Pages

Sunday, December 4, 2016

Phiếm Đàm: Chữ Nghĩa và ...Vạ Miệng! - BS Nguyễn văn Danh


Trong xã hội, từ ngàn xưa, nhu cầu giao tiếp giữa con người với nhau luôn là cần thiết trong cuộc sống. Từ đó các ngôn ngữ trên thế giới cũng dần dần xuất hiện và ngày càng hoàn thiện và phong phú giúp con người dễ dàng xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên dù muốn dù không, mỗi ngôn ngữ đều có sự hạn chế của nó về từ cũng như về ý nghĩa. Điều này thường lệ thuộc vào từng cách dùng, từng đối tượng, từng trường hợp, từng tình huống và quan trọng nhất là tương quan tình cảm giữa ngưới nói (viết) và người nghe (đọc) bởi lẽ nếu không phân tích kỹ các yếu tố trên người nghe đôi khi dễ bị chạm tự ái, dễ bị hiểu nhầm và từ đó sinh ra những hệ lụy không hay trong những giao tiếp về sau...

Trước hết ta hãy thử lướt qua cách dùng đại danh từ “you” trong tiếng Anh và “vous”, “tu” trong tiếng Pháp ! Ở trường hợp này ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác nhau lớn lao về cách dùng giữa tiếng Việt và 2 thứ tiếng kia : Trong khi tiếng Pháp chỉ có 2 từ (vous, tu) thậm chí chỉ có một từ duy nhất ở tiếng Anh (you) thì tiếng Việt ta lại có hàng chục từ dùng để gọi tùy theo trường hợp và tình huống, và nếu không sử dụng chính xác sẽ gây nhiều hiểu lầm đáng tiếc đôi khi còn nguy hiểm nữa! 

Một thí dụ điển hình : khi một người thanh niên muốn làm quen với một thiếu nữ lần đầu, tiếng Anh thì thoải mái (vì chỉ có một từ “you”) song tiếng Pháp lại có đến 2 : “vous” khi mới gặp nhau và chưa đến độ thân mật, một thời gian sau, khi tình cảm đã chín muồi thì bắt đầu chuyển từ “vous” sang “tu”, nếu hấp tấp dễ bị mắng và mất người yêu lắm đó. Tiếng Việt thì quá phong phú song cũng nên cẩn thận, mới đầu thì ... “chị ở đâu ?” “ấy...”, “bạn...” và khi dần dần quen thân thì đổi “tông” sang gọi tên, và ... “em”, sau khi cưới xong thì ..”mẹ Tủn”, “bà”, “cô” và nếu ...càng về sau cuộc sống gia đình không hạnh phúc (cơm không lành canh không ngọt) thì đôi lúc cũng “mày , tau” !!! Trong khi đó, tiếng Anh thương lắm cũng “you” mà ghét lắm cũng ... “you” ! Thế đấy, cấp độ và cung bậc tình cảm thay đổi nên tiếng Việt có đủ từ để thể hiện trong khi tiếng Pháp và tiếng Anh thì khó diễn đạt một cách trung thực qua từng giai đoạn và tình huống tinh cảm !

Tuy nhiên đôi khi thật khôi hài, tiếng Việt thì nhiều song người ta lại cố ý “..hà tiện” nên không dùng, mà chỉ lựa có một từ duy nhất là “anh” để chỉ tất cả mọi người từ tuổi teen cho đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, không tin bạn cứ thử vào một nhà hàng, một quán karaoke, một quán massage sẽ thấy các nàng làm việc tại đó gọi khách đàn ông như thế nào. Tôi thiết nghĩ nếu các nàng không gọi ai cũng là “anh” cả thì chăc sẽ sớm bị cho thôi việc !!! Đó là chỉ mới nói đến cách xưng hô mà tiếng Việt mình đã gây biết bao lúng túng cho người muốn học tiếng Việt huống gì cách diễn đạt và cách dùng từ ở một số trường hợp dựa trên văn hóa và truyền thống của người Việt nam !

Hồi xưa Ông Cha ta thường có thói quen và tục lệ đặt tên xấu cho những đứa con khó nuôi với hy vọng ma quỷ sẽ chê tên xấu đó mà không bắt: nào là Tủn, Cứt, Chó, Hĩm, Mắm, Mực, Lõn, Ỉn, Cún..v,v thậm chí có nhà đặt tên con gái là ” L...n” nên mới có chuyện khôi hài sau đây : Nhà nọ có đứa con gái khó nuôi nên đặt tên con là L...n, song con bé cũng không tránh khỏi một cơn bạo bệnh và mất sớm. Thời gian dần trôi, mẹ cô bé L...n sang chơi nhà hàng xóm, thấy cô Thớt đang nấu ăn giúp mẹ, Bà chép miệng tiếc rẻ nói với mẹ cô Thớt : “Tiếc thật! Tôi mà còn cái L...n thì giờ này nó cũng phải to bằng cái Thớt nhà bà rồi !” (dĩ nhiên chuyện này xảy ra ở miền Bắc!). Như vậy việc đặt tên xấu cho con rõ ràng là người đặt không muốn con mình sẽ như vậy, cũng hệt như thường ngày ta cũng bắt gặp đó đây có những câu nói nghe ra thì có thể làm phật lòng người nghe song ý lại tốt (ý tại ngôn ngoại!) ví dụ như trong một bàn tiệc của bạn bè với nhau có một người lên hát vừa về vui vẻ hỏi “Moi hát hay không?” thì có người cũng vui vẻ khôi hài lại để chọc quê : “đồ hát như con kẹc !”, câu nói này thật sự phải hiểu là một câu bông đùa giữa các bạn thân với nhau chứ thật ra không có ý xấu gì với bạn mình cả, và phải nghĩ rằng trong tình huống bạn thân nhau lắm mới có những câu này! 

Cũng vậy, bản thân tôi còn nhớ về bà ngoại mấy cháu khi còn sống, bà có tính hay bông đùa dầu đã trên 80 tuổi , một lần vào dịp đầu năm khi con cháu quây quần mừng tuổi bà để được bà phát bao tiền lì xì, tôi giả vờ chưa có và xin bà phát cho một cái nữa thì bà vui vẻ buông 2 chữ “Cục c..’t !” làm tôi vẫn nhớ mãi vì nghe sao mà thân thương và trìu mến vậy ! Cũng thế, tôi có một người bạn, sau khi trao đổi, chọc nhau và quậy nhau trên tin nhắn, anh ta kết thúc bằng “Ông cố nội cụ !”, ôi nghe sao mà dễ thương và thân mật tình bạn bè ! Hoặc một anh bạn làm hướng dẫn viên du lịch luôn mở miệng khi gặp nhau bằng từ “Đ...M” như một lời chào hỏi vui mừng ! Nếu cứ hiểu và xem như là nghĩa đen thì quá hẹp hòi và dễ sinh ra hờn giận ! Có thể xem đây là những câu nói yêu (như người ta thường nói tát yêu vậy !) được nói ra khi người nói muốn thật sự bày tỏ một cách chân thật tình cảm của mình.

Đúng là tiếng Việt đôi lúc “nói dzậy mà không phải dzậy” như lời trong một bài hát “con gái nói không tức là có, nói có tức là không” vậy ! Vậy thì, lúc ra đường, bạn bè đi ngược chiều hỏi “Bạn đi đâu đó?” thì đừng có thật thà mà trả lời nơi chốn mình đang đi tới, mà thật sự đây đôi lúc đơn giản chỉ là một câu chào đồng nghĩa với “bonjour” trong tiếng Pháp hoặc “good morning” trong tiếng Anh !

Và cuối cùng, xin nói nhỏ với các bạn sắp đi nước ngoài. hãy coi chừng khi ở Việt nam, nếu bạn phải bật miệng khen một bà cụ già trên 80 tuổi vẫn còn ngồi thêu đan thì được, nhưng ở nước ngoài thì có lúc tác dụng ngược trở lại vì sẽ làm buồn người được bạn khen ! Mới hay việc đồng cảm chỉ có khi hai quả tim thật sự cùng nhịp đập !

BS Nguyễn văn Danh  

No comments:

Post a Comment