mắt của Trọng bất giác tuôn rơi đầm đìa.

Mẹ Trọng mắng:

- Con trai, mày về nhà không mừng tại lại khóc?

- Con khóc à?

- Không khóc thì sao mà mặt mũi đầm đìa nước mắt thế kia, có chùi đi không người ta nhìn thấy người ta cười cho. Lớn rồi, làm lính rồi mà cứ còn mau nước mắt...

Suốt buổi chiều hôm đó Trọng ở nhà không đi đâu cả. Trước cặp mắt ngạc nhiên của mẹ, Trọng săn tay áo ra múc nước lau nhà. Hết nhà ngoài đến nhà trong, Trọng lau sạch hơn cả em gái chàng. Xong rồi Trọng giặt thêm mấy thau quần áo, rửa chén và quay nước giếng đổ đầy mấy phuy. Mẹ Trọng ngồi trên sạp, nhìn con trai cười hỏi:

- Trường sĩ quan Thủ Đức dạy mày... chùi nhà và giặt quần áo đấy à? Tao nuôi từ nhỏ đến lớn có thấy mày động tới cái gì trong nhà này đâu. Tao biết người ta dạy hay như thế thì tao cho mày đi học làm sĩ quan lúc lên 10 tuổi.

Trọng cũng cười theo mẹ:

- Có quân trường lại dạy như thế, mẹ! Người ta chỉ dạy cách đánh giặc thôi. Suốt năm qua, sáng nào con cũng phải nhảy xuống đường mương để "chà láng" hai bên, rồi chùi cầu tiêu, làm đủ thứ việc mà con chưa bao giờ làm ở nhà. Con nghĩ bố mẹ cực khổ bao nhiêu năm để nuôi con nên người mà không dùng được, đến lúc đi lính lại được chính phủ xài tối đa nên con muốn làm vậy để trả chút công ơn sinh thành cho bố mẹ...

- Đi lính thế mà tốt. Tao sinh mày ra mấy chục năm nay có bao giờ nghe mày nói được một câu hiếu thảo như thế đâu...

Rồi cu Đán về, nhìn thấy Trọng chỉ nói được một câu "Anh về đấy à" xong là phóng tót lên xe đạp chạy mau như bị ma đuổi. Trọng biết nó đi đâu và mừng thầm trong bụng. Nó đi báo tin cho Phượng biết là Trọng đã về.

Nhưng chờ mãi đến tối mà Trọng chẳng thấy Phượng đến. Cu Đán ngồi trong một góc nhà tiu ngĩu. Trọng cũng muốn đi thăm Phượng nhưng thấy ngại. Xa nhà cả năm mới về chưa gặp đầy đủ mặt bố mẹ, ai lại bỏ đi thăm bồ bịch như vậy?

Chiều, Trinh, em gái Trọng về, nhìn thấy Trọng và nhìn thấy nhà cửa bóng tưng thì mừng quýnh lên. Mẹ Trọng bảo:

- Anh Trọng chùi nhà và giặt đồ hết cho mày rồi đó.

Trinh ra nhà sau và thấy quả đúng như lời mẹ nói. Em chạy lên, gạt nước mắt vừa khóc vừa mếu máo nói:

- Sao anh làm thế anh Trọng? Anh đi lính cực khổ suốt cả năm trời, về nhà có vài ngày không để các em hầu hạ, anh lại hầu hạ các em...

Mẹ Trọng cười:

- Cái nhà này hôm nay hay thật, hết người này khóc rồi đến người kia khóc...

Gần mười giờ đêm, bố Trọng dắt xe Honda vào ngõ, mặt mày bơ phờ, tóc rối bù. Nhìn thấy Trọng, ông hớn hở hỏi:

- Con về rồi đấy à. Ra trường được đổi đi đâu?

- Thưa bố con về sư đoàn 23 bộ binh.

Bố Trọng tròn mắt lại, khuôn mặt đang hớn hở bỗng méo đi, giọng ông thẫn thờ mhư người mất của:

- Nghĩa là mày sẽ đi lính bộ binh, lính đánh giặc?

- Vâng!

Ông lắc đầu, dựng xe lên, giọng cay đắng:

- Con bà Sáu bên này cũng ra trường cách đây mấy tháng nhưng lẹ mồm lẹ miệng thế nào chạy được về an ninh quân đội, con bác Sung trong sở tao cũng được ra truyền tin, một thằng khác vào không quân đi Mỹ đi Tây vù vù... Chỉ có con mình, khốn nạn, chẳng ra cái thể thống gì cả, đi cầm súng hứng đạn cho thiên hạ...

Mẹ Trọng gắt nhẹ:

- Ông này hay nhỉ? Con nó về không mừng sao lại mắng mỏ um sùm là thế nào?

Trọng không biết phải nói gì trong hoàn cảnh đó. Nào Trọng có muốn sống cuộc đời khổ cực của người lính bộ binh. Thậm chí đã xin về tiểu khu Khánh Hòa cho gần nhà mà cũng không được. Nhà nghèo không có tiền, không vây cánh, không quen biết lớn thì đành chịu chứ biết sao.

Bố Trọng đứng lặng một lúc rồi bước vào nhà, khuôn mặt chảy dài ra, lẩm bẩm trong miệng:

- Mẹ, chuẩn úy bộ binh thì ăn cái máu gì...

Mẹ Trọng lại gắt:

- Tôi xin ông! Ông nhìn thấy con đen đủi tội nghiệp đến như vậy ông không động lòng sao, cứ đay nghiến mãi...

Trọng nghe rõ những gì bố nói nhưng không cảm thấy buồn chút nào vì chàng hiểu bố. Bố chỉ thương con mà nói vậy. Làm cha ai cũng cầu mong cho con cái được sung sướng. Mà nghĩ cho cùng, bố nói đúng. Chuẩn Úy bộ binh thì ăn cái máu gì...

Mẹ Trọng dọn cơm, đưa cu Đán 50 đồng bảo ra đầu ngõ mua cho bố xị đế. Trọng ngồi bên cạnh bố, cố tìm một lời an ủi. Ông so đủa, nhìn con trai rồi rót cho chàng một cốc rượu nhỏ:

- Mày đi lính biết uống rượu không?

- Cám ơn bố, con xin mời bố mời mẹ sơi cơm...

Rồi Trọng nghẹn lời. Đã một năm qua, chàng chưa bao giờ được dịp nói như vậy.

Ba người lẳng lặng nâng chén đũa nhưng không khí nặng nề làm sao ấy. Riêng Trọng, chàng vờ vịt chan gắp cho mẹ vui lòng. Cơm không thể nào nuốt nổi. Nhìn cảnh nhà nghèo khó, cảnh bố chạy gạo lam lũ Trọng thấy mình không làm tròn bổn phận của người con trai lớn trong gia đình.

Uống gần hết ve rượu, bố Trọng lim dim đôi mắt. Men rượu làm thần kinh ông trở nên dịu dàng, những khó khăn của cuộc sống dường như tạm rời khỏi trí ông. Ông gắp một miếng thịt bỏ vào chén Trọng:

- Tặng cho con trai. Hồi chiều bố có nói gì con đừng buồn. Bố suy nghĩ lại, bố thấy bố hơi quá. Con ráng ăn đi, vài hôm nữa vào rừng không có mà ăn đâu con.

Trọng bỗng bỏ đũa, nhìn bố nghẹn ngào:

- Thưa bố, con xin lỗi bố.

Bố Trọng nhìn xéo con trai:

- Mày làm gì?

- Con xin lỗi bố vì con bất hiếu. Bố mẹ nuôi con cực khổ, bây giờ con đã lớn, nhà cửa lại sa sút mà con không được gần gũi để hầu hạ giúp đỡ bố mẹ, con thấy xót xa lắm.

Bố Trọng lim dim suy nghĩ một lúc rồi nắm tay con trai, nghẹn ngào:

- Con trai ơi, mày phải biết là ra đi đáp lời sông núi là hành động báo hiếu cao cả và có ý nghĩa nhất đấy con ạ.

Trọng nhìn bố. Lần đầu tiên trong đời, chàng thấy bố khóc. Hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn măt già nua, sạm nắng. Ông nhìn thẳng vào đôi mắt Trọng, giọng đau đớn nhưng quyết liệt:

- Có gia đình mà không còn tổ quốc thì có hơn gì những người khách trú, chỉ vì miếng ăn mà chỗ nào cũng sống được. Từ rày trở đi, con xa bố mẹ, trên bước đường chinh chiến, dù cực khổ hay nguy hiểm đến đâu con cũng phải nhớ lời bố con dạy như vậy...

Rồi ông đứng lên bỏ đi vào nhà trong. Trọng bắt ghế ra ngồi trước hiên nhà hút thuốc, nhìn sao trời lồng lộng, suy nghĩ mông lung về gia đình, về tổ quốc, về những lời bố nói...

Nhưng sự suy nghĩ nào của Trọng rồi cũng dẫn đến... Phượng. Nghĩ đến Phượng, chàng thấy lòng mình quặn đau. "Biết mình về mà sao nàng không thèm đến thăm mình nhỉ?" Nàng quên mình thật rồi... Trọng cứ suy nghĩ mãi như vậy cho đến khi lên giường đi ngủ. Ngày đầu tiên về nhà chàng cảm thấy thật khác với những gì mình đã mơ ước từ một năm nay...

Sáng hôm sau, Trọng ngồi uống cà phê và ăn xôi với mẹ. Mẹ bảo:

- Lát nữa con thay đồ đi thăm Phượng đi.

Trọng tính nói "Việc gì phải thăm người ta" nhưng nhìn ánh mắt van lơn của mẹ, chàng gật đầu. Gần trưa, Trọng dựng xe Honda trước nhà Phượng, bước từng bước một nặng nề vào nhà.

Mọi người vui vẻ chào mừng Trọng, nhưng chàng như đọc thấy được vài tia nhìn thương hại trong ánh mắt của người ta. Điều này làm Trọng bực mình.

Trọng ngồi ngoài phòng khách tán gẫu với mẹ Phượng, uống gần hết ly nước trà, Phượng vẫn chưa chịu xuất hiện. Chàng thấy bất mãn và tự ái bị tổn thương nặng nề.

Nếu Phượng không còn thương mình nữa, thì cũng tiếc gì vài lời thăm hỏi dành cho một người quen biết đi lâu ngày mới về?

Trọng đốt hết điếu thuốc, Phượng cũng chưa thèm ló mặt ra. Chàng ngồi thêm một lúc nữa rồi tự nhủ lòng mình: "Người ta đã không thèm tiếp thì thôi, nên về đi Trọng, đừng hạ mình chờ đợi lâu như thế..."

Thế là Trọng đứng lên kiếu từ, mẹ Phượng níu kéo bao nhiêu cũng không được:

- Cháu đến thăm bác và Phượng, rất tiếc Phượng bận. Xin phép bác cháu về, hôm khác cháu lại ghé...

Mẹ Phượng xoay vào trong nhà la toáng lên:

- Cái con phải gió này, tao thì quật cho mấy cái chỗi lông gà! Anh ấy đến chơi sao mày không ra tiếp...

- Thôi cháu xin chào bác...

Rồi Trọng xoay người bước mau ra cửa.

Thật ra, lúc ấy Phượng đang ngồi khóc âm thầm trong phòng. Nàng muốn bắt Trọng chờ dăm ba phút để phạt Trọng mấy cái tội. Tội thứ nhất, 6 tháng không thèm về như đã hứa. Tội thứ hai, không về cũng chẳng thư từ suốt 4, 5 tháng. Tội thứ ba, bắt nàng chờ suốt một ngày hôm thứ bảy ở phi trường. Và tội thứ tư nặng nhất, về nhà hôm qua mà mãi đến hôm nay mới thèm đến thăm Phượng...

Nhưng Phượng không ngờ Trọng nóng tính quá, bỏ về liền. Ngồi trong phòng, Trọng nói gì, mẹ nàng nói gì nàng nghe hết. Nghe hết và lòng quặn đau nhưng không thể ra được vì tự ái. Anh ấy đòi về mình mới chịu chạy ra là thua anh ấy rồi...

Suốt ngày hôm đó, Trọng chạy xe lang thang khắp thành phố rồi cuối cùng dừng xe ở bờ biển. Trọng kiếm một nơi vắng lặng, ngồi im lìm trên cồn cát hút thuốc lá lơ đãng nhìn sóng vỗ...

Về nhà chưa tới 24 tiếng mà đã có bao nhiêu chuyện thay đổi. Trọng chợt nhớ lại truyện của anh chàng Từ Thức mà chàng nghe được lúc nhỏ...

Anh chàng này đi chơi lạc vào cõi tiên chỉ có mấy ngày, lúc trở lại trần thế, thấy cảnh vật đổi thay, hỏi một cụ già mới biết là mình đã vắng mặt mấy trăm năm, những người cũ đều đã chết cả. Trọng nghĩ cái thành phố này với mình hình như cũng vậy thôi. Mình là Từ Thức tân thời chăng, sao thấy cái gì cũng thay đổi. Từ con người cho đến cảnh vật.

Tuy hứa với mẹ Phượng là hôm khác con trở lại nhưng cho đến ngày lên đường, Trọng chẳng bao giờ trở lại thăm Phượng. Phượng không biết Trọng chỉ ở nhà có mấy ngày, vẫn nhất quyết làm reo như những ngày còn đi học. Phượng cứ nghĩ "Trước sau gì rồi anh ấy cũng trở lại đây xin lỗi mình" như ngày xưa còn đi học. Hồi đó, cơn giận của Phượng có khi kéo dài đến hai tháng.

Sáng hôm ngày lên đường, Trọng gọi cu Đán vào, cho nó 500 đồng, đưa một phong thư:

- Em đem lá thơ này đưa tận tay chị Phượng...

Lá thư đó, Trọng chỉ nguệch ngoạc vài chữ:

"Anh đi. Hôm nọ, đến thăm em mà không được gặp. Anh ra đi mà lòng áy náy vô cùng, không biết mình sẽ phải làm gì nữa. Dù sao thì cũng chúc Phượng một mùa giáng sinh vui vẻ.

Không biết chừng nào anh mới được về lại Nha Trang.

Nguyễn Văn Trọng

Tái bút: Hình như, anh nhớ, đã có một thời chúng mình yêu nhau ghê lắm phải không Phượng..."

Chỉ có vậy thôi là Trọng biến mất khỏi thành phố, lầm lũi và âm thầm như một bóng ma. Chàng tự nhủ lòng mình chắc phải lâu, lâu lắm mình mới trở lại thành phố này...

Suy nghĩ miên man về mùa giáng sinh buồn năm đó mà Trọng dắt lính về đến gần nơi đóng quân lúc nào không hay. Đang để ý quan sát hầm hố của lính tráng thì Trọng bỗng nhìn thấy cha Thanh cùng mấy em đoàn hát nhà thờ hì hục đẩy một chiếc xe bò không có... bò kéo. Trọng tãi chiếc xe hình như nặng lắm nên năm sáu người đẩy, ai nấy cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Tới gần chút nữa, chàng thấy chiếc xe bò chất đầy đá xanh. Bánh xe sắt lún sâu xuống mặt đường đất.

Cha Thanh nói:

- Ráng lên chút nữa đi chúng con, chiều rồi, không khéo thì tối mất... A, chào anh Trọng, tưởng anh đã về rồi...

Chiếc xe bò bị chất quá trọng tải, cứ đứng yên một chỗ không thèm nhúc nhích. Một cậu thanh niên đề nghị:

- Hay mình đổ bớt đá xuống đi cha, nặng quá chắc đi không nổi.

Cha Thanh Đang chưa kịp trả lời thì đã nghe tiếng nói của đại đội trưởng trinh sát Nguyễn văn Trọng:

- Cha để chúng con giúp một tay...

Nói xong Trọng xoay người nhìn lính, chỉ tay vào chiếc xe bò, phất một cái rồi chạy tới kề vai vào thành chiếc xe bò đầu tiên. Lính của Trọng lột hết súng ống gom lại một đống cho hai người giữ, số còn lại ào tới vây kín chiếc xe, kề vai đẩy phụ.

Trọng hô to:

- Nào bây giờ tất cả nghe tôi đếm đây... Một hai ba... lên.

Chiếc xe bò nặng nề như được nhấc bổng lên khỏi mặt đất, đi tới trước, bánh xe đánh những vòng tròn đều đặn, kẻo kẹt.

Được một lần mấy chục "quới nhân" giúp đỡ bất ngờ, mặt cha Thanh tươi hẳn lên, luôn miệng nói: "Tốt quá, tốt quá, cám ơn mấy anh vô cùng..."

Trọng hỏi cha Thanh:

- Cha chở đá về xây nhà thờ mới?

Cha Thanh thở phì phò, cười:

- Không, tôi ở đây chỉ có hai tháng, làm gì có thì giờ xây nhà thờ. Cách đây mấy tuần, khi mới về đây, tôi để ý thấy một điều là làng này có nhiều người bị gãy chân và què tay...

Trọng thoáng lên một ý nghĩ đen tối: Thượng cộng đi đánh du kích bị phi pháo của ta chứ gì. Cha Thanh nói ngay:

- Không phải như anh nghĩ đâu. Lúc đầu tôi cứ tưởng vậy nên để ý tìm hiểu và một tuần sau chính tôi xém tí nữa thì bị gãy chân...

Trọng ngạc nhiên. Cha Thanh cười:

- Đơn giản lắm. Làng này có một con suối để cho người ta lấy nước và tắm giặt. Đường từ dưới suối lên đến làng là một cái dốc rất cao, rất nguy hiểm vì không điểm tựa lại trơn trợt. Bình thường muốn đi lên hay xuống phải cẩn thận lắm mới khỏi té. Trời mưa thì càng nguy hiểm hơn gấp bội phần...

Trong nhớ lại con suối nhỏ sau làng mà mình đã đi quan sát lúc nãy. Dưới cặp mắt nhà binh của Trọng, chàng chỉ quyết đoán được một điều là Việt Cộng không thể kéo pháo qua con suối được nếu không có cầu vì đứng trên nhìn xuống mà chàng đã thấy rợn người. Nếu lỡ trợt chân té xuống thì nhẹ là què tay gãy chân, nặng là có thể va đầu vào đá mất mạng như chơi. Nhưng cũng cùng một con suối đó, dưới cái nhìn của một con người có lòng từ bi bác ái thì lại thấy khác. Cha Thanh nhìn thấy sự nguy hại của dân làng.

- Vậy cha chở đá về để làm đường?

- Đúng! Tôi xin được tòa giám mục mấy xe đá, tính làm một con sạn đạo nhỏ thôi. Thật ra chẳng có gì khó, chỉ trải đá rồi đầm nó xuống là xong. Theo dự trù của tôi, làm lai rai đến lễ Noel thì phải xong con đường nhỏ này chẳng ngờ xe GMC chở đá vào đây bị mắc lầy, đành phải đổ đá xuống gần quốc lộ rồi từ từ khiêng vào.

- Sao cha không kêu dân làng ra giúp một tay?

- Mùa này đúng là mùa rẫy bái của họ, những người có sức lực đều ra đi từ lúc mờ sáng. Lúc nãy anh vào làng thấy trống trải chắc đã biết rõ...

Một ý tưởng hay thoáng qua đầu óc Trọng. Nếu mình kéo hết đại đội xuống đây thì mấy đống đá này sẽ được thanh toán trong vòng vài tiếng đồng hồ. Sau đó, nếu mỗi người một tay thì con đường sạn đạo sẽ được đắp không khó lắm...

Tối đó, Trọng tập họp đại đội lại, kể chuyện cha Thanh, chuyện con suối nhỏ và cho biết quyết định của mình cho lính nghe. Trọng kết luận:

- Anh em biết, chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ giáng sinh. Phong tục của lễ Giáng Sinh là người ta thường tặng quà nhau. Tôi đề nghị đại đội 45 trinh sát chúng ta đắp con đường sạn đạo tặng cho dân làng buôn Thraa. Những người Thượng miền núi này từ đây sẽ có một cái nhìn khác về người lính quân đội Việt Nam Cộng Hòa...

Lính tráng vỗ tay rần lên. Chàng ngạc nhiên, không ngờ những con người ngang ngược thô lỗ, bắn giết chuyên nghiệp đang đứng trước mặt mình đây lại có những trái tim đầy lòng nhân ái như vậy. Hóa ra, ở nơi mỗi con người, dù sống trong hoàn cảnh nào đi nữa vẫn còn có một tấm lòng.

- Rồi, anh em về chuẩn bị nghĩ ngơi và canh gác. Các trung đội trưởng ở lại gặp tôi để nhận chỉ thị đặc biệt. Tan hàng.

Hàng trăm cái miệng cùng la to lên, đầy hứng khởi, vang động cả núi rừng:

- Cố gắng!

Đại đội vừa tan hàng, Trọng đang ngồi phân chia công tác và bàn định địa điểm thả quân phục kích với mấy trung đội trưởng thì toán lính tiền đồn gọi máy báo cáo phát hiện một người mặc đồ đen đang tiến gần tới chỗ đóng quân. Trọng chụp ống liên hợp nói liền: "Chỉ thị của Cọp Đen: Tuyệt đối cấm nổ súng. Tôi lập lại, tuyệt đối cấm không được nổ súng trong bất cứ trường hợp nào. Cho người ra tiếp xúc rồi báo cáo."

Chàng moi óc suy nghĩ cố tìm hiểu xem tại sao lại có người muốn tới nơi đóng quân của mình vào lúc trời gần tối như thế này.

Một lúc sau, toán phòng thủ báo cáo người mặc đồ đen là "Cha Thanh". Cha Thanh muốn gặp Trọng.

Trọng mừng rỡ nhưng hơi lo lắng. Trời gần tối, cha Thanh đột ngột lên đây ắt phải có chuyện gì đặc biệt. Chàng đứng dậy móc cây Colt .45 nhét vào bụng, chỉ một ông trung đội trưởng:

- Anh, anh về liền lập tức cho trung đội anh chuẩn bị súng ống chờ lệnh điều động của tôi. Những người còn lại ngồi đây chờ tôi, lát tôi trở lại.

Rồi Trọng ngoắc tay cho người cầm máy đi theo mình. Hai thày trò lao nhanh xuống đồi...

Trọng nhìn thấy cha Thanh mồ hôi mồ kê nhể nhại đang vác trên vai một gói gì to tướng trên vai.

- Chào cha! Cha làm con muốn đứng tim.

- Chào anh Trọng, anh phải tha lỗi cho cái tội đường đột của tôi.

Trọng ra tới ngoài tuyến phòng thủ, bắt tay cha Thanh. Ông đưa cho Trọng gói đồ: -Hồi chiều bận quá nên quên, có một ít khô nai tôi muốn đem lên tặng anh em cho kịp trước bữa cơm tối. Mà mấy anh em dùng cơm chưa, tôi sợ trễ bữa cơm tối nay nên phải vội vã như vậy.

Trọng đỡ gói đồ, thấy nặng lắm, có thể gần hai chục ký. Chàng nghĩ đến đoạn đường dài với gói đồ nặng trên vai của cha Thanh mà thấy thương cho ông vô cùng.

- Cám ơn cha, tội nghiệp cha vì chúng con mà phải cực khổ như vầy. Mà cha bày vẽ làm gì... Mời cha vào thăm "nhà" của chúng con một chút...

Trọng giữ lại một ít khô còn bao nhiêu chia đều cho 4 trung đội trưởng, nói:

- Các anh nhớ nói cho lính biết là quà của cha Thanh đấy.

Lính dọn cơm cho Trọng vào cha Thanh ngồi ăn trong lều chỉ huy. Trọng hỏi:

- Cha uống bia được không?

- Được chứ!

Trọng bỏ mấy cục nước đá vào cái ca nhôm rót đầy ly bia rồi nói:

- Mời cha làm dấu.

- Cám ơn anh.

Trong căn lều thấp bé của bộ chỉ huy đại đội, một ông tu sĩ và một ông sĩ quan quân đội ngồi ăn uống rất rất tương đắc, cười nói luôn mồm.

Cha Thanh ngạc nhiên đến độ muốn đánh rơi cả chén đũa khi nghe Trọng nói ngày mai anh em trinh sát sẽ tình nguyện xuống khiêng đá làm sạn đạo để tặng cho dân làng buôn Thraa. Cha mừng quá đến nghẹn lời, không biết nói gì, cứ luôn miệng khen: "Thế thì tốt quá, thế thì tốt quá..."

Cơm xong, Trọng rót cho Cha Thanh ly nước trà.

- Các anh hay thật. Trong rừng trong núi mà vẫn chuẩn bị được những bữa ăn tươm tất như thế này, tôi quả thật không ngờ. Cứ tưởng lính tráng ăn uống kham khổ lắm.

Trọng cười:

- Thường thì không được như vậy nhưng hôm nay đặc biệt vì chúng con đựơc đóng quân gần thành phố, phải cố gắng "sống như người văn minh một lần cho biết..."

Câu nói của Trọng làm lòng cha Thanh chùng xuống. "Sống như người văn minh một lần cho biết". Cha nghĩ đến những người tuổi trẻ Việt Nam khác cùng tuổi Trọng giờ này đang du học ở ngoại quốc, những người tuổi trẻ khác đang hút xì ke, đang biểu tình và xuống đường ở thành phố... Than ôi, thật chưa bao giờ có một thứ tuổi trẻ nào đáng thương và bị đối xử bất công bằng tuổi trẻ Việt Nam...

Thấy cha Thanh có vẻ nghĩ ngợi, Trọng lại tự nhiên nghĩ đến cuộc đời của những vị tu trì như cha Thanh. Chàng không hiểu tại sao một người tuổi trẻ... hát hay, tài cao, đang học hành ngon lành ở bên Pháp, tương lai sáng rỡ bỗng tự nhiên từ bỏ tất cả đi làm linh mục để về đây coi cái làng Thượng nghèo hèn đầy Việt Cộng này...

Cha Thanh nhìn đồng hồ có vẻ muốn từ giã rồi nghiêm nghị nhìn Trọng nói:

- Anh Trọng, tôi lên đây gặp anh vì hai lý do. Trước hết, để tặng mấy anh một mớ khô nai, thứ nhì...

Trọng chờ đợi.

- Thứ nhì là tôi có một chuyện muốn nói với anh...

Cha thanh móc trong túi ra một bức hình đưa cho Trọng coi. Trọng đỡ lấy, nhìn thấy một phi công trẻ tuổi đẹp trai đang cười toe toét dưới chân một chiếc khu trục cơ Skyraider. Giọng cha Thanh trở nên bùi ngùi:

- Đó là di ảnh của cố Trung úy phi công Trần văn Toàn, anh ruột của tôi. Anh Toàn bị bắn rơi trong một phi vụ oanh tạc tại miền cao nguyên này, lúc tôi đang học sắp trở thành linh mục...

Trọng tá hỏa mặt mày. Từ lúc sáng đến giờ, chàng tuy lễ phép với cha Thanh nhưng luôn luôn coi cha là một người thuộc "phía bên kia". Không ngờ anh ruột của cha Thanh là một phi công đã hy sinh vì tổ quốc.

- Sáng nay, lúc nói chuyện với anh, tôi là một linh mục của buôn Thraa. Bây giờ, tôi là một người Việt Nam nói chuyện với anh...

Trọng kính cẩn hai tay nâng tấm hình trả lại cho cha Thanh.

- Tôi rất qúy anh tôi. Đúng hơn, tôi phải nói từ lúc nhỏ, anh Toàn là thần tượng của tôi. Lý do chính mà tôi xin về phục vụ ở miền cao nguyên đồi núi này cũng là vì anh Toàn. Tôi muốn hiến dâng đời mình để phục vụ thiên chúa ở một chỗ mà anh tôi đã hiến dâng đời mình cho tổ quốc...

Mắt cha Thanh buồn thăm thẳm:

- Trong phúc âm, Chúa nói rằng: Không có tình yêu nào lớn bằng hy sinh mạng sống cho người mình yêu...

Cha Thanh đứng lên, chìa tay ra:

- Chỉ có vậy thôi. Truyện này tôi chưa hề nói cho ai nghe, nhưng tôi nói cho anh nghe là vì tôi qúy anh. Sáng nay lúc nói chuyện với anh, tôi thấy anh có vóc dáng và điệu bộ hiên ngang của anh Toàn...

Trọng đứng dậy theo, bắt tay cha Thanh:

- Cám ơn cha đã cho con biết chuyện anh Toàn. Sáng mai mình gặp nhau ở bìa làng...

Sáng hôm sau, mặt trời chưa mọc Trọng đã cho đại đội tập họp, cắt toán canh gát, phân chia công tác rồi dẫn quân vác... xẻng cuốc ào xuống đồi. Cha Thanh đã chờ sẵn ở dưới với một bình cà phê vĩ đại...

Vài tiếng đồng hồ sau, tất cả mấy đống đá được thanh toán sạch sẽ, đem về chất thành từng đống trên bờ suối. Trọng hỏi ý kiến của một ông trung sĩ từng là thợ nề trước khi vào lính rồi cho ông ta đứng ra chỉ huy để làm đường.

Bắt đầu từ dưới bờ suối, đá được đóng sâu vào đất lần lần đi lên.

Tiếng đập đá, tiếng gọi nhau, tiếng cười nói vang lên rộn ràng như một cái chợ. Lính vừa làm việc vừa đùa giỡn với nhau. Một đứa khiêng đá, cao hứng ong ỏng hát: "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ... Ngồi mình trâu ta rờ sừng trâu, rồi ta bóp... dzú trâu..."

Nhiều người cười ồ lên. Cha Thanh cũng cười. Một đứa khác ca vọng cổ: "Em Lan ơi, hạnh phúc của đôi ta không phải là lầu son gác tía, mà chỉ là một túp lều tranh với hai cái hủ... vàng..."

Trọng phì cười. Hai hủ vàng thì mua được mấy trăm cái lầu son gác tía.

Lòng mọi người như tràn ngập một nỗi niềm hân hoan sung sướng vì một công việc bác ái nhỏ mọn. Trọng là người làm việc hăng nhất, đi đứng và chỉ chỏ luôn mồm. Lính tráng thấy thế, càng ra sức làm việc.

Chỉ một lát sau, dân làng buôn Thraa không biết từ đâu mò về. Họ vây quanh toán người làm việc to nhỏ nói chuyện với nhau. Tuy không hiểu được tiếng Thượng, nhưng Trọng nhìn thấy được những nỗi hân hoan trên khuôn mặt họ...

Chiều ngày hôm sau, tối trước lễ giáng sinh, công tác hoàn thành. Con đường rắn chắc, lớn và đẹp như trong một bức hoạ của miền đồng quê trong tranh. Lính khắc nguyệch ngoạc vài chữ vào một tấm biễn gỗ, đóng vào một thân cây: "Tòa GM Kontum và ĐĐ 45/TS, SĐ 23BB/QLVNCH thân tặng."

Trọng đứng nhìn con đường đá xanh bắt đầu từ dưới bờ suối chạy lên tới con đường mòn phía trên như người hoạ sĩ nhìn lại tác phẩm của mình. Lòng chàng rộn lên một niềm vui khó tả...

Tiếng tập hát của ca đoàn trong làng bỗng vẳng ra, lồng lộng trong gió:

"Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng..."

Trọng đốt một điếu thuốc, để cho lòng mình bay loãng theo tiếng hát và không hiểu tại sao, lại nhớ đến Phượng.

Nghĩ đến Phượng, lòng chàng như thắt lại. Hai năm sau ngày từ bỏ thành phố, Trọng lại trở về nhà. Lần trở về thứ nhì kể từ khi chàng đi lính...

Hai năm chiến trận của vùng rừng núi Tây Nguyên đã biến Trọng thành một thứ lính bộ binh dày dạn của chiến trường. Cọp Đen Nguyễn Văn Trọng đi đứng, ăn nói, làm cái gì cũng ngang tàng và dường như người lúc nào cũng tiết ra một thứ chất... chỉ huy.

Ngồi trong nhà, chàng nhìn thấy cảnh vật nhà mình vẫn nghèo hèn, không khí vẫn tiêu điều như ngày nào chàng ra đi nhưng lạ một điều là Trọng không còn thấy chua xót nữa. Hai năm qua, dọc ngang khắp nẻo đường quê hương, Trọng đã nhìn thấy quá nhiều gia đình sống khốn khổ nghèo hèn hơn nhà mình gấp mấy lần. Nước mình chẳng có được bao nhiêu gia đình giàu, còn đa số đều lầm than cực khổ cả.

Mẹ Trọng báo một tin động trời:

- Con Phượng sắp làm đám cưới rồi đấy con.

Trọng bình thản hỏi mẹ:

- Với ai vậy mẹ?

- Ông giáo Chương. Tao đã bảo mãi, thời buổi này mà không nhanh tay nhanh chân thì ở giá suốt đời con ạ. Tao quí con Phượng quá, tao tưởng mày với nó thế nào cũng thành thân được với nhau...

Trọng nâng ly bia uống cạn, đưa tay quẹt ngang miệng một cái:

- Con còn trẻ mà mẹ...

- Trẻ mà suốt đời cứ ở trong rừng thì làm sao mà lấy được vợ hở con?

- Mẹ cứ lo vớ vẫn...

Tuy miệng nói cứng nhưng lòng Trọng đang đứt từng khúc. Chàng ra đứng trước hiên nhà, nhìn lên trời cao và chợt nhớ đến một tấm hình poster nhập cảng. Tấm hình vẽ một cậu bé đưa hai tay ra thả con chim bay lên trời với hàng chữ: "When you love somethings, set it free. If it come back to you, it is yours. If it doesn't, it never was."

Câu văn tiếngAnh dài dòng nhưng có thể diễn nghĩa bằng một câu tục ngữ Việt Nam ngắn: "Giữ người ở, chẳng ai giữ người đi..."

Chàng tính lên xe Honda bỏ đi nhậu thì Trinh về. Em len lén nhìn mẹ rồi bảo nhỏ Trọng:

- Chị Phượng muốn gặp anh.

Trọng tái mặt, lòng dạ đau đớn bồi hồi. Gặp nhau làm gì nữa Phượng. Hết rồi. Đứa em gái tiếp luôn:

- Chị ấy... chị ấy khóc sưng cả mắt.

Trọng đứng lặng yên suy nghĩ một lúc rồi chẳng nói chẳng rằng, lừng lững bước ra đạp máy chiếc xe Honda.

Mẹ Trọng hỏi vọng ra:

- Con đi đâu thế?

Trọng trả lời thản nhiên:

- Đi uống rượu mẹ ạ, tối con về...

Chàng rồ ga chiếc xe, quay đầu bảo với em gái:

- Mày nói hộ với chị Phượng, tao không có nhà.

Chiếc xe Honda lao tới trước, tiếng động cơ gầm lên như một cơn cuồng nộ.

Trọng đang ngồi trong quán với đám bạn học cũ, uống vừa hết chai bia thứ năm thì nhìn thấy Phượng đột ngột bước vào quán. Nàng đẹp lộng lẫy như ngày nào nhưng buồn, buồn kinh khủng. Nhìn thấy Phượng, ngụm bia Trọng vừa uống xém phun cả ra ngoài. Mấy đứa bạn của Trọng chẳng lạ gì Phượng, nhìn Phượng rồi khó chịu quay mặt đi. Trọng cúi đầu, xoay xoay cái ly trong tay, tự hỏi không biết nàng đến đây để làm gì.

Phượng tới bàn Trọng, nhìn mọi người dịu dàng nói:

- Mấy anh cho phép Phượng nói chuyện riêng với anh Trọng một chút được không?

Không ai nói gì. Phượng nói tiếp, lần này giọng cương quyết hơn:

- Phựơng phải nói chuyện với anh Trọng. Mấy anh thông cảm cho Phượng.

Trọng hất đầu làm dấu. Đám bạn rời bàn đứng lên. Phượng cười ngay. Cũng nụ cười cũ, nụ cười đẹp rạng rỡ mà Trọng đã từng say đắm trong bao nhiêu năm. Phượng hỏi:

- Anh không mời Phượng ngồi sao?

Trọng tính nói "Tôi đâu dám mời vợ người ta ngồi" nhưng kềm hãm được. Dù gì đi nữa thì hai người cũng đã có thời yêu nhau. Trọng kéo cái ghế hơi xa xa:

- Mời Phượng.

Phượng kéo vạt áo dài ngồi xuống. Nàng để hai tay trên bàn, nghiêng đầu say đắm nhìn Trọng như nhìn một bức họa trác tuyệt nhất của trần gian. Mắt nàng mở to như muốn lấy hết những gì mình trông thấy. Trọng bối rối nửa như muốn tránh ánh mắt mềm dịu đầy yêu đương của nàng, nửa như muốn đón nhận nó cho bỏ những tháng ngày nhớ nhung cay đắng.

Một lúc thật lâu sau đó cũng chưa ai nói với ai lời nào. Hình như trong hoàn cảnh này, chỉ có sự yên lặng là tiếng nói hay nhất.

Rồi Trọng cắm một điếu thuốc vào môi, Phượng nhanh tay bật một que diêm cho chàng. Ánh lửa lóe lên, Trọng càng thấy Phượng đẹp lạ lùng.

Trọng ngần ngừ một giây rồi khom người tới che tay mồi lửa. Chàng thoáng ngửi được mùi nước hoa và mùi thơm da thịt dịu dàng từ người Phượng toát ra. Trọng thấy tâm thần ngây ngất. Chàng nhớ, gần mười năm trời, mình nghiện cái mùi này, không thể sống thiếu nó dù chỉ một ngày. Rồi lại nghĩ đến chuyện Phượng sắp lên xe hoa, tim chàng thắt lại.

Trọng hút một hơi thuốc, nhả khói lên trần. Phượng thổi tắt que diêm, ngồi yên ngắm Trọng hút thuốc lá. Nàng cũng nhận ra là từ lâu, mình nhớ cái hình ảnh này của Trọng.

Cả hai lại im lặng. Một lúc lâu sau, Trọng hỏi:

- Phượng sắp lấy chồng, đến đây gặp tôi không sợ thiên hạ đàm tiếu sao?

Phượng hỏi ngược lại:

- Anh khinh Phượng lắm phải không?

- Tại sao lại phải khinh?

- Anh đừng vờ vịt nữa. Vì Phượng đã phản bội anh. Anh Trọng, ngay cả Phượng còn tởm Phượng nữa, nói gì ai?

Trọng khựng người. Xưa nay Phượng nổi tiếng là một người con gái bạo dạn, ăn nói chẳng kiêng nể ai, nhưng chàng không ngờ Phượng lại bạo đến như vậy. Rồi bỗng Trọng nhìn thấy hai hàng lệ chảy dài trên mặt nàng. Giọng Phượng nhỏ lại, ấm ức:

- Anh đừng làm khổ Phượng nữa anh Trọng ạ. Anh thừa biết, dư biết, biết chắc và biết rõ rằng là trên đời này Phượng chỉ yêu mình anh mà thôi...

Trọng chớp mắt thật mau. Trái tim của con cọp đen lừng danh vùng tam biên bỗng chảy ra. Chảy mềm ra trước những lời nói gay gắt nhưng chân tình của người tình cũ. Bao nhiêu hận thù, bao nhiêu cay đắng từ mấy năm qua bỗng chìm mau xuống hết. Bất giác, Trọng đưa tay ra nắm lấy bàn tay Phượng, bàn tay mà đã gần bốn năm chàng chưa được nhìn thấy.

Phượng đưa hai tay ôm chặt lấy bàn tay của Trọng rồi cúi đầu, nói qua cơn thổn thức:

- Phượng phải lấy chồng vì Phượng đã có thai hai tháng...

Trọng chẳng có một phản ứng nào cả, cặp mắt chỉ trở nên buồn thăm thẳm:

- Với thầy Chương?

- Không phải thầy Chương đâu anh ạ, thầy Chương cao thượng, chỉ hy sinh lấy Phượng vì yêu Phượng. Chuyện này lỗi hoàn toàn của Phượng. Một tối Phượng đi ball, quá vui nên uống chút rượu với bạn bè, chẳng ngờ...

Mắt Trọng tóe lửa lên và thấy đau nhói trong tim. Tay chàng run lên từng hồi trong tay Phượng. Phượng nghẹn ngào tiếp:

- Thằng Dân con ông trưởng ty Công Chánh đó anh ạ. Sáng hôm sau, Phượng tỉnh dậy trong phòng ngủ với nó. Phượng đã trở thành đàn bà từ sau đêm hôm ấy...

Trọng rít khẻ qua hai hàm răng:

- Quân khốn nạn.

Phượng khóc lên rưng rức. Nhiều ánh mắt đổ dồn về phía hai người. Trọng ái ngại kéo ghế ngồi gần Phượng để che lấp cảnh nàng khóc. Trọng hỏi:

- Thầy Chương biết chuyện này?

Phượng gật đầu:

- Chỉ có thầy Chương và Phượng biết thôi.

Phượng nghiêng người sát vào Trọng, mân mê bàn tay chàng:

- Anh Trọng, chuyện buồn của Phượng, Phượng đã nói hết, anh có khinh Phượng không?

- Không em ạ. Lỗi không phải ở em. Lỗi ở thằng khốn nạn đã lợi dụng em.

- Anh còn yêu Phượng như ngày nào không?

Trọng gật đầu:

- Phượng hiểu lòng anh, anh yêu Phượng mãi mãi... nhưng mình đâu còn gì với nhau nữa để mà yêu với ghét Phượng.

- Anh có tha thứ cho Phượng không?

- Chuyện của Phượng, anh chẳng có quyền gì để tha thứ cũng như thắc mắc. Vì sao Phượng hỏi vậy?

Phượng nói chậm, rõ từng tiếng một:

- Nếu anh còn yêu Phượng và tha thứ cho Phượng, Phượng sẽ từ hôn với thầy Chương để chờ anh.

Trọng giật nẩy mình lên như ngồi trúng ổ kiến. Xưa nay, chàng cứ ngỡ thầy Chương may mắn lắm mới lấy được Phượng, bây giờ chàng mới đau đớn nhận ra rằng Phượng may mắn lắm mới lấy được thầy Chương...

Phượng nhìn Trọng chờ đợi. Nàng chờ đợi Trọng sẽ ôm mình trong vòng tay rồi cả hai đứa sẽ khóc đến hết nước mắt.

Nhưng trái với những gì nàng nghĩ, Trọng vẫn ngồi im bất động. Một lúc sau chàng cất giọng ôn tồn:

- Anh lính tráng cực khổ, thân mình lo còn chưa xong, chưa hề dám nghĩ đến chuyện lập gia đình.

Phượng bật khóc nho nhỏ, đau đớn:

- Phượng không cần biết! Phượng sẽ chờ. 10 năm, 20 năm, 30 năm... Phượng nói thật. Phượng từ hôn nhé anh Trọng, bây giờ vẫn còn kịp...

Trọng nhíu mày im lặng một lúc rồi dụi điếu thuốc đang hút, lắc đầu:

- Không Phượng ạ, anh nghĩ kỹ rồi, hãy coi như hai đứa mình vừa nhỡ chuyến tàu cuối.

- Chả có tàu bè gì ở đây cả. Phượng yêu anh, Phượng chỉ biết vậy.

Trọng buông tay Phượng ra, kéo ghế ngồi lui ra sau, lắc đầu chậm rãi:

- Không được Phượng ạ.

- Vì sao?

- Vì trong hoàn cảnh này chỉ có mình anh khổ. Nếu Phượng từ hôn, mọi người đều khổ, kể cả Phượng. Anh bảo đảm Phượng sẽ quên được anh trong vòng không tới một năm. Riêng anh, dù không lấy được Phượng, anh sẽ không bao giờ quên được Phượng hết. Anh sẽ yêu Phượng suốt đời. Nhưng bây giờ... Vĩnh Biệt Phượng...

Phượng ngã người ra sau, nhắm mắt lại như không thể tin được những gì mình vừa nghe. Rồi giọng nói của Trọng bỗng trở nên lạnh lùng:

- Chị... Chương, chị có 5 phút đồng hồ để rời khỏi bàn này. Tôi cho chị 5 phút đồng hồ để chuẩn bị. Đúng 5 phút.

Giọng nói Trọng sang sảng và oai vệ tựa hồ đang hô quân ào ra mặt trận. Phượng giận tái mặt lại, quắt mắt nhìn lên. Vừa tính mở miệng thì nàng khựng người lại vì thấy mặt Trọng đã chan hòa nước mắt. Đôi mắt chàng sâu thăm thẳm và buồn đến chết người. Tuy vậy, giọng nói của Trọng vẫn sang sảng qua màn lệ:

- Chị Chương, chị ngồi lâu quá như thế này không tốt. Chị biết miệng người đời mà. Một phút qua đi rồi đó, tôi nhắc lại là chị chỉ còn 4 phút nữa để chuẩn bị rời bàn...

Phượng ngần ngừ một chút rồi đứng dậy, mắt long lên, mặt tái nhợt:

- Em xin tuân lệnh trung úy, em đi. Nhưng em cũng muốn nói cho trung úy biết một điều, là trung úy chỉ là một thứ quân tử tàu... dở hơi và hết thời, trung úy chỉ là một thứ giả hình ngu si dốt nát, trung úy ngu như con bò, trung úy vụng về như con vịt, trung úy bất lực như con kiến...

Nói đến đây nàng bật khóc. Trọng co người lại, như những ngày dài chàng đã từng ngồi co người nghe pháo của địch rớt ngay trên miệng hầm ở trận Dak To.

- Chị còn 3 phút nữa, chị cứ tiếp tục, tôi đi lính chịu... pháo quen rồi...

Phượng ngưng chửi, đưa hai tay lên bưng lấy mặt. Một lúc sau, nàng bỏ tay xuống, nước mắt lưng tròng:

- Phượng còn mấy phút nữa?

- Đúng một phút.

Phượng thở dài. Yêu nhau mười năm, tưởng sẽ sống với nhau trọn đời, ai ngờ chỉ còn lại một phút đồng hồ ngắn ngủi với nhau. Phượng bỗng cúi người đưa hai tay ra ôm lấy mặt Trọng đặt một cái hôn bất ngờ lên môi chàng. Môi nàng ướt đẫm nước mắt. Trọng ú ớ không nói lên lời. Phượng giữ khuôn mặt Trọng trong hai tay mình, nhìn sâu vào đôi mắt u buồn, bùi ngùi nói:

- Anh Trọng, anh muốn vậy cũng được. Trước khi đi Phượng chỉ xin nói với anh một điều...

- Nói đi Phượng!

- Phượng sẽ còn yêu anh mãi mãi. Vĩnh biệt anh Trọng...

Rồi nàng buông tay, xoay người bước ra, thểu nảo và tuyệt vọng như một người vừa đánh mất tất cả. Trọng nhìn theo Phượng, ruột đứt ra từng khúc với từng bước chân của nàng...

Chàng biết rằng từ đây, mình sẽ không còn bao giờ yêu được người con gái nào như đã yêu Phượng.

"Vĩnh biệt Phượng, Phượng cũng nên nhớ cho rằng dù gì đi nữa thì anh vẫn mãi mãi yêu Phượng..." Trọng nói nhỏ như vậy và rót thêm bia vào ly.

Một thằng bạn của Trọng kéo ghế ngồi xuống, nhìn theo Phượng phê bình tự nhiên: "Con nhỏ này dữ như bà chằng lửa. Rồi mày coi, nó sẽ tròng cái quần sì líp vào đầu thầy Chương mà nó kéo như người ta kéo xe bò..."

Trọng nhún vai không nói gì, xoay đầu vào phía tối để che dấu hai giòng nước mắt đang chảy ràn rụa trên má...

° ° °
Không ngờ con đường sạn đạo thành công ngoài sức tưởng tượng của Trọng. Cách đối xử của dân làng buôn Thraa với lính quốc gia bây giờ khác xa những ngày trước. Lính Trọng cũng cảm thấy thân thiện và tự nhiên hơn với những người dân trong làng. Hai bên vui vẻ chuyện trò. Lính đem đồ hộp thuốc lá ra đổi lấy thổ sản của dân làng. Không đồng ngôn ngữ nên tiếng mặc cả, tiếng cười vang lên cả một vùng. Không khí vui nhộn.

Đêm giáng sinh, ai muốn đi lễ Trọng dắt theo hết. Nhiều đứa ngoại đạo, nghe cha Thanh tập hát hay quá cũng đi theo để nghe hát.

Cha Thanh mừng rỡ lắm vì có thêm một số con chiên bất ngờ, cho làm lễ ở ngoài trời. Đèn đuốc thắp lên sáng trưng cả một vùng. Hơn một nửa số con chiên là lính của Trọng

Lễ bắt đầu, ca đoàn hát: "Hội nhạc thiên quốc đắm say nghiêng quỳ, dứt cung nhạc thấy im lặng chín tần... Khi nghe kề bên nôi hèn chúa đây, tiếng Đức Mẹ cất lên nhẹ hát mừng..."

Tiếng ca thánh thót giữa vùng trời Trường Sơn lồng lộng gió. Đứng chen lẫn với đám dân làng Thượng, Trọng kéo cao cổ áo jacket cho bớt gió, lòng dâng lên một niềm hạnh phúc không thể nào cắt nghĩa được. Một cảm giác êm đềm ấm cúng bao phủ lấy toàn thân.

Trọng cất tiếng hát theo ca đoàn: "Vừa nghe kề sát nôi hèn, tiếng Mẹ nhẹ hát êm đềm. Vừa nghe kề sát nôi hèn, êm ái giọng mẹ ru con..."

Trọng hơi tiếc vì cha Thanh giảng bài bằng tiếng Thượng, chàng chẳng hiểu gì. Nửa chừng, cha ngừng rồi tất cả dân làng cùng quay nhìn Trọng vỗ tay. Trọng và lính chẳng biết gì cũng vỗ tay theo. Mọi người cười ồ và vỗ tay to hơn nữa. Cha Thanh nói: "Tôi xin đại diện dân làng buôn Thraa cám ơn Trung Úy Trọng cùng đại đội 45 trinh sát đã làm cho chúng tôi con đường sạn đạo. Đó là một món quà ý nghĩa của quân đội vào dịp lễ Giáng sinh này. Nó sẽ trở thành một dấu tích của tình thương khó mà phai lạt được trong lòng những người dân buôn Thraa..."

Trọng lúng túng đến độ tội nghiệp để tìm cách đáp lại những lời khen tặng.

Gần cuối lễ, cha Thanh đọc: "Xin Chúa đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Để nhờ lượng từ bi chúa nâng đỡ, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi mọi nguy hiểm và được yên ổn khỏi mọi biến loạn. Vì công nghiệp vô cùng của chúa Giê su Ki Tô con Thiên chúa là chúa chúng con.... Amen."

Tiếng ca lại cất lên: "Cao cung lên, khúc nhạc thiên thần chúa, hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương..."

Trọng làm dấu thánh giá, lòng tràn ngập hạnh phúc. Thứ hạnh phúc tuyệt đối của trời cao, của cõi bất diệt. "Xin Chúa đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Để nhờ lượng từ bi chúa nâng đỡ, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi mọi nguy hiểm và được yên ổn khỏi mọi biến loạn..." Đời mình nhiều biến loạn quá, tuổi trẻ Việt Nam nhiều biến loạn quá. Biến loạn của nạn cộng sản, của đao binh, của sự nghèo đói, của sự bất công, của nạn tham nhũng...

Tiếng ca tiếp tục, thánh thoát: "Ôi đê mê, lắng nghe thoang thoảng cung đàn, một đêm khuya vang, lặng trong tuyết sương... Đàn ơi, cứ rung những điệu réo rắt, hát khen con một chúa trời, người sinh xuống cõi đời, hỡi người dương thế, lặng nghe cung đàn..."

Giữa những biến loạn và khó khăn chồng chất đó, tuổi trẻ Việt Nam, người Việt Nam đã sống, vẫn sống vẫn chiến đấu và tồn tại như luôn luôn "Được thoát khỏi mọi biến loạn..."

Tiếng ca tiếp tục lồng lộng trong gió, như bay tuốt lên trời, như chôn kín lòng người vào trong một cõi hoan lạc đắm say: "Thôi hỡi trần gian, im tiếng đi mà tôn kính, chúa con sinh ra trong máng cỏ hang lừa, tuy chúa là vua muôn nước suy phục tôn kính, chúa con ra đời trong máng cỏ hang sâu..."

Bài hát dứt, mọi người im lặng từ từ tản mác. Không khí bỗng trở nên linh thiêng trầm mặc. Trọng quỳ ngay xuống đất, làm dấu cầu nguyện lần cuối. Suy nghĩ mãi, Trọng thấy mình tuy không hạnh phúc đầy đủ lắm, nhưng giữa một quê hương đầy bất hạnh và khốn cùng, chàng thấy mình quá đầy đủ, chẳng biết cầu xin gì nữa trong đêm thánh này. Cuối cùng chàng chỉ cầu: "Xin chúa cho quê hương đất nước con sớm được thanh bình..."

Trọng tính làm dấu đứng lên thì hình ảnh Phượng lại xuất hiện nhập nhòe trong tâm trí, liền cầu xin tiếp: "Xin cho Phượng của con có được bình an trong tâm hồn để sống..."

Trọng làm dấu đứng lên. Phải, được "Bình An Trong Tâm Hồn" mới là chuyện quan trọng nhất. Từ lúc có trí khôn, Trọng chưa bao giờ thấy tâm hồn mình được bình an và nhẹ nhàng như tối nay, trong đêm Thánh này...

° ° °

Bây giờ, nếu ai ghé qua miền Tây Nguyên, đến một cái làng buôn Thượng cách thành phố Kon Tum chừng 40 cây số về hướng Tây Bắc, người ta sẽ còn nhìn thấy con đường sạn đạo do đại đội 45 trinh sát của sư đoàn 23 bộ binh làm bắt đầu từ dưới suối lên...

Tấm biễn gỗ khắc "Tòa GM Kontum và ĐĐ 45/TS, SĐ 23 BB/QLVNCH thân tặng" đã bị kẻ chiến thắng gỡ xuống quăng đi mất rồi.

Người ta tưởng rằng hễ ném tấm biển đó đi là có thể xóa nhòa được "dấu tích tình thương" của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong lòng người dân. Người ta cũng tưởng rằng hễ cứ lăng mạ đạo quân bất hạnh đó, chà đạp nó, nhận nó xuống đáy bùn nhơ là nó sẽ trở thành dơ dáy bẫn thĩu như ý mình muốn.

Những kẻ chiến thắng đã lầm.

Dù ai có làm gì đi nữa, dân biết, trời biết, cả thế giới này biết đạo quân bất hạnh với một triệu người đã ngã gục dưới cờ không phải là một thứ lính đánh thuê tàn bạo như đã bị vu khống xuyên tạc. Ở mỗi một con người trong đạo quân đó, là một tấm lòng, một trái tim nhân ái, một đầu óc biết suy nghĩ và biết xót thương, một mối tình yêu thương gia đình, yêu thương tổ quốc vô bờ bến...

Tuyên truyền, hạ nhục, vu khống là sở trường của những người cộng sản, nhưng, tại sao 16 năm sau ngày chiến thắng, họ còn cay cú đến độ đưa ra một chương trình qui mô để hạ nhục một đạo quân đã thất trận và đàn áp thẳng tay các tôn giáo? Phải chăng, những người chiến thắng đã bắt đầu nhận ra rằng dân chúng hai miền sắp sửa đứng lên để tiêu diệt họ?

Trường Sơn Lê Xuân Nhị
New Orleans 11/8/1991
Mùa Noel 1991

1 comment:

  1. Hay quá, đọc mà chảy nước mắt. Cám ơn Bác đã viết 1 bài viết tuyệt diệu trong bầu không khí lạnh của mùa Giang Sinh lại về với chúng ta và nhân loại. Xin Bác giữ gìn sức khỏe trong mùa đông, các Niên Trưởng lần lượt ra đi !!!.

    ReplyDelete